Những thách thức trong giao lưu văn hóa và hội nhập hiện nay


Vấn đề giao lưu văn hóa, ngày nay, đã trở nên đáng quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là trong giai đoạn toàn cầu hóa đang diễn ra khá mạnh mẽ trên khắp các lĩnh vực mà ở đó sức mạnh mềm của văn hóa đang ngày càng được thể hiện, từ thay đổi quan niệm giá trị đến sử dụng ngoại giao văn hóa như một chiến lược; từ thay đổi và tạo dựng hình ảnh quốc gia đến khẳng định giá trị dân tộc…

Giao lưu văn hóa chính là quá trình diễn ra sự gặp gỡ, tìm hiểu, đối thoại, trao đổi các giá trị văn hóa. Lịch sử của văn hóa, văn minh nhân loại là kết quả của một quá trình giao lưu vô cùng đa dạng và đặc sắc. Xuất phát từ sự học hỏi và hiểu biết, các nền văn hóa có thể tìm đến với nhau nhưng cũng có những nền văn hóa gặp nhau trong sự cưỡng bức. Đế quốc La Mã đã xâm chiếm Hy Lạp và không thể không mang theo văn hóa của mình để áp đặt cho dù các công dân thành bang Athène không chờ đón họ. Dân tộc Việt Nam có thể bị áp đặt 1000 năm nhưng không thể bị đồng hóa mà ngược lại còn biết chọn lọc tiếp thu văn hóa chính trị của Trung Hoa để trị nước và văn hóa tâm linh của Ấn Độ để an dân. Dù cưỡng bức hay tự nguyện thì bản chất của giao lưu văn hóa chính là quá trình giới thiệu, quảng bá (có thể dưới dạng áp đặt) các giá trị, sản phẩm văn hóa của mình ra với các nền văn hóa khác và tiếp thu, chọn lọc (chấp nhận) các giá trị văn hóa từ bên ngoài. Nếu quá trình này diễn ra tự nguyện thì có thể gọi đó là cho và nhận, nhưng nếu là cưỡng bức thì sự áp đặt và chấp nhận diễn ra một cách miễn cưỡng.

Trong thực tế, quá trình cho và nhận của giao lưu văn hóa không phải lúc nào cũng được ý thức một cách rõ ràng. Các đế quốc, khi xâm chiếm hay buôn bán với các quốc gia khác có thể quên không mang theo tiền bạc hay súng đạn, khoa học kỹ thuật hay các tác phẩm nghệ thuật… nhưng không thể không mang theo các khuôn mẫu, phương thức sống, các kiểu văn hóa nhất định. Chẳng hạn, quá trình giao lưu (kinh tế, chính trị, thương mại…) đã để lại chùa chiền, hội quán của văn hóa Trung Hoa ở Hội An; để lại Lai Viễn Kiều như là cầu nối với người Nhật. Mặt khác, quá trình gặp gỡ giữa các nền văn hóa không giống nhau có thể tạo ra sự ngạc nhiên, có thể bị sốc bởi tính đa dạng, khác biệt văn hóa mà tạo hóa đã ban cho mỗi dân tộc, tộc người. Trong trường hợp này, sự va chạm văn hóa, thậm chí là xung đột văn hóa, có thể xảy ra, nghĩa là hoạt động cho và nhận sẽ không mang lại hiệu quả.

Nhìn ở một khía cạnh khác, cho và nhận trong giao lưu văn hóa sẽ không đạt đến sự tối ưu nếu như mỗi nền văn hóa không có cách để lưu giữ và sáng tạo. Mọi sự nhập khẩu mô hình cũng như sản phẩm văn hóa đều có thể di hại đến nền văn hóa với tư cách là một chủ thể tiếp nhận và chia sẻ. Cho và nhận phải đi liền với sáng tạo, cải biến và lưu giữ. Giao lưu văn hóa sẽ không còn sức mạnh tự thân nếu như không có kế thừa văn hóa.

Trong đời sống văn hóa, kế thừa và giao lưu văn hóa là hai vấn đề sống còn của bất cứ một nền văn hóa nào, của bất cứ một dân tộc, tộc người nào. Sự đa dạng của đời sống văn hóa có thể che khuất chiều sâu của hai dòng chảy này nhưng không phải vì thế mà làm mất đi bản chất sinh tồn của nó. Từ tự phát đến tự giác, kế thừa và giao lưu văn hóa đã làm thay đổi và phát triển các nền văn hóa. Từ nhận thức này chúng ta có thể xác định được tọa độ của các nền văn hóa trong quá khứ nhưng trong hiện tại và tương lai lại là điều không dễ dàng. Chẳng hạn, quá trình cho và nhận, sáng tạo, cải biến và lưu giữ của văn hóa Việt Nam đã được định danh khi va chạm, tiếp xúc với các nền văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, phương Tây. Không phải ngẫu nhiên mà bài hát Happy New Year đã trở nên quen thuộc với người Việt Nam. Trong phạm vi quốc gia, sự tồn tại và phát triển của cộng đồng tộc người là một quá trình học hỏi và chia sẻ các giá trị văn hóa. Các dân tộc đã cộng sinh và làm nên các đặc trưng văn hóa Việt Nam thông qua văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, các lối sống và thang bậc giá trị.

Nội sinh và ngoại sinh là những yếu tố hạt nhân của kế thừa và giao lưu văn hóa. Sự cọ xát và thâm nhập vào nhau giữa nội sinh và ngoại sinh diễn ra trong từng ngày, từng giờ mà không phải bất cứ chủ thể văn hóa nào cũng có thể nhận biết. Sự thắng thế của các nhân tố ngoại sinh trong quá trình hội nhập hiện nay là một thực tế không đến đỗi quá bi quan như một số người lo lắng. Một thanh niên đột nhiên đi nhuộm tóc đỏ hay tô môi trầm theo kiểu Hàn Quốc là một quyết định có tính thời khắc do chịu tác động của phim ảnh chứ không hoàn toàn đã bị đồng hóa bởi, người Việt Nam xem sự thay đổi nhân cách mới quan trọng chứ không quá lo lắng về sự thay đổi đầu tóc.

Diện mạo của một nền văn hóa được tạo dựng bằng một quá trình lâu dài mà ở đó, các chủ thể văn hóa, các dân tộc, tộc người luôn phải lựa chọn cách ứng xử khi tiếp xúc, va đập với các nền văn hóa khác. Nói giao lưu văn hóa là quy luật của của sự phát triển là nói đến cách ứng xử giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái cũ và cái mới của từng chủ thể văn hóa. Sự ứng xử này thoạt nhìn có vẻ dễ hiểu theo quán tính lý tưởng nhưng đôi khi lại gặp không ít rủi ro, thậm chí có những lựa chọn dẫn đến đánh mất bản sắc văn hóa. Chính vì vậy mà việc dự liệu cho những tình huống có thể xảy ra trong giao lưu, hội nhập văn hóa là vấn đề hết sức cần thiết.

Theo tôi, quá trình hội nhập và giao lưu văn hóa thường xảy ra một số tình huống.

Giao lưu văn hóa có thể làm cho các nền văn hóa xích lại gần nhau. Đây là xu hướng chủ đạo thể hiện bản chất nhân văn của văn hóa. Điều này xuất phát từ chỗ hệ giá trị (mẫu số văn hóa) của các nền văn hóa đều có nhiều điểm tương đồng, đều hướng đến chân, thiện, mỹ, đều có lòng nhân ái, nhân nghĩa, khoan dung, yêu hòa bình, lên án chiến tranh… Đó là những tiếng nói chung trở thành tâm thức của các dân tộc, của đồng loại. Các cấp độ để xích lại gần nhau tùy thuộc vào những điểm tương đồng về môi trường cư địa, phương thức kinh tế, có thể là lịch sử, văn hóa, nguồn gốc chủng tộc hay tín ngưỡng, tôn giáo… Văn hóa Phật giáo, xuất phát từ Ấn Độ, văn hóa Thiên chúa giáo, xuất phát từ phương Tây… nhưng đã có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn trên thế giới. Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên trước đây được xem là những quốc gia đồng văn, đồng chủng cho nên rất gần gũi nhau và quá trình giao lưu diễn ra rất thuận lợi. Qua các lần festival Huế, văn hóa Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản trở nên gần nhau hơn. Nhã nhạc Cung đình Huế, nhã nhạc Hàn Quốc và Nhật Bản đều có những điểm tương đồng. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người Việt Nam hiện nay rất thích Hàn Quốc, rất hiểu lịch sử Trung Quốc bởi làn sóng phim Hàn, phim Trung Quốc đã làm thay đổi cách nghĩ của người Việt Nam theo chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực. Cộng đồng các dân tộc Việt Nam, ngày càng hiểu biết, tôn trọng nhau hơn trong quá trình phát triển. Có được điều đó chính là kết quả của một quá trình giao lưu khá toàn diện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự cộng sinh, cộng mệnh và cộng cảm của các dân tộc đã làm cho quá trình giao lưu văn hóa phát huy được động lực của mình trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xua tan những ngộ nhận và chia rẽ trong quá trình phát triển.

Giao lưu văn hóa có thể nảy sinh, dẫn đến va chạm và xung đột lẫn nhau giữa các nền văn hóa. Phải thừa nhận là có sự va chạm văn hóa đang diễn ra ở mức độ toàn cầu cũng như trong nội bộ từng quốc gia, dân tộc. Tại sao văn hóa Hồi giáo không thể chấp nhận văn hóa phương Tây, ngay cả các quốc gia Hồi giáo không cực đoan? Liên bang Nam Tư sụp đổ, ngoài những yếu tố về chính trị còn có sự khác nhau về các kiểu văn hóa trong các cộng đồng người như Xéc bi, Anbani…, những người theo Hồi giáo và Chính thống giáo… Việt Nam trong quá trình vận động và phát triển, có những giai đoạn không chấp nhận văn hóa, lối sống phương Tây. Sự va chạm này, xét từ tầng sâu có thể xuất phát từ sự khác nhau của các hệ giá trị, chiều sâu tâm linh, tôn giáo… hoặc từ sự không cùng hệ tư tưởng… Tuy nhiên, những hành xử, thái độ… được biểu hiện trong phong tục, tập quán, trong lối sống cũng dẫn đến sự va chạm và xung đột nếu như thiếu sự hiểu biết nhất định về văn hóa của từng tộc người.

Con người, các nền văn hóa có thể bị đồng hóa trong quá trình giao lưu văn hóa. Đây là một tình huống diễn ra thường xuyên trên các cấp độ giao lưu văn hóa. Thực ra tính đa dạng văn hóa có thể là một vấn đề sống còn nhưng bản thân nó không thể kiểm soát được sự đồng hóa luôn diễn ra trong mọi thời điểm. Sự đồng hóa này có nguyên nhân từ ảnh hưởng, tác động của nền văn hóa các dân tộc, quốc gia có nhiều lợi thế hơn so với văn hóa của các tộc người, dân tộc yếu thế hơn. Chẳng hạn, với lợi thế về kinh tế, chính trị, quân sự, đặc biệt là các công cụ truyền thông, giải trí…, văn hóa Mỹ đã tràn ngập trên thế giới, ngay cả văn hóa của nước láng giềng như Canada cũng không thể phát triển một cách thuận lợi. Phim ảnh Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm lĩnh hầu hết trên các kênh truyền hình Việt Nam và đã diễn ra tình trạng một làng người Cơ tu ở Tây Giang (Quảng Nam) đã đặt tên con cái bằng tên của các nhân vật trong phim Hàn Quốc… Hip hop thì đi vào quân đội theo chương trình Chúng tôi là chiến sĩ một cách nhẹ nhàng… Thiết nghĩ trước khi bị đồng hóa thì bước đầu tiên là bị tha hóa từ những hành vi học theo rất bình thường trong sinh hoạt hàng ngày, sau đó hình thành thói quen, lối sống, nếp sống… Quả thật, sức mạnh mềm của văn hóa là điều phải luôn được quan tâm trong chiến lược, quyết sách của một quốc gia nếu còn muốn giữ gìn bản sắc dân tộc.

Thật ra, sự đồng hóa có thể bắt đầu từ sự cưỡng bức nhưng đó là đối với trước đây khi một bộ lạc, tộc người hay quốc gia này xâm lược, chiếm đóng và áp đặt giá trị cho một bộ lạc, tộc người hay quốc gia khác. Ngày nay, sự áp đặt được che dấu bởi các nguồn tài chính, viện trợ hoặc công nghệ nhưng mỗi quốc gia đều có nhiều sự lựa chọn hơn. Sự lựa chọn đó nói đến tính tự nguyện trong giao lưu văn hóa với tư cách là một tình huống có thể dẫn đến đồng hóa đáng lo ngại nhất nếu như mỗi quốc gia, dân tộc không xây dựng sức đề kháng cho mình. Chúng ta có thể nhìn thấy sự tha hóa ấy diễn ra từng ngày, từng giờ khi đa số các dân tộc thiểu số hiện nay đều tự nguyện hướng theo lối sống của người Kinh. Thanh niên thích nhảy disco, hip hop hơn diễn tấu cồng chiêng, xấu hổ với trang phục truyền thống… Thanh niên Việt Nam thì sống theo lối sống kiểu Hàn Quốc và phương Tây… Tất cả những điều đó là hiệu ứng của một quá trình hội nhập mà sự học hỏi, học đòi hay lây nhiễm là hoàn toàn có thể.

Giao lưu văn hóa là quy luật phát triển của mọi nền văn hóa nhưng các tình huống trong giao lưu vẫn tạo ra những thách thức cho một nền văn hóa đa dạng, lành mạnh và giàu bản sắc.

Thiết nghĩ, để giải quyết các tình huống này, cần thực hiện tốt một số yêu cầu.

Trước hết, để cho các nền văn hóa xích lại gần nhau, học hỏi và chia sẻ các giá trị văn hóa thì hãy tạo ra sự giao lưu thật sự mạnh mẽ, sâu sắc, tránh tình trạng hời hợt. Nếu tình trạng giao lưu văn hóa giữa các dân tộc diễn ra theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa, như những cái bắt tay xã giao lạnh nhạt thì khó có cơ hội để xích lại gần nhau. Ngày nay, các tour du lịch thường chạy đuổi theo khía cạnh đó cho nên cái còn lại chỉ là những bức ảnh, thước phim, hay những cảm giác nhất thời mờ nhạt. Sở dĩ trên thế giới dù có những dân tộc cách xa nhau nhưng vẫn tìm thấy sự tương đồng và gần gũi là vì các dân tộc đó đã tìm thấy được những giá trị tương đồng trong quá trình chung đụng các lối sống, cọ xát các quan niệm. Vì thiếu sự hiểu biết về văn hóa, các quan niệm về giá trị trong mỗi cộng đồng, dân tộc, tộc người cho nên các nền văn hóa còn đứng cách xa nhau, thậm chí còn lạnh nhạt và hoài nghi về lòng tốt của nhau.

Muốn xích lại gần nhau, giao lưu văn hóa không đóng khung trong lĩnh vực văn hóa mà còn trải rộng ra trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, bởi lẽ sau mỗi thời điểm hay giai đoạn giao lưu thì cái còn lại là văn hóa. Không những thế, trong những thời điểm khó khăn và nhạy cảm về chính trị, khi hai quốc gia, dân tộc đóng băng thì chính quá trình giao lưu văn hóa đi trước để phá băng và làm ấm lại các mối quan hệ chính trị. Trên thế giới đã từng trải nghiệm điều này với ngoại giao bóng bàn, ngoại giao gấu trúc của Trung Quốc, ngoại giao âm nhạc của Triều Tiên, ngoại giao hoa anh đào của Nhật Bản…

Sự va chạm và có thể dẫn đến xung đột là điều có thể dự liệu được trong quá trình giao lưu nhưng điều đó là chưa đủ nếu như không tạo ra được môi trường bình đẳng và hai chiều, một nhân tố cốt lõi để cho sự giao lưu văn hóa đạt đến sự tối ưu của nó. Có thể nói, tính đa dạng văn hóa là một tiềm năng nhưng vẫn tiềm ẩn trong đó nguy cơ va chạm và xung đột. Sự đa dạng, khác nhau của văn hóa tạo nên bản sắc, thương hiệu của một nền văn hóa, một vùng văn hóa nhất định nhưng trong quá trình giao lưu cũng nảy sinh những vấn đề không lường trước được có thể xuất phát từ sự khác nhau trong phong tục tập quán, tôn giáo, lối sống… Tuy nhiên, sâu xa hơn vẫn là sự áp đặt của nền văn hóa này đối với một nền văn hóa khác thông qua kinh tế và chính trị, thậm chí là khoa học công nghệ. Sự áp đặt các giá trị tạo ra sự phản ứng chống lại là một việc bình thường để bảo vệ những giá trị truyền thống của họ, bảo vệ niềm tin, lòng tự hào của một nền văn hóa.

Không phải ngẫu nhiên mà quá trình toàn cầu hóa hiện nay đang diễn ra như một quy luật tất yếu nhưng vẫn gặp sự phản đối của rất nhiều quốc gia, nhiều cộng đồng khác nhau. Trong phạm vi một quốc gia như Việt Nam, muốn tránh khỏi va chạm văn hóa thì nhất định phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tính thống nhất và đa dạng trong cộng đồng các dân tộc. Đây là vấn đề không khó về mặt lý luận nhưng nan giải về mặt thực tiễn bởi lẽ trong đời sống thường nhật vẫn diễn ra sự va chạm làm tổn thương nhau từ những việc có vẻ như bình thường và đơn giản. Chẳng hạn, trong quá trình giao lưu, cộng cư, có những người miền xuôi khi lên Tây Nguyên thường đem theo cái nhìn khinh miệt, coi thường các tộc thiểu số. Họ xem lễ hội đâm trâu là dã man, xem ăn, mặc, ở của đồng bào thiểu số là lạc hậu và bẩn thỉu, chê bai dân trí thấp, tự ti, ỷ lại… Sự thật bất bình đẳng đó đã làm cho các cộng đồng dân tộc thiểu số bị tổn thương…

Bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc là điều kiện cần thiết cho quá trình giao lưu nhưng sẽ không đầy đủ và trọn vẹn nếu như không tạo ra được sự giao lưu và thông tin hai chiều, cho và nhận. Thực tế cho thấy, sự thụ động, rụt rè trong quá trình giao lưu cũng như chưa làm tốt công tác thông tin hai chiều đã khiến cho các tộc thiểu số ở Việt Nam không có nhiều cơ hội để thể hiện và bộc lộ chính mình thông qua các hoạt động văn hóa. Người Việt Nam khi ra nước ngoài cũng không tránh khỏi tình trạng này, thậm chí vì thiếu tự tin, không thể hiện cho nên dẫn đến sự tự ti đáng tiếc. Chính vì vậy, cần đánh thức lòng tự hào dân tộc, ý thức tộc người cũng như sự tự tin cần thiết để các dân tộc thể hiện bản sắc trong quá trình hội nhập.

Giao lưu văn hóa có thể dẫn đến va chạm hay xích lại gần nhau nhưng tình huống đáng quan tâm và nguy hiểm nhất là sự đồng hóa diễn ra hàng ngày hàng giờ, không tức khắc nhưng âm ỉ thay đổi trong từng quan niệm, thói quen mà ở đó sức mạnh mềm của văn hóa đã tác động ở chiều cạnh tiêu cực. Dù là diễn ra có tính cưỡng bức hay tự nguyện, quá trình giao lưu văn hóa cũng đã chứng minh một cách thuyết phục chân lý này khi nhìn thấy nhiều dân tộc, quốc gia học theo lối sống của người khác và quay lại chê bai, bỏ rơi bản sắc của dân tộc mình. Cái mới lạ luôn hấp dẫn và thôi thúc con người, các nhóm người, các dân tộc và dẫn dắt họ lãng quên truyền thống. Chính vì vậy mà không phải hoạt động giao lưu văn hóa nào cũng dẫn đến sự phát triển mà là sự biến đổi, thậm chí bị đồng hóa và tiêu diệt.

Dấu hiệu đầu tiên của sự đồng hóa chính là ngôn ngữ các dân tộc bản địa không còn được ưa chuộng, bị lai căng, pha tạp và từng bước biến mất trong giao tiếp thường nhật. Tiếp theo là lối sống, phong tục tập quán, các giá trị truyền thống bị lãng quên. Ngày càng có nhiều người học theo lối sống của người khác nhưng tệ hại hơn là họ quay lại phỉ báng, chê bai, giễu cợt nền văn hóa đã nuôi dưỡng họ, khinh miệt những người đồng tộc của mình.

      Những thách thức đó luôn diễn ra trong bất cứ thời điểm nào của quá trình giao lưu văn hóa mà chúng ta gọi đó là mặt trái, mặt tiêu cực không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, thực tiễn đa dạng trên thế giới vẫn cho thấy không phải nền văn hóa nào, con người nào cũng bị đồng hóa mà ngược lại, quá trình giao lưu đã tiếp thêm sức mạnh cho họ, làm giàu có, bồi đắp thêm cho văn hóa của mình. Đó là những dân tộc có nội lực, có hệ giá trị riêng với tư cách là sức đề kháng bền vững trong quá trình hội nhập, giao lưu. Hệ giá trị, sức đề kháng đó chính là bản sắc văn hóa riêng có của từng dân tộc, từng vùng miền. Như vậy, muốn tránh bị đồng hóa trong quá trình giao lưu thì nhất định phải xây dựng, nuôi dưỡng bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa vùng miền


Nguồn : Tạp chí VHNT số 327, tháng 9-2011

Tác giả : Nguyễn Ngọc Hòa

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *