Văn hóa đảng và văn hóa dân tộc


 

Thực tiễn những năm qua đã khẳng định, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) và Kết luận Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) đã đánh dấu bước phát triển quan trọng trong tư duy lý luận của Đảng về văn hóa, phù hợp với quy luật vận động và phát triển kinh tế xã hội, văn hóa của đất nước ta trong thời kỳ đổi mới, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Đảng ta đã được nhân dân tin tưởng, được nhân dân coi là đội tiên phong giác ngộ của mình. Đảng trở thành hình thức tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc”(1). Đúng như vậy! Đảng ta xuất hiện do nhu cầu của xã hội, của quần chúng nhân dân. Nhưng Đảng là một hình thức tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, một tổ chức mang tính giai cấp rõ rệt. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đảng tập hợp những người ưu tú nhất, tiên phong nhất trong quần chúng lao động vào tổ chức của mình. Đó là những con người thấm nhuần lý luận tiên tiến của thời đại là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Đảng viên của Đảng là những con người có trí tuệ, tài năng và đạo đức, tâm huyết một lòng một dạ phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự dân tộc, phụng sự chủ nghĩa xã hội. Họ là những con người tiêu biểu cho tiến bộ xã hội, đi tiên phong trong các phong trào cách mạng, có khả năng lôi cuốn, tập hợp quần chúng nhân dân phấn đấu cho lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Văn hóa đảng là văn hóa của những người cộng sản – những con người ưu tú nhất của quần chúng lao động. Văn hóa đảng là bộ phận tiên tiến nhất của văn hóa dân tộc trong thời đại ngày nay. Để lãnh đạo văn hóa dân tộc phát triển mạnh mẽ, đúng đắn và lành mạnh, văn hóa đảng thực sự phải là hiện thân, là kết tinh, là tấm gương văn hóa tiêu biểu nhất của dân tộc, của nhân dân. Muốn văn hóa dân tộc phát triển thì văn hóa đảng phải đi đầu, như kim chỉ nam, như tấm gương, như đèn pha chiếu rọi. Như vậy, văn hóa Đảng không chỉ là vấn đề liên quan đến sinh mệnh của Đảng mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của văn hóa dân tộc. Đây chính là điểm xuất phát và là mục đích của việc xây dựng văn hóa đảng.

Đảng nhất thiết phải là một tổ chức tiêu biểu cho trí tuệ của dân tộc. Văn hóa đảng nhất thiết phải là đỉnh cao trí tuệ của văn hóa dân tộc. Đảng phải là người đủ trí tuệ để giải đáp đúng những vấn đề mà thực tiễn đặt ra, để đưa ra được những luận cứ khoa học và cách mạng làm đường hướng cho sự phát triển của đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Văn hóa đảng vì thế phải là nơi tập hợp, nơi hội tụ và kết tinh, là biểu hiện tập trung nhất trí tuệ của cả dân tộc, phải thể hiện sự thấm nhuần và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy trí tuệ của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại nhằm xây dựng và phát triển đất nước. Văn hóa đảng phải thể hiện năng lực cầm quyền, năng lực lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn, năng lực dự báo các khả năng và triển vọng phát triển của đất nước, các quy luật vận động của xã hội…

Đảng là danh dự lương tâm của dân tộc. Văn hóa đảng là văn hóa đạo đức, là lương tâm và danh dự của mỗi tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng trước Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, trước dân tộc và nhân dân. Bác Hồ đã nói: Đảng là gì? Đảng là mỗi chúng ta. Đảng lớn lên là do mỗi chúng ta lớn lên. Vì vậy xây dựng văn hóa đảng trước hết phải xây dựng văn hóa trong mỗi tổ chức đảng, trong mỗi cán bộ, đảng viên. Cần coi trọng công tác xây dựng Đảng cả về số lượng và chất lượng. Nhưng đặc biệt phải chú trọng chất lượng. Phải lựa chọn được những con người ưu tú nhất từ quần chúng vào Đảng, phải thường xuyên chọn lọc, sàng lọc đảng viên một cách hết sức cẩn trọng, khách quan, phải sa thải những người không còn xứng đáng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Đảng không chỉ cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt nhưng phải có cái chất của người đảng viên. Cái chất đó là văn hóa, là trí tuệ, đạo đức, danh dự, lương tâm… của người cán bộ đảng viên của Đảng. Vì vậy việc giáo dục và tự giáo dục là công việc thường xuyên, liên tục của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi tổ chức đảng. Đạo đức, danh dự, lương tâm, phẩm giá của người đảng viên cần phải được gìn giữ như “gìn vàng giữ ngọc”, cần phải được trau dồi, rèn luyện bởi ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Văn hóa đảng là văn hóa đạo đức. Đạo đức cách mạng là hội tụ, kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất của văn hóa đạo đức dân tộc và tnh hoa văn hóa đạo đức của nhân loại; làm gương mẫu cho nhân dân. Vì vậy, “từ sự gương mẫu về mọi mặt của các tổ chức và từng cán bộ trong bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể mà phát huy vai trò lãnh đạo thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Gương mẫu là một nội dung, một phương thức trọng yếu trong công việc lãnh đạo của Đảng”(2). Văn hóa đảng là văn hóa nêu gương. Sự gương mẫu về mọi mặt của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi tổ chức đảng là văn hóa đảng. Văn hóa đảng phải làm mực thước cho văn hóa dân tộc noi theo. “Là một Đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu”(3). Trong Di chúc Người đã căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(4)… Nhưng chúng ta chưa thực hiện được lời di chúc thiêng liêng ấy của Bác. “Sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống tiếp tục diễn biến phức tạp, có một số mặt nghiêm trọng hơn, tổn hại không nhỏ đến uy tín của Đảng và Nhà nước, niềm tin của nhân dân”(5). Do đó, xây dựng văn hóa đảng hiện nay chính là xây dựng đảng về tư tưởng, đạo đức, lối sống, là xây dựng và chỉnh đốn đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII và các Nghị quyết Trung ương nhiệm kỳ Đại hội IX, Đại hội X về xây dựng đảng. Đây phải được coi là nội dung quan trọng nhất của xây dựng văn hóa đảng. Xây dựng, chỉnh đốn đảng chính là xây dựng đảng về văn hóa, là làm cho tất cả những phẩm chất cao quý về tinh thần, về trí tuệ, đạo đức, danh dự, lương tâm được thể hiện mạnh mẽ và sâu sắc, lan tỏa ra ở mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi tổ chức đảng.

Trong tình hình hiện nay cần hết sức quan tâm xây dựng, nâng cao giá trị văn hóa đảng, để Đảng có thể lãnh đạo các hoạt động văn hóa của dân tộc được tốt hơn, vì sự tồn tại và phát triển của Đảng và sự phát triển của văn hóa dân tộc. Trong bài báo Ý kiến phê phán về vấn đề dân tộc, Lênin đã nhận định: “Trong mỗi nền văn hóa dân tộc đều có những yếu tố, mặc dù không phát triển, của một nền văn hóa dân chủ và xã hội chủ nghĩa, vì trong mỗi dân tộc đều có quần chúng lao động và bị bóc lột mà điều kiện sinh sống của họ nhất định phải sản sinh ra một hệ tư tưởng dân chủ và xã hội chủ nghĩa. Nhưng trong mỗi dân tộc, cũng có một nền văn hóa tư sản, không phải dưới dạng chỉ là những “yếu tố” mà dưới dạng một nền văn hóa thống trị… Trong mỗi dân tộc hiện nay đều có hai dân tộc… Trong mỗi nền văn hóa dân tộc có hai nền văn hóa dân tộc”(6). Trong ý kiến này, Lênin đã đập tan ảo tưởng về một nền văn hóa dân tộc phi giai cấp, vạch trần sự đối kháng giai cấp trong nội bộ một nền văn hóa dân tộc trong các xã hội có áp bức bóc lột, đấu tranh giai cấp. Trong xã hội ta, lợi ích của giai cấp công nhân, của Đảng và nhân dân lao động là thống nhất: “Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Đảng ta không có lợi ích gì khác”(7). Vì vậy, văn hóa dân tộc Việt Nam hiện đại là một nền (dòng) văn hóa thống nhất. Đó là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc do Đảng lãnh đạo toàn dân xây dựng. Đảng kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy tất cả các giá trị dân tộc và xã hội chủ nghĩa trong văn hóa dân tộc đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để phát triển văn hóa dân tộc lên một bình diện mới dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng nếu chúng ta xa dân, xa rời lợi ích và nguyện vọng chân chính của nhân dân và dân tộc thì sẽ xuất hiện nguy cơ có “hai nền văn hóa dân tộc trong một nền văn hóa”.

Việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa bản chất, lợi ích giai cấp công nhân của Đảng và lợi ích của nhân dân và dân tộc sẽ góp phần giải quyết tốt mối quan hệ giữa văn hóa đảng và văn hóa dân tộc. Xây dựng, củng cố nâng cao giá trị văn hóa đảng, để Đảng thực sự là “hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc”, “Đảng là đạo đức, là văn minh” (Hồ Chí Minh) là sự nâng cao về chất văn hóa dân tộc, là điều kiện nền tảng để phát triển văn hóa dân tộc và phát triển đất nước.

_______________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.517.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.81.

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.480.

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.510.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Các nghị quyết của Trung ương Đảng 2001 – 2004, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.241.

6. Lênin bàn về văn hóa văn học, Nxb Văn học, Hà Nội, 1977, tr.146, 158.

7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.288.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 296, tháng 2-2009

Tác giả : Nguyễn Duy Bắc

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *