Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn ở bình dương thời hội nhập

Đời sống văn hóa nông thôn ở Bình Dương là tổng thể nhu cầu văn hóa của người dân nông thôn, các dạng hoạt động vật chất, tinh thần đáp ứng đời sống của cư dân, với các thiết chế, sản phẩm văn hóa nông thôn. Đó là kết quả của quá trình sáng tạo, tích lũy trong chuỗi hoạt động văn hóa của người dân nơi đây, kết tinh thành những giá trị, tạo lập nên chủ thể mới. Ngoài ra, đó còn là những tác động qua lại lẫn nhau trong đời sống xã hội để tạo ra những quan hệ có văn hóa trong cộng đồng, trực tiếp hình thành nhân cách, lối sống của người dân nông thôn, không tách rời các lĩnh vực của đời sống xã hội, các yếu tố cơ bản tạo nên văn hóa.

Vùng nông thôn ở Bình Dương là nơi có nhiều lợi thế so với các địa phương khác về thời tiết, khí hậu ôn hòa, ít có bão, lụt; hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; là nơi thu hút đầu tư lớn, có điều kiện giao lưu, thúc đẩy phát triển văn hóa, tiếp thu những thành tựu khoa học, công nghệ, kỹ thuật, thông tin của cả nước, khu vực, quốc tế. Dân cư ở nông thôn rất đa dạng, ngoài cư dân bản địa, còn có lao động ngoại tỉnh làm việc, cư trú (chiếm 51,41% dân số). Văn hóa nông thôn Bình Dương rất phong phú, đa dạng, nhiều ngành nghề nổi tiếng, lâu đời như nghề mộc, điêu khắc, gốm sứ, sơn mài…, các loại hình văn hóa đặc sắc như lý, hò huê tình, nói thơ, hô lô tô, nói vè, thơ rơi… Hiện nay, nông thôn Bình Dương đang phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, giá trị gia tăng cao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất, gắn với thị trường tiêu thụ, phát triển công nghiệp chế biến, xây dựng nông thôn mới (1); là nơi phát triển công nghiệp, đô thị hóa diễn ra nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, tỉ trọng nông nghiệp ngày càng giảm mạnh trong cơ cấu kinh tế. Năm 2016, cơ cấu kinh tế công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp của tỉnh với tỉ trọng tương ứng là 63,0% – 32,7% – 4,3% (2).  

Xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn tỉnh Bình Dương là hoạt động kết hợp chặt chẽ giữa việc đưa các giá trị văn hóa đỉnh cao đến cư dân nông thôn, phát huy tiềm năng sáng tạo, kế thừa, chọn lọc những giá trị của lịch sử, dân tộc, thời đại; từng bước nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động văn hóa, tạo điều kiện để cư dân nông thôn có thể tiếp nhận thông tin, hệ thống giáo dục phổ cập, hiện đại nhằm thỏa mãn nhu cầu văn hóa, đáp ứng khả năng hưởng thụ văn hóa của người dân nông thôn; giáo dục nhân cách toàn diện. Đây là vấn đề có vai trò hết sức quan trọng, nền tảng, bước đi bền vững mang tính hiện thực, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nội dung tập trung vào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, xây dựng cơ sở hạ tầng, cảnh quan, môi trường sống của cộng đồng; nâng cao học vấn, kiến thức, kỹ năng sống cho cư dân nông thôn; nâng cao đời sống tinh thần, phát triển các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi, giải trí, đáp ứng nhu cầu thông tin, sách báo phong phú, lành mạnh, bài trừ mọi hoạt động văn hóa phản tiến bộ; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thực hiện nếp sống công dân, tôn trọng pháp luật, dân chủ, chấp hành chính sách xã hội, quy ước đồng thuận của cộng đồng; xây dựng lối sống tình nghĩa, biết ơn cội nguồn, nghĩa cử với người có công, nhớ ơn ông bà, tổ tiên, giữ trọn đạo lý gia đình, giúp đỡ người bất hạnh, xây dựng gia đình hòa thuận. Hướng đến sự kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng cái mới với việc bảo tồn, phát huy tính đa dạng, phong phú của bản sắc văn hóa dân tộc, khắc phục dần sự chênh lệch về mức sống, hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, giữa nông thôn với thành thị.

Trong xu thế chung của cả nước, Bình Dương đang từng bước chủ động hội nhập, hợp tác ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực, thế giới. Đến nay, đã đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện. Tiềm lực, khả năng cạnh tranh, thương hiệu của tỉnh được cải thiện rõ rệt, Bình Dương đang thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu thành công trong sự nghiệp đổi mới (3). Đời sống xã hội, văn hóa ở nông thôn có sự khởi sắc, đạt được những thành tựu nhất định. Trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, sự bùng nổ mạnh mẽ của mạng lưới thông tin đại chúng đã, đang cung cấp cho người dân nông thôn lượng thông tin hữu ích, phong phú, sinh động, nhiều chiều, góp phần mở rộng phạm vi hiểu biết, nâng cao trình độ mọi mặt cho người dân nông thôn. Đây là môi trường, điều kiện rất thuận lợi để cư dân nông thôn tiếp thu kinh nghiệm tri thức khoa học, tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn.

Hội nhập quốc tế còn tạo điều kiện mở rộng giao lưu giữa các nền văn hóa, sáng tạo giá trị mới, bổ sung, làm giàu thêm bản sắc dân tộc, đời sống tinh thần của nhân dân ở nông thôn; kiểm chứng tính bền vững của giá trị văn hóa dân tộc trước thử thách mới của lịch sử, là cơ hội để khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết, phát huy, tôn vinh những giá trị của dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới phong phú, hiện đại. Ngoài ra, nó còn giúp phát huy tính năng động, sáng tạo, bản lĩnh người dân nông thôn, nâng cao trí tuệ, tâm hồn, lương tri con người Việt Nam, làm cho thế hệ trẻ càng tăng thêm niềm tự hào, tự tôn dân tộc; góp phần tạo điều kiện cho văn hóa Việt Nam lan tỏa, nâng cao vị thế ra khu vực, thế giới, hiện đại hóa các phương tiện văn hóa thông tin trong xã hội.

Việc thực hiện các chính sách xã hội, giải quyết việc làm có những chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn đã được quan tâm, đem lại những kết quả rõ rệt. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo của tỉnh phát triển khá đồng bộ về quy mô, chất lượng, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được tăng cường, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Công tác chăm lo phát triển văn hóa tinh thần cho nhân dân luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, không ngừng được đổi mới, thiết thực, đi vào chiều sâu.

Tuy nhiên, mặt trái của quá trình hội nhập quốc tế tiếp tục đặt ra nhiều thách thức đối với việc xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn Bình Dương. Chúng tạo ra những tác nhân làm suy giảm tinh thần yêu nước, đoàn kết, gắn bó cộng đồng, gây nguy cơ xói mòn, phai nhạt, biến dạng hệ thống giá trị văn hóa, lối sống tự do, thực dụng, thờ ơ với thời cuộc gây hậu quả khôn lường đối với sự tồn vong của dân tộc; sự xâm nhập của lối sống tư sản làm suy giảm đạo đức, thuần phong mỹ tục, khích lệ lối sống trái với những giá trị chuẩn mực tốt đẹp của xã hội… Đặc biệt, Bình Dương là tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp hàng đầu cả nước, có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài, do đó, các thế lực thù địch thường lợi dụng những mâu thuẫn, hạn chế trong quá trình lãnh đạo, tổ chức, quản lý đất đai, đầu tư, đền bù cũng như trong lao động sản xuất, những mâu thuẫn giữa nhà đầu tư, quản lý với người lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, những bất ổn định trong khu vực, trên thế giới để lôi kéo, kích động nhân dân, người lao động đình công, biểu tình, gây mất ổn định chính trị, trật tự xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến xây dựng đời sống văn hóa nông thôn của tỉnh.

Mặt khác, so với yêu cầu xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp thì những thành tựu, tiến bộ đã đạt được trong xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn chưa tương xứng, vững chắc, chưa đủ hiệu quả đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt về đạo đức, lối sống, điều kiện, môi trường cho phát triển con người toàn diện ở nông thôn. Sự phân hóa giàu, nghèo ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận, tham gia, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của một bộ phận nhân dân, giữa các vùng, nhất là trong các đối tượng công nhân lao động tại một số đơn vị nước ngoài (4). Lĩnh vực văn hóa, xã hội chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của các tầng lớp dân cư, nhất là việc đầu tư xây dựng trường học chưa theo kịp nhu cầu học tập của học sinh đang tăng cao ở khu vực phía nam của tỉnh. Hạ tầng y tế công lập tuyến tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu khám chưa bệnh của nhân dân (5). Sự va chạm về văn hóa, lối sống giữa lao động nhập cư với cư dân bản địa còn diễn biến phức tạp, làm xáo trộn thuần phong tục mỹ ở một số địa bàn dân cư. Tệ nạn xã hội như đánh bạc, ma túy, mại dâm… gia tăng, kéo theo sự tha hóa về đạo đức, lối sống, hủy hoại thế hệ trẻ ở nông thôn còn diễn ra nhiều nơi. Áp lực về bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực gia tăng, an ninh trật tự diễn biến phức tạp. Việc xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn cũng chịu nhiều tác động cả tích cực, tiêu cực, nhất là trong điều kiện bùng nổ thông tin, việc định hướng tư tưởng, tuyên truyền, vận động, xây dựng truyền thống văn hóa tốt đẹp có những khó khăn, hạn chế nhất định.

Hiện nay, hội nhập quốc tế không chỉ dừng lại ở xu thế, nó đã trở thành một thực tế của thế giới hiện đại, tác động mạnh mẽ đến đời sống của từng đất nước, quan hệ quốc tế, là lựa chọn chính sách của hầu hết các quốc gia, dân tộc để phát triển. Thực tế này vừa tạo thời cơ cho các quốc gia dân tộc phát triển, rút ngắn khoảng cách giữa các nước trong khu vực cũng như trên thế giới, vừa tạo ra những thách thức trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, đáng chú ý là những thách thức đối với việc xây dựng đời sống văn hóa. Vì vậy, xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn tỉnh Bình Dương trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay cần thực hiện đồng bộ một số biện pháp.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; chương trình hành động của Tỉnh ủy Bình Dương về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Kế thừa, phát huy những kết quả, thành tích đạt được qua 20 năm thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn tỉnh Bình Dương.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức quần chúng, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc các cấp, Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, tăng cường sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với các ngành chức năng, các tổ chức thành viên trong việc thực hiện lồng ghép nội dung các phong trào, các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia trong cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về ý nghĩa thiết thực của cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, từ đó nâng cao trách nhiệm thực hiện của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Tập trung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, bảo vệ môi trường, văn minh đô thị, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở cộng đồng dân cư, đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên ở cơ sở. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, vận động sự tham gia đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp để xây dựng thiết chế văn hóa thể thao cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, nhất là khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn. Tổ chức tuyên truyền, vận động thực hiện tốt quy ước khu phố, ấp; tổ chức tốt ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, nhằm đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động, biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu hàng năm.

Thực hiện tốt quy chế hoạt động của ban chỉ đạo các cấp, tổ chức thực hiện tốt quy trình triển khai đăng ký, bình xét công nhận hộ gia đình văn hóa, khu phố, ấp văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Tiếp tục nhân rộng, nâng cao chất lượng mô hình khu nhà trọ văn hóa, thực hiện đề án vai trò câu lạc bộ chủ nhà trọ trong giữ gìn an toàn trật tự, tăng cường công tác đoàn kết tập hợp thanh niên công nhân nhà trọ, câu lạc bộ phòng chống tội phạm, tổ tự quản bảo vệ môi trường, an toàn giao thông. Tăng cường phối hợp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác vận động xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn. Tăng cường công tác quản lý, thường xuyên thanh, kiểm tra các lĩnh vực hoạt động văn hóa, nhất là các loại hình hoạt động văn hóa nhạy cảm, kịp thời chấn chỉnh, tạo môi trường trong sạch, lành mạnh trên địa bàn tỉnh.

Tích cực huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào chủ trương xã hội hóa để thực hiện cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới, sử dụng có hiệu quả các công trình văn hóa, thể thao, các dự án phát triển du lịch. Phát huy vai trò của các tổ chức hội, liên đoàn, doanh nghiệp để phát triển nhiều câu lạc bộ, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của các tầng lớp nhân dân. Nâng cao vai trò của hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống, các di tích trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của hệ thống thư viện công cộng nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân.

____________

1, 3, 5. Đảng bộ tỉnh Bình Dương, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X, 2015, tr.98, 83, 66.

2. Ban Tuyên giáo, Tỉnh ủy Bình Dương, Đề cương tuyên truyền Bình Dương 20 năm xây dựng và phát triển (1997 – 2017), 2016.

4. Tỉnh ủy Bình Dương, Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (25 – 6 – 2013), 2013.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 – 2017

Tác giả : CAO THANH QUỲNH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *