Tục nhuộm răng đen của người việt

Nhuộm răng đen là một tục lệ lâu đời, xuất hiện từ thời Hùng Vương, tồn tại suốt mấy ngàn năm trong lịch sử văn hóa của người Việt. Đây vốn là phong tục cổ truyền không chỉ của cư dân người Việt mà còn tồn tại ở cộng đồng các dân tộc như Thái, Mường, Dao, Lự, Si La,…Trong cộng đồng người Việt, tục nhuộm răng đen chủ yếu chỉ phổ biến ở khu vực miền Bắc và miền Trung, còn ở miền Nam không thấy dấu vết của phong tục này.

         Tục nhuộm răng đen trong nhận thức người Việt

         Theo quan niệm thẩm mỹ xưa thì hàm răng đen được coi là chuẩn mực của cái đẹp không chỉ riêng đối với phụ nữ mà ngay cả nam giới cũng vậy, tuy ở nam giới ít hơn. Do đó, vẻ đẹp của hàm răng đen đã dần được đưa vào ca dao, thi ca như một chuẩn mực về nét đẹp của phụ nữ Việt Nam: Răng đen ai nhuộm cho mình/ Cho duyên mình đẹp, cho tình anh say?. Được xếp thứ 4 trong 10 chuẩn mực đo nét duyên của người con gái: Một thương tóc bỏ đuôi gà/ Hai thương ăn nói mặn mà có duyên/ Ba thương má lúm đồng tiền/ Bốn thương răng láng hạt huyền kém thua. Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm ra đời trong hoàn cảnh nhà thơ nghe tin giặc Pháp tàn phá quê hương, bao hình ảnh thân thương của làng quê đang bị quân giặc giày xéo hiện lên trong trí óc nhà thơ, trong đó có nụ cười của cô gái Kinh Bắc: Những cô hàng xén răng đen/ Cười như mùa thu tỏa nắng.

         Không chỉ là chuẩn mực của cái đẹp, tục nhuộm răng đen trở nên phổ biến đến nỗi được coi là chuẩn mực đạo đức. Trong xã hội bấy giờ, người ta cho rằng người nào răng trắng là người không tử tế: “Song tục quen đã lâu, đàn ông trắng răng thì chẳng sao, chứ đàn bà nhà tử tế bây giờ mà trắng răng thì coi cũng khí ngộ một đôi chút” (1). Phan Khôi cũng từng dẫn lời của một nhà báo lấy biệt hiệu là Lư Sơn Chơn Tướng về vấn đề này: “Tôi từng đi đủ Trung – Bắc hai kỳ, tôi thấy những nhà thi lễ, tức là bậc thượng lưu trong xứ, thì đàn bà con gái của họ cũng đen răng, cho như thế là trang nghiêm mỹ lệ; còn trái lại, răng trắng thì cho là đồ ăn chơi đĩ thõa. Coi đó thì biết cái tục răng đen của người Nam là từ các đấng tiên dân bày ra và đã lâu đời lắm rồi, chẳng những cho là đẹp mà cũng lấy đó tỏ ra là nề nếp con nhà nữa…. Khắp nước Việt Nam, trừ xứ Nam kỳ ra, thì tôi thấy đâu đâu đàn bà con gái cũng đen răng hết, duy có những hạng vợ tây, vú, bồi, bếp gái ở với Tây thì mới hay để răng trắng mà thôi, thế thì cái tục ấy xấu tốt thế nào cũng đủ biết” (2).

         Do lẫn lộn tục ta với tục của Tàu, Tú Lan cho rằng tục nhuộm răng của ta là từ Trung Quốc truyền sang, do thời đó người Trung Quốc vì không muốn người Nam lẫn với người Tàu, vì sợ thành ra bình đẳng thì khó bề cai trị đè nén, bởi vậy mà họ bắt buộc người Nam phải nhuộm răng cho phân biệt. Tuy nhiên, cũng có người không tán đồng quan điểm trên, trích lời Lư Sơn Chơn Tướng để cải chính lại: “Ở bên Tàu chúng tôi, những người nào chưa hề bước chơn qua đất nầy thì chẳng bao giờ ngờ được rằng người An Nam có răng đen. Hoặc giả có người nghe nói tục đó, rồi khi gặp người Hoa kiều nào ở bên nầy về, đến nỗi đem mà hỏi nhau rằng: “Người An Nam đen răng, có phải là trời sanh ra như vậy không?” Còn như thứ thuốc gì mà nhuộm cho đen răng, thì thật họ tịt mù, chẳng hề ai biết tới. Huống chi người Tàu chúng tôi đã vốn không có tục nhuộm răng, lại cũng không hề biết đến cái tục ấy nữa” (3).

         Có nhiều người lại nhập nhằng giữa tục nhuộm răng đen và tục ăn trầu, họ cho rằng do ăn trầu nên răng mới đen chứ không xem răng đen là một phong tục riêng của người Việt: “Người Tàu cho rằng vì ăn trầu mà sinh ra tục nhuộm răng. Phần nhiều người Châu Âu tiếp xúc với người Việt Nam từ TK XIX trở về trước cũng cho rằng vì ăn trầu cho nên răng thành đen” (4). Tuy nhiên, cũng đã khẳng định: “Thực ra tục ăn trầu và tục nhuộm răng không có quan hệ gì với nhau, duy hai tục ấy đều khiến cho răng thành vững chắc” (5). Như vậy, cần phải khẳng định rằng, răng đen không phải là do ăn trầu. Bởi người ăn trầu mà không nhuộm răng thì răng có màu đỏ sẫm chứ không đen nhánh. Do đó, tục nhuộm răng đen là một nét văn hóa thể hiện quan niệm về cái đẹp của người Việt. Để có được hàm răng đen nhánh hạt huyền thì người ta cần phải trải qua nhiều công đoạn nhuộm công phu và cũng không kém phần gian nan chứ không phải do ăn trầu mà có.

         Các công đoạn nhuộm răng đen

         Theo phong tục người Việt, người ta chỉ bắt đầu nhuộm răng khi đã thay xong lượt răng sữa, đã có một số răng hàm. Không chỉ nữ giới nhuộm răng mà nam giới cũng nhuộm răng.

         Nhuộm răng thường được chia làm 4 công đoạn:

         Đầu tiên là phải làm sạch răng, thường kéo dài 3-5 ngày. Sau mỗi bữa ăn, người nhuộm răng phải đánh sạch răng bằng vỏ cau khô, có nơi còn dùng bột than củi. Sau đó xúc miệng kỹ bằng nước có tính axit mạnh như chanh hay dấm. Người Huế thì ngậm nước nấu từ lá cây sôn (một loại lá có vị chua). Trước khi đi ngủ có thể ngậm thêm vài lát chanh mỏng. Các biện pháp này đều có tác dụng làm sạch răng, axit sẽ làm mỏng bề mặt ngoài của men răng, giúp thuốc nhuộm dễ kết bám hơn.

         Tiếp theo là công đoạn nhuộm đỏ răng. Người ta dùng bột nhựa cánh kiến tán nhỏ, vắt chanh vào rồi để kín trong 7 ngày cho chất chua của chanh thấm vào bột cánh kiến. Có thể thay chanh bằng giấm gạo hoặc rượu gạo. Dùng hỗn hợp này quết vào mảnh lá dừa hoặc lá cau, đợi lúc đi ngủ áp vào hai hàm răng. Làm nhiều lần như vậy cho đến khi màu cánh kiến ăn dần vào răng, màu răng chuyển dần sang đỏ thẫm là được.

         Sau khi răng lên màu đỏ như ý muốn, người ta bắt đầu công đoạn nhuộm đen. Lúc này vẫn dùng bột cánh kiến, nhưng hòa với phèn đen, rồi cũng quết hỗn hợp này lên lá dừa hoặc lá cau, đợi khi đi ngủ thì áp vào răng. Lần nhuộm đen chỉ cần độ 2 đêm là được.

         Cuối cùng là công đoạn chiết răng. Công đoạn này có tác dụng giữ màu đen cho răng. Người ta lấy gáo dừa già đã phơi khô để lên con dao rồi đốt cho gáo dừa chảy ra thứ nhựa đen sền sệt, rồi lấy nhựa đó phết vào răng, răng sẽ có màu đen bóng và lâu phai.


 Tục nhuộm răng đen. Ảnh Đoan Trang 

         Trong giai đoạn nhuộm răng, người nhuộm răng không những phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức mà còn phải chịu đau đớn về thể xác. Vì thuốc dùng để nhuộm răng là những chất nồng, cay nên thường làm cho môi, lưỡi, lợi của người nhuộm bị sưng tấy khiến người nhuộm rất vất vả trong ăn uống. Bên cạnh đó, để tránh làm phai màu thuốc lúc thuốc vẫn chưa bám chặt vào răng, trong quá trình nhuộm, người nhuộm răng phải kiêng khem đủ thứ, không được ăn đồ nóng, cứng, đôi khi ăn mà không dám nhai, chỉ dám nuốt chửng, thường là chỉ ăn những thức ăn mềm lỏng như cháo, bún,… Đợi đến khi chiết răng xong thì họ mới dám ăn lại bình thường.

         Răng tuy đã chiết rồi, màu đã bám chắc rồi nhưng theo thời gian thì màu răng có thể sẽ bị phai bớt. Do đó người ta cần phải nhuộm lại. Đàn ông thì nhuộm lại độ 1,2 lần, còn phụ nữ thì mỗi năm nhuộm lại một lần, đến độ qua 30 tuổi cũng không nhuộm lại nữa.

Tục nhuộm răng thời bấy giờ được ưa chuộng đến mức trở thành một nghề để kiếm sống. Ngày xưa, ở nông thôn lẫn thành thị đều xuất hiện những thày nhuộm răng. Các thày nhuộm răng thường đi từ làng này sang làng khác để hành nghề, thường nhuộm tại nhà gia chủ. Ở thành thị như ở kinh đô Huế thì thày nhuộm thường hành nghề ở một địa điểm cố định, người nhuộm răng thường ăn ở tại nhà thày nhuộm trong quá trình nhuộm. Một số nhà thày nhuộm còn chuẩn bị cả những tiết mục mua vui để phục vụ người đến nhuộm răng.

         Lịch sử tục nhuộm răng đen của người Việt

         Theo nhiều tài liệu ghi chép lại thì tục nhuộm răng đen của người Việt có từ thời sơ sử (cách đây 4000 năm), giai đoạn hình thành nhà nước sơ khai Văn Lang – Âu Lạc. “Người Văn Lang có thói quen ăn trầu, nhuộm răng đen” (6) và “cư dân Văn Lang, Âu Lạc đều có ý thức cùng chung một cội nguồn, một tổ tiên, một tập quán chung là nhuộm răng, ăn trầu” (7). Trong phần diện mạo văn hóa Đông Sơn có viết: “Tục ăn trầu, nhuộm răng đen và tục xăm mình rất phổ biến” (8). Hoặc Trần Quốc Vượng có đề cập: “Phong tục tập quán của người Đông Sơn rất đa dạng ví như tục nhuộm răng, ăn trầu” (9). Đặc biệt là trong các mộ thuyền, các nhà khảo cổ học Việt Nam tìm thấy người Đông Sơn đều nhuộm răng đen. Năm 1999, Bảo tàng lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở VHTTDL Vĩnh Phúc đã tìm thấy bộ di cốt tại di chỉ Đồng Đậu thuộc Yên Lạc, Vĩnh Phúc còn gần như nguyên vẹn, khoảng 3500 tuổi, có dấu vết của tục nhuộm răng đen.

         Đến thời Bắc thuộc, tục nhuộm răng đen vẫn còn được duy trì: “Do đã bắt rễ sâu vào các công xã nông thôn thời Văn Lang, Âu Lạc nên trong thời Bắc thuộc nói chung các phong tục tập quán của người Việt vẫn được duy trì và có sức sống mạnh mẽ. Cùng với tục dùng trống đồng, nhiều tục lệ cổ truyền khác vẫn được bảo tồn, như tục cạo tóc hay búi tóc, tục xăm mình, tục nhuộm răng, ăn trầu” (10). Khi nói về cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ các di sản văn hóa cổ truyền thời Bắc thuộc, có tác giả ghi: “Nhiều phong tục tập quán tốt đẹp của thời kì Văn Lang, Âu Lạc vẫn được giữ gìn như tục nhuộm răng, ăn trầu” (11). Trong giai đoạn này, tục nhuộm răng cùng với một số tục lệ khác như ăn trầu, xăm mình, búi tóc, …được xem là nét văn hóa đặc trưng góp phần định hình bản sắc văn hóa người Việt để phân biệt với các dân tộc khác. Do đó, mặc dù trải qua ngàn năm Bắc thuộc, chịu áp lực trước chính sách đồng hóa nặng nề của người phương Bắc, người Việt vẫn cố giữ gìn nét văn hóa riêng của dân tộc mình. Đến tận TK XVIII, năm 1789, trong lời hiệu triệu tướng sĩ đánh quân Thanh, Quang Trung đã kêu gọi đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng nhằm đấu tranh giành quyền để tóc dài, răng đen cho nhân dân, bảo vệ phong tục cổ truyền của dân tộc. Điều đó chứng tỏ, đến tận cuối thời nhà Lê, dân ta vẫn còn rất coi trọng tục nhuộm răng đen. Thời Hậu Lê, tục nhuộm răng không chỉ phổ biến ở nữ giới, mà còn ở nam giới, không chỉ phổ biến trong tầng lớp bình dân mà còn phổ biến trong cả giới quý tộc, hoàng gia. Bằng chứng là nhiều ngôi mộ được các nhà khảo cổ khai quật có vết tích của tập tục này như: ngôi mộ của vua Lê Dụ Tông (1705 -1728) vị hoàng đế thứ 11 của nhà Lê được phát hiện, khai quật vào năm 1964; xác ướp của bà Phạm Thị Đằng phu nhân của quan thượng phụ Đặng Đình Tướng (1649 – 1735) được tìm thấy ở Nam Định năm 1968; hoặc một xác ướp nữ có niên đại 300 năm được phát hiện tại Hà Nội năm 2013… đều được các nhà khảo cổ xác nhận là có dấu tích của tục nhuộm răng đen.

         Tuy nhiên, đến cuối TK XIX, nhất là những năm đầu của TK XX, trước sự xâm nhập mạnh mẽ của nền văn minh phương Tây, Việt Nam bước vào thời kỳ biến đổi xã hội sâu sắc. Phong trào Âu hóa và phong trào đòi nữ quyền diễn ra rầm rộ.

         Nhiều phụ nữ bắt đầu có xu hướng chuộng hàm răng trắng, có người còn cạo đi hàm răng đen mà mình mất bao công sức nhuộm cốt chỉ để trở thành hình tượng người phụ nữ mới tham gia vào công cuộc cải cách xã hội. “Có người đã nhuộm răng đen rồi lại đem đánh trắng đi cho hợp với cuộc sinh hoạt mới” (12). Thậm chí thời bấy giờ ai còn để tóc củ hành, răng đen, áo the, quần vải thì bị coi là hủ lậu, kém văn minh, “tại các thành thị, do ảnh hưởng của làn sóng Âu hóa những năm 1930-1940, nam giới đã bắt đầu cắt tóc ngắn và thôi nhuộm răng đen” (13). Nếu như trước đây hình thành nghề nhuộm đen răng thì thời này xuất hiện nghề cạo trắng răng.

         Như vậy, tục nhuộm răng đen vẫn còn tồn tại mãi cho đến TK XX thì người Việt mới dần dần phá bỏ tục lệ này. “Kể từ năm 1945 tới nay, tục nhuộm răng hầu như mất dần. Người ta chỉ gặp những người răng đen cỡ tuổi đã rất cao” (14).

         Năm 2013, có ý kiến phản ánh điện ảnh Việt Nam không tôn trọng lịch sử khi không đưa hình ảnh hàm răng đen vào phim Việt. Tác giả bài viết cũng mạnh dạn khẳng định rằng: “Chúng ta có quyền sáng tạo để lịch sử hay hơn, sinh động hơn dưới góc nhìn của thế hệ hôm nay. Nhưng có những điều thuộc về bản sắc dân tộc thì phải kiên quyết giữ. Không ít người cho rằng, bản sắc rõ nhất của người Việt từ ngàn năm nay là tục nhuộm răng đen. Nếu làm phim lịch sử mà diễn viên không có hàm răng đen thì không tôn trọng lịch sử” (15). Đó là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy tục nhuộm răng đen tuy không còn hiện hữu trong đời sống thường ngày nhưng vẫn được lưu giữ lâu dài và đậm nét trong ký ức người Việt, bởi văn hóa là cái gì còn lại khi tất cả những cái khác bị quên đi (Edouard Herriot).

         Trải dài theo mấy nghìn năm lịch sử, nhuộm răng đen là một trong những phong tục cổ truyền góp phần định hình bản sắc văn hóa người Việt. Hiện nay, tục nhuộm răng đen hầu như đã không còn tồn tại trong văn hóa người Việt, có chăng là ở những người thật lớn tuổi, họ nhuộm răng từ thuở nhỏ, còn lưu dấu đến bây giờ. Thế nhưng ở Việt Nam, mặc dù đã có nhiều mai một nhưng tục lệ này vẫn còn tồn tại ở một số dân tộc như người Mường ở Hòa Bình, người Lự ở Lai Châu. Một phong tục cổ truyền mất đi, ta cũng không thể trách những người đã thay đổi, vì quan niệm mỗi thời mỗi khác, quan niệm về cái đẹp cũng không ngoại lệ. Cũng bởi văn hóa chẳng bao giờ bất biến, không có nền văn hóa nào chịu đứng yên một chỗ, nhất là khi nền văn hóa đó lại đang nằm trong vòng xoay của sự giao lưu và tiếp biến.

­­­­         _______________

         1. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb Văn học, 2011, tr.447.

         2, 3. Phan Khôi, Tạp chí Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 66, 1930.

         4, 5. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Thời đại, 2010, tr.194.

         6, 7, 11. Trương Hữu Quýnh, Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb Giáo dục, 2006, tr. 53, 55, 97.

         8, 10. Chu Xuân Diên, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2008, tr.48, 89.

         9. Trần Quốc Vượng, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2010, tr.129.

         12, 14. Toan Ánh, Phong tục Việt Nam, Nxb Đồng Tháp, 1998, tr.106.

         13. Phan Hải Linh, Tục nhuộm răng đen so sánh Việt Nam và Nhật Bản, Tạp chí dân tộc học, số 2 (102), 1999.

         15. Lan Thanh, Bản sắc răng đen bị xóa bỏ trong phim lịch sử Việt, dantri.com, 2013.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 380, tháng 2-2016

Tác giả : NGUYỄN THỊ ĐOAN TRANG

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *