Trò ma trong lễ tang của người mường thanh hóa

Thanh Hóa là tỉnh có nhiều tộc người sinh sống, trong đó người Mường có số dân đông thứ hai, sau người Việt, tập trung ở các huyện Cẩm Thủy, Bá Thước, Ngọc Lặc, Lang Chánh… Theo các nguồn tư liệu, người Mường Thanh Hóa có nguồn gốc xuất phát từ ba nguồn: Mường bản địa, Mường do quá trình Việt hóa hay Thái hóa, Mường Bi di cư từ Hòa Bình vào.

Về đời sống văn hóa của người Mường Thanh Hóa

Người Mường Thanh Hóa có kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian phong phú như: sử thi Đẻ đất, đẻ nước, thơ ca, tục ngữ, truyện dân gian… Có nhiều lễ hội như: pồn poông, khai hạ, làm vía kéo xi, lễ cơm mới, phường bùa… Ngày nay, những lễ hội này ít được tổ chức trong cộng đồng của người Mường Thanh Hóa.

Trong sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, người Mường vẫn còn tập tục hát xường nhưng không duy trì phương thức diễn xướng như xưa. Chức năng của hát xường chủ yếu là giao duyên nam nữ, xường đám cưới… Những cuộc hát xường thường tổ chức trên nhà sàn, kéo dài thâu đêm. Khi hát, nữ ngồi gian trong bên cạnh bếp lửa, nam ngồi gian ngoài, hai bên nam nữ không nhìn thấy nhau mà chỉ tập trung vào hát đối đáp.

Nhạc cụ nổi bật của người Mường là cồng chiêng. Hiện nay, vẫn còn lưu giữ được nhiều cồng chiêng lớn, nhỏ, tập trung ở các xã Cẩm Ngọc, Cẩm Thành, Cẩm Liên, Cẩm Thạch, Cẩm Quý, Cẩm Tâm… Dàn nhạc cồng chiêng có một vị trí quan trọng trong sinh hoạt văn hóa, đời sống của người Mường trong các nghi lễ cầu mùa, chúc tết, mừng nhà mới, đám cưới, đám tang, lễ hội làng… Xưa kia, dàn cồng chiêng của người Mường Thanh Hóa có bộ, thường là 12 chiếc.

Bên cạnh các hình thức văn hóa văn nghệ thì trò ma, một hình thức diễn xướng trong đám tang cũng là một trong những nét tiêu biểu của người Mường Thanh Hóa.

Xưa kia, người Mường Thanh Hóa có lệ khi bố mẹ chết, con cái phải mời phường trò ma đến hát để trả hiếu bố mẹ. Phường trò có những điều kiêng kỵ như: không tổ chức diễn trò ma khi không có người chết, biểu diễn phải đúng trong không gian tang ma…

Trước năm 1945, các phường trò ma hoạt động khắp các bản Mường huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành, Bá Thước, Cẩm Thủy. Với bao biến động của xã hội, trong khoảng 50, 60 năm trở lại đây, trò ma không tiếp tục được duy trì, gần như không còn tồn tại trong đời sống cư dân Mường. Đám tang của người Mường ngày nay cũng không còn giữ một số luật tục như giữ người chết trong nhà, dùng than chôn quan tài, mời phường ma đến phục vụ trong suốt 7 ngày đêm, giết nhiều trâu, bò để mời bà con đến đưa tiễn linh hồn người chết…

Nguồn gốc trò ma

Trò ma còn gọi là trò đám ma hoặc chèo ma, chỉ phục vụ trong đám tang cho người chết từ 60 tuổi trở lên. Thực tế khảo sát cho thấy, trước đây trò ma phổ biến rộng rãi ở các làng thuộc huyện Bá Thước, sau đó du nhập vào huyện Cẩm Thủy, Lang Chánh… đã có thời gian phát triển rất mạnh.

Theo nghệ nhân ở thôn Thạch Minh, nguồn gốc trò ma bắt nguồn từ một truyền thuyết từ lâu đời. Xưa kia có một vị vua (cũng có người nói là vị chúa) đến một mường, muốn được ăn cơm với một nhà nghèo. Dân làng đã chọn hai người nghèo nhất vùng, một người ở bên bờ suối, một người ở trên đỉnh đồi. Người ở bên bờ suối đi bắt cá, lấy lúa nếp giống xay ra để làm cơm mời vua; còn người ở trên đồi đã vào rừng kiếm măng rang để đồ, đựng măng vào rế mang đến mời vua. Nhà vua đã chọn bữa cơm măng rang mâm rế của người nghèo trên núi, sau đó đã giúp ông cách làm ăn để thoát khỏi cảnh nghèo khó. Sau khi vua qua đời, muốn đền ơn nên con cháu người này đã lập phường trò đến hát trong đám tang của ông. Từ đó, phường trò ma bắt đầu được lưu truyền, phát triển rộng khắp các bản Mường ở Thanh Hóa.

Người Mường rất coi trọng chữ hiếu, khi cha mẹ qua đời, gia đình dù có nghèo khó đến đâu cũng phải cố gắng giết trâu, mổ lợn để cúng, mời phường hát chèo ma đến diễn trò để tiễn đưa linh hồn người chết, đồng thời để giúp gia đình nguôi ngoai đi nỗi buồn thương.

Nội dung trò ma

Nội dung trò ma khá đa dạng, mục đích chính của trò diễn là chia buồn cùng tang chủ, tiễn đưa linh hồn người chết về nơi an nghỉ cuối cùng. Tuy nhiên, nội dung trò ma lại phản ánh hầu hết những khía cạnh trong cuộc sống của thời kỳ phong kiến.

Những bài chia buồn với tang chủ, dặn dò linh hồn người chết trước lúc về mường ma có thể kể đến như: Đón mội, Giáo rước phường trò, Vong ốm vong sát… Nội dung phản ánh mọi sinh hoạt trong cuộc sống đời thường của người Mường như đi săn, trồng bông, dệt vải… Đây cũng là dịp để người Mường răn dạy con cháu về tình cảm gia đình. Bên cạnh đó còn có những bài thể hiện sự kính trọng với vua, quan thời kỳ phong kiến, đặc biệt là vua Lê, như: Mừng vua, Mừng chúa vương, Mừng ông cai

Như vậy, có thể thấy rằng xưa kia trò ma đã được biên soạn rất kỹ với mục đích ban đầu là phục vụ đám ma, nhưng mục đích phái sinh là để nhắc nhở con cháu, ôn lại những sự kiện xảy ra trong đời sống, trong đó có nói đến sự khai sáng của vua Lê, sự kiện dẹp giặc ở phủ đàng trong, việc mừng ông cai của dân làng khi mùa màng bội thu, phản ánh về đời sống của người dân nông thôn… Tất cả mọi sự kiện, vấn đề trong xã hội phong kiến xưa đều được đưa vào trò diễn. Bên cạnh phần hát, phần trò diễn cũng khá sôi động, nhằm mục đích gây cười, xóa tan đi mọi buồn phiền cho gia đình tang chủ, gây nhiều hứng thú cho người xem.

Hình thức diễn trò ma

Trò ma được tổ chức thành phường, có người đứng đầu gọi là ông khố (trùm trò). Ông khố phải là người xuất thân trong một gia đình có ông tổ phường trò. Theo tục lệ, mỗi lần đi phục vụ đám tang, phường trò ma phải thắp hương xin phép ông tổ. Phường trò có từ 8 đến 12 người, nội dung biểu diễn gồm có hai phần: phần hát, phần diễn trò.

Phần hát gồm có hát đứng, hát ngồi. Hát đứng là đứng để hát, thường được hát vào ban ngày; hát ngồi là ngồi để hát, thường hát vào ban đêm. Khán giả là người nhà của người chết, dân làng đến phúng viếng. Mọi người say sưa thưởng thức, cảm thấy vơi đi nỗi buồn. Theo các cụ thì xưa kia phường trò có thể ngồi vừa nhâm nhi uống rượu vừa hát cả đêm, đến gần sáng thì mới đến phần diễn trò.

Vào ban đêm, lúc đêm khuya thanh vắng, phường trò thường hát chèo mái, chèo kén xong mới đến hát ngồi để dặn dò con cái. Múa chèo mái, chèo kén được hai thanh niên thực hiện. Khi múa, mỗi người cầm một cái roi, động tác múa khá đơn giản, đưa roi ngang lưng hoặc ngang trán, chân nhún theo nhịp của bài hát, cũng có khi ngồi xuống trụ ở một chân còn một chân nhún theo động tác xoay roi bằng tay. Khi diễn, trai chèo hướng mặt lại phía quan tài hoặc xoay vào đối diện với nhau.

Phần diễn trò được diễn lúc gần về sáng, sau khi kết thúc phần hát ngồi, gồm các trò:

Một ông hai bà: là trò diễn hài nói về hai người vợ cùng lấy một ông chồng. Nghe tin chồng được về thăm nhà (chồng đi lính cho vua Lê) liền rủ nhau đi đón. Chờ mãi không thấy, hai bà quay ra chê bai nhau. Một anh trai làng xuất hiện, rủ hai bà vào nhà mình nghỉ, trêu ghẹo bà hai. Phần đối đáp giữa các nhân vật rất dí dỏm, hài hước, tạo nên không khí vui vẻ, làm tan đi nỗi buồn của gia đình tang chủ.

Ca trống  hay còn gọi là tranh cơm trống: là trò diễn gồm có ba nhân vật. Một nhân vật đeo trống cơm, hai nhân vật tranh cơm trống, mục đích là bốc được nắm cơm ở trên mặt trống, người đeo trống vừa múa vừa phải cố gắng để bảo vệ nắm cơm đó, khi bốc được nắm cơm trên mặt trống thì trò diễn mới kết thúc. Trò diễn này khá đơn giản nhưng tiếng trống rộn ràng đã tạo nên không khí rất sôi đông, hào hứng, đặc biệt là những nhân vật trong trò diễn đều đeo mặt nạ bằng gỗ.

Ca hổ lang: là trò diễn về một cuộc săn bắt hổ. Trong trò diễn có phần đọc chú để giải trừ tai họa do con hổ gây ra. Phần trò diễn bắt hổ rất thu hút người xem. Theo quan niệm của người Mường, hổ là con vật thiêng rất hay bắt người, gia súc, họ cũng sợ vong ám người trần. Để diễn Ca hổ lang phải chuẩn bị ba lễ cúng. Trước khi diễn, phường ma chuẩn bị một mâm chầu rượu, trong khi diễn phải có một miếng thịt sống, sau khi diễn có một mâm cỗ để ông khố cúng cho hổ. Trò diễn được diễn theo trình tự: rước hổ, múa hổ, đi xúc cá gặp hổ, hai thợ săn đi săn hổ, đưa hổ.

Một số trò khác cũng được dân làng rất thích như: mõ lộn, đi tìm Tú Mán… Những trò diễn này đã tạo nên không khí vui nhộn, hài hước, giúp cho gia đình tang chủ nguôi ngoai đi những buồn đau.

Trình tự diễn trò ma

Khi được báo tin đến phục vụ gia đình có đám hiếu, trùm trò thổi tù và làm bằng sừng trâu gọi các con trò đến tập hợp ở nhà trưởng trò (nhà ông khố) để chuẩn bị đi phục vụ diễn trò cho gia đình có người chết. Trước khi đi, phường ma phải chuẩn bị mâm cỗ chay để cúng ông tổ phường trò để xin phép cho phường đi phục vụ đám ma.

Tại nhà tang chủ, phường ma phải thực hiện các nhiệm vụ như: hát mời thông gia của gia đình tang chủ đến viếng (đón mội), hát đứng, hát ngồi, hát trên đường ra nghĩa địa, hát khi hạ huyệt…

Trong đó, hát đứng, hát ngồi được thực hiện trong nhà ở khoảng giữa của nhà sàn, phía trước quan tài. Theo sự xắp xếp của trùm trò, cả phường ngồi xung quanh chơi nhạc, đến phần ai biểu diễn thì đứng lên quay hướng về phía quan tài để hát, múa hay diễn trò.

Trò ma được trình diễn cả ngày, cả đêm, đến gần sáng thì chuyển sang phần trò diễn. Trong quá trình diễn trò, thỉnh thoảng xen kẽ những bài cho cho, nhằm mục đích gây hài, xen vào những khoảng trống cho phường nghỉ ngơi.

Đạo cụ, nhạc cụ

Đạo cụ diễn trò ma gồm: 2 bộ quần áo trai chèo (vải mềm), 2 mũ trai chèo (vải thô) dành cho hai trai chèo, 12 bộ quần áo kiểu nông dân màu nâu, 10 khăn nhiễu màu đen (vải sợi pha) cho các thành viên trong phường trò, 3 áo khóm phụ nữ, 3 váy mường, 3 thắt lưng (vải dệt thô màu xanh). Ngoài ra, còn cần 3 khăn thổ cẩm dành cho các nhân vật đóng vai nữ trong trò Một ông hai bà, Đi tìm Tú Mán, cùng nhân vật người phụ nữ Mường đi xúc tép gặp hổ trong trò Ca hổ lang, nhân vật này còn phải cầm 1 rổ xúc tép, đeo 1 dón đựng tôm tép, 1 lốt con hổ bằng vải thô, 1 con phỗng (búp bê) bằng gỗ hoặc nhồi bông, 3 mặt nạ bằng gỗ.

Nhạc cụ gồm có: 1 trống cái, 1 trống cơm, 1 kèn bóp, 1 mõ, 1 xênh.

Trò ma là một trò diễn độc đáo của người Mường Thanh Hóa. Qua thực tế khảo sát cho thấy, ngôn ngữ sử dụng trong trò diễn chủ yếu là bằng tiếng Kinh, tiếng Mường, một số bài còn sử dụng cả từ Hán. Hát trò ma có những quy định khá chặt chẽ như: con trò phải là nam giới, các phần khấn tế là thày phù thủy, vai trai chèo là thanh niên, nhân vật nữ là do nam đóng giả nữ, trước khi diễn phải chuẩn bị lễ để thày mo cầu khấn, xin phép ông thủy tổ của trò mới được tiến hành diễn. Điều đó cho thấy yếu tố linh thiêng khá đậm nét trong trò diễn độc đáo này.

Hiện nay, trò ma đã được các nghệ nhân thôn Thạch Minh, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy khôi phục, lưu giữ. Ngày nay do nhu cầu của xã hội, trò ma không chỉ diễn để phục vụ đám tang mà còn có thể được trích diễn trong ngày lễ hội hoặc tham gia các hội diễn văn hóa dân tộc. Thiết nghĩ, việc bảo tồn, phát huy trò ma trong đời sống cộng đồng người Mường Thanh Hóa cần được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành để chèo ma thực sự có chỗ đứng vững vàng trong đời sống văn hóa tâm linh của người Mường Thanh Hóa.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 – 2017

Tác giả : ĐỖ THỊ THANH NHÀN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *