Tư tưởng cải cách văn hóa trong phong trào duy tân


 

Cuối TK XIX, đầu TK XX là thời kỳ đen tối trong lịch sử Việt Nam: đất nước bị thực dân Pháp xâm lược và thống trị, lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta gặp một kẻ thù hoàn toàn vượt xa về trình độ tổ chức xã hội, khoa học kỹ thuật, văn hóa văn minh; đời sống văn hóa của Việt Nam thời kỳ này gò bó chật hẹp trong khuôn khổ Nho giáo thủ cựu; các phong trào đấu tranh của các sĩ phu yêu nước lần lượt bị thất bại… Trong hoàn cảnh đó, phong trào Duy Tân với chủ trương khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, mở rộng cửa sẵn sàng và tự nguyện tiếp thu văn hóa, văn minh phương Tây, thành tựu khoa học, tư tưởng tiến bộ đã tạo nên một luồng khí mới cho văn hóa xã hội Việt Nam… Lãnh tụ của phong trào là một số nhà nho mới, những người đại diện cho tầng lớp ưu tú nhất lúc bấy giờ. Chỉ với sự nhiệt thành và lòng yêu nước nồng nàn, những vị tân nho đã vượt qua những trở ngại của ý thức hệ, của hoàn cảnh vô cùng khó khăn của đất nước, đã dám hy sinh tất cả để tiến hành một cuộc đổi mới chưa có tiền lệ, làm nên một sự kiện to lớn trong lịch sử đầu TK XX.

Các nhà Duy Tân cho rằng không thể đánh đuổi Pháp bằng phương thức cũ, cần phải tự làm mạnh, làm mới mình, khắc phục khoảng cách về thời đại giữa ta và địch. Do điều kiện lịch sử, những khát khao giải phóng dân tộc và chấn hưng đất nước của các chí sĩ yêu nước đã không thực hiện được, nhưng phong trào đã để lại những dấu ấn không thể phải mờ. Một trong những thành tựu lớn nhất của phong trào là góp phần chuyển biến nền văn hóa của dân tộc, đẩy quá trình tiếp biến văn hóa theo chiều hướng tích cực. Chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào đã làm nên một cuộc cách mạng về văn hóa giáo dục, thay đổi hẳn những quan niệm vốn được coi là chuẩn mực của con người trong xã hội cũ. Nhờ đó, phong trào tạo sự đổi mới rõ rệt và sự phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và nghệ thuật, phong hóa và lối sống.

1. Tác động về tư tưởng

Các chí sĩ Duy Tân đã ý thức sâu sắc rằng muốn cứu nước cần phải khắc phục khoảng cách về văn hóa, văn minh giữa ta và Pháp, phải tự thay đổi mình, đưa dân tộc vượt lên hẳn một thời đại mới. Sự thức tỉnh của các nhà nho Duy Tân đầu TK XX là một bước tiến vĩ đại, một cuộc cách mạng trong tư duy, đưa công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chính thức bước sang thời kỳ hiện đại, từ đó phong trào chủ trương tạo nên một cơ sở văn hóa xã hội mới có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Khác với các nhà cải cách TK XIX, các nhà Duy Tân đã thấy được những mặt yếu kém của chế độ quân chủ, từ đó đã mạnh dạn nêu nên tư tưởng dân quyền. Đây có lẽ là một trong những bước chuyển quan trọng nhất trong tư tưởng của các nhà nho. Họ coi dân quyền là nền tảng cơ bản, là cơ sở của độc lập tự chủ, của vận mệnh đất nước, của tiến bộ xã hội, của hạnh phúc nhân dân, là sức mạnh để khôi phục và giữ vững nền độc lập. Các chí sĩ Duy Tân cho rằng muốn có dân quyền thì người dân phải được thông tin, giúp nhân dân nâng cao trình độ văn hóa chính trị, ý thức được vai trò công dân của mình. Mục đích của phong trào là khơi dậy lòng tự hào dân tộc cũng như nâng cao tri thức nhằm tạo điều kiện cho người dân có khả năng bộc lộ năng lực tham gia vào các quá trình chính trị quốc gia (1).

Như vậy lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà Duy Tân đã nhìn nhận thấy vai trò của văn hóa trong phát triển xã hội và đời sống của con người. Hệ tư tưởng Nho giáo và thế hệ nhà nho cựu học đã trở nên lỗi thời không thể lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập, trong khi đó, việc tìm ra một đường lối cứu nước hoàn toàn mới là nhiệm vụ cấp bách của các phong trào yêu nước lúc này. Với tư tưởng cơ bản đề cao dân quyền, phong trào vừa chống lại hệ tư tưởng Nho giáo vừa lật tẩy nền dân chủ giả hiệu của chủ nghĩa thực dân, từ đó thức tỉnh lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của nhân dân trong hoàn cảnh mới. Muốn thế, trước hết phải thức tỉnh dân tộc, làm cho dân tộc thoát khỏi cơn mê của nền chuyên chế cổ hủ. Một trong các con đường đi tới là nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, cải thiện đời sống nhân dân. Đây là con đường đấu tranh công khai hợp pháp, dựa vào chính sách khai hóa văn minh để công khai đấu tranh đòi các quyền dân chủ dần dần đưa dân tộc đi lên. Nhiệm vụ to lớn, lâu dài là làm cho dân ý thức được các quyền của mình, làm cho quyền dân chủ được thấm sâu, lan rộng đến mọi người, cũng tức là xây dựng văn hóa chính trị trong xã hội.

2. Đặt nền móng cho nền giáo dục mới

Dưới thời Lê – Nguyễn, khi Nho giáo được coi là quốc giáo, nền giáo dục nước ta hoàn toàn dập khuôn Trung Quốc. Đó là nền giáo dục dựa theo quan niệm của nhà nho, chỉ tập trung vào hai nội dung là văn chương và đạo lý mà bỏ ngỏ dạy tri thức và kỹ năng. Sau khi chiếm được nước ta, trong giai đoạn đầu, thực dân Pháp cũng lợi dụng nền giáo dục Nho giáo để dễ bề thống trị.

Từ chỗ nhận thấy sự thua kém trước tư bản phương Tây chính là thua về nền văn hóa, văn minh và để chiến thắng kẻ thù trong tình hình đó không còn cách nào khác là phải ngang tầm với kẻ thù về khoa học, kinh tế, văn hóa…, các nhà Duy Tân cho rằng không gì hơn là cải cách việc giáo dục, nâng cao nhận thức trong nhân dân. Khẩu hiệu khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh đã nêu bật được tôn chỉ mục đích của phong trào Duy Tân, trong đó khai dân trí được đề cập đầu tiên.

Nhưng khác với các thế hệ trước, từ chỗ đổi mới trong tư duy văn hóa, với quan niệm mới mẻ về con người, về vai trò của nhân quyền và dân quyền, các nhà Duy Tân đã đặt giáo dục lên hàng đầu nhằm đào tạo những con người mới có đầy đủ tài trí để thực hiện canh tân đất nước, coi giáo dục chính là điều kiện để tạo ra sự bình đẳng giữa người với người, thực hiện dân quyền trong xã hội.

Các nhà Duy Tân đã đề ra tôn chỉ mục đích của việc học không phải để làm quan mà là học để có lợi cho bản thân và quốc gia. Ngoài giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc với những bài học lịch sử, các nhà trường còn cung cấp những kiến thức về khoa học tự nhiên như: toán học, hóa học, địa lý… Chương trình học tập cũng đã được phác thảo có tham khảo mô hình giáo dục của Nhật Bản và các nước phương Tây gồm có các cấp học và các môn học khá toàn diện. Hệ thống giáo dục gồm có khoa học phổ thông (gồm sơ học và trung học) và khoa học chuyên sâu. Các nhà Duy Tân đã xây dựng được một đường lối giáo dục mang tính khoa học cao: từ chỗ giới thiệu từng khía cạnh trong hệ thống giáo dục và nâng cao trình độ dân trí, hình thành nên chương trình giáo dục mới mẻ.

Chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào đã xây dựng được một hệ thống các trường học theo một mô hình hoàn toàn mới mẻ với phương châm hoạt động và nội dung hoàn toàn khác trước. Trường Đông Kinh Nghĩa Thục được mở ở Hà Nội, trường tân học Phú Lâm ở huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam trở thành mô hình rộng khắp các tỉnh lân cận đã gây tiếng vang lớn, góp phần vào công cuộc canh tân văn hóa đầu thế kỷ.

Để khắc phục nền giáo dục bất cập hiện thời và thực hiện mục tiêu khai dân trí, các nhà Duy Tân đã cải cách giáo dục theo lối thực dụng, chống lại nền giáo dục khoa cử, bỏ lối học chỉ để làm quan. Họ đã thẳng thắn phê phán những kẻ mũ cao áo dài. Họ đã nhận ra điểm yếu của lối học khoa cử và kêu gọi sự đổi mới giáo dục. Do đó, bên cạnh dạy chữ quốc ngữ, dạy sử nước nhà, những môn học hoàn hoàn mới mẻ theo hệ thống giáo dục phương Tây cũng được đưa vào chương trình giảng dạy như: địa lý, toán pháp, thể dục, vệ sinh… Nhà trường còn biên soạn các tài liệu có nội dung nêu cao tinh thần dân tộc, giới thiệu khái quát về đất nước, con người, thể chế chính trị, nền giáo dục của các nước cũng như về đất nước, con người Việt Nam.

Cùng với phương châm thực học, các nhà Duy Tân còn chủ trương thực nghiệp. Nhà trường kết hợp việc giảng dạy lý thuyết với các hoạt động kinh doanh, nông nghiệp, thủ công nghiệp và cả khai mỏ, vừa tạo quỹ cho phong trào, vừa dạy cho học trò những bài học thiết thực về học nghề, luôn gắn liền việc học chữ với việc học nghề. Các nhà Duy Tân đã giải thích về thực nghiệp rất cụ thể và rõ ràng: thực nghiệp chính là những nghề nghiệp mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống con người như: công – nông – thương, “học là học có nghề có nghiệp, trước giữ mình sau giúp người ta”(2).

Các nhà Duy Tân cũng nêu lên yêu cầu cấp bách phải học văn minh phương Tây. Bí quyết thành công của phương Tây là nền khoa học kỹ thuật thực dụng, những nghề nghiệp thiết thực, đi sâu vào khám phá những bí mật của tự nhiên, phát hiện ra các miền đất mới, khai thác tài nguyên từ trong lòng đất, trau dồi kỹ năng kỹ xảo, phục vụ cho những nhu cầu ngày càng phong phú của đời sống con người.

Cùng với sự thay đổi về phương pháp giảng dạy và học tập cũng như chương trình nội dung học mới góp phần tạo ra một lối học thực dụng là học để áp dụng vào thực tế như người phương Tây, phong trào đã tiến hành những hoạt động tích cực khuyến khích nhân dân làm giàu. Nhiều hội buôn được thành lập, một loạt cửa hàng được mở do ảnh hưởng của phong trào. Các nhà nho vốn không quen với việc làm ăn tư bản, việc buôn bán còn xa lạ nên lời lãi kinh doanh không là mấy. Tuy nhiên phong trào cũng dấy lên một khí thế làm giàu trong xã hội.

3. Đặt nền móng cho một nền văn hóa nghệ thuật mới

Nếu như trước đây, vì lòng tự tôn dân tộc mà các nhà nho tẩy chay chữ quốc ngữ, coi đó là sự thể hiện của sự mất nước thì giờ đây các nhà Duy Tân đã thấy được ưu điểm của chữ viết này nên ra sức tuyên truyền cho nhân dân sử dụng. Từ chỗ coi chữ quốc ngữ là thứ chữ của bọn thực dân, giờ đây giới trí thức đã coi chữ quốc ngữ là hồn trong nước, nên vai trò và tác dụng của nó ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt văn hóa nghệ thuật nước nhà. Sự ra đời và lớn mạnh của chữ quốc ngữ là cội rễ chính để phát triển tiểu thuyết, thơ ca và báo chí, đặc biệt là dòng văn thơ cách mạng thời kỳ này. Các nhà nho dùng tiếng mẹ đẻ để làm lợi khí tuyên truyền và đã dần dần tiếp cận với khuynh hướng sử dụng ngôn ngữ nói làm cơ sở cho văn học nước nhà. Vì vậy, bên cạnh dòng văn học viết bằng chữ Hán, thời kỳ này đã xuất hiện rất nhiều tác phẩm được viết bằng chữ quốc ngữ do các nhà nho Duy Tân sáng tác như: Tỉnh quốc hồn ca (Phan Châu Trinh), Quốc dân độc bản, Văn minh tân học sách (khuyết danh), Đề tỉnh quốc dân hồn (Phan Bội Châu)… Các nhà Duy Tân không vì phát triển cái mới mà phá bỏ hoàn toàn cái cũ, ngược lại luôn biết trân trọng những giá trị văn hóa khác. Chữ quốc ngữ giúp các trí giả dịch và tuyên truyền những tác phẩm chữ Hán. Mặt khác, bản thân văn học viết bằng chữ Hán cũng mang màu sắc mới, mang hơi thở của thời đại với văn phong trong sáng, giản dị, dễ hiểu, tránh dùng các từ cổ đa nghĩa… Sự lựa chọn chữ quốc ngữ là công cụ văn hóa có một ý nghĩa lịch sử trong văn hóa Việt Nam vì bản thân nước ta, cho đến đầu TK XX vẫn chưa có một văn tự của riêng mình. Việc sử dụng chữ quốc ngữ vừa có thể thay thế được chữ Hán vốn không phải là chữ viết của dân tộc vừa có thể tránh tai họa đồng hóa văn hóa khi thực dân Pháp bắt đầu đẩy mạnh sử dụng chữ Pháp và tiếng Pháp trong các văn tự cũng như trong hệ thống giáo dục.

Sự phát triển của chữ quốc ngữ là do những yếu tố khách quan của lịch sử nhưng đã được các nhà Duy Tân tạo điều kiện chủ quan nhằm đẩy mạnh sự phát triển ấy. Chữ quốc ngữ với ưu điểm dễ học, dễ nhớ nên đã thúc đẩy quá trình học tập trong nhân dân, có khả năng đẩy lùi nạn mù chữ. Khắc phục những hạn chế của chữ Hán Nôm, chữ quốc ngữ có thể diễn đạt tư tưởng rất tự nhiên, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển báo chí, tiểu thuyết, kịch nói, thơ… cũng như nâng cao dân trí, phổ biến các ngành kinh tế thương mại, khoa học thường thức, trở thành vũ khí cách mạng văn hóa đa dạng trên nhiều lĩnh vực hoạt động.

Ngoài thành tựu trong tuyên truyền phổ biến chữ quốc ngữ, các nhà Duy Tân cũng nhận rõ tầm quan trọng của báo chí trong việc mở mang trí tuệ nên đã kêu gọi mọi người thường xuyên đọc báo để nắm bắt tin tức. Báo chí đã cung cấp cho các trí thức Việt Nam một phương tiện hữu hiệu để thực hiện khát vọng canh tân tự cường của mình. Chỉ trong một thời gian ngắn, sự nghiệp báo chí ở nước ta đã phát triển khá mạnh mẽ.

Để tuyên truyền cổ động cho phong trào, các nhà Duy Tân đã sử dụng nhiều hình thức thơ ca với những nội dung cụ thể chứ không trừu tượng, thích hợp với lối tư duy của người Việt như Bài ca khuyên người đi tu, Bài ca m khuyên con, v khuyên chng… dưới các hình thức như hát xẩm, hát ca trù… Bên cạnh đó còn có các sách chính trị, lịch sử… của Nguyễn Phan Lãng, Lê Đại, Nguyễn Hữu Cầu…, tuy chưa đổi mới về nghệ thuật nhưng nội dung thì hoàn toàn mới, thức tỉnh lòng yêu nước. Đặc biệt, một thể loại văn học rất phát triển lúc bấy giờ là văn chính luận. Các nhà nho chí sĩ Duy Tân, nếu chỉ tính riêng trong vòng hai thập kỷ (1905-1925) đã để lại rất nhiều tác phẩm chính luận nổi danh như: Văn minh tân hc sách, Đầu Pháp chính ph thư, Hp đoàn doanh sinh thuyết, Đông Dương chính tr lun

Văn thơ yêu nước của phong trào Duy Tân đã góp phần không nhỏ vào nền văn học nước nhà. Bên cạnh những thành tựu về nội dung và hình thức, phong trào đã cung cấp lực lượng sáng tác cho giai đoạn sau.

4. Xây dng li sng mi

Trong xã hội phong kiến, tư tưởng “nội Hạ, ngoại Di” đề cao văn minh Trung Hoa, coi thường các dân tộc khác ảnh hưởng đến thế giới quan và nhận thức luận của vua quan nhà Nguyễn, làm cho chúng ta tự khép mình, trở nên trì trệ, không chịu tiếp thu cái mới, và lạc hậu trước thế giới. Các nhà Duy Tân đã mạnh dạn chỉ ra đó chính là nguyên nhân đầu tiên của sự lạc hậu trong xã hội nước ta, từ đó tìm cách thoát khỏi sự vây bủa của nó. Có thể nói, sự thoát ly khỏi tầm ảnh hưởng của tư tưởng độc tôn văn hóa của các nhà Duy Tân chính là bước khởi đầu của thái độ cởi mở văn hóa, khoan dung văn hóa, tạo điều kiện chủ động tiếp thu các thành tựu văn hóa của nhân loại, cơ sở tạo dựng một lối ứng xử mới.

Từ chỗ nhận định sự hạn chế của thế giới quan Nho giáo, các nhà Duy Tân đã có cái nhìn mở rộng ra thế giới bên ngoài. Họ đã vạch rõ bốn nguyên nhân khởi điểm gây nên tình trạng lạc hậu của nước ta và khẳng định muốn phát triển văn hóa văn minh phải gắn với giáo dục và giáo dục thể hiện trình độ văn minh (3).

Vừa khẳng định lòng tự tôn dân tộc vừa có thái độ cởi mở trước hiện tượng văn hóa mới, không hề choáng ngợp trước nền văn minh Tây Âu mặc dù rất phục và phấn đấu noi theo, các nhà Duy Tân vẫn mang trong lòng niềm tự hào dân tộc, tin tưởng vào sự phát triển của đất nước.

Như vậy, từ chỗ chỉ biết có một trung tâm văn minh là Trung Hoa, các nhà nho đã mở rộng tầm nhìn ra toàn thế giới. Đây là sự thay đổi thế giới quan, thoát ly khỏi tư tưởng độc tôn văn hóa và mở đầu cho tầm nhìn toàn cầu hóa của đất nước. Ngoài ra, nó còn phản ánh một thái độ cởi mở, bao dung văn hóa, sẵn sàng hội nhập và tiếp thu thành tựu văn minh nhân loại. Có thể nói, đó là một trong những tiền đề thúc đẩy quá trình giao lưu văn hóa đầu TK XX, nhờ đó chúng ta đã chủ động tiếp thu những giá trị văn hóa của nhân loại. Một lần nữa phong trào Duy Tân đã khẳng định truyền thống khoan dung văn hóa của dân tộc ta. Các thập kỷ đầu tiên của TK XX, nhiều thanh niên Việt Nam đã chủ động Tây du để học hỏi khoa học kỹ thuật phương Tây về phục vụ cho tổ quốc.

Phong trào Duy Tân cũng phê phán những thói hư tật xấu của người Việt trên cơ sở nhìn thẳng vào sự thật và nêu cao ý thức xây dựng. Một trong những đặc tính của người nước ta là bảo thủ, không có chí tiến thủ nên không phát triển, người phương Tây có chí tiến thủ nên họ mở rộng đất đai, chiếm cửa biển, hải đảo, chế tạo máy móc, thế lực vươn ra khắp toàn cầu. Từ đó, họ kịch liệt đả phá tư tưởng bảo thủ của nhà nho thủ cựu, các hủ tục của xã hội, lên án mạnh mẽ những thói hư tật xấu tồn tại trong nhân dân, coi đó là trở ngại cho sự nghiệp cứu nước.

Một trong những hủ tục cần loại bỏ trước hết là thói quen ăn ở không hợp vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Cuộc vận động cắt tóc ngắn, cạo trắng răng của các nhà Duy Tân diễn ra rất sôi nổi và được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng. Với sự cách tân này, các nhà Duy Tân không chỉ xóa bỏ được sự ngăn cách trong giao lưu văn hóa với thế giới mà qua trọng hơn, họ đã làm thay đổi cả những quan niệm chuẩn mực của hệ thống các khuôn mẫu ứng xử trước đó.

Phong trào Duy Tân đã thẳng thắn phê phán những tệ nạn chốn đình làng, lệ hương ẩm là một trong những nguyên nhân gây ra nghèo đói. Đó là những hủ tục làm ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của xã hội (4).

Tóm lại, phong trào Duy Tân đã có những tác động to lớn làm chuyển biến toàn diện các lĩnh vực của văn hóa dân tộc ở những thập niên đầu TK XX. Thứ nhất, nó giúp văn hóa Việt Nam vượt khỏi quỹ đạo của văn hóa Đông á để tiếp xúc với phần còn lại của thế giới, với một nền văn hóa hoàn toàn khác biệt – nền văn minh công nghiệp, hòa vào quỹ đạo chung của thế giới. Có thể coi đó là sự chuyển từ quan hệ văn hóa khu vực sang quan hệ văn hóa mang tính quốc tế. Thứ hai, nó giúp văn hóa Việt Nam cơ bản về mặt tinh thần gắn với sự phát triển của đất nước. Nếu trước đây, văn hóa chỉ gắn với đạo lý, đạo làm quan thì giờ đây văn hóa gắn với tất cả các yếu tố tinh thần của con người, của xã hội. Thứ ba, phong trào Duy Tân giúp quá trình chuyển động căn bản mọi phương diện của văn hóa trên tất cả các lĩnh vực: khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn. Vì vậy, chỉ trong 10 năm, một cuộc cải cách về tư tưởng, chữ viết… đã đạt được những thành quả nhất định. Thứ tư, bên cạnh sự cải cách tiếp thu cái mới, phong trào đã tiếp tục phát triển những tinh hoa văn hóa của dân tộc, trân trọng và giữ gìn vốn văn hóa truyền thống. Văn hóa Việt Nam bắt đầu chuyển biến từ phạm trù văn hóa truyền thống sang phạm trù văn hóa hiện đại.

Mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, phong trào Duy Tân đã tạo bước chuyển mình trong văn hóa dân tộc Việt Nam đầu TK XX, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng đất nước và sự nghiệp phát triển văn hóa dân tộc. Phong trào đã trở thành một động lực phát triển mạnh mẽ của lòng yêu nước trong nhân dân. Phong trào Duy Tân đã để lại những bài học về sự dũng cảm đổi mới, dám đương đầu với những cái cũ xấu và cả những cái cũ không xấu nhưng không còn phù hợp với điều hiện hiện nay. Đó cũng là bài học phải coi trọng sự phát triển văn hóa dựa trên việc đẩy mạnh tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Hoàn cảnh tuy khác trước nhưng những bài học từ phong trào Duy Tân vẫn mang ý nghĩa thời sự, đáng để chúng ta học hỏi trên con đường xây dựng nền văn hóa Việt Nam hiện nay.

_______________

1, 4. n thơ Đông Kinh Nghĩa Thc, Nxb n hóa, Hà Nội, 1997.

2. Phan Châu Trinh, Toàn tập, tập 1, Nxb Đà Nẵng, 2005, tr.347.

3. Đặng Thai Mai, n thơ cách mng Vit Nam đầu thế k XX, Nxb n hc, Hà Nội, 1974.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 349, tháng 7-2013

Tác giả : Nguyễn Thị Ánh

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *