Một số đặc trưng của loại sách địa chí


        Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCHTƯ Đảng (khóa VIII) đã chỉ rõ: phải xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam (1). Bản sắc văn hóa dân tộc được hình thành từ sắc thái văn hóa đa dạng từng vùng, địa phương, với điều kiện tự nhiên, kinh tế khác nhau.

Địa chí là công trình ghi chép, khảo tả, giới thiệu về các mặt của địa phương, trong đó gồm văn hóa, văn bản hóa các giá trị văn hóa, phản ánh diện mạo, tính độc đáo của văn hóa từng vùng đất, thông qua việc điều tra về văn hóa vật thể, phi vật thể, danh nhân văn hóa…

         Trên thế giới địa chí là thể loại tồn tại khá lâu đời. Riêng ở nước ta, kể từ khi lịch sử thành văn, đã xuất hiện nhiều công trình địa chí được biên soạn công phu, có tầm cỡ khác nhau về từng vùng, địa phương. Để khai thác giá trị của sách địa chí phục vụ cho công tác nghiên cứu văn hóa địa phương nhằm xây dựng nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng, cần tìm hiểu các đặc trưng cơ bản của loại sách này.

Đặc trưng thể hiện những đặc điểm cơ bản nhất, phản ánh tinh hoa, diện mạo của đối tượng nghiên cứu, là nét tiêu biểu và được xem là dấu hiệu để phân biệt với những sự vật, hiện tượng khác. Đặc trưng bổ sung cho khái niệm, làm rõ thêm khái niệm. Chẳng hạn, đối với các loại hình nghệ thuật như múa, đặc trưng của nó là động tác, tiết tấu, còn với nghệ thuật tạo hình đặc trưng là màu sắc, đường nét, hình khối. Qua phân tích, tổng hợp các sách địa chí trong bộ sưu tập địa chí lưu giữ tại các địa phương, có thể nhận thấy những đặc trưng cơ bản của sách địa chí là: tính địa vực, tính tổng hợp, tính cô đọng, cơ bản và khách quan, tính tư liệu, tính kế thừa…

Tính địa vực là đặc trưng tiêu biểu nhất của sách địa chí. Bất cứ công trình địa chí nào cũng gắn với một địa danh, một khu vực lãnh thổ nhất định như làng, xã, huyện, tỉnh, vùng, miền của đất nước. Trong các khu vực trên thì tỉnh, thành phố thể hiện đầy đủ diện mạo của địa phương, bởi vì với phạm vi đơn vị hành chính này, công cuộc xây dựng, quản lý và phát triển địa phương mới được tiến hành ở mức độ quy mô và tập trung hóa cao. Do vậy xuất hiện nhiều sách địa chí ghi chép, phản ánh về tỉnh, thành phố. Sách địa chí thường xuất hiện dưới dạng: “địa chí tỉnh…”, “chuyên khảo về tỉnh…”, “…xưa và nay”, “… đất nước con người”. Chẳng hạn, Địa chí tỉnh Vĩnh Phúc (2000), Địa chí văn hóa TP.HCM (1987), Chuyên khảo về tỉnh Bắc Ninh (1936), Vũng Tàu xưa và nay (1970), Đất và người Thái Bình (2003)…

Tính tổng hợp hay tính đa diện, toàn diện cũng là đặc trưng cơ bản của sách địa chí văn hóa. Đây là bộ sưu tập chứa đựng thông tin đầy đủ nhất về địa phương. Nội dung ghi chép khá toàn diện cả quá khứ, hiện tại của tỉnh, thành phố, huyện, làng, xã hay một vùng địa lý nào đó rộng hơn về các mặt thiên nhiên, địa lý, kinh tế, lịch sử, văn hóa, xã hội, nhân vật. Chẳng hạn, sách Địa chí Hà Bắc (1982) gồm 4 phần chính, liên hệ mật thiết với nhau: Tự nhiên và dân cư, kinh tế, lịch sử đấu tranh giữ nước và đấu tranh xã hội, văn hóa – xã hội (khảo cổ, ăn mặc, ở, di tích lịch sử-văn hóa, tôn giáo, phong tục tập quán, hội làng, văn nghệ dân gian, văn hóa thành văn…)(2). Còn Địa chí Lạng Sơn (1999) gồm các mục: Địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hóa – xã hội, rồi đến các huyện thị cũng ghi chép theo các nội dung trên. Trong tính tổng hợp thì thiên – địa – nhân là ba yếu tố cơ bản mà sách địa chí mô tả. Đương nhiên địa là yếu tố chủ chốt nhất và là nét đặc trưng khu biệt dễ nhận thấy ở thể loại địa chí. Nhờ tính tổng hợp trong sự phản ánh, nên tri thức trình bày trong sách địa chí thường liên quan đến nhiều ngành khoa học như địa lý, lịch sử, kinh tế, xã hội học, dân tộc học, văn hóa học… Khi biên soạn sách địa chí và địa chí văn hóa, các tác giả thường sử dụng phương pháp liên ngành và tập hợp một đội ngũ các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Địa chí được gọi là “sách bác vật” hay loại “bách khoa toàn thư” của một vùng đất.

Sách địa chí cũng mang tính cô đọng, cơ bản, khách quan. Đặc trưng này thể hiện bút pháp biên soạn của thể loại địa chí. Địa chí là một thể loại ghi chép bằng bút pháp đặc biệt. Các vấn đề về địa phương trong đó có văn hóa được trình bày ở những nét tổng thể, cô đọng mang tính trung thực khách quan, ít bình luận theo chủ quan đánh giá của tác giả. Tính cô đọng thể hiện khi tác giả khảo tả về các mặt của địa phương thì lượng thông tin rút gọn lại mà vẫn đảm bảo nội dung và giá trị của nó. Còn tính cơ bản là chỉ giới thiệu những vấn đề chủ yếu nhất về địa phương và văn hóa của nó chứ không phải điều gì cũng ghi chép. Tri thức trình bày trong địa chí tuy không sâu nhưng cơ bản, chủ yếu là ghi chép khoa học. Chức năng của địa chí là thông tin, phản ánh. Việc lý giải, bình luận chỉ là nhiệm vụ thứ yếu và kết hợp. Các sự kiện trong sách địa chí được sàng lọc qua con mắt người viết địa chí, đôi chỗ có bình luận nhưng không tràn lan, ghi chép đúng như sự thật, thuật lại mà không sáng tác, không ngụ ý khen chê, có sự lựa chọn. Chẳng hạn, sách Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội của Hoàng Đạo Thúy ghi chép rất khách quan, thi thoảng bình luận một câu, nhưng thông tin rất đắt và có giá trị (3). Địa chí có nhiệm vụ tổng hợp tình hình nghiên cứu về các vấn đề của địa phương đến thời điểm hiện tại ở những nét tổng thể nhất. Bút pháp của thể địa chí không phải là của lịch sử. Trong các công trình địa chí cũng gồm phần ghi chép về lịch sử, truyền thống của một vùng đất, một địa phương, nhưng đó là sự ghi chép lịch sử địa phương theo thể địa chí, không mang ý kiến chủ quan đánh giá của tác giả. Lịch sử có nhiệm vụ tìm ra nguyên nhân của các sự kiện, phát hiện quy luật và phương hướng phát triển sự kiện. Địa chí không phải là lịch sử địa phương mà cũng không hẳn là địa lý địa phương, tuy rằng nó bao hàm ít nhiều địa lý – lịch sử địa phương. Người biên soạn địa chí thường từ thời điểm hiện tại mà nhìn về quá khứ xa xưa, còn trong lịch sử địa phương thì các sự kiện được sắp xếp theo trình tự thời gian từ xưa đến nay (theo lịch đại) và người biên soạn lịch sử phải chịu áp lực của những quan điểm tư tưởng – chính trị. Chẳng hạn, bút pháp biên soạn trong Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch (4) khác với bút pháp của Đại Việt sử ký toàn thư.

Sách địa chí văn hóa được biên soạn không nhằm mục đích trình bày lịch sử văn hóa. Tuy nhiên với ý thức trình bày các hiện tượng văn hóa trong sự vận động của chúng theo dòng thời gian, các tác giả mong muốn có thể góp phần xây dựng lịch sử văn hóa địa phương và đất nước.

Địa chí văn hóa ghi chép những nét đẹp của văn hóa truyền thống địa phương về phong tục tập quán, danh nhân văn hóa, lễ hội cổ truyền hay các giá trị được coi là chân – thiện – mỹ để khai thác, kế thừa và phát huy trong xây dựng nền văn hóa mới hiện nay. Do vậy, người biên soạn chú ý đến sự phân bố địa lý của các sự kiện văn hóa. Chúng ta có thể tham khảo ý kiến của các nhà khoa học địa chí tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) khi đưa ra nguyên tắc biên soạn sách địa chí là: viết theo ngôi thứ ba, không dùng chữ ta như tỉnh ta, huyện ta…; viết không bình luận mà chỉ thể hiện sự thật lịch sử; nêu đặc điểm nổi bật của địa phương, của thời đại; văn phong gọn ghẽ, chữ giản thể; nghiêm cấm viết bừa; tư liệu chính xác”(5).

Địa chí là loại sách công cụ, được ghi chép khách quan, do đó mang tính tư liệu, chứa đựng vốn hiểu biết toàn diện và tối thiểu về một đất nước hay một đơn vị hành chính lãnh thổ như làng, xã, huyện, tỉnh. Sách địa chí chuyển tải các thông tin cơ bản trên cơ sở khoa học về địa phương, nó cần thiết cho mọi đối tượng độc giả, nhất là nhân dân địa phương. Địa chí cung cấp nhiều tư liệu giá trị giúp họ hiểu biết về địa phương từ thiên nhiên, đất nước, con người. Nếu không có kiến thức địa chí thì người dân địa phương thường chỉ quan tâm tới một lĩnh vực nào đó hay chính nơi mình sống và làm việc mà thôi. Địa chí thực hiện chức năng giáo dục với nội dung giáo dục ý thức bảo vệ môi trường sinh thái xung quanh, giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về cảnh đẹp thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa cách mạng của địa phương. Trên cơ sở đó góp phần hình thành ý thức công dân cho thế hệ trẻ để khi trưởng thành xây dựng, bảo vệ và làm cho quê hương đất nước ngày càng giầu đẹp. Địa chí là công cụ tra cứu đắc lực, thường xuyên hàng ngày của các nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo quản lý. Phương tiện này sẽ trợ giúp tra tìm các sự kiện của địa phương và văn hóa như các địa danh, lễ hội truyền thống, các di tích, danh nhân văn hóa… để nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học và quản lý, điều hành các hoạt động văn hóa tại địa phương.

Địa chí còn mang tính kế thừa. Mỗi cuốn sách địa chí được biên soạn đều gắn với nhu cầu lịch sử – xã hội cụ thể của địa phương. Trong những giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước có thể xuất hiện những công trình địa chí khác nhau cùng đề cập về một vùng đất. Thông thường các sách địa chí biên soạn sau đều tham khảo, kế thừa và tiếp thu nội dung, phương pháp của địa chí trước đó. Nội dung của chúng càng phong phú hơn và phương pháp biên soạn cũng khoa học, hoàn thiện hơn. Chẳng hạn, qua các giai đoạn lịch sử đã công bố hàng loạt sách địa chí ghi chép, giới thiệu về vùng đất Thăng Long – Hà Nội từ Dư địa chí của Nguyễn Trãi (Thời Lê), Bắc thành địa dư chí của Lê Chất (Thời Nguyễn) cho tới Địa chí văn hóa dân gian Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, Địa chí vùng ven Thăng Long, Bách khoa thư Hà Nội… hiện nay.

Tóm lại, sách địa chí mang những đặc trưng cơ bản như tính địa vực, tính tổng hợp, tính công đọng, cơ bản, khách quan, tính tư liệu, tính kế thừa. Trong các đặc trưng trên, thì tính địa vực là đặc trưng tiêu biểu nhất. Tìm hiểu các đặc trưng của loại sách địa chí sẽ giúp nhà nghiên cứu phân biệt rõ loại sách địa chí với các loại khác để có thể biên soạn chúng ngày càng chất lượng hơn, đáp ứng nhu cầu của độc giả, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

_______________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998.

2. Địa chí Hà Bắc, Thư viện Hà Bắc xb, 1982.

3. Hoàng Đạo Thúy, Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, Hội Văn nghệ Hà Nội xb, 1971.

4. Bùi Dương Lịch, Nghệ An ký, Nguyễn Thị Thảo dịch, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993.

                5. Nghĩ về Thăng Long – Hà Nội, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2000.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 297, tháng 3-2009

Tác giả : Nguyễn Văn Cần

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *