Việc sử dụng biểu tượng linh vật trong di tích kiến trúc chùa việt

Việc gìn giữ, bảo tồn giá trị di sản là những công trình, cụm công trình kiến trúc nghệ thuật, không gian văn hóa liên quan đến Phật giáo, đồng nghĩa với gìn giữ một phần bản sắc văn hóa của cộng đồng, của dân tộc. Đặc biệt là các công trình di tích kiến trúc chùa Việt. Nhưng gìn giữ và bảo tồn như thế nào để phù hợp với thực tế hiện nay, giai đoạn đất nước ta trên con đường hội nhập nền kinh tế khu vực và thế giới, là vấn đề đang được đặt ra.

Gần đây, công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập, phát triển kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa làm sống dậy các di tích kiến trúc nghệ thuật với chức năng của nó, trong đó có các di tích kiến trúc chùa Việt.

Tuy nhiên, quá trình đó cũng phát sinh nhiều những tác động tiêu cực, hạn chế, những cách làm yếu kém, lệch chuẩn trong chính hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích. Mà ở đây hoạt động chuyên môn lại càng là vấn đề đáng báo động. Đó là một ngôi chùa hàng trăm năm tuổi ngay thủ đô biến thành chùa vài tháng tuổi, hiện tượng lắp cổng chùa vào cổng đền, sư tử lạ vào các chùa Việt, ngay cả chùa Một Cột, thành nhà Mạc biến thành lò gạch, biến di tích thành công viên, tu bổ tháp Chăm thành vườn hoa…

Việc góp phần chấn chỉnh hoạt động bảo quản, tu bổ phục hồi di tích, đặc biệt là các công trình di tích kiến trúc nghệ thuật Phật giáo, mà đại diện là kiến trúc chùa, cần phải có thời gian, có lộ trình đổi mới căn bản trên nhiều phương diện.

1. Cơ sở lý thuyết trong hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích kiến trúc  nghệ thuật

Về cơ bản hoạt động tu bổ di tích là nhằm mục tiêu bảo tồn di tích ấy. Theo các lý thuyết gia phương Tây, hoạt động trùng tu, tu bổ di tích có các trường phái khác nhau, quan điểm về mục tiêu đặt ra cũng khác nhau.

Quan điểm bảo tồn nguyên trạng (bảo tồn nguyên gốc)

Quan điểm này cho rằng, những sản phẩm của quá khứ nên được bảo tồn nguyên vẹn như nó vốn có để tránh tình trạng thế hệ hiện tại làm méo mó, biến dạng di sản. Đầu TK XIX, một kiến trúc sư người Ý trùng tu đấu trường cổ đại ở La Mã, ông đã cho xây một bức tường mới chống đỡ cho bức tường cũ khỏi đổ. Đây là dấu hiệu đầu tiên của trường phái trùng tu khoa học, theo quan điểm bảo tồn nguyên trạng.

Quan điểm bảo tồn trên cơ sở kế thừa (bảo tồn thích nghi)

Quan điểm này dựa trên cơ sở mỗi di sản cần phải thực hiện nhiệm vụ lịch sử ở một thời gian và không gian cụ thể. Khi tồn tại ở không gian và thời gian hiện tại, di sản ấy cần phát huy giá trị phù hợp với xã hội hiện nay và phải loại bỏ đi những gì không phù hợp. Quan điểm lý thuyết này có thể phân chia thành các nhánh nhỏ:

Trường phái lãng mạn trong kiến trúc xuất hiện ở châu Âu đầuTK XIX, quan tâm đến trùng tu các công trình cổ nhưng không chỉ là tu sửa theo cách hiểu truyền thống mà dựa trên cơ sở nhìn nhận các giá trị lịch sử và nghệ thuật. Tuy nhiên, lúc này trùng tu vẫn còn mang tính tùy tiện, như là việc cải tiến các công trình ở Anh hay việc xây thêm, bổ sung thêm ở Pháp. Trùng tu theo trường phái lãng mạn trong kiến trúc có rất nhiều tác hại vì sau đó sẽ không còn các chứng tích gốc mà chỉ còn lại hình ảnh của cái đã biến mất.

Trường phái trùng tu theo phong cách, do V. Duc khởi xướng. Ông đưa ra định nghĩa: “Trùng tu ngôi nhà – không có nghĩa là duy trì nó, sửa chữa nó, duy trì độ bền của nó, mà là phục hồi nó ở dạng hoàn chỉnh, có thể ở dạng chưa từng tồn tại”. Theo cách hiểu của ông, trùng tu không chỉ là sự phục hồi nguyên vẹn mà còn là sự thống nhất về phong cách kiến trúc của di tích. Điều này có nghĩa loại bỏ những gì xuất hiện muộn ở di tích.

Quan điểm bảo tồn phát triển

Theo quan điểm này, người ta không bận tâm tới việc tranh cãi nên bảo tồn nguyên trạng như thế nào hay nên kế thừa, loại bỏ những gì mà hướng tới giá trị mục tiêu, với độ chân thực nằm trong trải nghiệm của di sản ấy. Bởi vậy, về cấu trúc văn hóa  có cái truyền thống bên cạnh cái đương đại, thậm chí mở rộng hợp lý để đạt mục tiêu đa chức năng.

Đại diện quan điểm này là trường phái trùng tu toàn phần, ra đời sau thế chiến thứ hai, tại châu Âu có nhiều công trình cổ bị sụp đổ, xuất hiện nhu cầu trùng tu để phục vụ các yêu cầu khác nhau, do đó người ta áp dụng các phương pháp của trường phái trùng tu toàn phần. Nội dung của kiểu trùng tu này bao gồm: bảo quản, gia cố, tu bổ, phục hồi từng phần, tôn tạo, thích nghi. Cách trùng tu này chỉ áp dụng cho những di tích còn khá nguyên vẹn.

Quan điểm trùng tu khảo cổ học

Trường phái trùng tu khảo cổ học đề cao tuyệt đối giá trị lịch sử của di tích, ưu tiên giữ gìn các yếu tố gốc của di tích như những bằng chứng lịch sử đích thực, đặt trọng tâm vào việc sử dụng các giải pháp gia cố và tái định vị là chính; không loại bỏ các thành phần xuất hiện muộn, tạo sự khác biệt giữa cái gốc và cái mới, không làm giả di tích và tuyệt đối không đặt vấn đề phục nguyên di tích.

2. Nhận diện và định hướng trong bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích kiến trúc chùa Việt

Vai trò của người dân

Đóng vai trò chủ thể của văn hóa Việt, không ai khác, chính là Nhà nước, nhân dân, đặc biệt là các cộng đồng làng Việt. Mục tiêu hội nhập nền kinh tế khu vực và thế giới, mà không bị văn hóa ngoại lai xâm lấn, sẽ phải có các giải pháp đồng bộ tác động tới nhiều giai tầng trong xã hội. Để góp phần vào công việc đó, chúng tôi xin đưa ra một vài giải pháp cụ thể sau:


 Nghê Việt lại không được đưa nhiều vào chùa Việt 

 Rà soát, đổi mới hệ thống pháp luật liên quan tới đầu tư công trình di tích văn hóa, đặc biệt là sử dụng biểu tượng trang trí. Những vấn đề tuy không mới, nhưng lâu nay chưa thấy được sự đồng bộ giữa lý luận với thực tiễn, giữa văn bản pháp luật ban hành với việc thực thi pháp luật. Đôi khi vấn đề còn ngược chiều nhau. Thực tế, ban hành là một chuyện, việc điều hành triển khai thực thi ở các cấp, ngành địa phương lại là chuyện khác. Xảy ra nhiều hình thức thực thi thiếu đồng bộ như hiểu sai văn bản, quan liêu tắc trách, thiếu chuyên môn… làm cho kết quả thực thi không cao, thậm chí yếu kém. Sản phẩm là những công trình, di tích có giá trị văn hóa kiến trúc, nghệ thuật bị biến dạng, mất bản sắc thuần Việt, hay bị phá bỏ những giá trị văn hóa quý, thay vào đó là một công trình mới.

Vấn đề nổi cộm hiện nay trong đầu tư bảo tồn di tích là: bị tác động bởi nhiều luật và các văn bản dưới luật điều chỉnh, nên dẫn đến gây lúng túng cho các chủ thể tham gia vào hoạt động đầu tư bảo tồn, tu bổ di tích. Nguyên nhân đầu tiên là quy hoạch phát triển và quy hoạch vốn đầu tư cho các công trình văn hóa không thống nhất, làm nảy sinh hiện tượng tự huy động vốn tự phát, tự làm. Vậy cần nâng cao việc giám sát, nhằm mục đích kiểm tra thực trạng tổng vốn đầu tư.

Như vậy để chủ động hơn trong thực hiện các dự án đầu tư bảo tồn di tích văn hóa nói riêng, tránh các hiện tượng sai lệch trong đầu tư chúng ta cần:

Nâng cao năng lực chuyên môn về văn hóa cho đội ngũ cán bộ được phân cấp.

Nâng cao khả năng đáp ứng vốn cho các dự án phát triển văn hóa – xã hội. Trong đó, ngoài việc các cơ quan tài chính đảm bảo tốt thu chi ngân sách thì phải xã hội hóa nguồn vốn đầu tư với những công trình có thể đáp ứng nhu cầu văn hóa của cộng đồng, xã hội.

Chính phủ phải có những động thái kiên quyết hơn và tiếp tục việc giao quyền mạnh hơn cho chính quyền cấp tỉnh, thành phố. Đồng thời với việc giao cho lãnh đạo địa phương toàn quyền sử dụng vốn là quy định chặt chẽ việc chịu trách nhiệm về sử dụng vốn cho công trình văn hóa.

 Định hướng sử dụng linh vật

Đứng đầu trong các linh vật được người Việt tôn vinh là tứ linh, gồm: long (rồng) – lân (kỳ lân) – quy (rùa) – phụng (chim phượng).

Rồng là linh vật biểu tượng mang tính quyền lực vua chúa, hoàng gia. Trong tâm thức của người Việt, rồng không hẳn là linh vật dành riêng cho nhà vua hay hoàng gia. Con rồng Việt đã vượt khỏi chốn cung cấm, xuất hiện ở hầu khắp đình chùa, miếu vũ… trong dân gian. Tuy nhiên, nhà nước phong kiến có những quy định khá chặt chẽ trong việc sử dụng hình tượng con rồng. Chẳng hạn, từ thời Lê – Trịnh đến thời Nguyễn, chỉ có vua và thái tử mới được sử dụng hình ảnh rồng 5 móng; các hoàng tử thứ 2, 3, 4 chỉ được dùng hình ảnh rồng 4 móng; từ hoàng tử thứ 5 trở xuống chỉ được dùng hình ảnh rồng 3 móng hay các biểu tượng gần gũi của rồng như con giao, con cù. Con rồng trang trí trong các đình chùa của dân gian cũng chỉ có 4 hoặc 3 móng.

Kỳ lân, có khi thì được bài trí thành từng cặp, đứng chầu trước cung điện của vua, đầu hướng về phía cung điện biểu hiện lòng trung thành; khi thì được bài trí ở trước điện thờ, đền miếu, mặt hướng ra bên ngoài, biểu tượng cho sự tôn nghiêm. Kỳ lân còn biểu hiện cho uy quyền của nhà vua (vì thế trên ngai vua triều Nguyễn có đôi kỳ lân dùng làm chỗ đặt chân của nhà vua) là linh vật biểu trưng cho thái tử trong mối quan hệ: rồng (nhà vua) – kỳ lân (thái tử) – phượng hoàng (hoàng hậu), là biểu tượng của hạnh phúc, đoàn viên như ngụ ý trong vũ điệu lân mẫu xuất lân nhi trong múa cung đình Huế.

Rùa thường được thể hiện cùng các linh vật khác thuộc bộ tứ linh, nhưng phổ biến nhất là hình tượng rùa đội bia và rùa đội hạc trong các đình, chùa và trong Văn miếu Hà Nội, Văn miếu Huế.

Chim phượng hoàng thường xuất hiện nơi các cung điện hay trên trang phục dành cho hoàng hậu, hoàng thái hậu, thái hoàng thái hậu, được thể hiện bởi 3 hay 5 chiếc đuôi, phân biệt với chim loan, là biểu tượng của công chúa, chỉ có 1 chiếc đuôi. Trong kiến trúc đình, miếu dân gian, hình ảnh phượng hoàng thường gắn với nơi thờ các vị nữ thần.

Long mã là một linh vật có sừng và bờm của rồng, mình của con hươu xạ, thân có vảy của kỳ lân, chân và móng của ngựa; cao “8 thước 5 tấc, xương cổ dài, cánh bên phải nhúng xuống nước mà không ướt, trên có thánh nhân để bức cổ đồ”. Ở Huế, hình ảnh long mã xuất hiện nhiều nhất là trên các bức bình phong, một sản phẩm đặc trưng của xứ Huế. Đó là hình ảnh con long mã lưng mang Hà đồ, chân lướt trên sóng nước, đầu vươn tới các tầng mây. Long mã cũng xuất hiện trên các cung môn, miếu môn trong hoàng cung triều Nguyễn và thường đi kèm với các linh vật khác như rùa, kỳ lân hay chim phượng.

Nhiều ý kiến cho rằng, nghê là linh vật do người Việt sáng tạo ra, khác hẳn với kỳ lân hay sư tử. Nghê là hóa thân của con chó, người bạn thân thiết với người dân Việt. Nếu con chó là vật canh giữ của cải, nhà cửa cho người dân, thì nghê là con vật canh giữ về mặt tinh thần, chống lại các thứ tà ma, ác quỷ. Nghê không chỉ xuất hiện trong các làng quê Bắc Bộ mà còn hiện diện trong các kiến trúc cung đình Huế. Trước cửa Hiển Nhơn và trước Miếu Môn Thế Tổ Miếu trong Hoàng thành Huế có hai đôi nghê đá đứng chầu. Khác với hình tượng các con nghê ở đồng bằng Bắc Bộ, hai đôi nghê ở Huế đã được cung đình hóa với các chi tiết chạm trổ cầu kỳ, tạo thành các chòm lông xoắn ở đầu, mang tai và đuôi, xen kẽ các đao lửa ở 4 chân và sống lưng.

Voi tượng trưng cho sức mạnh, sự khôn ngoan, thận trọng và là 1 trong 4 con vật đại diện cho sức mạnh và sinh lực bên cạnh hổ, sư tử và báo. Voi cũng là 1 trong 7 báu vật của Phật giáo nên hình tượng voi xuất hiện nhiều trong kiến trúc và trang trí Phật giáo.

Như vậy, với tư cách là vai trò chủ thể, mọi cá nhân từ nhà quản lý văn hóa, nghệ sĩ sáng tác, nghệ nhân cho đến cả cộng đồng, cần có trách nhiệm làm tốt và hiểu biết sâu sắc những vấn đề nêu trên. Nhà nước cần đầu tư nâng cao chất lượng phù hợp với văn hóa Việt, bắt đầu từ việc rà soát, điều chỉnh luật pháp hóa những quy trình về thủ tục, chất lượng nguồn nhân lực tham gia hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, từ các kỹ sư, kiến trúc sư, họa sĩ, nhà nghiên cứu đến các hiệp thợ làng nghề, các nghệ nhân dân gian. Đặc biệt, tạo điều kiện để nâng cao hơn nữa nhận thức văn hóa cho cộng đồng trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài ra, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật trên phương diện quản lý nhà nước về văn hóa cũng cần được quan tâm, cụ thể:

Xây dựng và hoàn thiện các thể chế về quản lý đầu tư, khai thác và bảo tồn các công trình văn hóa; đổi mới quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo tồn các công trình văn hóa; ban hành cơ chế kiểm tra cán bộ, công chức tiếp nhận và giải quyết công việc của dân liên quan đến các công trình di tích lịch sử văn hóa; hiện đại hóa hệ thống thông tin, phương tiện quản lý liên quan đến quản lý các công trình di tích lịch sử văn hóa. Tiến tới số hóa dữ liệu.

Đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức liên quan đến chuyên môn tu bổ di tích là những di sản quốc gia.

Đó cũng chính là những giải pháp có tính động lực tác động tích cực đến quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật Phật giáo, trong việc sử dụng biểu tượng trang trí nói chung, linh vật nói riêng trong văn hóa hiện nay.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 391, tháng 1-2017

Tác giả : NGUYỄN XUÂN HỒNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *