Tín ngưỡng nông nghiệp trong đời sống văn hóa người sán dìu ở thái nguyên

Cư trú trên mảnh đất trung du, sinh kế chính của người Sán Dìu ở Thái Nguyên là canh tác nông nghiệp. Hoạt động sản xuất phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên nên trong đời sống tinh thần, họ luôn hướng đến thần linh, cầu mong cuộc sống yên ổn, mạnh khỏe để làm ăn, mùa màng tốt tươi… Các biểu hiện của việc thờ cúng thần nông, thờ vía lúa, thờ tổ tiên, thành hoàng làng… cùng các lễ hội gắn liền với thời vụ sản xuất như cầu mùa, cầu mưa, hạ điền, thượng điền, cúng cơm mới… phản ánh rõ nét niềm tin linh của cộng đồng. Tín ngưỡng nông nghiệp không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần người Sán Dìu, còn góp phần hình thành nên diện mạo văn hóa của tộc người vùng trung du.

1. Các biểu hiện của tín ngưỡng nông nghiệp

Lễ ra đồng

Lễ ra đồng được tổ chức vào mùng 6 – 1 âm lịch hàng năm, còn được gọi là lễ khai xuân. Nghi lễ được chuẩn bị chu đáo với mong muốn sự khởi đầu suôn sẻ đối với vụ mùa sắp tới. Lễ vật gồm thủ lợn, đôi chân giò sống, xôi, cơm, thịt lợn luộc, gà luộc, đĩa rau, đĩa muối, hoa quả, rượu. Ông son (người trông coi đình làng) đại diện dân làng thắp hương, thỉnh thành hoàng, thần nông cùng các sơn thần thổ địa về dự bữa cơm và phù hộ cho bà con có một năm mới ấm no, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, cây cối sinh sôi nảy nở, gia súc, gia cầm phát triển, dân làng khỏe mạnh. Sau lễ cúng, các thành viên trong bản cùng thụ lộc và cộng cảm niềm vui chung, hòa mình trong những câu hát soọng cô chúc tụng sức khỏe. Mọi công việc đồng áng chỉ được thực hiện sau khi lễ cúng ra đồng kết thúc, cũng là lúc có sự coi sóc của các vị thần linh.

Lễ hạ điền

Được tổ chức vào ngày mùng 6 – 4 âm lịch hàng năm, còn gọi là lễ xuống đồng. Đây cũng là nghi lễ quan trọng trong chu kỳ sản xuất, được thực hiện tại đình làng để cúng khấn xin thành hoàng làng và thần nông phù hộ cho bà con bước vào vụ cày cấy mưa thuận gió hòa, cây cối sinh trưởng tươi tốt và có vụ mùa bội thu. Lễ vật cúng tế gồm xôi, thịt gà, thịt lợn, rượu, hoa quả… đều là những sản vật của lao động nông nghiệp. Sau khi thày cúng hoàn thành việc thỉnh thần và tấu khấn khát vọng của dân làng, khán trại-người đứng đầu trong làng, đại diện cho dân làng, thực hiện những đường cày đầu tiên trước khi dân làng bắt đầu vụ cấy trồng mới.

Lễ lên đồng

Còn gọi là lễ rửa cày bừa, lễ thượng điền, được tổ chức vào ngày 14 – 7 âm lịch hàng năm. Mọi người cùng góp thực phẩm và rượu để chuẩn bị lễ vật cho lễ cúng ở đình làng. Lễ cúng được thực hiện tại đình làng trước, sau đó bà con mới trở về làm cơm cúng báo với gia tiên. Sau vụ cày cấy, bà con làm lễ lên đồng để cảm tạ thành hoàng, thần nông và gia tiên, đồng thời cũng là mốc đánh dấu sự kết thúc khoảng thời gian lao động vất vả.

Ngoài những lễ vật gạo, xôi, thịt lợn, thịt gà, rượu và tiền vàng, còn có món ăn đặc sắc không thể thiếu là bánh nhân điền, với ý nghĩa: cầu cho vụ mùa năm sau mưa thuận gió hòa, cho thu hoạch cao hơn năm trước. Lễ cúng kết thúc, bà con thụ lộc ngay tại đình làng, sau đó trở về nhà làm cơm cúng báo với gia tiên.

Tết cơm mới

Là lễ đánh dấu vụ mùa kết thúc, là sự tạ ơn các vị thần linh đã phù hộ cho một mùa vụ bội thu và cầu xin các vị thần sẽ tiếp tục phù hộ, che chở cho bà con được bình an, làm ăn thuận lợi quanh năm. Đây cũng là nghi lễ mời thần nông về trời, nghỉ ngơi sau một năm coi sóc việc đồng áng, trước khi bắt đầu vụ mùa mới.

Lễ cơm mới không thể thiếu việc rước hồn lúa về thờ tại gia đình, trên bàn thờ gia tiên. Theo quan niệm của đồng bào, sau khi gặt mang về nhà, lúa giống sẽ được nghỉ ngơi trong thời gian dài. Vì vậy, vía lúa sẽ bỏ đi chơi lang thang khắp đó đây, nên khi gieo cấy nếu không gọi vía lúa trở về thì lúa giống sẽ bị yếu, gieo hạt xuống lúa sẽ không mọc hoặc có mọc thì cũng không hy vọng mùa màng tươi tốt.

Lễ vật cúng ở đình nhất thiết phải có cơm, xôi, là gạo mới của nhà ông son, sản phẩm có được nhờ các vị thần linh phù hộ, vừa thể hiện lòng tôn kính vừa mong vụ mùa sắp tới bội thu. Ngoài ra còn có thủ lợn, đuôi lợn với quan niệm việc gì cũng có đầu có đuôi, như vậy thì mới được coi là viên mãn.

Mâm cúng thần nông được đặt ở sân đình. Ngoài những lễ vật chính, người dân còn dùng lá đa cuốn thành hình phễu, cho mấy hạt cơm, xôi, giọt rượu rồi cắm xung quanh bệ thờ của thần nông nhờ thần trừ sâu bọ. Sau lễ cúng, thần nông được tiễn về trời nghỉ ngơi, kết thúc một chu kỳ vụ mùa trong năm. Người đàn ông khỏe nhất trong gia đình sẽ chạy đến bó cờ ngũ sắc cắm ở mâm cúng thần nông đã được ông son làm phép, rút một lá cờ chạy thật nhanh ra đám ruộng nhà mình cắm, tượng trưng cho sự trông coi của thần nông đối với phần ruộng của gia đình.

Sau nghi lễ ở đình làng, là lễ cúng gia tiên. Gia đình nào chưa làm lễ cúng cơm mới nghĩa là chưa tạ ơn vị thần phù hộ cho nhà mình thì kiêng không được ăn cơm mới nhà khác vì như thế sợ thần sẽ nổi giận. Trên mâm cúng cơm mới của người Sán Dìu, ngoài bông lúa còn có quả bí đỏ, củ khoai sọ (lễ tết tháng 5 và tháng 7 âm lịch), thể hiện sự trân trọng những nguồn lương thực ngoài lúa gạo. Họ đơm 6 bát cơm cúng, số 6 là số phúc lộc, may mắn, con số chẵn, tượng trưng cho sự đầy đủ, no ấm. Đặc biệt, khi nấu cơm, họ trộn một ít thóc vào xoong cơm để khách đến ăn sẽ luôn kêu nhiều thóc q, như lời chúc tốt đẹp để năm sau được nhiều thóc. Mọi người cùng nhau ăn uống một cách vui vẻ và náo nhiệt, thể hiện sự mừng vui một vụ mùa gặt hái thành công.

Tết đông chí

Là lễ tết đóng cửa đình của người Sán Dìu, nghi lễ này đánh dấu kết thúc chu kỳ cấy hái của một năm, được tổ chức vào ngày 15, 16 – 11 âm lịch tại đình làng. Lễ cúng diễn ra với các nghi thức thông thường như lễ ra đồng, lễ hạ điền, nhưng bài khấn sẽ thay đổi với đại ý: hôm nay, ngày lành tháng tốt, cũng kết thúc một năm vất vả của bà con. Hôm nay, bà con tổ chức lễ đóng cửa đình mời các ngài về dự bữa cơm cùng bà con trong bản và cảm tạ các vị thần đã phù hộ, che chở cho bà con trong suốt một năm được yên ổn, bà con mạnh khỏe, cây cối và gia súc sinh sôi, phát triển. Lễ cúng kết thúc, bà con hưởng lộc và chia đều cho nhau những gì còn sót lại.

Tết đông chí không chỉ là thời điểm đánh dấu tiết vụ của một năm đã kết thúc, mà còn mang ý nghĩa cầu mong cho các gia đình có con đàn cháu đống. Đây cũng là biểu hiện cho khát vọng của cư dân nông nghiệp về sức người, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất.

Lễ đại phan

Đây thực chất là lễ cầu mùa của đồng bào, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, làng bản không bị thiên tai, dịch bệnh, chim thú không phá hại mùa màng, con người được yên ấm. Thời gian tổ chức lễ hội không nhất thiết phải theo một chu kỳ hay định kỳ mà thường tổ chức vào ngày nông nhàn, sau vụ cấy, vụ thu hoạch hoặc vào mùa xuân. Những nơi nào thiên tai xảy ra liên tiếp thì sẽ được ưu tiên tổ chức nhiều hơn. Thành hoàng và các giống cây trồng, đặc biệt là thóc giống (hồn lúa) được rước đến địa điểm lễ. Sau lễ cầu mùa, các hạt giống được chia cho dân làng lấy may, để mùa màng không bị sâu bệnh hại, sinh sôi nảy nở và bội thu.

Trong lễ đại phan, cây phan chốc được làm bằng tre tươi to và dài suốt ngọn, buộc một tấm vải đỏ có đề hàng chữ nho với nội dung trừ tà ma, quỷ dữ. Tấm vải đỏ tượng trưng cho cầu nối giữa âm và dương, mặt đất và tầng trời, biểu hiện sâu sắc tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp, với khát vọng âm dương giao hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở. Phan chốc được dựng thẳng đứng, không nghiêng ngả vì ngả về làng nào thì làng đó sẽ gặp điều không may. Mọi người đến dự lễ thi nhau sờ vào phan chốc để được may mắn, no ấm quanh năm.

Trong lễ cầu mùa, không thể thiếu nghi thức chém lợn, chém trâu, lấy máu vẩy vào cờ đuôi nheo, mang cắm ở cánh đồng lớn ở các làng để diệt trừ ma quỷ và tiêu diệt sâu bệnh gây hại cho bà con và mùa màng. Máu cũng được đem về quết vào cửa chuồng gia súc để đuổi ma quỷ, dịch bệnh, cầu mong sự sinh sôi phát triển. Trong đời sống tâm linh người Sán Dìu, con trâu có vai trò quan trọng. Lý giải việc chọn trâu làm vật tế thần, thày cúng Lý Văn Trân, xóm Cầu Đất, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ cho  biết: “Đây là con vật to nhất trong số con vật nuôi của bà con, đồng thời đó cũng là con vật quan trọng, cần thiết và quý nhất đối với việc làm ruộng của người dân”. Việc dùng trâu làm vật hiến tế thần linh, thể hiện sự tôn kính của dân làng đối với thần thánh, niềm tin thiêng liêng vào sự bảo hộ của thần linh đối với con người và vạn vật.

Tín ngưỡng trong chăn nuôi

Cũng như các cộng đồng dân tộc thiểu số khác, vào dịp năm hết tết đến, đồng bào Sán Dìu có phong tục dán giấy đỏ hoặc trong lễ cầu mùa, máu của vật hiến tế được quết lên cửa chuồng gia súc, gia cầm, các nông cụ sản xuất nhằm xua đuổi ma quỷ, mong cho việc sản xuất được thuận lợi, gia súc, gia cầm sinh sôi phát triển.

Những kiêng kỵ liên quan đến tín ngưỡng nông nghiệp

Tín ngưỡng nông nghiệp có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh người Sán Dìu. Vì vậy, trong mọi nghi lễ gắn liền với chu kỳ sản xuất, việc thờ cúng được thực hiện chu đáo, thể hiện sự tôn kính thần linh. Dân làng rất chú ý kiêng kỵ, khi nhà có tang hoặc có người mới sinh sẽ không tham dự lễ hội chung của cộng đồng. Khi thụ lộc, tất cả lễ vật cúng tế, nếu ăn không hết sẽ chia nhau mang về. Tuyệt đối, khi ăn cơm, không được chan canh, vì theo quan niệm, nếu chan canh vào bát cơm sẽ làm trời đổ mưa to, trôi hết thóc, lúa và ảnh hưởng đến lễ hội. Đặc biệt là khi sắp lễ, nấu cơm ở đình làng hay ở nhà bằng xoong to hay xoong nhỏ, phải nấu đầy nồi, thể hiện sự cảm tạ thần linh phù hộ dân làng có bồ thóc đầy.

Dịp tết thanh minh (sênh minh trệt), họ không làm công việc đồng áng, tránh động đến long mạch, ảnh hưởng đến thần linh. Ngày 8 – 4 âm lịch là ngày sinh nhật trâu, trâu không phải ra đồng, được nghỉ ngơi và thiết đãi. Con trâu là vật quý nhất đối với người Sán Dìu, là của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng, con vật không thể thiếu trong canh tác nông nghiệp. Người Sán Dìu thường nói Zọng nsgoi tạch loi tếnh cà thoi (con trâu là đầu cơ nghiệp). Vì vậy, đồng bào kiêng ăn thịt trâu, chỉ dùng làm vật hiến tế thần linh, thể hiện sự tôn kính trong lễ cầu mùa. Tết vu lan (shiết nhọt sịp slị triệt) được coi là ngày lúa giao hợp, mọi người kiêng kỵ không ra đồng vì sợ lúa thẹn, sẽ mất mùa.

2. Tín ngưỡng nông nghiệp trong đời sống văn hóa người Sán Dìu

Tín ngưỡng nông nghiệp phản ánh đặc trưng kinh tế

Đời sống lao động gặp nhiều khó khăn, người Sán Dìu hướng tới các vị thần linh cầu mong sự phù hộ như sự giải thoát về tinh thần. Trong toàn bộ chu kỳ sản xuất, song song với canh tác nông nghiệp là việc thực hiện các lễ thức cầu cúng với ước vọng về mùa màng bội thu, người an vật thịnh.        

Các nghi lễ nông nghiệp được thực hiện tuần tự theo các tiết trong năm. Điều này cho thấy đồng bào đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong lao động, am hiểu quy luật tự nhiên để việc sản xuất nông nghiệp được thuận lợi, cho hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo cuộc sống. Lễ vật trong các nghi lễ nông nghiệp đều là sản vật của quá trình lao động: cơm, xôi, thịt lợn, thịt gà, các loại bánh… tất cả được chuẩn bị chu đáo, dâng cúng thần linh, thể hiện sự tôn kính cùng mong muốn sự bảo hộ đối với mùa màng và sức khỏe.

Sản xuất nông nghiệp trên mảnh đất trung du cằn cỗi, nhiều khó khăn nhưng đời sống tinh thần của người Sán Dìu vô cùng phong phú. Sau những giờ lao động mệt nhọc hay trong các dịp lễ hội của cộng đồng, họ lại cùng nhau xướng lên những lời ca soọng cô khỏe khoắn, say đắm lòng người để quên đi vất vả. Họ không chỉ hát lên để ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, vẻ đẹp thiên nhiên của vùng đất trung du, tình người sâu đậm mà còn ca lên những bài ca ca ngợi tình yêu lao động, cảnh sinh hoạt hàng ngày của công việc đồng áng với tinh thần lạc quan. Những lời ca sâu lắng ấy cũng phần nào tái hiện bức tranh lao động sản xuất.

Tín ngưỡng nông nghiệp phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan

Sinh kế chính của người Sán Dìu là nông nghiệp, hoạt động sản xuất phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên nên trong đời sống tinh thần, cộng đồng thể hiện sự sùng bái đối với các vị thần tự nhiên. Họ luôn khao khát cuộc sống thanh bình, hướng đến những vị thánh thần, cầu mong cuộc sống yên ổn, mạnh khỏe để làm ăn. Các biểu hiện của việc thờ cúng thần nông, thờ vía lúa, thờ tổ tiên, thành hoàng làng… cùng các lễ hội gắn liền với thời vụ sản xuất như cầu mùa, cầu mưa, lễ hạ điền, lễ thượng điền, lễ cúng cơm mới, lễ hội đại phan… đều phản ánh rõ nét niềm tin tâm linh cùng tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp.

Đối với cộng đồng người Sán Dìu, thần nông là người mẹ nông nghiệp, cai quản việc đồng áng, phù hộ cho mùa màng bội thu để dân làng được no ấm. Lễ cúng tế thần nông được tổ chức thống nhất trong các nghi lễ cộng đồng: lễ ra đồng, hạ điền, thượng điền, tết cơm mới. Dịp đầu xuân, trong lễ ra đồng, thần nông được khấn thỉnh mời xuống cai quản ruộng đất và coi sóc việc đồng. Sau tết cơm mới, kết thúc mùa vụ sản xuất trong năm, thần nông được tiễn về trời nghỉ ngơi trước khi bắt đầu mùa vụ mới.

Thành hoàng làng được coi là vị thần bản mệnh, che chở cho cuộc sống của cả cộng đồng. Thành hoàng có mặt ở mọi nơi trong bản. Chỉ khi nào nghỉ ngơi mới về nơi có thế đất đẹp, cao rộng, thoáng mát. Vì vậy, mỗi làng bản Sán Dìu đều dành một nơi có địa thế linh thiêng cao rộng dựng đình thờ thành hoàng. Ngoài những dịp tổ chức lễ hội trong năm, ngày 1 – 1 âm lịch hàng tháng, dân làng đều đến thỉnh thành hoàng, cầu mong thần bảo vệ cho dân làng mạnh khỏe, mùa màng bội thu, súc vật không bị dịch bệnh, người làng no đủ.

Để mùa màng bội thu, dân làng chú trọng việc thờ hồn lúa với mong muốn hồn lúa luôn trú ngụ tại gia đình, có như vậy mùa màng mới bội thu. Sau mỗi vụ thu hoạch, người ta chọn những bông to, chắc hạt nhất làm giống. Lúa giống được phơi khô, bảo quản cẩn thận tránh ẩm mốc. Trong lễ cúng cơm mới, hồn lúa được rước về nhà, thờ cúng trên ban thờ tổ tiên, cầu mong thần lúa phù hộ cho vụ mùa năm tới.

Tín ngưỡng phồn thực cùng khát vọng âm dương giao hòa được phản ánh rõ nét qua các nghi lễ nông nghiệp để cầu mong mùa màng bội thu, vạn vật, con người sinh sôi, phát triển. Trong lễ hội cầu mùa đại phan, cây phan chốc chính là biểu tượng kết nối âm dương giữa thế giới thần linh và con người. Trong quan niệm tâm linh, máu có màu đỏ, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở, trong nghi thức chém lợn, chém trâu, máu của vật hiến tế được vẩy lên đất đai, chuồng trại với mong muốn về sự phát triển.

Tín ngưỡng nông nghiệp góp phần cố kết cộng đồng

Nhu cầu lao động nông nghiệp đòi hỏi người Sán Dìu giúp đỡ nhau, tạo nên sự cố kết cộng đồng bền chặt, là cơ sở phát triển sinh kế cũng như sáng tạo văn hóa. Trong làng bản người Sán Dìu vẫn tồn tại các phường, hội – tổ chức phi quan phương có trách nhiệm giúp đỡ nhau, cùng gánh vác những công việc chung của cộng đồng như: phường cày bừa, phường nhổ mạ, phường cấy hái… Họ giúp nhau với tinh thần tự nguyện, tự giác, không tính toán, vụ lợi nhằm đảm bảo sản xuất kịp thời vụ. Nếu có điều kiện, họ mời nhau bữa cơm để cảm ơn, cùng nhau ăn uống vui vẻ, thắt chặt thêm tình cảm cộng đồng.

Trong những lễ nghi nông nghiệp, tính cộng đồng được thể hiện chung qua sự ngưỡng vọng và niềm tin tâm linh của các thành viên đối với các đấng siêu nhiên thần thánh. Họ cùng chung một ước vọng vào sự bảo trợ của thần linh. Niềm tin thiêng liêng ấy đã nâng đỡ tinh thần, giúp họ cùng nhau vượt qua những khó khăn của cuộc sống; tạo nên mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình và cộng đồng. Hơn nữa, tín ngưỡng nông nghiệp cũng có tác dụng to lớn trong việc giáo dục tư tưởng uống nước nhớ nguồn, hình thành nhân cách và xác định chuẩn mực ứng xử cho các thành viên, luôn đoàn kết để cùng sinh tồn và phát triển trên mảnh đất trung du nhiều khó khăn.

Các thành viên cộng đồng, không kể già trẻ, gái trai đều tham gia lễ hội tại đình làng bình đẳng, dân chủ, cộng cảm trong niềm tin tâm linh và niềm vui thụ hưởng những giá trị văn hóa của lễ hội. Họ cùng nhau phân công công việc, chuẩn bị các lễ vật dâng cúng thần linh; cùng chung vui trong bữa cơm cộng đồng thụ lộc sau lễ hội, dành cho nhau những lời chúc tụng tốt đẹp, trong không khí vui tươi phấn khởi, tình người càng gắn kết sâu đậm. Tất cả đều hân hoan trong cả phần lễ cũng như phần hội, reo hò, cổ vũ động viên tinh thần, cùng hòa mình trong những làn điệu soọng cô say đắm. Khi ca lên những làn điệu soọng cô tha thiết, trong lòng tất cả các thành viên cộng đồng cũng cùng ngân lên khúc ca vang của tình người khăng khít.

Tín ngưỡng nông nghiệp góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người Sán Dìu. Các quan niệm tâm linh cùng những lễ nghi thờ cúng, các kiêng kỵ… trong đời sống tín ngưỡng phản ánh cách ứng xử của đồng bào với môi trường tự nhiên và xã hội. Sinh sống ở vùng trung du nhiều khó khăn, người Sán Dìu đã thích ứng bằng những sáng tạo trong lao động sản xuất. Cũng từ đó, sự ngưỡng vọng và niềm tin đối với thần linh trong tín ngưỡng nông nghiệp là bệ đỡ tinh thần giúp cộng đồng có thể sinh tồn và phát triển. Các biểu hiện của tín ngưỡng nông nghiệp không chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần mà còn góp phần nhận diện bản sắc văn hóa tộc người Sán Dìu vùng trung du.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 – 2017

Tác giả : DƯƠNG THÙY LINH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *