Một số vấn đề đặt ra trong quản lý lễ hội hiện nay


         1. Thực tiễn quản lý lễ hội ở nước ta hiện nay

         Trong những năm đổi mới vừa qua, cùng với những thay đổi trong chính sách tôn giáo, tín ngưỡng, các hoạt động tổ chức lễ hội cổ truyền đã được phục hồi và phát triển nhanh chóng. Bên cạnh đó, các lễ hội hiện đại với tính chất sự kiện cũng được tổ chức với nhiều quy mô trên khắp cả nước. Việc giữ gìn, phát huy những giá trị quý báu trong di sản văn hóa lễ hội cũng như hình thành, phát triển loại hình sự kiện gắn với phát triển kinh tế-xã hội là việc làm đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, những biến tướng vượt tầm kiểm soát của lễ hội cũng đang gây ra những lo ngại. Việc chạy theo những mong muốn chủ quan trong nâng cấp, mở rộng phạm vi lễ hội, chạy theo những lợi ích kinh tế hoặc mục đích tâm linh cá nhân đang khiến cho nhiều lễ hội bị trần tục hóa.

         Cùng với những kết quả đạt được, việc quản lý lễ hội ở nước ta cũng bộc lộ những hạn chế. Cơ bản có thể thấy như sau:

         Hành lang pháp lý trong quản lý lễ hội

        Từ khi Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh được Hội đồng Nhà nước Việt Nam (nay là Quốc hội) thông qua vào năm 1984 tới nay, khung pháp lý về quản lý lễ hội ở nước ta đã có những bước tiến lớn với việc hình thành hệ thống văn bản về quản lý lễ hội. Luật định, nghị định, chỉ thị, thông báo, kết luận, các văn bản chỉ đạo về lễ hội đều xuất phát từ sự cần thiết của việc tạo hành lang pháp lý cũng như giải quyết các vấn đề có tính điểm nóng trong thực tiễn. Điều này thể hiện tính nhạy bén, kịp thời trong công tác quản lý lãnh đạo ở các cấp, kịp thời giải quyết và hạn chế được những vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, các quy định về tổ chức và quản lý lễ hội ở nước ta còn nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau khiến cho việc nắm bắt cũng như vận dụng các văn bản chưa thuận lợi, nội dung về lễ hội, quy định tổ chức và quản lý lễ hội chưa đầy đủ, nhất là những quy định cụ thể về chế tài trong xử lý các vấn đề của thực tiễn tổ chức lễ hội.

         Công tác chỉ đạo, điều hành

         Về cơ bản, các nguyên tắc quản lý từ vĩ mô đến vi mô, tập trung dân chủ, Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý đã được thực hiện đồng bộ. Song trước số lượng lễ hội quá lớn, lực lượng tham gia tổ chức, quản lý còn mỏng, công tác chỉ đạo, điều hành lễ hội ở các cấp bộc lộ một số hạn chế:

         Ở một số địa phương, ban tổ chức lễ hội làm việc chưa hiệu quả, sự phối hợp giữa các tiểu ban chưa chặt chẽ, chưa giải quyết được các phát sinh, tồn tại trong lễ hội. Mặc dù các địa phương đã có kế hoạch chi tiết cho từng lễ hội, tuy nhiên, một số lễ hội triển khai thực hiện chưa đúng kế hoạch, sự phối hợp và trách nhiệm chưa cao.

         Các phương án giải quyết ách tắc giao thông được đề ra nhưng chưa được thực hiện hiệu quả. Vẫn còn tồn tại những cảnh ùn tắc, chen lấn xô đẩy như đêm khai ấn tại đền Trần (Nam Định), đền Hùng (Phú Thọ), lễ hội Chùa Hương (Hà Nội) vào ngày chính hội. Công tác đảm bảo an ninh trật tự ở một số lễ hội chưa đựợc thực hiện tốt, vẫn còn hiện tượng trộm cắp, móc túi… Vẫn còn diễn ra các trò chơi mang tính cờ bạc trá hình như ở Hội Lim, đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh); tình trạng xóc thẻ, lên đồng, dịch vụ khấn thuê trọn gói… ở một số lễ hội như: phủ Tây Hồ, đền Đức Thánh Cả (Hà Nội), đền Mẫu (Lạng Sơn), đền Bảo Hà (Lào Cai)… Việc buôn bán sách xem tướng số, tử vi, bói toán vẫn xuất hiện (lễ hội chùa Bà, năm 2015 đã thu giữ 26.350 tờ tử vi, 188 sách bói toán)…

         Việc thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội chưa triệt để, văn hóa giao tiếp, ứng xử có nơi còn yếu, ý thức thực hiện nếp sống văn minh của du khách nhiều nơi còn chưa cao. Việc đặt nhiều hòm công đức, khay tiền dầu đèn tại các điểm thờ tự vẫn còn. Việc thu, chi sử dụng nguồn tiền công đức tại các cơ sở tín nguỡng, thờ tự một số nơi chưa thống nhất, có nơi chính quyền địa phương quản lý, có nơi thủ từ, thủ nhang hoặc sư trụ trì quản lý thu giữ, nên việc tái đầu tư tu bổ di tích chưa được hiệu quả. Việc bố trí, sắp xếp các khu dịch vụ hàng quán còn chưa hợp lý, chưa khoa học dẫn đến lộn xộn. Việc tiếp nhận công đức bằng hiện vật, bổ sung hiện vật, bày trang trí đồ thờ không đúng truyền thống. Việc lắp bia ghi danh công đức, lắp đặt khung sắt, mái tôn mái vẩy, tận thu dịch vụ…làm biến thể di tích. Ở nhiều địa phương hiện nay có nội dung lễ hội tương tự nhau, nghèo nàn về phần hội hoặc còn thiên về kinh doanh dịch vụ, điều này được phản ánh ở hầu khắp các báo cáo về công tác quản lý lễ hội của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

         Công tác kiểm tra, thanh tra

         Trong những năm gần đây, việc chấn chỉnh các hoạt động lễ hội, tăng cường công tác quản lý lễ hội luôn được quan tâm. Tuy nhiên, vẫn chưa thể giải quyết triệt để tình trạng tiêu cực xảy ra trong các lễ hội, Bộ VHTTDL đã đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành Trung ương, các ngành chức năng và lực lượng tại chỗ cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Đồng thời, yêu cầu các Sở VHTTDL, lãnh đạo ban quản lý di tích tiếp tục chấn chỉnh các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện đúng quy định của pháp luật trong tổ chức lễ hội.

         Những hiện tượng tiêu cực, hạn chế trong công tác quản lý của các cấp lãnh đạo, ban ngành chuyên môn cũng như các lực lượng liên quan, thể hiện công tác thanh tra, kiểm tra chưa chặt chẽ, triệt để, các chế tài chưa đủ sức răn đe.

         Nguyên nhân của các hạn chế trong quản lý lễ hội

        Một là, công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh tại lễ hội chưa hợp lý, chưa triệt để.

       Hai là, ý thức của người tham gia lễ hội còn kém, dẫn đến hành vi ứng xử chưa thật văn hóa trong thực hành lễ hội, đặc biệt còn tồn tại hiện tượng chạy theo đám đông với tâm lý cuồng tín thực dụng và trục lợi. Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn tới vấn nạn phi văn hóa trong lễ hội được nói tới rất nhiều hiện nay.

       Ba là, năng lực quản lý, tổ chức các hoạt động lễ hội của cán bộ văn hóa cơ sở ở nhiều địa phương còn hạn chế. Một số lễ hội dân gian chưa được các cấp chính quyền quan tâm tổ chức, nhận thức của các cấp chính quyền và nhân dân về tính chất, đặc điểm, vai trò, vị trí của lễ hội dân gian chưa toàn diện. Có nhiều lễ hội được khôi phục trong sự thiếu hụt kinh nghiệm, kiến thức văn hóa truyền thống.

        Bốn là, chưa có mô hình tổ chức hợp lý, nhiều chủ thể cùng tham gia quản lý nên một số nơi phát sinh mâu thuẫn về lợi ích nội bộ.

        Năm là, một số nơi, ban tổ chức chưa thể hiện hết trách nhiệm, phối hợp chưa tốt, chưa kịp thời giải quyết, chấn chỉnh các tiêu cực diễn ra trong lễ hội.

       Sáu là, việc quy hoạch, bố trí các công trình phụ trợ còn bất cập, chưa dự báo tốt về lượng khách tham gia nên lúng túng khi tổ chức thực hiện.

        Bảy là, việc cấp phép lễ hội chưa thực hiện tốt, vẫn còn thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi, bán vé vào lễ hội, vi phạm Quy chế tổ chức lễ hội.

         Nhìn chung, một số địa phương có biểu hiện buông lỏng quản lý, chưa kịp thời báo cáo, cung cấp thông tin để xử lý những vấn đề phát sinh trong tổ chức lễ hội. Mô hình ban quản lý di tích, lễ hội còn nhiều bất cập. Ban quản lý cấp xã phường, thị trấn đều hầu hết chưa có cán bộ được đào tạo chuyên sâu, còn thiếu hụt nhiều kiến thức, am hiểu về văn hóa bản địa cũng như kinh nghiệm tổ chức lễ hội.

         2. Một số vấn đề đặt ra trong quản lý lễ hội ở nước ta hiện nay

         Nhận thức về lễ hội và quản lý lễ hội

        Dưới tác động của cơ chế thị trường và xu hướng giao lưu, hội nhập, lễ hội ở nước hiện nay đã chuyển qua một giai đoạn mới, không còn chỉ mang ý nghĩa đáp ứng tự thân về tinh thần của cộng đồng và bó hẹp trong những không gian nhất định như trước đây. Hơn nữa, trong cơ chế thị trường với nhiều cạnh tranh khốc liệt, con người luôn trong tâm trạng bất an, vì thế mà người dân tìm đến không gian tâm linh để cầu tài lộc. Việc tổ chức lễ hội nảy sinh ra hàng loạt những vấn đề phức tạp:

         Khắp nơi mở hội dẫn tới sự bùng nổ về quy mô, mật độ tổ chức, sự kéo dài về thời gian… đặt ra hàng loạt những vấn đề như dịch vụ giao thông, nhà nghỉ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường… Đặc biệt là quản lý tâm lý đám đông trong tranh cướp các vật thiêng như cướp ấn ở đền Trần, cướp quả Phết trong hội Phết ở Hiền Quan, cướp hoa tre ở hội đền Gióng…

        Việc thương mại hóa lễ hội dẫn tới nạn chặt chém, buôn thần bán thánh. Dịch vụ nghỉ, ăn, đi lại đến các phí tham quan, giá cả các mặt hàng trong các ngày lễ hội đều tăng vọt, dịch vụ bói toán, hầu đồng ở nhiều điểm lễ hội, nhất là những lễ hội lớn như đền Đồng Bằng, đền Thác Bờ, đền Bảo Hà…

         Việc coi lễ hội là cơ hội quảng bá thương hiệu cho địa phương dẫn đến phương thức tổ chức lễ hội hoành tráng, chạytheo tâm lý con gà tức nhau tiếng gáy hoặc hiện tượng tự nâng cấp lễ hội…

         Trước thực trạng các xu hướng biến đổi của lễ hội đang diễn ra nhanh chóng như hiện nay, có thể thấy việc tổ chức và quản lý lễ hội vô cùng lộn xộn, mất bản sắc văn hóa dân tộc, gây ra nhiều hậu quả cho cả nhà quản lý và cộng đồng.

         Sự biến đổi của lễ hội dân gian và sự xuất hiện của nhiều loại hình lễ hội hiện đại là một yếu tố khách quan trong đời sống văn hóa. Vì thế không nên lấy các nguyên lý tổ chức lễ hội truyền thống làm khuôn mẫu mọi lễ hội. Mọi bước trong tổ chức lễ hội cần được tính toán sao vừa đảm bảo yếu tố gốc, vừa trở thành sự kiện đáng nhớ, đáp ứng được các mục đích của người tham gia lễ hội về vấn đề tâm linh, trải nghiệm đời sống hiện đại. Muốn vậy cần bám sát thực tiễn, tổng kết thực tiễn trên cơ sở lý luận về quản lý văn hóa, trong đó cần đặc biệt nhấn mạnh vai trò chủ thể của cộng đồng trong tổ chức lễ hội.

         Đào tạo đội ngũ tổ chức, quản lý lễ hội

         Khảo sát của Trường Cán bộ Quản lý Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tình hình đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa cho thấy: có 29,5% cán bộ quản lý lễ hội được đào tạo ngành văn hóa nghệ thuật, 11,5% đào tạo ngành xã hội nhân văn, 8,2% đào tạo chuyên ngành kinh tế và 50,8% đào tạo các ngành khác. Ngoài thành phố Hà Nội có số cán bộ, đội ngũ cán bộ quản lý lễ hội được đào tạo chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật chiếm phần lớn thì ở các tỉnh khác cán bộ quản lý lễ hội chủ yếu được tuyển dụng ở nhiều ngành nghề khác nhau. Trong khi đó khối lượng công việc họ phải đảm nhiệm lại khá lớn và có tính đặc thù (1).

         Thống kê về tình hình đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ văn hóa cho thấy: đối tượng cán bộ cấp huyện, có 82,3% đã tham gia các lớp về chuyên môn, nghiệp vụ lĩnh vực văn hóa; 36,9% đã tham gia các lớp về chuyên môn, nghiệp vụ lĩnh vực TDTT; 35,4% được tham gia các lớp về chuyên môn, nghiệp vụ lĩnh vực du lịch; 38,0% được tham gia các lớp về chuyên môn, nghiệp vụ lĩnh vực gia đình; 21,5% chưa tham gia lớp bồi dưỡng nào. Nhìn chung, cán bộ quản lý lễ hội của Hà Nội được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên. Các địa phương còn lại, việc tập huấn, bồi dưỡng chưa thực sự hiệu quả do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do đội ngũ cán bộ, công chức này quá bận, phần lớn không bố trí, sắp xếp thời gian tham gia. Nội dung chương trình tập huấn, bồi dưỡng còn nặng tính lý thuyết, thiếu thực tiễn, chủ yếu là phổ biến văn bản mới mà thiếu những lớp kỹ năng tác nghiệp, đặc biệt là các kiến thức, kỹ năng dành riêng cho công tác quản lý lễ hội hầu như không có (2).

            Nghiên cứu trên còn chỉ ra năng lực giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ. Lực lượng ở các địa phương rất mỏng, thiếu kiến thức, kỹ năng tác nghiệp, nhưng phải đảm đương khối lượng công việc tương đối lớn. Trong đó, một số lượng không nhỏ cán bộ không được đào tạo đúng chuyên ngành nên khả năng dự báo, phán đoán, xử lý tình huống không tốt. Bên cạnh đó, việc thực thi chức năng, nhiệm vụ, tập hợp, phát huy sức mạnh tập thể, đơn vị và quần chúng trong hoạt động quản lý lễ hội cũng như giải quyết công việc liên quan còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng các hoạt động (3).

         Chủ thể quản lý là yếu tố quyết định chất lượng của công tác quản lý lễ hội. Những thực trạng nêu trên cho thấy hiện nay ở nước ta rất thiếu đội ngũ cán bộ có khả năng về quản lý, chỉ đạo và trực tiếp tổ chức các sự kiện, lễ hội. Chương trình tổ chức lễ hội cũng chưa được giảng dạy thành một ngành học trong hệ thống các trường văn hóa, tuy nhiên số cán bộ am hiểu để có thể trở thành chuyên gia về lễ hội hầu như rất ít. Vì vậy, ngành VHTTDL cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực ở nhiều cấp độ khác nhau, có khả năng độc lập nghiên cứu, chỉ đạo thực tiễn, biết cách tham khảo kinh nghiệm ở các địa phương khác, có khả năng tham mưu xây dựng các văn bản mang tính chất quản lý đặc thù. Bên cạnh đó, cần đội ngũ có khả năng viết kịch bản lễ hội, xây dựng chương trình, đề án lễ hội, hoặc đào tạo các tổng đạo diễn sự kiện, nhạc sĩ, biên đạo, họa sĩ có khả năng sáng tác nhạc, sáng tác múa, sáng tác các logo trang trí lễ hội…

         Đối với cấp xã, phường, cần tập huấn về các nguyên tắc, quy chế, kiến thức chuyên môn về quản lý lễ hội cho cán bộ chuyên trách ban văn hóa xã phường, cán bộ đoàn thể; phát hiện, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ có khả năng làm MC, tổ chức các sự kiện, trang trí, sử dụng âm thanh, ánh sáng phù hợp. Tập hợp và phát huy một cách hiệu quả đội ngũ già làng, nghệ nhân dân gian, thày cúng am hiểu về lễ hội cổ truyền trong tham gia tổ chức, quản lý lễ hội cũng như truyền dạy tri thức lễ hội cho lớp trẻ trong cộng đồng.

         Truyền thông lễ hội

         Có thể nói, trong xã hội hiện nay, vai trò của thông tin quảng bá ngày càng đóng vai trò quyết định đến sự thành công của lễ hội. Cần bổ sung thêm các nội dung như chiến dịch truyền thông về giá trị các lễ hội, kế hoạch tổ chức và yêu cầu đối với người tham gia nhằm hướng dẫn, tạo nhận thức, hiểu biết cần thiết cho cộng đồng. Hiện nay, quảng bá về lễ hội đã được đa dạng hóa qua nhiều kênh: thông tin trực tiếp như phổ biến trong các buổi họp thôn bản, họp đoàn thể, hệ thống chợ phiên…; thông tin qua hệ thống thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình, báo in, mạng internet, mạng xã hội… Trong một số điều tra cho thấy, việc biết tới các lễ hội của khách du lịch có tới 68-85% thông qua hệ thống internet, nhất là các mạng xã hội Facebook, Youtube, Yahoo… Vì vậy, ngành văn hóa và các địa phương cần kết hợp, đa dạng hóa các loại hình thông tin trong việc quảng bá, tuyên truyền về lễ hội.

         Công tác tổ chức để đạt hiệu quả quản lý lễ hội

         Trong xã hội cổ truyền, việc tổ chức lễ hội cộng đồng dựa trên các ban quản lý gọn nhẹ mang tính chất gia đình, dòng họ, làng bản tương ứng với phạm vi hẹp của lễ hội. Hiện nay do lễ hội có tính mở rộng, giao lưu nên cần xây dựng chương trình, kịch bản phù hợp nhằm tạo hiệu quả về tổ chức, quản lý ngay trong chính nội dung lễ hội. Để làm được điều này, ban tổ chức lễ hội, chính quyền địa phương, các lực lượng liên ngành cần có kiến thức và khả năng xử lý tình huống nhanh nhạy. Chính quyền địa phương tránh quản lý quá sâu, thậm chí lấn sân cộng đồng trong việc tổ chức chương trình lễ hội.

         Việc tổ chức lễ hội cần đảm bảo không gian thiêng, không coi nhẹ, hạn chế phần nghi lễ. Các khâu của lễ hội cần được tính toán tới việc tạo điều kiện động viên, thu hút để người đến lễ hội có điều kiện trải nghiệm, sáng tạo chứ không đơn thuần chỉ thụ động tham gia quan sát, chụp ảnh, không hòa đồng với cộng đồng, không cảm nhận được không khí thiêng của hội. Ngoài những chương trình mang đặc trưng riêng của địa phương, cũng có chương trình thu hút đông đảo sự tham gia của du khách, tạo tính hoạt náo trong lễ hội. Đó là các màn biểu diễn đường phố, chương trình múa tập thể, chương trình sinh hoạt cộng đồng đan xen giữa cư dân địa phương và du khách như khám phá nghề thủ công, tham gia nghề nông, đánh bắt cá, tham gia các trò chơi mang tính cộng đồng… Các chương trình lễ hội du lịch cần chú ý tới việc xây dựng các chương trình sau lễ khai mạc, như thăm làng nghề, khám phá mô hình cộng đồng sở tại, đua thể thao mang tính quần chúng, hội chợ… Tóm lại, sau chương trình chính, căn cứ vào nhu cầu của du khách để tổ chức các chuỗi sự kiện tiếp theo. Trong chuỗi sự kiện đó cần phải xây dựng, bố trí sự kiện đinh, mang tính cao trào của lễ hội.

         Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội với nhiều hình thức hiệu quả hơn. Cán bộ quản lý các cấp cần nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, giá trị văn hóa, ý nghĩa của lễ hội để có cách nhìn nhận, tính toán trong tổ chức, quản lý một cách hiệu quả nhất, tránh kinh doanh vụ lợi trong tổ chức lễ hội, gắn lợi ích nhóm và cá nhân khi được giao nhiệm vụ.

         _______________

         1, 2, 3. Theo Tổng hợp kết quả khảo sát thực trạng quản lý lễ hội dân gian và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ ngành văn hóa về lễ hội dân gian, Đề tài Giải pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ ngành văn hóa về lễ hội dân gian, hiện đang triển khai, nhóm nghiên cứu đề tài Trường Cán bộ Quản lý văn hóa, thể thao và du lịch tổng hợp ban đầu.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 382, tháng 4-2016

Tác giả : NGUYỄN THỊ TUYẾN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *