Mô hình quản lý di sản mộc bản chùa vĩnh nghiêm và chùa bổ đà tỉnh bắc giang

Cho đến nay, Việt Nam đã có 6 di sản được công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới (1). Việc vinh danh các di sản tư liệu thế giới vừa là sự ghi nhận giá trị văn hóa của chủ thể và quốc gia có di sản, đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản đó. Mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà được Luật Di sản văn hóa và các Công ước quốc tế về Bảo vệ di sản văn hóa bảo vệ. Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản mộc bản tại hai chùa Bổ Đà và Vĩnh Nghiêm là rất cần thiết. Quá trình trên phụ thuộc rất lớn vào việc định hướng mô hình quản lý di sản đi theo hướng phát triển nào. Để lựa chọn mô hình bảo tồn và phát huy di sản, chúng ta phải căn cứ trên những tiêu chí như: mục đích, nguyên tắc, loại hình di sản và nguồn lực, bao gồm các nguyên tắc, mục tiêu, nội dung hoạt động, với các vấn đề cụ thể.

1.  Nguyên tắc phát triển mô hình

Tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và thế giới về bảo vệ các di sản văn hóa; các định hướng và hướng dẫn của UNESCO về bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các di sản tư liệu thế giới.

Di sản mộc bản được đặt trong mối quan hệ không tách rời tổng thể việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích và cảnh quan xung quanh, với những định hướng bảo tồn cho cả tổng thể (bao gồm 3 hợp phần: mộc bản, di tích và cảnh quan) và định hướng riêng cho từng hợp phần.

Bảo tồn, khai thác các giá trị của di sản mộc bản một cách thận trọng, có bước đi phù hợp, dựa trên đặc thù của loại hình di sản và điều kiện thực hiện để khai thác, phát huy những giá trị của di sản mộc bản.Về mặt kỹ thuật, việc phát huy giá trị di sản để gia tăng giá trị của di sản, nhưng không được làm ảnh hưởng đến hiện trạng và tuổi thọ của di sản mộc bản đang lưu giữ.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản mộc bản phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích của các bên liên quan, trong đó tuân thủ nguyên tắc tôn trọng nguyện vọng của nhân dân-đối tượng được quyền thụ hưởng những giá trị của mộc bản và cũng là đối tượng có trách nhiệm trong việc bảo vệ tài liệu. Đảm bảo sự đồng thuận của các bên liên quan bao gồm: chính quyền sở tại, những người sở hữu trực tiếp di sản và cộng đồng người dân.

Trên cơ sở đảm bảo được các nguyên tắc này, việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản mộc bản cần được triển khai theo 4 định hướng chung như sau:

Nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, giáo hội, nhà chùa, phật tử, cộng đồng dân cư tại địa phương, khách tham quan về giá trị của di sản, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản mộc bản.

Xác định rõ chủ thể và trách nhiệm của từng chủ thể trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản mộc bản tại hai chùa. Cụ thể và trực tiếp nhất là các vị sư trụ trì tại hai chùa, sau đó là chính quyền các cấp tại địa phương, tiếp đến là Giáo hội Phật giáo, các bộ ngành liên quan, cuối cùng là người dân và phật tử – những chủ thể có trách nhiệm nhất định trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản mộc bản.

Xác lập mô hình quản lý phù hợp và từng bước hoàn thiện mô hình quản lý theo tiến trình phát triển.

 Tăng cường và mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản mộc bản.

2. Mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản mộc bản

Bảo tồn một cách hiệu quả nhất đối di sản mộc bản nói riêng và quần thể di tích chùa Bổ Đà và chùa Vĩnh Nghiêm nói chung. Trong đó, làm nổi bật những giá trị cốt lõi của di sản về mặt lịch sử, văn hóa, tôn giáo. Bảo tồn một cách nguyên trạng những giá trị của mộc bản, đưa di sản mộc bản vào đời sống cộng đồng.

Kế thừa để phát triển cộng đồng bằng cách khai thác những thế mạnh của di sản, đặc biệt từ nguồn du lịch cộng đồng là giải quyết công ăn việc làm cho đại đa số người dân địa phương và góp phần nâng cao dân trí, giao lưu văn hóa, tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư.

3. Nội dung bảo tồn, phát huy giá trị di sản mộc bản

Thực tế nghiên cứu việc bảo tồn di sản mộc bản tại hai chùa Bổ Đà và Vĩnh Nghiêm cho thấy: không thể bảo tồn cái gì trong thế phân lập, tách biệt nó với môi trường tự nhiên và xã hội của nó, vì con người chính là chủ thể bảo vệ và khai thác sử dụng di sản. Vì vậy, để đảm bảo được mục tiêu, có hai loại hoạt động của quá trình bảo tồn di sản mộc bản: các nội dung liên quan tới di tích, cảnh quan như là môi trường sống của di sản mộc bản; các nội dung liên quan trực tiếp tới bảo tồn và phá huy giá trị di sản mộc bản.

Di tích và cảnh quan chùa

Tại hai chùa Vĩnh Nghiêm và Bổ Đà, di sản mộc bản nằm trong một quần thể di tích. Vì vậy, trong thiết kế các nội dung hoạt động, cần phải coi hoạt động của di tích luôn gắn liền với các hoạt động của di sản mộc bản. Trên tinh thần đó, việc đưa ra các hoạt động của di tích phải đảm bảo tính cố kết giữa hai loại hình di tích và di sản mộc bản.

Đối với Bổ Đà, đây là một trong những ngôi chùa còn lưu giữ nguyên bản những nét kiến trúc truyền thống của người Việt. Chùa được thiết kế theo kiểu kiến trúc “nội thông ngoại bế” tạo vẻ u tịch, thanh vắng và huyền thoại và cho đến nay tổng thể diện mạo cảnh quan của chùa vẫn giữ được gần như nguyên trạng. Bản thân quy mô chùa Bổ Đà hiện tại khó có thể đáp ứng số đông người dân đến chùa, vì thế mộc bản Bổ Đà sẽ rất khó thu hút khách nếu không gắn với du lịch. Với tổng thể di tích chùa Bổ Đà, nên lựa chọn mô hình bảo tồn nguyên trạng làm định hướng cho quản lý bền vững di tích, tìm kiếm nguồn lực để xây dựng hệ thống lưu giữ (nhà trưng bày), hạn chế tối đa sự can thiệp vào mộc bản. Mở rộng quy mô di tích, không gian nghi lễ là thiết yếu, tuy nhiên cần dựa trên nguyên tắc mở rộng ra phía ngoài chùa và hạn chế sự can thiệp vào các hạng mục di tích hiện tại, bởi với Bổ Đà chính cái nguyên sơ của nó mới là cái có giá trị.

Đối với Vĩnh Nghiêm, trước sự biến đổi nhanh chóng của xã hội, nhu cầu tâm linh, nhu cầu du lịch, các nhu cầu khác của người dân, bản thân quy mô chùa hiện tại khó có thể đáp ứng số người dân đến chùa. Với những thay đổi không ngừng của hệ thống cảnh quan tự nhiên và nhân văn của chùa Vĩnh Nghiêm, cần thiết phải xây dựng mô hình bảo tồn trên cơ sở kế thừa: bảo tồn giá trị mộc bản và di tích, xây dựng các sản phẩm du lịch chú trọng đến vai trò của di sản trong tiến trình tạo thu nhập cho cộng đồng địa phương, đồng thời phải bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản trong các hoạt động kinh tế.

Trên cơ sở đó, chúng tôi đề xuất các nội dung hoạt động của di tích như sau:

Nghiên cứu lên kế hoạch xây dựng các tour cho các đơn vị du lịch tổ chức tham quan. Đặc biệt chú trọng đến các ngày lễ hội, các ngày lễ của Phật giáo như: ngày lễ tổ của chùa, ngày Phật đản, ngày rằm, ngày mồng một…

Xây dựng các tour du lịch với các loại hình phong phú khác nhau như: tour du lịch hàng ngày, tour du lịch trải nghiệm, tour du lịch liên quan đến nghiên cứu Phật giáo, du lịch thiền…

Mở các lớp tu tập cho tín đồ, tăng đồ của các giáo phái cả trong nước và quốc tế. Đặc biệt, chú ý tới vai trò chùa Bổ Đà vốn là sơn môn thiền phái Lâm Tế nơi đào tạo các tăng ni trước đây để nhằm phục hồi chức năng này cho phát triển hoạt động tâm linh.

Các hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực, cơm chay cũng là những sản phẩm du lịch đặc sắc và độc đáo ở Bổ Đà, cần được coi là những sản phẩm du lịch đặc trưng.

Bảo tồn di sản mộc bản

Định hướng bảo tồn mộc bản: Ngoài những phần được xuất bản thành sách và các tài liệu nghiên cứu cần hạn chế tối đa sự can thiệp vào mộc bản. Tránh coi mộc bản là nguồn lợi để phát triển kinh tế, phải coi việc bảo tồn giá trị là trên hết và khả năng sinh lời ở mức độ hạn chế.

Trước mắt cần đề nghị nhà chùa giữ nguyên số lượng và thống nhất cách phân loại, sắp xếp, thống kê số mộc bản hiện có.

Các cơ quan nghiên cứu, quản lý di sản, các nhà nghiên cứu đi trước cần cung cấp, chia sẻ thông tin và thảo luận để đưa ra cách phân loại và thống kê tài liệu mộc bản ở hai chùa theo phương án tối ưu và thống nhất nhằm giúp cho việc tra tìm, sử dụng, kiểm kê mộc bản được thuận lợi và không xáo trộn.

Để bảo tồn lâu dài được bản thân vật thể các bộ, các tấm mộc bản, cần phải có nơi bảo quản, lưu trữ thích hợp, đáp ứng các điều kiện kỹ thuật đòi hỏi và người trực tiếp bảo quản, lưu trữ tài liệu phải có đủ nghiệp vụ chuyên môn. Việc xây dựng kho bảo quản, trưng bày, giới thiệu mộc bản tại hai chùa cho phù hợp, đạt yêu cầu khoa học.

Bảo tồn lâu dài các nội dung văn tự (các văn bản), đồ họa được khắc trên mộc bản bằng các phương pháp như: chụp ảnh, số hóa, miêu tả tổng thuật từng trang của toàn bộ ván khắc.

Phát hiện và thống kê những ván khắc bị thiếu, mất, hư hỏng hoặc mờ chữ, đồng thời xây dựng kế hoạch để sưu tầm, bổ sung các ván khắc có thể còn lưu lạc trong các chùa khác hoặc trong dân gian. Một số ván khắc bị hư hỏng, cần được nghiên cứu đánh giá để có thể tổ chức khắc lại (nhưng không tiêu hủy ván gốc).

Bảo vệ an toàn và quản trị rủi ro có thể xảy ra với mộc bản hai chùa. Cần khảo sát để xác định nguy cơ và các loại rủi ro có thể xảy ra; nhận diện và phân loại các rủi ro đối với mộc bản; có biện pháp ngăn ngừa nguy cơ và xác định đúng những rủi ro có tính phổ biến để đề xuất các biện pháp hạn chế, biện pháp giải quyết khi rủi ro xảy ra.

Lựa chọn các phương án xây dựng kho và các điều kiện bảo quản cho phù hợp và khoa học.

Định hướng phát huy mộc bản: Nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch dựa trên mộc bản là cách tốt để phát huy giá trị di sản. Cần chọn lựa có chọn lọc khía cạnh nào để khai thác di sản, phát huy giá trị di sản bằng cách làm cho nó thực sự sống. Điều cần làm là:

Cho phép giới khoa học hữu quan tiếp xúc (có điều kiện) trực tiếp khảo sát kho mộc bản tại chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà, tiếp cận nghiên cứu từ các góc độ thích hợp, đơn ngành và/hoặc liên ngành nhằm khai thác thông tin, tư liệu trong các văn bản thể hiện trên mộc bản để nghiên cứu các vấn đề hữu quan, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và cộng đồng.

Phát huy giá trị di sản mộc bản trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục truyền thống và lối sống trong xã hội. Tích cực giới thiệu, phổ biến một cách đúng đắn, rộng rãi trong và ngoài nước các nội dung và giá trị của di sản mộc bản tại hai chùa; công bố, đưa các thông tin và giá trị đó vào cộng đồng bằng các biện pháp thông tin và truyền thông để qua đó tác động đến cộng đồng.

Phát huy giá trị di sản mộc bản góp phần phát triển du lịch của tỉnh Bắc Giang và các địa phương lân cận. Cần xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch. Với tiềm năng giá trị độc đáo, lại đặt trong tổng thể của hai di sản văn hóa quốc gia là chùa Bổ Đà và chùa Vĩnh Nghiêm, di sản mộc bản có thể được xác định là một giá trị thương hiệu để góp phần phát triển du lịch. Việc phát huy giá trị của di sản mộc bản để góp phần phát triển kinh tế, du lịch ở Bắc Giang nói riêng và khu vực lân cận nói chung, là khả thi. Đối với hai chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà, số lượng khách tham quan du lịch tăng lên sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt cho chùa và nguồn lợi kinh tế cho địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân sở tại để họ có thêm thu nhập, cải thiện và nâng cao điều kiện sống. Các hoạt động du lịch có thể đem tới lợi ích kinh tế sẽ giúp các di tích Phật giáo vượt ra khỏi mô hình kinh tế truyền thống (chủ yếu chỉ dựa vào các khoản công đức của phật tử và người dân đi lễ chùa). Tuy nhiên, để làm tốt điều đó, cần phải có cơ chế quản lý nguồn lợi sao cho phù hợp với lợi ích và trách nhiệm của các bên khi tham gia hoạt động du lịch.

Du lịch tham quan, nghiên cứu giá trị mộc bản tại chỗ (tại chùa). Để xây dựng và khai thác được sản phẩm du lịch này, trước hết cần xây dựng nhà trưng bày mộc bản (hoặc bảo tàng mộc bản). Chức năng chính của nhà trưng bày mộc bản là để giới thiệu cho du khách tận mắt chiêm ngưỡng các bản mộc, giới thiệu về lịch sử hình thành của mộc bản, các giá trị về nội dung của các bản mộc, quy trình khắc và làm các bản mộc, giới thiệu và bán các sản phẩm mộc bản (các bản in, các tấm bản mộc được trạm khắc tại chỗ, các đồ lưu niệm mang sắc thái, thương hiệu mộc bản…). Các sản phẩm du lịch thuộc nhóm này có thể đáp ứng cho các đối tượng khách là các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, những khách có thu nhập cao, có trình độ học vấn, ham hiểu biết, thích khám phá… đối với cả khách nội địa và quốc tế.

 Du lịch trải nghiệm dập mộc bản theo truyền thống. Để xây dựng và khai thác được sản phẩm du lịch này trước hết cần thiết kế xây dựng một quy trình khắc bản mộc (từ khâu chọn gỗ, lựa chọn kích thước kiểu dáng, nội dung cần khắc, hướng dẫn cách khắc, cách in); tiếp đến là đào tạo bồi dưỡng một đội ngũ nghệ nhân để hướng dẫn cho khách du lịch cách thức và quy trình khắc bản mộc. Tham gia trải nghiệm sản phẩm du lịch này, khách du lịch sẽ tự tay khắc cho mình những bản mộc và bản in theo ý thích, tự do sáng tác (nội dung, kiểu dáng, kích thước…).

Sắp xếp và trưng bày mộc bản theo chủ đề: kinh phật, chữa bệnh… Nhà trưng bày mộc bản cũng được coi như một bảo tàng thu nhỏ. Chính vì thế, đối với mộc bản, khi trưng bày chúng ta cũng có thể chia ra nhiều loại hình trưng bày nhỏ như: trưng bày nghệ thuật khắc, trưng bày theo các chủ đề, trưng bày nguyên trạng, trưng bày hệ thống và trưng bày theo hình thức kho mở. Có thể nói trưng bày chuyên đề là việc nghiên cứu, sắp xếp mộc bản và các hiện vật liên quan một cách khoa học, nghệ thuật có chủ đích phù hợp với ý đồ tư tưởng và nội dung được nghiên cứu. Ngoài ra các giải pháp kỹ thuật, mỹ thuật đã được lựa chọn nhằm giới thiệu một cách đầy đủ không chỉ đơn thuần về hiện vật mà còn bao gồm cả bối cảnh, ý nghĩa, lịch sử, những câu chuyện, các ý tưởng và cảm xúc liên quan đến mộc bản. Từ đó du khách có thể cảm nhận, tương tác, trải nghiệm giàu tính giáo dục và mở mang kiến thức, kỹ năng, hiểu biết hơn về nội dung và ý nghĩa của mộc bản Vĩnh Nghiêm.

Tổ chức các tour du lịch độc lập (du khách chỉ đến thăm từng chùa hoặc thăm 2 chùa cùng lúc) theo các hình thức: du lịch văn hóa (dành cho mọi đối tượng khách trong và ngoài nước); du lịch truyền thống (dành cho các học sinh, sinh viên, người cao tuổi, thanh niên…); du lịch tâm linh gắn với lễ hội (chủ yếu dành cho người cao tuổi, phụ nữ, những người kinh doanh, buôn bán); du lịch sinh thái kết hợp giao lưu, nghệ thuật (dành cho đối tượng học sinh, sinh viên, thanh niên…); du lịch khoa học và sinh thái (dành cho các cơ quan, các nhà khoa học đến hai chùa để nghiên cứu, tổ chức các tọa đàm, hội thảo về di sản và di sản tư liệu)…

Thiết kế các tour du lịch liên kết với các tour du lịch khác trong hệ thống khu vực Tây Yên Tử và những tour du lịch đến các địa phương khác trong cả nước (ví dụ tổ chức du lịch đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc giang và chùa Vĩnh Nghiêm ở TP.HCM), các tour du lịch kết nối với các di sản mộc bản trong nước và khu vực (thăm, tìm hiểu di sản mộc bản ở hai chùa, đồng thời thăm, tìm hiểu, khảo sát di sản mộc bản ở những chùa khác hoặc ở Đà Lạt hoặc Hàn Quốc, Nhật Bản…).

Xây dựng, thiết kế bộ nhận diện thương hiệu và hệ thống quà tặng, đồ lưu niệm, một số đặc sản địa phương để phục vụ du lịch như: thiết kế các pano, biển hiệu để quảng bá, giới thiệu về di sản đặt ở những nơi có nhiều người qua lại, nhiều người biết đến như các trường học, khu thương mại, cạnh đường giao thông, bến xe, bến tàu, các khu du lịch…của địa phương; thiết kế logo (biểu tượng mộc bản đặt trong biểu tượng kiến trúc độc đáo của 2 chùa hoặc trong biểu tượng của UNESCO) để in và quảng bá trên mọi sản phẩm, tài liệu, (đồ thờ tự, túi, áo, mũ, cốc, ô che, lịch treo tường, lịch bàn, món ăn bảo đảm vệ sinh và dễ mang theo) tặng làm kỷ niệm hoặc bán cho du khách; xây dựng hình ảnh và phong cách chuyên nghiệp cho những chức sắc tôn giáo, những người làm việc trong 2 chùa cũng như cán bộ địa phương trong việc đón tiếp, giúp đỡ, hướng dẫn du khách; thiết kế và cho in trên giấy dó, vải, gỗ nhẹ những đoạn trích từ kinh sách khuyên bảo con người sống tốt, những lời nguyện mang lại niềm tin vào sự tốt đẹp, tử tế trong cuộc sống; làm các đồ lưu niệm bằng gỗ có tượng phật, cảnh chùa và hình ảnh mộc bản để bán, tặng cho phật tử và khách tham quan. Sản xuất những tiêu bản có kích thước khác nhau của mộc bản như là một sản phẩm du lịch đặc trưng của di tích chùa Bổ Đà và chùa Vĩnh Nghiêm; mời và tạo điều kiện để các họa sĩ vẽ tranh phong cảnh và lồng ghép hình ảnh về mộc bản ở 2 chùa, in trên các loại chất kiệu thích hợp, hoặc tranh thêu… để làm đồ lưu niệm; làm phim tư liệu về 2 chùa; biên soạn tài liệu giới thiệu (in hoặc nói chuyện) về mộc bản và kỹ thuật chế tác mộc bản, khắc chữ và đồ họa… cho những người có nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về di sản văn hóa nói chung, di sản mộc bản nói riêng…

Phát huy giá trị di sản mộc bản trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Nhìn lại lịch sử hình thành di sản mộc bản ở 2 chùa, chúng tôi thấy điểm chung của hai khối di sản này là đều được san khắc tại chùa để in kinh sách Phật giáo (mặc dù chùa Vĩnh Nghiêm thuộc thiền phái Trúc Lâm, chùa Bổ Đà thuộc thiền tông Lâm Tế). Như vậy, mục đích đầu tiên của việc tạo tác mộc bản là để phục vụ cho hoạt động truyền giảng Phật giáo, để răn dạy Phật tử, giác ngộ con người, giúp tìm được sự an bình trong cuộc sống.

Trên cơ sở những hoạt động đã được nhà chùa thực hiện, trong thời gian tới, việc phát huy giá trị của di sản mộc bản trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng nên tập trung vào: khai thác giá trị mộc bản trong việc tu tập, đào tạo tăng ni, giáo hóa Phật tử, tăng cường giới thiệu, giảng giải, quảng bá những giá trị nhân văn, sự độc đáo trong tư tưởng thiền phái Trúc Lâm, gắn với tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông; kết hợp tổ chức giảng giải (hoặc lồng ghép vào một số nghi thức nào đó thích hợp) những nội dung về mộc bản, về vai trò của mộc bản với việc ấn tống kinh sách, về công lao của người xưa, của các sư tổ tại chùa trong việc tổ chức san khắc kinh sách…(2).

____________

1. Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ra đời từ năm 1994 coi di sản tư liệu cũng là một dạng của di sản văn hóa, nhưng thường mang tính độc đáo về chất liệu và kỹ thuật chế tác cũng như giá trị nội dung còn lưu lại.

2. Bài viết thuộc Đề tài độc lập cấp nhà nước “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà, tỉnh Bắc Giang”. Mã số 10/15-ĐTĐL.XH-XHTN.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6 – 2017

Tác giả : LƯƠNG HỒNG QUANG – BÙI THỊ KIM PHƯƠNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *