Giáo dục ý thức pháp luật cho cán bộ cơ sở miễn núi phía bắc


Ý thức pháp luật là một hình thái của ý thức xã hội, phản ánh tồn tại xã hội từ góc độ pháp luật. Nó thể hiện tri thức và sự đánh giá về tính công bằng của những quy tắc được chấp nhận trong xã hội, về quyền hạn và nghĩa vụ của các thành viên trong xã hội, tính hợp pháp hay không hợp pháp của hành vi con người trong xã hội có giai cấp.

 Đội ngũ cán bộ cấp cơ sở khu vực miền núi phía Bắc là lực lượng giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện, vận dụng, bổ sung, kiểm nghiệm đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong thực tiễn, là cầu nối quan trọng giữa Đảng với nhân dân. Vì vậy, đòi hỏi cán bộ cấp cơ sở khu vực miền núi phía Bắc phải có trình độ, kiến thức về các quy phạm pháp luật hiện hành, thái độ tôn trọng đối với pháp luật và hình thành ý thức phù hợp với yêu cầu pháp luật, có sự đánh giá và phản ứng đúng đắn đối với các hành vi pháp luật.

Hiện nay, trước những tác động từ tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ở khu vực miền núi phía Bắc, ý thức pháp luật của cán bộ cấp cơ sở hiện nay chưa tương xứng với hệ thống pháp luật. Điều đó xuất phát từ các nguyên nhân sau:

Một là, cán bộ cấp cơ sở ở khu vực miền núi phía Bắc chưa có sự chủ động, tự giác và tích cực trong việc tiếp nhận những tri thức, hiểu biết về pháp luật để nâng cao ý thức pháp luật. Mặt khác, sự am hiểu, thái độ và hành vi chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở khu vực miền núi phía Bắc còn thấp nên trước các tình huống, hiện tượng pháp lý xảy ra trong thực tế ở địa phương, có thể có hành vi, biện pháp xử sự một cách lúng túng, cảm tính, dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.


  Cán bộ đồn biên phòng Patần, Sìn Hồ, Lai Châu. Ảnh Đức Duẩn

Hai là, do thói quen, lối sống, tập tục sản xuất nông nghiệp lạc hậu đến mặt bằng dân trí còn thấp, điều kiện kinh tế xã hội ở địa phương còn nhiều khó khăn, bị ảnh hưởng một số yếu tố tâm lý, văn hóa truyền thống. Đặc biệt, thiếu hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành luật pháp còn thấp, chế tài luật pháp chồng chéo, thiếu đồng bộ, chưa thực sự đi vào đời sống. Bởi vậy, cần nâng cao trình độ dân trí để nâng cao ý thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Trong những ngày đầu của chính quyền nhân dân, chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí” (1), cơ sở xã, phường, thị trấn mạnh hay yếu phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, họ chính là những người đem chính sách của Đảng, Nhà nước tuyên truyền đến dân chúng, giúp họ hiểu rõ và thi hành.

Ba là, chính sách pháp luật và hệ thống pháp luật ở nước ta đang trong quá trình hoàn thiện và phát triển. Hàng năm ở nước ta có đến hàng chục đạo luật mới và hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật dưới luật được ban hành. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật của các cơ quan nhà nước chỉ được thực hiện một cách đại khái, qua loa, mang nặng tính hình thức nên chưa mang lại hiệu quả cao. Công tác phổ biến và giáo dục pháp luật của các cơ quan chức năng Nhà nước chưa tạo thành phong trào, cách thức hoạt động còn nghèo nàn, nội dung chưa phong phú… Một số những bộ luật, đạo luật mới được ban hành nhưng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở khu vực miền núi phía Bắc chưa được biết đến.

Bốn là, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ cấp cơ sở khu vực miền núi phía Bắc chưa cao. Một trong những nguyên nhân chủ yếu làm giảm sút hiệu quả của vấn đề nâng cao ý thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở khu vực miền núi phía Bắc là hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở còn hạn chế, bất cập.

Từ những vấn đề nêu trên, cần thiết phải đổi mới phương pháp phổ biến, tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở khu vực miền núi phía Bắc:

Thứ nhất, nâng cao ý thức pháp luật thông qua việc phổ biến, giải thích, giải đáp pháp luật qua các phương tiện thông tin tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở phải đầy đủ, kịp thời, chính xác, cần cụ thể hóa các văn bản pháp luật để các văn bản này gắn bó thiết thực với đời sống của nhân dân. Đảng ta cũng nhấn mạnh “triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật, huy động các lực lượng đoàn thể, chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia các đợt vận động thiết lập trật tự, kỷ cương và các hoạt động thường xuyên, xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong các cơ quan nhà nước và xã hội” (2).

Thứ hai, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ pháp luật. Đội ngũ này phải đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Về hình thức và biện pháp tuyên truyền pháp luật cần phong phú, hấp dẫn, các nội dung lý thuyết cần lồng ghép vào các tình huống ở cấp cơ sở.

Thứ ba, tăng cường các chương trình phổ biến, nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ cấp cơ sở khu vực miền núi phía Bắc, quy định trách nhiệm cán bộ cấp cơ sở phải thường xuyên cập nhật pháp luật. Ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống thông tin pháp luật vào các hoạt động liên quan đến nội dung giáo dục pháp luật để cán bộ cấp cơ sở tiếp cận với pháp luật kịp thời, chính xác.

Thứ tư, tăng cường phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác giáo dục pháp luật cho cán bộ cấp cơ sở khu vực miền núi phía Bắc của hệ thống chính trị ở cơ sở; đẩy mạnh hoạt động trao đổi, thảo luận, tranh luận giữa cán bộ tuyên truyền với cán bộ cấp cơ sở, giữa các cán bộ cấp cơ sở với nhau dựa trên các tình huống pháp luật nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của công tác này.

Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát những vi phạm kỷ luật, pháp luật của cán bộ cấp cơ sở để phát hiện những vướng mắc, sai sót từ đó có sự chỉ đạo kịp thời; kiên quyết đấu tranh mạnh mẽ với những thông tin do các thế lực thù địch, phản động tung ra với mục đích xuyên tạc, bịa đặt, bất lợi cho pháp luật nhằm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với pháp luật và các cơ quan thực thi pháp luật.

____________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.36.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.241.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 397, tháng 7 – 2017

Tác giả : TRẦN THÙY LINH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *