Các biểu tượng tôn thờ mặt trăng trong lễ hội chọi trâu đồ sơn

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một trong những lễ hội truyền thống của người Việt được tiến hành hàng năm vào ngày 9 – 8 âm lịch tại Đồ Sơn, Hải Phòng. Đây là lễ hội của những người dân sinh sống ở vùng ven biển, nhằm thể hiện tinh thần thượng võ nhưng đồng thời cũng thể hiện một ý nghĩa khác mà ngày nay không còn được thấy một cách trực tiếp và rõ ràng, đó là việc tôn thờ mặt trăng của cư dân nông nghiệp. Việc tôn thờ mặt trăng được thể hiện qua ba biểu tượng trong lễ hội này là sừng trâu, khoáy trâu và chọi trâu.


Biểu tượng đầu tiên là hình ảnh sừng trâu, sừng trâu cong lên giống hình một cái lưỡi liềm, đây là biểu tượng của vầng trăng khuyết, bởi vì trong một tháng trăng chỉ tròn một, hai ngày (15, 16 âm lịch) còn lại các ngày khác trong tháng trăng bị khuyết và ấn tượng của người dân về mặt trăng thường là trăng khuyết nhiều hơn trăng tròn.

Biểu tượng sừng trâu được cư dân lúa nước xưa quan niệm là phương tiện để truyền dẫn linh hồn con người lên gặp mặt trăng, vì người nguyên thủy xưa coi mặt trăng như một vị thần huyền bí trên bầu trời. Linh hồn con người, vốn vô hình, được quan niệm là mang tính âm, ngược với thể xác con người là hữu hình, được quan niệm là mang tính dương. Mặt trăng cũng được coi là mang tính âm, ngược với mặt trời được coi là mang tính dương trong quan niệm của những người nguyên thủy. Chính vì thế mà lịch dựa trên vòng quay của mặt trăng được gọi là âm lịch, còn lịch tính theo mặt trời gọi là dương lịch. Sừng trâu có nhiệm vụ đưa linh hồn con người lên gặp mặt trăng để mặt trăng truyền cho con người sức mạnh vô hình. Sức mạnh này giúp che chở, bảo vệ cho người dân trong đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp hàng ngày. Niềm tin này bắt nguồn từ suy nghĩ trực quan có tính liên tưởng phi logic của người nguyên thủy là vật gì có hình dáng, tính chất giống với mặt trăng sẽ được coi là biểu hiện cho mặt trăng. Đây là một kiểu tư duy ma thuật cổ xưa, là đặc trưng của cơ chế sáng tạo nên các biểu tượng trong các nền văn hóa.

Đặc điểm của tư duy ma thuật là sự liên kết giữa hai vật hay hai sự kiện vốn không có liên hệ với nhau vào trong một mối quan hệ nhân quả. Tư duy ma thuật thể hiện một đặc điểm quan trọng của suy nghĩ tương tự, tức là một cái gì giống với một cái khác có thể được dùng để thay thế cho cái khác đó. Do vậy một vật nào giống với mặt trăng có thể được thay thế cho mặt trăng. Trên cơ sở tư duy ma thuật này mà người dân chọn sừng trâu làm vật thay thế tượng trưng cho mặt trăng, vì sừng trâu có hình dáng giống với vầng trăng bị khuyết. Con trâu được chọn bởi vì nó là một con vật rất thân thiết, gần gũi và quan trọng trong đời sống hàng ngày của con người, đặc biệt là trong đời sống nông nghiệp và cũng bởi vì trâu sống được cả dưới nước, biểu tượng cho tính âm, ngược với đất, biểu tượng cho tính dương trong tính lưỡng phân đất và nước của người nguyên thủy. Do đó sừng trâu được coi là một biểu tượng thay thế thực sự cho mặt trăng, giúp đưa linh hồn con người lên gặp mặt trăng. Việc đưa linh hồn này, trong quan niệm của những người nguyên thủy, có mục đích giúp con người tiếp nhận được nguồn sức mạnh vô hình từ mặt trăng, do quan niệm của họ là linh hồn con người có thể thoát khỏi thể xác và bay đến các thiên thể xa xôi ngoài trái đất. Mặt trăng được người xưa chọn để tôn thờ, bởi tầm quan trọng to lớn của mặt trăng đối với bản thân cũng như trong đời sống của họ. Mặt trăng là thiên thể cung cấp ánh sáng vào buổi tối cho trái đất, cho con người và lực hút rất mạnh từ mặt trăng tạo ra hiện tượng thủy triều trên sông, biển, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như hoạt động ngư nghiệp, thương mại và di cư trên biển của người dân. Mặt trăng cũng có tác động lớn đến bản thân con người, vì gần 70% cơ thể con người được cấu thành từ nước. Vì vậy vào ngày trăng tròn, nhiều bệnh phát tác mạnh như phong, tim mạch…

Nhưng sự tôn thờ này còn xuất phát từ một nguồn gốc khác, giống như mọi sự tôn thờ khác, đó chính là nỗi sợ của con người trước các thế lực siêu nhiên. Nỗi sợ ở đây là sợ ảnh hưởng xấu của mặt trăng đối với con người, như làm cho mùa màng thất bát, tàu thuyền tan vỡ khi ra khơi do sự lên xuống của thủy triều, hay thậm chí sợ hiện tượng nguyệt thực, khi mặt trăng biến mất một phần hay hoàn toàn mà người nguyên thủy xa xưa không hiểu nguyên nhân vì sao, vì không hiểu nên càng sợ. Nhưng không chỉ có nỗi sợ do mặt trăng mang lại, còn rất nhiều những nỗi sợ khác như sợ thiên tai, thú dữ hay dịch bệnh là những khó khăn, trở ngại rất lớn mà người nguyên thủy phải đối mặt và vượt qua. Người nguyên thủy không hiểu và không biết làm cách nào để vượt qua những nỗi sợ này, ngoài việc tạo dựng, trao gửi niềm tin vào sức mạnh thần thánh nói chung và mặt trăng nói riêng để vượt qua những sợ hãi đó. Do vậy, họ đã biến mặt trăng thành một vị thần để tôn thờ, vừa để làm giảm những nỗi sợ phi lý, vừa để cầu mong sự che chở và phù trợ cho mình trong cuộc sống. Ngày nay, yếu tố tôn thờ đó đã không còn trong tâm thức của những người dự lễ hội chọi trâu, mà nhường chỗ cho những ý nghĩa khác, nhưng dẫu sao dấu vết của nó vẫn còn lưu lại trong lễ hội này qua hình ảnh sừng trâu, biểu tượng mặt trăng của người nguyên thủy.

Biểu tượng thứ hai là những khoáy trâu, xoáy tròn ở trên trán, trên vai và trên mông con trâu có gì đó khiến liên tưởng tới các hiện tượng tự nhiên như chớp giật, sấm sét, gió, mưa… trên bầu trời. Trong quan niệm của người nguyên thủy thì những hiện tượng tự nhiên như sấm, chớp, sét, gió, mưa, mây… là sức mạnh siêu nhiên thần bí mang năng lượng tàn phá và gây ra nỗi sợ hãi vô cùng cho con người nên cũng cần phải được tôn thờ vì con người nói chung và con người thời sơ khai thường thần thánh hóa các hiện tượng siêu nhiên thần bí mà họ không hiểu và không chế ngự được. Đó là cơ sở của những thần thoại về thần mây, mưa, gió, sấm… trong hệ thống thần thoại cổ của người Việt. Ví dụ, chùa Dâu (Bắc Ninh) hiện nay vẫn có các tượng thờ thần Pháp Lôi (thần sấm), Pháp Vũ (thần mưa), Pháp Vân (thần mây), Pháp Điện (thần chớp).

Nhưng trong lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn thì những khoáy trâu như vậy không phải để tôn thờ các vị thần trên mà là để bổ sung cho quá trình tôn thờ mặt trăng. Trong tâm thức của cư dân nông nghiệp lúa nước, mặt trăng không phải lúc nào cũng xuất hiện đơn lẻ mà thường đi kèm với những hiện tượng tự nhiên khác như mây, mưa, gió, sấm, chớp… vì mặt trăng thường hiện diện trên bầu trời cùng lúc với những hiện tượng này, đặc biệt là vào buổi chiều tối. Do đó, thần mặt trăng ở vị trí cao hơn các thần mây, mưa, gió, sấm… trong thần thoại của nhiều quốc gia. Việt Nam chỉ có thần mặt trăng mà không có các thần mây, mưa, gió, sấm… Nguyên nhân của sự khác biệt này là bên cạnh những tác động về ánh sáng và thủy triều của mặt trăng lên trái đất, bản thân mặt trăng còn là một thiên thể kỳ vĩ, xa xôi trong vũ trụ ở cách xa trái đất khoảng gần 400.000 km, con người không thể đạt tới. Còn mây, mưa, gió, sấm, chớp… chỉ là những hiện tượng tự nhiên đơn giản gần gũi hơn mà con người có thể nhìn, sờ và nghe thấy được. Sự tôn thờ mặt trăng của người nguyên thủy thuở sơ khai mạnh hơn nhiều sự tôn thờ các hiện tượng tự nhiên. Ngày nay, sự tôn thờ các hiện tượng tự nhiên có thể giảm bớt, biến mất do sự phát triển của khoa học đã giúp con người hiểu được bản chất các hiện tượng đó, khiến họ không còn sợ hãi nữa, việc tôn thờ mặt trăng vẫn còn để lại dấu ấn đậm nét trong nhiều lễ hội dân gian hay các hoạt động văn hóa tín ngưỡng. Suy nghĩ này dựa trên việc con người thường có xu hướng tôn thờ vật thể hơn là những gì không phải là vật thể. Mây, mưa, gió, sấm, chớp… không phải là vật thể mà chỉ là những hiện tượng hay vật thể thoáng qua trên bầu trời, khác với mặt trăng, mặt trời hay các hành tinh khác hiện diện hàng ngày và vĩnh cửu trong vũ trụ. Do vậy mặt trăng được tôn thờ nhiều hơn, trở thành biểu tượng và ảnh hưởng nhiều hơn các hiện tượng tự nhiên khác. Lá cờ có hình vành trăng khuyết của nhiều quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Malaysia, Singapore… là biểu hiện rõ nét của điều này.


 Chọi trâu ở Đồ Sơn. Ảnh Ánh Nam 

Trong lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, những khoáy trâu xoáy tròn tượng hình cho bầu trời, sấm sét, mưa giông… chỉ để tô điểm, phụ họa thêm cho nghi thức tôn thờ mặt trăng. Đây cũng là một cách suy nghĩ phổ biến trong tín ngưỡng vạn vật hữu linh của người Việt cổ, không chỉ trong việc tôn thờ mặt trăng mà còn trong nhiều hình thức tôn thờ khác nhằm tạo tính linh thiêng, huyền bí cho đối tượng được tôn thờ. Bởi lẽ, một đối tượng được tôn thờ càng trở nên linh thiêng, thần bí hơn nếu xung quanh nó càng có nhiều đối tượng khác phụ thuộc hoặc có liên hệ với nó và cũng kỳ bí, khó hiểu như nó. Những khoáy trên thân trâu này còn làm cho mặt trăng không xuất hiện đơn lẻ, độc lập mà được bao quanh bởi những gì được cho là thấp hơn nhưng có mối liên hệ như mây, mưa, gió, sấm, chớp… tức là những hiện tượng tự nhiên khác xảy ra trên bầu trời hay thậm chí là chính cả bầu trời. Suy nghĩ liên tưởng này bắt nguồn từ tư duy ma thuật của người nguyên thủy. Biểu tượng các khoáy trâu làm liên tưởng tới các hiện tượng tự nhiên sẽ càng tôn thêm vẻ thần bí, huyền ảo, linh thiêng của mặt trăng làm cho mặt trăng vốn xa cách con người càng trở nên siêu nhiên và thần thánh. Biểu tượng các khoáy trâu tuy chỉ là những yếu tố phụ, mang tính bổ sung cho biểu tượng sừng trâu hình trăng khuyết nhưng không thể thiếu được vì chúng sẽ khiến mọi người liên tưởng nhiều hơn tới lễ hội chọi trâu và tới hình ảnh mặt trăng. Nếu chỉ có biểu tượng sừng trâu hình trăng khuyết thì một người xem bình thường khó liên tưởng được tới mặt trăng, nhưng những khoáy trâu mô tả các hiện tượng tự nhiên như mây, mưa, gió, sấm… khiến người bình thường cũng dễ dàng liên tưởng tới mặt trăng, vì nó mô tả bầu trời là nơi mặt trăng xuất hiện với những hiện tượng tự nhiên xảy ra trên bầu trời giống như mặt trăng cũng là một hiện tượng, một đối tượng tự nhiên trên bầu trời. Biểu tượng các khoáy trâu tượng hình các hiện tượng tự nhiên này chính là những biểu tượng phụ trợ, bổ sung cho biểu tượng chính là sừng trâu hình trăng khuyết và làm nổi bật lên không chỉ là hình ảnh mặt trăng mà rộng hơn là tự nhiên, bầu trời, vũ trụ. Qua đó, làm nổi bật sự tôn thờ mặt trăng trong tự nhiên, trong bầu trời. Đó chính là ý nghĩa sâu xa của biểu tượng các khoáy trâu mang hình của những hiện tượng tự nhiên trên thân trâu theo tâm thức của cư dân nông nghiệp lúa nước Việt cổ.

Biểu tượng thứ ba là lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, chọi trâu ở đây không đơn thuần chỉ là một trò vui chơi dân gian thông thường, mang lại niềm vui cho mọi người giống như trong nhiều lễ hội khác, mà nó có một ý nghĩa sâu xa. Ấn tượng mạnh nhất của người dân ven biển về mặt trăng là hiện tượng thủy triều: những ngày thủy triều xuống thấp nhất là những ngày trăng mới mọc đầu tháng và lặn cuối tháng; những ngày thủy triều lên cao nhất là những ngày trăng tròn giữa tháng và thời gian giữa hai đợt thủy triều này là khoảng 15 ngày, họ gọi đó là một con nước. Một tháng có hai con nước, một con nước lên và một con nước xuống, họ căn cứ vào đó để tính toán việc ra khơi đánh bắt cá hoặc cho thuyền khởi hành đi xa buôn bán. Để thể hiện sự tôn kính mặt trăng, cần phải làm sao thể hiện lại được biểu tượng hai con nước lên xuống theo chu kỳ hoạt động của mặt trăng. Trong lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, lúc trâu tiến giống với lúc con nước lên, lúc trâu lùi giống với lúc con nước xuống. Sự dữ dội của những trâu đang chọi nhau, trong đó những trâu bị thương, chảy máu hay bỏ chạy giống với sự dữ dội của những con nước lúc lên, lúc xuống. Tư duy liên tưởng trực quan của người xưa được thể hiện rõ ràng ở đây, sử dụng hình ảnh hai trâu chọi nhau để biểu tượng cho hai con nước lên xuống và xa hơn là biểu tượng cho hiện tượng thủy triều do mặt trăng gây ra. Vì vậy, có thể coi chọi trâu là một biểu tượng gián tiếp thể hiện sự tôn thờ mặt trăng của cư dân nông nghiệp ven biển Đồ Sơn. Qua chọi trâu, người dân muốn diễn lại sức mạnh của mặt trăng đối với trái đất và con người thể hiện qua các đợt thủy triều hay con nước.

Nguồn gốc của việc biểu tượng hóa thủy triều hay con nước bắt nguồn từ hai yếu tố: thứ nhất là nỗi lo lắng những đợt thủy triều lên xuống mạnh mẽ của con người; thứ hai là việc lợi dụng những đợt thủy triều để phục vụ cho các hoạt động đi biển để đánh bắt cá, buôn bán hoặc để di cư tới những nơi khác. Việc diễn tả lại những con nước lên xuống này một mặt làm giảm bớt nỗi lo lắng, mặt khác cầu mong sự phù trợ từ mặt trăng, nguồn gốc của hiện tượng thủy triều và những con nước. Coi hai con nước là hai con trâu, hoạt động lên xuống của chúng giống một cuộc đấu trâu là một cách biểu tượng hóa dựa trên tư duy liên kết và nhằm một mục đích là tôn thờ mặt trăng. Chọi trâu chính là biểu tượng thứ ba của việc tôn thờ mặt trăng bên cạnh hai biểu tượng sừng trâu và khoáy trâu. Chọi trâu diễn lại, mô tả lại, biểu tượng lại hình ảnh của thủy triều hay con nước là một hiện tượng tự nhiên thể hiện sức mạnh của mặt trăng, qua đó gián tiếp bày tỏ niềm tôn kính, tôn thờ mặt trăng của người dân.

Trên đây là ba biểu tượng thể hiện sự tôn thờ mặt trăng của người dân trong lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Ba biểu tượng này cho chúng ta thấy lễ hội chọi trâu Đồ Sơn không phải là một lễ hội bình thường giống với các lễ hội khác, mà đúng hơn là một lễ hội tôn thờ mặt trăng của những cư dân ven biển Đồ Sơn với nghề ra khơi đánh bắt và buôn bán trên biển, tức là hoạt động ngư nghiệp và thương mại nhiều hơn là nông nghiệp. Tôn thờ mặt trăng thể hiện ý nghĩa sâu xa và cũng là mục tiêu chính của lễ hội này lúc khởi thủy nhưng trải qua quá trình lịch sử lâu dài, với sự biến thiên của xã hội, sự che phủ của thời gian, ý nghĩa này đã dần bị nhòa đi, bị xóa mờ đi và thay vào đó là những ý nghĩa khác như tinh thần thượng võ, vai trò tập hợp mọi người, sự giao lưu giữa các làng xã vùng ven biển Đồ Sơn… Dẫu vậy, bằng việc nghiên cứu ba biểu tượng trên, vẫn có thể phục hồi lại được ý nghĩa nguyên thủy của nó: sự tôn thờ mặt trăng của các cư dân nông nghiệp ven biển Đồ Sơn.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016

Tác giả : BÙI LƯU PHI KHANH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *