Nghi lễ đặt tên của nhóm dao tiền ở ngân sơn, bắc cạn

Huyện Ngân Sơn, Bắc Cạn chủ yếu có 2 nhóm Dao cư trú là Dao Tiền, Dao Đỏ. Huyện có tổng số 27.680 nhân khẩu, gồm các dân tộc Tày, Dao, Kinh, Nùng, Mông, Hoa. Riêng tộc người Dao có 7.444 nhân khẩu (trong đó, người Dao Tiền có khoảng gàn 4.000 nhân khẩu), đứng vào hàng thứ 2, chỉ sau dân tộc Tày. Người Dao Tiền tập trung đông đúc ở các xã Thượng Ân, Trung Hòa, Cốc Đán, đều là những xã đặc biệt khó khăn nằm trong chương trình 135 hiện nay. Người Dao Tiền ở huyện Ngân Sơn có rất nhiều nghi lễ mang đậm các yếu tố đặc trưng của văn hóa Dao, như lễ đặt tên con, lễ cưới, lễ tang, lễ cấp sắc 3 đèn, 7 đèn và 12 đèn. Bài viết này đề cập các nghi lễ liên quan đến tên gọi của người đàn ông Dao Tiền ở cõi dương, cõi âm.

Những nghi lễ liên quan đến việc đặt tên gọi cho trẻ nhỏ

Nhóm Dao Tiền váy dài ở đây vẫn duy trì các nghi lễ liên quan đến việc đặt tên gọi cho trẻ nhỏ. Bao gồm: nghi lễ cúng báo tổ tiên, đặt tên cúng cơm cho trẻ; nghi thức khai sinh, đặt tên chính thức cho trẻ nhỏ; nghi lễ đổi tên cho những đứa trẻ khó nuôi.

Nghi lễ cúng báo tổ tiên, đặt tên cúng cơm cho trẻ

Việc chuẩn bị nghi lễ chỉ tiến hành khi gia đình có trẻ nhỏ mới sinh. Đứa trẻ sẽ được bố làm lễ cúng báo cho tổ tiên biết rằng đã có thêm một thành viên mới trong gia đình khi chúng được 3 ngày tuổi nếu là con trai, và 7 ngày tuổi nếu là con gái.

Với người Dao Tiền nói chung, người Dao Tiền ở huyện Ngân Sơn nói riêng, gia chủ làm lễ búa phàm chiu với mục đích báo cho ma của tổ tiên, dòng họ biết đã có thêm một cháu nhỏ, một thành viên chính thức của dòng họ để các ma che chở, phù hộ, không bắt nạt hay quấy nhiễu. Tại nghi lễ búa phàm chiu, tên đứa trẻ dùng khi cúng được sử dụng theo số thứ tự. Đây là điểm khác khi so sánh với nhóm Dao Đỏ là tên gọi của đứa trẻ được gọi bằng danh từ riêng chứ không phải số từ như ở nhóm Dao Tiền. Có thể do nhóm Dao Tiền chuyển cư từ rất sớm, mang theo nhiều các tàn tích văn hóa nguyên thủy, nên mới có việc định danh cho trẻ theo số từ. Điều này khác hẳn với kiểu đặt tên cho con bằng danh từ riêng của người Dao Đỏ, thường chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán.

Việc gọi tên được thực hiện theo thứ tự của những đứa con nên khi cúng báo, ông thày phải nói rõ là con thứ mấy, bố mẹ là ai, hiện đang cư trú, sinh sống ở đâu để ma tổ tiên có thể nhận biết được một cách rõ ràng, tránh trùng lặp hoặc nhầm lẫn. Trong trường hợp người bố của đứa trẻ chưa trải qua nghi lễ cấp sắc ba đèn, tên gọi theo số thứ tự của đứa trẻ, người bố sẽ chỉ được tổ tiên cùng biết, chứng giám chứ không thể nhận được sự bảo hộ của các pháp sư. Khi cần thỉnh cầu tổ tiên giúp đỡ, phù hộ, tổ tiên sẽ khó nhận biết hơn so với những đứa trẻ mà ông bố đã có tên âm – pháp danh, có các pháp sư riêng để phù trợ, dẫn dắt hay giúp đỡ tại bên cõi âm. Quan niệm này cũng tạo nên một áp lực tâm lý, khiến cho việc thực hành nghi lễ cấp sắc ba đèn trong cộng đồng người Dao Tiền ở đây trở nên bức thiết hơn.

Trong việc định danh đứa trẻ theo số thự tự, điều thú vị là đến con thứ tám dù trai hay gái đều được gọi là lỉu, nghĩa là hết. Từ đứa thứ 9 trở đi, khi cúng báo tổ tiên, ông thày sẽ không gọi tên theo số thứ tự mà gọi là con thêm, mỗi khi có việc cần cầu cúng liên quan đến đứa trẻ ấy thì định danh là đứa con thêm của nhà ông bà tên là gì, ở đâu…

Nghi lễ khai sinh, đặt tên chính thức cho trẻ

Thời gian làm nghi lễ tại gia đình nhìn chung không phụ thuộc vào tuổi đứa trẻ. Với trẻ em nam, lễ này buộc phải tiến hành trước khi chúng thực hiện lễ cấp sắc, đặt tên âm (pháp danh). Nói cách khác, đàn ông Dao được coi là trưởng thành cần phải có đầy đủ 2 loại tên gọi của cõi dương và 1 tên gọi dành cho cõi âm. Thông thường, người Dao Tiền tổ chức nghi lễ lồng ghép trong các dịp rằm tháng Giêng, tháng 7. Đây là những ngày phổ biến nhất; ngoài ra còn là vào các ngày mùng 1, ngày rằm trong năm. Để thực hiện lễ, gia chủ chuẩn bị một vài mâm cơm tùy theo khả năng, mời người thân đến dự. Trước đó, gia chủ nhờ một người giỏi chữ nghĩa ở trong bản chuẩn bị sẵn một tờ giấy. Tờ giấy đó được ghi sẵn giờ, ngày, tháng, năm sinh của đứa trẻ, họ và tên bố mẹ, số thứ tự của đứa con, tên tạm gọi của nó hiện nay. Ngoài ra, tờ giấy còn được ghi thêm mấy câu hát ví.

Chuẩn bị xong, người ta sẽ mang tờ giấy đến nhà. Nếu gia chủ làm cơm cúng thì sẽ có vài lời trước bàn thờ tổ tiên về việc đặt tên cho đứa trẻ, tên gọi chính thức, sau đó sẽ cùng dự bữa cơm thân mật. Giữa chừng bữa cơm, người ấy sẽ đứng dậy rút trong túi ra những gì mình đã chuẩn bị, đọc to cho mọi người cùng nghe, rồi trao lại cho bố mẹ đứa trẻ cất giữ. Đến đây, nghi thức khai sinh kết thúc. Kể từ đó, đứa trẻ mới chính thức được nội tộc, cộng đồng thừa nhận về mặt tên gọi thông qua một tên gọi kép. Việc buộc phải sử dụng tên gọi kép này là bởi, trong mỗi dòng họ người Dao luôn có những quy định chặt chẽ về thứ bậc, tôn ti, trật tự… Nếu cùng tên đệm, ai nhìn thấy mặt trời trước sẽ là anh, là chị, chỉ cần biết tên, năm sinh, dù là họ hàng xa, họ sẽ nhận ra người kia là anh em hay chú bác… mỗi khi gặp nhau.

Nghi lễ đổi tên cho những đứa trẻ khó nuôi

Theo tập tục truyền thống, những đứa trẻ sinh ra, lớn lên nếu gặp ốm đau, bố mẹ của chúng sẽ mời thày về làm lễ cúng. Trường hợp cúng như vậy mà trẻ vẫn hay bị ốm đau thì phải làm lễ đổi tên, bởi người Dao Tiền quan niệm có thể một loại ma nào đó không đồng ý cho đứa trẻ sử dụng tên đang gọi. Nghi lễ này thường được tiến hành kể từ khi trẻ nhỏ biết đi, biết ăn cơm cho đến khoảng 9 – 10 tuổi, nhưng phổ biến ở giai đoạn từ 1 đến 6 tuổi. Trường hợp khi ông thày xem trong sách cúng, thấy cần phải đổi tên cho trẻ chứ không thể gửi họ hàng, anh em làm con nuôi được thì trẻ phải được bố mẹ thực hiện nghi lễ đổi tên, có thể được tiến hành bằng 1 trong 2 cách sau:

Cách thứ nhất

Bố mẹ đứa trẻ sẽ vào rừng, tìm một tảng đá thật to, chắc chắn để nhận làm bố mẹ nuôi cho trẻ. Tảng đá sẽ được coi như một vật hộ mệnh của trẻ. Tên của đứa trẻ trong trường hợp này thường được gọi là Thạch (đá) hoặc Lâm (rừng). Để làm lễ, người Dao Tiền gọi là trúi bánh, ông thày sẽ cùng bố mẹ mang đứa trẻ, ít gạo, rượu, thịt, tiền giấy bản, hương đến nơi có tảng đá đã chọn. Sau khi bày lễ vật cúng với mục đích tảng đá sẽ phù hộ cho trẻ lớn lên mạnh khỏe, ông thày đốt tiền giấy bản rồi mang các lễ vật về nhà, đem số gạo đã cúng để bố mẹ nuôi nấu cháo hoặc nấu cơm cho trẻ ăn. Vào những ngày mồng 1, ngày rằm của 1, 2 tháng đầu, bố mẹ đứa trẻ lại mang gạo đến cúng tại tảng đá rồi đem về nấu cho trẻ ăn. Khi thấy trẻ bắt đầu có biểu hiện khỏe mạnh trở lại thì không gọi tên là Thạch hoặc Lâm nữa mà gọi là Bánh. Cũng kể từ đó, dịp rằm tháng 7 âm lịch, những ngày đầu năm, gia chủ phải mang lễ vật đến tảng đá này cúng. Việc cúng kết thúc khi trẻ trưởng thành, được làm lễ cấp sắc hoặc dựng vợ, gả chồng. Cần nói thêm rằng, trong suốt quá trình trên, mỗi khi Bánh ốm đau, nếu bói thấy bố mẹ nuôi phật ý điều gì thì gia chủ phải mời thầy đến đó cúng tạ lỗi, làm thủ tục gọi hồn cho Bánh.

Cách thứ hai

Ngoài việc gửi đứa trẻ cho bố mẹ nuôi là tảng đá (trúi bánh), người Dao Tiền còn có một nghi thức nữa, gọi là trúi phính. Nghĩa là đổi hẳn tên gọi của trẻ bằng tên gọi một dòng họ nào đó của người Dao Tiền. Đầu tiên, gia chủ phải đến thầy xem. Nếu thấy trẻ hợp với dòng họ nào thì bảo bố mẹ của trẻ đến nhà ông trưởng dòng họ đó làm thủ tục. Trường hợp nhà ông trưởng họ ở xa thì có thể đến một gia đình ở trong dòng họ ấy xin phép, mang lễ vật đến bày lên bàn thờ, thắp hương thỉnh cầu ma tổ tiên của dòng họ đó phù hộ cho trẻ mạnh khỏe, hay ăn chóng lớn. Trường hợp này, nếu là họ Triệu, tên của trẻ là Triều; họ Bàn, tên của trẻ là Piền… Hàng năm, vào dịp tết Nguyên đán và rằm tháng 7, gia chủ phải mang chút lễ vật đến thắp hương, lễ tạ tại bàn thờ tổ tiên của dòng họ, gia đình nọ. Việc lễ tạ kết thúc khi trẻ được lấy vợ, lấy chồng. Nhưng với ý thức tôn trọng tổ tiên, nguồn cội, nhiều cặp vợ chồng sau khi lấy nhau vẫn đi thăm hỏi bố mẹ nuôi của mình vào các dịp tết, lễ.

Lễ cấp sắc 3 đèn, đặt tên âm (pháp danh) cho người đệ tử thụ lễ

Trong lễ cấp sắc ba đèn, người đệ tử thụ lễ sẽ được các thày cúng làm thủ tục xin tên âm (pháp danh), cấp miếu đèn, binh mã, nhằm khai thông, soi sáng cho linh hồn của người đệ tử. Binh mã giúp người đệ tử có quân binh, sức mạnh để điều hành các công việc thuộc nghi lễ cúng bái, mỗi khi cần có sự trợ giúp của bên âm. Theo quy định, trong lễ cấp sắc 3 đèn, người đệ tử được cấp 3 miếu đèn, 36 binh mã. Trước khi làm lễ khoảng vài tháng, bố mẹ chàng trai đi nhờ thầy cúng xem ngày lành, tháng tốt (cũng có thể tự xem nếu trong nhà có người đã qua lễ cấp sắc ba đèn, biết cúng). Sau đó, gia chủ sẽ thống nhất, bàn bạc, tiến hành chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho việc làm lễ. Người Dao Tiền rất kiêng việc đã xem ngày cấp sắc mà không tiến hành bởi nếu vậy thì sau này khi gia chủ qua đời sẽ phải làm ma ở ngoài lều nương. Tại lễ cấp sắc 3 đèn, có rất nhiều lễ nhỏ, như: lễ cúng báo các thánh thần đến dự lễ, lễ cấp 3 đèn, múa tập binh mã, lễ cúng Bàn Vương.

Tuy có nhiều nội dung tại lễ cấp sắc, nhưng trọng tâm của nghi lễ là đặt tên âm, cấp miếu đèn, binh mã cho người đẹ tử thụ lễ. Lễ này được tiến hành vào khoảng 22h của đêm thứ 2 trong nghi lễ cấp sắc 3 đèn.

Trước khi hành lễ, ông thày cả phải cởi bỏ áo choàng ngoài, chiếc mũ hình mào gà. Thày đọc nội dung ghi trong quyển vở đã chuẩn bị sẵn, bưng bát nước có rắc hạt vừng lên, lấy chiếc que gạt qua gạt lại trên mặt bát làm bùa phép, thỉnh thoảng đặt xuống bàn, nhảy lên vỗ mạnh hai tay. Sau đó, trưởng bếp vào bê bát nước này để thày cả giơ hai tay lên trời nhẩm đọc thần chú. Mỗi lần đọc xong, thày lại ngậm một ngụm nước nhỏ phun ra phía trước làm phép để hóa mây cho mình lẩn vào đó. Tiếp đó, ông bếp giơ chiếc ghế ba chân đã phủ vải trắng, cao ngang mặt thày để thày cả phun nước có rắc hạt vừng, dùng chiếc que làm phù phép lên ghế, rồi mang đặt ở giữa nhà. Xong việc này, ông bếp phụ đi thắp hương để báo với thần linh về một lễ thức đặc biệt chuẩn bị diễn ra. Lúc này người thụ lễ mới được ngồi trên chiếc ghế ba chân kia để thực hiện nghi thức đội đèn, cấp binh mã, đặt tên âm. Lúc này, ông thày sẽ hỏi người thụ lễ để người ấy kể ra xem trong tâm mình hiện còn điều gì chưa tốt để thầy gột rửa hết điều xấu, thay vào điều tốt đẹp. Sau đó, ông thầy cầm chiếc que tre đi vòng quanh, rồi đứng đằng sau người thụ lễ, trên tay cầm ít tiền giấy bản đưa đi đưa lại, vứt tiền giấy qua phía sau lưng, quay mặt ra cửa làm lại động tác này. Phần tiền còn lại đặt lên lưng người thụ lễ. Các động tác được lặp đi, lặp lại 3 lần.

Thày vừa cúng vừa lấy hai tay bắt chéo trước đầu gối, ngửa ngược lòng bàn tay ra phía trước, cúi khom người nhảy lò cò một chân xung quanh người thụ lễ. Rồi thày đứng sau người thụ lễ giơ lần lượt hai tay lên phía đầu người ấy bắt quyết, làm phép tẩy rửa những gì không tốt. Ông bếp phụ mang lọ nhang giao cho thày để thày đặt lên bàn thờ trước khi giao cho người thụ lễ. Tiếp đó, thày cả thực hành nghi lễ xin tên cho người thụ lễ. Đầu tiên, thày cả trao lọ nhang cho người thụ lễ cầm, rồi giao lại cho trưởng bếp để ông ta đặt lọ này dưới gầm ghế người thụ lễ. Trưởng bếp thắp đèn (nến) vái 3 vái, giao cho thày cả. Thày cả vái 3 vái, nhận đèn, làm phép ở 4 hướng rồi giao đèn. Đèn 1 giao cho thày thứ 3 giữ trên đầu người thụ lễ, đèn 2 giao cho thày thứ 2 để giữ ở vai phải người thụ lễ, đèn 3 do cha của người thụ lễ giữ ở vai bên trái của người thụ lễ. Đặt đèn xong, 2 thày chính, ông bố tiếp tục đọc bài cúng với mục đích khai quang cho linh hồn người thụ lễ ở bên âm. Trong bài cúng, ngoài công việc trên, ông thày còn có trách nhiệm báo với thần thánh tên cúng cơm, tên thường gọi của người thụ lễ, con của ai, tên pháp danh của bố đẻ là gì. Khẳng định với thần thánh người thụ lễ này chưa được cấp sắc, chưa xin tên âm lần nào, nên mong các thánh thần, pháp sư ủng hộ, phù trợ để việc xin tên âm diễn ra thuận lợi, nhanh chóng. Vừa đọc, 3 người vừa đi vòng quanh vị trí ngồi của người thụ lễ, vừa đi 2 ông vừa lắc chuông, người cha đi sau gõ 2 mảnh cháo, rồi đi vòng ngược lại. Sau đó thày cả chính thức đánh 2 mảnh cháo xin tên cho người thụ lễ. Tên được chọn không trùng với tên của bất kỳ ai trong họ. Khi chọn tên cũng phải xem trong sách cúng để xin phép chứ không được chọn tuỳ tiện. Việc đánh 2 mảnh cháo xin âm dương như sau: lần đầu hai mảnh cháo cùng ngửa, lần thứ hai cùng sấp, lần thứ ba một ngửa một sấp tức là thần thánh đã đồng ý. Vì việc xin âm dương phức tạp nên trường hợp thày cả tiến hành nhiều lần không được, thày thứ hai sẽ hỏi xin, nếu thày hai hỏi xin vẫn không được thì cha đẻ của người thụ lễ sẽ xin. Trong quá trình gieo quẻ, xin tên âm, người gieo quẻ sẽ phải nói rõ tên, tuổi của đệ tử thụ lễ – tên gọi ở cõi dương đã được thông báo tới tổ tiên, thần thánh tại các nghi lễ đặt, đổi tên.

Theo quan niệm của người Dao, người đàn ông nếu đã đến tuổi trưởng thành không được đặt tên âm, cấp binh mã, cấp đèn thì khi chết hồn sẽ không về đoàn tụ với tổ tiên ở Dương Châu hoặc Kinh Châu đại điện, chỉ được về ký thác ở động Đào Hoa, Lâm Châu cùng với hồn trẻ con chết yểu. Vì vậy, lễ đặt tên âm – thụ đèn, cấp binh mã là một thủ tục đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh của người Dao. Với người Dao Tiền, nếu chưa trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao không được tiến hành mở đầu cho các kỳ tra hạt trên nương; không xách nước, mang lửa vào nhà mới; không tham gia bàn bạc các công việc hệ trọng của gia đình, dòng tộc, làm ông mối hoặc đại diện nhà trai để đón dâu, quan trọng hơn cả là không được đụng đến ống cắm hương trên bàn thờ, tham gia vào các nghi lễ có tính chất cúng bái. Đó là những quan niệm hết sức khắt khe.

Lâu nay, nhiều tài liệu nghiên cứu ở Việt Nam khi đề cập đến tục cấp sắc của người Dao thường ít đề cập đến tục đặt tên cho trẻ nhỏ. Trên thực tế, nếu chỉ nhìn vào hệ thống nghi lễ đặt tên, đổi tên cho trẻ nhỏ thì sẽ khó phát hiện mối quan hệ, ràng buộc giữa những nghi lễ này với lễ cấp sắc 3 đèn của nhóm Dao Tiền cư trú tại địa bàn huyện Ngân Sơn, Bắc Cạn.

Với người đàn ông Dao Tiền biết lo toan, gánh vác trọng trách trong đời sống gia đình, cộng đồng, họ phải được xác nhận bản thân thông qua các nghi lễ đặt tên cúng cơm, tên khai sinh hoặc tên đã được đổi sau khi tiến hành nghi lễ cúng bói, được sự chấp nhận, bằng lòng của tổ tiên và các thần thánh. Chỉ khi có tên gọi ở cõi dương, họ mới được gọi đúng tên để các thần thánh kiểm tra, cấp tên âm. Từ đó, mới có thể trở thành các pháp sư thực hành nghi lễ cúng bái, được thần thánh, tổ tiên chấp thuận, cho phép sử dụng pháp danh trong quá trình điều hành binh mã, giải quyết các công việc ở bên cõi âm. 2 trạng thái trên được tồn tại song hành trong một chủ thể. Bởi vậy, sẽ là rất hạn chế nếu như chúng ta chỉ đề cập đến pháp danh của người đệ tử cùng với việc cấp miếu đèn, binh mã… mà quên rằng sở dĩ xác lập được tên âm cho người đệ tử thụ lễ là do sự chấp thuận của các thánh thần, tổ tiên, bắt đầu từ tên gọi ở cõi dương cho đứa trẻ. Trong một chặng đường dài, tên cúng cơm, khai sinh được thánh thần, tổ tiên… phù trợ cho sức khỏe, chóng lớn, đợi đến ngày làm lễ cấp sắc. Thông quá cái tên hợp lệ đó, tổ tiên, thánh thần mới có thể kiểm tra xem có phải người đệ tử thụ lễ này chưa được cấp sắc, đặt tên âm hay đã được thực hiện rồi nhưng không thành… Trong cuộc sống, anh ta có phải người hiền lành, đức độ hay không, có đủ điều kiện để khất nguyện với thánh thần để trở thành pháp sư hay không. Đó là sự chi phối của Đạo giáo ngay từ khi đứa trẻ vừa mới ra đời, ở phương diện, khái niệm gần nhất trong sự tồn tại của mỗi cá thể: tên cúng cơm, tên thường gọi. Điều này ít nhiều đã tạo thêm niềm tin, tạo thêm áp lực cho việc thực hành nghi lễ cấp sắc 3 đèn, tiến hành đặt tên âm cho người đàn ông trong đời sống tâm linh người Dao nói chung, người Dao Tiền ở huyện Ngân Sơn, Bắc Cạn nói riêng, giúp giải thích tại sao lễ cấp sắc 3 đèn vẫn tồn tại phổ biến trong cộng đồng người Dao.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 380, tháng 2-2016

Tác giả : BÀN TUẤN NĂNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *