TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG KHẮC PHỤC LỆCH CHUẨN THẨM MỸ HIỆN NAY

Khắc phục lệch chuẩn thẩm mỹ nói chung, lệch chuẩn thẩm mỹ trong nghệ thuật nói riêng, là một vấn đề quan trọng đối với phát triển đời sống tinh thần xã hội. Ở nước ta hiện nay, lệch chuẩn thẩm mỹ ở lĩnh vực nghệ thuật được Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội, gia đình, những người có lương tâm, trách nhiệm đối với đất nước quan tâm, trăn trở. Khắc phục lệch chuẩn thẩm mỹ trong nghệ thuật hiện nay phải có cơ sở khoa học, nội dung cụ thể, biện pháp có tính đồng bộ, tích cực. Một trong số đó là phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, nghệ thuật trong khắc phục lệch chuẩn thẩm mỹ ở lĩnh vực nghệ thuật hiện nay.

Nghệ thuật là một lĩnh vực đặc biệt, thuộc đời sống tinh thần xã hội; trong đó, cái thẩm mỹ được phát triển đến đỉnh cao nhất, bởi sự phản ánh của nó có tính độc đáo, bao quát rộng, có chiều sâu trí tuệ. Tính độc đáo của phản ánh nghệ thuật là bằng hình tượng. Hình tượng nghệ thuật được các nghệ sĩ gọt giũa với toàn bộ tài năng của mình một cách tinh vi, kỹ lưỡng. Hình tượng nghệ thuật phản ánh tầng sâu bản chất xã hội, nhưng không bằng phạm trù, khái niệm, mà bằng hình tượng có tính cảm quan, cụ thể. Với đặc trưng này, nghệ thuật tác động đến nhận thức, tình cảm, ý chí, hành vi con người về thẩm mỹ, bởi thị hiếu thẩm mỹ mang tính phổ thông, rộng rãi, tinh tế, dễ cảm hóa, lôi cuốn con người. Sự phát triển đúng hướng của nghệ thuật có tác động tích cực nhất đến định hướng phát triển thị hiếu thẩm mỹ, đặc biệt trong thưởng thức, đánh giá nghệ thuật. Nhưng nếu định hướng nghệ thuật thiếu tính khoa học thì lại có tác hại vô cùng lớn đến thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, lệch chuẩn thẩm mỹ cũng tăng lên trong đời sống tinh thần xã hội.

Lệch chuẩn thẩm mỹ trong lĩnh vực nghệ thuật là một hiện tượng phổ biến trong đời sống văn hóa, thẩm mỹ, khiến cho quá trình định hướng, phát triển liên tục phải khắc phục những biểu hiện lệch chuẩn. Ở các thời điểm lịch sử, điều kiện xã hội cụ thể thì mức độ lệch chuẩn thẩm mỹ có sự khác nhau. Lệch chuẩn thẩm mỹ trong nghệ thuật là hiện tượng thị hiếu thẩm mỹ các chủ thể sáng tạo, các chủ thể biểu hiện, thưởng thức, đánh giá không phù hợp với tiêu chí tiến bộ, khoa học, cách mạng, truyền thống dân tộc.

Hiện nay, tính phổ biến, mức độ lệch chuẩn thẩm mỹ trong nghệ thuật xảy ra khá trầm trọng, đặc biệt đối với thế hệ thanh, thiếu niên. Lệch chuẩn thẩm mỹ ở nước ta hiện nay có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau. Trong bối cảnh mở cửa giao lưu, hội nhập về văn hóa ngày càng sâu rộng như hiện nay, xâm nhập vào đời sống văn hóa thẩm mỹ xã hội có cả giá trị, phản giá trị. Cùng với nó là mặt trái kinh tế thị trường đang là mảnh đất màu mỡ cho các phản giá trị, cái thị hiếu trái với truyền thống tốt đẹp, lố bịch, lai căng, thô thiển phát triển. Nghị quyết Đại hội Đảng XII chỉ rõ: “Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong, mỹ tục, tệ nạn xã hội, một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng… Tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ” (1).

Phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, nghệ thuật là một trong những nội dung, biện pháp cơ bản khắc phục lệch chuẩn thẩm mỹ hiện nay. Đây là một nội dung quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Người về con đường cách mạng Việt Nam. Nó có giá trị bền vững cùng với tiến trình cách mạng nước ta.

Phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh trong khắc phục lệch chuẩn thẩm mỹ ở lĩnh vực nghệ thuật hiện nay là quá trình dung nạp, vận dụng những nội dung giá trị tư tưởng đó vào định hướng sáng tạo, biểu hiện, thưởng thức, đánh giá nghệ thuật một cách tích cực. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà ở trong kinh tế, chính trị” (2). Khi các chủ thể ở lĩnh vực nghệ thuật chưa hiểu được vấn đề này thì họ dễ đặt ra cho mình một nhu cầu vượt quá năng lực sản xuất hiện tại, xa rời mục tiêu chính trị, đồng thời lệch chuẩn thẩm mỹ ở lĩnh vực nghệ thuật là khó tránh khỏi. Với ý nghĩa đó, tư tưởng trên của Hồ Chí Minh cần được phổ thông hóa, xã hội hóa cho toàn xã hội, đặc biệt là đối với các chủ thể sáng tạo, chủ thể biểu hiện nghệ thuật để họ làm chủ hoạt động của mình, có trách nhiệm đối với khắc phục lệch chuẩn thẩm mỹ ở lĩnh vực nghệ thuật hiện nay.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, nghệ thuật trong khắc phục lệch chuẩn thẩm mỹ ở lĩnh vực nghệ thuật hiện nay phải được quan niệm như một cuộc đấu tranh giai cấp, dân tộc gay go, phức tạp. Lịch sử dân tộc ta cũng có những giai đoạn diễn ra cuộc đấu tranh này rất quyết liệt. Điển hình nhất là cuộc đấu tranh giữa hai xu hướng nghệ thuật vị nghệ thuật với nghệ thuật vị nhân sinh. Sự thắng lợi của xu hướng nghệ thuật vị nhân sinh là nhờ giữ vững định hướng chính trị của các chủ thể sáng tạo, biểu hiện, thưởng thức, đánh giá nghệ thuật. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (3). Từ những định hướng của tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành đường lối, chính sách văn hóa của Đảng là kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến. Với tư tưởng trên, mỗi chủ thể ở lĩnh vực nghệ thuật cần xác định thái độ, động cơ đúng đắn, ý chí cũng như dũng khí cao trong đấu tranh khắc phục những lệch chuẩn thẩm mỹ hiện nay. Cần xác định cho từng loại chủ thể với trách nhiệm cụ thể đối với khắc phục lệch chuẩn thẩm mỹ, chống sự thờ ơ hoặc xem nhẹ, đơn giản vấn đề này.

Phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, nghệ thuật trong khắc phục lệch chuẩn thẩm mỹ ở lĩnh vực nghệ thuật hiện nay tập trung nhiều hơn vào định hướng, quản lý các chủ thể sáng tạo, biểu hiện nghệ thuật. Hồ Chí Minh cũng quan tâm sâu sắc đến các chủ thể sáng tạo, biểu hiện nghệ thuật, đó là những văn nghệ sĩ. Người chỉ rõ: “Ngòi bút của các bạn cũng là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, mà anh em văn hóa, trí thức phải làm cũng như những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để giành lại quyền thống nhất, độc lập cho tổ   quốc” (4); “Đừng để những tiêu chuẩn này nọ của nghệ thuật phương Tây trói buộc khiến chúng ta không thấy hết cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân tộc ta; chúng ta không chống cách mượn tiếng ngoại quốc để làm cho tiếng ta đầy đủ thêm. Nhưng chúng ta phải chống cách mượn đến nỗi bỏ cả tiếng ta, đến nỗi quần chúng không hiểu” (5).

Với tư tưởng này, có thể hiểu, một phần lớn lệch chuẩn thẩm mỹ ở lĩnh vực nghệ thuật có nguyên nhân từ những chủ thể sáng tạo, biểu hiện nghệ thuật. Mỗi tác phẩm nghệ thuật của họ mà thiếu lương tâm, trách nhiệm đối với dân tộc, vận mệnh quốc gia, với phát triển thế hệ trẻ thì càng thúc đẩy mức độ lệch chuẩn thẩm mỹ ở lĩnh vực nghệ thuật lên cao. Đối với các chủ thể biểu hiện cũng vậy. Họ thiếu lương tâm, trách nhiệm đối với xã hội, chạy theo thị hiếu, hiếu kỳ lố bịch vì lợi ích cá nhân thì làm tăng lệch chuẩn thẩm mỹ cho chủ thể thưởng thức nghệ thuật. Ở mặt này, bên cạnh nâng cao quản lý nhà nước thì cần thức tỉnh lương tâm, đề cao trách nhiệm của các chủ thể sáng tạo nghệ thuật đối với làm lành mạnh hóa đời sống thẩm mỹ xã hội. Như vậy, bên cạnh sự khuyến khích, định hướng còn phải có các chế tài mạnh để nâng tầm các chủ thể sáng tạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đội ngũ sáng tạo, biểu hiện nghệ thuật hiện nay. Cần chấn chỉnh mang tính hành chính đối với những nghệ sĩ có dấu hiệu lệch chuẩn thẩm mỹ ở lĩnh vực biểu hiện nghệ thuật. Vấn đề này, Nghị quyết Đại hội Đảng IX đã cụ thể hóa hơn vào lĩnh vực sáng tạo văn hóa, nghệ thuật bằng việc chỉ rõ trách nhiệm đối với văn nghệ sĩ trong tình hình mới: “Văn nghệ sĩ nêu cao trách nhiệm trước nhân dân, trước tổ quốc, chủ nghĩa xã hội, phấn đấu có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng giáo dục, xây dựng con người” (6). Với những định hướng trên, Đại hội XII tiếp tục khẳng định: “Phát triển sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật, chăm lo, bồi dưỡng, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Đổi mới phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật. Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa. Coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa” (7).

Phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, nghệ thuật trong khắc phục lệch chuẩn thẩm mỹ ở lĩnh vực nghệ thuật hiện nay cần thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa. Ở mọi lĩnh vực xã hội, Hồ Chí Minh luôn thể hiện tinh thần dựa vào dân, quần chúng nhân dân là người sáng tạo chân chính ra lịch sử, làm điểm xuất phát, mục đích cách mạng. Ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, Hồ Chí Minh càng thể hiện sâu sắc tinh thần tư tưởng này. Khi nói với nhà văn Xô Viết Bersastxki, Người chỉ rõ: “Chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng cho sáng tác của nhà văn bằng những nguồn nhựa sống. Khi chúng tôi nói với các nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật điều đó, bằng chính cái đó chúng tôi kêu gọi làm giàu cho họ, chứ không phải làm cho văn học và nghệ thuật nghèo đi” (8). Những lệch chuẩn thẩm mỹ ở lĩnh vực nghệ thuật chỉ diễn ra ở một bộ phận xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ, khắc phục nó phải bằng chính bản thân họ là chính. Định hướng, tổ chức cho toàn dân tham gia xây dựng môi trường văn hóa để xác định rõ hơn cho mỗi người dân, mỗi tổ chức xã hội có trách nhiệm đối với khắc phục lệch chuẩn thẩm mỹ ở lĩnh vực nghệ thuật hiện nay. Quá trình này tạo dựng môi trường xã hội tích cực, với dư luận văn hóa, đạo đức mạnh mẽ để có thể đẩy lùi những tác động tiêu cực, giữ vững định hướng chính trị trong giáo dục rèn luyện thế hệ trẻ, trong quản lý các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Sự kết hợp chặt chẽ giữa biện pháp hành chính, tạo dựng dư luận xã hội tích cực sẽ có sức mạnh lớn hơn đối với khắc phục lệch chuẩn thẩm mỹ ở lĩnh vực nghệ thuật hiện nay. Ở mỗi địa bàn, đơn vị, các cấp lãnh đạo, hệ thống chính quyền, cơ quan chuyên trách, từng gia đình chủ động làm trong sạch môi trường văn hóa bằng quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động văn hóa khu vực mình một cách tích cực. Tinh thần tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò quần chúng đối với phát triển văn hóa, nghệ thuật được Đảng ta vận dụng, cụ thể hóa vào khắc phục lệch chuẩn thẩm mỹ ở lĩnh vực nghệ thuật một cách thiết thực. Đại hội Đảng XII của Đảng khẳng định: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong mỗi địa phương, trong từng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp, mỗi gia đình, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, đạo đức, lối sống” (9).

Cùng với đó, cần đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục khơi dậy mạch nguồn thị hiếu thẩm mỹ dân tộc, nâng cao trình độ phản biện xã hội của công chúng đối với tác phẩm nghệ thuật, phong cách biểu hiện nghệ thuật. Các giá trị, thị hiếu thẩm mỹ thuộc truyền thống tốt đẹp của dân tộc cần được khơi dậy bằng các kênh khác nhau để họ có bản lĩnh, có năng lực thẩm định, đánh giá thẩm mỹ ở lĩnh vực nghệ thuật. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cán bộ văn hóa cần phải giúp những sáng tác của quần chúng. Những sáng tác ấy là những hòn ngọc quý. Muốn làm như thế thì cố nhiên là phải có chính trị, có kỹ thuật, thì mới mài viên ngọc ấy thành tốt, khéo, đẹp” (10). Đây cũng là sự vận dụng linh hoạt tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, nghệ thuật vào giáo dục, định hướng phát triển năng lực thẩm  định, thưởng thức, đánh giá nghệ thuật ở lĩnh vực nghệ thuật cho công chúng. Công chúng là chủ thể quyết định cho sức sống của một tác phẩm nghệ thuật thì bắt buộc các sáng tạo, các biểu hiện nghệ thuật phải theo công chúng. Khi họ thiếu kiến thức, năng lực thẩm định thì sẽ có nhiều trường hợp tiếp nhận các tác phẩm nghệ thuật một cách tự phát, thậm chí bị lôi cuốn vào những lệch chuẩn thẩm mỹ một cách thiếu chủ đích.

Phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, nghệ thuật trong khắc phục lệch chuẩn thẩm mỹ ở lĩnh vực nghệ thuật có ý nghĩa rất lớn hiện nay. Tuy nhiên, cũng hiểu đây chỉ là một phương diện cụ thể trong tính tổng thể với các phương diện khác. Sự tác động đồng bộ giữa các phương diện khác nhau sẽ tạo ra sức mạnh có tính tổng hợp trong đẩy lùi, khắc phục những lệch chuẩn thẩm mỹ ở lĩnh vực nghệ thuật, là một mặt cơ bản để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh hiện nay.

_____________

1, 7, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.125, 129, 132, 127-128.

2, 3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.368 – 369, 368.

4, 5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.131, 301.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.115.

8. Hồ Chí Minh, Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, Nxb Văn học, Hà Nội, 1981, tr. 515, 516.

10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.250.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 407, tháng 5 – 2018

Tác giả : TRẦN MINH ĐỨC – LÊ HUY TUYNH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *