Nghệ thuật trang trí nhà xe trong tang lễ người cao lan

Nghi lễ làm nhà xe cho người chết trong lễ tang là một trong những hiện tượng văn hóa đặc sắc của người Cao Lan ở Tuyên Quang, phản ánh rõ nét đời sống tín ngưỡng, quan niệm về tôn giáo, biểu hiện thế giới quan, nhân sinh quan tộc người với những giá trị nhân văn sâu sắc; đồng thời là nơi lưu giữ các loại hình nghệ thuật dân gian như: mỹ thuật, văn học, âm nhạc, múa tế…Trong đó, nghệ thuật trang trí đóng vai trò quan trọng, bộc lộ sự độc đáo về cách thức thể hiện, hệ thống biểu tượng phong phú, ẩn chứa nhiều lớp ý nghĩa về tín ngưỡng, văn hóa tộc người.


1. Quan niệm về thế giới sau khi chết

Trong quan niệm của người Cao Lan, con người sau khi chết được về với thế giới của thần thánh, tổ tiên, có cuộc sống như người trần thế, hưởng những của cải vật chất mà con cái cúng tế cho.

Tang lễ của người Cao Lan gồm 2 nghi lễ quan trọng nhất, đó là đưa ma người chết về với thế giới của tổ tiên, gọi là lễ chôn xác (lễ ma tươi); làm nhà xe cho người chết (lễ ma khô). Họ cho rằng, ai chết đi cũng phải được làm nhà xe, nếu không sang thế giới bên kia linh hồn người chết sẽ lang thang, không có nhà cửa, phải đi ở nhờ. Con cháu nếu không làm được nhà xe trả nghĩa cho cha mẹ là bất hiếu.

2. Cấu trúc nhà xe

Nhà xe được làm mô phỏng theo kiến trúc lâu đài, thường có 3 nóc, 5 nóc hoặc 9 nóc nếu người chết là thày cúng. Nhà xe có đặc trưng là sự phong phú về hoa văn, các hình thức trang trí, cấu trúc đối xứng kiểu mặt gương qua trục trung tâm gồm 3 phần chính: móng nhà, thân nhà, nóc nhà. Ngoài ra nếu người chết là thày cúng được cấp sắc còn có thêm tổ hợp trang trí khác là lầu vọng thiên.

Nhà xe thường có kích thước ngang chính diện khoảng 2,5m; chiều sâu 1,5m; chiều cao đến bờ nóc khoảng 2,2m; chiều cao khi hoàn thiện tính cả các chi tiết trang trí khoảng 3m.

Vật liệu để làm nhà xe chủ yếu là nứa non, dán hoa văn giấy màu xanh, đỏ, tím, vàng, trắng. Ngày nay, ở một số nơi, người Cao Lan thay giấy màu bằng các loại giấy bạc, giấy trang kim có màu sắc tương ứng.

Phần móng nhà mỗi chiều đều có kích thước lớn hơn so với thân nhà khoảng 20cm, được làm độc lập; người ta xếp chồng phần thân nhà lên móng sau khi nhà xe cơ bản đã hoàn thành. Phần thân nhà được chia thành 2 tầng, tầng trệt có cửa ra vào ở chính giữa 4 mặt, tầng 2 không có cửa ra vào được cho là nơi ở chính của tòa nhà. 2 tầng được giới hạn bởi phần mái ngói nhô ra, diềm mái được trang trí, cắt tỉa cầu kỳ. Phần nóc nhà bao gồm bộ mái nhà, tổ hợp trang trí đỉnh nóc. Bộ mái nhà mang dáng dấp truyền thống với điểm nhấn là bờ nóc, bờ guột, diềm mái được làm cường điệu hơn về kích thước so với các chi tiết kiến trúc khác. Tại đỉnh nóc của khối nhà trung tâm là tổ hợp trang trí cầu kỳ, cũng là phần quan trọng, trung tâm của nhà xe, bao gồm nhiều thành phần trang trí khác nhau, được đưa vào cuối cùng sau khi các phần của nhà xe hoàn thành.

Hoa văn trang trí

Hoa văn trang trí trên nhà xe của người Cao Lan độc đáo về cách thức thể hiện, hệ thống biểu tượng phong phú, ẩn chứa nhiều lớp ý nghĩa tín ngưỡng, văn hóa tộc người. Hầu hết các hoa văn đều được cắt trổ theo dạng đối xứng với trục, nằm trong khuôn hình vuông hoặc hình chữ nhật dọc. Ở một số vị trí quan trọng như bờ nóc, bờ guột, hoa văn được bố cục theo hình dạng cấu kiện kiến trúc.

Rồng: là con vật xuất hiện nhiều trong văn hóa của các cư dân nông nghiệp châu Á. Rồng đứng đầu trong tứ linh gồm long, ly, quy, phụng, được coi là vật tổ của cư dân trồng lúa nước, mang lại mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, ấm no hạnh phúc. Rồng đại diện cho quyền uy, linh thiêng, thường được gắn với trời, vua. Hình tượng rồng là đề tài hằng xuyên, xuất hiện nhiều trong các loại hình mỹ thuật, trang trí kiến trúc. Trong nghệ thuật trang trí nhà xe, hoa văn rồng là một trong những môtip trang trí chủ đạo, có mặt ở hầu khắp các vị trí trang trọng nhất của nhà xe, tượng trưng cho điềm lành, sự phồn thịnh. Hoa văn hình rồng có kích thước lớn nhất, gần như lấn át các hoa văn khác.

Chim phượng hoàng: ở hầu khắp các nền văn hóa, với đặc tính biết bay, thường được dùng làm biểu trưng cho các mối liên hệ trời đất. Trong Đạo giáo, nó có thể được hiểu như thông điệp của trời, biểu tượng cho phúc lộc, sự sang trọng, báo hiệu điềm lành. Cư trú ở phía nam nên nó là biểu tượng của mặt trời, hơi ấm của mùa hạ, sự thu hoạch mùa màng. Trong mối tương quan với con rồng, phượng biểu thị yếu tố âm về mặt giới tính. Trong trang trí nhà xe, hình tượng chim phượng hoàng được sử dụng không nhiều, nhưng được đặt ở những vị trí trang trọng, chỉ sau hình tượng rồng, được cắt trổ khá rõ nét, đặt phía trên đầu hồi các bờ nóc với hướng bay vào.

Chim hạc, rùa: được sử dụng duy nhất ở 2 cột chính của gian chính ở phần thân nhà xe, biểu tượng cho sự trường tồn, vĩnh cửu, có ý nghĩa về thời gian, trục vũ trụ. Ngoài ra, nó còn đại diện cho sự cao sang, an lạc.

Tắc kè: được cho là hoa văn con vật quan trọng nhất ở tầng móng của nhà xe, 16 hoa văn tắc kè án ngữ ở vị trí đầu hồi, 8 hướng của phần móng, có kích thước bằng với kích thước của hoa văn rồng ở vị trí tương ứng với nó ở tầng thân. Tắc kè là con vật đứng đầu tầng địa giới, cai quản dương gian, đối trọng với rồng là con vật đứng đầu tầng trời.

: vừa là biểu tượng ước nguyện trường thọ, giàu sang vừa là vật để cưỡi, là sứ giả của thần tiên. Biểu tượng trang trí hình cá xuất hiện duy nhất trên đỉnh nóc nhà xe cùng với hình tượng chim mang theo hộp báo công hình lập phương, mang ý nghĩa như là gửi đến Ngọc hoàng những báo cáo công trạng mà người chết khi còn sống đã làm được.

Dơi: là biểu tượng của phúc, sự trường thọ. Trong trang trí nhà xe, dơi xuất hiện thưa thớt trên cửa võng của mỗi gian ở tầng thứ 2. Hình dơi được mô tả theo lối tả thực, với tư thế tạo thành tam giác cân, có trục đối xứng là đường thẳng tính từ đầu đến đuôi, trục của thân dơi nằm trên đường chéo góc vuông, đầu hướng vào tâm, 2 cánh dang rộng với điểm kết thúc ở 2 góc hình tam giác.

Bướm: xuất hiện ở tầng thứ 2 của phần thân nhà xe. Hình con bướm ở thế nhìn thẳng từ trên xuống, được cắt đối xứng với trục là thân bướm tính từ đầu đến đuôi theo lối tả thực với đầy đủ đầu, thân, râu, chân.

Chó: xuất hiện ở tầng 1 của phần thân nhà xe, ngay vị trí lối 4 cửa ra vào với ý nghĩa canh cửa. Hoa văn hình con chó theo lối tả thực với 2 con đối xứng gương qua trục gấp cắt.

Vịt: xuất hiện ở tầng 1 của phần thân nhà xe, ngay vị trí lối 4 cửa ra vào, với ý nghĩa thể hiện sự sung túc, sum vầy. Cũng giống hoa văn hình chó, hoa văn hình vịt cũng được cắt theo lối tả thực nhìn nghiêng với 2 con chụm mỏ vào nhau, đối xứng gương qua trục gấp cắt.

Môtip thực vật

Người Cao Lan trân trọng hình ảnh của cây lá. Sự xuất hiện với tần suất cao các họa tiết hoa văn thực vật trong trang trí nhà xe góp phần truyền tải ý nguyện của tộc người muốn hòa mình vào không gian rừng núi.

Cây cổ thụ: thường được vũ trụ hóa, có phần gốc gồ ghề, chứa đựng yếu tố tâm linh. Người Cao Lan trân trọng biểu tượng cây cổ thụ vì theo họ cây cổ thụ tượng trưng cho cuộc sống khỏe mạnh, trường thọ. Cây cổ thụ được tạo hình khá phức tạp. Với sự vững chãi, chắc khỏe, hoa văn hình cây cổ thụ chỉ xuất hiện theo các nguyên tắc nhất định tại cửa ra vào với ý nghĩa tượng trưng cho cuộc sống khỏe mạnh, sự gắn bó bền vững, sự vững chãi, khả năng sinh tồn. Hoa văn cây cổ thụ có nhiều biến thể, tùy từng địa phương, chủ quan của người thợ.

Hoa sập: là một loại hoa khá phổ biến trong trang trí của người Cao Lan, có tần suất xuất hiện nhiều nhất trong trang trí nhà xe, tập trung ở tầng thứ 2, xen kẽ với các hoa văn khác. Hoa sập có 8 cánh, được xếp thành 2 lớp, nằm gọn chính tâm trong 4 cánh hoa khác lớn hơn, nằm xen kẽ giữa 4 cánh hoa lớn là các lá mảnh. Hoa sập vừa gợi cảm giác được cách điệu từ hoa loa kèn nhìn thẳng, với phần nhụy hoa, tâm hoa ở chính giữa. Ở một dạng liên tưởng khác, hoa sập lại cho cảm giác gần hơn với hoa cúc cách điệu, tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý, vương giả, may mắn, trường thọ. Trong trang trí của người Cao Lan, hoa sập xuất hiện trên áo của thày cúng, trên bức tranh diễn tả các cảnh con người phải trải qua các cửa, các đường đi từ mặt đất lên trời.

Hình nhân: xuất hiện ở dải hoa văn trên của tầng 2, phía thân nhà xe dưới dạng chân dung từ ngực lên, được đặc tả khá chi tiết với đầy đủ mắt, mũi, miệng. Mũi được tạo hình khá rõ nét các đặc điểm như thân mũi hơi phình so với đầu, có hình trang trí trước trán, 2 bên có cánh chuồn. Tất cả hình nhân đều ở thế vòng tay trước ngực như đang cung kính. Có 2 loại là hình nhân quân lính, hình nhân người hầu. Cả 2 loại hình nhân đều tạo hình giống nhau, chỉ khác hình nhân quân lính có đeo kiếm ở 2 bên vai. Hoa văn hình nhân dưới dạng hồi văn được sử dụng làm diềm mái nhà xe, đây được cho là tổ hợp hoa văn quan trọng nhất, cùng với mái ngói, đóng vai trò phân vị rõ nét bố cục nhà xe theo phương ngang. Hoa văn hình nhân ở đây được tạo ở thế nhìn thẳng, hướng chính diện. Các mảng hình đem lại những hiệu quả nhất định khi lần lượt được chắp nối, gợi liên tưởng tối đa cho thị giác. Hình nhỏ phía trên gợi sự tưởng tượng về khuôn mặt. Hình chuông vị trí giữa gợi trí tưởng tượng về chiếc váy. Những đoạn thẳng nhỏ chạy theo hình zíc zắc, nối giữa các hình với nhau theo phương ngang, giống như từng hàng phụ nữ nắm tay nhau dàn hàng ngang. Kết hợp lại sẽ có cảm giác về nhiều hình người hoàn chỉnh, sinh động. Ở một dạng liên tưởng khác, khi thị giác của ta tập trung vào khoảng giữa 2 hình nhân, những khoảng trổ thủng lại tạo ra hình trái tim.

Các dạng thức hoa văn khác

Hán tự: hoa đất là một loại hoa văn tưởng tượng của người Cao Lan, đóng vai trò chủ đạo trong trang trí phần móng của nhà xe. Hoa văn được tạo bởi chữ thổ nằm trong vòng tròn lửa. Ngoài ra cũng ở phần móng, đồng bào Cao Lan ở xã Văn Phú, huyện Sơn Dương có sử dụng một số hoa văn cách điệu Hán tự trên phần móng của nhà xe.

La bàn: người Cao Lan theo tín ngưỡng đa thần, bên cạnh Đạo giáo với những yếu tố nổi trội còn có cả Phật giáo, Khổng giáo, cũng như nhiều dấu ấn của tôn giáo nguyên thủy. Phật giáo tồn tại trong tín ngưỡng của người Cao Lan với biểu tượng điển hình là hình dấu thập ngoặc (chữ vạn) mang nhiều ý nghĩa về tư tưởng, đã được người Cao Lan tiếp thu, sử dụng linh hoạt, trở thành một trong những môtip riêng biệt. Trong trang trí nhà xe, hoa văn chữ vạn được sử dụng khá tiết chế ở một số vị trí phần móng.

Quả bầu rượu: cùng với hoa văn hình con chó, con vịt, hoa văn hình quả bầu rượu chỉ xuất hiện ở 2 bên cửa, biểu thị cho sự hoàn chỉnh, trường thọ, giàu sang, hạnh phúc…

Hình chuông: ở một vài địa phương, người Cao Lan sử dụng hoa văn hình chuông dưới dạng hồi văn ở vị trí diềm mái, thay thế hoa văn hình nhân nắm tay nhau, với ý nghĩa như là cầu nối trời đất, là tiêu chí của sự hòa hợp vũ trụ. Ngoài ra, nó còn có ý nghĩa báo hiệu, đẩy lùi những điềm xấu.

Qua việc nghiên cứu về nghệ thuật trang trí trên nhà xe của người Cao Lan, có thể rút ra một số nhận định ban đầu như sau:

Điểm độc đáo trong trang trí nhà xe đó là các họa tiết hoa văn đều được tạo tác bằng thủ pháp cắt trổ thủng. Một trong những nguyên tắc cơ bản của thủ pháp này đó là hạn chế trong đặc tả chiều sâu, các chi tiết. Điều này buộc người nghệ sĩ nhấn mạnh trọng tâm diễn tả, giản lược về hình thức, khái quát đối tượng đến mức độ biểu tượng hóa.

Nghệ thuật trang trí nhà xe là sự kết hợp giữa yếu tố tâm linh với những yếu tố thực của cuộc sống. 2 yếu tố này đan xen, hòa quyện vào nhau, tạo nên những giá trị nhân văn, tạo hình độc đáo.

Khác với một số đồng bào như Tày, Sán Dìu trong trang trí nhà táng là hoa văn chủ yếu được vẽ, in sẵn hoặc được chắp từ những tờ giấy màu in; hoa văn nhà xe đều được những nghệ nhân dụng công cắt tỉa bằng tay.

Hoa văn trang trí của người Cao Lan có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời, là một thành tố của văn hóa, trải qua quá trình hình thành, tiếp thu có đào thải, sàng lọc, định hình. Bản thân nhà xe, những hoa văn trang trí trên nó theo thời gian có những biến đổi, dị bản tương đối khác biệt ở từng địa phương, vùng miền, nghệ nhân; tuy nhiên, do được phát triển trên nền tảng vững chắc của văn hóa tộc người nên tên gọi, những nguyên tắc sắp đặt vị trí, ý nghĩa của mỗi hoa văn về cơ bản vẫn được lưu giữ.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 385, tháng 7-2016

Tác giả : ĐINH QUANG MẠNH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *