Văn hóa và lối sống thanh niên ngoại thành hà nội

Về căn bản, khu vực ngoại thành Hà Nội hiện nay vẫn là một khu với đa số dân cư là nông dân, dựa vào nông nghiệp hoặc các ngành kinh tế có liên quan đến nông nghiệp. Điều này cũng đúng với tầng lớp thanh niên, cho dù tỷ lệ tham gia làm nông nghiệp của nhóm này ở nông thôn ngoại thành Hà Nội còn rất nhỏ. Đây là một nhận thức rất quan trọng khi chúng ta nghiên cứu về văn hóa và lối sống của thanh niên nông thôn ngoại thành Hà Nội.

         Trong giai đoạn hiện nay, dù đặt trong bối cảnh của quá trình hiện đại hóa, của kỷ nguyên văn minh trí tuệ và toàn cầu hóa, thì khu vực ngoại thành Hà Nội vẫn dựa trên tảng nền nông nghiệp – nông thôn – nông dân. Thanh niên là một bộ phận hữu cơ của cộng đồng dân tộc; vì vậy, văn hóa và lối sống của thanh niên cũng là bộ phận hữu cơ của văn hóa và lối sống của cộng đồng dân tộc. Điều đó cũng có nghĩa, văn hóa và lối sống của thanh niên ở đây mang những đặc trưng cơ bản của văn hóa, lối sống nông nghiệp – nông thôn – nông dân.

         Văn hóa và lối sống nông nghiệp – nông thôn – nông dân không chỉ là đặc trưng của đa số thanh niên Hà Nội hiện đang sống ở khu vực nông thôn, mà còn có ảnh hưởng không nhỏ tới bộ phận cư dân và thanh niên hiện đang sinh sống tại khu vực thành thị Hà Nội. Đây là kết quả của quá trình tương tác hai chiều giữa văn hóa, lối sống của nông thôn với thành thị. Từ thập niên cuối TK XX cho đến nay, quá trình đô thị hóa nhanh và mạnh của Hà Nội đã khiến cho một bộ phận ngày càng lớn cư dân nông thôn trở thành cư dân thành thị. Song, vấn đề là ở chỗ, họ không có đủ thời gian, các điều kiện khác để chuẩn bị cho sự chuyển hóa về văn hóa và lối sống. Chính vì vậy, cho dù họ đã trở thành thị dân nhưng trên thực tế, xét về phương diện văn hóa và lối sống, họ vẫn là cư dân nông thôn. Tiếp nữa là tác động của quá trình di dân theo hướng chủ đạo từ nông thôn vào thành thị, trong đó hầu hết là thanh niên. Họ đến thành thị với mục đích chủ yếu là để học tập, tìm kiếm cơ hội việc làm. Dù là học hành hay làm việc thì những làn sóng người từ nông thôn liên tục tràn vào thành thị cũng mang theo cả những giá trị, những thế ứng xử, thói quen và nếp sống nông dân, đó là một tất yếu khách quan. Kết quả là văn hóa, lối sống thành thị không thể không trải qua một quá trình tiếp biến với sự tiếp nhận những thành tố văn hóa và lối sống từ nông thôn.

         Tuy nhiên, không phải chỉ một chiều tác động của nông thôn với thành thị, mà ngược lại, ảnh hưởng của thành thị đến với nông thôn cũng hết sức lớn. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và toàn cầu hóa tăng tốc như hiện nay, nền văn minh thành thị cùng với các giá trị văn hóa, lối sống đặc trưng của thành thị đang tác động mạnh mẽ vào đời sống cư dân nông thôn, làm biến đổi nhanh chóng, toàn diện, sâu sắc toàn bộ đời sống xã hội nông thôn, đặc biệt là văn hóa, lối sống của thanh niên. Nhận xét này hoàn toàn đúng với thanh niên nông thôn ngoại thành Hà Nội. Qua khảo sát địa bàn một số huyện như Đông Anh, Gia Lâm, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì, chúng tôi nhận thấy: đây là một quá trình tương tác liên tục, biện chứng, một quá trình tiếp biến văn hóa, lối sống diễn ra song hành thông qua quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa và toàn cầu hóa. Trong đó, cả hai nhóm cư dân, nông thôn và thành thị – với tính cách cá nhân và cộng đồng – đều là những chủ thể văn hóa tích cực. Do vậy, cường độ và phạm vi tương tác văn hóa, lối sống diễn ra sẽ không đồng đều giữa các nhóm dân cư nông thôn cư trú tại những địa bàn khác nhau, do sự khác biệt về nghề nghiệp, tuổi tác, giới tính… qui định. Cụ thể là, đối với những khu vực nông thôn đang diễn ra quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa nhanh như Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức… thì rõ ràng là tương tác văn hóa, lối sống sẽ diễn ra sôi động, mạnh mẽ và gấp gáp hơn. Trong khi đó, những khu vực xa Hà Nội hơn như Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Thanh Oai… thì chắc chắn những tương tác này diễn ra ở những phạm vi, mức độ hạn chế hơn.

         Những tương tác giữa 2 khu vực thành thị và nông thôn này đem lại cả những hệ quả tích cực, tiêu cực. Bên cạnh sự du nhập những giá trị, những thế ứng xử và lối sống hiện đại, lành mạnh theo xu thế tích cực, đồng thời cũng có cả một số giá trị, thế ứng xử và lối sống không lành mạnh theo xu hướng tiêu cực. Hai xu hướng lối sống tích cực, tiêu cực này đã và đang bộc lộ ngày cãng rõ nét ở cả khu vực nông thôn và thành thị. Vì vậy, trong những nghiên cứu về xu hướng biến đổi văn hóa, lối sống của thanh niên nông thôn hiện nay cần phải làm rõ cả hai mặt, hai xu hướng lối sống nói trên.

         Hơn nữa, trong giai đoạn hiện nay, quá trình tương tác, tiếp biến văn hóa, lối sống giữa thành thị và nông thôn diễn ra trong bối cảnh của sự bùng nổ công nghệ thông tin và toàn cầu hóa ngày một gia tăng. Đây chính là cái làm nên sự khác biệt lớn của quá trình này so với một vài thập kỷ trước. Nhờ sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đặc biệt là việc xử dụng ngày càng phổ biến hơn các phương tiện truyền thông hiện đại như truyền hình, internet,… mà ngay ở cả các nhóm và cộng đồng dân cư, nhất là thanh niên, ở những vùng nông thôn xa trung tâm thành thị, dù chưa chịu tác động của quá trình đô thị hóa, vẫn có thể chịu tác động ở mức độ nhất định những giá trị văn hóa, những mô thức ứng xử, ngôn ngữ, lối sống thành thị hiện đại, thậm chí có nguồn gốc từ nước ngoài.


 Thanh niên ngoại thành gói bánh chưng cùng người nghèo ăn tết. Ảnh Tất Dương 

         Ở một khía cạnh khác, trong quá trình tương tác giữa các yếu tố hiện đại với truyền thống, dân tộc với thời đại, thành thị với nông thôn…, thì ở nông thôn ngoại thành Hà Nội trong khoảng chục năm trở lại đây là sự phục hồi mạnh mẽ của lễ hội truyền thống, các tập tục, thói quen, thế ứng xử của các cộng đồng làng xã trước đây. Hơn nữa, dường như quá trình phục hồi này lại diễn ra ở các vùng nông thôn đô thị hóa nhanh thì sôi nổi, mạnh mẽ hơn. Hiện nay, người dân xã Cổ Loa, Đông Anh vẫn nói một cách mộc mạc, chân thành: Chết thì bỏ con bỏ cháu/ Sống không bỏ mồng sáu tháng ba – tức ngày kỷ niệm An Dương Vương lên ngôi vua, cách đây hơn 2000 năm. Hàng năm, lễ hội Cổ Loa được diễn ra cùng với phần tế, lễ uy nghi của hội đồng bát xã Loa Thành diễn ra tại hoàng cung đền Thượng vào ngày mồng 5 và ngày mồng 6 tháng giêng là chính hội. Trong ngày này rất nhiều các trò chơi dân gian và truyền thống được duy trì khôi phục như: hát tuồng cổ, hát chèo, múa rối nước, hát quan họ thuyền rồng, đu tiên, ném còn, bắn nỏ, lễ hội kén rể, vật dân tộc, thi đấu cờ tướng, chọi gà, kéo lửa thổi cơm,… Với những huyện nông thôn ngoại thành có tốc độ đô thị hóa mạnh khác trên địa bàn thành phố Hà Nội như Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Thường Tín, Đan Phượng, tình hình cũng diễn ra tương tự. Có thể thấy, dường như sự phục hồi của lễ hội và những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng truyền thống đang tỷ lệ thuận với những bước tiến của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

         Một vấn đề khác là trong lĩnh vực văn hóa, lối sống ở nông thôn ngoại thành Hà Nội hiện nay, thanh niên chính là nhóm dân cư – do đặc điểm nhạy cảm văn hóa cao của mình, bộc lộ rõ nhất tất cả các khía cạnh trên. Thanh niên không chỉ được xem là đối tượng chịu tác động chủ yếu của quá trình tương tác, tiếp biến văn minh, văn hóa của lối sống giữa khu vực thành thị và nông thôn trong bối cảnh hiện đại hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa gia tăng mà họ chính là một trong những nhân tố tham gia tích cực, chủ động vào quá trình đó.

         Như vậy, đồng thời với quá trình đô thị hóa Hà Nội, ranh giới văn hóa giữa nông thôn và thành thị đang thu hẹp dần khoảng cách. Cùng với quá trình tương tác, tiếp biến hai chiều giữa thành thị – nông thôn và ngược lại, là sự hình thành của nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa mới tại khu vực nông thôn. Điều đó khiến cho lối sống của người dân nông thôn, đặc biệt là tầng lớp thanh niên bị đô thị hóa rất nhiều. Nhìn chung, thanh niên nông thôn ngoại thành Hà Nội hiện nay vẫn có nhu cầu rất lớn trong việc gắn kết các giá trị văn hóa cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống làng xã, phát triển các hoạt động tâm linh như tham gia các hoạt động lễ hội, thờ cúng; tôn trọng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp như trọng đạo lý, đề cao gia đình,… Song, bên cạnh đó, họ cũng chủ động tiếp nhận những giá trị văn hóa mới, có nhu cầu hưởng thụ và tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa trẻ trung, sôi động, phù hợp với xã hội hiện đại. Chẳng hạn, loại hình giải trí trên internet vốn xa lạ với thanh niên nông thôn trong thập niên cuối TK XX, nhưng đến nay đã trở thành một xu hướng khá phổ biến ở hầu khắp các huyện nông thôn ngoại thành Hà Nội. Đồng thời với việc yêu thích, thưởng thức các bài hát truyền thống, các làn điệu dân ca vốn gần gũi với đời sống nơi làng quê, thanh niên nông thôn ngày nay còn quan tâm đến cả các loại âm nhạc mới được du nhập từ phương Tây sang (vốn chỉ thịnh hành ở các đô thị, thành phố trước đây) như rock, rap, hiphop, pop… Cùng với việc tham gia các lễ hội truyền thống vốn tồn tại hàng ngàn năm nay ở nông thôn, họ còn biết đến các hoạt động rất mới như noel, festival, valentine…

         Như vậy, thanh niên bao giờ cũng là đối tượng nhạy cảm nhất với những cái mới, bởi họ đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách, luôn có nhu cầu khẳng định bản sắc riêng của mình. Do vậy mà họ chịu ảnh hưởng nhiều nhất của những yếu tố văn minh, văn hóa mới từ bên ngoài vào nông thôn. Hơn nữa, họ còn chủ động tiếp nhận những yếu tố đó để làm mới bản thân mình, khẳng định mình. Dĩ nhiên, trong quá trình tương tác, tiếp biến đó, luôn bao hàm cả yếu tố tích cực và tiêu cực. Họ chính là bộ phận có khả năng chiếm lĩnh nhiều nhất những cơ hội, những tri thức, kỹ năng, phương tiện mới; điều kiện học tập và cơ hội việc làm, cũng như những phương tiện hiện đại nhất hỗ trợ cho việc hội nhập với xã hội hiện đại, luôn biến đổi. Đồng thời, họ cũng tiếp nhận cả những tệ nạn và thói hư tật xấu mới, những biểu hiện của lối sống thực dụng, vị kỷ, buông thả, lối hành xử bạo lực.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 378, tháng 12-2015

Tác giả : LƯU KHƯƠNG HOA

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *