Khác biệt giữa văn hóa, đạo đức tôn giáo và văn hóa, đạo đức mới

Trong xã hội nguyên thủy, văn hóa và tôn giáo vốn là một thể thống nhất. Mọi hoạt động văn hóa thời nguyên thủy cũng chính là hoạt động tôn giáo. Chỉ sau này, khi xã hội phát triển, loài người mới tạo dựng nên nhiều lĩnh vực văn hóa tương đối độc lập không còn bị chi phối bởi tôn giáo nữa. Tuy nhiên, sự phát triển của văn hóa và tôn giáo luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Tôn giáo có trong văn hóa và văn hóa cũng không thể tồn tại bên ngoài tôn giáo. Tôn giáo không chỉ dựa vào kết cấu kinh tế mà còn phụ thuộc vào truyền thống văn hóa của các dân tộc. Một mặt tôn giáo phản ánh đời sống hiện thực, mặt khác cũng biểu hiện văn hóa của nhân loại. Tôn giáo tồn tại hàng nghìn năm nay, đã đóng góp cho xã hội loài người về nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa và đạo đức. Những thang bậc, chuẩn mực đạo đức mà tôn giáo xây dựng đã từng vận dụng vào đời sống xã hội có giá trị thực tiễn cao trong việc giáo dục phẩm hạnh con người.

Đảng ta khẳng định rằng, cần giữ gìn, phát huy giá trị đạo đức và văn hóa của tôn giáo. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa văn hóa, đạo đức tôn giáo chỉ có tính tích cực mà không có những biểu hiện tiêu cực và cũng không nên quên rằng vẫn còn hiện tượng phi đạo đức, phản văn hóa nảy sinh từ tôn giáo. Khi nghiên cứu về Cơ đốc giáo, C.Mác đã từng đánh giá vai trò của tôn giáo trong chế độ tư bản chủ nghĩa, ông cho rằng, một bộ phận nào đó thì văn hóa, đạo đức Cơ đốc giáo phù hợp với xã hội cộng sản nhưng xét về toàn bộ là đối lập với chủ nghĩa cộng sản: “Nếu như có một vài đoạn trong kinh thánh có thể được giải thích có lợi cho chủ nghĩa cộng sản thì toàn bộ tinh thần của đạo lý kinh thánh vẫn hoàn toàn đối địch với chủ nghĩa cộng sản”(1). Đạo lý ấy của Cơ đốc giáo mà C.Mác đề cập ở đây là thuộc chế độ mà giai cấp bóc lột đang sử dụng kinh thánh nói riêng, Công giáo nói chung, như thứ công cụ để phục vụ cho lợi ích của chúng và duy trì chế độ áp bức quần chúng nhân dân, khi mà ở đâu đó tôn giáo đã hợp pháp hóa cái xã hội bất công hiện hành, chứ không phải tất cả các tôn giáo ở mọi thời kỳ lịch sử. Khi tôn giáo tồn tại trong chủ nghĩa xã hội, vai trò, vị trí đã có sự thay đổi, tôn giáo không còn là công cụ của giai cấp tư sản nữa mà đang hoạt động hướng tới phù hợp với lợi ích và sự tiến bộ xã hội trong chủ nghĩa xã hội. 

Văn hóa, đạo đức của một số tôn giáo, về hệ tư tưởng, có sự khác biệt đối với văn hóa, đạo đức xã hội xã hội chủ nghĩa – một trong những bộ phận cấu thành nên tư tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học. Văn hóa, đạo đức tôn giáo được xây dựng trên nền tảng hệ tôn giáo nào đó, thường tuyên truyền về sự cấm dục, hướng mọi người vào “thế giới bên kia”, từ đó khiến một bộ phận con người trong xã hội bàng quan với những hiện tượng bất hợp lý hàng ngày đang diễn ra. Còn văn hóa, đạo đức cộng sản chủ nghĩa xây dựng trên cơ sở thế giới quan khoa học mác-xít, lấy tiêu diệt chế độ bóc lột, thực hiện chủ nghĩa cộng sản làm mục tiêu cao cả của mình. Đồng thời, về đạo nghĩa, chủ nghĩa cộng sản động viên tất cả mọi người hãy nỗ lực phấn đấu để thực hiện mục tiêu này. Văn hóa, đạo đức của một số tôn giáo thường được xây dựng trên nền tảng quan niệm về sự bất lực, yếu ớt của con người trước tự nhiên và xã hội, thừa nhận đấng siêu nhiên là chủ thể của thế giới và cả số phận, đến sinh mạng của con người. Trong tôn giáo, con người thường phục tùng sự an bài của thần thánh, bị chi phối bởi các đấng siêu nhiên. Qua những hành vi cầu khấn, lễ bái hoặc tu luyện để cá nhân đạt được hoài bão, ước mơ về nhu cầu ở thế giới hiện hữu và được giải thoát, sống hạnh phúc trọn vẹn ở “thế giới bên kia”. Còn văn hóa, đạo đức xã hội chủ nghĩa nhấn mạnh cách mạng xã hội phải dựa vào nguyên tắc lý luận nhận thức quy luật phát triển đối với thế giới khách quan để cải tạo thế giới, động viên các giai cấp cách mạng phát huy tính năng động chủ quan, tích cực tham gia đấu tranh cải tạo xã hội cũ xây dựng xã hội mới. Vì vậy, dù văn hóa, đạo đức tôn giáo có một số điều phù hợp với văn hóa, đạo đức mới, nhưng mặt nào đó văn hóa, đạo đức    mác-xít có thái độ phê phán đối với văn hóa, đạo đức tôn giáo.

Có thể khái quát sự khác biệt giữa văn hóa, đạo đức tôn giáo với văn hóa, đạo đức của chủ nghĩa xã hội trên một số luận điểm sau:

Một là, văn hóa, đạo đức tôn giáo và văn hóa, đạo đức chủ nghĩa xã hội được xây dựng trên hai phương pháp luận – cơ sở lý luận khác nhau

Sự khác nhau chính là từ những thế giới quan và phương pháp luận khác nhau. Văn hóa, đạo đức của chủ nghĩa xã hội được xây dựng từ hệ thống quy luật phản ánh bản chất của thế giới, xã hội và con người trên cơ sở quan điểm duy vật biện chứng về lịch sử. Chủ nghĩa duy tâm tôn giáo được xây dựng trên thế giới hữu thần luận, quyết định luận số phận. Theo đó vận mệnh xã hội, số mệnh con người chịu ảnh hưởng của những thế lực như ý Chúa, mệnh trời, sự sắp đặt của đấng toàn năng… Chủ nghĩa xã hội khoa học quan niệm rằng, muốn đạt được xã hội với văn hóa, đạo đức lý tưởng thì phải tìm ra những giải pháp hiện thực từ mảnh đất hiện thực. Tôn giáo lại cho rằng, muốn đến được “giang sơn ngàn năm của Chúa”, cõi niết bàn hay thiên đường… thì tuân phục sự sắp đặt của đấng siêu nhiên và tu hành theo quy định của các giáo lý.

Hai là, sự khác nhau trong lý giải những nguyên nhân của những khổ đau, bất công nơi trần thế

Quan tâm đến hạnh phúc và sự nghiệp giải phóng con người là điểm chung của hai hệ lý luận, song cắt nghĩa nguyên nhân của những khổ đau nhân thế thì có sự khác biệt. Trong quan niệm của chủ nghĩa xã hội khoa học, sở hữu tư nhân, nhất là sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, với tư cách kết quả của quá trình lao động bị tha hóa đã trở thành nguyên nhân suy đến cùng, là chủ yếu và cơ bản nhất gây ra những tai họa khủng khiếp cho con người, làm tha hóa con người. Và do vậy, để giải phóng con người, cần phải xóa bỏ thứ sở hữu tư nhân đó. Chủ nghĩa cộng sản là sự giải phóng triệt để mọi lực lượng bản chất của con người, giải phóng con người khỏi ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo – một biểu hiện cơ bản của sự tha hóa con người về ý thức, tinh thần và giải phóng con người khỏi cả chế độ tư hữu – nhân tố cơ bản làm con người tha hóa trong hiện thực. Do vậy, chủ nghĩa cộng sản như là “sự xóa bỏ một cách tích cực chế độ tư hữu – sự tự tha hóa ấy của con người”, là “chủ nghĩa nhân đạo hoàn bị”. C.Mác quan niệm: “…Muốn xóa bỏ chế độ tư hữu trong hiện thực thực tế thì phải có hành động cộng sản chủ nghĩa hiện thực”(2). Hành động ấy là giải phóng sức sản xuất xã hội ra khỏi sự kìm hãm của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, là xóa bỏ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, chế độ áp bức về chính trị để con người được phát triển tự do. Đó cũng là cái gốc để giải quyết những vấn đề nảy sinh từ tôn giáo.

Trong lý luận của các tôn giáo, cắt nghĩa những khổ đau của con người trên trần thế và hướng tới một thế giới lý tưởng trong tương lai như một sự giải thoát vĩnh viễn khỏi mọi nỗi đau khổ ấy, là những luận đề cơ bản thể hiện cho tính hữu ích của niềm tin tôn giáo. Nhiều tôn giáo cắt nghĩa khổ đau hiện tại bởi kiếp trước và hứa hẹn “phần thưởng” ở kiếp sau, còn hiện tại thì răn đạy con người biết kiềm chế những dục vọng để sống với nhau sao cho hợp đạo và vươn tới cái hoàn mỹ bằng các hành vi tu luyện hành đạo. Có tôn giáo còn khuyên người ta cam chịu số phận, bất bạo động trước bất công. Trong tác phẩm Chủ nghĩa xã hội và tôn giáo, V.I.Lênin cho rằng: “Đối với những ai suốt đời vẫn lao động và sống trong cảnh thiếu thốn, tôn giáo dạy họ phải sống theo tinh thần cam chịu và nhẫn nhục trong cuộc sống dưới trần gian, bằng cách làm cho họ hy vọng sẽ được đền đáp khi lên thiên đường. Còn đối với những kẻ sống bằng lao động của người khác, tôn giáo dạy họ hãy làm điều thiện ở thế gian, biện hộ một cách rất rẻ tiền cho toàn bộ cuộc đời bóc lột của chúng và bán rẻ cho chúng những tấm thẻ để lên thiên đường của những người hạnh phúc”(3).

Ba là, sự khác nhau trong giải pháp để xây dựng văn hóa, đạo đức, lý tưởng

Chủ nghĩa xã hội khoa học tìm ra những giải pháp từ đời sống hiện thực như: xã hội hóa lực lượng sản xuất, cách mạng công nghiệp, giải quyết mâu thuẫn cơ bản trong lòng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử giải phóng nhân loại bằng cách mạng xã hội chủ nghĩa… Còn có một số tôn giáo hướng tới văn hóa, đạo đức, lý tưởng của mình bằng “đền bù hư ảo”, bằng sự cam chịu với số phận, bằng các giải pháp tinh thần – đạo đức như tu hành, sám hối, yêu thương đồng loại ngay cả với kẻ đang áp bức, bóc lột mình. Chẳng hạn, “đạo Cơ đốc tìm sự giải thoát ấy trọng cuộc sống trên trời, ở thế giới bên kia sau khi chết, còn chủ nghĩa xã hội thì tìm nó ở thế giới này, ở việc tổ chức lại xã hội”(4).

Bốn là, sự khác nhau trong kiểm nghiệm về tính khả thi khả năng hiện thực hóa và vị trí tồn tại của văn hóa, đạo đức

Chủ nghĩa xã hội khẳng định tính đúng đắn dựa trên thực tế, bằng tư duy duy lý và bằng những bước tiến của phong trào quần chúng trên hiện thực. Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội hiện thực và chủ nghĩa cộng sản là mục tiêu của hành động cách mạng. Các tôn giáo thường kiểm nghiệm tính đúng bằng cái thiêng, niềm tin tôn giáo… Kinh bổn, lời phán truyền của đấng tối cao được coi là chân lý thiêng liêng, đáng tin tưởng và không cần kiểm định. Chủ nghĩa xã hội khẳng định rằng, văn hóa, đạo đức, lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản có thể thành hiện thực ngay trên cõi đời này. Còn tôn giáo khẳng định cuộc sống lý tưởng sẽ là phần thưởng to lớn và lâu dài ở kiếp sau, mặc dù nhiều tôn giáo vẫn chú ý đến cuộc sống thế tục của tín đồ.

Năm là, lực lượng để hiện thực hóa lý tưởng và thái độ đạo đức xã hội cũng có sự khác biệt

Với chủ nghĩa xã hội khoa học, giai cấp công nhân, nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là lực lượng sẽ hiện thực hóa mơ ước ngàn đời. Các tôn giáo độc thần coi ý Chúa, sức mạnh của đấng tối cao, con đường của Phật… là những thế lực vĩ đại bên ngoài có năng lực chỉ lối, trợ giúp, còn sự sùng tín hành đạo của các tín đồ là sức mạnh để vượt qua thử thách trần gian, hướng tới cõi vĩnh hằng. Chủ nghĩa xã hội không chấp nhận bất công, bóc lột, áp bức, không chấp nhận tư hữu như phương tiện để người bóc lột người. Nhiều tôn giáo cũng phản kháng sự bất công, áp bức, phê phán tư hữu bóc lột nhưng lại chấp nhận tư hữu nhỏ; muốn xóa bần hàn, cùng coi tín hữu là con dân của Chúa, Phật… nhưng lại không chấp nhận sự giàu có. Phạm trù văn hóa, đạo đức được chủ nghĩa xã hội coi là hệ quả của các quan hệ duy vật lịch sử mà trước tiên là tính chất của quan hệ sản xuất và sâu xa là trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Trái lại, tôn giáo quan niệm thiện – ác, đạo đức và phi đạo đức lại là những phạm trù có được thông qua “giác ngộ”, tu luyện, hoặc kêu gọi tính bản thiện hay trông chờ vào sự răn đe của “ngày phán xử cuối cùng”… Tính chất của chủ nghĩa nhân đạo theo đó cũng khác nhau: chủ nghĩa xã hội là chủ nghĩa nhân đạo tích cực; còn chủ nghĩa nhân đạo tiêu cực in dấu khá rõ lên một số tôn giáo.

Sáu là, giải pháp nhằm giải quyết sự khác biệt giữa văn hóa, đạo đức tôn giáo và văn hóa, đạo đức của chủ ghĩa xã hội có sự khác nhau

Chủ nghĩa xã hội thừa nhận sự khác biệt với tôn giáo nhưng không “tuyên chiến với tôn giáo”, coi đó là một hiện tượng lịch sử, một nhu cầu tinh thần của quần chúng cần được chấp nhận và đáp ứng. Chủ nghĩa xã hội chú trọng tới biện pháp duy vật lịch sử để thống nhất ý chí, đoàn kết dân tộc cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội bên cạnh việc dần khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực và chống những hành vi lợi dụng tôn giáo để chống phá chủ nghĩa xã hội… Một số tôn giáo có khi có những ứng xử khốc liệt với cái khác với mình. Lịch sử đã chứng kiến 7 cuộc chiến tranh thảm khốc giữa hai tôn giáo là Thiên chúa giáo và Hồi giáo kéo dài 195 năm từ TK XI – XIII. Sự xung đột về giáo lý và sự tranh chấp lãnh thổ giữa hai tôn giáo này đã lôi kéo hàng chục triệu tín đồ vào cơn binh lửa. Một số vị chức sắc Thiên chúa giáo có lúc đã từng có lời “tuyên chiến với cộng sản” và hô hào “chống cơn hồng thủy cộng sản”… Thái độ kỳ thị, thù địch với chủ nghĩa xã hội cho đến nay, đây đó vẫn tồn tại trong một số người, một số tổ chức tôn giáo.

Phân biệt rõ sự khác nhau về văn hóa, đạo đức tôn giáo với văn hóa, đạo đức mới không có nghĩa là kỳ thị, phủ nhận, mà là tôn trọng sự khác biệt và chấp nhận nó như một sự đa dạng dưới chủ nghĩa xã hội và thông qua những mặt tích cực của nó góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội

Chủ nghĩa xã hội chấp nhận sự khác biệt trong nhu cầu tinh thần của đông đảo quần chúng trên quan điểm duy vật lịch sử, tôn giáo “còn tồn tại lâu dài” theo quy luật tính lạc hậu tương đối của ý thức xã hội, song không có nghĩa là chấp nhận tất cả những cái tiêu cực của nó. Chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc và đấu tranh với những thiên kiến tôn giáo, những hành vi lợi dụng tôn giáo và giải phóng quần chúng khỏi những xiềng xích của tư tưởng cổ truyền vẫn là những điểm phân biệt rõ ràng và là nhiệm vụ của chủ nghĩa xã hội. Chấp nhận sự khác biệt của tôn giáo và của các tín đồ với niềm tin hữu thần là từ nhãn quan khoa học rằng, một số giá trị văn hóa, đạo đức của tôn giáo có thể góp phần cho sự nghiệp xây dựng xã hội mới; rằng quần chúng tín đồ với nhu cầu tín ngưỡng của họ cũng đồng thời là những người lao động, bị áp bức, bóc lột và cần được giải phóng. Sự nghiệp giải phóng ấy bao gồm cả hai mặt, theo Hồ Chí Minh, là để cho “phần xác được ấm no, phần hồn được thong dong”, sự khác biệt trong quan niệm về những nhu cầu con người ấy được Người rất tôn trọng. Quá trình đổi mới tư duy về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta đã đạt được nhiều thành quả to lớn. Cái khác biệt của tôn giáo trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội là một trong nhiều khác biệt được tôn trọng và chấp nhận trong một xã hội thống nhất trong đa dạng. Chúng ta đã tìm ra được mẫu số chung lớn nhất đề quy đồng những khác biệt ấy. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(5).

Chấp nhận sự khác biệt trong nhu cầu về tinh thần của đồng bào có đạo là để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ. Theo đó, không thể xem nhẹ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đã từng ẩn chứa và thể hiện qua tín ngưỡng, tôn giáo. Việc chấp nhận sự khác biệt, trong đó có khác biệt về tôn giáo, cũng là một cách để kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người. Trên thực tế, hiện nay các tôn giáo ở Việt Nam được hoạt động tự do trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Các tôn giáo được quan tâm, tạo điều kiện đáp ứng những nhu cầu tôn giáo cơ bản; những hoạt động tôn giáo ích nước, lợi dân, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tín đồ được bảo đảm. Những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được tôn trọng và khuyến khích phát huy. Còn đối với những cái khác biệt xuất hiện dưới dạng đội lốt, lợi dụng tôn giáo thì cần được nhận rõ và nghiêm trị: “…chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật (6).

_____________

1. C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Hà Nội, 1995, tr.731., tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia

2. C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Hà N, tập 42, Nxb Chính trị Quốc giaội, 1995, tr.194.

3. V.I.Lênin, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.170.

4. C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 22, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 663.

5, 6. ĐCSVN, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016,   tr.158-159, 165.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 – 2017

Tác giả : NGUYỄN TRUNG TUYÊN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *