Giá trị giáo dục của di sản văn hóa văn miếu – quốc tử giám

Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong những quần thể di tích xây dựng lâu đời và quan trọng bậc nhất tại Thủ đô Hà Nội. Tại đây còn lưu giữ 82 bia tiến sĩ của triều Lê và triều Mạc. Với bề dày lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã đào tạo hàng ngàn các bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước và trở thành biểu tượng của nền giáo dục Việt Nam. Ở đây, chúng tôi đi vào tìm hiểu di sản văn hóa Văn Miếu – Quốc Tử Giám với giá trị giáo dục được thể hiện như thế nào?

Theo cách hiểu Hán Việt, khái niệm di sản có nghĩa: di dời, chuyển dịch từ nơi này sang nơi khác về mặt không gian (chuyển chỗ ở, chuyển nơi sinh sống); để lại cho thế hệ sau, đời sau nơi ở, nơi sinh sống hoặc tài sản về mặt thời gian (để lại tài sản, sự nghiệp). Trong bài viết này, di sản được nghiên cứu là sản phẩm văn hóa do thế hệ trước, thời đại trước để lại cho thế hệ sau, thời đại sau được thế hệ sau, thời đại sau biết đến và sử dụng trong đời sống của họ.

Quan niệm di sản văn hóa là sản phẩm văn hóa của quá khứ để lại trong văn hóa nhân loại nói chung và của dân tộc nói riêng. Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng chính là giữ gìn, phát huy vốn di sản văn hóa của dân tộc. Nói một cách khái quát nhất di sản văn hóa là tổng thể những tài sản văn hóa truyền thống trong hệ giá trị của nó, được chủ thể nhận biết và đưa vào sử dụng nhằm đáp ứng những nhu cầu, đòi hỏi của hiện tại.

Di sản văn hóa là kết quả, đồng thời cũng là thành tố của quá trình di truyền xã hội. Theo thời gian, di sản văn hóa tạo nên môi trường nhân tạo giúp cho con người tồn tại an toàn hơn trong môi trường tự nhiên. Nó khiến cho con người thêm một năng lực mới: năng lực phát triển trên nền tảng văn hóa mà nó đã có được. Di sản văn hóa cũng chính là sợi dây kết nối cộng đồng vững chắc khi nó hướng con người trở về với cội nguồn, với những giá trị thiêng liêng của dân tộc, từ đó, làm thức dậy ý chí tự chủ, tự cường của dân tộc kết nối con người vào cộng đồng, kết nối hiện tại với truyền thống; di sản văn hóa hội tụ nên sức mạnh tổng thể của toàn dân tộc. Và, sự phát triển vượt bậc của một quốc gia, dân tộc chính là dựa vào sức mạnh của tổng thể đó.

Luật Di sản văn hóa được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi: “Di sản văn hóa gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác”.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi thờ Khổng Tử – người được Nho gia coi là tiên thánh. Ngày nay, với chúng ta, Khổng Tử là một nhà tư tưởng kiệt xuất, một nhà văn hóa, giáo dục uyên bác của Trung Quốc nói riêng và của nhân loại nói chung. Những đóng góp của Khổng Tử vào nền văn hóa, giáo dục nhân loại vô cùng to lớn, có tính nhân văn sâu sắc. Nhiều quốc gia trong khu vực và các triều đại quân chủ Việt Nam đã tiếp thu học thuyết Nho giáo, lấy Nho giáo làm nền tảng chính trị, xã hội. Từ TK XV, nhà nước Việt Nam đã coi Nho giáo làm đạo trị quốc, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi đào tạo nhân tài, cung cấp đội ngũ trí thức, quan lại cho bộ máy quản lý nhà nước của các triều đại quân chủ Việt Nam. Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ là nơi thờ phụng Khổng Tử mà còn là trung tâm đào tạo Nho giáo cao cấp cho cả nước. Khu di tích với các giá trị biểu trưng và các hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng xuyên suốt gần hàng ngàn năm lịch sử đã gắn bó chặt chẽ với chế độ học hành, thi cử, tuyển dụng, biểu dương, lưu danh nhân tài của đất nước.

Tại Hội nghị khoa học các đơn vị quản lý di tích Nho học Việt Nam năm 2011 của Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã nhận định: “Bước vào thời kỳ độc lập, tự chủ, việc thành lập Văn Miếu (năm 1070) và Quốc Tử Giám (năm 1076) đã chính thức khẳng định, chấp nhận sự tồn tại của Nho giáo và Nho học trong đời sống chính trị, xã hội của nước ta. Với chức năng và nhiệm vụ được giao, Văn Miếu – Quốc Tử Giám dần dần trở thành một cơ quan hết sức quan trọng của đất nước. Văn Miếu – Quốc Tử Giám vừa là trường học, vừa là thư viện lưu giữ sách, vừa là nơi in ấn các tác phẩm kinh điển của Nho gia. Trong hơn 700 năm hoạt động, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã đào tạo được hàng ngàn nhân tài cho đất nước mà những người kiệt xuất nhất được khắc tên lên 82 tấm bia đá tiến sĩ trong di tích”.

Trong văn bia khoa thi năm 1442 có ghi: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp”. Như vậy, hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí bền hay suy ảnh hưởng đến sự tồn vong của quốc gia. Điều này đã mang một ý nghĩa phổ biến đối với nước ta qua các thời kỳ lịch sử và còn nguyên giá trị cho đến hôm nay.

Việc dựng bia tiến sĩ, coi trọng hiền tài còn là một truyền thống của dân tộc ta từ ngàn xưa. Ngày nay, chúng ta đã và đang kế thừa và phát huy truyền thống của cha ông. Bài ký trên bia tiến sĩ còn xác định rõ trách nhiệm của người trí thức đối với đất nước là mang hết tài năng, trí tuệ của mình để phụng sự tồn vinh và phát triển thịnh vượng của quốc gia, dân tộc, đồng thời phải đào tạo những thế hệ kế cận cho đất nước. Với sự khuyên răn kẻ sĩ về trách nhiệm đạo lý, văn bia khoa thi năm 1478 ghi: “Tôn vua giúp dân, khi gặp việc thì vì nước quên nhà, gặp gian nguy thì dám quên mình, khiến người ta chỉ vào tên mà nói: người này trung, người kia thẳng, người này dám tiến cử người tốt, bài xích kẻ gian tà, giúp ích cho nước; người nọ trọn đạo làm tôi, không thẹn danh khoa mục”.


 Khuê Văn Các và giếng Thiên Quang. Ảnh Bảo Châu  

Văn bia Tiến sỹ không chỉ khuyên răn đối với những người thành danh mà còn có tác dụng đối với những nho sinh chưa thi đỗ của thế hệ mai sau thì văn bia khoa thi 1463 có ghi: “Để danh dự được lưu lại đời đời, danh thơm truyền mãi mãi, khiến người đời đến xem đọc tấm đá này, chỉ tên mà nói: Đây là những người trung với nước, có ơn với dân, bàn nói thẳng thắn làm sang thánh đạo, giữ vững đạo đức kiến lập công lao, được như thế là may mắn. Nếu không được thế thì người xem đưa mắt bảo: kẻ này nhu nhược, mỏng đức, kẻ này hèn nhát… Công luận còn đó, há chẳng nên cẩn thận lắm sao?”.

Có thể khẳng định, chủ trương của Lê Thánh Tông vào năm 1484 cho dựng bia tiến sĩ nhằm tôn vinh các vị trí thức Nho học bậc đại khoa là sáng kiến lớn, được hầu hết triều đình nhà Lê, nhà Mạc, nhà Lê Trung và nhà Nguyên thực hiện một cách trọng thể. Trên mỗi tấm bia tiến sĩ đều có khắc các bài văn (bài ký) bằng chữ Hán chứa đựng rất nhiều thông tin lịch sử. Như vậy, bia tiến sĩ được xem như tuyên ngôn về giáo dục Nho học của các vương triều. Đọc lại những câu răn dạy, nhắc nhở của cha ông được khắc trên những tấm bia lịch sử, khiến chúng ta vô cùng xúc động: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thị thế nước yếu mà thấp hèn” (lời của tiến sĩ Thân Nhân Trung, trong bia khoa 1442); “sự lớn lao của nền chính trị của các bậc đế vương không gì quan trọng bằng trọng dụng nhân tài” (lời của tiến sĩ Đỗ Nhuận, trong bia khoa 1448). Những nhận định trên không phải chỉ là vấn đề quan trọng đối với các bậc đế vương, mà là vấn đề rất lớn xuyên suốt cả ngàn năm văn hiến của dân tộc. Tám mươi hai tấm bia tiến sĩ còn lại ngày nay tại Văn Miếu tất cả đều tập trung vào một chủ đề: nêu cao vai trò của người trí thức. Điều đáng chú ý là bên cạnh ý nghĩa lưu danh tác giả, nhiều tấm bia còn có liên hệ chặt chẽ tới vấn đề phẩm giá, danh tiết, gửi gắm những lời khuyên cao đẹp và cả những lời răn nghiêm khắc.

Qua nghiên cứu văn bia tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám có thể thấy quan điểm rất rõ ràng về đào tạo và sử dụng nhân tài của cha ông. Mặt khác, một số văn bia còn nhằm mục đích giáo dục nhân cách, đạo đức cho đội ngũ quan lại đương thời và hậu thế. Tám mưới hai tấm bia đề danh tiến sĩ là biểu tượng của tinh thần hiếu học, đồng thời là sự tôn vinh của các thời đại với những người đã thành danh trên con đường học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội.

Ngày nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ có chức năng thờ phụng, lưu danh những bậc hiền triết mà còn là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước. Kế tục truyền thống tôn vinh của dân tộc Việt Nam từ nghìn năm qua, dưới sự chủ trương của Đảng và Nhà nước về tôn tạo, trùng tu và phát huy giá trị văn hóa của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, những năm qua, nơi đây được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước chọn để tổ chức lễ vinh danh các tân giáo sư, phó giáo sư cùng hoạt động tôn vinh các trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu của thủ đô Hà Nội nói riêng, trí thức cả nước nói chung.

 Văn Miếu – Quốc Tử Giám với sự phát triển các dấu ấn văn hóa vùng đất Thăng Long và tiếp tục được vun đắp bằng các sự kiện lễ hội truyền thống mang sắc thái riêng như lễ khai bút đầu năm, hội hoa xuân, lễ tuyên dương nhân tài… Với những giá trị tự thân cũng như vai trò và tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với việc tạo lập, phát triển nền văn hóa truyền thống, dù ở giai đoạn nào của lịch sử, Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng mang ý nghĩa quan trọng đối với người dân mọi miền đất nước; là tinh hoa cao quý cần phải được giữ gìn cho muôn đời sau.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 401, tháng 11 – 2017

Tác giả : ĐOÀN THỊ THANH THÚY

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *