Chính sách thống nhất văn hóa của triều nguyễn


Triều Nguyễn được thiết lập trong một bối cảnh xã hội chứa đựng những biến động phức tạp. Yêu cầu khách quan của thời đại đòi hỏi triều đình phong kiến nhà Nguyễn phải tập trung giải quyết hai vấn đề cơ bản: về đối nội, phải duy trì sự thống nhất đất nước, về đối ngoại, phải tránh sự xâm lược của các nước phương Tây. Mọi chính sách của triều đình đều tập trung giải quyết hai vấn đề lớn đó, và chính sách văn hóa không phải là ngoại lệ.

Chính sách là ý chí của tầng lớp thống trị trong xã hội, cho nên nó phải được thể hiện thành luật pháp và phong tục giáo hóa của nhà nước, tức phải được hiện thực hóa thành các chuẩn mực xã hội để mọi người dễ thực hiện.

Nếu luật pháp bao gồm các chuẩn mực xã hội bắt buộc và bảo đảm thực hiện bằng sự cưỡng chế của bạo lực nhà nước thì phong tục là các chuẩn mực xã hội tự nguyện, được bảo đảm thực hiện bằng áp lực của dư luận xã hội, do sự giáo hóa của nhà nước tạo ra. Xã hội Nho giáo là xã hội được tổ chức theo tôn ty trật tự rõ ràng, quy định thành hệ thống ứng xử được nghi thức hóa, truyền từ đời này qua đời khác và trở thành phong hóa. Trong xã hội ấy, người ta dùng lễ nghi ràng buộc con người, vì thế gọi là xã hội lễ trị, ở đây, phong tục giáo hóa nhiều khi còn được xem trọng hơn là luật pháp.

Nền văn minh nông nghiệp lúa nước hàng ngàn năm đã hằn sâu trong tâm thức của những con người thôn dân cách ứng xử đất lề quê thói. Ở đó, phong tục mang tính bắt buộc đối với mọi thành viên trong cộng đồng vì chúng được coi là những ứng xử cần thiết cho lợi ích công cộng. Trong một xã hội nông nghiệp, phong tục là những quy phạm dưới luật đối với hệ thống pháp luật của quốc gia, và là luật thực sự đối với người vi phạm. Phong tục có tác dụng như một chế tài điều chỉnh hành vi dân chúng. Chính vì thế, các vị vua đầu triều Nguyễn rất quan tâm tới việc hiệu dụ dân chúng xây dựng những phong tục tập quán tốt đẹp.

Bên cạnh đó, các vị vua đầu triều Nguyễn khởi nghiệp trong một bối cảnh đặc biệt, sau vài trăm năm bị chia cắt, lần đầu tiên nước Đại Nam thống nhất một dải từ mục Nam Quan đến mũi Cà Mau. Tính chất vùng miền nổi lên như một đặc điểm lớn của văn hóa thời Nguyễn. Mà từ nhãn quan của người cai trị, tính chất văn hóa vùng miền quá đậm đặc ấy đôi khi là những trở ngại lớn trong việc quy tụ lòng người. Điều này buộc vương triều Nguyễn phải ban hành những chính sách nhằm thống nhất phong tục, tập quán giữa các vùng miền trong cả nước. Sách Đại Nam thực lục ghi lại rất nhiều lần các vị vua triều Nguyễn ban hành các chỉ dụ, chiếu biểu liên quan đến vấn đề này ở nhiều cấp độ, từ phương diện khái quát đến những quy định cụ thể, tỉ mỉ.

 

Quy định sinh hoạt cộng đồng

Gia Long năm thứ 2 (1803) chuẩn định điều lệ dạy học: Về phương pháp: mỗi xã chọn 1 người có đức hạnh, văn học, được tha tạp dịch, để sai dạy bảo con em trong làng. Người 8 tuổi trở lên cho vào lớp tiểu học, cần học đến sách Hiếu kinh, Trung kinh; 12 tuổi trở lên, thì trước hết học sách Luận ngữ, Mạnh tử, thứ đến học sách Trung dung; 15 tuổi trở lên, trước hết đọc kinh Thi, kinh Thư; thứ đến kinh Dịch, kinh Xuân thu và sách chư tử cùng sách sử. Nếu ai uống rượu, đánh bạc, hát xướng, thì trình quan trừng trị.

Năm 1804, vua Gia Long đã định điều lệ trong hương đảng cho các xã dân ngoài Bắc kỳ, chiếu rằng: “Nhiều làng nhóm lại thành ra một nước, từ làng rồi mới đến nước; vậy nên Vương chính phải lấy sự dạy dân thành phong tục tốt làm trước. Lâu nay việc dạy trễ nải, việc chính suy đồi, cho nên trong làng không có tục tốt, theo thói quen đã lâu, lại càng bại hoại lắm, như là khi yến ẩm, lễ cưới hỏi, việc tang tế, việc thờ thần phật, đều làm quá phép và tiếm lễ; mấy tên hào mục nhân đó làm hại dân cùng, đến nỗi dân phải phiêu lưu là vì cớ ấy. Bây giờ phải châm chước sửa lại, bớt những điều thái quá, cho hiệp đại trung bằng, để làm lệ thường trong hương đảng. Ấy là ý ta muốn trừ bỏ điều tệ mà dắt dân lên đàng văn minh đó. Những sự lễ tang, tế thờ thần, phụng phật đều có điều cấm rõ ràng”(1).

Vua Gia Long đã ban dụ định lệ cho hương đảng rất rõ ràng 5 nội dung: về việc ăn uống, về lễ vui mừng, về lễ giá thú, về việc tang lễ, về việc thờ thần phật với tinh thần chung là tiết kiệm, không xa hoa lãng phí, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của từng người, tôn trọng vệ sinh chung: “Từ nay trở đi, phàm xã dân nào như có hội họp việc công chỉ được dùng trầu cau làm lễ, còn rượu, thịt đều cấm. Hoặc có hội họp với nha, chỉ cho phép đánh mõ làm hiệu. Lại các lễ khánh hạ: việc lớn, cho dùng xôi, lợn, gà, nếu không, thì nộp thay bằng 3 quan tiền; việc nhỏ, cho dùng xôi, gà, nếu không, thì nộp thay bằng 1 quan 5 tiền. Người dân nào, như có lỗi nhỏ, cho phép làng xã ấy được chiếu theo lý lẽ mà chỉ bảo rõ phải, trái. Ai trái lẽ, phạt bằng trầu, rượu. Nhưng người ấy chưa chịu phục tình, thì đều bảo cho kêu lên quan sở tại, chứ không được cưỡng ép phải chịu”(2).

Thậm chí, đích thân nhà vua ban dụ về việc sử dụng một dụng cụ đo lường trên toàn quốc. Dụ rằng: “Thống nhất việc đo lường cân là việc đầu tiên trong chính trị. Nay nên theo thức mà chế tạo, gửi khắp các trấn. Phàm dân có chế để dùng phải lấy đó làm kiểu do sở tại so sánh rồi khắc chữ làm tin. Làm trái thì có tội”(3).

Còn vua Minh Mạng thì ý thức rất rõ tầm quan trọng của phong tục trong sự nghiệp chính trị của mình, cho nên từng ban dụ cho thị thần rằng: “Thiên hạ được thịnh trị hay bị loạn lạc, đều vì phong tục tốt hay xấu. Người làm chủ nhân dân biết sùng thượng tiết nghĩa, sửa sang phong tục, có thể bồi bổ được mệnh mạch của quốc gia, làm nền móng cho việc trị an lâu dài, đều ở việc ấy”(4). Phong tục, theo quan niệm của Minh Mạng, liên quan tới vận mệnh của cả đất nước. Bởi vậy, việc duy trì, bồi đắp những tập tục tốt, xóa bỏ những tục lệ, thói quen xấu là việc cần phải hết sức quan tâm. Minh Mạng thường tuyên dụ quan lại các cấp chăm lo việc giáo hóa dân chúng: “Gần đây, địa phương yên định, nhân dân lần lượt yên ổn, hơn nữa thời tiết ôn hòa nên năm được mùa, số hộ khẩu thêm đông đúc. Các người có trách nhiệm chăm dân, nên nghĩ đến việc tuyên dương giáo hóa, dạy trước điều lễ nhượng, bảo rõ việc nên ưa nên ghét, để làm hưng khởi phong tục tốt đẹp, tinh túy. Người xưa làm cho dân giàu rồi sau dạy dân là như thế đó. Nên làm việc giáo hóa nhân dân, sửa sang phong tục, trong lúc bình thời. Nếu không dùng giáo hóa để đề phòng, sao có thể khiến dân gần điều thiện mà xa tội ác”(5).

Trong cách nhìn nhận của Minh Mạng về phong tục giáo hóa chứa đựng nhiều nhân tố biện chứng. Minh Mạng đã thấy được vai trò mang tính quyết định của kinh tế trong mối quan hệ kinh tế văn hóa, “đã giàu rồi mới dùng giáo hóa”. Một cuộc sống sung túc, ấm no của trăm họ chính là nền tảng để xây dựng những phong tục tốt đẹp. Ngược lại, giáo hóa phong tục sẽ giúp nhân dân hướng tới điều thiện, lánh xa điều ác, làm cho cuộc sống ngày càng no ấm, an lành hơn.

Năm Minh Mạng 15 (1834), sau thời gian ở ngôi cao, nhìn lại sự nghiệp chăm dân, ông cho rằng mình đã vỗ yên kẻ điêu tàn, giáng ân đại xá, tha giảm tô thuế, chăm chăm nghĩ đến việc ơn nuôi lê dân, tuy chưa thể làm cho toàn dân giàu thịnh nhưng đất nước thái bình, đã đến lúc phải lo việc giáo hóa và sửa sang phong tục. Vì thế Minh Mạng đã soạn Thập điều huấn dụ ban hành khắp thiên hạ: Đôn hậu luận thường: coi trọng tam cương ngũ thường; Chính tâm thuật: làm việc gì cũng giữ cho lòng dạ ngay thẳng; Vụ bản nghiệp: mỗi người phải chọn lấy một nghề, siêng năng với nghề nghiệp của mình để làm cái gốc lập thân; Thượng tiết kiệm: cần phải tiết kiệm; Hậu phong tục: giữ phong tục cho thuần hậu; Huấn đệ tử: phải chăm dạy bảo con em; Sùng chính học: cần chuộng học đạo chính; Giới dâm thắc: răn giữ những điều gian tà dâm dục; Thận pháp thủ: cẩn thận mà giữ pháp luật; Quảng thiện hạnh: rộng làm việc thiện.

Nội dung cả 10 điều răn xét cho đến cùng là sự cụ thể hóa, chi tiết hóa, diễn giải hóa những luận điểm cơ bản của học thuyết Nho giáo; là tinh thần những gì mà người ta tiếp thu được nơi cửa Khổng sân trình. Trước hết, nó yêu cầu con người ứng xử theo lễ. Nho giáo quan niệm phàm là con người sống trong một tổ chức, xã hội thì phải tuân theo những lề lối, trật tự nhất định. Và rốt cuộc, trong luân lý tam cương ngũ thường đó, thì việc “phong hóa tôn vua, kính trên làm đầu” là quan trọng trên hết. Vì vậy, mười điều vua ban mặc nhiên là những chuẩn mực xã hội, mọi người dân đều phải tuân thủ mà không cần tới việc thực thi pháp luật.

Đến thời Thiệu Trị, Tự Đức, Thập điều huấn dụ vẫn được xem là khuôn vàng thước ngọc để người dân nhìn vào đó mà răn mình, mà sửa mình. Việc giảng dạy thập điều tiếp tục duy trì. Đích thân vua Tự Đức đã diễn ca Thập điều huấn dụ để cho mọi người dễ nhớ, dễ thuộc.

Bên cạnh việc ban huấn điều, các vua Nguyễn rất chú ý tới các hình thức thân giao (lấy việc của mình làm gương mẫu để dạy người), ngôn giao (dùng lời nói của mình mà dạy người) nhằm giáo dục đạo đức cho nhân dân. Các cư dân nông nghiệp vốn quen tư duy cụ thể, trực quan nên việc nêu gương là một hình thức giáo dục tốt, tác động trực tiếp, có sức cảm hóa con người ta sâu sắc. Bản thân Minh Mạng “nhiều lần đã xuống dụ cho các địa phương, xét hỏi những đâu hiếu thuận, tiết nghĩa. Một khi có tâu, sẽ hậu cho, nêu thưởng ngay. Cùng việc đối với sĩ phu hiền tài, ngay thẳng, cũng sai tìm kiếm thực là khuyến khích các phương pháp, để làm kế tốt, chỉnh đốn nhân tâm phong tục”(6).

 

Xóa bỏ sự khác biệt về văn hóa giữa các vùng miền

Gia Long khi sáng lập vương triều Nguyễn vào năm 1802, lần đầu tiên đất nước Việt Nam thống nhất từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau. Nhưng đó là sản phẩm của lịch sử để lại, đất nước ngày đó còn chứa đựng nhiều hậu quả của sự chia cắt, phân liệt của những thế kỷ trước. Gia Long rất hiểu những hạn chế đó, song do nhiều nguyên nhân: vì tuổi già sức yếu, vì phải chia quyền hành cho các công thần trung hưng… nên ông không thể làm khác được những gì ông đã làm đối với lịch sử, đối với việc củng cố nền thống nhất quốc gia.

Năm đầu tiên ở ngôi báu, vua Gia Long đã nhận thấy sự khác biệt về phong tục tập quán giữa kẻ Bắc người Nam và sự cần thiết phải xóa bỏ sự khác biệt ấy, nhưng giữa bộn bề những công việc của ngày đầu khởi nghiệp, những toan tính của người đứng đầu triều đình bấy giờ về việc thống nhất phong tục trên toàn quốc cũng chỉ mới dừng lại ở những dự liệu mà thôi. “Dân Nam Hà vốn thói tằn tiện, từ thời Ngụy Tây quen chuộng xa xỉ, tiêu dùng không có tiết độ, nhiều người bắt chước, hư tệ từ đấy sinh ra. Dân Bắc Hà thì kiểu quần áo cũng không đẹp. Phải nên một phen sửa định mới có thể đồng nhất phong tục. Nhưng sửa đổi phong tục thì cũng phải dần dần”(7).

Đến Minh Mạng, yêu cầu củng cố nền thống nhất quốc gia trở nên cấp bách. Tư tưởng chính trị này gắn liền với vấn đề toàn vẹn lãnh thổ, gắn liền với vấn đề tập trung quyền lực về trung ương, không chấp nhận sự phân quyền, chia quyền. Bên cạnh một loạt vấn đề được giải quyết: bỏ cấp thành, chia cả nước thành 31 tỉnh với sự điều hành trực tiếp của vua và triều đình, thống nhất đơn vị đo lường… vương triều Minh Mạng còn có tham vọng thống nhất quốc gia về mặt văn hóa, phong tục. Minh Mạng từng nói với bộ Lễ rằng: “Địa đồ nhà nước đã thống nhất, lối chữ, cỡ xe đã giống nhau, há lại để chế độ khác nhau”(8). Sự thống nhất về văn hóa sẽ góp phần ổn định, giữ vững thống nhất về chính trị, vua Minh Mạng ý thức rõ về điều đó, bởi vậy, trong những năm tháng cầm quyền, ông đã đề ra nhiều chủ trương nhằm thúc đẩy sự thống nhất về văn hóa, phong tục của đất nước, đặc biệt là sự thống nhất giữa 2 miền Bắc – Nam “xa gần cũng thế sao cho đạo là một mà tục như nhau”(9). Và để việc thay đổi phong tục hiệu quả, theo vị vua này, cần phải có sự kết hợp giữa lễ, tiết và pháp chế, giữa văn trị và pháp trị. Vua dụ rằng: “Lễ, tiết để ổn định lòng dân, pháp chế để đề phòng thói gian tà của dân. Đó là điều cốt yếu trong việc thay đổi phong tục. Nhưng việc thay đổi phong tục nên làm dần dần, mới là đạo hoàn toàn của vương giả”(10).

Năm 1826, Minh Mạng truyền mệnh cho nhân dân cả nước phải thống nhất về phong tục, bắt đầu từ châu Bố Chánh, tỉnh Quảng Bình. “Châu Bố Chánh là đất phụ thuộc kinh kỳ, nhưng y phục của dân gian vẫn còn khác biệt, không hợp với nghĩa cùng chung quê quán, cùng chung phong hóa. Hạ lệnh cho dinh Quảng Bình truyền bảo khắp dân gian trong châu, phải mặc quần áo theo đúng cách thức với dân ở sông Linh Giang (sông Gianh) trở vào miền trong, khiến cùng chung phong tục”(11). Sau đó, triều đình tiếp tục cho thực hiện đổi y phục cho các địa phương từ Nghệ An trở ra. Trong quá trình thực hiện chủ trương nói trên, triều đình Minh Mạng tiến hành làm dần từng bước một. Bản thân Minh Mạng hiểu rõ sức mạnh cũng như sức ỳ của thói quen, một phong tục (cụ thể là cách ăn mặc). Và đối với đất Bắc Hà, một mảnh đất truyền thống lâu đời, việc thay đổi y phục cổ truyền của người dân nơi đây càng khó khăn hơn. Vì thế, Minh Mạng đã để ra một khoảng thời gian dài (10 năm), chuẩn bị tâm lý cho người dân từ bỏ một phong tục cũ.

Minh Mạng cũng nhận thấy sự khác biệt không chỉ là y phục, mà còn cả về tư chất giữa người Nam, kẻ Bắc. Nói đến văn hóa là nói đến con người. Đất nước thống nhất đã trên 30 năm nhưng ngay ở trong triều đình vẫn còn có người có ý phân biệt kẻ Bắc, người Nam. Với một vị vua luôn theo đuổi sự nghiệp củng cố nền thống nhất quốc gia thì sự phân biệt Bắc, Nam như vậy cần phải xóa bỏ. Ông khẳng định chính kiến rõ ràng: “Nay thống nhất một nhà, sách cùng văn tự, xe cùng vệt bánh, chính là vận hội phong hóa cộng đồng. Bộ, viện và nội các ở Kinh, các trực và các tỉnh ở ngoài từ trước đến nay, người Nam người Bắc, miễn có tài là đều được dùng, muốn cho họ gom công góp sức, kính cẩn giúp việc… Triều đình lập pháp rất công bằng, rất thẳng thắn, bổ dùng sai khiến chỉ tùy theo tài năng của mọi người, chứ không hề phân biệt Nam, Bắc…”. Và nếu kẻ nào còn tiếp tục có sự kỳ thị Nam, Bắc thì sẽ bị trị tội. “Nếu còn phân biệt kia khác, người Nam còn có khí thế gợm mình mà khinh miệt người Bắc, người Bắc còn có lòng oán vọng mà dị nghị người Nam, cùng nhau hục hặc, lôi thôi, điều nọ tiếng kia, một khi việc phát giác ra, thì sẽ bị trị tội nặng thêm một bậc”(12).

Rõ ràng, các ông vua đầu triều Nguyễn đã rất có ý thức về trách nhiệm đứng đầu quốc gia của mình cũng như ý thức về một nền văn hiến của đất nước độc lập. Việc ban hành hàng loạt các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện chính sách thống nhất văn hóa khẳng định ý chí củng cố sự thống nhất đất nước của các vị vua đầu triều Nguyễn. Tuy nhiên, chính sách văn hóa đó lại xuất phát từ ý muốn chủ quan của một nhóm người trong xã hội chứ chưa phải xuất phát từ nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân. Chính vì thế, dù những quy định phong tục và giáo hóa mà triều Nguyễn ban hành có những điểm tích cực, nhưng nó cũng không vượt qua khỏi những hạn chế lịch sử, “phong hóa tôn vua, kính trên làm đầu”.

_______________

1, 3, 7. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.583, 590, 539.

2, 6, 9. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 7, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tr.123, 131, 127.

4, 5. Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mạng chính yếu, tập 1, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1994, tr.211, 228.

8, 11. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.547.

10. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 4, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.885.

            12. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 4, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.799.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 317, tháng 11-2010

Tác giả : Vũ Phương Hậu

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *