Đẩy mạnh hợp tác quốc tế phát triển nguồn nhân lực văn hóa, thể thao và du lịch


1. Hoạt động hợp tác quốc tế (HTQT) phục vụ phát triển nguồn nhân lực văn hóa, thể thao, du lịch (VHTTDL)

Về văn hóa

Công tác quảng bá, giới thiệu đất nước, con người, văn hóa, nghệ thuật Việt Nam được triển khai khoa học, sáng tạo, mang tính đột phá, lồng ghép nội dung quảng bá vào những hoạt động lớn trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, tại Việt Nam cũng có nhiều hoạt động HTQT trên quy mô lớn, gây được tiếng vang và tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng bè bạn về truyền thống văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Bước đầu đã có sự kết hợp các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của nước ta ở trong nước và nước ngoài để quảng bá du lịch Việt Nam và xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư, hợp tác về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Về thể dục thể thao

Việt Nam là thành viên của 64 tổ chức thể thao quốc tế, thiết lập quan hệ với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; nước ta có trên 40 cán bộ tham gia vào cơ quan lãnh đạo của các tổ chức thể thao quốc tế; có trên 100 trọng tài được công nhận là trọng tài cấp châu Á, thế giới; mỗi năm có khoảng 200 đoàn thể thao Việt Nam ra nước ngoài và các đoàn nước ngoài đến Việt Nam.

Việt Nam đã tích cực xin đăng cai và tổ chức thành công nhiều giải thi đấu thể thao quốc tế với quy mô lớn như: Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 22 (SEA Games 22) năm 2003, Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3 (Asian Indoor Games 3) năm 2009… Trung bình hàng năm có từ 20 đến 30 cuộc thi đấu thể thao quốc tế lớn được tổ chức tại Việt Nam. Điều này góp phần nâng cao trình độ vận động viên và đặc biệt là nâng cao năng lực tổ chức, điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý, trọng tài, y tế… trong nước; đồng thời đóng góp hiệu quả vào việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Về du lịch

Du lịch nước ta đã vươn lên, từng bước chủ động trong hội nhập du lịch với khu vực và thế giới: đã thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác du lịch với các nước trong khu vực và thế giới; ký và thực hiện hơn 40 hiệp định hợp tác du lịch song phương với những nước là thị trường du lịch trọng điểm và đầu mối giao lưu quốc tế; có quan hệ bạn hàng với trên 1.000 hãng du lịch lữ hành, trong đó có nhiều hãng du lịch lớn của hơn 60 nước và vùng lãnh thổ; là thành viên của UNWTO từ năm 1981… Nhờ vậy, nước ta tranh thủ được vốn đầu tư, kinh nghiệm, công nghệ, nguồn khách, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh xúc tiến du lịch và hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động gắn kết với du lịch khu vực và thế giới.

Tính đến hiện nay, cả nước có hơn 250 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch được cấp phép với tổng vốn đăng ký đạt 4,466 tỷ USD còn hiệu lực giấy phép, chiếm 9,9% về số dự án và 22,25% về vốn đăng ký trong lĩnh vực dịch vụ. Nhìn chung các dự án đầu tư nước ngoài trong ngành du lịch tập trung ở các địa phương có cơ sở hạ tầng tương đối tốt và có điều kiện tự nhiên để xây dựng khu du lịch ven biển hoặc du lịch sinh thái. Các dự án đầu tư nước ngoài vào ngành du lịch đã tạo cơ hội cho phát triển nhân lực.

Dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam do EU tài trợ với vốn tài trợ không hoàn lại 12 triệu euro kết thúc, đã đạt được các mục tiêu đặt ra; Bộ VHTTDL đã làm việc với Phái đoàn EC tại Việt Nam thống nhất các nội dung cho Dự án EU giai đoạn II để báo cáo EC châu Âu tài trợ 8 triệu euro; đã tiếp nhận và đang triển khai thực hiện Dự án tăng cường năng lực nguồn nhân lực ngành du lịch và khách sạn Việt Nam-VIE031 với 3,384 triệu euro do Luxembourg tài trợ; dự án ADB phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mekong mở rộng đang triển khai hợp phần phát triển nhân lực du lịch Việt Nam với kinh phí 2,5 triệu USD (đào tạo cán bộ quản lý nhà nước về du lịch và liên quan đến du lịch, đào tạo lao động của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong du lịch). Phối hợp với Viện KHXH Việt Nam tổ chức bồi dưỡng kiến thức về phát triển du lịch bền vững cho 36 cán bộ quản lý nhà nước và đại diện một số doanh nghiệp của 14 tỉnh, thành phố miền Trung với tài trợ của Tây Ban Nha. Phối hợp với Bộ GDĐT chuẩn bị đề án đề nghị Thụy Sĩ hỗ trợ đào tạo du lịch cho cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ quản trị kinh doanh và lao động có tay nghề cao.

Hoạt động liên kết đào tạo du lịch với các cơ sở đào tạo nước ngoài được đẩy mạnh trong khuôn khổ hợp tác đa phương hoặc song phương. Các đối tác liên kết chủ yếu là các cơ sở đào tạo du lịch trong ASEAN, Trung Quốc, Úc, Canada và một số nước châu ÂU. 20 cơ sở đào tạo du lịch nước ta tham gia mạng lưới cơ sở đào tạo du lịch châu Á-Thái Bình Dương (APETIT), 6 cơ sở tham gia mạng lưới cơ sở đào tạo du lịch ASEAN.

2. Một số vấn đề đặt ra đối với công tác HTQT trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực VHTTDL

Bối cảnh quốc tế

Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi nhanh và phức tạp việc mở rộng quan hệ, tiếp thu kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các nước tiên tiến và các tổ chức quốc tế là xu thế lớn của thế giới hiện đại, tác động mạnh mẽ đến quan hệ quốc tế và đời sống của từng quốc gia. Tuy nhiên, trong quá trình đó, các nước đang phát triển cũng gặp không ít khó khăn, thách thức về thị trường, vốn, trình độ quản lý, trình độ khoa học và công nghệ, buộc phải nhanh chóng đổi mới một cách toàn diện cả về phương thức lãnh đạo, quản lý, xây dựng định hướng, chiến lược phát triển kinh tế xã hội để rút ngắn khoảng cách phát triển. Do đó, giai đoạn hiện nay, đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế là lựa chọn chính sách của hầu hết các quốc gia để phát triển, cụ thể:

HTQT về giáo dục: thế giới hiện nay đã chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, cao hơn và phức tạp hơn là hội nhập quốc tế về giáo dục. Hội nghị thế giới về giáo dục đại học, tổ chức vào tháng 7-2009 tại Paris nhận định, giáo dục đại học đang chuyển động dưới tác động của những động lực mới như: sự gia tăng nhu cầu nhập học, sự đa dạng hóa các loại trường và nguồn cung ứng, sự hợp tác giữa các nhà truờng, tồn tại các nhu cầu học tập suốt đời, sự tác động của công nghệ thông tin và truyền thông, trách nhiệm xã hội của các trường đại học và sự thay đổi trong vai trò của chính phủ. Về cơ bản các động lực này là biểu hiện cụ thể của một thế giới toàn cầu hóa trong giáo dục đại học.

Quốc tế hóa giáo dục: là quá trình hội nhập quốc tế về giáo dục trong đó các yếu tố quốc tế và đa văn hóa được tích hợp vào chức năng, nhiệm vụ, cách thức cung ứng và tiến trình tổ chức thực hiện giáo dục. Quá trình giáo dục xuyên biên giới này hiện đang diễn ra chủ yếu thông qua sự dịch chuyển qua biên giới của 4 nhân tố cơ bản: người học, nhà giáo, chương trình giáo dục và nhà cung ứng dịch vụ giáo dục. Quốc tế hóa giáo dục và giáo dục xuyên biên giới hiện là xu thế mới đang tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.

Bối cảnh trong nước

Đối với Việt Nam hiện nay, việc hội nhập, HTQT về giáo dục, đào tạo VHTTDL cần bảo đảm được lợi ích dân tộc, nâng cao được sự cạnh tranh của nền kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội trong quá trình hội nhập.

Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo VHTTDL, Luật giáo dục năm 2005, Luật giáo dục đại học năm 2012 và Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 đã quy định một số nội dung quan trọng cho HTQT như các mục tiêu hoạt động, hình thức HTQT của cơ sở đào tạo, hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài trong giáo dục đại học và dạy nghề. Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước Bộ VHTTDL đã xây dựng và ban hành chiến lược văn hóa đối ngoại, đề án tăng cường HTQT trong đào tạo VHTTDL, các văn bản quy chế quy định về HTQT các lĩnh vực thuộc Bộ quản lý…

Tuy nhiên, thực tế đào tạo VHTTDL còn khiêm tốn, chủ yếu là nhận tài trợ của các tổ chức, quốc gia, chưa có chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài trong lĩnh vực VHTTDL. Ngoài ra, trình độ giảng viên và cơ sở vật chất tại các cơ sở đào tạo của Việt Nam hiện nay còn ở mức thấp. Trình độ nhân lực của ngành chưa đáp ứng được các yêu cầu của thị trường quốc tế và người sử dụng lao động nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Những thực tế này đặt ra yêu cầu cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực đào tạo VHTTDL của Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Hội nhập quốc tế ở Việt Nam gắn với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 trong đó khẳng định phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; chiến lược cũng đã xác định rõ một trong ba đột phá là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới sẽ tạo ra nhiều cơ hội và thuận lợi to lớn, đồng thời cũng phát sinh nhiều thách thức đối với sự nghiệp đào tạo VHTTDL.

Để thực hiện tốt công tác HTQT trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực VHTTDL, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp:

Hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống văn bản quản lý nhà nước về tăng cường HTQT trong đào tạo VHTTDL: đây là hành lang pháp lý cho việc tăng cường năng lực, kết nối với các chương trình trong khu vực và quốc tế, cũng như tạo điều kiện cho việc liên doanh, liên kết với nước ngoài của các cơ sở đào tạo VHTTDL trực thuộc Bộ. Các nội dung chính của chương trình bao gồm: phối hợp xây dựng quy định về các chương trình đào tạo đăng ký kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích thu hút đầu tư, khuyến khích mở rộng các hoạt động hợp tác song phương, liên kết đào tạo, trao đổi sinh viên và giảng viên giữa các cơ sở đào tạo VHTTDL của Việt Nam với các cơ sở đào tạo và viện nghiên cứu nước ngoài; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp thu hút và sử dụng có hiệu quả đội ngũ trí thức được đào tạo ở nước ngoài về nước tham gia vào sự nghiệp đào tạo VHTTDL; xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động đào tạo VHTTDL đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhân lực VHTTDL đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Nâng cao nhận thức đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên về công tác HTQT trong đào tạo VHTTDL: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và nâng cao kiến thức về hợp tác, HTQT cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên và toàn xã hội thông qua các diễn đàn, các tạp chí, website của trường, phương tiện thông tin đại chúng…; phát huy và đề cao tinh thần trách nhiệm đối với người đứng đầu, cán bộ chuyên trách làm công tác HTQT trong quá trình thiết lập nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo. Phổ biến các cam kết quốc tế do chính phủ Việt Nam tham gia ký kết khi gia nhập WTO, TPP; cam kết của Việt Nam khi triển khai thực hiện thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong khu vực ASEAN đối với lĩnh vực du lịch (MRA-TP).

Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, chức năng HTQT tại các cơ sở đào tạo: xây dựng và kiện toàn hệ thống các đơn vị chuyên trách làm công tác HTQT tại các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ, đảm bảo hoạt động hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực của ngành đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển; tạo điều kiện cho các đơn vị chuyên trách làm công tác HTQT tại các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ ngày càng phát triển, trên cơ sở bảo đảm sự hài hòa giữa các lợi ích.

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ: tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác đối ngoại, hội nghị – hội thảo khoa học xác định nội dung tri thức, tiêu chí cơ bản về tri thức ngoại giao văn hóa, hội nhập quốc tế, phương thức đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài… Đối với cán bộ quản lý, công chức, viên chức của ngành phục vụ công tác đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đã đề ra. Cập nhật, bổ sung chương trình, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng kiến thức hợp tác, hội nhập quốc tế cho cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp làm công tác HTQT, giảng viên, giáo viên và học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo. Tạo điều kiện để giáo viên, giảng viên được tiếp cận các phương pháp dạy học hiện đại đáp ứng yêu cầu chất lượng nhân lực khu vực và quốc tế, nâng cao năng lực giảng dạy chuyên ngành bằng ngoại ngữ.

Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế để phát triển nhân lực các lĩnh vực VHTTDL: mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo VHTTDL với các nước, trong đó ưu tiên các nước là đối tác chiến lược, đối tác thường xuyên; mở rộng liên kết đào tạo và hợp tác nghiên cứu khoa học với các cơ sở giáo dục và dạy nghề nước ngoài có uy tín; tăng cường hợp tác song phương, về đào tạo và công nhận bằng cấp, tín chỉ giữa các cơ sở đào tạo VHTTDL với các cơ sở đào tạo nước ngoài; tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế trong việc xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia đối với các ngành nghề thuộc lĩnh vực VHTTDL; thúc đẩy hình thành và phát triển của hệ thống chuyển đổi tín chỉ giữa các nước ASEAN trong lĩnh vực VHTTDL…

Xây dựng và triển khai kế hoạch HTQT dài hạn và hàng năm ở mỗi cơ sở đào tạo: xây dựng chương trình kế hoạch tổng thể hợp tác với quốc tế để đào tạo nhân lực VHTTDL; chủ động tìm đối tác hợp tác, xây dựng kế hoạch liên kết hợp tác, ban hành quy chế đối ngoại của đơn vị mình để khai thác có hiệu quả các nguồn trong nước và quốc tế nhằm tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho việc dạy học và nghiên cứu khoa học, công nghệ, tranh thủ các nguồn học bổng cho sinh viên, giảng viên; chú trọng khai thác công nghệ, kinh nghiệm và chất xám của chuyên gia quốc tế, đặc biệt của người Việt Nam ở nước ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo…

Tăng cường các nguồn lực tài chính cho công tác HTQT trong đào tạo VHTTDL: đảm bảo nguồn ngân sách nhà nước thực hiện việc gửi học sinh, sinh viên, giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý đi đào tạo ở nước ngoài thông qua các đề án về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực lĩnh vực VHTTDL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời phát huy tối đa việc huy động nguồn lực từ các nước và các tổ chức quốc tế góp phần thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nguồn nhân lực, bổ sung trang thiết bị cho các trường trọng điểm, trường chất lượng cao đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế, thực hiện trao đổi giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên Việt Nam với các nước; nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân trong nước cho các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trình độ cao, thu hút trí thức kiều bào trở về tham gia giảng dạy trong nước.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 400, tháng 10 – 2017

Tác giả : LÊ THU HIỀN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *