Đoàn kết, hợp tác quốc tế góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia


Đất nước Việt Nam hiện nay đang bước vào thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Để tham gia có hiệu quả, bền vững và để bảo vệ lợi ích quốc gia, chúng ta phải có sự nhận thức đầy đủ những cơ hội và điều kiện thuận lợi; đồng thời cũng thấy rõ cả những nguy cơ, khó khăn, thách thức lớn mà nước ta phải đối mặt. Đại hội Đảng lần thứ XII đã đưa ra dự báo có ý nghĩa hết sức quan trọng và có tính cấp bách, chỉ ra một số nguy cơ, thách thức vừa tiềm ẩn, vừa hiện hữu, đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta phải có những kế sách phù hợp để tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc (1).

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra phương châm trong việc tích cực, chủ động đoàn kết, hợp tác quốc tế đó là, Việt Nam sẵn sàng “làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với một ai” (2). Người chủ trương tích cực, chủ động đoàn kết, hợp tác quốc tế, trên cơ sở độc lập, tự chủ, tôn trọng lẫn nhau; hợp tác phải đi đôi với đấu tranh, bởi vì mục đích của ta là tăng cường đoàn kết, vì đoàn kết mà phải đấu tranh để đi đến đoàn kết, thống nhất và hợp tác bền vững. Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng luôn tuân thủ quan điểm đoàn kết, hợp tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh và có những phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của cách mạng, của đất nước trong từng thời kỳ. Nhờ có sự đoàn kết, hợp tác quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã phá thế bao vây, cấm vận của Mỹ trong thời kỳ đầu đổi mới, bảo vệ được những lợi ích của quốc gia như: cơ bản hoàn thành phân định, xây dựng đường biên giới hữu nghị, ổn định với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào và Campuchia; trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, chế độ chính trị của nhau; mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trong khu vực đi vào chiều sâu, ổn định hơn; tạo lập môi trường hòa bình, tranh thủ yếu tố quốc tế thuận lợi để xây dựng, phát triển đất nước; thực hiện kế sách bảo vệ lợi ích quốc gia từ sớm, từ xa.

Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực còn có nhiều diễn biến mới, phức tạp và khó lường. Trật tự thế giới đa cực đang định hình ngày càng rõ nét, với những liên kết đan xen, đa tầng. Các nước đều đặt lợi ích quốc gia, dân tộc trong quan hệ quốc tế đa phương lên hàng đầu. Tính đối tác, đối tượng trong quan hệ quốc tế đan xen. Sự hợp tác, cạnh tranh, đấu tranh và thỏa hiệp giữa các nước đang diễn biến hết sức phức tạp, nhất là vấn đề biển Đông. Bên cạnh những thời cơ lớn và thuận lợi, đất nước ta hiện nay cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức, tiềm ẩn các nguy cơ đe dọa về quốc phòng, an ninh do âm mưu, thủ đoạn chống phá, lật đổ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia của các thế lực thù địch và phản động. Trước thực tế đó, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định rõ phương hướng “đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế… nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân” (3). Trong điều kiện mới của cách mạng, Đảng, Nhà nước luôn luôn thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào vẫn phải giữ vững, tăng cường tình đoàn kết, hợp tác quốc tế và ngay như vấn đề bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, vấn đề biển đảo, chủ quyền là những vấn đề hệ trọng liên quan đến lợi ích quốc gia sống còn, chúng ta rất cần tình đoàn kết quốc tế và mở rộng hợp tác quốc tế.

Bằng thực tế của Việt Nam qua hơn 30 năm đổi mới, vấn đề đoàn kết và hợp tác quốc tế để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc cũng để lại kinh nghiệm và những bài học thành công quý báu. Đây còn là một giải pháp cơ bản để đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế trong tình hình mới, đảm bảo cho thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Đó cũng chính là giải pháp để chúng ta giữ thế chủ động chiến lược trong bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc. Vì vậy, để góp phần tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế ở nước ta hiện nay, chúng ta cần chú trọng triển khai thực hiện hữu hiệu một số nội dung giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, giữ vững thế chủ động trong đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn phá hoại tình đoàn kết và các mối quan hệ hợp tác quốc tế của Đảng, Nhà nước ta.

Đây là một giải pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp thiết, làm tiền đề để bảo vệ vững chắc lợi ích quốc gia, dân tộc. Do đó, các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở mỗi cấp phải luôn quán triệt sâu sắc các chỉ thị, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương về nhiệm vụ tăng cường đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; đồng thời xây dựng kế hoạch phòng chống nhằm làm thất bại mọi mưu đồ phá hoại sự đoàn kết, hợp tác quốc tế của nước ta.

Trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng cần tập trung làm rõ những âm mưu, phương thức, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang nhân dân ta của các thế lực thù địch phá hoại tình đoàn kết quốc tế và chủ trương mở rộng hợp tác quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Kịp thời phát hiện, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc về nhận thức, suy giảm niềm tin; ngăn chặn những thông tin sai lệch, các tài liệu phản động xâm nhập, lan truyền vào nội bộ. Xây dựng tinh thần tích cực, chủ động tiến công, “dám đánh, biết đánh và biết thắng” mọi âm mưu phá hoại tình đoàn kết và các mối quan hệ hợp tác quốc tế của ta.

Thứ hai, phải đặt mục tiêu bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là mục tiêu tối thượng trong tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc hiện nay.

Trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Đảng ta đã khẳng định: “Phải đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết; kiên định độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi; kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” (4). Đây là một trong những bài học quan trọng, được đặt ngang hàng với những bài học về kiên định, dân là gốc, tôn trọng khách quan, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng… Đồng thời, cũng là vấn đề có tính quy luật về nhận thức, đổi mới tư duy của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng, trong bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc hiện nay.

Thực hiện giải pháp này phải trên cơ sở nắm vững quan điểm của Đảng, giải quyết đúng đắn, hài hòa mối quan hệ giữa các lợi ích của quốc gia, dân tộc khi tham gia tổ chức quốc tế, khu vực và hội nhập vào quá trình toàn cầu hóa, đều xác định mục đích, mục tiêu làm gia tăng và bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc. Vì vậy, trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hiện nay là bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó là nguyên tắc cao nhất trong tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hiện nay.

Thứ ba, đoàn kết và hợp tác quốc tế phải trên cơ sở giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; kết hợp với đấu tranh khôn khéo để thực hiện các mục tiêu cách mạng, bảo vệ quyền lợi quốc gia và lợi ích dân tộc chân chính.

Sau hơn 30 năm tiến hành đường lối đổi mới, nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương hình thành nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng nhưng tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, nhất là tranh giành ảnh hưởng, tranh chấp chủ quyền biển, đảo, tài     nguyên… Những diễn biến phức tạp trên biển Đông, trong đó có việc tranh chấp chủ quyền biển, đảo, tài nguyên đặt ra những thách thức nghiêm trọng trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Vì vậy, để bảo vệ lợi ích tối thượng của quốc gia, vấn đề mở rộng, hợp tác quốc tế là khách quan, song phải trên cơ sở giữ vững đường lối độc lập, tự chủ; hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước, các tổ chức quốc tế, trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Giữ vững đường lối độc lập, tự chủ trong đoàn kết, hợp tác quốc tế phải kết hợp với tự lực, tự cường. Các yếu tố đó có mối quan hệ biện chứng, không tuyệt đối hóa một yếu tố nào trong việc phát huy sức mạnh nội lực, sức mạnh bên trong để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong tăng cường đoàn kết quốc tế và mở rộng quan hệ hợp tác, phải thực hiện tốt phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra. Khôn khéo, linh hoạt nhưng kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của dân tộc mình. Không vì lợi ích cục bộ mà vi phạm đến quyền và lợi ích của quốc gia, dân tộc, hoặc chà đạp lên lợi ích quốc gia, dân tộc khác.

Thứ tư, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch phá hoại tình đoàn kết và hợp tác quốc tế của nước ta.

Một trong những giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng trong bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam là, phải kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn làm phương hại đến lợi ích đoàn kết, hợp tác quốc tế theo quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam hiện nay. Các thế lực thù địch hiện đang triệt để lợi dụng xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế để chống phá đoàn kết và mở rộng hợp tác quốc tế ở nước ta bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Do vậy, cùng với thực hiện đồng bộ những biện pháp tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế để góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, một mặt chúng ta phải vạch rõ bộ mặt nham hiểm của các thế lực thù địch tìm mọi cách phá hoại mối đoàn kết nội bộ, đoàn kết quốc tế của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, đoàn thể trong nước; mặt khác, kiên quyết đấu tranh với những âm mưu và hành động xâm hại đến lợi ích hợp pháp của dân tộc ta; chú trọng đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia thông qua luật pháp quốc tế, định chế trong các tổ chức quốc tế, khu vực mà nước ta đã tham gia và ký kết hợp tác. Phải chú trọng “kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” (5), phát triển tình đoàn kết, mở rộng hợp tác quốc tế, bảo vệ lợi ích và mục tiêu tối thượng của quốc gia, dân tộc là giữ vững độc lập dân tộc với định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa nhưng phải luôn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và môi trường sinh thái. Tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau, giữa hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế về kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, tạo sức mạnh tổng hợp để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam, đưa đất nước vững bước trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

_____________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện ĐHĐB toàn quốc thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.

2. Nguyễn Văn Thanh, Toàn cầu hóa và các cuộc phản kháng – Hiện trạng cuộc đấu tranh, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006.

3. Đặng Duy Thìn, Giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia trong công cuộc xây dựng và bảo vệ lợi ích quốc gia Việt Nam XHCN, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012.

4. Nguyễn Linh Khiếu, Góp phần nghiên cứu quan hệ lợi ích, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009.

5. N.Xurốpxêva, V.I.Lênin bàn về chủ nghĩa quốc tế vô sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960.  

Nguồn : Tạp chí VHNT số 403, tháng 1 – 2018

Tác giả : NGUYỄN DUY TIÊN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *