Phát triển văn hóa đọc cho sinh viên hiện nay

Đọc là một hoạt động văn hóa của con người, là một trong những phương thức giúp con người thư giãn, giải trí, thỏa mãn nhu cầu tinh thần, hoàn thiện bản thân. Đồng thời, đây còn là kỹ năng giúp con người tích lũy, nâng cao tri thức, năng suất lao động, mưu cầu hạnh phúc, xây dựng, phát triển đất nước. Phát triển văn hóa đọc cho học sinh, sinh viên là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia. Đối với Việt Nam, phát triển văn hóa đọc chính là chìa khóa trong việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đối với các nhà trường, phát triển văn hóa đọc chính là yếu tố thúc đẩy quá trình tự học tập, nghiên cứu của sinh viên, giúp cho phương pháp dạy, học được đổi mới theo hướng lấy người học làm trung tâm.

Văn hóa đọc là khái niệm mới xuất hiện ở nước ta, cho đến nay có nhiều quan niệm khác nhau về vấn đề này. Tuy nhiên, hiểu một cách đơn giản, văn hóa đọc ở đây được đề cập với ý nghĩa là một hoạt động văn hóa của con người thông qua việc đọc sách, báo, tài liệu để tiếp nhận, xử lý thông tin, tri thức một cách khoa học, bổ ích. Văn hóa đọc là năng lực của con người được biểu hiện trong hoạt động đọc, bao gồm: nhu cầu đọc, thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng đọc, văn hóa ứng xử với tài liệu. Đồng thời, văn hóa đọc cũng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, như: môi trường xã hội, lứa tuổi, trình độ văn hóa, sự phát triển của khoa học công nghệ, hoạt động của thư viện, phương pháp đào tạo… Phát triển văn hóa đọc chính là phát triển thói quen, sở thích, kỹ năng đọc cho mọi người dân nhằm xây dựng một xã hội học tập, đây là một trong những mục tiêu quan trọng của Đảng, Nhà nước hiện nay.

Sinh viên Việt Nam là một tầng lớp xã hội đặc thù, đang trong quá trình định hình nhân cách, đạo đức, lối sống. Đặc biệt, sinh viên là lứa tuổi có nhu cầu tương đối đa dạng, năng động hơn so với các lứa tuổi khác, dễ tiếp thu cái mới, thích nghi kịp thời với sự thay đổi của xã hội, có nhu cầu hiểu biết, tìm tòi, sáng tạo, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học… Do đó, nhu cầu đọc sách, báo, tài liệu của sinh viên rất phong phú, đa dạng, đây chính là cơ sở, điều kiện để phát triển văn hóa đọc cho sinh viên. Tuy nhiên, trước sự bùng nổ của mạng internet, sự phát triển của các loại hình văn hóa nghe, nhìn, văn hóa đọc của sinh viên bị tác động, ảnh hưởng rất lớn.

Trong những năm qua, chúng ta luôn quan tâm đến văn hóa đọc, khuyến khích, tạo điều kiện cho văn hóa đọc phát triển, coi phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước. Đặc biệt, đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã xác định mục tiêu phát triển văn hóa đọc: “Xây dựng, phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng, phong trào đọc (xuất bấn phẩm in, điện tử) trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên, chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập” (1).

Thấm nhuần chủ trương của Đảng, các trường học đã không ngừng mở rộng, tăng cường trang thiết bị, đa dạng, hiện đại hóa dịch vụ thông tin thư viện, hình thành môi trường đọc khá thuận lợi cho sinh viên. Số lượng giáo trình, tài liệu, sách tham khảo đa dạng về chủng loại, phong phú về nội dung đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đọc của sinh viên. Một số nhà trường đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá văn hóa đọc, góp phần nâng cao nhận thức cho sinh viên về vị trí, vai trò của việc đọc, xây dựng cho sinh viên thói quen đọc mỗi ngày. Sinh viên có xu hướng lựa chọn sách, báo, tài liệu có nội dung phù hợp với nhu cầu học tập, nghiên cứu của mình. Ngoài ra, nhiều sinh viên đã tích cực tham gia các lớp đào tạo kỹ năng mềm, trong đó có tìm kiếm thông tin, khai thác thông tin để nâng cao kỹ năng đọc.

Tuy nhiên, một thực tế của xã hội hiện nay là trước sự bùng nổ của khoa học công nghệ, văn hóa đọc trong các nhà trường đang có xu hướng đi xuống, bị lấn át, yếu thế trước các loại hình văn hóa nghe, nhìn. Một bộ phận sinh viên chưa ý thức được tầm quan trọng của việc đọc sách, giá trị của sách mang lại, có xu hướng lười đọc, ngại đọc sách dẫn đến thói quen đọc chưa được hình thành một cách vững chắc. Đồng thời, xu hướng đọc của sinh viên hiện nay ít nhiều có biểu hiện lệch lạc, như: thích đọc truyện tranh, tiểu thuyết hay các sách, báo với những nội dung đơn giản, giải trí, thậm chí thiếu lành mạnh; ngại đọc các loại sách kinh điển, lý luận… Bên cạnh đó, việc đọc còn mang tính chất bắt buộc, nhất thời. Nhiều sinh viên chỉ đọc khi gần tới các kỳ thi hoặc khi giảng viên yêu cầu làm bài tập, bài thuyết trình, tiểu luận, khóa luận… Đặc biệt, nhiều sinh viên không có kỹ năng đọc dẫn đến nắm bắt các vấn đề trong tài liệu trở nên khó khăn, đọc sách mang lại hiệu quả không cao cho việc học tập. Sinh viên cũng chưa có ý thức giữ gìn tài liệu, thói quen sắp xếp tài liệu chưa khoa học, bảo quản tài liệu chưa đúng cách gây tổn hại đến tài liệu. Ngoài ra, gia đình, nhà trường, thư viện, các tổ chức đoàn thể chưa phát huy được vai trò của mình trong việc hình thành thói quen đọc, hướng dẫn kỹ năng cũng như định hướng đọc cho sinh viên, đặc biệt, chưa nắm bắt được nhu cầu đọc của sinh viên để xác định các biện pháp phù hợp.

Hội chợ sách. Ảnh Tuấn Minh 

Hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, truyền thông, vừa mang lại những thuận lợi cho văn hóa đọc phát triển, song cũng đưa đến lại những thách thức không nhỏ. Trước tình hình đó, để phát triển văn hóa đọc cho sinh viên trong các nhà trường cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, nâng cao nhận thức cho sinh viên về vị trí, vai trò của việc đọc. Đây là giải pháp giữ vị trí quan trọng hàng đầu đối với việc phát triển văn hóa đọc cho sinh viên, bởi vì, cơ chế cấu trúc hành động của con người bao giờ cũng đi từ nhận thức tới tình cảm, niềm tin, hình thành động cơ, ý chí quyết tâm. Do đó, các nhà trường cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cho sinh viên về vị trí, vai trò của việc đọc đối với phát triển khả năng tư duy, định hướng tư tưởng, hình thành nhân cách. Để làm được điều đó, trước hết, các nhà trường cần thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước liên quan đến văn hóa đọc cho sinh viên. Đặc biệt, cần xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa đọc cụ thể, rõ ràng, khả thi theo đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm nâng cao nhận thức, phát triển văn hóa đọc cho sinh viên. Đồng thời, đổi mới hình thức, phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, kiểm tra, đánh giá theo hướng tận dụng các nguồn thông tin ngoài giáo trình, nhất là thông tin từ thư viện để nâng cao chất lượng giáo dục, qua đó, khuyến khích sinh viên đọc các tài liệu. Bên cạnh đó, các nhà trường cần đặt ra yêu cầu cao đối với sinh viên trong nghiên cứu khoa học. Bởi vì, các vấn đề khoa học chỉ được luận giải, có sức thuyết phục, đạt kết quả cao trong nghiên cứu khi sinh viên tích cực tìm đọc, so sánh nhiều nguồn tài liệu khác nhau, chính trong quá trình đó sẽ giúp cho sinh viên xây dựng được thói quen, phương pháp đọc có hiệu quả, góp phần phát triển văn hóa đọc của bản thân. Ngoài ra, mỗi cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên, cần xây dựng cho mình thói quen đọc sách hàng ngày, thực sự là tấm gương sáng cho sinh viên noi theo; cần biểu dương, khen thưởng những sinh viên có thành tích học tập tốt nhờ đọc sách, phê bình sinh viên có biểu hiện ngại, lười đọc sách, ít đi thư viện.

Hai là, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp đọc cho sinh viên. Kỹ năng, phương pháp đọc là yếu tố quan trọng cấu thành văn hóa đọc, là một loại kỹ năng mềm giúp người đọc có thể tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, vận dụng tri thức đã đọc một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo vào thực tiễn cuộc sống. Mặt khác, hiện nay, nguồn tài liệu ngày càng nhiều, thông tin ngày càng đa dạng, đòi hỏi sinh viên cần có sự phân tích, tổng hợp, đánh giá nguồn thông tin khi sử dụng. Do đó, muốn phát triển văn hóa đọc cho sinh viên cần phải bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp đọc cho họ. Bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp đọc cho sinh viên, chính là giúp cho sinh viên biết cách: lựa chọn những vấn đề cần đọc cho bản thân (từ trình độ thấp đến trình độ cao, từ vấn đề đơn giản đến vấn đề phức tạp); vận dụng các cách đọc khác nhau đối với mỗi loại tài liệu; tiếp nhận tối đa và sâu sắc nội dung đã đọc; vận dụng tri thức đã đọc vào trong thực tiễn… Muốn vậy, các nhà trường cần có biện pháp bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp đọc cho sinh viên, như: có thể đưa kỹ năng đọc, kỹ năng tìm kiếm thông tin, sử dụng thư viện vào nội dung giảng dạy trong các nhà trường; tạo điều kiện, khuyến khích sinh viên tham gia những lớp đào tạo kỹ năng mềm, trong đó có kỹ năng khai thác, sử dụng thông tin… Bên cạnh đó, kỹ năng, phương pháp đọc phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: tri thức, kinh nghiệm, năng lực, là kết quả của quá rình rèn luyện của bản thân chủ thể đọc. Do đó, cần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên trong xác định mục đích của việc đọc, lựa chọn sách, rèn luyện kỹ năng, phương pháp đọc… Đặc biệt, với sự phát triển mạnh của mạng internet, sinh viên có thể khai thác tài liệu một cách nhanh chóng thông qua các phương tiện điện tử, như: máy tính, điện thoại di động, ipad…; vì vậy, các nhà trường cũng cần có biện pháp tổ chức, hướng dẫn cho sinh viên kỹ năng đọc, khai thác tài liệu trên mạng hiệu quả, giáo dục cho sinh viên ý thức sử dụng tài liệu đúng đắn, hiệu quả, phù hợp với lứa tuổi, mục đích. Ngoài ra, vào đầu năm học, các nhà trường cần bố trí kế hoạch, yêu cầu thư viện thực hiện chương trình hướng dẫn kỹ năng đọc sách, tra cứu thông tin, sử dụng thư viện cho sinh viên, nhất là sinh viên mới nhập học.

Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thư viện. Thư viện là nơi cung cấp thông tin, cầu nối giữa thông tin với người đọc, tạo điều kiện cho người đọc phát triển toàn diện, đặc biệt là phát triển tư duy sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên, xây dựng cho sinh viên thói quen tự học, tự nghiên cứu. Đồng thời, thư viện là thước đo đánh giá vai trò, chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả đào tạo của các trường đại học. Do đó, muốn phát triển văn hóa đọc cho sinh viên, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, các nhà trường cần đổi mới cách thức tổ chức, hoạt động của thư viện nhằm tạo môi trường đọc thuận lợi cho sinh viên tiếp cận thường xuyên với sách. Muốn vậy, thư viện các nhà trường cần chú ý đầu tư phát triển nguồn tài liệu, không chỉ đầy đủ về số lượng mà còn phải bảo đảm về chất lượng, xử lý, kiểm soát, sàng lọc tài liệu để đảm bảo được tính mới, kịp thời, chuyên dụng trong các ngành học của sinh viên. Đặc biệt, trong các khâu quản lý, phục vụ bạn đọc cần áp dụng tin học hóa, xử lý trên các phần mềm thư viện hiện đại một cách đồng bộ, xây dựng cơ sở dữ liệu số, các bộ sưu tập số để mang lại hiệu quả cao trong quá trình hoạt động. Đồng thời, các nhà trường cũng cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho thư viện, như: xây dựng các phòng đọc thân thiện có kết nối internet, các phòng tư liệu hiện đại… Bên cạnh đó, cán bộ thư viện cần phải có trình độ chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, phải luôn giữ được thái độ thân thiện, cởi mở, hết lòng phục vụ bạn đọc. Do đó, các nhà trường cần có biện pháp nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ thư viện, như: tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ thư viện tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ, khuyến khích tham gia nghiên cứu khoa học để phục vụ công tác chuyên môn, đóng góp các giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện, phát triển văn hóa đọc cho sinh viên. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu đọc sách, tra cứu tài liệu của sinh viên, khắc phục sự thiếu hụt về giáo trình, tài liệu, tiết kiệm kinh phí trong đầu tư phát triển nguồn lực thông tin, có thể xây dựng hệ thống thư viện điện tử kết nối giữa các trường đại học, cao đẳng.

Bốn là, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách cho sinh viên. Đây là giải pháp giữ vai trò quan trọng, tác động trực tiếp đến nhận thức của sinh viên, giúp sinh viên dễ dàng lựa chọn tài liệu phù hợp với nhu cầu đọc của mình. Vì vậy, các nhà trường cần thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, trưng bày, giới thiệu sách cho sinh viên, như: hội nghị bạn đọc, triển lãm, giới thiệu sách, thi thuyết trình về sách… Đồng thời, cần thường xuyên đổi mới hình thức tuyên truyền sách để tạo sự lôi cuốn, thích thú, giảm bớt đơn điệu, nhàm chán cho sinh viên. Bên cạnh đó, phối hợp với các nhà xuất bản, công ty sách tặng sách, bán sách trợ giá, giảm giá cho sinh viên để kích thích nhu cầu đọc. Ngoài ra, có thể thành lập các câu lạc bộ đọc sách ở nhà trường nhằm kết nối những người yêu thích đọc sách, tập hợp nguồn sách phong phú, hữu ích, chia sẻ, trao đổi sách, tổ chức các hoạt động thiết thực, góp phần xây dựng, phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng, phong trào đọc sách trong sinh viên.

Văn hóa đọc với ý nghĩa là một bộ phận của văn hóa được thể hiện qua thói quen, sở thích, kỹ năng đọc của mỗi cá nhân, là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người mới, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để có thể thích ứng được với sự phát triển của xã hội dựa trên nền tảng của kinh tế tri thức. Phát triển văn hóa đọc chính là tạo nền tảng của một xã hội học tập, của việc học tập suốt đời. Do đó, phát triển văn hóa đọc cho các tầng lớp nhân dân nói chung, sinh viên nói riêng là một yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, đòi hỏi có sự quan tâm, định hướng của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đặc biệt là các nhà trường.

_____________

1. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 329/QĐ-TTg về Phê duyệt đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, 2017, tr.2.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 405, tháng 3 – 2018

Tác giả : NGUYỄN HẢI SINH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *