100 năm cách mạng tháng mười nga (7-11): bài học đại đoàn kết toàn dân tộc của cách mạng tháng mười

Hồ Chí Minh khẳng định: “Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Mười đã dạy cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhiều bài học hết sức quý báu, bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và của loài người” (1). Một trong những bài học kinh nghiệm mà cách mạng tháng Mười Nga đã để lại cho người cách mạng hôm nay và mai sau là phải biết tổ chức, tuyên truyền, vận động đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ và tham gia cách mạng, thực hiện đường lối, khẩu hiệu của Đảng như Lênin từng kết luận: “Công nhân Nga có lẽ sẽ không thể giành được chính quyền từ tay giai cấp tư sản nếu không được cảm tình và tín nhiệm của những quần chúng bị áp bức ở miền ngoại vi nước Nga” (2). Cách mạng Việt Nam vì biết vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm này của cách mạng tháng Mười Nga nên đã đạt được nhiều thành công quan trọng.

1. Bài học về xây dựng lực lượng, phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân

Cách mạng tháng Mười Nga không chỉ giúp dân tộc Việt Nam tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho mình mà còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Một trong những bài học quan trọng đó là phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân. “Cách mệnh Nga dạy chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải lấy dân chúng (công nông) làm gốc, phải đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”(3). Ngoài sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng còn cần tập hợp, tổ chức và vận động nhân dân ủng hộ và tham gia đường lối của Đảng. Vì vậy, xây dựng được đội quân chính trị và vũ trang hùng hậu từ quần chúng nhân, thực hiện các nhiệm vụ của cuộc cách mạng cũng là một bài học quan trọng làm nên thành công của Cách mạng tháng Mười. Nhận rõ được tầm quan trọng của quần chúng nhân dân đối với sự thành công của cách mạng, Đảng Bônsêvích xác định nhiệm vụ quan trọng nhất của toàn Đảng lúc này là thành lập 1 đội quân chính trị đông đảo và đủ sức lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản, cô lập, đánh bại các đảng thỏa hiệp Mensêvic và xã hội cách mạng. Có như thế, tất cả chính quyền về tay các Xô viết mới trở thành hiện thực. Đó là một nhiệm vụ không dễ dàng, bởi tính chất tiểu tư sản của nước Nga và đông đảo của một bộ phận quần chúng thành thị cũng như nông thôn còn trong vòng ảnh hưởng của các đảng thỏa hiệp. Khi đó, trình độ giác ngộ của quần chúng còn thấp, còn nghe theo Mensêvích và xã hội cách mạng, ảo tưởng vào chính phủ lâm thời, không hiểu được bản chất của chính quyền Xô viết. Vì vậy, những người Bônsêvích đã kiên trì đi vào quần chúng công nhân và nhân dân để giáo dục, vận động, tập hợp họ ủng hộ Đảng và tích cực thực hiện khẩu hiệu của Đảng. Đảng nhận thức được rằng chỉ có thông qua đấu tranh, hoạt động cách mạng và tổ chức mới có thể giáo dục và tuyên truyền cho quần chúng. Vì vậy, Đảng đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh của quần chúng, giúp họ ngày càng trưởng thành cả về mặt nhận thức, lý luận cũng như kinh nghiệm chiến đấu. Lênin nói rằng, cuộc cách mạng Nga 1905 là một cuộc tập dượt quan trọng đối với quần chúng tham gia cách mạng, “đã đóng góp hết sức vào việc giáo dục chính trị cho quần chúng công nhân và nông dân, vừa về mặt làm cho đội tiên phong của họ nhận thức được những điều mới nhất của CNXH phương Tây, lại vừa về mặt hành động cách mạng của quần chúng. Nếu không có cuộc tổng diễn tập năm 1905 đó, thì có lẽ đã không thể có được cuộc cách mạng 1927, tức là cuộc cách mạng tư sản tháng Hai và cuộc cách mạng vô sản tháng Mười” (4). Năm 1917 đã nổ ra các cuộc biểu tình, đấu tranh của quần chúng, qua đó có tác dụng tập hợp, giáo dục và tuyên truyền quần chúng về tính đúng đắn của việc tham gia cách mạng XHCN ở Nga. Thông qua cuộc biểu tình tháng 4, quần chúng nhận thức rõ hơn bản chất của Chính phủ tư sản lâm thời không mang lại hòa bình, tự do, bánh mì, ruộng đất cho nhân dân. Cuộc mít tinh, biểu tình, tuần hành tháng 6 cũng đã giúp quần chúng nhận thấy rõ bản chất của các đảng thoả hiệp Mensêvích và xã hội cách mạng. Sau sự kiện tháng 8, Đảng Bônsêvích đã xây dựng được một đội quân chính trị hùng hậu, sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu sống còn với kẻ thù “bằng kinh nghiệm bản thân, kể cả những kinh nghiệm phải trả bằng máu, thấy được sự đúng đắn của khẩu hiệu cách mạng, các nhiệm vụ cách mạng do Đảng đề ra, mà từng bước đi tới ngưỡng cửa của khởi nghĩa vũ trang” (5). Chính vì tập hợp, tổ chức được sự tham gia đông đảo ủng hộ của quần chúng nhân dân cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa mà cách mạng tháng Mười đã thành công. Cách mạng tháng Mười thành công vì nó là một cuộc cách mạng có tính chất nhân dân sâu sắc, là sự nổi dậy của đông đảo quần chúng dưới khẩu hiệu công nông binh liên hiệp lại không phân biệt đẳng cấp, tôn giáo hay thành phần dân tộc. Trong thư gửi các Uỷ viên BCH Trung ương ngày 24-10-1917, Lênin viết: “Tôi đang cố sức thuyết phục các đồng chí của chúng ta thấy rằng hiện nay tất cả vận mệnh chỉ còn treo trên sợi tóc, trước mắt chúng ta là những vấn đề không một đại hội nào quyết định được, chỉ có nhân dân, quần chúng, cuộc đấu tranh của quần chúng vũ trang mới quyết định được” (6). Thắng lợi của cách mạng tháng Mười Nga cho thấy sức sáng tạo của của giai cấp vô sản và quần chúng nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh tự giải phóng và mở đầu một sự nghiệp kiến tạo xã hội mới chưa từng có khuôn mẫu trong lịch sử hiện thực của nhân loại. Đồng thời, cuộc cách mạng cũng chứng tỏ biết tập hợp, phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân mà cách mạng mới thắng lợi, đây thực sự là cuộc cách mạng của những người nghèo khổ và vì những người nghèo khổ. Thành công của cách mạng là do “dưới ánh sáng của Luận cương, Đảng  Bônsêvích đã tập hợp đội ngũ toàn Đảng, xây dựng thành công một đội quân chính trị ngày càng đông đảo và đủ sức đánh bại các thế lực chống đối, tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười” (7). Lênin đã nhiều lần nhấn mạnh về sức mạnh của quần chúng, của việc tập hợp lực lượng đối với sự thành công của cách mạng “chúng ta đã giành được đa số trong giai cấp đứng lên làm đội tiền phong của cách mạng, đội tiền phong của nhân dân và có khả năng lôi cuốn quần chúng theo mình. Chúng ta đã giành được đa số trong nhân dân… Thắng lợi chắc chắn thuộc về ta” (8).

2. Cách mạng Việt Nam đã vận dụng thành công bài học về phát huy sức mạnh toàn dân tộc để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng

Thắng lợi đầu tiên của Đảng ta trong vận dụng bài học kinh nghiệm của cách mạng tháng Mười Nga chính là thành công của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945. Một số người cho rằng thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 là ăn may vì lúc đó ở Việt Nam tồn tại một khoảng trống quyền lực. Đó là cơ hội ngàn năm có một để chúng ta giành thắng lợi, nhưng nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo về mặt chủ quan thì cũng không tận dụng được cơ hội do điều kiện khách quan mang lại. Lênin cũng đã từng dạy rằng “muốn cho một cuộc cách mạng xã hội có thể thắng lợi thì ít nhất phải có hai điều kiện: lực lượng sản xuất phát triển và một giai cấp vô sản đã được chuẩn bị” (9). Vì vậy, để cách mạng thành công, Đảng ta cũng đã xác định rõ “bổn phận ta là gấp rút chuẩn bị lực lượng để bất cứ trong trường hợp nào cũng có thể lợi dụng khi quân Trung Quốc hay quân Anh, Mỹ vào Đông Dương mà nổi dậy giành chính quyền, tự lực xây dựng cơ đồ cho dân tộc” (10). Để xây dựng lực lượng cho cách mạng, phải tổ chức, tuyên truyền, vận động đông đảo quần chúng ủng hộ và tham gia cách mạng, huy động mọi lực lượng trong nhân dân không bỏ sót một ai trong việc thực hiện mục tiêu của cách mạng, thực hiện các khẩu hiệu, đường lối mà Đảng đề ra. Đảng ta đã có sự chuẩn bị kỹ càng về mặt tổ chức để tập hợp quần chúng vào các đoàn thể yêu nước trong Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương (11-1939), Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít Nhật – Pháp ở Đông Dương  (11-1940) rồi đến Mặt trận Việt Minh (5-1941) với các tổ chức cứu quốc được thành lập ở nhiều tỉnh là cơ sở vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các công việc của cách mạng. Đối với bậc kỳ hào, địa chủ, tư sản, tổ chức họ vào Việt Nam cứu quốc hội, thành lập Hội văn hóa cứu quốc nhằm tập hợp giới trí thức và văn hóa… Đặc biệt, để chuẩn bị tập hợp lực lượng cho Cách mạng tháng Tám, Đảng ta quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh theo Nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5-1941). Ngày 25-10-1941, Mặt trận Việt Minh công bố tuyên ngôn đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân thực hiện mục tiêu chung của cách mạng là giải phóng dân tộc “chủ trương liên hiệp tất thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn; Việt Minh sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể, không cứ theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật, Pháp để dựng nên một nước Việt Nam tự do và độc lập” (11).

Không chỉ xây dựng các tổ chức để tập hợp quần chúng trong cuộc đấu tranh chung mà Đảng còn chú ý đến công tác tuyên truyền, vận động nâng cao tinh thần và ý chí tham gia cách mạng của họ. Trong điều kiện khó khăn do hoạt động bí mật, bị khủng bố và phương tiện thô sơ, thiếu thốn nhưng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia cách mạng đã thực hiện rất hiệu quả. Trong suốt quá trình chuẩn bị và tiến hành tổng khởi nghĩa, các tổ chức đảng nhiều lần sử dụng các hình thức tuyên truyền như kêu gọi, hiệu triệu, lời tâm huyết, thông cáo, truyền đơn…, dùng biểu tượng con rồng cháu tiên, Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng… để cổ vũ tinh thần yêu nước và ý thức đoàn kết dân tộc.

Đảng còn tổ chức các phong trào đấu tranh để tập dượt, rèn luyện ý chí và kinh nghiệm làm cách mạng cho quần chúng. Thông qua việc tham gia các phong trào đấu tranh đó, quần chúng được trưởng thành về mọi mặt cả về nhận thức, tư duy lẫn hành động thực tiễn… chuẩn bị lực lượng để làm cuộc Cách mạng tháng Tám. Vì vậy, Đảng ta mới khẳng định Cách mạng tháng Tám “là kết quả tổng hợp của các phong trào cách mạng liên tục diễn ra trong 15 năm sau ngày thành lập Đảng, từ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, cuộc vận động dân chủ 1936 – 1939 đến phong trào giải phóng dân tộc 1939-1945, mặc dù cách mạng có lúc bị dìm trong máu lửa” (12).

Với sự chuẩn bị chủ đáo về lực lượng, xây dựng đội quân chính trị của đông đảo quần chúng như vậy kết hợp với lực lượng vũ trang nên Cách mạng tháng Tám thành công vang dội. Cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đã lôi cuốn nhân dân cả nước đứng lên giành chính quyền. Trên khắp mọi miền tổ quốc, từ Nam chí Bắc, từ thành thị đến nông thôn, đâu đâu cũng bừng bừng khí thế cách mạng. Chính sự ủng hộ và tham gia của quần chúng nhân dân mà khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, làm nên chiến thắng của cuộc cách mạng tháng Tám, lật nhào chế độ phong kiến, thực dân. Qua sự thắng lợi của cách mạng tháng Tám càng thấm thía bài học của cách mạng tháng Mười mà Lênin đã khẳng định: “một thiểu số người, tức là Đảng không thể thực hiện CNXH được. Chỉ có hàng chục triệu người khi đã học được cách tự mình thiết lập chủ CNXH thì mới thực hiện được CNXH” (13).

Kế tiếp tinh thần đó, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, Đảng ta tiếp tục phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vào thực hiện mục tiêu lớn nhất của đất nước lúc đó là giải phóng dân tộc. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và đại thắng mùa xuân năm 1975 là những mốc son chói lọi trong lịch sử giữ nước của dân tộc đều do Đảng ta biết phát huy sức mạnh, lực lượng của toàn dân, không bỏ sót một ai. Thắng lợi đó là kết quả đấu tranh của đông đảo quần chúng nhân dân.

Con đường cách mạng Việt Nam đang bước sang một giai đoạn mới là xây dựng CNXH. Đây là sự nghiệp vô cùng khó khăn như Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: thắng bần cùng, lạc hậu khó khăn hơn thắng đế quốc, thực dân đòi hỏi chúng ta càng phải phát huy sức mạnh của toàn dân tộc trong việc thực hiện mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của thời đại, của Cách mạng tháng Mười là xây dựng chế độ xã hội vì con người, vì hạnh phúc của nhân dân. Đảng ta đã luôn khẳng định bài học quan trọng của công cuộc đổi mới là lấy dân làm gốc, phát huy nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân, việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc luôn trở thành thành tố trong chủ đề các đại hội đổi mới đặc biệt là từ Đại hội IX đến Đại hội XII. Đảng ta khẳng định khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn động lực quan trọng để phát triển đất nước: “Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hóa các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội” (14). Nhờ có đường lối và chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc đúng đắn, công cuộc đổi mới đã nhận được sự ủng hộ và phát huy các nguồn lực của mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dân tộc, giới tính… cho việc hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thành quả của công cuộc đổi mới ở Việt Nam là thành quả chung của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đúng như Lênin khẳng định: “Cái ngày vĩ đại ấy càng cách xa chúng ta, thì ý nghĩa của cuộc cáng mạng vô sản ở Nga càng trở nên rõ rệt, chúng ta càng suy ngẫm sâu về toàn bộ kinh nghiệm thực tiễn của công tác của chúng ta” (15). Cuộc Cách mạng tháng Mười đã diễn ra cách đây đúng 100 năm nhưng chưa bao giờ thuộc về quá khứ mà tầm ảnh hưởng của nó còn vượt qua không gian và thời gian. Trên mỗi bước đường xây dựng CNXH ở nước ta, ánh sáng của Cách mạng tháng Mười Nga vẫn đang chiếu rọi, đặc biệt là bài học về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc như Hồ Chí Minh khẳng định: “Kinh nghiệm của Cách mạng tháng Mười, những thành tựu của Liên Xô là ngôi sao chỉ đường cho chúng tôi trong sự nghiệp xây dựng một cuộc đời hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam” (16).

_______________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.303.

2, 6. Lênin, Stalin, Về cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1967, tr.230, 42.

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.280.

4. Lênin, Toàn tập, tập 38, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.367-368.

5. Stalin, Những vấn đề của chủ nghĩa Lênin, Nxb Sự thật, tr.10.

7. Lênin, Toàn tập, tập 3, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.81.

8. Lênin, Toàn tập, tập 34, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.324.

9. Lênin, Toàn tập, tập 32, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.285.

10. Trường Chinh, Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Nxb Sự thật, 1975, tr.236.

11. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tr.461.

12, 14. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.62-63, 23.

13. Lênin, Toàn tập, tập 35, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.28.

15. Lênin, Toàn tập, tập 44, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.179.

16. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.180.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 401, tháng 11 – 2017

Tác giả : NGUYỄN TIẾN THƯ

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *