Chính sách đãi ngộ nhân lực thư viện thời kỳ pháp thuộc


1. Chế độ lương bổng

Cơ cấu nhân sự lưu trữ và thư viện thời kỳ này được chia thành hai ngạch: ngạch bậc viên chức dành cho người Pháp, người Âu và ngạch bậc viên chức dành cho người bản xứ. Ngạch bậc viên chức lưu trữ và thư viện cho người Pháp, người Âu bao gồm: quản thủ cao cấp, quản thủ bậc 1, 2, 3, lưu trữ – thư viện viên bậc 1, 2, 3, lưu trữ – thư viện viên tập sự. Ngạch bậc viên chức người bản xứ bao gồm 3 hạng: hạng 1: lưu trữ – thư viện viên chính bản xứ bậc 1, 2, 3; lưu trữ – thư viện viên bản xứ bậc 1, 2, 3, 4, 5; hạng 2: thư ký chính ngoại bậc; thư ký chính bậc 1, 2, 3, 4; thư ký bậc 1, 2, 3, 4, 5, 6; thư ký tập sự; hạng thấp: chánh thừa phái (viên chức văn phòng) bậc 1, 2, 3; thừa phái chính bậc 1, 2, 3, thừa phái bậc 1, 2, 3; thừa phái tập sự.

Theo Nghị định ngày 29-11-1917, lương của giám đốc Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương khởi điểm là 10.000 franc/năm, tối đa là 16.000 franc/năm. Sau hai năm làm việc thực sự ở Đông Dương, chức danh này được lên lương một lần, mỗi lần lên lương là 1.000 franc. Lương của phó giám đốc là 8.000 franc, có thể lên tối đa là 14.000 franc. Thời hạn và điều kiện lên lương cũng giống như đối với giám đốc.

Theo các nghị định của Toàn quyền Đông Dương từ năm 1921-1929, quy định cấp bậc, lương của người Âu, người bản xứ khác nhau. Cấp bậc, lương bổng và sự sắp xếp giữa các chức danh cấp bậc, sắp xếp nhân sự người Âu trong các cơ quan lưu trữ và thư viện được xác định như sau (1):

BẢNG QUY ĐỊNH CẤP BẬC VÀ LƯƠNG CỦA CÁC VỊ TRÍ VIỆC LÀM CỦA VIÊN CHỨC NGƯỜI ÂU TRONG NHA LƯU TRỮ VÀ THƯ VIỆN ĐÔNG DƯƠNG


 

Những nhân sự này cũng sẽ được bổ sung từ nhân sự của nước thuộc địa trong đó chất lượng và điều kiện phân cấp được xác định bởi những nguyên tắc chung về lương của viên chức bản xứ.

Nói chung, lương của các viên chức người Âu trong các ngành khác của bộ máy hành chính Đông Dương cũng được hưởng lương theo quy định cứng tương tự: viên chức bậc 1, hạng nhất hưởng lương từ 12.500-16.000 franc, loại trừ một số ngoại lệ những công chức giữ chức vụ chánh văn phòng (chef de cabinet), phó chánh văn phòng, thư ký trưởng đặc biệt của toàn quyền; thuộc văn phòng toàn quyền, chánh văn phòng, thư ký đặc biệt của tổng thư ký cũng như những công chức mà lương ban đầu dưới 11.500 franc; viên chức bậc 2, hạng hai hưởng lương từ 8.100 – 12.500 franc; viên chức hạng 3 hưởng lương dưới 8.100 franc. Đặc biệt, các viên chức nữ người Âu có quyền được đảm nhận các vị trí làm việc trong các cơ quan của Đông Dương như ở chính quốc, điều này không được thực hiện đối với phụ nữ người bản xứ, trong đó có phụ nữ Việt Nam.

Đối với nhân sự người bản xứ, Nghị định ngày 25-10-1930 của Toàn quyền Đông Dương quy định bậc, vị trí tương đương với lương của viên chức thư viện người bản xứ như sau (2):

BẢNG QUY ĐỊNH CẤP BẬC VÀ LƯƠNG CỦA CÁC VỊ TRÍ VIỆC LÀM CỦA VIÊN CHỨC BẢN XỨ TRONG NHA LƯU TRỮ VÀ THƯ VIỆN ĐÔNG DƯƠNG (VIÊN CHỨC HẠNG 1)


 

Nhìn vào bảng lương của các chức danh, cấp bậc và vị trí đối với viên chức lưu trữ thư viện người bản xứ hạng 1, có thể thấy sự khác biệt lớn giữa viên chức thư viện người Âu và người bản xứ. Lương của lưu trữ – thư viện viên bậc thấp người Âu (lương lưu trữ – thư viện viên tập sự 7000 franc) cao gấp 2,3 lần lương của lưu trữ – thư viện viên chính bậc 1, hạng cao nhất của người bản xứ (3000 franc). Lương của lưu trữ thư viện viên bậc 1 người Âu (10.000 franc) cao gấp hơn 4,5 lần so với chức danh lưu trữ – thư viện viên bản xứ bậc 1 (2.196 franc).

Thời gian nghỉ phép cá nhân của các viên chức bản xứ từ hạng 1 đến hạng thấp nhất trong Nha Lưu trữ và thư viện Đông Dương sẽ bị khấu trừ trong thời gian liên tục thâm niên được tính để nâng bậc. So sánh lương của viên chức lưu trữ – thư viện bản xứ với viên chức của một số ngành khác cũng có sự khác biệt. Có thể thấy khá rõ qua các bảng thống kê khung lương của các viên chức bản xứ một số ngành như: đo đạc bản đồ, sư phạm, ngành y, công chính. Lương của lưu trữ – thư viện viên bản xứ vào loại thấp hơn so với lương của viên chức bản xứ của một số ngành khác. Những ngành có lương cao thường trong những lĩnh vực y tế, công nghiệp liên quan đến khai thác và giáo dục bậc cao. Điều này thể hiện rõ mục tiêu khai thác thuộc địa nằm ở những nhóm ngành nghề mang lại lợi nhuận trực tiếp.

2. Chế độ phụ cấp

Chế độ phụ cấp, ngày nghỉ phép, xin phép và phí bệnh viện của nhân sự người bản xứ của Nha Lưu trữ và Thư viện gồm: viên chức bậc cao, bậc hai và bậc thấp cũng giống như nguyên tắc áp dụng cho nhân sự bản xứ trong các cơ quan trung ương và các cơ quan địa phương ở Đông Dương.

Chế độ lương hưu của nhân sự bản xứ thuộc viên chức bậc cao, bậc hai và bậc thấp của Nha được nghỉ hưu theo chế độ của Nghị định 29-12-1913, 18-2-1914 và 9-7-1925 của Toàn Quyền Đông Dương đối với các viên chức người bản xứ. Họ được nhận lương hưu và các khoản trợ cấp từ quỹ trợ cấp dân sự bản xứ. Các khoản trợ cấp hưu đối với các cán bộ, nhân viên bản xứ trong đó có các cán bộ, nhân viên lưu trữ và thư viện bao gồm: trợ cấp thâm niên chiếm 40% với mức thấp nhất là 90 franc/năm, trợ cấp tỉ lệ chiếm 25% với mức thấp nhất là 72 franc/năm; đối với trường hợp viên chức bị tàn phế hết khả năng lao động trước 20 tuổi được hưởng 25% lương với mức thấp nhất là 72 franc/năm, sau 20 tuổi hưởng 25 % lương với mức thấp nhất là 90 franc/năm. Đối với viên chức bản xứ khi mất, vợ của họ được hưởng trợ cấp 30franc/năm, con được hưởng trợ cấp 10franc/năm đối với nhiều nhất là 3 con.

Lương của lưu trữ – thư viện viên, thư ký và chạy giấy tập sự không được giữ lại một phần khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, sau khi được tuyển dụng vĩnh viễn, các viên chức được nhận lương hưu, thời gian liên tục công tác được tính trong suốt quá trình làm việc kể cả thời gian thực tập. Chế độ này được tiến hành xử lý trong thời gian 1 năm, trước khi viên chức nghỉ hưu. Khoản lương hưu này tương đương 6% của khoản tiền nhận được trong quá trình làm việc của viên chức.

3. Khen thưởng, kỷ luật

Cùng với những quy định về quyền lợi và nghĩa vụ, viên chức lưu trữ và thư viện cũng chịu những hình thức kỷ luật áp dụng khi vi phạm. Có 4 hình thức kỷ luật đối với viên chức lưu trữ và thư viện bản xứ: khiển trách, khiển trách và ghi trong hồ sơ viên chức kèm theo kéo dài thời gian nâng bậc trong 1 năm, hạ bậc vị trí công tác, cách chức.

Hai hình thức kỷ luật đầu đối với nhân sự bản xứ do giám đốc cơ quan lưu trữ và thư viện hoặc giám đốc Nha Lưu trữ và Thư viện công bố, sau khi có ý kiến của một ban điều tra được Toàn quyền Đông Dương Bổ nhiệm bao gồm: 1 viên chức người Âu của Nha làm chủ tịch, 1 viên chức của phòng tổ chức cán bộ, 1 viên chức bản xứ cùng ngạch nhưng bậc cao hơn hoặc có thâm niên nhiều hơn hoặc cùng vị trí việc làm với người vi phạm làm ủy viên. Trong trường hợp việc xem xét kỷ luật có những chi tiết dẫn đến ban điều tra không thể kết luận theo khung kỷ luật thì có thể đệ trình lên Toàn quyền Đông Dương xem xét quyết định.

Đối với hình thức kỷ luật hạ bậc vị trí công tác và cách chức do Toàn quyền Đông Dương quyết định theo đề nghị của Giám đốc Nha Lưu trữ và Thư viện. Những viên chức bị kỷ luật hạ bậc vị trí công tác chỉ có thể được đề nghị nâng bậc sau khi đảm bảo những điều kiện về thâm niên và không tiếp tục vi phạm. Nếu các viên chức đang theo lớp thực tập thư ký tập sự có thể bị ngừng học theo đề nghị của Giám đốc Nha Lưu trữ và Thư viện và được Toàn Quyền Đông Dương thông qua.

Như vậy, các hình thức kỷ luật đối với các viên chức lưu trữ và thư viện bản xứ cũng không khác nhiều đối với quy định viên chức trong các cơ quan hành chính hiện nay. Có thể nói, đây là những quy định khá chặt chẽ, đảm bảo sự nghiêm túc và kỷ luật lao động trong các cơ quan lưu trữ – thư viện. Pháp là một đất nước có nền công nghiệp phát triển từ rất sớm, kỷ luật lao động là một trong những yếu tố quyết định sự hiệu quả, chất lượng lao động. Những hình thức kỷ luật lao động của chính quyền thuộc địa áp dụng vào Đông Dương và Việt Nam đã thay đổi phong cách của người lao động vốn xuất thân từ một nước nông nghiệp Á Đông kém phát triển và chưa có nền công nghiệp.

4. Hạn chế và ưu điểm trong chính sách đãi ngộ nguồn nhân lực thư viện

Hạn chế

Việc sắp xếp nhân sự lưu trữ – thư viện bản xứ chỉ được thực hiện ở các viên chức từ hạng 1 đến hạng thấp với số lượng vô cùng hạn chế (bộ máy nhân sự bản xứ của Nha Lưu trữ và Thư viện chỉ bao gồm: 1 nhân sự bậc một, một bậc hai, một bậc thấp).

Lương của các viên chức lưu trữ và thư viện người bản xứ trên toàn Đông Dương ở mức thấp so với các viên chức của một số ngành khác. So với các viên chức lưu trữ thư viện người Âu thì mức chênh lệch lương quá lớn, mặc dù yêu cầu về đào tạo, bằng cấp như nhau.

Điều kiện tuyển dụng đối với các viên chức của các ngành nói chung và viên chức lưu trữ – thư viện nói riêng đòi hỏi rất ngặt nghèo và phân biệt đối xử. Chính quyền thuộc địa chỉ tuyển nam giới có bố là người Pháp, mẹ là người Á Đông Dương hoặc người mẹ phải có bố là người Pháp hoặc được người Pháp bảo trợ. Chính sách tuyển dụng này của chính quyền thuộc địa cho thấy vai trò của người phụ nữ Việt Nam vốn thấp trong xã hội phong kiến, lại một lần nữa thấp hơn trong xã hội thuộc địa.

Yêu cầu tuyển dụng, chính sách sắp xếp nhân sự cùng với chế độ lương đối với người bản xứ thể hiện rõ chính sách nô dịch, phân biệt đối xử của chính quyền thuộc địa Pháp đối với nhân sự người bản xứ, trong đó có viên chức ngành thư viện. Với chính sách này, viên chức lưu trữ – thư viện Việt Nam không có cơ hội tham gia bộ máy lãnh đạo của các cơ quan lưu trữ và thư viện.

Ưu điểm

Với thế mạnh của một đất nước công nghiệp hiện đại có nền hành chính phát triển, có tính chuyên nghiệp cao, thực dân Pháp đã mang đến một màu sắc mới trong chính sách tuyển dụng nguồn nhân lực ở các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam.

Nguồn nhân lực của Việt Nam thời Pháp thuộc chủ yếu là thuần nông của một nước nông nghiệp, không có tính chuyên nghiệp dẫn đến hiệu quả lao động không cao. Việc áp dụng một khung chế độ, yêu cầu tuyển dụng, chính sách đối với người lao động ở các cấp bậc khác nhau trong đó có cả phụ cấp đối với gia đình và con của người lao động là một nét mới và tích cực. Bên cạnh những quyền lợi và nghĩa vụ, thì viên chức bản xứ cũng có những hình thức kỷ luật lao động nhất định, nhằm đảm bảo trách nhiệm của người lao động đối với công việc cũng như làm cho nguồn nhân lực bản xứ dần dần mang tính chuyên nghiệp. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng tạo mầm mống cho việc thiết lập một lớp nhân lực phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại và công nghiệp.

_____________

1. Tổng tập các Nghị định của Toàn quyền Đông Dương về các quy định nâng bậc, lương, phục cấp, nghỉ phép… của các viên chức làm việc trong các cơ quan ở Đông Dương, 1921-1929, Phòng Thống sứ Bắc Kỳ, A1, C.0 – 1014 – 04.

2. J1143- Journal officel de l’Indochine (Công báo Đông Dương), quý 2, 1930.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 401, tháng 11 – 2017

Tác giả : LÊ THANH HUYỀN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *