Văn hóa việt – chăm qua tượng tròn thế kỷ xi-xvii vùng kinh bắc


Văn hóa Việt – Chăm thời Lý

 Nhà Lý mở đầu kỷ nguyên bang giao Việt – Chăm trên nền tảng di sản của cuộc chiến giữa hai nước dưới thời vua Lê Đại Hành (980 – 1005). Sau khi Lý Thái Tổ lên ngôi, công cuộc xây dựng và tái thiết đất nước cần tập trung một lượng lớn nhân lực và vật lực trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là cuộc dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Để đáp ứng kịp thời các nhu cầu đó, những tù binh người Chăm xưa, nay định cư thành các làng ấp và dần trở thành một bộ phận cư dân của Đại Việt, đã góp phần tích cực vào công cuộc kiến quốc to lớn của nhà Lý, do Lý Thái Tổ là tổng công trình sư.

Văn hóa Chăm đã có những tác động mạnh mẽ và sâu đậm đối với nền văn hóa của Đại Việt, mặc dù theo dòng thời gian, những ảnh hưởng đó được Việt hóa một phần, nhưng dấu vết căn bản của văn hóa Chăm vẫn khá rõ nét, trong đó Phật giáo nói chung và Phật giáo thời Lý nói riêng, chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hóa ngoại bang này. Nếu như thời kỳ đầu hình tượng Phật giáo du nhập vào nước ta vẫn còn đặc trưng Ấn Độ, đến thời Lý, mỹ thuật Phật giáo Đại Việt có nhiều thành tố mang sắc thái của của văn hóa Chăm như pho tượng A di đà, tượng Kim Cương, tượng đầu người mình chim, tượng thú, tượng vũ nữ chùa Phật Tích, cột đá chùa Dạm, vùng Kinh Bắc…

Pho tượng A di đà chùa Phật Tích ngày nay được công nhận là bảo vật quốc gia vì mang trên mình những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc biệt. Đây là sản phẩm của sự giao thoa văn hóa Việt – Chăm có ý thức rõ ràng, trên nền tảng tinh thần Phật giáo Ấn Độ, đã tạo ra một hình thức mới của biểu tượng Phật giáo Đại Việt. Những nghệ nhân Chăm đã xây dựng một đồ hình tượng Phật hoàn toàn mới với sự tích hợp của nhiều thành tố văn hóa Việt – Chăm như: hình tượng người mẹ của Đại Việt với hình tượng nữ thần Po Nagar (mẹ của vùng đất) của người Chăm, thể hiện ở chi tiết phần thân của pho tượng A di đà với phần ngực nở, vòng eo thon. Đối chiếu, so sánh với tượng vũ nữ của Chăm pa thì tính nữ của pho A di đà càng rõ nét.

Khi nghiên cứu về cột đá chùa Dạm, nhiều nhà khoa học đi trước đưa ra những nhận định khác nhau về giá trị văn hóa nghệ thuật cũng như ý nghĩa của biểu tượng tôn giáo này. Dưới góc độ nghiên cứu của mình, tôi cho rằng, cột đá chùa Dạm là sự kế thừa và Việt hóa Ấn Độ giáo của văn hóa Chăm, du nhập vào Đại Việt. Cột đá chùa Dạm còn lại đến ngày nay nhiều khả năng là một phần của nhiên đăng đài, có hình thức gần giống như chùa Diên Hựu (chùa Một Cột ngày nay). Tổng thể của công trình nghệ thuật này là một bông sen với phần bông sen tượng trưng cho bộ phận sinh dục nữ, phần cột đá còn lại chính là biến thể của một Linga, bộ phận sinh dục nam trong quan niệm của Ấn Độ giáo. Ngoài ra hình tượng rồng thời Lý có nhiều điểm tương đồng với thần rắn, vị thần cai quản nguồn nước, chủ trì việc canh nông trong Bà la môn giáo.

Nhìn chung sự giao lưu văn hóa Việt – Chăm thời Lý là hệ quả của nhiều biến cố của của hai quốc gia, trong đó chiến tranh là lý do chính của các biến cố lịch sử đó. Thông qua nghiên cứu các tác phẩm điêu khắc tượng tròn thời Lý vùng Kinh Bắc cho thấy văn hóa Việt – Chăm đã đạt được những đỉnh cao trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình. Xuất phát từ nghệ thuật điêu khắc mà cụ thể là điêu khắc tượng tròn Phật giáo, đã hé lộ các mối liên kết văn hóa trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: sự giao lưu về tôn giáo, tín ngưỡng, nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc, giao lưu về các biểu tượng tâm linh tôn giáo, âm nhạc… Văn hóa Chăm đã sinh sôi nảy nở trên vùng đất mới, kết hợp với văn hóa bản địa tạo nên một diện mạo văn hóa mới đặc sắc, sáng tạo đầy sức sống cho Đại Việt. Đây là bằng chứng sinh động cho thấy ông cha ta luôn tiếp thu, học hỏi tinh hoa văn hóa của các quốc gia khác để làm giàu các tri thức văn hóa nội tại, mặt khác thể hiện sự tự chủ, chủ động trong cách thức xây dựng nét đặc trưng trong văn hóa của người Việt, nhằm khẳng định sự độc lập về chủ quyền lãnh thổ cũng như văn hóa, đối kháng lại với văn hóa của thế lực xâm lược phương Bắc.

Văn hóa Việt – Chăm thời Trần

Phải khẳng định rằng quan hệ    Việt – Chăm thời Trần đã có lúc nồng ấm, nhưng căn bản vẫn là sự đối đầu giữa hai quốc gia. 21 lần xung đột quân sự lớn nhỏ giữa hai nước trong gần 200 năm tồn tại của nhà Trần là minh chứng cho nhận định này. Nhà Trần điều hành đất nước và nghiễm nhiên thừa hưởng những thành tựu mà nhà Lý mất hơn 200 năm xây dựng mới có được. Trên nền tảng tinh hoa văn hóa có sẵn đó, nhà Trần chỉ việc tiến hành cải cách văn hóa nhằm tạo ra những dấu ấn riêng, mà không mất công tạo dựng từ đầu. Mặt khác dưới thời Trần, các cuộc xung đột Việt – Chăm nặng về phần mở rộng tầm ảnh hưởng và mở rộng lãnh thổ, việc quan hệ giao lưu văn hóa, nghệ thuật chỉ đơn thuần là duy trì và bổ sung thêm vào nền tảng văn hóa có sẵn do nhà Lý để lại.

Ngày nay, tại vùng Kinh Bắc nói riêng và Bắc Bộ nói chung, vì không phát hiện được pho tượng phật thời Trần nào còn tồn tại nên rất khó có thể nhận biết được sự giao lưu văn hóa      Việt – Chăm trong điêu khắc tượng phật thời Trần. Thông qua quan sát, nghiên cứu tượng Rồng bằng đá, phù điêu rồng trên cánh cửa gỗ, tượng rùa đội bia đá chùa Phổ Minh (Nam Định) tượng hổ ở lăng Trần Thủ Độ và các tác phẩm điêu khắc còn lưu giữ được trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, chúng tôi thấy các đặc điểm văn hóa Chăm trong điêu khắc thời Trần đã mờ nhạt đi rất nhiều, không còn ấn tượng, sôi nổi như điêu khắc và trang trí kiến trúc thời Lý. Một số môtip điêu khắc, phù điêu trang trí kiến trúc đặc trưng tiêu biểu của giao lưu văn hóa Việt – Chăm không còn thấy xuất hiện ở thời Trần như tượng bán thân nửa người nửa thú. Ngoài những môtip Chăm bị mất đi thì ở thời Trần, hình tượng rồng cũng có nhiều biến đổi, mập mạp, khỏe khoắn hơn, thân rồng xuất hiện nhiều lớp vảy, phần đầu rồng cũng được lược giản hơn, dung mạo có phần dữ dằn và uy nghiêm hơn rồng thời Lý. Nghệ thuật điêu khắc thời Trần đã có sự biến đổi mạnh mẽ theo xu hướng khỏe khoắn, khái quát hơn, tạo ra những đặc điểm rất riêng của nghệ thuật điêu khắc thời kỳ này.

Văn hóa Việt – Chăm thời Lê

Nhà Trần suy tàn, đẩy đất nước vào một thời kỳ bất ổn, dấu hiệu báo trước của một cuộc khủng hoảng, sự lâm nguy của xã tắc mà đỉnh cao là Hồ Quý Ly đã để đất nước rơi vào tay quân xâm lược phương Bắc. Mất 10 năm gian khổ, quân và dân Đại Việt mới dành lại độc lập dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi nhưng cái giá phải trả cho những năm tháng phụ thuộc và mất chủ quyền là không gì có thể đo đếm được. Văn hóa Đại Việt mất hơn 400 năm và trải qua ba triều đại Lý, Trần, Hồ kiến tạo, xây dựng, bị nhà Minh tàn phá không thương tiếc. Tuy chiến tranh đã đi qua nhưng những hậu quả nặng nề do nhà Minh để lại đã ảnh hưởng không nhỏ đến công cuộc phục hưng đất nước của nhà Lê, cũng như quá trình giao lưu văn hóa giữa Đại Việt và các quốc gia khác trong đó có mối quan hệ văn hóa Việt – Chăm. Nhà Minh đô hộ nước ta và áp dụng nhiều chính sách hà khắc nhằm nô lệ, đồng hóa văn hóa, huyết thống cư dân Đại Việt, đốt bỏ thư tịch, xóa bỏ nhiều tập tập tục văn hóa, tiêu hủy nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng thay thế bằng văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng Trung Quốc, đàn ông, trai tráng phải đi quân dịch, ngoài ra giặc Minh còn bắt đàn bà, con gái và nhiều thợ thủ công về Trung Quốc, binh lính Trung Quốc phối hôn với đàn bà, con gái Đại Việt… Đặc biệt Phật giáo và nghệ thuật tạo hình Phật giáo thời kỳ này có nhiều thay đổi, ảnh hưởng đậm nét của nghệ thuật tạo hình Trung Quốc. Những ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đối với văn hóa Đại Việt đã tạo ra những sự đứt gẫy về tính tiếp nối trong quan hệ văn hóa Việt – Chăm và cả quan hệ văn hóa Việt – Ấn. Mặt khác trong suốt thời kỳ nhà Lê, quan hệ văn hóa Việt – Chăm vẫn chủ yếu diễn ra thông qua các cuộc chiến tranh với 9 lần giao tranh lớn nhỏ giữa hai nước. Vương quốc Chăm vào thời Lê đã không còn hùng cường như các thời kỳ trước. Chính sự bất ổn trong nội tại quốc gia này cộng với nhiều lần thất bại trước quân dân Đại Việt khiến cho sức mạnh và tinh hoa văn hóa Chăm không còn được duy trì. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân mà nghệ thuật Chăm không còn sức ảnh hưởng trong văn hóa Đại Việt vào thời Lê.

Qua nghiên cứu khảo sát các công trình kiến trúc, nghệ thuật thời Lê còn lại đến ngày nay, cùng các nghiên cứu khác của các nhà khoa học đi trước cho thấy, các yếu tố văn hóa, nghệ thuật Chăm không còn được sử dụng vào thời Lê, thay vào đó là các yếu tố văn hóa nghệ thuật Trung Quốc chồng lấp lên các lớp văn hóa Lý – Trần. Chùa Bút Tháp vùng Kinh Bắc là một minh chứng điển hình. Phật giáo Trung Quốc đã có được cơ hội phát triển mạnh mẽ vào thời kỳ này, nhiều nhà sư từ Trung quốc sang Đại Việt hoằng pháp, tiêu biểu là nhà sư Chuyết Chuyết. Ông đã cho xây dựng lại chùa Bút Tháp trên nền ngôi chùa cũ từ thời Trần, đúc nhiều tượng Phật, xây tháp Báo Nghiêm. Không chỉ riêng chùa Bút Tháp mà nhiều ngôi chùa ở vùng Kinh Bắc, kinh thành Thăng Long vào thời Lê cũng được cho trùng tu tôn tạo, xây lại trên nền móng cũ. Phật điện thời kỳ này cũng xuất hiện nhiều thể loại tượng Phật và tượng thờ khác, nhưng dấu ấn Chăm thì không còn xuất hiện trên các công trình kiến trúc, điêu khắc thời kỳ này. Điều nổi bật nhất trong quan hệ văn hóa Việt – Chăm thời Lê chính là sự nam tiến của chúa Nguyễn với sự mở rộng địa giới, thiết lập các đơn vị hành chính mới trên vùng đất của người Chăm xưa. Đây là sự khởi đầu của một cuộc giao thoa văn hóa mới, khác với những lần trước. Sau chiến thắng đại phá quân Minh, thanh thế và nội lực nhà Lê ngày càng lên cao, cụ thể, thời chúa Nguyễn Hoàng đã lấy được nhiều vùng đất của người Chăm, biến vua Chăm trở thành thần hạ của mình, chúa Nguyễn tiến hành đưa cư dân Việt đến các vùng đất mới định cư khai khẩn, chung sống hòa mục với cư dân Chăm, đây là khởi đầu cho sự giao thoa văn hóa Việt – Chăm ngay trên chính mảnh đất quê hương của người Chăm.

Với sự xác lập vương triều Lê sơ, hệ tư tưởng Nho giáo đã dần định hình, phát triển mạnh mẽ, tỏ ra lấn lướt những giá trị văn hóa Chăm vốn đã ăn sâu vào đời sống Việt. Thực tiễn là người Việt tiếp nhận văn hóa Trung Quốc và tư tưởng Khổng giáo, mà điều này lại có nhiều điểm mâu thuẫn với giá trị tư tưởng Bà la môn của cư dân Chăm. Sau khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, chính quyền Đàng Trong được xác lập, quan hệ Việt – Chăm bước sang một giai đoạn mới, thời gian này quá trình thu phục các vùng đất phía Nam diễn ra mạnh mẽ và triệt để hơn bao giờ hết, số phận của vương quốc Chăm lúc này giống như ngọn đèn dầu sắp cạn.

 Nhìn chung, sự giao thoa văn hóa Việt – Chăm diễn ra trên hai phương thức, hòa bình và chiến tranh, trong đó phương thức hòa bình diễn ra có phần ít và hạn chế hơn so với phương thức chiến tranh. Những dấu ấn văn hóa theo phương thức hòa bình qua con đường ngoại giao và quy phục để lại không sâu đậm. Trong nhiều cuộc giao tranh giữa hai quốc gia của nhiều thế kỷ, không phải lúc nào Đại Việt cũng thắng trận, giành thế chủ động. Tuy nhiên, Chăm chỉ có 3 lần đánh ra Thăng Long dưới thời Chế Bồng Nga với quy mô lớn và được coi là đáng kể nhất, còn lại chủ yếu là những hoạt động quấy nhiễu cướp bóc không làm cho Đại Việt có những biến động lớn, hay có tính chất thay đổi cục diện giữa hai quốc gia. Nhưng những lần chinh phạt của Đại Việt vào Chăm lại rất uy lực, làm thay đổi cục diện tương quan giữa hai nhà nước, và thường Chăm chịu những thất bại nặng nề về quân sự và con người cũng như kinh tế xã hội, đây cũng là dự báo cho một tương lai gần về sự kết thúc của vương triều Chăm đã từng phát triển rực rỡ.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016

Tác giả : ĐÀO MẠNH ĐẠT

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *