Quản lý di sản văn hóa vật thể ở hà nội


Bàn về di sản văn hóa (DSVH) và quản lý DSVH là một lĩnh vực rộng lớn, khó có thể tường minh trong một công trình hay một bài viết cụ thể. Vì vậy, trong khuôn khổ bài viết này tác giả đề cập vài nét về thực trạng tồn tại, hạn chế và đề xuất một số giải pháp đối với công tác quản lý DSVH vật thể ở Hà Nội trong bối cảnh hiện nay.

Thực trạng quản lý DSVH vật thể ở Hà Nội

Trước hết cần thống nhất sơ bộ bức tranh DSVH vật thể Hà Nội bao gồm những thành tố nào, vì dễ có sự nhầm lẫn giữa văn hóa và DSVH. Khái niệm văn hóa và DSVH chỉ hai đối tượng khác nhau nhưng thực tế không phải lúc nào cũng được sử dụng chính xác trong đời sống xã hội. Chẳng hạn các di tích lịch sử – văn hóa phần lớn được hiểu và gọi đó là văn hóa vật thể. Tuy nhiên với các nhà nghiên cứu thì cần phải chính xác hơn trong việc sử dụng từ ngữ, thuật ngữ. Di tích lịch sử-văn hóa là một loại hình DSVH vật thể được xác định rõ trong điều 4 của Luật DSVH: “DSVH vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học bao gồm di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật cổ vật, bảo vật quốc gia” (1).

Như vậy, DSVH vật thể gồm có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Tuy nhiên trong loại hình di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh được cụ thể hóa bao gồm các thành tố sau: di tích lịch sử (di tích lưu niệm sự kiện và lưu niệm danh nhân); di tích kiến trúc nghệ thuật (đình, đền, chùa, nhà cổ, phố cổ…); di tích khảo cổ; danh lam thắng cảnh.

Đối chiếu với cách phân loại này có thể thấy Hà Nội là nơi tập trung đậm đặc và đầy đủ các loại hình di tích trên. Bức tranh DSVH vật thể của Hà Nội rất phong phú và đa dạng. Hà Nội có hàng trăm di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia trong đó có một số di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, có di tích được công nhận là DSVH thế giới. Trước thực trạng đa dạng phong phú về các loại hình DSVH vật thể, về mức độ giá trị và vai trò của từng di sản trong đời sống xã hội, thì vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý làm sao phải có những cơ chế và giải pháp phù hợp để bảo tồn và phát huy giá trị cho từng loại hình di sản là hết sức quan trọng.

Nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội cần có cách nhìn đa chiều và thậm chí chấp nhận nhiều giả thuyết và đáp án cho một bài toán cụ thể. Vì vậy, các khái niệm liên quan như: quản lý, bảo tồn, bảo vệ DSVH luôn là vấn đề còn có những quan niệm, quan điểm khác nhau. Từ thực tế vấn đề quản lý DSVH hiện nay, có thể thấy rằng quản lý DSVH là hoạt động bao gồm cả hai nội dung bảo tồn và phát huy giá trị DSVH. Quản lý phải giữ gìn được di sản để di sản không bị biến mất dù với bất cứ lý do gì. Mặt khác không phải quản lý là chỉ ôm khư khư di sản không để nó biến mất là đã đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, mà điều quan trong là bên cạnh việc giữ được di sản thì phải biết khai thác phát huy tối đa giá trị của DSVH nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững đời sống văn hóa xã hội của cộng đồng trong xu thế hội nhập.

Hiện nay các cơ quan, thiết chế liên quan đến quản lý DSVH ở Hà Nội có thể phân chia theo hai hệ thống gồm quản lý hành chính và quản lý chuyên môn. Hệ thống quản lý hành chính từ trung ương đến địa phương gồm Chính phủ; UBND thành phố, UBND các quận, huyện; UBND các xã, phường. Các cơ quan thiết chế quản lý theo ngành dọc chuyên môn gồm: Bộ VHTTDL, Sở VHTT Hà Nội, các phòng văn hóa quận, huyện, các ban quản lý di tích trực thuộc sở, thành phố. Ngoài ra thành phần rất quan trọng tham gia vào công tác quản lý di sản thủ đô phải kể đến đó là các nhà nghiên cứu văn hóa, DSVH; các nhà báo và cơ quan truyền thông, các tổ chức xã hội khác; đặc biệt là sự tham gia của người dân trong đó có vai trò của cộng động cư dân nơi có DSVH.

Thực tế tình hình quản lý DSVH vật thể ở Hà Nội nhìn chung đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa; tổ chức chỉ đạo thực hiện các hoạt động nghiệp vụ nhằm giữ gìn và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa như việc tu bổ, tôn tạo di tích; huy động các nguồn lực trong hoạt động bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn về quản lý di tích lịch sử – văn hóa; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật xử lý vi phạm di tích lịch sử – văn hóa…

Đặc biệt trong công tác tu bổ tôn tạo di tích, Nhà nước rất quan tâm đầu tư kinh phí cho việc tu bổ, tôn tạo, phục dựng các di sản xuống cấp hoặc cần thiết phải nâng cấp sửa chữa. Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước thì vấn đề xã hội hóa đã thu hút được sự hưởng ứng của các tổ chức cá nhân trong xã hội. Nguồn thu từ xã hội hóa đầu tư cho tu bổ di tích thậm chí còn lớn hơn sự đầu tư của Nhà nước. Trong những năm gần đây hàng trăm di tích đã được tu sửa nâng cấp và đẩy mạnh việc khai thác phát huy giá trị các di tích – DSVH vật thể của Hà Nội. Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật và nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ DSVH vật thể của thủ đô cũng được triển khai. Tuy nhiên trong bài viết này sẽ không đi sâu bàn về những ưu điểm, thành tựu đạt được mà chủ yếu tập trung nêu những bất cập trong việc quản lý để từ đó đề xuất gợi mở những giải pháp phù hợp hiệu quả.

Bên cạnh những ưu điểm, Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế trong việc quản lý bảo tồn, phát huy giá trị DSVH vật thể. Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều DSVH vật thể bị phá hủy, xuống cấp, di vật, cổ vật trong các di tích cũng dần bị mai một, biến mất như việc trùng tu chùa Trăm Gian, hay sự biến mất của các cổ vật ở đình làng Thanh Trì, chùa Nền… Khi có những bất cập, hạn chế xảy ra trong công tác quản lý, thì người làm quản lý DSVH phải phân tích, đánh giá xác định nguyên nhân trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp phù hợp.

Trên bình diện cơ bản có hai nguyên nhân, đó là nguyên nhân do khách quan và nguyên nhân do chủ quan. Nguyên nhân khách quan do đặc điểm điều kiện thời tiết khí hậu Việt Nam nắng, mưa nhiều và thiên tai dịch họa, môi trường ô nhiễm tác động không nhỏ đến việc phá hủy, xuống cấp và mai một DSVH.

Nguyên nhân chủ quan do con người từ việc hoạch định chính sách đến việc thực thi công vụ, thiếu đồng bộ trong công tác quản lý Nhà nước của các phòng ban chức năng. Hiện tượng trộm cắp di sản cổ vật trong các di tích đình, đền, chùa thường xuyên xảy ra, báo chí liên tục đưa tin cổ vật ở các di tích không cánh mà bay từ các pho tượng cổ cho đến sắc phong, đồ thờ quý hiếm. Cổ vật là những DSVH dễ di chuyển và đánh cắp. Điều này cho thấy có lỗ hổng về quản lý các di vật cổ vật, bảo vật trong các di tích. Nếu không kịp thời có giải pháp ngăn chặn thì cổ vật cứ biến mất dần theo năm tháng. Những người có trách nhiệm và yêu quý di sản cổ vật sẽ luôn cảm nhận sự nuối tiếc và thấy mình có lỗi với ông cha.

Một sự tồn tại bất cập hơn nữa trong công tác quản lý bảo tồn di tích mà báo chí đã góp phần đưa sự thật ra ánh sáng, đó là tình trạng tu sửa, trùng tu di tích không theo nguyên tắc khoa học bảo tồn và pháp luật, mà lại tiến hành bảo tồn bằng việc phá cũ xây mới (chùa Trăm Gian) khiến mọi tầng lớp nhân dân phẫn nộ và nhiều cán bộ ngành văn hóa thành phố có trách nhiệm liên đới đã bị kỷ luật. Trên thực tế việc tu sửa, bảo quản không đúng quy trình và nguyên tắc không chỉ dừng lại ở ngôi chùa Trăm Gian mà còn xảy ra ở không ít các di tích khác. Nhiều di tích tình trạng bảo quản tốt nhưng do tác động của cơ chế thị trường, lòng tham của con người, họ sẵn sàng có những dự án trùng tu tôn tạo không theo nguyên tắc bảo tồn, mà thực hiện bảo tồn di sản bằng mọi giá miễn sao thực hiện được việc giải ngân của dự án. Nếu như không có các cơ quan thông tấn báo chí tham gia quan sát, giám sát đưa tin thì chắc chắn nhiều vụ việc sai trái không được người dân và các cơ quan có thẩm quyền biết đến. Đây là tình trạng đáng lưu tâm trong công tác quản lý bảo tồn DSVH vật thể ở Hà Nội. Chưa quan tâm đến công tác thanh tra, kiểm tra; khen thưởng, kỷ luật đối với hoạt động bảo vệ DSVH.


 Chùa Trấn Quốc, Hà Nội. Ảnh Minh Bình 

Bên cạnh đó, sự phát triển du lịch cũng làm ảnh hưởng trực tiếp tới trạng thái bảo quản di tích, di vật. Để phát triển du lịch, các nhà quản lý/kinh doanh du lịch đã khai thác một cách bừa bãi giá trị của di tích hoặc phá hỏng không gian cảnh quan di tích để xây dựng các dịch vụ du lịch. Vành đai bảo vệ của các di tích ngày càng bị thu hẹp. Người ta xây dựng tràn lan các cơ sở phục vụ khách tham quan/khách du lịch làm thay đổi diện mạo di tích và làm biến mất sự tồn tại của vùng cảnh quan, vốn là một nhân tố tạo sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch. Giá trị của di tích không còn được nhận biết. Khách tham quan xoa đầu, xoa chân cụ rùa tại văn bia Văn Miếu Quốc Tử Giám, hoặc viết tên, khắc tên lên các di tích…(2). Ý thức và sự hiểu biết của người dân, của khách tham quan cũng tác động trực tiếp tới việc bảo vệ hay hủy hoại di tích, di vật.

Nhiều cơ quan chuyên môn và phòng ban quản lý trên địa bàn có tuyển cán bộ làm việc học từ các ngành nghề khác nhau, đôi khi không liên quan đến DSVH. Đây cũng là một hạn chế đáng kể ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn. Nguồn nhân lực hạn chế kết hợp với cơ chế quản lý không minh bạch, trách nhiệm và khoa học thì càng dễ nảy sinh bất cập và yếu kém. Trong khi cơ sở pháp lý chưa đầy đủ rõ ràng, cơ chế phối hợp không đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành, tổ chức cá nhân trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản dẫn đến tình trạng xuống cấp, mất mát DSVH là điều khó tránh khỏi. Có thể cùng một đối tượng di tích cần phải quản lý như di tích quốc gia, hoặc di tích quốc gia đặc biệt sẽ có sự tham gia của nhiều cơ quan khác nhau như: Bộ VHTTDL, Sở VHTT, chính quyền địa phương, Ban quản lý di tích và vai trò của người dân. Như vậy nếu không có sự phân công trách nhiệm rõ ràng dễ dẫn đến tình trạng các cơ quan quản lý đôi khi không tìm được tiếng nói chung, trong việc bảo vệ, phát huy giá trị DSVH.

Giải pháp quản lý DSVH vật thể ở Hà Nội

Đào tạo nguồn nhân lực: Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu và xuyên suốt trong quá trình quản lý DSVH. Những cán bộ ở các cơ quan chuyên môn mà không có kiến thức cơ bản, cập nhật đáp ứng yêu cầu của thời đại thì khó có thể làm tốt công tác bảo tồn di sản. Vì vậy, căn cứ quy hoạch phát triển Hà Nội, rà soát các văn bản luật liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị DSVH Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng tiến hành đào tạo nguồn nhân lực quản lý chuyên môn, kiện toàn bộ máy quản lý DSVH.

Xây dựng cơ chế chính sách quản lý phù hợp: Cần phải xác định rõ ràng chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, ban ngành trực tiếp và gián tiếp tham gia quản lý DSVH. Rà soát chuẩn hóa các văn bản luật về bảo tồn, phát huy giá trị DSVH, trên cơ sở đó xây dựng cơ chế, chính sách phối hợp một cách đồng bộ khoa học đảm bảo định lượng được vai trò trách nhiệm của từng cơ quan tổ chức tham gia bảo vệ, khai thác phát huy giá trị DSVH. Đánh giá đúng vị trí vai trò quan trọng của cộng đồng và các tổ chức cá nhân trong việc phối hợp quản lý DSVH, xây dựng cơ chế phối hợp và khuyến khích mọi người dân có thể tham gia vào việc bảo vệ, phát huy giá trị DSVH.

Phổ biến kiến thức pháp luật về DSVH: Để bảo vệ và phát huy tốt di sản cần dựa trên cơ sở pháp lý. Trước hết, Luật DSVH, các Thông tư, Nghị định hướng dẫn và cụ thể hóa các điều luật, các văn bản của Hà Nội về quản lý DSVH phải được tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục đến toàn dân. Ngành văn hóa chủ động đề xuất, phối hợp với chính quyền các cấp, các ngành liên quan tổ chức triển khai luật đi vào đời sống. Nâng cao nhận thức của toàn dân về DSVH sẽ góp phần tích cực cho việc bảo vệ, phát huy giá trị DSVH.

Đẩy mạnh hoạt động du lịch để khai thác, phát huy giá trị di sản: Khai thác DSVH phục vụ phát triển du lịch là chủ trương đúng đắn, nhằm góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH. Giá trị di sản được giới thiệu đến đông đảo công chúng khách tham quan trong và ngoài nước. Bên cạnh đó cũng có thêm nguồn kinh phí từ du lịch hỗ trợ cho công tác bảo tồn di sản. Tuy nhiên phải chú ý phát triển du lịch gắn với phát triển bền vững không phá vỡ môi trường cảnh quan và xâm hại di tích.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông: Thực tế cho thấy các cơ quan báo chí truyền thông đã có vị trí, vai trò to lớn trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị DSVH  Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Báo chí vào cuộc đã góp phần làm trong sạch hơn môi trường quản lý di sản, phát huy hơn mặt tích cực, hạn chế giảm thiểu mặt yếu kém, ngăn chận được nhiều vụ việc sai trái trong việc bảo vệ DSVH. Không có cơ quan báo chí phần lớn người dân không biết di tích bị phá hủy, cơ quan quản lý quan liêu cũng không biết di tích mình quản lý bị biến mất.

Báo chí góp phần phổ biến các chủ trương, chính sách của Hà Nội về công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH, là một trong các phương tiện truyền thông đại chúng chủ chốt, báo chí tích cực thông tin truyền tải những kiến thức, tri thức về DSVH đến mọi tầng lớp nhân dân Hà Nội. Báo chí là kênh thông tin phản ánh nhanh nhạy, kịp thời và đa chiều về các sự kiện, các hoạt động liên quan đến việc bảo vệ DSVH vật thể Hà Nội từ đó giúp cho những người làm công tác quản lý về văn hóa có thêm kênh thông tin hữu ích. Mặt khác, báo chí còn chủ động góp phần vào việc xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách cũng như luật pháp liên quan đến DSVH (3).

Báo chí góp phần minh bạch hóa các chính sách, các hoạt động quản lý, bảo vệ phát huy giá trị DSVH đến toàn dân. Công tác quản lý DSVH vật thể ở Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả hết sức to lớn trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị DSVH của Hà Nội.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; khen thưởng, kỷ luật: Để công tác quản lý di sản có hiệu quả phải chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ thường xuyên để kịp thời ngăn chặn và xử lý được hạn chế, bất cập, phát huy được ưu điểm tích cực. Đồng thời cũng phải kịp thời động viên khen thưởng những cá nhân tập thể có thành tích bảo vệ phát huy tốt giá trị DSVH và kỷ luật nghiêm khắc cá nhân tổ chức có hành vi xâm phạm, hủy hoại DSVH.

Các giải pháp nêu trên được nghiêm túc thực hiện, chắc chắn sẽ có chuyển biến tích cực trong sự nghiệp bảo tồn DSVH Hà Nội.

_______________

1. Luật DSVH năm 2001 được sửa đổi bổ sung năm 2009, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009.

2. Bùi Thanh Thủy, Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa phục vụ phát triển du lịch Thủ đô, Nghiên cứu văn hóa (số 2), Đại học Văn hóa Hà Nội.

3. Đào Xuân Hưng – Nguyễn Phúc Nguyên, Báo chí với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của Hà Nội, website Ban Tôn giáo Chính phủ.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 – 2017

Tác giả : NGUYỄN SỸ TOẢN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *