Lễ hội làng cầu bây

Làng Cầu Bây thuộc phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội, nằm trong vùng giao thoa giữa hai tiểu vùng văn hóa đặc trưng của miền Bắc là văn hóa Kinh Bắc và văn hóa Thăng Long, có khá nhiều di tích lịch sử – văn hóa có giá trị, giàu truyền thống nhân văn được lưu trữ và bảo tồn. Trong bối cảnh đô thị hóa, Long Biên được chuyển đổi từ huyện lên quận, bộ mặt làng xã nơi đây đã và đang thay đổi một cách nhanh chóng. Những biến đổi của một làng lên phố đã tác động mạnh mẽ vào văn hóa làng, đặc biệt trong lễ hội.

1. Khái quát về
không gian văn hóa diễn ra lễ hội

Làng Cầu Bây giáp đường quốc lộ số 5 về phía bắc, làng Ngô và Cự Đồng về phía tây, làng An Lạc, đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn về phía đông và Thượng Hội về phía nam. Làng nằm ven sông Cầu Bây, vốn là một nhánh của sông Nghĩa Trụ. Sông Nghĩa Trụ bắt nguồn từ sông Hồng, với 2 đoạn sông, đoạn đầu bắt nguồn từ Gia Lâm, chảy qua địa phận Văn Giang, Hưng Yên; đoạn thứ hai ở phía nam Hưng Yên, gọi là sông Cầu Cáp, Điềm Xá hoặc Mai Xá, bắt đầu từ ngã ba thôn Ba Đông (Phan Sào Nam) chảy qua Cầu Cáp, xã Đoàn Đào (Phù Cừ), đến thôn Hà Linh, gặp sông Hồ Kiều và chảy thẳng xuống Mai Xá (huyện Tiên Lữ). Làng nằm ở khúc giữa sông, đoạn từ Bát Tràng đến Lệ Mật. Để thuận tiện cho giao thông, dưới thời Lê cây cầu đá (Thạch Kiều) đã được làng xây dựng bắc qua sông Cầu Bây, nối liền đồng Khuốc với đồng Vẹo của làng. Qua đồng Khuốc là thôn An Lạc, thuộc Trâu Quỳ. So với điều kiện chung của các làng ven đô mới chuyển lên phường thì điều kiện tự nhiên cũng như vị trí địa lý của làng có nhiều thuận lợi để phát triển về giao thông, dịch vụ, thương mại… Môi trường sinh thái, đặc thù về tự nhiên có ảnh hưởng lớn tới đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người dân trong làng.

Làng Cầu Bây tuy đã lên phường nhưng kết cấu, thành phần dân cư vẫn giữ được kết cấu truyền thống với thiết chế cơ bản là gia đình, dòng họ, bên cạnh đó còn có giáp, ngõ xóm, các tổ chức phe, phường, hội…

Đời sống của người dân trong làng hiện nay đã có nhiều thay đổi. Sự chuyển mình để bước vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa khiến đời sống người dân làng Cầu Bây có nhiều xáo trộn, có cả những yếu tố tích cực, tiêu cực. Cùng với đó là tốc độ đô thị hóa diễn ra tương đối nhanh chóng, các khu đô thị, nhà cao tầng, đường xá được xây dựng và mở rộng khiến diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, đồng nghĩa với việc chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp ở Cầu Bây.

Nằm ở điểm giao cắt giữa 2 vùng văn hóa lớn là Kinh Bắc và Thăng Long – Hà Nội, Cầu Bây có một bề dày truyền thống với các sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, phong phú và giàu bản sắc như: phong tục tập quán, trò chơi dân gian, tín ngưỡng dân gian… Lễ hội là giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, vẫn hiện diện đầy sức sống trong sinh hoạt của làng.

Đời sống tâm linh làng Cầu Bây vừa thể hiện nét chung của nhiều làng quê khác, vừa có những biểu hiện riêng biệt. Đình là nơi thờ thành hoàng làng, không gian chính diễn ra lễ hội. Đình Cầu Bây được xây dựng từ sớm, có thể từ thời Lê, hiện đã được phục dựng trước thềm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, trên nền móng của ngôi đình cũ. Lễ hội truyền thống là giá trị phi vật thể, thuộc sở hữu của cả cộng đồng làng. Đến nay, tuy có những tác động từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, nhưng lễ hội truyền thống của làng vẫn giữ nguyên giá trị.

2. Lễ hội truyền thống làng Cầu Bây

Theo truyền thuyết ở làng Cầu Bây, đức thành hoàng có hai anh em, anh tên húy là Lã Lang Đường thờ ở đình làng Cầu, em là Lã Lang Đế thờ ở đình làng Ngô (vì vậy, hai làng kỵ húy, gọi nước lã là nước giếng, khoai lang là khoai dây, đường đi là đàng đi). Hai ngài sinh ra ở xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Sinh thời, ngài võ nghệ cao cường, là quan võ phù tế vua Đinh Tiên Hoàng đứng đầu Thập nhị sứ quân. Vua Đinh Tiên Hoàng điều ngài lên phía bắc Tràng An (tức Thăng Long ngày nay), dẹp giặc phiến loạn thống nhất giang san. Trong quá trình giao tranh với giặc, ngựa ngài bị giặc chém chết ở nơi nay gọi là Đồng Mả. Ngài bị chém nhưng tay nâng đầu cố chạy qua đường cái quan về phía bắc sông Nghĩa Trụ (sông Cầu Bây ngày nay). Ngài ngồi nghỉ ở quán ven đường, hỏi hai mẹ con bà hàng nước: đầu tôi đứt thế này, sống hay chết. Truyền thuyết kể nếu ai trả lời vẫn sống được thì đầu sẽ liền lại. Hai mẹ con bà hàng nước trả lời: ông là thánh mới sống được. Ông chạy qua sông đi, giặc đuổi sau lưng ông rồi, tôi phá cầu tre để cứu ông. Giặc đến nơi không còn cầu nữa, không đuổi được ngài nên đã giết hai mẹ con bà hàng nước. Ngài chạy đến đống gò Khuốc thôn Cầu thì gục xuống chết. Sau ngày ngài hóa, làng Cầu bị động, người và trâu, bò, gà, lợn chết dịch, cuộc sống bị xáo trộn, dân làng đi xem, thày địa lý người Tàu bảo: gần làng bên kia sông Nghĩa Trụ có quan tướng võ chết trận vào giờ thiêng đã hiển thánh, dân làng nên đi tìm về thờ. Theo lời thày, dân làng đi tìm bên kia sông đến gò Đồng Khuốc thấy đống mối mới đùn có vỏ thanh kiếm khắc tên Lã Lang Đường. Dân làng rước linh ngài về thờ ở vị trí đình ngày nay (1).

Trước đây, lễ hội làng Cầu Bây diễn ra trong 17 ngày (từ 1 đến 17-2 âm lịch). Sau nhiều biến cố của lịch sử, đến nay, lễ hội chính thức diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 10 đến 12-2 âm lịch. Sáng ngày mùng 10, làm lễ rước nước về đình; chiều mời thày cúng về làm lễ thánh, sau đó dân làng bắt đầu soạn lễ dâng thánh; tối liên hoan văn nghệ. Ngày 11, sáng sớm chạy ngựa, sau đó tế nam và dâng hương nữ, chiều, hát văn nghệ ở sân đình, tối làm lễ chém lợn, liên hoan văn nghệ. Sáng ngày 12, tế nam, dâng hương nữ, chiều hát quan họ dưới hồ trước cửa đình. Các trò chơi dân gian diễn ra trong suốt thời gian tổ chức lễ hội.

Những hoạt động trong lễ hội biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh. Chính vì vậy, dân làng rất coi trọng việc thờ cúng, đặc biệt là những nghi thức diễn lại tục hèm, những điều cấm kỵ trong tín ngưỡng thờ thành hoàng, bởi đó là nhân tố chính thể hiện nét đặc sắc riêng biệt của lễ hội.


 Quang cảnh đình làng Cầu Bây 

Thành phần quan trọng nhất của lễ hội là cai đám, chủ tế, đại diện cho dân làng, làm cầu nối, đưa lời thỉnh cầu đến thần linh, và cũng thay mặt cho giáp chỉ đạo toàn bộ công việc trong thời gian diễn ra lễ hội. Ngày nay, thành phần tham gia lễ hội truyền thống của làng Cầu Bây có nhiều thay đổi so với trước. Ban chỉ đạo tổ chức lễ hội truyền thống bao gồm: lãnh đạo phường, trưởng ban quản lý di tích đình làng Cầu Bây, các tổ trưởng tổ dân phố 13, 14, 15, 16. Tham gia vào các nghi thức cúng tế còn có đội tế nữ, cũng được lựa chọn kỹ lưỡng tương tự đội tế nam. Ban tổ chức còn có các ban ngành, đoàn thể, mặt trận, công an, đảm bảo cho lễ hội được diễn ra đúng trình tự, an toàn. Trong đó, ban nghi lễ có quyền đề nghị các cụ trong làng cử ông từ, ông tế. Mỗi tiểu ban đảm nhận một công việc khác nhau, cắt cử người tham gia lễ hội.

Ngoài việc chuẩn bị lễ vật, luyện tập để thực hiện các nghi lễ, lễ rước cũng được chuẩn bị một cách kỹ càng và chu đáo. Công việc luyện tập vất vả và mất nhiều thời gian, song ý thức được trách nhiệm, những người được phân công nhiệm vụ tham gia đầy đủ, nghiêm túc. Ở làng Cầu Bây, những nghi thức chính gồm rước nước, mộc dục, khai hội, tế thánh.

Lễ rước nước

Sáng ngày mùng 10, cụ từ cùng trưởng ban tổ chức thắp hương xin phép thành hoàng làng mang chóe đi lấy nước. Đoàn rước cử từ 2 đến 4 người nam giới, mạnh khỏe, gia đình nề nếp, không có tang trở khiêng chóe. Việc lấy nước được tiến hành ở đoạn sông Hồng, khu vực đền Ghềnh, gần cầu Long Biên ngày nay, cách làng 8km. Dân làng quan niệm, nước để làm lễ mộc dục và các nghi thức khác trong lễ hội phải được lấy từ con sông Cái – sông Hồng, không lấy ở các sông nhánh. Sau khi cử người đi lấy nước, đoàn rước chuẩn bị lên đường, bao gồm: đội múa kỳ lân, chủ tế, người rước quốc kỳ, cờ thần, hai tổng cờ, kiệu long đình, đội dâng hương nữ, đội múa cờ, đội múa sênh tiền, dân làng và du khách thập phương. Mọi người tập trung tại sân đình trình thánh, sau đó bắt đầu nghi thức đón và rước nước. Thường đoàn rước xuất phát từ phía cổng bên phải đình, vòng qua giếng, đi vòng qua xóm Đông, dừng lại ở quán Đẻ thuộc xóm Mới, chủ tế, tổng cờ đại diện cho đoàn rước vào lễ trong quán, đồng thời là nơi dừng nghỉ chân, đợi đoàn đi lấy nước về. Khi đoàn đi lấy nước về đến trạm dừng chân, ông đám từ từ đặt chóe nước vào trong kiệu, đặt một bát hương ở phía trước chóe, sau đó đoàn rước nước khởi hành rước kiệu nước vòng quanh làng, dừng lại thắp hương ở quán, nghè của các xóm, trong tiếng chiêng trống nhộn nhịp, cùng sự háo hức của người dân. Đoàn rước trở về đình bằng cổng bên trái, chóe nước được dâng trước ban thờ thánh ngoài sân đình, sau được mang vào hậu cung để tiếp tục thực hiện nghi lễ mộc dục.

Lễ mộc dục

Nghi thức mộc dục gồm tắm thánh và lau rửa đồ thờ, thực hiện sau khi đoàn rước nước về cáo thánh. Cụ từ, chủ tế lau rửa bài vị, ngai thờ, phủi bụi trên mũ áo của thánh, cùng các vật dụng, đồ thờ cúng trong hậu cung. Mọi công việc, động tác trong hậu cung đều được tiến hành cẩn thận và trang nghiêm, trong suốt thời gian thực hiện nghi thức, mọi người không được nói chuyện. Sau khi làm lễ mộc dục, thày cúng làm lễ mời thánh và xin phép thánh cho dân làng được khai hội. Thày có thể là người làng, có thể là người làng bên, được tín nhiệm, có khả năng chuyển năng lượng thiêng từ các bậc thánh về với làng. Làng mở hội trong không khí náo nức của toàn thể dân làng. Ông từ, chủ tế nam đại diện cho dân làng thắp hương trước tòa đại đình và trong hậu cung. Sau đó, trưởng ban tổ chức lễ hội đọc diễn văn thông báo làng vào hội.

Lễ tế thánh

Sau tiếng trống khai hội, dân làng có thể biện lễ dâng hương, tế thánh. Ngày 11, nghi lễ tế nam được tiến hành. Ban tế có ít nhất 19 người, tuổi từ 50 trở lên, tức đều là các vị bô lão, gồm: chủ tế, đông xướng, tây xướng, bồi tế, đồng văn, và đội múa sênh tiền. Trong suốt thời gian diễn ra các nghi thức tế lễ trong đình, ông từ mặc áo the, khăn xếp đen, quần trắng, tiếp hương, đèn, nến cho các ban thờ.

Đội dâng hương nữ

Đội dâng hương tất cả đều là nữ, độ tuổi từ 45 – 50 trở lên, do ban tổ chức, các bô lão trong làng bầu ra và phân công nhiệm vụ. Nghi thức tế lễ ẩn chứa đầy sự kính cẩn, trang nghiêm, diễn đạt có trình tự và hệ thống, tăng thêm không khí thiêng liêng trong những ngày diễn ra lễ hội làng Cầu Bây.

Đội múa cờ

Những năm lễ tế thánh, dâng hương diễn ra ở sân đình có thêm nghi thức múa cờ diễn ra trước khi tế nam và dâng hương nữ. Đội cờ gồm 11 nữ, trong đó, 1 đội trưởng mặc áo đỏ, khăn đội đầu đỏ, quần trắng, và 10 thành viên, mặc áo vàng, khăn đội đầu vàng, quần trắng. Nghi thức diễn ra theo tiếng trống và nhạc của phường bát âm.

Chạy ngựa

Nghi thức này thường được diễn ra vào sáng ngày 11-2 âm lịch. Mở đầu đường chạy là ông tổng cờ. Ngoài ra, có khoảng 10 đến 20 trai đinh, tuổi từ 15 đến 16, xuất phát từ đình, qua quán Tam Tông (cạnh sân bay Gia Lâm ngày nay) thực hiện nghi thức cướp thẻ, được coi như giấy thông hành hay chứng nhận tham gia cuộc đua, chạy về chùa Đống Lim rồi về đình, với chiều dài khoảng 3km. Tuy nhiên ông tổng cờ phải là người trình thánh đầu tiên, vì dân làng cho rằng, nếu ông chậm chân để trai ngựa chạy về trước thì cả làng năm đó sẽ gặp xui, và ông sẽ phải nộp phạt cho làng một con lợn. Cũng vì lý do đó mà ông được bỏ một nửa quãng đường xuất phát so với trai ngựa. Tuy nhiên đến nay, hình thức này không còn được nguyên vẹn như trước. Vẫn với mục đích tái hiện cảnh thành hoàng bị giặc đuổi bắt, chạy về làng, nhưng thay vào đó, đường chạy không cố định. Hoạt động mang tính chất thể thao nhiều hơn.

Chém thủ lợn anh

Dân làng vẫn hay gọi con lợn trong nghi thức hành lễ là lợn anh. Tên gọi do mối liên quan với thành hoàng làng Ngô bên cạnh. Theo như truyền thuyết thì vị tướng Lã Lang Đường được thờ ở đình Cầu Bây có em trai là Lã Lang Đế được thờ ở đình làng Ngô. Tục chém lợn biểu hiện hèm trong lễ hội làng Cầu Bây, gọi lợn anh nhằm chỉ mối quan hệ này.

Đây là nghi thức được dân làng mong đợi nhất mỗi mùa lễ hội. Trước đây, tham gia nghi thức có 4 ông đám thuộc 4 giáp và 20 nam thanh niên. Mỗi giáp chuẩn bị một con lợn đen tuyền của gia chủ không có tang, nuôi từ năm trước, đến ngày 25 tháng chạp, các giáp bắt lợn về giao cho ông đám, ông làm chuồng mới trước cửa nhà, hàng ngày cho ăn ba bữa bằng cháo gạo, tắm rửa vệ sinh sạch sẽ. Đến ngày vào hội, lợn của giáp nào nặng nhất được thưởng. Đến 21 giờ đêm ngày 11, theo hiệu lệnh, cả 4 con lợn được thả ra, thanh niên đốt đuốc đuổi theo lợn trong tiếng hò reo của dân làng. Lợn của giáp nào được ông đám giáp đó vật ra, chém đứt đầu và một miếng mông lớn có chiếc đuôi ở giữa, mặc cho máu chảy. Ông đám đội đầu lợn và một người khác đem phần đuôi chạy về đình. Đầu và đuôi đều chưa cạo lông, mang nguyên về tế thánh. Ông đám của giáp nào tới trước, có đầu và phần đuôi lớn nhất thì được giải. Giải nhất được thưởng hai sào ruộng, được canh tác trong một năm. Những chiếc đầu lợn kèm phần đuôi của các giáp đều được bày trước ban thờ tế thánh. Trong 4 giáp, duy có giáp Nhì chỉ được cầm phần đuôi chạy về đình. Có thể, về mặt lịch sử, do giáp Nhì có muộn hơn, thành phần dân cư chủ yếu là dân ngụ cư, sống ở phía rìa làng, sát đường quốc lộ 5, nên không được sánh ngang với các giáp còn lại.


 Trước giờ thực hiện nghi thức chém lợn 

Làng phục dựng lại tục chém lợn từ năm 2009 trở lại đây, sau một thời gian dài gián đoạn, do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện kinh tế. Làng tổ chức chém lợn có phần khác trước, với 4 tổ dân phố, mỗi năm chỉ định một tổ đăng cai tổ chức, tổ đó phải chuẩn bị lợn trước, có thể nuôi như trước đây cũng có thể mua. Lợn được nhốt vào chuồng, chiều ngày 11 được rước quanh làng. Đến 19 giờ, lợn được thả ra, một cai đám thực hiện nghi thức chém lợn tượng trưng với đao gỗ, sau đó đầu và đuôi lợn được cắt rời nhanh chóng và kín đáo. Ông cai đám bê đầu lợn, người đi sau bê đuôi về trình thánh, về ý nghĩa mục đích chém lợn giữ nguyên như trước. Trò đuổi, chém lợn của làng Cầu Bây vừa mang ý nghĩa thiêng, vừa là cuộc đọ sức thi tài, mang nét đặc trưng độc đáo của riêng làng, vừa là biểu hiện của lớp văn hóa sớm gắn với cư dân nông nghiệp.

Sinh hoạt văn hóa nghệ thuật

Trong dịp lễ hội, các hoạt động sinh hoạt văn nghệ diễn ra sôi nổi, đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí, tạo nên không khí náo nhiệt, vui tươi mà vẫn không mất đi những nét đẹp truyền thống. Mỗi hình thức mang một màu sắc riêng, góp phần làm cho lễ hội làng ngày càng là một sinh hoạt cộng đồng được toàn thể dân làng trông chờ.

Trò chơi dân gian

Trong lễ hội có một số trò chơi dân gian tiêu biểu như: bắt vịt, bịt mắt đập niêu đất, thi thổi cơm… Trò chơi dân gian gắn liền với văn hóa làng – xã, biểu hiện đặc điểm của lối sống nông nghiệp lúa nước, được lưu truyền cùng các lễ hội truyền thống. Trong bối cảnh hiện nay, trò chơi dân gian vẫn có sức hấp dẫn, được cộng đồng dân làng Cầu Bây tham gia, hưởng ứng. Trong đời sống văn hóa ngày càng có nhiều biến đổi, trò chơi dân gian giữ vai trò là một phương tiện hữu hiệu để giáo dục tính tập thể, tình đoàn kết, tính cộng đồng, truyền thống văn hóa của làng Cầu Bây nói riêng và làng xã nói chung.

3. Bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội truyền thống làng Câu Bây

Trước tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, hội làng không tránh khỏi những biến đổi. Đặc biệt, với những làng ven đô mới lên phường như Cầu Bây, sự biến đổi trong đời sống văn hóa cả về nội dung lẫn hình thức càng trở nên rõ rệt hơn. Việc tổ chức lễ hội hàng năm vốn diễn ra theo nhịp sống của cư dân nông nghiệp trong một xã hội công nghiệp thực sự là một thách thức lớn trong việc bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của làng. Để lễ hội vẫn tồn tại, khơi dậy những giá trị văn hóa truyền thống trong tâm thức dân làng, giữ được bản sắc vốn có, cần phải có sự nỗ lực của các cấp chính quyền, tình yêu quê hương của mỗi người dân.

Trong xã hội hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường, con người ngày càng hiện đại và văn minh hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không có nhu cầu về tâm linh và tinh thần cộng cảm thông qua các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Khi con người còn giữ lòng thành kính với những giá trị thiêng liêng của làng, và còn muốn gắn kết với nhau thì khi đó lễ hội vẫn tiếp tục tồn tại, phát triển.

Trước yêu cầu về bảo tồn lễ hội truyền thống làng Cầu Bây, chúng tôi có đưa ra một số khuyến nghị. Trước hết, cần bảo tồn không gian chính diễn ra lễ hội – đình làng, cùng các thiết chế văn hóa khác của làng. Cần cố định đường chạy đối với nghi thức chạy ngựa, giữ trật tự và an toàn khi tiến hành nghi thức chém lợn. Hơn hết, cần phải bồi dưỡng cho cán bộ văn hóa về văn hóa dân gian, văn hóa làng, qua đó giáo dục cho lớp người trẻ những hiểu biết về những giá trị văn hóa truyền thống. Đưa các trò chơi dân gian phù hợp vào lễ hội, đồng thời gắn kết lễ hội làng Cầu Bây với du lịch văn hóa.

________________

1. Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội, Hồ sơ di tích đình Thạch Cầu Bây, Hà Nội, 2007.

 

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 378, tháng 12-2015

Tác giả : NGUYỄN THỊ VÂN ANH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *