Hủ tục, tệ nạn và quản lý văn hóa xã hội (phần 2)


 

2. Nhận diện thực trạng tệ nạn xã hội

 

Như phần trên đã trình bày, tệ nạn xã hội được chúng tôi khoanh lại ở lĩnh vực cờ bạc, rượu chè, ma túy, mại dâm/AIDS và tội phạm xã hội.

Cờ bạc rượu chè không những đã bị đánh giá thuộc vào hủ tục mà còn đồng thời trở thành tệ nạn xã hội. Vì ham rượu ham vui, không làm chủ được bản thân, thường xuyên bị ma men lôi kéo mà không biết bao gia đình nhà tan cửa nát. Cùng với rượu chè bê tha là tệ nạn cờ bạc, lô đề, lô tô, sổ xố ham mê lú lẫn, mất hết cơ ngơi sản nghiệp do công lao động chắt bóp mà ra. Đến bất cứ làng xã nào ta cũng chẳng mấy khó khăn để bắt gặp cảnh rượu vào lời ra, cảnh đỏ đen cờ quạt dưới nhiều hình thức. Vì loại tệ nạn này thuộc về những sinh hoạt hằng ngày của người dân nên việc điều tiết, mức độ, biết dừng thuộc về năng lực bản thân cá nhân. Dừng là đủ nhưng quá là thành tệ nạn. Tệ nạn kéo dài thì gây nhiễu nhương đời sống ở cả phương diện an ninh trật tự lẫn phương diện bảo vệ sức khỏe, sức lao động sản xuất, ảnh hưởng đến học tập vươn lên, làm cho xã hội bị suy bại.

Ma túy là một tệ nạn xã hội đã xuất hiện từ rất lâu. Gắn với nhu cầu ăn, uống, hút (4 nhu cầu cơ bản của con người: ăn – mặc – ở – đi lại) là nhu cầu cơ bản đứng đầu của con người thì việc sử dụng thuốc lào, thuốc lá, rượu, bia, cà phê, các loại chất kích thích có ma túy,… nhằm tìm đến khoái cảm thăng hoa, say sưa cho con người không còn xa lạ với đời sống nhân loại. Tuy nhiên, khi xã hội đã phát triển đến giai đoạn như ngày nay, đặc biệt, những năm gần đây, việc sử dụng ma túy như một chất kích thích mạnh đã bị cả nhân loại lên án, bác bỏ và bài trừ. Pháp luật Việt Nam và văn hóa Việt Nam cũng kiên quyết loại trừ tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống cộng đồng. Dẫu vậy, nạn sử dụng ma túy vẫn len lỏi mọi ngóc ngách vào phố xã, trường học, công sở, làng quê, vùng cao vùng thấp, vùng rừng vùng biển… làm nhức nhối xã hội. Nhiều gia đình, thôn xóm bình yên đã tan nát vì tệ nạn ma túy. Không chỉ là những hiện tượng lẻ tẻ xuất hiện đây đó nơi phồn hoa đô hội, tệ nạn ma túy đã trở thành những trào lưu buôn bán và sử dụng nó dưới nhiều hình thức. Các đường dây mua bán ma túy, các chất gây nghiện nhiều chủng loại được thiết lập ở quy mô xuyên quốc gia, xuyên biên giới, xuyên quốc tế với số lượng khổng lồ và dồi dào. Đường dây buôn bán cung cấp nguồn hàng chết người này tỷ lệ với số lượng con nghiện tăng lên trong xã hội. Số lượng người dân sử dụng loại chất gây nghiện này tăng lên nhanh chóng và rất phổ biến ở vùng các tỉnh ven biên giới Trung Quốc, Lào, Cămpuchia, Thái Lan, các tỉnh núi cao hiểm trở và một số tỉnh ven biển duyên hải gắn với những địa điểm dễ dàng trung chuyển, buôn bán ma túy. Ma túy gây sảng khoái, hưng phấn nhất thời, sau đó người sử dụng sẽ bị lệ thuộc vì hệ thần kinh bị kích thích hoặc ức chế gây cảm giác nghiện. Sau vài lần sử dụng, họ sẽ bị phụ thuộc vào thuốc, rồi tiếp đó là những tai biến ảnh hưởng đến sức khỏe như ảo giác, ảo thị, co giật, xuất huyết, đột quỵ, gan, tim mạch… Không những cá nhân người nghiện phải chịu nhiều bệnh tật, suy giảm sức khỏe, mất khả năng lao động mà kèm theo đó, hàng vạn, hàng triệu gia đình cũng tan vỡ hạnh phúc theo làn khói của “cái chết trắng, nàng tiên nâu”. Tệ nạn xã hội do ma túy gây ra còn phải kể đến việc đánh đập, trộm cắp tài sản, thậm chí chém giết cha mẹ, vợ con, người thân; gây ra tình trạng mất an ninh, gây rối công cộng bởi các cuộc cá cược đua xe trái phép, thách đố thiệt hơn… làm cho gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông, hoặc gia tăng số người nghiện ngập, trở thành gánh nặng cho an sinh xã hội.

Bạn đồng hành cùng ma túy là tệ nạn mại dâm và nạn dịch HIV/AIDS. Mại dâm có thể hiểu là loại tình dục đen, làm méo mó bản chất và biến dạng khái niệm tình dục bản năng nguyên thủy. Mại dâm bị xã hội lên án kịch liệt và đó là một trong những những tệ nạn xã hội cần kiên quyết loại bỏ khỏi đời sống lành mạnh xã hội.

Người ta tìm đến mại dâm bởi rất nhiều lý do trên cơ bản đòi hỏi của một bộ phận có “cung” và một bộ phận khác có “cầu”. Con đường dẫn đến mại dâm thường có lý do muôn hình vạn vẻ, song, có thể quy về những lý do phổ biến là: Do đòi hỏi về sinh lý không lành mạnh, do xuất phát từ nhu cầu tâm lý lệch lạc (giải đen, ham tìm của lạ, trả thù đời, giải ngân tiền bất chính, đáp đền ơn nghĩa…).

Đối tượng bán dâm cũng xuất phát điểm từ nhiều hoàn cảnh, ngả đường khác nhau, nhưng thông thường nhất vẫn là mục đích lợi nhuận kinh tế – coi đó là một hình thức kinh doanh dễ sinh lời mà lại “được từng trải sự đời” nhanh chóng để tạo lập “vốn” trước khi trở lại hoàn lương với đời.

Thực tế, việc mua bán dâm muốn trở thành hiện thực thường phải trải qua các khâu trung gian mang tính chất cả một “guồng máy” bao gồm chủ chứa, bảo kê, bộ phận chăn dắt huấn luyện mại dâm, đường dây gái gọi/buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Hoạt động mại dâm hoạt động ở đa lĩnh vực, đa ngành nghề, có mặt ở mọi ngả đường và được che đậy, ngụy trang, xâm lấn vào nhiều hình thức tệ nạn, tội phạm, giới xã hội đen, chìm, bí mật khác.

Yếu tố tình dục đen qua hoạt động mại dâm đã trở thành phương tiện và mục đích của hoạt động này. Chính vì cốt lõi của mại dâm là tình dục – thuộc vấn đề nhạy cảm, khó diễn đạt trong đời sống tâm lý và tình cảm của người phương Đông nên hoạt động mại dâm càng có những lắt léo, biến dạng, trá hình vì nó được che đậy dưới vỏ bọc của văn hóa cấm kỵ trong giao tiếp xã hội.

Hoạt động mại dâm thường phổ biến ở các thành phố lớn, khu dân cư tập trung đông đúc. Tuy nhiên, đó là câu chuyện đã xưa cũ. Giờ đây, khi các làng quê đã được đô thị hóa từng phần, đã được cập nhật các phương tiện thông tin, truyền thông, đã bị các tệ nạn xã hội khác xâm lấn thì hệ quả tất yếu là hoạt động mại dâm xuất hiện và tồn tại, phát triển.

Hoạt động mại dâm, ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, các hoạt động xâm hại tình dục… thường là cặp bài trùng, dễ dắt dây, phản ứng liên hoàn theo chuỗi. Dẫu vậy, nhận diện các tệ nạn này không phải dễ dàng vì đa số người dân “ngại”, không muốn va chạm, tố cáo hoặc công khai chống lại nó nếu như “nó” không ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân và gia đình, hoặc “nó” không là nhiệm vụ bắt buộc của những người được xã hội lựa chọn phải thi hành công vụ.

Hơn nữa, do mại dâm là hoạt động thuộc lĩnh vực thương mại đen, là một trong những nghề không có trong danh mục nghề được pháp luật Việt Nam công nhận nên nó có hình thức hoạt động rất uyển chuyển, làm cho hoạt động thương mại đen này trở nên phức tạp trong trận đồ bát quái, làm ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

Mại dâm lợi ít hại nhiều, lợi trước mắt mà hại lâu dài, nó trở thành sức ép, gánh nặng về tâm lý, văn hóa, tôn giáo, gia đình trong xã hội. Mại dâm kéo theo nhiều bệnh tật, phá hoại sức khỏe, sức lực nguồn lao động xã hội và làm cho các chấn thương về tâm thần, tâm lý ngày càng tăng lên. Mại dâm là tệ nạn nguy hiểm mà cả xã hội đều lên án.

Tội phạm là con đường tất yếu của các tệ nạn xã hội. Dĩ nhiên, tùy mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội mà mức độ tội phạm nặng nhẹ khác nhau. Thông thường, các tội phạm nối tiếp tệ nạn ma túy, mại dâm là tội phạm buôn bán chất gây nghiện, mua bán trái phép và kinh doanh thân xác phụ nữ, trẻ em, trẻ vị thành niên, đâm chém, hiếp dâm, buôn bán phi pháp, các loại tội phạm nguy hiểm quốc gia và quốc tế, gây hại đến an toàn xã hội và an ninh quốc phòng quốc gia, thậm chí quốc tế…

Hình thức dẫn đến tội phạm rất phức tạp mặc dù đã được kìm chế. Các tội phạm thường bắt rễ sâu xa từ các sinh hoạt thường nhật hằng ngày trong cuộc sống ở cụm dân cư, tưởng chừng rất bình thường nhưng lại ẩn chứa nhiều hiểm họa khó lường vì thường được che đậy bởi các vỏ bọc. Tội phạm vi phạm trật tự xã hội đã bị nghiêm trị (9) chiếm tới 69%, tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ chiếm 15,1%, tội phạm về ma túy chiếm 15,9%, trong đó tình trạng học sinh sinh viên, thanh thiếu niên bỏ học, những lực lượng đang có sức khỏe và trí tuệ, đang ở tuổi lao động cống hiến lại sa đọa vào con đường ăn chơi, tụ tập thành băng nhóm, các đường dây lừa đảo và buôn bán mại dâm, ma túy, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, tranh chấp khiến xã hội ngày càng chịu nhiều áp lực quá tải, khiến xã hội ngày càng bị bôi đen, chậm phát triển.

 

3. Quản lý văn hóa xã hội, bài học còn đang học tiếp

Đời sống tinh thần của nông dân nói riêng và cả xã hội nói chung, ở một khía cạnh nào đó, đều đã bị chi phối, ảnh hưởng bởi các hủ tục và tệ nạn xã hội. Tệ nạn xã hội và hủ tục là hai gọng kìm xiết chặt đời sống vật chất và tinh thần người dân trong lạc hậu và đói nghèo. Không chỉ nặng nề ở nông thôn mà phải nhận thức rằng, sự khác biệt trong hủ tục và tệ nạn xã hội ở nông thôn và thành thị không mấy khác nhau. Hễ ở thành phố, đô thị có tệ nạn gì thì ở nông thôn có tệ nạn đó. Có những hủ tục rất nặng nề ở nông thôn thì thực tế, đã được giảm thiểu ở thành phố do điều kiện văn minh vật chất cao hơn, họ làm việc và sống có chương trình, bị thúc ép về thời gian và địa điểm hơn mà thôi. Nhưng bên cạnh đó, nhiều hủ tục mới trong đời sống đô thị đang trỗi dậy và có nguy cơ trở thành mốt, mẫu cho các vùng thôn quê được đánh giá là ngoại vi văn hóa của vùng trung tâm đô thị.

Như vậy, vấn đề hủ tục và tệ nạn xã hội đều thuộc phạm trù các vấn đề xã hội. Không thể đánh giá chủ quan một chiều lý do bởi đời sống kinh tế khó khăn mà các hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội gia tăng. Phải nhận thấy rằng, đó chỉ là một trong những lý do chính, chứ thực ra hủ tục và tệ nạn xã hội không chừa ở bất cứ xã hội lạc hậu hay tiên tiến nào.

Ở Việt Nam, tình trạng hủ tục và tệ nạn xã hội không thực sự man rợ, bạo liệt như 5 hủ tục kinh hoàng vẫn còn tồn tại trên thế giới (giết người vì danh dự; thiêu cháy cô dâu; tấn công bằng axit; cắt âm vật; nô lệ nghi thức), nhưng những hủ tục còn tồn tại trong tổ chức đời sống lao động sản xuất, trong tang, cưới, lễ hội; những tệ nạn gắn với ma túy, mại dâm, tội phạm… đã đem lại nhức nhối và nhiều hệ lụy cho xã hội.

Xu hướng gia tăng tệ nạn xã hội và duy trì rơi rớt các hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại trong đời sống nông thôn, nông dân, nhân dân. Người dân ít học, trình độ văn hóa hạn chế là thành trì vững chắc để các hủ tục và tệ nạn xã hội xâm nhập, tồn tại lâu dài trong tư tưởng, hành vi của họ. Hơn nữa, sự tiếp thu thụ động các tác động tốt của xã hội nhiều khi trở thành hời hợt, kém hiệu quả trong khi những tác động xấu lại chủ động, có kế hoạch, âm mưu dẫn dắt, lôi kéo họ. Các hủ tục và tệ nạn xã hội xuất hiện rộ lên ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam nước ta không hoàn toàn nằm ngoài âm mưu kế hoạch của những lực lượng phá hoại. Chính vì thế, việc chủ động đưa thông tin, vận động tuyên truyền, sâu sát, có kiểm tra giám sát của các ngành, đặc biệt vai trò tích cực của ngành VHTTDL từ cấp trung ương đến cơ sở thông qua các các chủ trương, kế hoạch cụ thể là điều vô cùng quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa soi sáng, để đẩy lùi bóng tối. Nếu đời sống tinh thần ở cơ sở từng bước được thanh lọc trong sạch thì sẽ giảm bớt gánh nặng an sinh cho xã hội đô thị và cả quốc gia. Một gia đình tốt là hạt nhân để làng xóm bản mường tốt, và xã hội sẽ phát triển theo hướng tốt đẹp hơn.

Xu hướng biến đổi của hủ tục và các tệ nạn xã hội hiện nay là xu hướng đồng hành cùng các vấn đề xã hội. Do vậy, những việc làm chủ động của ngành báo chí, phát thanh truyền hình, văn hóa, công an, bộ đội, các đoàn hội, tổ chức xã hội phải đi trước một bước, hoặc chí ít cũng tương tác nhanh chóng được với các vấn đề xã hội để góp phần giải quyết nó ở những mức độ khác nhau.

Để giải quyết từng bước hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội, ngành Văn hóa đã thực hiện 3 vấn đề liên quan mật thiết với nhau: Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, xóa bỏ tập tục lạc hậu và các tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Phương châm thực hiện của ngành theo đúng chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đúng lời dặn của Bác Hồ. Trong tác phẩm Đời sống mới, Bác dặn: “Thói quen rất khó đổi. Cái tốt mà lạ, người ta có thể cho là xấu. Cái xấu mà quen người ta cho là thường”. Do vậy, để đấu tranh với cái xấu đã thành nếp chúng ta phải kiên trì, tế nhị, tránh áp đặt. Phải nhìn vấn đề biện chứng “cái gì xấu thì kiên quyết phải bỏ, cái cũ tuy không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý, còn cái cũ mà tốt thì phải phát triển thêm”.

Trước Cách mạng tháng Tám, đời sống tinh thần người nông dân bị giam hãm bởi nhiều hủ tục và tệ nạn, bị áp bức bởi xã hội lạc hậu và thế lực thần linh siêu nhiên. Đặc biệt, đồng bào các dân tộc thiểu số phải chịu cuộc sống u ám vì tăm tối, “trời đầy mây, đất đầy ma, đời đầy kẻ ác, đồng bào khổ cực trăm bề” (theo cách nói của ông Vi Hồng Nhân – nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc). Sang chế độ mới, xây dựng đời sống mới thì kiên quyết đoạn tuyệt với thói hư tật xấu trước kia để hướng tới cuộc sống mới ấm no hạnh phúc.

Ngành văn hóa, từ những thập kỷ 50, 60 của TK XX đã phát động phong trào xây dựng nếp sống mới, đời sống mới. Hơn 10 năm trở lại đây, các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng khu dân cư, vận động thực hiện xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, vận động bài trừ hủ tục và tệ nạn xã hội, toàn dân tham gia phòng chống tội phạm xã hội được triển khai rộng khắp cả nước.

Phương châm “chân thành tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc” để loại bỏ dần hủ tục và các tệ nạn xã hội. Tuyệt đối không ép buộc thô bạo, các ý kiến đưa ra bàn bạc một cách chân thành với những người có uy tín trong cộng đồng dân cư để người dân chủ động tự giác loại bỏ, hạn chế dần hủ tục là chính.

Mở các cuộc tọa đàm thật sự cởi mở, chân tình với sự tham gia của các vị già làng, những vị có uy tín, những tăng ni phật tự, chức sắc tôn giáo… để bàn bạc đi đến thống nhất cần loại bỏ những gì, phương pháp từng bước như thế nào cho phù hợp, tháo gỡ dần dần có kết hợp với các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước.

Cơ quan Bộ VHTTDL, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Quân đội, Công an, Bộ Giáo dục và đào tạo, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân các cấp đều có trách nhiệm phối hợp… để tạo sức mạnh tổng lực, toàn diện, liên ngành khiến cho các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta được thực sự thấm sâu vào đời sống văn hóa cơ sở, vào từng thôn xóm bản làng phum sóc mường bản, cả người Kinh và các dân tộc thiểu số anh em trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Mô hình đẩy lùi hủ tục và các tệ nạn xã hội, phòng chống tội phạm đã được đúc kết qua thực tiễn hoạt động gồm: Truyền thông qua ban chỉ đạo cấp trung ương tới cơ sở; tuyên truyền qua hoạt động báo chí xuất bản; tuyên truyền qua tổ đội thông tin cổ động; xây dựng các cụm cổ động, panô, áp phích; biểu diễn nghệ thuật quần chúng dân ca dân vũ, dân nhạc tham gia từ cơ sở; tăng cường hoạt động thư viện, phòng đọc sách báo cơ sở; chiếu phim lưu động; triển lãm tại chỗ và lưu động; các cuộc thi; các câu lạc bộ tuyên truyền; lồng ghép nội dung bài trừ hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội vào hoạt động của cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng mô hình truyền thông quân dân trên địa bàn có các đơn vị vũ trang đóng quân (chủ yếu ở vùng biên giới và hải đảo, vùng núi cao).

Từ bài học kinh nghiệm đã được tổng kết qua thực tiễn, công tác bài trừ hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội phải là công việc có sự kết hợp đa ngành, đa lĩnh vực, đa năng, đa diện. Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao (Hồ Chủ tịch), bằng phương pháp tuyên truyền vận động là chính, lấy xây để chống, lấy pháp luật làm nền tảng, sẵn sàng và nghiêm minh trong truy bắt và triệt phá những băng đảng, ổ nhóm tệ nạn xã hội nghiêm trọng để giữ gìn an ninh xã hội, răn đe, cảnh tỉnh các đối tượng khác trong xã hội. Đồng thời, nâng cao trình độ cho cán bộ tuyên truyền chuyên trách, những cán bộ thuộc các ban ngành, tổ chức liên quan và trình độ dân trí của nông dân để công tác tuyên truyền giáo dục, lồng ghép có hiệu quả cao.

Sau cùng, khi xã hội đã thay đổi, chuyển biến thì tất yếu đời sống tinh thần và vật chất cũng đổi thay. Đối với một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam, nền tảng quan trọng vẫn là các vấn đề liên quan đến tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn). Sự chủ động và làm việc khoa học, có kế hoạch, sự góp mặt của trí thức, chuyên gia về các vấn đề xã hội sẽ mang đến những nhận thức mới để không những góp phần giải quyết vấn đề hủ tục, tệ nạn xã hội đang nhức nhối xã hội mà cao hơn, phải cảnh báo, dự báo được những vấn đề xã hội mới sẽ nảy sinh để có những quyết sách đúng đắn ngăn chặn cái xấu, hướng đạo cái tốt, cái đẹp, cái đúng, cái cao thượng nhằm đưa đời sống vật chất và tinh thần toàn xã hội ngày càng phồn vinh, ấm no, hạnh phúc.

_______________

            9. Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ truyền thông của Ban chỉ đạo dân số – AIDS và các vấn đề xã hội, tài liệu của Vụ Văn hóa Dân tộc, Bộ VHTTDL.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 299, tháng 5-2009

Tác giả : Phạm Lan Oanh

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *