Văn hóa truyền thống của người thái ở bá thước – thanh hóa

Bá Thước là địa bàn cư trú của 3 dân tộc: Kinh, Mường, Thái. Mặc dù không phải là dân tộc có dân số đông nhất, nhưng người Thái đã sinh sống ở đây từ khá sớm. Họ có một vị trí quan trọng, đặc biệt trong việc hình thành các sắc thái văn hóa địa phương, góp phần bổ sung các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình vào kho tàng di sản văn hóa xứ Thanh. Bài viết bước đầu, đề cập những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của người Thái ở huyện Bá Thước để thấy được những nét chung, những nét riêng chỉ có ở người Thái nơi đây, đồng thời, góp thêm tiếng nói vào sự tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp của người Thái ở huyện Bá Thước.

Bá Thước – cội nguồn, quê hương của người Thái

Bá Thước là một huyện miền núi ở Thanh Hóa, nằm trên độ cao 1.000m về phía Tây Bắc. Con sông Mã từ Lào chảy về qua huyện Mường Lát, Quan Hóa, đến địa phận huyện Bá Thước, chia cắt thành 2 vùng là bắc sông Mã, nam sông Mã. Đối với người dân xứ Thanh, sông Mã có vị thế đặc biệt quan trọng. Trong suốt chiều dài lịch sử, sông Mã là huyết mạch giao thông nối liền các vùng, miền, địa phương trong tỉnh, được ví như con thuyền chở các giá trị văn hóa, là cầu nối không gian văn hóa các vùng, miền trong tỉnh. Dọc chiều dài sông Mã có nhiều vị trí nhập dòng, chia dòng, nơi ấy chính là các ngã ba sông, đồng thời cũng là những nút giao thông quan trọng, điểm diễn ra các hoạt động giao thương buôn bán, là nơi giao thoa của các dòng chảy văn hóa. Địa phận Cành Nàng, Bá Thước là một trong các ngã ba sông ấy. Các nền văn minh cổ thường có nguồn gốc phát tích từ ngã ba các con sông lớn, ngã ba Đồng Tâm hay La Hán – Cành Nàng, huyện Bá Thước là giao điểm, nơi gặp gỡ, giao thoa văn hóa của 3 dân tộc lớn nhất xứ Thanh: Mường – Thái – Kinh. Sự giao thoa này đã góp phần làm cho văn hóa truyền thống của huyện Bá Thước khá đa dạng, điển hình.

Người Thái trên đất Bá Thước không phải là dân tộc có số dân đông nhất, nhưng những gì để lại cho thấy họ có đóng góp quan trọng trong việc hình thành sắc thái văn hóa Bá Thước, xứ Thanh.

Cho đến nay, chưa có thông tin chính xác về tổ tiên của người Thái đến Bá Thước vào thời gian nào, hiện có 2 quan điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng tổ tiên người Thái đã đặt chân đến vùng đất này gần 1.000 năm về trước. Những minh chứng tìm thấy trong cơ tầng văn hóa của người Thái, như trong Toi ắm óc nặm đin – sử thi, truyền thuyết, huyền thoại về sự hình thành trời, đất, loài người, muôn vật ở trần gian được kể bằng lời văn xuôi trong đời sống thường ngày, được các nghệ nhân sắp xếp thành áng văn vô cùng sinh động, sử dụng trong dân ca, nghi lễ tang ma, thờ cúng thần linh, dài hàng vạn câu. Đến thời kỳ văn hóa Đông Sơn, Bá Thước là nơi phát hiện được nhiều trống đồng trong tất cả các mường cổ của người Thái, trong đó trống đồng làng Cốc – xã Thiết Ống, có hoa văn trang trí tinh vi chỉ xếp sau trống đồng Ngọc Lũ. Đây chính là những dấu vết cho thấy con người đã tụ cư, sinh sống từ rất sớm, suốt thời gian dài họ không di chuyển đến những địa phương khác, điều này cho phép nghĩ đến một giả thuyết, rất có thể Bá Thước là quê hương, cội nguồn của người Thái. Quan điểm thứ 2 của một số học giả nghiên cứu về dân tộc học, như ở giáo trình Các tộc người ở Việt Nam, tác giả Bùi Xuân Đính cho rằng do các đợt thiên di xuống phía Nam của người Thái ở vùng giáp ranh Trung Quốc, Thái Lan, đến TK X, nhóm Thái Đen vào Tây Bắc – Việt Nam trong đó có vùng Thanh – Nghệ. Ở Bá Thước, việc phân biệt 2 nhóm Thái Đen, Thái Trắng không rõ ràng như vùng Tây Bắc. Người Thái ở Bá Thước có tiếng nói, chữ viết, trang phục, tập quán riêng, không hoàn toàn giống người Thái Đen hay Thái Trắng sống ở vùng Tây Bắc. Có thể do quá trình giao lưu văn hóa giữa người Thái với các dân tộc khác trong vùng suốt thời gian dài trong lịch sử đã tạo ra những nét riêng biệt này. Như vậy, tuy còn nhiều quan điểm khác nhau về người Thái ở Bá Thước, nhưng những cứ liệu, giả thuyết khoa học đã bước đầu khẳng định, Bá Thước là cội nguồn, quê hương của người Thái.

Những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu  

Mường của người Thái ở Bá Thước

Nghiên cứu lịch sử người Thái có thể thấy trước kia không gian sinh sống của người Thái ở Bá Thước xưa gồm 3 mường lớn: mường Khoòng, mường Lau, mường Ký. Việc đặt tên cho mỗi mường đều mang ý nghĩa nhân văn, có thể xem đó là một giá trị văn hóa đặc trưng của người Thái nơi đây.

Mường Khoòng là một vùng đất cổ, các nhà khoa học đã tìm ra dấu vết con người sinh sống từ rất sớm, cách ngày nay khoảng 2 vạn năm. Về sự ra đời của tên gọi cũng được giải thích theo nhiều nghĩa khác nhau. Mường Khoòng nằm giữa 2 vùng văn hóa sông Mã, Hòa Bình, gần di chỉ khảo cổ học Mái Đá Điều, nằm trong quần thể di chỉ đồ đá mường Ái. Con đường đèo dốc vào xã Cổ Lũng ngày nay chính là con đường nối liền 2 nền văn hóa, đèo này có tên là Kéo Chu, Kéo Lội đã từng được nhắc đến trong truyền thuyết nổi tiếng Đẻ đất, đẻ nước của người mường. Trong lịch sử, mường Khoòng là mường lớn nhất nhì huyện, từng là mường có luật lệ chặt chẽ, được dân Mường tuân thủ, quyền lực được đề cao, thế lực mạnh, mọi công việc được thực hiện quy củ. Hiện nay, tại làng, bản trên địa bàn Mường Khoòng còn lưu giữ rất nhiều các giá trị văn hóa đặc sắc: truyền thuyết Khăm Đắm, truyện thơ Khăm Panh…

Mường Lau nằm ở vị trí giao thông quan trọng, đầu mối con đường sang Lào hay về xuôi. Sự thuận lợi về giao thông là một điều kiện cho con người lựa chọn sinh sống rất sớm ở mảnh đất này. Các dấu vết được tìm thấy tại hang động Pha Máy, Pha Ngân, Pha Chú Lú thuộc mường Lau đã chứng minh điều đó. Đến thời Lý – Trần, có thêm một bộ phận dân cư tràn xuống làm cho mường Lau ngày càng đông đúc hơn. Đến thời Hậu Lê, có thể một bộ phân dân cư mường Ca Da cũng di cư về đây. Trong quan hệ giữa người Thái với các dân tộc khác ở Bá Thước, đặc biệt là dân tộc Mường, thì mường Lau có quan hệ mật thiết hơn cả, nên có một số bộ phận dân cư người Mường nhập cư, hòa đồng vào với người Thái. Do điều kiện địa lý thuận lợi, đất đai, đồi núi thoai thoải, lại có con suối Nủa, dòng sông lắm cá, nhiều tôm, nên dân cư càng đông đúc, bản mường trù phú. Do quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa 2 dân tộc trong thời gian dài, nên cho đến hiện nay có thể bắt gặp nhiều nét văn hóa Mường trong văn hóa Thái và ngược lại tại các địa điểm thuộc mường Lau xưa.

Mường Ký hình thành muộn hơn, trên cơ sở một phần lớn đất đai của mường Muồn xưa. Theo lịch sử ghi chép, Mường Ký ra đời từ thời hậu Lê cách ngày nay khoảng 400 – 500 năm, do công lao của quận công, đô đốc Hà Công Vụ – người bị kết án oan sau một lần bị hãm hại, tự giải phóng cho mình, bỏ trốn tìm về vùng đất này. Mường Ký còn có nghĩa là mường khung cửi, một vùng Mường lắm tiền, nhiều của, nhiều trâu, nghề dệt phát triển, rất coi trọng việc học hành. Tên gọi mường Ký được giải nghĩa rất cụ thể trong câu chuyện của ông Hà Công Vụ làm quan dưới thời hậu Lê.

Thiết chế xã hội truyền thống

Tổ chức xã hội truyền thống theo thiết chế mường – bản là nét văn hóa tiêu biểu của người Thái. Người Thái ở Bá Thước thường chọn đất ở các thung lũng hoặc lưu vực các sông, suối để sinh sống, tiện lợi trong việc sử dụng nguồn nước sinh hoạt, canh tác. Nhìn vào sự lựa chọn không gian sinh sống thấy được người Thái có tư duy độc lập cao về địa lý, họ sống theo từng khu vực, dân cư phân bố không đồng đều, thường từ vài chục hộ gia đình đến trên trăm hộ. Mỗi không gian sống có tính độc lập tương đối chính là cơ sở để tạo thành một mường, một kiểu xã hội của người Thái, cũng là phạm vi sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng dân cư. Kiểu xã hội này được cho là hình thành từ thời thị tộc, bộ lạc, đã tồn tại khá lâu trong suốt thời kỳ phong kiến Việt Nam.

Cách gọi về đơn vị hành chính của người Thái, Bá Thước theo trật tự: mường, poọng, bản. Như vậy có thể hiểu, trong 1 mường thì có thể có 1 hoặc nhiều poọng, trong 1 poọng có thể có 1 hoặc nhiều bản. Trong 1 mường thường có 1 bản trung tâm gọi là bản Chiềng, đó là nơi tạo mường, nơi ở trực tiếp cai quản của người tạo hoặc có một số bản lệ thuộc gọi là bản Thín, nhưng bản theo mô hình này không lệ thuộc vào poọng mà trực tiếp do mường quản lý.

Trong xã hội mường của người Thái được phân chia thành 2 đẳng cấp chính là tạo, páy. Tạo: được xác định là chủ cai quản cả mường, có quyền lực nhất trong tất cả các lĩnh vực từ đối nội, đối ngoại, đất đai, tài nguyên, dân cư, toàn quyền cai quản, sai khiến. Đối với người Thái, người, dòng họ được xem là tạo phải là người có đóng góp lớn, đứng đầu trong việc tạo ra mường. Và sau đó, họ phân chia anh em, họ hàng trong nhà tạo tiếp tục kiến tạo, đứng đầu cai quản các bản, người Thái gọi là quan bản. Bộ máy giúp việc cho các nhà tạo được phân chia chức danh rất cụ thể. Páy: là cách gọi đối với người dân thường gồm cả người làm ruộng, làm các nghề khác như thày cúng, săn bắn, đánh cá… Páy thường phải đi làm công cho nhà tạo, hoặc trong trường hợp sa cơ lỡ vận, bị phạt vạ phải làm tôi tớ trong nhà tạo gọi là khau khói.

Luật tục là cơ sở quan trọng để cai quản các mường, các quy định trong luật tục gần giống như các hương ước của làng xã người Việt, bản luật lệ đó gọi là hít khong. Nội dung được chép thành văn hoặc sắp xếp thành những bài ca để khuyên dạy con cái. Cùng với thời gian, hít khong giờ đã trở thành một nét văn hóa rất riêng, rất độc đáo của người Thái nơi đây.

Nhà sàn người Thái

Nếu tạo bản, tạo mường là truyền thống tốt đẹp, lâu đời của người Thái trong việc tạo dựng đời sống dân cư ngày một đông đúc hơn thì nhà sàn người Thái là điểm nhấn văn hóa, là trung tâm của mọi hoạt động. Nếu người Thái ở Tây Bắc đặt khau cút trên ngôi nhà, hay mái nhà bẻ khum khum hình con rùa thì nhà sàn người Thái ở Bá Thước lại đặt hình nộm đầu cọp, gọi là xong meo, mái nhà thẳng, không bẻ khum khum. Cách bố trí sinh hoạt trên nhà sàn cũng trái với người Thái Đen. Người Thái Bá Thước nằm quay đầu về phía nước, quay chân về phía núi. Nhà người Thái cổ bao giờ cũng có 2 cầu thang: tang chan, tang quản. Tang chan ở cuối nhà, bên trái dành cho phụ nữ lên xuống. Trong ngôi nhà, việc lựa chọn vị trí đặt bếp lửa được người Thái rất coi trọng. Trong bất kỳ gia đình người Thái nào cũng đều có 2 bếp: 1 đặt trong nhà, 1 đặt bên ngoài. Vai trò của từng bếp cũng được phân chia rất rõ ràng. Bếp bên ngoài dành cho đàn ông, khách, còn bếp trong nhà dành cho phụ nữ. Khi nấu ăn, bếp trong nhà thường nấu cơm, các món nướng, còn bếp ngoài chủ yếu dành nấu nước, nấu canh. Nhà sàn của người Thái ở Bá Thước là một công trình mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, nơi hội tụ các giá trị vật chất, tinh thần.

Quan niệm về thần, các lễ tục

Trong quan niệm về thế giới, người Thái chia thế giới thành 3 tầng: trời (phạ), đứng đầu là Pó Then, có uy quyền bao trùm lên cả thế giới; mường Lúm (hạ giới), do các thần cai quản; dưới mặt đất; có phần nước do Long vương quản lý, phần đất có thế giới người lùn, âm ti. Người Thái cho rằng, thần có sức mạnh vô biên, tồn tại trong cõi hư không để bảo vệ cuộc sống cho họ. Cũng như người Việt, thần trong suy nghĩ của người Thái có 2 loại: nhiên thần, nhân thần. Nhiên thần có 7 vị: thần hang sâu, núi cao, thủy thần, thổ công, ông táo, cây cổ thụ, thần mái nhà. Nhân thần là những người được cộng đồng kính trọng, tôn thờ, được phân thành 3 loại: thần lớn là những người có công với nước như vua Lê, Tư Mã Hai Đào, Thái úy, quận công Hà Thọ Lộc…; thần bản mường, có đặc điểm như thành hoàng làng của người Việt, là người có công dựng bản, tạo mường; thần dòng họ, là người có danh giá trong dòng tộc. Nếu ở Tây Bắc tục thờ thần diễn ra chủ yếu dưới dạng xin bản, xin mường, thì ở Bá Thước có 1 loạt các nơi thờ tự: nhà thờ thần của mường, của poọng, của bản hay dòng họ. Miếu thờ là điểm thờ khá phổ biến, được người Thái rất coi trọng. Hiện tại Mường Khoòng có 3 điểm thờ thần mường là nhà Phủ, Xộp Ngài, mó Nủa, 2 điểm thờ nhân vật lịch sử là Hươu Hang, thờ Khăm Oanh tại bản Đốc, Nong Tiếu thờ nang Mứn tại Eo Điếu. Ngày tế thần thường diễn ra rất long trọng, xem như ngày hội của toàn dân, thời gian diễn ra trong vòng vài ba ngày. Các lễ hội diễn ra trong tháng 8 âm lịch, ở tất cả các mường, được người Thái kết hợp giữa lễ hội truyền thống, cầu mùa, quốc lễ.

Trong kho tàng đồ sộ về văn hóa truyền thống của người Thái ở Bá Thước, không thể bỏ qua tục cầu mưa, một nét đẹp văn hóa, là sản phẩm tinh thần độc đáo còn được lưu giữ vẹn nguyên đến tận ngày nay. Tục cầu mưa của người Thái hình thành từ nhu cầu sản xuất. Theo như những gì người dân nơi đây kể lại, việc cầu mưa rất linh ứng, đã cầu cúng là có mưa. Nhờ có mưa, người dân ở những thung lũng thuộc vùng núi cao lại gắn bó với nghề trồng lúa nước mới có nước cày cấy gieo trồng, cây sắn, cây ngô mới xanh tốt, cuộc sống người dân mới no ấm. Tục cầu mưa là lễ tế bách thần, cầu mong giao hòa trời đất để sự sống con người, vạn vật được sinh sôi nảy nở. Có thể nói, tục cầu mưa là một tín ngưỡng gắn bền chặt với đời sống tinh thần, vật chất của người lao động. Tục cầu mưa không phải năm nào cũng được người Thái tổ chức, lễ tục chỉ diễn ra khi hạn hán kéo dài. Thường chu kỳ 3 – 5 năm lại có 1 năm chậm mưa, hạn hán kéo dài vào thời điểm tháng 4, 5. Trong lễ tục, người chủ lễ phải là người góa bụa nhưng có phẩm hạnh, uy tín trong bản, là người làm nghề thày cúng. Ngoài Ệt Mé còn có người giúp việc (cũng là nữ giới, từ 8 – 10 người), ngoài ra dân bản có thể tham gia, trang phục tùy ý, càng đông càng vui. Mỗi gia đình đều có sự chuẩn bị các nông sản để cho đám cầu mưa, số lượng không quy định, tùy tâm của từng gia đình. Ngoài ra, mỗi gia đình còn chuẩn bị thêm một chậu nước để ở bục cửa hoặc cầu thang lên xuống để khoát nước vào đám Ủa lúm-Ủa lang. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày liên tục, nếu trời đổ mưa lúc nào thì việc cầu mưa coi như kết thúc. Nếu trời không đổ mưa trong 3 ngày ấy, Ệt Mé cùng dân bản phải tìm một địa điểm cầu mưa ngoài trời. Nội dung chia làm 2 phần: lễ tế trời đất, trò diễn. Thường thì các cuộc tế lễ này hay gặp ứng nghiệm, khi người dân đang nô đùa thì mây đen kéo đến. Nếu trời không mưa cũng phải giả vờ có mưa. Đoàn tế lễ phải vác chĩnh rượu về bản. Nếu trời mưa thật, đoàn phải giả vờ chạy lạc đường vào nhà tạo bản xin trú mưa, dụng ý là báo công đã cầu được mưa. Tạo bản thưởng cho chĩnh rượu cần. Cả bản lại tiếp tục uống rượu, múa hát, chơi các trò chơi dân gian dưới gầm sàn, mừng đón trời mưa.

Có thể thấy, từ sinh hoạt cộng đồng, lao động sản xuất, giao tiếp ứng xử, người Thái ở Bá Thước đã vun đắp nên những nét đẹp trong phong tục tập quán, tín ngưỡng cũng như lối ứng xử lịch thiệp. Ngoài ra, vẫn còn đó rất nhiều những giá trị văn hóa độc đáo khác trong trang phục cổ truyền, ẩm thực, giao tiếp ứng xử, lễ hội, cưới xin, tang ma đến những điệu khặp, điệu xòe, những lời hát giao duyên thấm đẫm tình người, tình yêu. Những giá trị đó đã tạo nên những nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt của người Thái ở Bá Thước, Thanh Hóa, rất cần được gìn giữ, phát huy.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016

Tác giả : NGUYỄN THỊ THỤC

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *