Tín ngường thờ thiên yana vùng nam trung bộ

Thiên Yana là hiện tượng tín ngưỡng – văn hóa độc đáo ở duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam. Từ thần mẹ xứ sở Pô Inư Nagar của người Chăm đã hiện thân thành vị thánh mẫu với tên gọi Thiên Yana – một vị phúc thần của người Việt. Cho đến nay cả người Chăm lẫn người Việt vẫn cùng thờ cúng một vị nữ thần dưới hai tên gọi khác nhau một cách hòa bình. Có thể nói, Thiên Yana không chỉ là hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mà còn thể hiện quá trình tiếp biến, giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc Việt – Chăm trong quá trình cộng cư trên vùng đất này.

 1. Nguồn gốc thánh mẫu Thiên Yana của người Việt ở Nam Trung Bộ

Thiên Yana có nguồn gốc từ nữ thần xứ sở Pô Inư Nagar của người Chăm. Hình tượng Pô Inư Nagar bắt nguồn từ Devi – biểu tượng âm tính cho sức mạnh sáng tạo và hủy diệt của vũ trụ, một trong những nữ thần tối thượng trong thần điện Hindu giáo. Tuy nhiên, khi du nhập và tồn tại trong cộng đồng của người Chăm, chịu ảnh hưởng dội ngược của các tín ngưỡng bản địa nên nữ thần Devi đã trở thành nhân vật huyền thoại mang yếu tố của một anh hùng văn hóa, nữ thần xứ sở của người Chăm – Pô Inư Nagar.

Trước TK XVI, nữ thần Pô Inư Nagar được thờ phụng ở thánh địa Pô Nagar Nha Trang (Khánh Hòa). Vì nhiều nguyên nhân, đến giữa TK XVI người Chăm đã chuyển nữ thần của mình về thờ ở đền Pô Inư Nagar tại thôn Hữu Đức (Ninh Thuận), còn thánh địa Pô Nagar trở thành nơi thờ phụng mẫu thần của người Việt ở Nam Trung Bộ – thánh mẫu Thiên Yana.

Từ một vị nữ thần Chăm, Pô Inư Nagar đã được Việt hóa nhưng trong đó căn tính Chăm vẫn còn rất rõ nét. Đó là biểu hiện sự tương đồng trong văn hóa Chăm và Việt ở “nguyên lý thờ mẹ” (1).

2. Hệ thống di tích thờ Thiên Yana ở Nam Trung Bộ

Không gian phân bố

Hệ thống di tích thờ Thiên Yana có không gian phân bố rất rộng. Suốt từ Huế vào đến Bình Thuận đều có đền thờ hay những địa danh gắn với Thiên Yana như: điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên Huế); đền Thiên Y Tiên Nương ở Ấn Sơn (Duy Xuyên,Quảng Nam), đền thờ và dinh Thiên Y các huyện Bình Sơn, Sa Huỳnh, Lý Sơn, Trà Bồng (Quảng Ngãi), đền Thiên Yana ở Gềnh Ráng (Bình Định), dinh Thiên Y ở thôn Hảo Sơn huyện Đông Hòa, Tháp Nhạn ở Tuy Hòa (Phú Yên), Am Chúa ở Diên Khánh, Tháp Bà – Nha Trang (Khánh Hòa), dinh Thiên Y ở Hòa Đa (Bình Thuận)…

Không gian và mật độ phân bố di tích thờ Thiên Yana ở Nam Trung Bộ có sự đậm nhạt khác nhau. Ở Phú Yên và Khánh Hòa, các di tích thờ Thiên Yana vô cùng đậm đặc, phổ biến từ vùng bán sơn địa, đồng bằng đến biển đảo, hầu hết làng nào cũng thờ bà (thờ riêng hoặc phối thờ), bởi đây là vùng thánh địa Kauthara thờ mẹ xứ sở Pô Inư Nagar của người Chăm trong lịch sử. Từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, bà được thờ chủ yếu trong cộng đồng cư dân vùng duyên hải (cư dân nông nghiệp và cư dân biển). Riêng ở Bình Định, do nhiều yếu tố nên di tích thờ Thiên Yana có phần thưa thớt hơn.

Những di tích thờ Thiên Yana phân bố ở hầu khắp các địa hình, từ miền núi đến đồng bằng, ven biển, thành thị và nông thôn, thường tọa lạc ở những đồi cao, hay được dựng lên trong khuôn viên rộng rãi nhiều cây cối xum xuê vùng đồng bằng, hoặc là những địa điểm nhìn ra sông, biển.

Kiến trúc, điêu khắc

Di tích thờ Thiên Yana ở Nam Trung Bộ rất đa dạng, bao gồm đình, đền, chùa, am, miếu, lăng, điện… nhưng tiêu biểu nhất là Tháp Bà – Nha Trang (Khánh Hòa), một cụm đền tháp Chăm được xây dựng trong nhiều thế kỷ, những tháp hiện còn đến nay có niên đại từ TK XI đến TK XIII. Cụm tháp này được người Chăm tạo nên với mục đích chính là thờ thần mẹ xứ sở của họ. Khác với những khu đền tháp Chăm thường bị bỏ hoang phế khi người Việt vào, thì ngược lại Tháp Bà – Nha Trang lại được tiếp nhận và tiếp tục thờ cúng thần Pô Nagar của người Chăm dưới hình hài mới là Thiên Yana của người Việt từ TK XVII cho đến nay. Vài năm gần đây, tháp Nhạn (Phú Yên) cũng được người Việt sử dụng làm nơi thờ Bà sau thời gian dài hoang phế.

Bên cạnh đó, Thiên Yana được thờ chủ yếu trong các đình, chùa, am, miếu có lối kiến trúc mang phong cách và niên đại thời Nguyễn trở lại đây, với kết cấu kiểu chữ nhị, gồm hai thành phần cấu kiện cơ bản là tiền bái và chánh điện (có nơi còn thêm phần hậu chẩm), tương tự kiến trúc các ngôi đình làng và lăng ông Nam Hải ở miền Trung và Nam Trung Bộ, nhưng có quy mô nhỏ hơn (2).

Bố trí thờ tự

Việc bố trí thờ tự Thiên Yana tựu chung có hai dạng: thờ riêng và phối thờ. Trong những đền, miếu thờ riêng, bà thường được thờ ở chính điện, hai bên là hai người con hoặc là những bậc tiền hiền, hậu hiền và ngũ hành nương nương… Ở dạng phối thờ, bà thường được phối thờ cùng cá ông/ Nam Hải đại vương trong các lăng, phổ biến ở khu vực ven biển từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa, ngày tổ chức nghinh ông thường có rước bà. Bên cạnh đó, Thiên Yana còn được phối thờ, phối tế trong các đình làng: chính điện thờ Bổn cảnh thành hoàng, bên phải thờ các vị tiền hiền hoặc Quan Thánh, bên trái thờ Thiên Yana (trừ một số ngôi đình Thiên Yana được thờ ở chính điện, như đình Lý Hải ở Lý Sơn), hoặc trong khuôn viên đình có xây miếu riêng thờ bà. Cũng giống như đình, các ngôi chùa ở Nam Trung Bộ cũng có phối thờ Thiên Yana nhưng ít hơn. Những ngôi chùa đó thường được bố trí thờ tự: chính điện thờ Phật, bên trái thờ Thiên Yana và bên phải thờ Quan Thánh.

3. Lịch thờ cúng và nghi thức thờ cúng

Lịch thờ và lễ hội

Lễ hội Thiên Yana của người Việt thường được tổ chức vào tháng 3 âm lịch, trùng hoặc gần trùng (vào tháng 2 hoặc tháng 4 âm lịch) với lịch tháng ba giỗ mẹ của người Việt. Các lễ hội lớn nhỏ về Thiên Yana đều được tổ chức trong khoảng thời gian này như lễ hội điện Hòn Chén (tháng 3 & 7), lễ hội Am Chúa, lễ hội Tháp Bà, lễ hội Tháp Nhạn (tháng 3), lễ hội Bà Thu Bồn (tháng 2), lễ hội Điện Trường Bà (tháng 4)… Đặc biệt, trong quá trình khảo sát về tín ngưỡng thờ Thiên Yana ở Khánh Hòa, chúng tôi thấy lễ vía bà ở đây còn được tổ chức liên vùng. Vẫn trong tháng 3 nhưng mỗi địa điểm thờ Bà được tổ chức vào những ngày khác nhau để tín đồ các nơi trong tỉnh và vùng lân cận có thể về viếng thánh mẫu. Đến Nam Trung Bộ vào tháng 3 chúng ta sẽ được sống trong không khí lễ hội vía bà rạo rực khắp vùng. Lịch thờ cúng ở trên khác hẳn với lễ hội cúng nữ thần của người Chăm (Mbang Chabun) được diễn ra vào tháng 9 lịch Chăm (khoảng tháng 11 âm lịch).

Nghi thức thờ cúng

Nghi thức thờ cúng Thiên Yana ở Nam Trung Bộ được diễn ra rất trang trọng và linh thiêng, đặc biệt là những nơi bà là thần chủ. Thời Nhà Nguyễn đã “ban tặng bà là Hồng nhân phổ tế linh ứng thượng đẳng thần, bắt dân ở đó coi tháp” (3) và quy định hàng năm đích thân quan đầu tỉnh phải làm chủ tế trong lễ vía bà ở Am Chúa và Tháp Bà – Nha Trang. Ở Huế, triều đình nhà Nguyễn công nhận và sắc phong vị thần núi Ngọc Trản (Thiên Yana) là thượng đẳng thần, đến đời vua Đồng Khánh đã cho xây dựng và mở rộng Ngọc Trản Sơn từ thành điện Huệ Nam (Hòn Chén) nguy nga, lộng lẫy, đồng thời ra lệnh “mỗi năm hai lần vào mùa xuân, mùa thu làm lễ cúng, có đại diện triều đình chủ lễ để nhớ ơn nữ thần” (4).

 Hầu hết các di tích thờ Thiên Yana ở Nam Trung Bộ xây dựng trước hoặc dưới triều Nguyễn cũng đều được triều đình ban tặng sắc phong cho Thiên Yana, thậm chí có những ngôi đình, miếu được nhiều đời vua Nguyễn sắc phong như đình Phương Sài (Nha Trang) có 5 sắc phong, lăng Ông – đền Bà (Cam Ranh) có 5 sắc phong dành riêng cho Thiên Yana… Bên cạnh sự tôn vinh của triều đình phong kiến thì nghi thức tế lễ bà trong dân gian cũng diễn ra hết sức trang trọng. Chủ tế được chọn phải là những người mẫu mực, được kính trọng trong cộng đồng. Những người phục vụ lễ hội cũng phải là người có nhân thân tốt và phải chay tịnh trong thời gian diễn ra lễ hội.

Trong lễ hội Thiên Yana ở Nam Trung Bộ không có tục lên đồng mà xưa kia chỉ có múa bóng theo kiểu người Chăm (5) được người Việt duy trì, mà đến nay vẫn còn thấy ở một số địa phương, đặc biệt là Khánh Hòa.

4. Thiên Yana trong đời sống tâm linh người Việt ở Nam Trung Bộ

Hiện nay, tùy từng nơi, do tính chất của hoạt động sản xuất mà việc thờ phụng Thiên Yana mang những sắc thái khác nhau. Với các ngư dân chuyên khai thác biển thì bà và ông Nam Hải được coi là vị thánh phù hộ cho nghề cá và ngư dân, trong khi đó ở những làng chuyên nghề nông thờ bà với tư cách là thánh mẫu dạy cho dân biết trồng trọt, phù hộ mùa màng, khai hóa văn minh. Đối với cư dân thành thị, đặc biệt người làm nghề buôn bán thờ bà như một vị phúc thần, phù hộ cho họ buôn may, bán đắt. Với cư dân chuyên nghề khai thác lâm sản Thiên Yana trở thành bà chúa trầm hương, chúa rừng… Hầu như, trong tất cả mọi ngành, nghề ở Nam Trung Bộ đều in đậm tín ngưỡng thờ bà. Điều này được thể hiện rất rõ trong văn tế thần nơi mà Thiên Yana là thần chủ (6).

Mỗi khi lễ hội vía bà diễn ra, trong nghi thức mộc dục thì điều thu hút sự quan tâm của tín đồ không phải là một quy trình bắt buộc của nghi lễ mà chính là nước tắm tượng bà – thứ mà họ cho rằng có phép màu vạn năng sẽ đem lại cho con người sức khỏe và may mắn (7).

Có thể thấy rằng đời sống tâm linh của người dân Nam Trung Bộ rất phong phú và đa dạng, mỗi ngành, nghề lại có những kiêng kỵ đặc thù với những vị thần linh chủ đạo nhưng đều thấy sự xuất hiện của bà dù trực tiếp hay gián tiếp. Bà với vai trò là vị phúc thần của cả vùng nên luôn luôn được người dân cung kính, thờ phụng, và đối với họ bà như một chỗ dựa tinh thần không thể thay thế được, tựa như những người con dựa vào sự che chở của mẹ.

5. Tiếp biến văn hóa Việt – Chăm qua tín ngưỡng thờ Thiên Yana ở Nam Trung Bộ

Qua tên gọi

Vị nữ thần xứ sở của người Chăm ở xứ Kauthara xưa kia có tên gọi là Pô Nagar/Pô Inư Nưgar/Muk Juk hay Yang Po Inư Nưgar Taha (8) (thần mẹ xứ sở/vĩ đại) và hiện nay người Chăm ở Ninh Thuận – Bình Thuận vẫn giữ tên gọi như vậy. Khi người Việt tiếp nhận tín ngưỡng thờ mẹ xứ sở của người Chăm đã Việt hóa tên gọi nữ thần với nhiều tên khác nhau, có tên gọi được phiên âm từ tiếng Chăm, có những tên gọi hoàn toàn được Việt hóa.

Khắp vùng Nam Trung Bộ thờ bà với tên gọi phổ biến là Thiên Yana. Trên văn bia do Thượng thư triều Nguyễn Phan Thanh Giản cho biên soạn hiện còn lưu giữ tại Tháp Bà Nha Trang thì bà được gọi là Thiên Yana Diễn Phi Chúa Ngọc. Trong dân gian bà còn có nhiều tên khác nhau, như Thiên Yana, Thiên Yana Thánh Mẫu, Thiên Phi, Thiên Y Chúa Nguộc, Bà Chúa Ngọc, Bô Bô phu nhân, Chủ Ngung Man Nương, Mẫu Vương Chiêm Thành…

Theo tác giả Ngô Văn Doanh thì Thiên Yana là tên gọi nửa Chăm nửa Việt: Thiên – thần/trời theo nghĩa Hán – Việt (dịch theo nghĩa của từ Yan Pô của người Chăm) còn Yana là phiên âm của từ Inư Nưgar – mẹ/mẫu. Ngay tại Tháp Bà Nha Trang hiện nay vẫn tồn tại cả tên Việt (Tháp Thiên Y Thánh Mẫu ở cổng chính) và tên Chăm (Tháp Bà Pô Nagar bên cạnh đền mạn sông Cái). Cả hai tên này đều được nhân dân và tín đồ chấp nhận để gọi về nhân vật được thờ tự trong tháp. Dù tên gọi thế nào đi chăng nữa thì bà vẫn là vị thánh mẫu tối thượng trong đời sống tâm linh của người dân Việt ở Nam Trung Bộ.

Qua truyền thuyết xuất thân

Truyền thuyết Thiên Yana lưu truyền ở vùng đất Khánh Hòa, được ghi trên bia đá ở Tháp Bà Nha Trang là truyện về Bà Thiên Y của người Việt, nhưng có nguồn gốc từ truyền thuyết về nữ thần mẹ xứ sở Pô Inư Nagar của người Chăm ở tiểu quốc Kauthara. Qua thời gian, câu chuyện về mẹ của người Chăm và người Việt ở đây cũng có dị bản, nhưng trong đó sự tương đồng là chủ yếu, dị biệt là tiểu tiết…

Bà trở thành vị thần được thờ phụng trong vùng dựa trên những thánh tích của bà: dạy dân biết trồng lúa, dệt vải, sản xuất, lo sinh kế, tránh hoạn nạn và các phép tắc nghề nghiệp để nuôi nhau. Bà là thần bảo trợ cho mọi nghề nghiệp, thường hiển linh, cứu nhân độ thế. Những người bị bệnh hiểm nghèo, người hiếm muộn, cầu mùa, trị dịch bệnh… đến cầu bà đều được linh ứng. Dù huyền thoại về bà được xuất hiện dưới hoàn cảnh nào thì đối với người Chăm và người Việt ở Nam Trung Bộ, Pô Inư Nưgar/Thiên Yana vẫn là thánh mẫu tối thượng trong đời sống tâm linh.

Qua di tích, di vật

Ở khu Tháp Bà Nha Trang hiện nay vẫn giữ nguyên hệ thống vật thờ (ngẫu tượng linga-yoni, tượng nữ thần và các con vật trong Hindu giáo) của người Chăm nhưng đã được Việt hóa về mặt nội dung. Tháp Đông Nam được gọi là Dinh Cố thờ vợ chồng ông Tiều (bố mẹ nuôi của bà), tháp Nam gọi là dinh Ông thờ Thái tử Bắc Hải (chồng của bà). To nhất là tháp Chính – ngôi tháp thờ Thiên Yana, trên đó có tượng nữ thần Chăm ngồi trên bệ yoni nhưng đã được trang trí thuần Việt (do tượng bị mất đầu nên người Việt đắp thêm đầu với khuôn mặt mang phong cách thần linh Việt, được phủ mũ áo, xiêm y). Còn tháp Tây Bắc được gọi là dinh thờ cô, cậu (con bà). Với sự Việt hóa đó nữ thần Pô Inư Nagar của người Chăm không còn hiện hữu một cách nguyên vẹn mà cùng trên một cái lõi truyền thuyết, trong một khu di tích với những di vật để lại một chiếc áo văn hóa mới đã được khoác lên trên hình tượng này với tên mới là Thiên Yana.

Không chỉ ở khu di tích Tháp Bà Nha Trang mà ở Nam Trung Bộ khá phổ biến việc người Việt thờ tự Thiên Yana hoặc những hóa thân của bà trên những di tích và di vật của người Chăm để lại như: tháp Nhạn (Tuy Hòa), tượng Siva ở chùa Phật Lồi (Tuy An, Phú Yên), bộ linga-yoni ở miếu ông Thạch, tượng Chàm ở chùa Hoa Tiên (Diên Khánh, Khánh Hòa)… Ngoài ra, có rất nhiều cơ sở thờ bà được xây trên nền móng của ngôi tháp Chăm đã đổ như dinh Thiên Y ở xóm Trung Yên trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), lăng Bà Thu Bồn ở Duy Xuyên (Quảng Nam), núi Chúa – Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), miếu Bà trên núi Mò O (An Nhơn), trên núi Bà – Phô Chinh Đại Sơn (Phù Cát, Bình Định)…

Qua tín ngưỡng và lễ hội

Để dung hòa và lập nghiệp trên vùng đất mới, người Việt ở Nam Trung Bộ đã tiếp nhận hệ thống thần linh và nghi thức thờ cúng của người Chăm. Nhiều nghi thức tế lễ hoàn toàn xa lạ với truyền thống nhưng được người Việt thực hành một cách cung kính, được coi là lệ ông bà không ai dám bỏ, như việc: dùng gậy thọc vào khe nứt hang đá tượng trưng cho sự giao hợp nam nữ khi cầu mùa ở đảo Hòn Đỏ, Hòn Nhàn; thờ cúng những sinh thực khí linga-yoni ở Tháp Bà Nha Trang, miếu Ông Thạch (Khánh Hòa), tháp Nhạn Phú Yên… Mặc dù được Việt hóa bằng tên gọi, truyền thuyết và một số nghi thức tế lễ nhưng nguồn gốc Chăm của nó thì không thể phủ nhận.

Ở khu Tháp Bà Nha Trang, bên cạnh việc thờ tự của người Việt thì đối với người Chăm ở Nam Trung Bộ, nữ thần mẹ xứ sở của họ vẫn hiện diện ở xứ Kauthara. Do vậy, họ vẫn ra thờ cúng, cầu xin thần mẹ của mình khi lễ hội hoặc có những công việc quan trọng, như cầu tự, cầu an… Hiện tượng này cũng thấy ở Am Chúa (Diên Khánh, Khánh Hòa), tháp Nhạn (Phú Yên) và một số di tích tháp Chăm khác.

Khoảng hai chục năm trở lại đây, vào ngày vía bà (19 đến 23-3 âm lịch) người Chăm thường đổ về Tháp Bà – Nha Trang tham dự lễ hội và thực hành những nghi lễ truyền thống thờ cúng mẹ xứ sở của mình. Tại đây cùng tồn tại hai hình thức thờ cúng cùng một vị thần của hai dân tộc Việt và Chăm. Phía trước thần điện là nghi thức thờ cúng Thiên Yana – vị thần được triều đình nhà Nguyễn công nhận và liệt vào hàng thượng đẳng thần với những nghi thức tế lễ long trọng, được tổ chức chặt chẽ. Từng đoàn khách hành hương và con nhang đệ tử kiên trì, nhẫn nại vào tháp dâng hương lên thánh mẫu, các hoạt động hầu đồng, múa bóng và trò diễn mua vui cho mẫu diễn ra liên tục trong lễ hội, được sắp đặt rõ ràng và trật tự. Người Việt cúng mẫu bằng đồ chay, bởi họ quan niệm bà là Phật mẫu (trừ nghi thức cúng bà của làng Cù Lao với tư cách là thành hoàng làng được tổ chức vào lúc 1 giờ sáng ngày 23-3 thì lễ vật cúng chính là heo quay và vịt). Phía sau tháp, người Chăm tổ chức lễ cúng nữ thần xứ sở theo cách riêng của mình, quy mô lớn nhỏ tùy thuộc vào từng cá nhân, gia đình, dòng họ. Họ không cúng trong thần điện mà cúng ở ngoài tháp, có múa bóng truyền thống của người Chăm, lễ vật dâng cúng là dê, gà, trứng, cơm canh, trầu rượu… Mặc dù mỗi tộc người thờ tự theo cách khác nhau nhưng cả người Việt và người Chăm vẫn hòa đồng, không bài xích nhau khi cùng tổ chức và thực hành nghi thức thờ cúng thánh mẫu/thần mẹ xứ sở của mình trong cùng một không gian thờ tự.

Ngoài những lễ hội về Thiên Yana và những hóa thân của bà, ở Nam Trung Bộ còn có tục cúng đất (9) – một nghi lễ khá quan trọng, nhằm thờ cúng các các vị thần liên quan đến đất đai trong đó có thần Hậu Thổ – một hóa thân khác của Thiên Yana. Nghi lễ này thể hiện sự hỗn dung văn hóa của người Việt mang tâm lý của những di dân. Tục cúng đất của người Việt ở Nam Trung Bộ xét cho cùng, là một hành vi đạo đức xã hội trong cuộc tiếp xúc văn hóa giữa những người không cùng sắc dân.

Trong tín ngưỡng của ngư dân Việt ở Nam Trung Bộ thì bên cạnh việc cúng ông Nam Hải thường có cả cúng bà (bà Thiên Yana/bà Chúa Xứ/bà Chúa Đảo/bà Vạn Lạch…), khi nghinh ông bao giờ cũng có rước bà. Trước khi ra khơi, ngư phủ thường tổ chức cúng/nghinh ông, còn khi đang đánh bắt ở ngoài khơi, nếu gặp nạn ngư dân thường làm lễ khấn bà Thiên Y phù hộ, mong chuyển nguy thành an, thường rất linh ứng. Khi biển động hoặc mất mùa cá, ngư phủ Khánh Hòa phải cúng bà Chúa Đảo với nghi thức tái hiện hành động giao hợp nam nữ tại miếu Lỗ Lườn trên đảo Hòn Đỏ (Vịnh Vân Phong) – một nghi thức Saman giáo do người Chiêm Thành truyền lại.

Qua văn nghệ dân gian

Dấu ấn và hình tượng Thiên Yana không chỉ hiện hữu trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh của người dân mà còn là đề tài sáng tác của văn nghệ dân gian vùng Nam Trung Bộ xưa và nay.

Truyền thuyết về Thiên Yana luôn tồn tại và hiện hữu trong cộng đồng người Việt và Chăm ở cả hai dạng: văn bản (bia ký, sử sách) và truyền khẩu dân gian (truyện nàng Mujuk, Thiên Y Tiên nữ truyện ký, Tiều công phu phụ mộ ký, truyện Miếu Chuột, truyền thuyết về Bô Bô phu nhân,…). Mỗi địa phương, truyền thuyết về Thiên Yana đều gắn với những sự kiện khác nhau (truyền thuyết về Thiên Yana ở Phú Yên có gắn với sự nghiệp của vua Gia Long, sự tích Bà Thu Bồn có gắn với chiến tích của một nữ tướng Chăm/Việt, truyền thuyết Thiên Yana ở Trà Bồng gắn với quá trình người Việt tiến về vùng sơn địa…).

Bên cạnh đó, thơ ca về Thiên Y thánh mẫu cũng rất phổ biến trong văn học dân gian ở Nam Trung Bộ. Các truyện thơ về Thiên Yana có nội dung chính lấy từ cốt truyện Thiên Y Tiên nữ truyện ký của Phan Thanh Giản chuyển thể thành thơ, được lưu truyền rộng rãi khắp vùng. Truyện thơ về bà thường dài, diễn nôm, giai điệu trữ tình kể về thân thế, sự nghiệp và công đức của bà đối với nhân dân và vùng đất. Điển hình là hai tác phẩm Cổ tháp linh tích Vãn bà.

Trong lễ vía bà Thiên Yana ở Nam Trung Bộ thường diễn ra nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, như hát bộ, múa siêu, hò bả trạo, hát bài chòi, múa võ, đặc biệt là múa bóng. Múa bóng là đặc trưng tiêu biểu nhất trong lễ hội vía bà của cả người Chăm và người Việt ở Nam Trung Bộ. Ở chân Tháp Bà Nha Trang còn có hẳn một xóm bóng thuộc làng Cù Lao chuyên múa bóng dâng bà trong những ngày hội, và trường dạy múa cũng ngay ở trong xóm.

Hiện nay, tham gia múa bóng trong lễ vía bà không chỉ có đội múa của xóm bóng ở Nha Trang mà còn có nhiều đội múa bóng của Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Đắc Lắc, Gia Lai, Sài Gòn, Ninh Thuận (cả người Việt và người Chăm). Có thể khẳng định tục múa bóng của người Việt trong lễ vía bà ở Khánh Hòa hiện nay do người Chăm truyền lại, mặc dù được Việt hóa rất nhiều. Theo thời gian, các điệu múa tín ngưỡng cổ truyền của người Việt dần hòa nhập với điệu múa tín ngưỡng cổ truyền của người Chăm, tạo nên đặc trưng của điệu múa thờ mẫu ở Nam Trung Bộ – múa bóng. Ngoài yếu tố mang tính tín ngưỡng thì múa bóng là một di sản nghệ thuật dân tộc cần được gìn giữ và phát triển.

Do vậy, có thể nói tín ngưỡng thờ Thiên Yana là một yếu tố quan trọng và là môi trường thuận lợi cho sự hình thành và phát triển nhiều loại hình văn nghệ dân gian ở Nam Trung Bộ.

Tín ngưỡng thờ Thiên Yana, xuất phát điểm từ tín ngưỡng thờ thần mẹ xứ sở của người Chăm, đã được người Việt tiếp nhận và dần trở thành tín ngưỡng chủ đạo trong đời sống tâm linh của người Việt vùng Nam Trung Bộ. Có thể nói đây là một hiện tượng tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa độc đáo, kết tinh quá trình giao lưu, hội nhập và kế thừa giữa hai nền văn hóa, tín ngưỡng Chăm – Việt trong lịch sử.

_______________

1. Nguyễn Công Bằng, Tháp Bà Nha Trang, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005, tr.188.

2. Nguyễn Đăng Vũ, Văn hóa dân gian của cư dân biển Quảng Ngãi, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, 2003, tr.51.

3. Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997, tr.108.

4. Nguyễn Đình Hòe, Huệ Nam điện, trong Những người bạn Cố đô Huế, tập II, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997, tr.345.

5. Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu Việt Nam, tập I, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2009, tr.43.

6. Chúc văn cúng thần tại miếu Cổ Chi (khóm Phú Lộc Tây, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa).

7. Đối với tín đồ thờ mẫu ở Nam Trung Bộ thì nước tắm tượng bà trong lễ vía bà rất linh thiêng, người ốm uống vào sẽ khỏi bệnh, vẩy nước vào lưới sẽ đánh bắt được nhiều cá, xoa nước vào trẻ em sẽ luôn được khỏe mạnh, thông minh, vẩy lên công cụ, con/cây giống sẽ được mùa màng bội thu, vẩy lên phương tiện đi lại sẽ bình an…

8. Theo Sakaya (Trương Văn Món) thì Pô/ Pô: ngài, vua, thần; Ina/ Inư: cái/mẹ; Nagar/ Nưgar (nagara – Sanskrit): xứ sở, đất nước, trong Văn hóa thờ nữ thần – mẫu ở Việt Nam và chấu Á bản sắc và giá trị, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2013, tr.621.

9. Ngoài tên cúng đất, ở mỗi địa phương còn có những từ riêng để chỉ hoạt động thờ cúng này. Vùng Bình – Trị – Thiên gọi là lễ tạ thổ (kỳ an) (tạ ơn thần đất và cầu an). Phía nam đèo Hải Vân trở vào người Việt thường gọi là lễ mãi thổ (mua đất), tá thổ (mượn đất) và khao thổ (mừng được đất).

Nguồn : Tạp chí VHNT số 362, tháng 8-2014

Tác giả : Nguyễn Thị Thanh Vân

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *