TẾT CỔ TRUYỀN CỦA NGƯỜI PACÔ


Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, khi những loài cây đã thay lá, hoa piêrpang nở trắng trên rừng cũng là lúc người dân Pa cô, Tà ôi, Pa hy, Cơ tu lại nô nức đón chào ngày hội lớn ada. Là tết cổ truyền, cho nên các dân tộc anh em đều có chung lễ hội này, tuy thời gian, ý nghĩa tổ chức giống nhau nhưng lại khác biệt ở quy trình, quy mô thực hiện. Nếu người Tà ôi, Cơ tu chỉ tổ chức trong phạm vi họ hàng, gia đình thì người Pa cô lại tổ chức trong cộng đồng.

/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-qformat:yes;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt;
mso-para-margin-top:0cm;
mso-para-margin-right:0cm;
mso-para-margin-bottom:10.0pt;
mso-para-margin-left:0cm;
line-height:115%;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:11.0pt;
font-family:”Calibri”,”sans-serif”;
mso-ascii-font-family:Calibri;
mso-ascii-theme-font:minor-latin;
mso-hansi-font-family:Calibri;
mso-hansi-theme-font:minor-latin;}


Ada của người Pa cô có hai loại: Ada koonh gọi là ada pựt (lớn) và ada kăn gọi ada kâr loh ku mo (nhỏ). Ada lớn thường diễn ra năm năm một lần, ada nhỏ thì diễn ra vào giữa tháng 11 dương lịch khi mùa màng vừa thu hoạch xong. Ada được chia làm hai phần, lễ và hội.
1. Phần lễ
Là phần quan trọng nên được thực hiện đầu tiên, từng bước rất chặt chẽ.
Lễ giao ước moọt kâr hoọt
Để quyết định khi nào lễ hội ada được tổ chức chính thức, già làng cùng các trưởng họ tập hợp các chủ gia đình tại ngôi nhà moong chung của làng. Họ cùng nhau bàn bạc kỹ lưỡng, sau khi đã thống nhất, già làng chuẩn bị sẵn một chum rượu cần vừa ủ xong, sau đó tự tay đậy chum lại, miệng khấn định ước: đây là chum rượu định ước của con cháu làng bản, khi nào rượu trong chum này lên men chín thì lễ hội ada được tổ chức chính thức, cầu mong cho rượu cần này thơm ngon, đừng chua, đừng nhạt, cho ada được vui vẻ trọn vẹn.
Lễ tẩy rửa axa arah
Đây là nghi lễ không thể thiếu trong các lễ hội của người Pa cô, như dòng nước trong sạch linh thiêng tẩy rửa đi mọi tội lỗi do con cháu gây ra, trả lại sự trong sạch cho làng bản. Người Pa cô cho rằng trước khi tổ chức lễ hội mà không làm nghi lễ này thì con cháu sẽ gặp nhiều trắc trở, đau ốm chết chóc, lễ hội không được suôn sẻ. Lễ vật trong nghi lễ này là một con gà trống trưởng thành khỏe đẹp. Già làng cắt cổ gà, hứng huyết tươi vào chén rồi chia đều cho các chủ gia đình. Các chủ gia đình về sẽ vừa bôi phần huyết tươi đó vào khắp vách nhà, vừa khấn vái: đây là huyết tươi nóng hổi để rửa sạch mọi tội lỗi nhơ bẩn do con cháu gây ra mà lâu nay chủ nhà không biết, mong giàng thứ tội bỏ qua, cho ngày hội được suôn sẻ, cho con cháu mạnh khỏe vui tươi.
Lễ chuẩn bị vật chất cha chọot
Người ta chuẩn bị cho ada koonh từ tháng rưỡi đến hai tháng, còn ada kăn trong vòng một tháng. Chuẩn bị cho ngày hội này chủ yếu là các món ăn, vật liệu để chế biến và nấu nướng. Các loại thịt cá được bẫy bắt trên rừng về, phần thì nướng phơi khô, phần thì bỏ vào ống cất trữ bảo quản rất cẩn thận không để ôi thiu thối rữa, các loại cá thì được ủ vào từng hũ làm món pa đẹc thơm ngon. Thức uống trong lễ hội gồm có bốn loại: ariêu (rượu cần), siêu (rượu trắng) được nấu từ sắn gạo, aviet (rượu mía) được ủ với vỏ cây krieyh và tâm bộ (rượu được nấu từ gạo nếp).
Tất cả vật liệu để chế biến các loại rượu này được tuyển chọn từ những cây mía, vỏ cây, hạt gạo, hạt nếp thơm ngon. Bánh đãi khách cũng vậy, chỉ chọn lấy những loại gạo đặc sản như: tre, ra dư, cu da và nếp aham, cu chah, cu hom. Để nấu được cơm, bánh ngon nhất, họ tuyển chọn gạo, loại bỏ những hạt lép vụn. Các loại bánh được chế biến từ gạo nếp như: akoát (hình dáng giống như chiếc sừng dê), azưh bánh giã nhuyễn trộn me gói lá doong, hoor nướng ống.
Cũng như ở lễ hội khác, trong khi đang chuẩn bị, họ có một tập tục là khách vãng lai, bạn bè, con cháu không được vào làng. Vật báo hiệu là hai bó lau được cuộn ngọn đặt chắn ngang giữa cổng chính của làng, để tránh mọi điều xúi quẩy, tránh các món ăn thức uống bị hư. Ngày cuối trước khi diễn ra lễ hội chính, mỗi gia đình phải chuẩn bị các loại giống cây trồng, mỗi loại chỉ một cây hay một hạt. Riêng mẹ lúa mỗi nhà mang một ít phải là cây khỏe đẹp và bó lại thành bó to, sau đó, họ sắp xếp thứ tự gọn gàng ở góc trái của nhà mòong làng. Mẹ giống cây trồng đều được đeo các loại trang sức: hạt cườm, mã não, đặc biệt mẹ lúa được đeo nhiều nhất. Ở gian giữa nhà mòong là nơi cúng bái nên được trang trí các loại thổ cẩm đẹp, quý như: âr pòong, âr doàng, pa huun, pakom. Cạnh phải gian giữa, họ còn đặt thêm một vật gọi là aruông rọ cho vị thần ku tăng – vị chúa của cây cối rừng xanh, và đây là khâu chuẩn bị cuối cùng cho lễ hội.

Ngày đầu tiên của lễ hội, từ sáng sớm tinh mơ già làng cùng các trưởng họ ra cổng dỡ bỏ vật cấm vào làng và chính thức đón khách, gia đình, con cháu vào dự hội.
Không khí trong làng nóng dần, mỗi gia đình dâng lên già làng từng ađiên – lễ vật người Pa cô gọi là tâm pực – gồm: 1 con gà trống luộc, 1 ống rượu trắng, 1 bông nêu ngắn (trang alang), còn bánh akoát thì tùy theo số lượng thành viên của mỗi gia đình. Sau đó, các mâm cỗ đó được trưởng họ sắp xếp thứ tự tại gian giữa nhà mòong – bàn thờ ada nơi linh thiêng nhất của làng. Tất cả con cháu được tập trung đầy đủ và ngồi sát nhau tại góc phải của nhà mòong. Là vị chủ làng đồng thời cũng là người chủ trì cúng bái, nên già làng phải ngồi trước mâm cúng, sau đó là các trưởng họ và chủ gia đình. Trong lúc lễ cúng diễn ra, khách không được ở trong làng mà phải ra ngoài chờ cho đến khi xong mới được vào.
Lễ cúng ada có sáu lần khấn: gọi giàng, giao mâm, mời ăn, ơn nghĩa, cầu xin, tiễn giàng.
Khấn gọi giàng: Đầu tiên, già làng bốc nắm gạo vung lên trước bàn thờ ada, đồng thời một thanh niên khỏe mạnh được già làng chỉ định rút ống tre xanh đã hun sẵn trên bếp lửa rồi đập mạnh vào đà cửa chính về hai hướng, mặt trời mọc (pâl loh) và mặt trời lặn (pâl lọot). Khi ống tre nổ, già làng khấn: Ơ giàng! Nổ tiếng đầu hướng mặt trời mọc cầu cho hồn mẹ lúa, ngô, bầu, bí.. về với cái nương cái rẫy, không được lưu lạc nơi khác, cho con cháu làng bản mùa màng bội thu được sung túc no đủ hơn. Nổ tiếng hai hướng mặt trời lặn cầu cho hồn của cải, tiền bạc đầy nhà, đi vùng Lào cầu mua được nhiều trâu, bò, dê, voi, đi vùng Tà oayh (Tà ôi) mua và đổi được nhiều khố, váy, dzèng đẹp bền. Đi đồng bằng cầu mua được nhiều cồng, chiêng, chum ché quý. Lúc này tiếng trống chiêng nổi lên bằng giai điệu pâr lư chậm rãi ấm áp.
Khấn mời giàng và giao mâm cỗ: Hôm nay, chum rượu định ước đã được mở, hội ada đã tổ chức chính thức, mời các vị giàng ku tiẹc (đất đai), âr baang (trời), ku tăng (cây cỏ), pụa (nắng), boo (mưa), kâr hil azol (lửa), cu lun (giun đất), và các mẹ tro (lúa)…, hãy xuống đây cùng chung vui với con cháu làng bản. Mâm cỗ này là lòng thành của con cháu xin các vị giàng vui lòng đón nhận.
Khấn mời ăn: Ơ giàng! con gà, bánh akoát đã chín mềm thơm ngon xin mời giàng ăn. Các loại rượu siêu, ariêu, avieet, tâm bộ đã được mở sẵn xin mời giàng uống, cho con cháu vui lòng mát dạ. Khi hương ki kul đã tàn thì đồng nghĩa giàng đã ăn no, lời khấn lại được trân trọng cất lên.
Khấn ơn nghĩa: Con cháu làng bản luôn biết ơn giàng trời đã che chở, giàng đất đã ban cho nơi trồng trọt, chịu ngứa ngáy khi cuốc đất làm cỏ. Giàng cây cỏ đã chịu đau đớn chết chóc khi bị chặt phá. Giàng nắng đã phơi khô, giàng lửa đã thiêu trụi ban cho lớp tro tàn màu mỡ. Giàng mưa đã tưới mát cho cây trồng tốt tươi. Giàng cu lun đã đẻ ban cho lớp đất mùn màu mỡ và các mẹ lúa, ngô, bầu, bí… đã sinh sôi nảy nở, nuôi dưỡng con cháu làng bản sung túc no đủ.
Khấn cầu mong: Già làng cùng con cháu cầu xin các vị giàng đất, trời, nắng, mưa, lửa, giúp đỡ con cháu phát, cốt, đốt, trỉa thuận lợi hơn. Cầu mong các giống mẹ lúa, ngô, bầu, bí… bông dài nẩy hạt, cây to, củ lớn, tốt tươi hơn nữa, để con cháu được sung túc no đủ hơn, cho hội a da năm sau to hơn, vui vẻ hơn.
Sau đó, già làng cùng các trưởng họ cầm lấy bông nêu vứt lên trên các tấm thổ cẩm trưng bày bàn thờ ada, sao cho bông nêu phải móc dính vào các tấm thổ cẩm đó, bởi nếu các bông nêu dính chặt thì sang năm cả làng sẽ mùa màng bội thu, và ngược lại. Lúc này, trời đã gần trưa, đã đến lúc giàng phải trở về nơi trị vì của mình. Để thể hiện lòng tôn kính với các đấng thần linh, già làng tiếp tục thực hiện bước khấn cuối cùng.
Khấn tiễn giàng: Ơ giàng! thịt gà thơm, cơm bánh ngọt giàng đã ăn no, rượu trong chum, ché giàng đã uống cạn, bây giờ con cháu kính tiễn giàng vui vẻ trở về ngôi nhà của giàng. Hẹn hội ada năm sau con cháu lại mời giàng đến. Lúc này, già làng và con cháu đều cúi lạy kính tiễn giàng về.
Trong các lần cầu khấn, thế nào cũng không tránh khỏi sơ suất trong lời ăn tiếng nói làm cho giàng phật lòng. Để nhận biết điều này, già làng cầm trên tay một cặp axiéu, vật linh thiêng của làng, được truyền từ đời này sang đời khác chứ không làm mới, cứ sau mỗi lần khấn là lại thả xuống mặt chiếu 5 lần. Nếu trong 5 lần thả mà a xiéu đều lật ngửa, thì mọi việc đều suôn sẻ, axiéu úp xuống thì mọi việc không được tốt. Tuy nhiên, là người giỏi giang về tập tục, có nhiều kinh nghiệm trong cúng bái, nên già làng có thể thả làm sao cho axiéu luôn lật ngửa.
Nghi lễ ăn tết ada chung
Các vị giàng đã trở về nơi ở của mình, ở nhà mòong còn lại già làng cùng con cháu. Lúc này, già làng mới ban lệnh cho các trưởng họ tâp hợp gà cúng của các gia đình rồi xé ra từng miếng nhỏ và trộn đều, bánh akoát cũng vậy, sau đó, chia ra thành ba mâm. Mâm giữa dành cho già làng, lão làng, trưởng họ. Mâm bên phải dành cho đàn ông, thanh niên. Mâm bên trái dành cho phụ nữ, trẻ em. Cỗ được chia đều, tùy theo số lượng người trong mâm đó, và phải ăn hết ngay tại nhà mòong, không để dư thừa. Nghi lễ ăn chung này chỉ có ở lễ hội ada, thể hiện tình cảm gắn bó thiêng liêng của con cháu làng bản, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau, không phân biệt, chia rẽ người giàu kẻ nghèo, đơn côi hay góa bụa…
Mừng lễ thành công (krao ada).
Lễ cúng giàng thành công, lễ ăn chung trọn vẹn, để mừng cho phần lễ đã diễn ra suôn sẻ, những người có mặt tại nhà mòong đều đứng dậy, mắt hướng về cửa chính và nắm tay nhau thật chặt. Già làng cùng các trưởng họ đứng sát cửa chính. Già làng cất tiếng gáy đầu tiên, tiếp sau là các trưởng họ và con cháu cùng nhau gáy ba lần liên hồi như gà trống vậy. Tiếng gáy phải đồng thanh, khỏe, vang xa, nét mặt thể hiện sự vui tươi phấn khởi. Nghi lễ này vừa mừng lễ thành công, đồng thời như muốn thông báo rằng: sang năm mới, con cháu làng bản muốn lên rừng phát nương làm rẫy chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới, thì cứ thoải mái không còn lo sợ, kiêng cữ gì nữa, vì lễ hội ada đã xong xuôi, giàng, thần linh đã cho phép.
 

2. Phần hội

Sau phần lễ, thời gian còn lại là phần hội. Ada lớn thì diễn ra từ 3-5 ngày, ada nhỏ từ 2-3 ngày. Khi phần lễ kết thúc mọi người trở về nhà để chuẩn bị tiếp đón khách. Buổi tối đầu tiên, già làng cùng các trưởng họ đi hỏi thăm chúc tụng không sót một gia đình nào. Bên ánh lửa bập bùng, họ hát hò, nhảy múa chúc tụng nhau bằng điệu múa ada, poon, ẹo và đối đáp bằng dân ca kâr lơợi, târ a, xiềng, cha chấp cùng nhịp trống, tiếng chiêng bằng giai điệu pâr lư ấm áp tình người. Các món ăn, thức uống đặc biệt được chuẩn bị từ lâu, nay dọn ra đãi khách. Họ cùng vui chơi, ăn uống chúc tụng nhau thâu đêm suốt sáng cho đến khi lễ hội kết thúc.
 

Trước khi khách và con cháu ra về, trưởng họ cùng các chủ gia đình thực hiện một nghi lễ târ lêh (tiễn khách). Mâm cỗ trong nghi lễ này gồm một con gà luộc, một tấm thổ cẩm, một ađiên, bánh akoát cho mỗi khách. Lễ tiễn khách là để cầu mong cho con cháu trở về an toàn, sang năm đi thăm viếng nhau sẽ gặp nhiều thuận lợi. Mâm cỗ này, khi khách về tới nhà cũng phải dọn ra trước bàn thờ tổ tiên để báo cáo như trước khi đi dự hội vậy, nếu không giàng sẽ trách móc.
Ada là lễ hội truyền thống, là tết cổ truyền của dân tộc Pa cô nói riêng các dân tộc Tà ôi, Cơ tu, Pa hy nói chung. Đây là một trong những nét văn hóa độc đáo cần được gìn giữ, phát huy và duy trì hàng năm đúng theo chu kỳ của nó. Bởi ada không chỉ là lễ hội, ngày tết vui tươi nhộn nhịp, mà còn thể hiện lòng thành kính đến các vị thần linh, lòng biết ơn đến mẹ của các giống cây trồng, đặc biệt là mẹ lúa đã nuôi dưỡng con người từ thế hệ này đến thế hệ khác. Lễ hội ada cũng thể hiện rất rõ tình cảm gắn bó thiêng liêng, sống chết có nhau, no đói cùng nhau của con cháu làng bản. Đáng mừng là hiện nay có nhiều làng: Đụt, Tâl Ay, Ân Trieng, A Nieng (xã Hồng Trung), A Năm, Ta Lo, A Hố (xã Hồng Vân), A Ziêl (xã A Ngo), A Đeng (xã Bắc Sơn) vẫn còn trân trọng duy trì lễ hội này. Mùa xuân mới lại về, hy vọng rằng lễ hội ada đẹp đẽ, ấm áp tình người sẽ sống lại nở rộ vui tươi, rộn ràng trong khắp bản làng của người Pa cô, Tà ôi, Cơ tu, Pa hy cùng các tộc người anh em khác đang sinh sống trên miền tây Thừa Thiên Huế, trên mảnh đất A Lưới thân yêu.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 331, tháng 1-2012

Tác giả : Trần Nguyễn Khánh Phong

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *