Văn hóa mặc của người tày lạng sơn


Văn hóa mặc thể hiện qua trang phục: quần áo, mũ, giày, đồ trang sức, cách làm đẹp cơ thể… của một dân tộc. Trang phục, đa dạng theo dân tộc, giới tính, lứa tuổi, địa vị xã hội, nghề nghiệp…, là yếu tố thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc cơ bản và dễ thấy nhất trong một tập hợp đa dân tộc hay tộc người, ví dụ trong một hội nghị quốc tế, một cuộc liên hoan nghệ thuật quốc tế, một cuộc họp quốc hội của một nước, các dân tộc khác nhau, từ các quốc gia khác nhau thường mang trang phục đặc trưng của dân tộc mình. Nhưng đó cũng là yếu tố văn hóa dễ biến đổi nhất trong xu thế nhất thể hóa quốc gia hay toàn cầu hóa (ví dụ, bộ âu phục nam comple – cravat hay các mốt trang phục của giới trẻ áo phông – quần bò) có thể thấy ở mọi dân tộc trên toàn thế giới.

1. Bản sắc của trang phục Tày truyền thống

Trong lịch sử, người Tày đã từng được gọi là cần slửa khao – người áo trắng hay cần slửa lỳ – người áo dài phân biệt với người Nùng được gọi là cần slửa đăm – người áo đen hay cần slửa tẩn – người áo ngắn.

Không rõ cách gọi đó có liên quan gì đến cách gọi Táy khao – Thái trắng và Táy đăm – Thái đen, cũng bắt nguồn từ trang phục của hai nhóm Thái chính ở nước ta? Phải chăng trang phục của cả nam và nữ giới Tày xưa đều có màu trắng bởi có nơi, bộ nam phục Tày là áo chàm, quần trắng, trong khi chiếc áo cánh lót của phụ nữ Tày khi đi chợ, đi lễ hội hay ngày xưa cũng luôn có màu trắng?

Cũng không rõ tự bao giờ và từ đâu, màu chàm đã trở thành màu chủ đạo của trang phục của cả hai dân tộc Tày, Nùng. Việc nhuộm chàm vải làm cho quần áo bền màu, lâu bẩn và lâu hỏng hơn. Vì thế, màu chàm phù hợp với lối sống nông nghiệp nơi núi rừng của hai dân tộc Tày, Nùng. Màu chàm đó, thoạt nhìn, có cảm giác rằng trang phục truyền thống Tày, so với trang phục truyền thống của các dân tộc miền núi khác, có vẻ đơn điệu, nhưng nếu hiểu và yêu chúng, lại thấy ở đó một vẻ đẹp giản dị, trang nhã và hài hòa với môi trường tự nhiên.

Nam phục Tày về cơ bản cũng đơn giản, gần như theo một kiểu gồm chiếc áo cánh 4 thân cổ tròn, cao, xẻ ngực, với hàng cúc vải 7 cái, không cầu vai, tà áo xẻ cao, có hai túi nhỏ không nắp ở hai vạt trước; chiếc quần có đũng chéo, ống chân què hay cạp quần lá tọa; chiếc khăn đội đầu có hình chữ nhân; đôi giày có đế bằng mo cau, bẹ măng, bẹ móc, dán keo làm bằng khoai sọ trộn xôi giã nhuyễn… Rõ ràng, dạng trang phục trên rất thích hợp cho việc đi lại, làm ăn của cư dân nông nghiệp vùng núi rừng lắm đèo dốc.

Nữ phục Tày đa dạng và duyên dáng hơn với chiếc áo dài bên ngoài có 5 thân, xẻ nách, cài cúc tròn kiểu nụ vối; chiếc áo cánh ngắn bên trong có 4 thân, màu sáng (trắng, hồng, xanh lơ, xanh nõn chuối), gần cổ áo có can miếng vải nhỏ hình quả trám; chiếc thắt lưng hồng; chiếc khăn đen mỏ quạ; các loại vòng cổ vòng tay bằng bạc sáng choang…

Và để bù trừ cho màu sắc, dáng vẻ hơi đơn điệu của áo quần, người phụ nữ Tày đã dồn muôn màu sắc và hoa văn vào mặt chăn, mặt địu, màn thờ, chiếc túi vải hay trang phục của các bà then trong các nghi lễ.

Trang phục dùng trong các nghi lễ được trang trí nhiều màu sắc và biểu tượng: màu trắng của tang phục có thể là dấu tích của trang phục màu trắng thủa xa xưa; chiếc mũ của của các thày cúng (mo, then, tào) có hình tam sơn ngũ nhạc (một biểu tượng của Đạo giáo) cùng với các hình tròn âm dương, tứ linh bát quái, người và hoa lá… Mũ lễ của ông bà then ở Lạng Sơn là dạng mũ cứng hình mái nhà sau có những dải dài.

Trang phục Tày, nhất là nữ phục, có nhiều nét vừa giống vừa khác, vừa lạ vừa quen với nữ phục Việt. Áo cánh trắng mặc lót bên trong áo dài, váy một thời, áo dài 5 thân, cách cuốn tóc vấn khăn tròn quanh đầu, tấm khăn mỏ quạ, nón hai lớp đan thưa kiểu mắt cáo, giữa chèn lá chít… của phụ nữ Tày rất gần gũi với yếm trắng, váy đen, áo tứ thân, áo dài, khăn vấn cũng mỏ quạ, nón lá… của phụ nữ Việt.

2. Những biến đổi trong văn hóa mặc của người Tày Lạng Sơn

Các tư liệu nghiên cứu dân tộc – xã hội học năm 2008 tại 3 xã Yên Trạch, đại diện cho huyện Cao Lộc, Tân Lang, đại diện cho huyện Văn Lãng, Trấn Ninh, đại diện cho huyện Văn Quan sẽ phần nào minh chứng cho những biến đổi của văn hóa mặc người Tày Lạng Sơn.

         Xu hướng mai một

Bộ trang phục màu chàm đặc trưng của người Tày Lạng Sơn ngay từ trước thời kỳ đổi mới đã và đang mai một do:

Dạng vải bông nhuộm chàm hiếm dần do đất trồng bông ngày càng hạn hẹp, nghề dệt vải nhuộm chàm cổ truyền mất đi. Cho dù có mua được sợi bông và thuốc nhuộm chàm, người dân cũng không muốn tốn quá nhiều thời gian và công sức cho việc dệt, nhuộm: Bây giờ không có ai tự làm trang phục truyền thống như các cụ ngày xưa nữa. Tôi muốn mua 1 bộ nhưng không ai bán, dù trả 200.000 đồng cũng không bán. Các hiệu may giờ cũng không có vải mộc nhuộm chàm như ngày xưa (nam, 19 tuổi, Tày, Văn Lãng).

Sự đơn giản về mẫu mã, đơn điệu về màu sắc của trang phục Tày truyền thống rất thích hợp với đời sống nông nghiệp tự cung tự cấp, khép kín nhưng tỏ ra lạc hậu trong cuộc sống thời đổi mới ngày càng đa chiều, đa dạng.

Trong khi đó, các loại vải dệt công nghiệp màu sắc đẹp hơn, rồi các dạng quần áo may sẵn với mẫu mã đa dạng thời thượng, phù hợp hơn ngày càng sẵn có dễ tìm, nhất là trong thời kỳ đổi mới, ở một vùng biên giới rất sẵn hàng dệt may đẹp và giá rẻ từ Trung Quốc.

Theo quy luật chung, quá trình mai một của trang phục Tày diễn ra với những cách thức, mức độ khác nhau ở từng vùng, từng giới, từng lứa tuổi. Thường, nó mở đầu với các cán bộ, bộ đội thoát ly, học sinh, sinh viên, trí thức…, sau đó lan về nông thôn, tới gia đình, con cháu, bạn bè, họ hàng: Hiện nay trong xã tôi 100% người Tày đều mặc theo kiểu người Kinh, nhất là giới trẻ. Đó là vì, những người đi thoát ly mặc theo kiểu người Kinh, người trong bản thấy mặc như thế thuận tiện hơn nên cũng mặc theo. Người già vẫn giữ quần áo kiểu truyền thống nhưng chỉ mặc vào các lễ hội (nam, 45 tuổi, Tày, Văn Quan).

Sự mai một đó luôn chậm hơn hay gặp phải lực cản từ những người già, phụ nữ, những người ở vùng sâu vùng xa, người nghèo khó, thường được coi là những người bảo thủ, lạc hậu. Nhưng chính tính bảo thủ hay lạc hậu đó lại là một sức mạnh bảo tồn trang phục truyền thống Tày: Bây gi mi khi buc phi mc qun áo kiu Tày thì mình phi đi mượn các bà già. Ngoài ch ch có qun áo kiu Kinh thôi, còn qun áo kiu Tày thì các bà già không bán mà gi làm k nim và truyn cho con cái… (nữ, 45 tuổi,Tày, Văn Lãng).

Với một số người Tày, trang phục truyền thống đã trở thành một cái gì lạc hậu, xa lạ. Và họ mặc trang phục truyền thống là do quy định bắt buộc (của cơ quan) và do mặc theo nhiều người khác (hiệu ứng đám đông) hơn là do ý thức tự giác tự hào của họ về bản sắc dân tộc: Ở chỗ tôi, hiện nay chỉ còn lác đác các bà già là còn mặc áo quần kiểu người Tày. Phần lớn mọi người mặc quần áo kiểu người Kinh vì chúng rẻ hơn, mặc thuận tiện hơn, và hòa đồng được với các dân tộc khác. Theo tôi, không nhất thiết phải mặc trang phục truyền thống (nam, 57 tuổi, Tày, Văn Lãng).

Bảng đưới đây cho chúng ta thấy rõ xu hướng mai một đặc biệt trong nhóm thanh niên và trẻ em:

Tỷ lệ mặc trang phục truyền thống phân theo nhóm tuổi (%)

 

 

 

 

 

Văn Quan

 

 

Cao Lộc

 

 

Văn Lãng

 

 

Tày

 

 

Nùng

 

 

Tày

 

 

Nùng

 

 

Tày

 

 

Nùng

Người già nam

5,0

37,0

7,5

41,0

23,5

10,0

Người già nữ

26,0

88,0

14,0

69,0

31,0

16,0

Trung niên nam

2,5

24,0

1,5

4,0

1,0

3,0

Trung niên nữ

4,5

44,0

1,5

9,0

1,5

3,0

Thanh niên nam

0,0

1,0

0,0

1,0

0,0

0,0

Thanh niên nữ

0,0

2,0

0,0

1,0

0,0

0,0

Trẻ em nam

0,0

0,0

0,0

0,0

0,0

0,0

Trẻ em nữ

0,0

0,0

0,0

0,0

0,0

0,0

 

Có thể thấy hầu như thanh niên và trẻ em người Tày, Nùng ở Lạng Sơn giờ đây không còn mặc trang phục truyền thống của mình nữa. Xu hướng mai một này được thể hiện rõ ở cả ba huyện, không có sự khác biệt nào về dân tộc cũng như về giới giữa trẻ em trai và trẻ em gái, giữa thanh niên là nam giới và thanh niên là nữ giới. Xu hướng này cũng có thể thấy rõ trong nhóm trung niên ở hai huyện Cao Lộc và Văn Lãng. Tỷ lệ trung niên mặc trang phục truyền thống đều rất nhỏ, chưa đến 5% ở Văn Lãng và chưa đến 10% ở Cao Lộc. Riêng ở Văn Quan, có thể thấy sự khác biệt giữa hai dân tộc Tày và Nùng. Xu hướng mai một trong trang phục truyền thống vẫn tiếp tục thấy ở nhóm trung niên của dân tộc Tày, trong khi đó đối với dân tộc Nùng, tỉ lệ trung niên là nam giới có mặc trang phục truyền thống là 24%, tăng lên 44% đối với nhóm trung niên là nữ giới. Trong khi đó, trong nhóm người già, chúng ta lại thấy một xu hướng bảo tồn trang phục truyền thống, đặc biệt là trong nhóm người già: Nếu bây giờ một mình mình mặc quần áo truyền thống ngoài đường thì thấy ngượng vì họ cứ nhìn mình… Vì thế ai cũng muốn mặc quần áo theo kiểu người Kinh vừa gọn gàng vừa thuận tiện. Nếu như trong ngày 8-3 hoặc những ngày bắt buộc phụ nữ phải mặc quần áo truyền thống thì mới mặc vì lúc đó nhiều người cũng mặc như mình (nữ, Tày, 40 tuổi, Văn Lãng).

Có thể thấy, xu hướng mai một là xu hướng chính. Tỷ lệ người mặc trang phục truyền thống ở người Tày nhìn chung thấp hơn ở người Nùng. Điều này có lẽ phản ánh một quy luật trong lịch sử: người Tày có xu hướng gần gũi và chịu ảnh hưởng của người Việt nhiều và nhanh hơn so với người Nùng hay tính bảo thủ về văn hóa của người Nùng cao hơn người Tày.

         Xu hướng bảo tồn

Trang phục truyền thống Tày trở thành một di sản văn hóa vật thể được sưu tầm và bảo tồn, ở dạng di vật, với nhiều yếu tố cổ xưa quý hiếm, trước hết trong các bảo tàng từ trung ương tới địa phương. Từ đó, các giá trị văn hóa-lịch sử của chúng được nghiên cứu, khám phá, tuyên truyền, quảng bá trên sách báo khoa học và các phương tiện truyền thông đại chúng.

Đồng thời, trang phục truyền thống Tày cũng được bảo tồn âm thầm và bền bỉ trong cuộc sống, bởi những người Tày ở các vùng sâu vùng xa, người cao tuổi, trí thức có ý thức văn hóa sâu, có tinh thần dân tộc cao: Từ nhỏ tôi đã thấy thanh niên mặc quần áo như người Kinh rồi, còn các bà già vẫn mặc quần áo kiểu Tày, như mẹ mình vẫn mặc quần áo kiểu Tày cho đến khi bà mất. Bây giờ, do mọi người mặc giống nhau nên nếu không nghe tiếng nói mình chẳng còn phân biệt được ai là người Tày, ai là người Việt nữa. Theo tôi, trong cuộc sống thường ngày mọi người mặc như nhau thì tốt hơn, nhưng cũng nhất thiết phải giữ bản sắc dân tộc ở bộ quần áo trong các ngày lễ hội (nam, 49 tuổi, Tày, Cao Lộc).

Xu hướng bảo tồn chủ yếu ở người cao tuổi và phụ nữ. Tỷ lệ người mặc trang phục truyền thống ở người cao tuổi hơn người ít tuổi, nữ cao hơn nam. Đây là hiện tượng phổ biến ở mọi dân tộc và mọi thời đại.

Đặc biệt, bộ nữ phục truyền thống Tày vẫn là trang phục của các bà then khi làm lễ, các nghệ sĩ dân gian và chuyên nghiệp khi biểu diễn nghệ thuật Tày, các nữ đại biểu Tày khi tham dự các hội nghị quốc tế, quốc gia, các cô gái Tày ở các làng văn hóa du lịch, các nữ sinh Tày khi dự thi hoa hậu và các nữ nhân viên Tày trong một khách sạn miền núi hay một cửa hàng ăn đặc sản Tày ở thủ đô. Lại có những ông bà già Tày, tuy không còn mặc trang phục truyền thống trong cuộc sống thường ngày cũng như trong lễ hội, nhưng cất kỹ chúng trong đáy hòm như những kỷ vật thiêng liêng và dặn con cháu mặc cho mình khi họ về với tổ tiên.

Bảng 2: Tỷ lệ mặc trang phục truyền thống (%)

 

 

 

 

 

Văn Quan

 

 

Cao Lộc

 

 

Văn Lãng

 

 

Tày

 

 

Nùng

 

 

Tày

 

 

Nùng

 

 

Tày

 

 

Nùng

Mặc thường ngày

50,0

66,7

57,1

54,5

0,5

0,0

Mặc ngày hội

22,2

39,4

57,1

40,9

2,5

8,0

Mặc trong đám cưới, đám ma

38,9

30,3

14,3

18,2

5,0

2,0

Có thể, trong những ngày cưới, tỷ lệ cô dâu chú rể mặc trang phục Tày truyền thống giảm dần. Dường như, hình ảnh người mặc trang phục truyền thống dân tộc Tày khi cưới chỉ còn là kỷ niệm của những người trên 50 tuổi. Theo quan sát và phỏng vấn sâu của nhóm nghiên cứu thì phần lớn cô dâu người Tày hiện nay mặc áo dài kiểu người Việt, chú rể mặc trang phục kiểu hiện đại ngày nay (áo vét, quần Tây); tỷ lệ cô dâu mặc váy kiểu mới (hay váy Tây, bằng voan trắng) đang có xu hướng tăng dần.

Điều lý thú là, khi chụp ảnh làm album trước khi cưới (một tục thời thượng trong đám cưới của trai gái người Việt) cô dâu chú rể lúc mặc váy, vét Tây, khi mang trang phục Tày truyền thống. Tại phòng cưới họ mặc váy, vét Tây nhưng khi chú rể đưa cô dâu về quê gặp họ hàng lại mặc trang phục Tày truyền thống.

Đó là một hiện tượng đáng khuyến khích. Nhưng với đà này, có thể dự đoán, ngày sẽ càng nhiều cô dâu Tày mặc váy cưới kiểu Tây. Điều này đã thấy trước ở người Việt, khi nhiều nơi, rõ nhất là ở Hà Nội, các tiệm cho thuê váy cưới kiểu châu Âu mọc ra như nấm.

          Xu hướng đổi mới

Để có được các bộ trang phục Tày mới cho mình và cho con gái mặc trong các lễ hội, các bà mẹ Tày giờ đây có thể đi mua vải bông, vải lụa có màu gần với màu chàm về để tự cắt, khâu hay đi may đo tại một số cửa hàng: Bây giờ ai bảo mình cắt hay may quần áo truyền thống thì mình cũng chịu thôi, ngay cách thắt lưng hoặc vấn tóc kiểu truyền thống mình cũng không biết làm nữa. Hiện nay ở đây người nào nhiều tiền thì đi may, người nào nghèo thì đi mua quần áo (nữ, 35 tuổi, Tày, Cao Lộc).

Để đáp ứng nhu cầu đặc biệt của các nghệ sĩ biểu diễn, ở một số nơi đã xuất hiện những nhà may chuyên bán và cho thuê trang phục của nhiều dân tộc, trong đó có trang phục Tày (ví dụ ở Hà Nội có nhà may Kim Chinh ở phố Vương Thừa Vũ). Các bộ trang phục này thường được cách điệu nhiều ít, thêm hoa văn màu sắc sao cho đẹp hơn.

Bằng các cách đó, người Tày có được những bộ trang phục truyền thống theo cách thức mới, chất liệu mới và những yếu tố mới.

3. Kết luận

Từ việc bảo tồn và đổi mới, các giá trị văn hóa lịch sử của trang phục truyền thống Tày đã và đang đến với nhiều người Việt Nam và bạn bè quốc tế. Có điều, trong khi chiếc áo dài Việt được các nhà tạo mẫu nổi tiếng quan tâm bằng nhiều cuộc trình diễn thời trang với những mẫu áo dài mới mẻ, sang trọng trong các hội lễ lớn thì rất tiếc, chiếc áo dài của phụ nữ Tày dường như chưa được thực sự chú ý.

Về lý thuyết, việc mặc kiểu quần áo nào là quyền tự do cá nhân. Hơn nữa, việc mặc trang phục kiểu người Kinh thực ra là trang phục đã toàn cầu hóa là một xu thế không thể đảo ngược. Mặt khác, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như mong muốn của các trí thức Tày là người Tày mặc trang phục Tày truyền thống trong các hội lễ quốc gia và dân tộc, coi đó là lễ phục của người Tày, một biểu tượng và văn hóa Tày. Thực tế cho thấy, trong cuộc sống hiện nay, rất nhiều điều tốt, tích cực, đáng làm, dù đã được vận động, tuyên truyền, giáo dục, để nâng cao ý thức tự giác thực hiện của người dân, thậm chí được quy định trong pháp luật, nhưng không được thực hiện rộng rãi do thiếu các biện pháp mang tính biến đổi cưỡng bức, hay thiếu các chế tài cụ thể, thích đáng.

Trên thế giới, ở một số nước như Butan hay Ả Rập Saudi, việc mặc trang phục dân tộc đã trở thành một sự bắt buộc bằng luật pháp. Rõ ràng, ở Việt Nam không thể có những điều luật tương tự, nhưng các quy định của một cơ quan hay đoàn thể nào đó (Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên…) mang tính bắt buộc về việc mang trang phục truyền thống trong những ngày lễ hội là cần thiết và có thể. Điều quan trọng nhất là, sự gương mẫu của những người lãnh đạo, đảng viên và các trí thức cùng những người cao tuổi sẽ tạo ra hiệu ứng đám đông có hiệu quả hơn những lời tuyên truyền chung chung.

Sự biến đổi của văn hóa mặc của người Tày nói chung, người Tày ở Lạng Sơn nói riêng đang diễn ra theo xu hướng mai một về cơ bản mang tính tự nhiên, tự phát, khách quan và là xu hướng chủ đạo.

         Xu hướng bảo tồn, đổi mới và phát huy các giá trị của trang phục Tày truyền thống được các chính sách của Đảng và Nhà nước chủ trương và khuyến khích, là xu hướng mang tính xã hội chính trị, mang tính chủ quan, có ý thức. Việc thực hiện xu hướng này trước hết phải là những người lãnh đạo, những trí thức Tày, những người ưu tú trong thanh niên sinh viên Tày. Mặt khác, phải làm cho trang phục truyền thống Tày đẹp hơn, sang trọng hơn. Niềm mơ ước của tôi là, một ngày nào đó, sẽ được xem những cuộc trình diễn trang phục Tày, nhất là chiếc áo dài của phụ nữ Tày do các nhà tạo mẫu nổi tiếng Tày tổ chức.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 330, tháng 12-2011

Tác giả : Bế Văn Hậu

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *