Đề cương về cách mạng văn hóa việt nam, 70 năm nhìn lại


 

Sau phong trào dân chủ (1936-1939), cách mạng nước ta chuyển sang một giai đoạn mới: thời cơ cách mạng ngày càng đến gần, nhưng cũng xuất hiện nhiều khó khăn do sự chống phá của các thế lực phản động, thù địch bên trong và bên ngoài. Ngày 25-2-1943, Hội nghị Thường vụ của Trung ương Đảng ta đã được triệu tập và bản Đề cương về cách mạng văn hóa Việt Nam (ĐCVH) đã được ra đời. Đến nay, ĐCVH của Đảng đã được 70 năm, chúng ta có dịp để nhìn nhận, đánh giá vị trí và ý nghĩa lịch sử của bản ĐCVH đó trong suốt tiến trình đấu tranh cách mạng nhằm xây dựng một nền văn hóa mới, góp phần giành chính quyền, xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.

1. Hoàn cảnh ra đời của ĐCVH

Năm 1940, quân Pháp đại bại ở chiến trường châu Âu, phát xít Đức chiếm đóng một phần quan trọng của nước Pháp. Từ đó thế và lực của Pháp bị suy yếu. Nhân tình thế đó, phát xít Nhật tiến quân vào Đông Dương buộc toàn quyền Đờ cu của Pháp đầu hàng. Sau đó phát xít Nhật bắt tay với thực dân Pháp để áp bức và bóc lột nhân dân Việt Nam một cách tàn khốc phục vụ cho nhu cầu cuộc đại chiến thế giới lần thứ II, đồng thời bọn Nhật và Pháp tìm mọi cách mua chuộc, lôi kéo tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ người Việt, hướng họ vào những hoạt động phản lại tổ quốc, phản lại dân tộc, ngợi ca chế độ thống trị ngoại bang.

Nha Thông tin tuyên truyền do thực dân Pháp thành lập đã công khai truyền bá chủ nghĩa đầu hàng của Pê tanh, đề cao khẩu hiệu Pháp – Việt đề huề, Pháp – Việt phục hưng… Song song với việc tiến hành lùng bắt, đàn áp các chiến sĩ cách mạng và những người có cảm tình với cách mạng, bọn Pháp đã dựng nên bọn Tờ rốt khít, thành lập nhà xuất bản Hàn Thuyên, thông qua sách Tân văn hóa và tạp chí Văn mới nghị luận để công khai xuyên tạc chủ nghĩa Mác, xuyên tạc sự thật lịch sử Việt Nam, vu khống Đảng ta là dân tộc chủ nghĩa tư sản, là cải lương khi Đảng ta đang vận động quần chúng, tập trung lực lượng đại đoàn kết toàn dân đấu tranh cho giải phóng dân tộc, cứu nước cứu nhà. Bọn Tờ rốt khít đã giả danh Mác xít, vận dụng và tuyên truyền một thứ chủ nghĩa duy vật máy móc, thô sơ, phản khoa học rất nguy hại cho cách mạng nước nhà.

Trong khi thực dân Pháp tuyên truyền cho công cuộc khai hóa văn minh ở Việt Nam thì phát xít Nhật lợi dụng văn hóa để tuyên truyền cho học thuyết Đại Đông Á. Hạt nhân của học thuyết phản động đó dựa trên yếu tố đồng văn, đồng chủng, máu đỏ, da vàng để che đậy âm mưu xâm lược nước ta, để lôi kéo trí thức và lừa bịp dân ta, tranh giành ảnh hưởng với Pháp ở Việt Nam. Bọn phát xít Nhật thành lập Viện văn hóa Nhật ở nước ta, có nhiệm vụ tiến hành kế hoạch hợp tác văn hóa Nhật – Việt, tuyển chọn những người thân Nhật đưa sang Nhật đào tạo, tổ chức nhiều đợt tham quan và trình diễn nghệ thuật Nhật – Việt, xuất bản báo chí tiếng Nhật, triển lãm, diễn thuyết, biểu diễn ca nhạc… để tuyên truyền cho tính ưu trội của văn hóa Phù tang, làm mê hoặc một số văn nghệ sĩ, trí thức trẻ đến mức ca ngợi, sùng tôn tinh thần võ sĩ đạo của Nhật, bắt chước một cách mù quáng kiểu cạo trọc đầu, đi ủng da cao cổ, nói tiếng Nhật, quên đi văn hóa dân tộc. Từ việc truyền bá văn hóa, phát xít Nhật đã lôi kéo được một số thanh niên Việt Nam làm tay sai cho Nhật, dần đi sâu vào các hoạt động phản cách mạng, chống lại tổ quốc, chống lại nhân dân.

Chính sách văn hóa của Nhật – Pháp ở giai đoạn này là cực kỳ thâm độc, chúng dùng đủ loại phương tiện, hình thức hòng đánh lạc hướng và ru ngủ người dân Việt Nam, nhất là tầng lớp thanh niên, trí thức, văn nghệ sĩ, đưa họ trệch khỏi con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

Nhà xuất bản Hàn Thuyên cùng Viện văn hóa Nhật và các tổ chức phản động khác đã công khai tuyên truyền, in ấn sách báo, diễn thuyết để cổ vũ cho những quan điểm đạo đức lỗi thời, bảo thủ của giai cấp địa chủ phong kiến, đồng thời ca ngợi lối sống tham lam, ích kỷ, dâm ô, đồi trụy của giai cấp tư sản mới hình thành nhằm phục hồi và duy trì những hủ tục, mê tín dị đoan, và du nhập một cách tràn lan các trào lưu văn hóa ngoại lai phản động dưới danh nghĩa là những cái mới.

Xã hội Việt Nam lúc đó đã diễn ra sự phân hóa sâu sắc trong các tầng lớp trí thức. Một số trí thức tiến bộ đã đến với cách mạng, tiếp thu lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh truyền bá và họ đã tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Một số ít trí thức do nguồn gốc xuất thân từ tầng lớp phong kiến, tư sản và do chạy theo lợi quyền cơm áo cá nhân ích kỷ đã trở thành tay sai cho ngoại bang. Phần lớn trí thức còn lại không muốn làm tay sai cho Nhật, Pháp, nhưng do hạn chế về nhận thức nên đã lâm vào tình trạng hoang mang, do dự, hoài nghi, chán chường, tuyệt vọng, bi quan. Họ tìm cách lẩn trốn thực tại phũ phàng, đau thương đang xảy ra khắp mọi nơi. Có người vùi đầu vào Tứ thư, Ngũ kinh để tìm chỗ dựa tinh thần trong học thuyết của Khổng – Mạnh, Lão – Trang; có người tìm niềm an ủi ở các tư tưởng triết học của Pla tông, A rix tốt, Đề các…; có người đằm mình trong ánh hào quang hư ảo, viển vông của tôn giáo; một số trí thức, văn nghệ sĩ sáng tác theo trường phái lãng mạn, siêu thực đầy bí ẩn, cao siêu… Tất cả những hiện tượng nói trên, dù đi theo khuynh hướng nào cũng đều thể hiện sự bế tắc, cùng quẫn của xã hội, mà chủ nhân của những tư tưởng đó không có khả năng nhận ra được tương lai, tiền đồ của đất nước, của dân tộc và vai trò trách nhiệm của bản thân trước họa xâm lăng.

Năm 1943 là năm Đảng Cộng sản Đông Dương đã trải qua 13 năm hoạt động kiên cường, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, lực lượng của Đảng đã phát triển ở khắp các địa phương, uy tín của Đảng ngày càng được lan rộng trong các tầng lớp dân chúng, điều đặc biệt là khi đó Nguyễn Ái Quốc đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau 30 năm bôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước. Khi đó, mặc dù uy tín của Đảng ta ngày càng sâu rộng, nhưng chúng ta chưa giành được chính quyền từ tay bọn đế quốc, phong kiến, chính vì vậy Đảng phải tìm mọi cách để giác ngộ thức tỉnh mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ và tập hợp họ lại trong một đội ngũ, hướng họ vào con đường đấu tranh cách mạng vẻ vang của dân tộc.

2. Những nội dung cơ bản của ĐCVH

Bản ĐCVH gồm có 5 phần:

Phần 1 đề cập phạm vi vấn đề văn hóa, nền tảng kinh tế và chế độ kinh tế của một xã hội quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội, quan điểm của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với vấn đề văn hóa.

Phần 2 đề cập các giai đoạn trong lịch sử văn hóa Việt Nam, tính chất văn hóa Việt Nam hiện đại.

Phần 3 đề cập những thủ đoạn phát xít trói buộc văn hóa và giết chết văn hóa Việt Nam, tiền đồ văn hóa Việt Nam.

Phần 4 đề cập quan niệm của người cộng sản về vấn đề cách mạng văn hóa, nền văn hóa mà cuộc cách mạng văn hóa Đông Dương phải thực hiện sẽ là văn hóa xã hội chủ nghĩa, cách mạng văn hóa Việt Nam và cách mạng dân tộc giải phóng, ba nguyên tắc vận động của cuộc vận động văn hóa và tính chất của nền văn hóa mới Việt Nam.

Phần 5 đề cập nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mác xít Đông Dương và Việt Nam (1).

3. Ý nghĩa lịch sử của ĐCVH

ĐCVH là một tác phẩm khoa học dựa trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin để phân tích tình hình thực tế và phát hiện quy luật phát triển của văn hóa Việt Nam. ĐCVH là một cương lĩnh chính trị của Đảng, có tính chiến đấu cao, nhấn mạnh đền vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự vận động, phát triển của xã hội, đồng thời phân tích một cách thuyết phục mối quan hệ giữa cách mạng văn hóa và cách mạng chính trị.

ĐCVH đặt nền móng cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới và định hướng chiến lược cho văn hóa Việt Nam vững bước phát triển trong một thời gian dài, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng.

Trong ĐCVH xác định cách mạng văn hóa là một bộ phận của cách mạng xã hội chủ nghĩa, phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội, phải thực hiện quyền làm chủ của nhân dân về văn hóa và xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa.

ĐCVH đã nêu ra quan điểm cơ bản về cách mạng văn hóa, chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa cách mạng chính trị, cách mạng kinh tế và cách mạng văn hóa. Trong đó cách mạng chính trị phải đi trước một bước để mở đường cho cách mạng kinh tế và cách mạng văn hóa phát triển, đồng thời 2 cuộc cách mạng kinh tế và cách mạng văn hóa có tác dụng hỗ trợ, củng cố và khẳng định những thành tựu của cuộc cách mạng chính trị đã đạt được. Trong văn kiện, Đảng ta đã xác định một cách rõ ràng mối quan hệ khăng khít giữa nhiệm vụ giải phóng dân tộc với nhiệm vụ giải phóng văn hóa và mở đường cho văn hóa Việt Nam phát triển một cách tự chủ, tiến bộ.

Để cho cuộc cách mạng văn hóa thành công, góp phần vào công cuộc cải tạo xã hội, đưa cách mạng Việt Nam đi lên theo con đường xã hội chủ nghĩa, phải đặt cách mạng văn hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng, bởi vì chỉ có Đảng mới đại diện cho quyền lợi của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam, có khả năng và uy tín lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đảm bảo cho sự thắng lợi cuối cùng của cách mạng giải phóng dân tộc.

Mục tiêu của cuộc cách mạng văn hóa là một bộ phận quan trọng trong những mục tiêu của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm xây dựng một đất nước độc lập, một xã hội dân chủ, tiến bộ, văn minh: cách mạng văn hóa gắn với cách mạng giải phóng dân tộc.

ĐCVH xác định văn hóa là một mặt trận đấu tranh giai cấp quyết liệt, muốn cho cách mạng văn hóa thắng lợi phải tiến hành đồng thời cách mạng văn hóa với cách mạng kinh tế và cách mạng chính trị. Trong cuộc đấu tranh giai cấp đó, trí thức, văn nghệ sĩ phải không ngừng nâng cao lập trường giai cấp, có trình độ chuyên môn học thuật cao, phát hiện và kiên quyết đấu tranh chống lại các trào lưu tư tưởng, các học thuyết phản động, phản khoa học, các âm mưu thủ đoạn của Pháp – Nhật về văn hóa nhằm bảo vệ sự đúng đắn của đường lối cách mạng Việt Nam và bảo vệ sự trong sáng của nền văn hóa dân tộc.

Ba nguyên tắc vận động của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam được phân tích và khẳng định trong ĐCVH là: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa, có quan hệ khăng khít với nhau, bổ sung cho nhau và có giá trị định hướng cho sự phát triển lâu dài của văn hóa Việt Nam.

Nguyên tắc dân tộc hóa hướng mọi hoạt động của giới trí thức, văn nghệ sĩ và toàn dân đến việc bảo tồn, xây dựng một nền văn hóa độc lập, gắn với truyền thống văn hóa từ nghìn xưa với những bản sắc độc đáo của một dân tộc có truyền thống văn hóa xóm làng ở phương Đông. Để nền văn hóa giữ được bản chất dân tộc, chúng ta cần phải kiên quyết vạch trần và đấu tranh chống lại những tư tưởng sùng ngoại, tư tưởng lai căng, tư tưởng coi thường nền văn hóa dân tộc dưới mọi màu sắc.

Nguyên tắc đại chúng hóa đã hướng trí thức, văn nghệ sĩ và mọi tầng lớp nhân dân vào những hoạt động phục vụ nhân dân lao động, bởi vì đó là lực lượng cách mạng đông đảo, và đó cũng chính là những người làm nên lịch sử, góp phần tạo nên những tác phẩm văn học, nghệ thuật bất hủ. Chỉ khi nào cách mạng văn hóa hướng tới quần chúng nhân dân để phản ánh, để phục vụ và thực hiện trọn vẹn quyền làm chủ của nhân dân về văn hóa thì nền văn hóa xã hội chủ nghĩa mới được khẳng định và trở thành hiện thực.

Nguyên tắc khoa học hóa khẳng định hướng đi đúng đắn, hợp quy luật phát triển của văn hóa Việt Nam, giúp cho văn hóa Việt Nam nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu, mê tín, đấu tranh thắng lợi với các trào lưu văn hóa phản động, văn hóa phong kiến và văn hóa thực dân mới. Nguyên tắc này đã mở đường cho văn hóa Việt Nam phát triển một cách tự chủ, tiến bộ; vừa có tính dân tộc, vừa có tính quốc tế, tính nhân loại và hiện đại để đưa văn hóa Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới, hội nhập với nền văn hóa thế giới mà vẫn giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc.

_______________

1. Toàn văn trên Tạp chí Tiền phong, số 1 (tái bản), ngày 10-11-1945, tr.18-21.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 347, tháng 5-2013

Tác giả : Phạm Ngọc Trung

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *