Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong không gian biển đảo

Việt Nam là một quốc gia có vùng biển trải dài trên 28 tỉnh với hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ. Các di tích khảo cổ học phát hiện trên khu vực biển Đông cho thấy con người cách ngày nay hàng vạn năm đã biết khai thác các nguồn lợi thiên nhiên phục vụ cho cuộc sống của mình. Sự gắn bó của con người với biển khơi trong nhiều thiên niên kỷ đã tạo nên một không gian văn hóa biển đảo Việt Nam vô cùng phong phú, đa dạng, trong đó các di sản văn hóa góp một phần không nhỏ tạo nên bức tranh đa sắc màu của văn hóa biển đảo.

           

Một góc nhìn Côn Đảo. Ảnh: Hà Thanh 1. Di sản văn hóa trong không gian văn hóa biển đảo

Nước ta là một quốc gia có biển với 28 tỉnh duyên hải, khoảng ba ngàn hòn đảo lớn nhỏ rải từ ven bờ rakhơi xa.Trong quá trình sinh sống và phát triển, người dânkhu vực biển đảo nước tađã sáng tạo và gìn giữ, trao truyền cho các thế hệ mai sau một trữ lượng di sản văn hóa vô cùng quý giá, nhiều về số lượng, đa dạng về loại hình, phong phú về giá trị.

Di sản văn hóa phân bố ở tất cả các tỉnh duyên hải, từ đất liền đến hải đảo xa xôi. Theo thống kê sơ bộ, có hơn 1000 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể đã được xếp hạng các cấp. Về tổng thể, di sản văn hóa trong không gian biển đảo bao gồm cả vật thể và phi vật thể. Di sản văn hóa phi vật thể hàm chứa nhiều thể loại, tiêu biểu là các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian,tập quán xã hội và tín ngưỡng,lễ hội, nghề thủ công truyền thống,tri thức dân gian…Trong di sản văn hóa vật thể, có đầy đủ các loại di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia: di tích khảo cổ, di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh. Khảo sát sâu hơn vào các dạng di tích này, có thể nhận thấy:

Các di tích khảo cổ học phân bố trong không gian biển đảo có niên đại từ thời đại đồ đá đến nay, được phát hiện ở các tỉnh duyên hải và trên các hòn đảo như văn hóa Soi Nhụ, Hạ Long (Quảng Ninh); Cái Bèo (Hải Phòng); Đông Sơn (đồng bằng Bắc Bộ); Sa Huỳnh (các tỉnh Trung, Nam bộ); văn hóa Đồng Nai (Nam Bộ). Các di tích khảo cổ cho thấy con người thời tiền sơ sử trên đất nước ta không chỉ loanh quanh ở ven bờ mà đã tiến ra sinh sống trên các hòn đảo xa như Cát Bà (Hải Phòng), Phú Quý(Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), Thổ Chu, Phú Quốc (Kiên Giang), các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Di tích lịch sử trong không gian biển đảo còn lại khá nhiều. Nổi bật nhất là các di tích thương cảng cổ liên quan đến quá trình giao lưu buôn bán giữa các vùng trong nước và nước ngoài thời xa xưa thông qua đường biển như Vân Đồn (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Óc Eo (An Giang). Những di tích đánh giặc Nam Hán, Nguyên Mông ở vùng biển Vân Đồn, cửa sông Bạch Đằng (Quảng Ninh- Hải Phòng),Quảng Xương (Thanh Hóa); di tích lưu niệm các nghĩa sĩ và đồng bào hy sinh trong buổi đầu chống thực dân Pháp (1858- 1860) tại Nghĩa Trũng Khuê Trung (quận Hải Châu – Đà Nẵng); di tích đường mòn Hồ Chí Minh trên biển thời kỳ kháng chiến chống Mỹ với các điểm cầu tàu nhậnhàng, vũ khí đưa vào Nam ở Hải Phòng; các điểm tiếp nhận hàng hóa ở Phú Yên,Cà Mau và các tỉnh duyên hải miền Nam;một số con tàu không số đã bị địch phát hiện bắn phá làm hư hỏng, nhiều chiến sĩ hải quân của ta đã hy sinh trên đường làm nhiệm vụ (Vũng Rô); gần đây nhất là di tích Hòn Đá Bạc (Cà Mau) ghi dấu chiến công của quân dân ta trong việc chống lại các âm mưu chống phá chính quyền cách mạng. Do hoàn cảnh lịch sử nên một số hòn đảo như Côn Đảo, Phú Quốc đã bị biến thành nơi giam cầm, lưu đày những người yêu nước, chiến sĩ cách mạng trong một thời gian dài.Tinh thần kiên cường bất khuất của những người tù nơi đây đã trở thành biểu tượng của lòng quả cảm, yêu nước, yêu tự do, hòa bình của các thế hệ người Việt Nam.

Nhiều danh nhân có công trong quá trình xây dựng và bảo vệ biển đảo các thời kỳ đã được dân chúng lập đền thờ tưởng nhớ công lao, như Trần Khánh Dư, một viên tướng có công trong kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông năm 1287 ở vùng biển Vân Đồn; Nguyễn Công Trứ, người có công di dân khai hoang lấn biển vào thời Nguyễn TK XIX ở Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình; Bình Tây đại tướng quân Trương Định người đã chỉ huy quân dân một số tỉnh miền Tây Nam Bộ chống Pháp ở Gò Công (Tiền Giang).

Những ngôi mộ gió trên đảo Lý Sơn ( Quảng Ngãi) lại mang một thông điệp minh chứng một thời phương tiện đi biển thô sơ, nhưng các chiến sĩ hải đội Hoàng Sa vẫn kiên cường bám biển, bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa. Có những di tích lịch sửở vùng biển đảo liên quan đến cuộc đời hoạt động của một số nhà cách mạng tiền bối, trong đó có các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bến cảng Nhà Rồng trên đảo Cô Tô (Quảng Ninh), xưởng đóng tàu Ba Son… Thêm vào đó còn có các tấm bia chủ quyền trên các đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những di tích liên quan đến hoạt động giao thông trên biển như các ngọn hải đăng, trận địa pháo bờ biển tại Vũng Tàu…đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Những di tích kiến trúc nghệ thuật cũng có mặt trong hầu hết trên các vùng biển đảo nước ta. Đây thường là những công trình xây dựng gắn liền với tín ngưỡng tôn giáo, thờ người có công đánh giặc giữ biển đảo, giúp dân khai phá biển đảo hoặc phục vụ nhu cầu tâm linh của bà con ngư dân như đình Trà Cổ (Quảng Ninh), nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình), đền thờ thần Độc Cước (Thanh Hóa), đền Cờn (Nghệ An), đình làng Triều Dương (đảo Phú Quý – Bình Thuận), chùa Hang, đình Lý Hải, Âm Linh Tự (Lý Sơn- Quảng Ngãi). Những di tích này phô bày tài năng sáng tạo về kiến trúc nghệ thuật của con người sống trong môi trường biển đảo.

Biển đảo Việt Nam mang trong mình vô số di sản thiên nhiên kỳ thú, từ xa xưa đã là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ, đề tài cho biết bao áng thi ca lay động lòng người, điểm đến của các lữ khách du ngoạn gần xa. Một số vịnh đẹp, hấp dẫn như Hạ Long, Nha Trang, Lăng Cô đã được đưa vào danh sách những vịnh đẹp nhất thế giới; có những bãi biển được tôn vinh là bãi biển đẹp, quyến rũ; không ít vùng biển đảo của ta được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới (Cát Bà, Cù Lao Chàm, Phú Quốc …); những rặng san hô mê hoặc lòng người bằng vẻ đẹp kỳ thú trong lòng biển khơi.

Vùng biển nước tanằm trên con đường hàng hải quốc tế nên còn là nơi nhiều con tàu cổbị đắm, mang theo số lượng lớn cổ vật có giá trị. Trong gần 3 thập niên vừa qua chúng ta đã tổ chức khai quật các con tàu cổ bị đắm ởvùng biển Hòn Cau (Bà Rịa- Vũng Tàu), Hòn Dầm (Kiên Giang), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Châu Thuận Biển (Quảng Ngãi),Cà Mau… Tàu cổ Hòn Cau chứa đựng các hiện vật thời Khang Hy,tàu Cà Mau chứa đựng hiện vật thời Ung Chính (Trung Quốc), tàu Hòn Dầm chở đồ gốm Sawankhalok (Thái Lan),tàu Cù Lao Chàm chất nặng đồ gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương).

Các di sản văn hóa phi vật thể hầu hết phản ánh sự gắn bó của cuộc sống của con người và biển cả thông qua các vị thần được thờ (thần Độc Cước, cá ông, Quan Âm Nam Hải),với tục thờ cúng cá ông, lễ cầu ngư, lễ khao lề, thế lính của ngư dân trên đảo Lý Sơn và một số địa phương, hò bả trạo, tri thức dân gian về các hoạt động liên quan đến biển khơi như những tri thức về thời tiết, luồng cá, thủy triều, mùa vụ đi biển.

Các tài liệu thư tịch, thần tích, thần phả, sắc phong, bản đồ cổ… còn lại đến nay cho thấy chính quyền quân chủ nước ta đã quan tâm đến việc xác định chủ quyền, khai thác những nguồn lợi từ biển. Những biên chép của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, Phan Huy Chú trong Hoàng Việt địa dư chí và các thư tịch khác từ thời Lê- Nguyễn đã cho thấy chí ít từ thời các chúa Nguyễn, nhà nước đã lập ra hải đội Hoàng Sa, kiêm quản hải đội Bắc Hải phụ trách khu vực quần đảo Trường Sa, có nhiệm vụ canh giữ và thu nhặt những đồ do các con tàu của nước ngoài qua lại vùng biển này bị chìm đắm trong những tháng biển lặng từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch. Lễ hội khao lề, thế lính nay chỉ còn trên đảo Lý Sơn, với mô hình 5 chiếc thuyền câu và những người nộm tượng trưng cho đoàn thuyền của hải đội Hoàng Sa hiến tế cho biển cả,với mong ước thần linh phù hộ cho những người con của dân làng ra khơi được bình an trở về.

Các di sản văn hóa trong không gian biển đảo được quan tâm nghiên cứu, kiểm kê, phân loại từ khá sớm. Nhiều di tích đã được phát hiện từ thời Pháp thuộc như các di tích khảo cổ: Hạ Long, Đa Bút, Quỳnh Văn, Bàu Tró, Sa Huỳnh, Óc Eo. Ngay trong thời kỳ chiến tranh ác liệt,một số di tích khảo cổ ở vùng biển đảo miền Bắc đã được khai quật, nghiên cứu. Sau ngày thống nhất đất nước, vùng biển đảo miền Trung và Nam Bộ tiếp tục được nghiên cứu, nhiều dấu vết con người thời tiền sơ sử đã được phát hiện ở các vùng biển đảo Cẩm Phả, Cát Bà, Phú Quý, Côn Đảo, Thổ Chu. Hàng vạn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, di sản phi vật thể đã được các địa phương kiểm kê. Trong đó hơn một ngàn di tích và di vật, di sản văn hóa phi vật thể đã được lập hồ sơ công nhận, xếp hạng di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt.Vịnh Hạ Long được Ủy ban di sản thế giới ghi vào danh mục di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới về giá trị thẩm mỹ và địa chất. Hồ sơ đảo Cát Bà đã được gửi đến Trung tâm di sản thế giới đề nghị công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Trong những năm qua, hầu hết các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trong không gian biển đảo đã được đầu tư chống xuống cấp và tôn tạo bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia.Không chỉ có các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh ở vùng duyên hải mà các di tích trên đảo Lý Sơn, khu di tích nhà tù Côn Đảo, trại giam Phú Quốc, đình Trà Cổ, di tích trên đảo Cô Tô… cũng đã được tu bổ phục hồi. 

          2. Vai trò của di sản văn hóa trong không gian biển đảo                    Di sản văn hóa trong không gian biển đảo có vai trò to lớn trong việc khẳng định sự có mặt rất sớm của người Việt trên vùng biển Đông. Ở thời đại đồ đá, con người đã khai thác vùng đất này, để lại những dấu vết của nền văn hóa Soi Nhụ, Cái Bèo, Hạ Long ở vùng biển Đông Bắc, khu vực miền Trung và Nam Bộ là các văn hóa Đa Bút, Quỳnh Văn, Thạch Lạc,Bàu Tró, Bàu Dũ, Sa Huỳnh. Di sản văn hóa trong không gian biển đảo còn cho thấy rằng người Việt đã thực hiện khai hoang, lấn biển, ra định cư ở ngoài các hòn đảo xa như Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Hòn Mê (Thanh Hóa), Cồn Cỏ ( Quảng Trị), Phú Quý, Côn Đảo, Thổ Chu, nhằm canh giữ, bảo vệ các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Các di tích thương cảng ven biển có niên đại hàng ngàn năm, những con tàu chở khối lượng lớn hàng hóa bị đắm trên biển Đông cách nay mấy trăm năm là những minh chứng cụ thể cho sự giao thương rộng rãi giữa nước ta và thế giới. Những di tích, di vật là bằng chứng xác thực về tầm quan trọng của biển Đông trên con đường hàng hải quốc tế từ ngàn xưa.

Những di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, các di sản văn hóa phi vật thể cùng các di vật như thần phả, sắc phong, thư tịch, bản đồ cổ liên quan đến các hoạt động của người Việt trong vùng biển đảo nước ta vừa là những di sản văn hóa quý giá, vừa như những bằng chứng khẳng định chủ quyền của chúng ta về biển Đông. Khi những tranh chấp trên biển ngày càng phức tạp như hiện nay,các di sản văn hóa đó lại càng có giá trị, cần phải bảo tồn gìn giữ một cách toàn vẹn.

         Di sản văn hóa và thiên nhiên trong không gian biển đảo nước ta không chỉ có vai trò to lớn trong việc minh chứng cho sự có mặt, khai thác, xây dựng và đấu tranh bảo vệ biển đảo của các thế hệ cha ông mà còn hàm chứa nhiều vẻ đẹp kỳ ảo, giá trị về lịch sử, hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học, nhân văn. Vẻ đẹp của các bờ biển,vịnh biển, hòn đảo, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong không gian biển đảo từ lâu đã là nguồn tài nguyên quý giá được khai thác để góp phần phát triển kinh tế đất nước.Nhiều bãi biển, vịnh, đảo, rạn san hô đã và đang là các điểm du lịch hấp dẫn, đem lại nguồn lợi kinh tế quan trọng cho đất nước và cư dân địa phương như: Hạ Long, Cô Tô, Cát Bà,Sầm Sơn, Cửa Lò, Lăng Cô, Cửa Tùng, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Vân Phong, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu, Côn Đảo, Phú Quốc.Ngày nay, các phương tiện đi biển ngày càng hiện đại, giao thông đường biển, đường không nối đất liền với biển đảo trở nên dễ dàng, thuận lợi, làm cho biển khơi ngày càng trở nên gần gũi. Những hòn đảo Côn Đảo, Phú Quốc một thời là nơi xa cách ngàn trùng, nơi lưu đày tù nhân, nay đã trở thành những địa điểm du lịch văn hóa, sinh thái hấp dẫn thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước tới nghỉ dưỡng, nghiên cứu, khám phá. Thật khó tưởng tưởng tượng về sự phát triển kinh tế của đất nước, đặc biệt là ngành du lịch mà không nghĩ đến việc khai thác tiềm năng thế mạnh của biển đảo trong đó có các di sản văn hóa và thiên nhiên.

3. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa biển đảo làm động lực phát triển kinh tế biển

 Ngày nay di sản văn hóa và thiên nhiên trong không gian văn hóa biển đảo đang được phát huy giá trị với tư cách vừa làđộng lực tinh thần vừa là nguồn lực để phát triển kinh tế của đất nước.

Về tinh thần, di sản văn hóa góp phần cho công tác giáo dục ý thức về cội nguồn, sự gắn bó máu thịt của con người Việt Nam với biển đảo; giáo dục truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước, tình yêu quê hương đất nước, yêu biển đảo, kiên quyết bảo vệ biển đảo quê hương; tạo động lực tinh thần cho các hoạt động lao động sáng tạo và đấu tranh gìn giữ biển đảo.

Về kinh tế, bên cạnh việc khai thác các nguồn lợi thủy sản, khoáng sản, các di sản văn hóa và thiên nhiên ngày càng đóng góp quan trọng cho việc phát triển kinh tế của đất nước thông qua các hoạt động dịch vụ du lịch văn hóa, ven bờ, vịnh, đảo và đáy biển.Vì vậy cần bảo tồn và phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên trong không gian văn hóa biển đảo để nguồn tài nguyên đókhông bị mai một, hư hại, cạn kiệt.

Cần tiếp tục thực hiện việc điều tra khảo sát, kiểm kê phân loại di sản văn hóa và thiên nhiên, đặt chúng vào những khung giá trị phù hợp; đưa ra các hình thức bảo vệ thích hợp đối với các di sản văn hóa và thiên nhiên ở các mức độ khác nhau;lựa chọn những di sản tiêu biểu lập hồ sơ đề nghị UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nên chú ý lựa chọn xếp hạng các di tích lịch sử văn hóa và thiên nhiên trên các đảo, quần đảo của nước ta, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về di sản văn hóa và thiên nhiên trong không gian biển đảo trên các mặt:

Nghiên cứu nhận diện hiện trạng, tình trạng kỹ thuật, khả năng bảo quản, tu bổ và phục hồi đối với di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, di vật cổ vật, bảo vật quốc gia; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể hiện còn, xác định mức độ phục hồi các di sản văn hóa phi vật thể đã bị mai một; phòng ngừa các rủi ro, thảm họa do con người và thiên nhiên gây ra, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với di sản văn hóa trong môi trường biển đảo.

Xã hội hóa các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong không gian biển đảo, huy động mọi nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Lập quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, bảo đảm tất cả các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh ở vùng biển đảo được bảo quản tu bổ, phục hồi kịp thời, đầy đủ, và luôn ở trạng thái bảo quản tốt.

Lựa chọn các di sản văn hóa phi vật thể đã bị mai một, tùy theo tình hình các chủ thể sáng tạo, tư liệu liên quan để phục hồi, nâng cấp.Thăm dò phát hiện các di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trong vùng biển đảo, thực hiện việc khai quật có kế hoạch, chủ động bảo vệ, gìn giữ di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia để phát huy giá trị tại địa phương và trong nước, chấm dứt tình trạng đem bán ra nước ngoài.

Có cơ chế thích hợp để thu hút nhân lực làm việc ở các vùng biển đảo có hoàn cảnh, địa hình khó khăn, phức tạp.Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, đưa di sản văn hóa trong không gian biển đảo tiếp cận nhiều hơn, gần hơn với công chúng trong và ngoài nước.

Tăng cường sự liên kết giữa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các ngành kinh tế, du lịch, giao thông vận tải, thương mại, dịch vụ, giữa các địa phương nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong không gian biển đảo.

Nghiên cứu mở thêm các tuyến tham quan, du lịch ra các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để đảo xa trở nền gần gũi hơn với đất liền. 

Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, cần mở rộng quan hệ quốc tế trong việc nghiên cứu, thăm dò các nguồn tài nguyên, khoáng sản, thủy, hải sản, hệ sinh thái biển, di sản văn hóa và thiên nhiên làm cơ sở cho hoạt động bảo vệ di sản văn hóa dưới nước trong vùng biển đảo nước ta.

Di sản văn hóa trong không gian biển đảo, đặc biệt là các di sản văn hóa ở trong lòng biển và trên các hòn đảo xa bờ, thường phân bố ở những vùng dân cư thưa thớt, kinh tế khó khăn, rất nhanh bị xuống cấp trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của biển như mưa, bão, độ mặn cao. Nguyên vật liệu, nhân công kỹ thuật bảo quản, tu bổ di tích tay nghề cao hầu hết phải đưa từ đất liền ra, do đó chi phí rất tốn kém, kèm theo đó là những sự thiếu thốn về cơ sở vật chất phục vụ cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Vì vậy, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trong không gian biển đảo; tiếp tục đầu tư chống xuống cấp và tôn tạo di tích theo cơ chế đặc thù; sưu tầm lưu trữ tài liệu, hồ sơ về di sản văn hóa phi vật thể; hỗ trợ tổ chức các lễ hội truyền thống ở những vùng còn khó khăn; xây dựng cơ chế đặc thù phù hợp, tạo điều kiện cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong không gian biển đảođược ổn định, bền vững, trở thành nguồn động lực quan trọng cho sự phát triển đất nước.

_______________

Xem thêm: Nguyễn Quốc Hùng, Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trong không gian văn hóa biển đảo, Bộ VHTTDL – Hội đồng di sản văn hóa quốc gia. Kỷ yếu hội thảo khoa học Văn hóa biển đảo bảo vệ và phát huy giá trị, Hà Nội, 10 – 2014.

 

  

Nguồn : Tạp chí VHNT số 377, tháng 11-2015

Tác giả : NGUYỄN QUỐC HÙNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *