VỀ TƯ TƯỞNG THÂN DÂN THỜI THỊNH TRẦN


Tư tưởng về một nền chính trị nhân nghĩa, thân dân là giá trị đặc thù nhất và quý giá nhất trong lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam, thường xuyên chi phối sự phát triển của dân tộc, đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, chống áp bức bóc lột và tiến bộ xã hội của nhân dân ta. Tư tưởng thân dân đã trở thành chuẩn mực để người dân Việt Nam đánh giá về một nền chính trị.

Thời thịnh Trần (1) đã để lại những giá trị độc đáo về văn hóa chính trị, trong đó có tư tưởng thân dân. Tư tưởng thân dân không phải là hiện tượng đột khởi của thời thịnh Trần. Nhưng có thể nói, ở giai đoạn này, tư tưởng thân dân được đặc biệt đề cao, trở thành một hệ tư tưởng chính trị chính thống, chi phối toàn bộ văn hóa chính trị đương thời, với những biểu hiện rõ nét, độc đáo hơn hẳn so với các triều đại quân chủ khác trong lịch sử Việt Nam. Tư tưởng thân dân thời thịnh Trần có thể khái quát thành ba luận điểm chính. Thân dân là gần dân, thương dân Có thể nói, hiếm có triều đại quân chủ phong kiến nào mà vua quan giữ cách ứng xử hòa mục, gần gũi với người dân như thời thịnh Trần. Lúc chiến tranh loạn lạc hay đất nước gặp cảnh nguy nan, vua Trần Nhân Tông đã từng cùng nông dân Trần Lai chia bát cơm gạo xấu, từng nhiều đêm cấp tốc vi hành khi hay tin ngoài hoàng cung có hỏa hoạn. Vua Minh Tông từng thân chinh đi xem sửa đê khi nước sông lên to. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn uống rượu với các dân binh trên đường chinh chiến. Trong cảnh thái bình, vua Nhân Tông vẫn thường đến hành cung Tức Mặc, dâng lễ ở tiên miếu, thiết yến và ban lụa cho bô lão trong hương. Chính ngài đã lặn lội khắp các chốn thôn quê để chỉ dạy cho muôn dân, giúp dân trừ bỏ các dâm từ, thực hành Thập thiện. Vào những năm được mùa, trong những ngày hội, vua quan còn cùng dân chúng nắm tay nhau múa hát chung vui… Điều này, đến TK XV, thời điểm thịnh đạt nhất của Tống Nho ở Việt Nam, những đại nho thần như Ngô Sĩ Liên, đã khó chấp nhận: “Nhà Trần khoan hậu thì có thừa mà nghiêm khắc thì không đủ vậy” (2). Bởi lẽ, kể từ giai đoạn cuối thời nhà Trần, khi mà quý tộc có ý thức mình là kẻ thống trị, mối quan hệ xã hội giữa quý tộc và thần dân đã có màu sắc giữa ông chủ và kẻ lệ thuộc, tình cảm hòa ái ấy đã nhạt dần. Tiếp thu tinh thần “dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân), người cầm quyền thời thịnh Trần đã luôn dành tình cảm yêu mến, xót thương cho “con dân” của mình. Vua Trần Minh Tông đã đặt mình trong quan hệ ruột thịt với cộng đồng dân tộc để xác định trách nhiệm trước đồng bào: “Sinh dân nhất thị ngã đồng bào/Tứ hải hà tâm sử khốn cùng?” (Ta với dân cùng một bọc mà ra. Cớ sao lại làm cho bốn biển phải khổ?). Từ đó, nhà vua coi việc lo cho dân là trách nhiệm như cha mẹ lo cho con, là sự lựa chọn không hề toan tính thiệt hơn và sẵn sàng quên đi sự an nguy của bản thân mình: “Trẫm là cha mẹ dân, nếu dân sinh mắc vào cảnh lầm than thì phải cứu gấp, chả lẽ đi so đo khó dễ, lợi hại hay sao?” (3). Đặc biệt đáng nói ở thời thịnh Trần, tình cảm yêu thương của bậc thiên tử với trăm họ rộng lớn và bao phủ khắp các tầng lớp xã hội, kể cả hạng nô tỳ, gia nô. Vua Trần Nhân Tông “từng ngự chơi bên ngoài, giữa đường, hễ gặp gia đồng của vương hầu thì tất gọi tên chúng mà hỏi: “Chủ mày ở đâu?”, rồi răn các vệ sĩ không được thét đuổi” (4). Chính những ứng xử chính trị cận nhân tình ấy của nhà cầm quyền đã tạo ra bầu không khí đại đồng, cởi mở trong xã hội nước ta thời thịnh Trần. Lý giải điều này, cố GS. Trần Quốc Vượng đã nhận định: “Xuất thân dân chài ven biển, nhà Trần mang lên kinh đô Thăng Long chất dân dã, chất biển, cái tinh thần phóng khoáng, khỏe khoắn và cởi mở hơn” (5). Tư tưởng thân dân bắt gặp luồng gió khai phóng ấy của nhà Trần đã được nâng cánh, vượt ra ngoài những giới hạn của đẳng cấp hay kiềm tỏa của Nho giáo, làm nên màu sắc độc đáo cho văn hóa chính trị giai đoạn này. Thân dân là trọng dân Tư tưởng thân dân không chỉ biểu hiện ở phương diện tình cảm mà đã được nâng lên thành nhận thức chính trị, lý luận chính trị cho người cầm quyền trong quá trình trị nước. Đây cũng là điểm phát triển của tư tưởng thân dân thời Trần so với các triều đại trước đó. Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến nhận thức của nhà cầm quyền đối với vai trò, vị thế của dân trong đời sống chính trị. Nhận thức đó sẽ quy định thái độ khinh, trọng của người cầm quyền đối với dân chúng. Trước tiên là nhận thức quyền lực thuộc về dân. Không loại trừ trường hợp quý tộc nhà Trần tự kiêu tự mãn, coi thường dân như Trần Khánh Dư: “Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?” (6). Nhưng bao phủ lên nhận thức chính trị của thời đại vẫn là sự thẳng thắn, khách quan và rất trân trọng khi nhìn nhận vai trò quyết định của dân chúng đối với thành bại của cá nhân anh hùng. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, một đại diện cho anh tài, tinh hoa của thời đại, đã từng khẳng định vai trò của gia nô: “Chim hồng hộc muốn bay cao thì phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng chỉ là chim thường thôi” (7). Theo đó, những cá nhân anh hùng chỉ có thể làm nên sự nghiệp khi biết dựa vào sự giúp đỡ, ủng hộ, đồng lòng của dân chúng. Ở đây, ông đã xác định được vai trò sáng tạo lịch sử cũng như tính năng động của người dân. Với vị thế của ông, đây là một tư tưởng vô cùng tiến bộ, vượt qua ranh giới chật hẹp của đẳng cấp. Đối với các vị lãnh đạo thời thịnh Trần, dân chúng là lực lượng chiến đấu hùng mạnh, là nơi hội tụ những tiềm lực về kinh tế và quốc phòng bảo đảm cho sự vững chắc của nền độc lập và chủ quyền quốc gia. Với niềm tin “chúng chí thành thành” (ý chí nhân dân là bức thành vững chắc), Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chủ trương lấy nông dân làm nguồn bổ sung dồi dào, vô tận cho quân đội thông qua hình thức “bách tính giai vi binh” (trăm họ đều là binh lính), “tận dân vi binh” (mỗi người dân là một người lính). Dân chúng được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược quân sự giữ thành, giữ nước và việc nới sức dân là kế sách lâu dài của sự hưng thịnh trường tồn của quốc gia: “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”. Đây là triết lý có tính phổ biến của mọi cuộc chiến tranh chính nghĩa chống xâm lược, cũng là bài học giữ nước sâu sắc cho không chỉ các triều đại quân chủ ở nước ta. Như vậy, đối với nhà cầm quyền thời thịnh Trần, người dân không phải là đối tượng để thương hại. Trái lại, họ trở thành một thực thể chính trị có vai trò quyết định trong sự nghiệp chiến tranh giữ nước cũng như trong duy trì trật tự xã hội hay phát triển đất nước. Dù trong khuôn khổ của tư duy phong kiến, tư tưởng đó cũng đã thể hiện niềm tin vào sức mạnh của người dân, một nguyên tắc quan trọng của thuật trị nước và xây dựng nền chính trị tiến bộ. Từ nhận thức quyền lực thuộc về người dân, nhà cầm quyền luôn coi việc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân là nhiệm vụ hàng đầu trong đạo trị nước. Từ việc đi vi hành, nhằm “ngầm nghe lời nói của dân để xét ý muốn của họ, ngõ hầu thấu hiểu sự khó nhọc của họ thế nào” (8), để có những quyết sách kịp thời, phù hợp trong quá trình trị nước đến việc lắng nghe ý kiến của thần dân trước những quyết định quan trọng, mang tầm đại sự quốc gia hay chủ trương “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”, nhà Trần đã trao cho dân quyền quyết định vận mệnh dân tộc, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của họ.  Đặc biệt, với hội nghị Diên Hồng, triều Trần là triều đại duy nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam đã tổ chức một hội nghị “đại biểu toàn dân”, để hỏi ý kiến dân (đại diện là các bô lão) về một quyết sách chính trị có tính chất sống còn đối với vận mệnh quốc gia.Với việc làm này, nhà Trần đã biến chủ trương đánh giặc cứu nước của triều đình thành ý chí chung của toàn thể dân chúng, huy động được tối đa sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.  Thân dân là vì dân, an dân Không chỉ từ nâng tình cảm lên thành nhận thức lý luận, tư tưởng thân dân thời kỳ này còn được thể hiện quyết liệt bằng các chính sách của nhà nước sao cho an dân, vì dân. Thứ nhất là chính sách trọng nông. Nhà Trần đã chăm lo cho đời sống người dân bằng việc chú trọng phát triển kinh tế, đặc biệt là chính sách trọng nông. Để khôi phục lại sức sản xuất bị đình đốn cuối thời Lý, các vua quan triều Trần đã chú trọng tổ chức khai khẩn đất hoang, đắp đê phòng lụt, phát triển sản xuất nông nghiệp. Năm 1266, vua Trần Thánh Tông xuống chiếu cho vương hầu, công chúa, phò mã, cung phi… chiêu mộ những người dân nghèo đói, phiêu tán trở về khai khẩn ruộng hoang, lập thành các điền trang. Việc này một phần để phục vụ lợi ích cho quý tộc triều đình, nhưng mặt khác cũng là cơ hội để bảo đảm an sinh cho dân chúng. Thời phong kiến, ruộng đất thường tập trung vào nhà giàu và quý tộc, nông dân thành nông nô hoặc là người làm thuê, do vậy sức sản xuất bị hạn chế, dân nghèo hoàn toàn mang thân phận manh lệ. Nhà Trần đã thay đổi thực trạng này bằng việc ra lệnh bán ruộng công cho nông dân làm ruộng tư. Việc giảm thuế hay miễn thuế cho dân mỗi khi thiên tai, mùa màng thất bát cũng được triều đình kịp thời thực hiện… Nhờ đó, nhà Trần đã sớm khắc phục tình trạng suy thoái kinh tế, đói kém, loạn ly, phiêu tán trong dân, phát sinh từ cuối thời nhà Lý, đồng thời đưa nền kinh tế phát triển vững mạnh, vừa có tác dụng an dân trong thời bình, vừa tạo tiềm lực kinh tế quan trọng cho thời chiến. Thứ hai là chính sách đoàn kết, hòa hợp dân tộc, tôn giáo. Thời Trần là thời đại khoan dung, khai phóng hiếm có trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, trong đó, lĩnh vực tôn giáo luôn được rộng mở. Các bậc minh quân và những nhà tư tưởng lớn thời Trần đã khéo léo biến những giáo lý ngoại sinh thành những tín điều yêu nước, thương dân, phù hợp với văn hóa dân tộc và nguyện vọng, tâm thức của người dân cả nước. Nhà Trần đã hạn chế tối đa việc tổ chức các cuộc chiến tranh phân quyền, cát cứ, nồi da xáo thịt để tránh đi binh lửa, lầm than, ly tán cho nhân dân. Ngoại trừ những thời đoạn phải đương đầu với thế lực ngoại xâm, còn lại, không khí hòa bình bao trùm cuộc sống con người thời thịnh Trần. Với chính sách ngoại giao và nội trị mềm dẻo, nhà Trần đã tạo được quan hệ hòa bình, hữu nghị, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia cũng như đoàn kết các dân tộc anh em trong cả nước. Thứ ba là chính sách phòng, chống tham nhũng. Tham quan ô lại là nguồn gốc sự thống khổ của dân lành. Vì vậy, phòng chống tham nhũng là một cách để nhà Trần an dân. Trần Nhân Tông giữa đường dừng xa giá để xử lại vụ án oan sai do em của đại thần Đỗ Khắc Chung gây ra, trả lại quyền bình đẳng pháp luật cho người dân vô tội. Trần Minh Tông nghiêm khắc yêu cầu gia đình cung tần phải trả lại ruộng đất đã chiếm đoạt cho dân. Trần Anh Tông trách phạt hình quan vì tội “không biết suy xét tình lý” để quan nô Hoàng Hộc “gian ngoan xảo quyệt”, đến nỗi “người dân trong hương phải chịu tội vu cáo” (9). Trong lúc nước nhà lâm nạn ngoại xâm, trước khi ra trận, Trần Quốc Tuấn đã ra quân luật cho tướng sĩ, vương hầu: “Các vương hầu và tướng sĩ, ai nấy cần phải giữ phép tắc, đi đâu không được nhiễu dân” (10). Trần Thủ Độ đã từng dọa chặt ngón chân kẻ nhờ công chúa xin cho chức câu đương. Ông cũng không ngần ngại khen ngợi người quân hiệu vì anh ta dám can ngăn Linh Từ quốc mẫu đừng đi kiệu qua thềm cấm… Đó là những ứng xử nhỏ nhưng thể hiện tầm tư tưởng lớn, nhất quán, thái độ kiên quyết, nghiêm khắc của nhà Trần. Khác với triều Lý, đến triều Trần, bắt đầu từ năm 1236, chế độ lương bổng cho quan lại đã được định ra và dần thành hệ thống. Đây là kế sách khôn ngoan của nhà Trần, thể hiện “bước phát triển trong quá trình xây dựng bộ máy nhà nước trung ương tập quyền, đồng thời, nói như Ngô Sĩ Liên, là làm cho đội ngũ quan lại giữ thanh liêm, chống nhiễu sách nhân dân, chống tham nhũng trong hệ thống cơ quan nhà nước” (11). Những việc làm trên đã giúp an lòng dân chúng, góp phần bình trị thiên hạ. Có thể nói, thời thịnh Trần đã để lại những mốc son chói lọi, không chỉ vì những chiến công hiển hách mà vì nền văn hóa chính trị nhân văn, dựa vào con người, vì con người, hợp lòng người. Tư tưởng thân dân đã thành cơ sở của đường lối trị nước thời thịnh Trần. Chính sách an dân, vì dân làm nền tảng cho Đại Việt có cuộc sống ổn định, thực túc, binh cường, dân giàu, nước mạnh. Đó là một trong những ngọn cờ để tập hợp sức mạnh hùng hậu của toàn dân, giúp Đại Việt trở thành quốc gia đầu tiên của Đông Nam Á đánh bại được quân đội Mông Nguyên hùng mạnh và hiếu chiến. Ngoài ra, thân dân cũng chính là một trong những “phương thuốc tích cực nhất để giải nọc độc vọng ngoại, giải Hán hóa” (12). Nhìn nhận một cách khách quan, tư tưởng thân dân thời thịnh Trần, ở một số phương diện, chưa vượt ra được những hạn chế mang tính thời đại. Khái niệm thân dân của thời Trần cũng không giống với cách hiểu thân dân thời hiện đại, khác với khái niệm dân chủ tư sản, lại càng khác xa với khái niệm dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, xét ở một số phương diện cụ thể khác, tư tưởng thân dân thời thịnh Trần lại vượt tầm thời đại, được “mở rộng và cao hơn một bước so với “thân dân” thời phong kiến nói chung và cả dân chủ tư sản” (13). Nghiên cứu tư tưởng thân dân thời thịnh Trần, ta càng thấm thía bài học về lẽ thịnh – suy của triều đại nhà Trần nói riêng, của các triều đại, các chế độ chính trị nói chung. Lịch sử đã chứng minh, triều đại nào biết đề cao tư tưởng thân dân, chế độ nào thực hành nền chính trị vì dân, thì triều đại ấy, chế độ ấy bền vững và thịnh trị. Ngược lại, triều đại đó, chế độ đó sẽ suy yếu hoặc diệt vong nếu xa rời nhân dân, không tin tưởng nhân dân hay đi ngược lại lợi ích và nguyện vọng của dân chúng. Quan điểm coi dân như ruột thịt, trao cho dân quyền quyết định vận mệnh dân tộc và khoan thư sức dân để lấy kế sâu rễ bền gốc cũng như nỗ lực thực thi chính sách an dân… của thời thịnh Trần có thể coi như triết lý chính trị cho mọi thời đại, cho tất cả những nhà cầm quyền trong quá trình thực hiện đường lối chính trị tiến bộ, yêu nước, nhân nghĩa. Hiện nay, chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa, là nhà nước của dân, do dân và vì dân, nghĩa là đang hướng đến một nền chính trị tiến bộ, dân chủ, trong đó, người dân thực sự được đảm bảo quyền làm chủ một cách toàn diện. Vấn đề thân dân đang được xem là một trong những vấn đề hệ trọng của quốc gia. Chính vì vậy, việc tìm hiểu, kế thừa và phát huy tư tưởng thân dân của thời thịnh Trần là việc làm thực sự ý nghĩa và cần thiết. _______________ 1. Khoảng từ 1225 – 1329, dưới quyền trị vì của 5 vị hoàng đế đầu tiên của nhà Trần, từ Trần Thái Tông đến Trần Minh Tông. 2, 3, 4, 6, 7, 9, 10. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004, tr.102, 124, 72, 78, 55, 112, 122. 5, 12. Trần Quốc Vượng, Văn minh Việt Nam TK X-XV, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3 (198), 1981, tr.4-10. 8. Dẫn theo Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 4, Nxb TP.HCM, tr.517. 11. Phan Hữu Dật, Phương sách dùng người của cha ông ta trong lịch sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.20. 13. Trần Thuận, Tư tưởng Việt Nam thời Trần, luận án Tiến sĩ Lịch sử, TP.HCM, 2003, tr.238.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 403, tháng 1 – 2018

Tác giả : NGHIÊM THỊ THU NGA

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *