Vận dụng chính sách dân tộc trong bảo vệ biên giới quốc gia

Ở nước ta vấn đề dân tộc luôn gắn liền với vấn đề biên giới, bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG). Giải quyết vấn đề dân tộc trong bảo vệ BGQG là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng trong điều kiện của một quốc gia đa dân tộc nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội trên khu vực biên giới; phát huy sức mạnh toàn dân vào sự nghiệp bảo vệ BGQG. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi các thế lực thù địch, phản động đang triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá cách mạng nước ta, gây mất ổn định trên khu vực biên giới thì việc giải quyết vấn đề dân tộc trong bảo vệ BGQG càng trở nên rất quan trọng.

Xuất phát từ mối quan hệ chặt chẽ vấn đề dân tộc với bảo vệ BGQG, bảo vệ BGQG phải dựa vào sức mạnh của nhân dân, trực tiếp là đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới; từ vị trí chiến lược của địa bàn khu vực biên giới cùng với sự chống phá ác liệt của các thế lực thù địch, phản động… đòi hỏi bộ đội biên phòng cần phải có những giải pháp đồng bộ, thiết thực trong thực hiệnquan điểm, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, nhằm bảo vệ vững chắc BGQG. Trong đó, bộ đội biên phòng cần quán triệt và thực hiện tốt những giải pháp sau:  

Một là, nắm vững quan điểm, chính sách dân tộc và phương châm, phương pháp vận động đồng bào dân tộc thiểu số.

Giải quyết vấn đề dân tộc trong bảo vệ BGQG là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Bộ đội biên phòng; là trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy và mọi cán bộ, chiến sĩbộ đội biên phòng. Kết quả giải quyết các vấn đề dân tộc của bộ đội biên phòng phụ thuộc vào trình độ nhận thức về đường lối, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức của mọi cán bộ, chiến sĩ. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị phải làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững đường lối, quan điểm, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Đây là cơ sở quan trọng để cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng giữ vững định hướng và vận dụng sáng tạo trong quá trình giải quyết vấn đề dân tộc.

Do đó, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị biên phòng cần chú trọnggiáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững phương châmvận động đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với việc xác định đúng đắn các nội dung công tác, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng cần nắm vững và thực hiện tốt phương châm công tác dân tộc: chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc. Coi trọng công tác điều tra, nắm vững tình hình mọi mặt của địa bàn; nội dung công tác phù hợp với trình độ giác ngộ cách mạng và dân trí, phong tục, tập quán, tâm lý các dân tộc. Trong triển khai cần kiên nhẫn vận động, bàn bạc, thuyết phục đồng bào cùng tham gia, chống các biểu hiện ép buộc, làm thay. Tiến hành công việc gì trên địa bàn các dân tộc cũng phải có kế hoạch cụ thể, mỗi bước đi có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện làm trước, nói sau, nói đi đôi với làm, lấy hiệu quả công việc để tuyên truyền chính sách dân tộc của Đảng.

Hai là, tham gia phát triển kinh tế xã hội ở khu vực biên giới.

Bộ đội biên phòng tham gia phát triển kinh tế xã hội ở khu vực biên giới không chỉ là vấn đề thuộc về chức năng, nhiệm vụ của quân đội, mà còn góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG. Phát triển kinh tế xã hội ở khu vực biên giới tạo ra hệ thống kết cấu hạ tầng vật chất và các phương tiện phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của người dân góp phần nâng cao nhận thức, trình độ, tri thức của người dân ở khu vực biên giới trên các lĩnh vực; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Qua đó, người dân luôn yên tâm tư tưởng, gắn bó với mảnh đất biên cương; tin vào chế độ, vào sự lãnh đạo của Đảng, gắn bó với hệ thống chính trị ở địa phương và các lực lượng đứng chân trên địa bàn; không ngại khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng đóng góp sức người, sức của, kể cả tính mạng của mình cho sự bình yên biên giới. Vì vậy, Bộ đội biên phòng cần tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vị trí, vai trò, yêu cầu, nhiệm vụ tham gia phát triển kinh tế xã hội ở khu vực biên giới.

Nội dung bộ đội biên phòng tham gia phát triển kinh tế xã hội ở khu vực biên giới cần tập trung vào quán triệt và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển toàn diện khu vực biên giới. Trong đó, cần quan tâm đến những vấn đề trực tiếp liên quan đến xây dựng và phát triển khu vực biên giới trên các lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là những vấn đề về dân tộc, tôn giáo, di cư tự do, vấn đề xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, xây dựng đời sống văn hóa mới. Hiện nay, bộ đội biên phòng cần tập trung và tiếp tục đẩy mạnh tham gia thực hiện có hiệu quả. Chương trình phát triển kinh tế, xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Chính sách phát triển thương mại vùng biên giới, miền núi và hải đảo…

Bên cạnh đó, bộ đội biên phòng cần thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa Bộ đội biên phòng với các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương và các lực lượng khác trong tham gia phát triển kinh tế xã hội ở khu vực biên giới. Trong quá trình thực hiện cơ chế phối hợp cần xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của mỗi lực lượng; những yêu cầu, nguyên tắc của việc phối hợp; những nội dung, hình thức, biện pháp phối hợp; những điều kiện đảm bảo cho việc phối hợp nhịp nhàng, có hiệu quả…

Ba là, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng tham gia bảo vệ BGQG.

Tin vào dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, xây dựng nền biên phòng toàn dân là quan điểm lớn, cơ bản, có ý nghĩa chiến lược mà bộ đội biên phòng phải thực hiện. Đẩy mạnh công tác vận động quần chúng tham gia bảo vệ BGQG là nhiệm vụ chính trị, làm cơ sở, nền tảng cho các biện pháp công tác khác của bộ đội biên phòng; góp phần xây dựng phòng tuyến nhân dân vững chắc để bảo vệ BGQG.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng tham gia bảo vệ BGQG trong tình hình hiện nay, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị Biên phòng cần thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác vận động quần chúng; xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác vận động quần chúng có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, am hiểu phong tục, tập quán của địa phương, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động; xây dựng tinh thần khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ để gắn bó với đồng bào; thực hiện tốt phương châm: cùng ăn, cùng ở cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc; bám dân, bám địa bàn, bám nhiệm vụ, bám chính quyền địa phương, bám đối tượng.

Chú trọng xây dựng, củng cố đội ngũ làm công tác vận động quần chúng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ BGQG trong tình hình mới. Trong xây dựng, củng cố đội ngũ làm công tác vận động quần chúng, lãnh đạo, chỉ huy Biên phòng các cấp cần làm tốt khâu tuyển chọn, kết hợp với công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác vận động quần chúng. Huấn luyện cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác vận động quần chúng nắm vững nghiệp vụ về quy trình các bước trong phương pháp vận động quần chúng, vận dụng linh hoạt, hợp lý các hình thức tham gia và xây dựng nội dung phù hợp với từng đối tượng cần tuyên truyền, vận động. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ chuyên trách phải có đủ phẩm chất, năng lực, có kiến thức toàn diện, hiểu biết về phong tục tập quán, đặc điểm tâm lý của mỗi dân tộc cũng như biết, thạo tiếng dân tộc. Bố trí cán bộ, chiến sĩ ở đội công tác vận động quần chúng phải đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, phù hợp với tình hình địa bàn, ưu tiên địa bàn trọng điểm, địa bàn khó khăn.

Cán bộ, chiến sĩ biên phòng làm công tác vận động quần chúng phải biết vận dụng linh hoạt, hợp lý các nội dung, phương pháp, hình thức vận động quần chúng tham gia bảo vệ BGQG. Xuất phát từ đặc điểm tình hình địa bàn, trình độ dân trí, phong tục, tập quán và điều kiện sinh hoạt của đồng bào, vì vậy, vận dụng linh hoạt, hợp lý các nội dung, phương pháp, hình thức vận động quần chúng là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng của bộ đội biên phòng.

Vận dụng linh hoạt, hợp lý các nội dung, phương pháp, hình thức phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi, tới mọi đối tượng, trong quá trình thực hiện phải nắm chắc phong tục, tập quán của từng dân tộc để tổ chức tuyên truyền những nội dung cho hợp lý. Trong quá trình tuyên truyền, vận động, người làm công tác vận động quần chúng cần phải tích cực tham gia giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tếxã hội, bồi dưỡng kiến thức về sản xuất, lời nói phải đi đôi với việc làm, phải cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ cách thức làm kinh tế; triển khai thực hiện tốt các chương trình quân dân y kết hợp, xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ…

Bốn là, chủ động đấu tranh, ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc của các thế lực thù địch, phản động trên khu vực biên giới.

Để nâng cao công tác phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc nhằm kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng, đòi ly khai, tự trị…, bộ đội biên phòng cần quán triệt nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng dân tộc. Tích cực tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương… giúp họ hiểu rõ mọi âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá cách mạng. Mặt khác, tăng cường sự tranh thủ giúp đỡ, đồng tình, ủng hộ của quần chúng nhân dân và người có uy tín trong đồng bào dân tộc như già làng, trưởng bản, đầu dòng họ. Người uy tín trong đồng bào dân tộc ở khu vực biên giới có ảnh hưởng chi phối lớn đến mọi mặt của đời sống cộng đồng. Do vậy, bộ đội biên phòng muốn làm tốt công tác đấu tranh, ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc của các thế lực thù địch, phản động trên khu vực biên giới thì yếu tố có ý nghĩa quyết định là tranh thủ được người có uy tín, thông qua họ vận động đồng bào không tin, không mắc mưu kẻ xấu, kẻ địch.

Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa bộ đội biên phòngvới các lực lượng chức năng trên địa bàntrong phát hiện đấu tranh chống hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc của các thế lực thù địch, phản động trên khu vực biên giới. Việc phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng này, giúp cho sự đánh giá tình hình một cách thống nhất, trên cơ sở đó, tỉnh ủy, UBND và cấp trên có chủ trương, biện pháp, đối sách phù hợp; không để sơ hở để kẻ xấu lợi dụng kích động gây bất lợi về kinh tế xã hội. Tích cực, chủ động phối hợp, phát hiện sớm, phòng ngừa, đấu tranh, giải quyết tại chỗ các mâu thuẫn, không để trở thành điểm nóng, không để lan rộng sang địa bàn khác hoặc tạo sơ hở, tạo cớ cho các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá với phương châm thu nhỏ sự việc, không để lây lan, kéo dài. Tập trung cô lập, vô hiệu hóa các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, chống đối, quá khích. Kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật và vận động, giải tán quần chúng bị lôi kéo, kích động để sớm ổn định tình hình.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 – 2017

Tác giả : TRẦN NHẬT NAM

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *