THẮNG LỢI CỦA CHIẾN LƯỢC GIẢI PHÓNG DÂN TỘC THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-qformat:yes;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt;
mso-para-margin-top:0cm;
mso-para-margin-right:0cm;
mso-para-margin-bottom:10.0pt;
mso-para-margin-left:0cm;
line-height:115%;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:11.0pt;
font-family:”Calibri”,”sans-serif”;
mso-ascii-font-family:Calibri;
mso-ascii-theme-font:minor-latin;
mso-hansi-font-family:Calibri;
mso-hansi-theme-font:minor-latin;
mso-bidi-font-family:”Times New Roman”;}


Cách mạng tháng Tám thành công đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Thắng lợi này đã khẳng định sự đúng đắn, sáng tạo của chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để đi tới khẳng định chiến lược đó là đúng đắn, Đảng ta đã trải qua quá trình nhận thức và thử thách vô cùng quyết liệt. Đó là quá trình đấu tranh xung quanh hai quan điểm đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp.
Ra đi tìm đường cứu nước, người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Tất Thành đã sống, lao động và học tập ở nhiều vùng đất khác nhau. Sự trải nghiệm đó đã giúp Người nhận ra rằng không chỉ ở dân tộc mình mà ở đâu cũng có nghèo đói, áp bức, bất công. Nếu như mâu thuẫn chủ yếu ở các nước phương Tây là mâu thuẫn giai cấp thì mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội phương Đông là mâu thuẫn dân tộc. Do vậy, đối tượng của cách mạng chính quốc và cách mạng thuộc địa cũng khác nhau. Ở các nước tư bản, đó là cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại sự áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản. Trong khi đó, ở các nước phương Đông, mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu là mâu thuẫn dân tộc.
Từ việc xác định mâu thuẫn của xã hội Việt Nam mà ngay từ những năm 20 TK XX, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra lực lượng cách mạng giải phóng dân tộc bao gồm toàn dân tộc, trong đó công nông là gốc. Học trò, nhà buôn, điền chủ nhỏ là bầu bạn của công nông. Cách mạng muốn thắng lợi cần phải đoàn kết tất cả các tầng lớp, lực lượng trong mặt trận dân tộc thống nhất.
Nhận thức về lực lượng cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết trong lịch sử dân tộc. Cách mạng muốn thành công phải đoàn kết tất cả các dân tộc, các giai cấp, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, tầng lớp, dân tộc và quá khứ của họ như thế nào…
Khi nói đến cơ sở hình thành chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh, không thể không nhắc đến tư tưởng độc lập tự do. Độc lập tự do là khát vọng lớn nhất của các dân tộc bị áp bức, xâm lược, trong đó có dân tộc Việt Nam.
Giương cao ngọn cờ độc lập tự do, Hồ Chí Minh đã cho rằng “chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước”, và chỉ ra phương hướng chung là “phát động chủ nghĩa dân tộc nhân danh Quốc tế Cộng sản”, đồng thời đánh giá đó là “một chính sách mang tính hiện thực tuyệt vời. Từ sự nhận thức và thực tiễn phong trào cách mạng Việt Nam mà Hội nghị thành lập Đảng mùa xuân năm 1930 đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Lời kêu gọi nhân ngày thành lập Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Những văn kiện đó hợp thành Cương lĩnh đầu tiên của Đảng.
Cương lĩnh xác định chiến lược của cách mạng Việt Nam là tiến hành “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Cách mạng tư sản dân quyền thắng lợi sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đó là một quá trình nối tiếp nhau của hai chiến lược cách mạng, có mối quan hệ mật thiết, ảnh hưởng lẫn nhau.
Cương lĩnh còn xác định các nhiệm vụ chính của cách mạng Việt Nam là đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, bọn phong kiến và giai cấp tư sản phản cách mạng, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng ra chính phủ công nông binh và tổ chức ra quân đội công nông.
Hội nghị chủ trương tập hợp, đoàn kết tất cả các lực lượng, giai cấp, cá nhân yêu nước trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, trên cơ sở “công nông làm gốc của cách mạng”. Cương lĩnh chỉ rõ, cách mạng muốn thắng lợi còn phải hết sức liên lạc với các giai cấp tiểu tư sản, trí thức, trung nông, tập hợp hoặc lôi kéo phú nông, tư sản, tiểu và trung địa chủ, còn bộ phận nào phản cách mạng thì phải đánh đổ.
Chủ trương liên minh, đoàn kết các dân tộc, giai cấp của Hồ Chí Minh và Hội nghị thành lập Đảng là đúng đắn, phát huy được sức mạnh của tất cả các lực lượng cho mục tiêu giải phóng dân tộc.
Cương lĩnh đầu tiên của Đảng được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đã xác định những vấn đề chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam. Đó là cương lĩnh giải phóng dân tộc đúng đắn và sáng tạo theo con đường cách mạng Hồ Chí Minh. Các nhiệm vụ được đề ra bao gồm cả nội dung dân tộc và dân chủ, dân tộc và giai cấp, chống đế quốc và chống phong kiến phản động. Song nổi bật và cấp bách nhất là nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc, liên minh, đoàn kết với các lực lượng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng để chống đế quốc và tay sai.
Sau Hội nghị hợp nhất, tháng 10-1930, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ nhất tại Hương Cảng (Trung Quốc). Hội nghị đã cho rằng Cương lĩnh đã phạm sai lầm chính trị vì “chỉ lo đến việc phản đế mà quên mất lợi ích giai cấp tranh đấu”, đặt tên Đảng sai, phê phán thái độ và chủ trương của Hội nghị hợp nhất về việc tập hợp lực lượng tư sản, trung, tiểu địa chủ trong cách mạng tư sản dân quyền.
Xuất phát từ nhận định đó mà Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định “thủ tiêu chính cương, sách lược của Đảng” và chỉ rõ: phải dựa vào nghị quyết của Quốc tế Cộng sản để hoạch định cương lĩnh, chính sách, kế hoạch của Đảng và chỉnh đốn nội bộ. Từ sự phân tích đó, Đảng đã đề ra chiến lược và sách lược mới cho cuộc cách mạng ở Đông Dương.
Về phương hướng chiến lược của cách mạng, Luận cương nêu rõ, tính chất của cách mạng Đông Dương lúc đầu “chỉ có tính chất thổ địa và phản đế”. Tư sản dân quyền là thời kỳ dự bị để làm xã hội cách mạng. Sau khi cách mạng tư sản dân quyền thắng lợi sẽ tiếp tục “phát triển bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa”.
Nhiệm vụ cốt yếu của cuộc cách mạng tư sản dân quyền là phải “tranh đấu để đánh đổ các di tích phong kiến, đánh đổ các cách bóc lột theo lối tiền tư bản và để thực hành thổ địa cho triệt để” và “đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập”.
Về lực lượng cách mạng, Luận cương chỉ coi công nông là lực lượng của cách mạng, còn các giai cấp, đảng phái khác khác là có xu hướng cải lương, do dự và sẽ đi theo chủ nghĩa đế quốc phản bội lại lợi ích dân tộc.
 Có thể nói, Luận cương tháng 10-1930 đã vạch ra được nhiều vấn đề thuộc về phương hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam và Đông Dương, chỉ ra tương lai của cách mạng là chủ nghĩa xã hội. Nhưng so với Cương lĩnh ở Hội nghị thành lập Đảng thì có một số điểm khác biệt. Ở đây, chỉ xin đề cập đến hai điểm khác biệt lớn, đó là: việc xác định nhiệm vụ chiến lược và chủ trương tập hợp lực lượng trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền.
Về việc xác định nhiệm vụ chiến lược: Cương lĩnh và Luận cương chính trị đều xác định nhiệm vụ của cuộc cách mạng tư sản dân quyền là chống đế quốc và phong kiến.
Nhưng qua việc xác định đối tượng của cuộc cách mạng tư sản dân quyền, ta thấy cũng bắt đầu lộ rõ sự khác biệt về vị trí của hai nhiệm vụ trên. Nếu như Cương lĩnh đặt nhiệm vụ đánh đổ đế quốc, giải phóng dân tộc lên hàng đầu thì Luận cương chính trị đặt hai nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến ở tầm mức quan trọng ngang nhau và coi hai nhiệm vụ đó có quan hệ khăng khít với nhau.
Về vấn đề tập hợp lực lượng trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền: Cương lĩnh và Luận cương chính trị đều cho rằng động lực của cách mạng là công nhân và nông dân. Nhưng trong chủ trương đoàn kết các tầng lớp khác ngoài công nông thì lại không đồng nhất với nhau, thậm chí là trái ngược nhau. Cương lĩnh một mặt xác định công nông là gốc của cách mạng, nhưng mặt khác còn chủ trương đoàn kết, lôi kéo các giai cấp, tầng lớp trên trong xã hội. Chủ trương tập hợp lực lượng cách mạng trên đây của Nguyễn Ái Quốc và Hội nghị thành lập Đảng bị Luận cương chính trị cho là đã phạm những “sai lầm chính trị”, là sự thỏa hiệp giai cấp, chỉ lo đến việc phản đế mà quên mất lợi ích giai cấp.
Từ sự nhìn nhận đó mà Luận cương chính trị chỉ coi công nông là lực lượng của cách mạng, còn các giai cấp và tầng lớp khác ngoài công nông như tư sản dân tộc, tiểu tư sản, địa chủ hạng vừa… là đứng về phía đế quốc, tư tưởng quốc gia cải lương, dân tộc hẹp hòi…
Như vậy, từ Hội nghị tháng 10-1930 trở đi, cách mạng Việt Nam đã chuyển từ nhiệm vụ chiến lược đấu tranh dân tộc sang việc thực hiện song song hai nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến, hai nhiệm vụ đó có vai trò, vị trí như nhau và chúng có mối liên hệ tác động lẫn nhau. Thậm chí Luận cương chính trị còn nhấn mạnh vấn đề ruộng đất và coi đó là “cái cốt của cuộc cách mạng tư sản dân quyền”.
Vì cho rằng Cương lĩnh chính trị đã phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng nên Nguyễn Ái Quốc – người triệu tập, chủ trì và trực tiếp thảo ra Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt bị Quốc tế Cộng sản phê phán gay gắt. Quốc tế Cộng sản cho rằng Nguyễn Ái Quốc là người hẹp hòi, theo chủ nghĩa dân tộc. Những điều trái với sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản như về tên Đảng và thái độ của Đảng đối với tư sản dân tộc và trung, tiểu địa chủ bị xem là những biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội. Từ sự nhìn nhận đó mà Nguyễn Ái Quốc trong một thời gian dài đã chịu sự đối xử lạnh nhạt của Quốc tế Cộng sản. Sau khi được chính quyền Anh trả tự do, năm 1934, Quốc tế Cộng sản đã sắp xếp đưa Người vào học ở Trường Quốc tế V.I. Lênin rồi công tác tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa và làm nghiên cứu sinh tại viện đó.
Dù đã được trả tự do và học tập tại Mátxcơva, nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn phải đối mặt với sự nghi kỵ vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó chủ yếu xuất phát từ những quan điểm và chủ trương trái với tinh thần chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản. Do vậy, mặc dù Đại hội I của Đảng đã chuẩn y việc cử Người làm một thành viên trong đoàn đại biểu của Đảng dự Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản nhưng Quốc tế Cộng sản chỉ mời Người dự với tư cách là đại biểu tư vấn.
Cũng trong giai đoạn được coi là thử thách nặng nề đối với tư tưởng Hồ Chí Minh, thì có hai bản chỉ thị của Trung ương Đảng mà nội dung tán thành, đồng nhất với những quan điểm, chủ trương của Nguyễn Ái Quốc. Đó là hai văn kiện Chỉ thị của Trung ương Thường vụ về vấn đề thành lập Hội Phản đế đồng minh (ngày 18-11-1930) và Chỉ thị của Trung ương gửi Xứ ủy Trung Kỳ về vấn đề thanh đảng Trung Kỳ (20-5-1931).
Hai bản chỉ thị trên là cùng một mạch nguồn với tư tưởng đoàn kết toàn dân tộc đã được đề ra tại Hội nghị thành lập Đảng. Tư tưởng đó xuất phát từ thực tiễn nóng bỏng của cách mạng Đông Dương và sự điều chỉnh thái độ của Đảng đối với các tầng lớp trên trong xã hội. Tuy nhiên đây chưa phải là sự chuyển hướng một cách căn bản, toàn diện trong nhận thức của Đảng. Bởi lẽ, sau hai bản chỉ thị này, Trung ương Đảng vẫn tiếp tục ra nhiều văn kiện khác phê phán nặng nề Nguyễn Ái Quốc và Hội nghị thành lập Đảng.
Có thể nói, trong khoảng thời gian từ tháng 10-1930 đến Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản (7-1935), trong nội bộ Đảng ta đã diễn ra quá trình nhận thức và đấu tranh giữa quan điểm cách mạng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và quan điểm của các đồng chí lãnh đạo Đảng chịu ảnh hưởng bởi sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản. Đây là một thực tế lịch sử.
Trước nguy cơ của chủ nghĩa phát xít và sự sống còn của các đảng cộng sản, Quốc tế Cộng sản đã xác định mục tiêu chiến lược trước mắt của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế không phải là tiến hành cách mạng vô sản, lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa, thiết lập nền chuyên chính vô sản và xây dựng xã hội cộng sản, mà là tập trung ngọn lửa đấu tranh vào bộ phận phản động nhất của giai cấp tư sản, tức là đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ hòa bình, ngăn ngừa chiến tranh thế giới mới. Để thực hiện mục tiêu nói trên, Quốc tế Cộng sản chủ trương rằng phải dựa chắc vào khối liên minh công nông, thành lập mặt trận nhân dân rộng rãi chống phát xít và chiến tranh, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình.
Đảng Cộng sản Đông Dương tiếp thu chủ trương mới của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và vận dụng vào thực tiễn cách mạng Đông Dương bằng một loạt những văn kiện, nghị quyết mới. Đây là sự trở lại với những luận điểm của Nguyễn Ái Quốc đã nêu trong Hội nghị thành lập Đảng. Trong văn kiện Chung quanh vấn đề chiến sách mới, Trung ương Đảng đã đặt vấn đề nhận thức lại mối quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, phản đế và điền địa trong cách mạng ở Đông Dương. Xuất phát từ yêu cầu bức thiết của cách mạng, Đảng không thể cùng một lúc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược giải phóng dân tộc và người cày có ruộng, mà phải tập trung vào một nhiệm vụ cần kíp nhất là giải phóng dân tộc.
Chủ trương mới của Đảng đã phản ánh đúng tình hình thực tế của cách mạng Việt Nam, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Vấn đề ruộng đất được tạm thời gác lại.
Đến Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ sáu (11-1939), vấn đề dân tộc được nhấn mạnh trở lại. Nghị quyết Hội nghị đã vạch rõ được mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu của dân tộc, do vậy đã xử lý đúng đắn mối quan hệ dân tộc – giai cấp trong quá trình xác định chiến lược, sách lược cách mạng. Những quyết định của Hội nghị trên những vấn đề quan trọng nhất đã đồng nhất với quan điểm của Nguyễn Ái Quốc. Điều này cũng khẳng định tính đúng đắn của Cương lĩnh. Có thể nói rằng, trong đường lối của Đảng khi đó đã có dòng chảy của tư tưởng Hồ Chí Minh, mặc dù chưa có sự hiện diện trực tiếp của Người.
Đặt cách mạng giải phóng dân tộc lên hàng đầu, do vậy Hội nghị chủ trương tạm gác khẩu hiệu ruộng đất cho dân cày và đề ra khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc, chống tô cao, lãi nặng. Chủ trương đó nhằm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng dân tộc vào Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương. Hội nghị xác định: lực lượng của Mặt trận là công nhân, nông dân đoàn kết với các tầng lớp tiểu tư sản thành thị và nông thôn; đồng minh chốc lát hoặc trung lập của giai cấp tư sản bản xứ, trung địa chủ do giai cấp công nhân lãnh đạo.
Sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước và trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Tháng 5-1941, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám tại Pác Bó – Cao Bằng. Đây là Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng tác động trực tiếp đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945. Hội nghị quyết định thay đổi chiến lược. “Sự thay đổi về kinh tế, chính trị Đông Dương, sự thay đổi thái độ, lực lượng các giai cấp Đông Dương, buộc Đảng ta phải thay đổi chính sách cách mạng ở Đông Dương cho phù hợp với nguyện vọng chung của toàn thể nhân dân Đông Dương, cho hợp với tình hình thay đổi, Đảng ta phải có một chính sách cách mạng thích hợp với tình trạng ấy, mới chỉ dẫn cuộc cách mạng đến thắng lợi chắc chắn”(1). Nghị quyết giải thích rõ về nội dung sự thay đổi đó: “Cuộc cách mạng ở Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cấn kíp “dân tộc giải phóng”(2). Đây là một quyết định quan trọng nhất về chiến lược cách mạng khởi nguồn từ tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh, có tác động trực tiếp và toàn diện đến quá trình chuẩn bị cho công cuộc đấu tranh giành chính quyền.
Sự thay đổi chiến lược của Đảng tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám đã tạo ra một xung lực vô cùng to lớn và mạnh mẽ, động viên sức mạnh trí tuệ và tinh thần của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho mục tiêu giải phóng dân tộc. Cũng từ đây, Đảng ta đã trở lại với tư tưởng chiến lược và sách lược như tinh thần của Cương lĩnh đầu tiên, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Điều đó đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Đảng về tư duy lý luận, bản lĩnh và kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng. Chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh đã đoàn kết được đông đảo quần chúng tập hợp trong Mặt trận dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm mục tiêu cao nhất: độc lập dân tộc. Từ đây, Đảng đã phát động được cả dân tộc dấy lên một cao trào đấu tranh mạnh mẽ để tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
 
 

_______________

         1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.118, 119.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 326, tháng 8-2011

Tác giả : Nguyễn Văn Chung

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *