Biến đổi hình thức đánh bắt hải sản của ngư dân xã đảo nghi sơn

Nghi Sơn là xã nằm toàn bộ trên hòn đảo phía Đông Nam huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Người dân nơi đây có truyền thống đi biển lâu đời, với các hình thức đánh bắt đa dạng. Nó không chỉ là phương thức mưu sinh mà còn chứa đựng các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng ngư dân đối với các hoạt động tổ chức đánh bắt, phân chia, tiêu thụ sản phẩm. Theo thời gian, các hình thức truyền thống mang nặng tính thủ công, có hiệu quả đánh bắt không cao dần dần được thay thế bằng các hình thức đánh bắt mới, vươn khơi với năng suất cao, nhân công lao động ít như câu vàng, mành chụp…


1. Các hình thức đánh bắt hải sản truyền thống

Giai đoạn 1954 – 1958

Nghề te được ngư dân Nghi Sơn sử dụng khai thác hải sản từ lâu đời. Te là ngư cụ đánh bắt chủ động dùng để khai thác hải sản ven bờ, nơi có độ sâu thấp. Te được làm bằng lưới có hình dạng giống như cái túi, miệng lưới được căng bằng hai sào tre vắt chéo nhau, đầu sào gắn guốc để dễ trượt trên nền đáy. Hình dáng kích thước của te tùy thuộc địa hình, độ sâu của bãi, đối tượng khai thác, tập quán ngư dân của từng vùng. Miệng te thường rộng từ 1,5 – 2,5m. Khi khai thác, ngư dân đẩy te về phía trước (te được gắn ở mũi thuyền), nhấc lên đều đặn để thu gom tôm cá. Nghề te cho năng suất, sản lượng thấp, sản vật thu được có kích thước nhỏ. Trước đây, ngư dân làm nghề te chủ yếu đánh bắt ở ven bờ, các loại hải sản như: moi, cá cò, cá trích, cá cơm… Thuyền đánh bắt làm bằng gỗ, chèo tay, trên thuyền có 5 – 6 lao động, trong đó 2 người đánh te, 4 người cầm chèo.

Nghề lưới rút là một nghề đánh bắt truyền thống của bà con ngư dân xã đảo Nghi Sơn. Ngư trường đánh bắt truyền thống là khu vực ven bờ và trong lộng. Lưới rút được làm bằng chất liệu từ cây tơ hoặc cây gai. Chiều rộng lưới từ 20 – 25m, chiều dài khoảng 35m. Trước đây, vì đánh bắt thủ công, sử dụng sức người là chính nên một thuyền cần khoảng 7 – 12 lao động, những thuyền lớn số lao động lên đến 15 thành viên. Ngoài 1 thành viên neo thuyền, các thành viên còn lại đều được huy động vào việc thả, kéo lưới lên để thu gom thành phẩm. Mỗi lần thả lưới khoảng 1 – 2 tiếng, tất cả các thành viên cùng chung sức để kéo lưới lên. Bà con ngư dân làm nghề cho biết, thời gian đánh bắt từ tháng 3 – 7 hàng năm, chủ yếu là cá đốm, cá trích, cá cò, cá chỉ.

Về phân công lao động, các công việc trong nghề te, lưới rút được phân chia cho các thành viên trong gia đình: chồng, con trai lớn tham gia đánh bắt trên biển; vợ, con gái, con trai nhỏ làm những việc nhẹ nhàng hơn như đan, vá lưới. Con trai đến khoảng tuổi 15 – 16 đã cùng bố mẹ làm những công việc nặng nhọc hơn. Cách phân công lao động cho các thành viên trong gia đình thể hiện vai trò quan trọng của người đàn ông, họ đảm nhận những việc nặng nhọc nên có tiếng nói quyết định trong công việc, cuộc sống gia đình.

Tiêu thụ sản phẩm, đánh bắt được tôm cá, ngư dân bán cho các chân buôn. Những người này cấp tiền cho ngư dân sắm sửa đồ nghề và bán các nhu yếu phẩm cần thiết cho ngư dân. Khi thu hoạch cá, ngư dân phải bán cho họ. Mỗi gia đình thường có 2, 3 chân buôn, thỏa thuận và thống nhất về giá cả, hầu như không có tranh chấp.

Nhìn chung, trước năm 1955 ngư dân chủ yếu đánh bắt bằng các hình thức thủ công, nhỏ lẻ với quy mô gia đình, công cụ đơn giản.

Giai đoạn 1954 – 1986

Từ cuối năm 1958, thực hiện Chỉ thị số 12 CT/TW về hợp tác hóa nghề cá của Đảng và Nhà nước, ngư dân được đưa vào làm ăn tập thể trong Hợp tác xã (HTX) đánh cá. Lúc này, Nghi Sơn có 3 HTX là Sơn Hải, Thành Công, Bắc Sơn. Ngư dân từ chỗ tự mình khai thác nguồn lợi hải sản, đến đây trở thành các tổ viên của HTX, được Sở Thủy sản cử cán bộ về trang bị thêm những kiến thức, kỹ thuật đánh bắt cá ở khu vực ven biển và ngoài khơi. Hàng ngày, xã viên ngư dân được tính công điểm, tùy thuộc công việc, khả năng của từng người. Dựa vào số ngày công trong tháng được Nhà nước trả tem phiếu để đong gạo, mua thực phẩm, đồ dùng thiết yếu theo giá bao cấp. Sản phẩm đánh bắt được bán cho trạm thu mua của Sở Thủy sản Thanh Hóa, ngư dân lấy hóa đơn chứng từ về HTX thanh toán công điểm. Chế độ bao cấp giúp ngư dân thoát khỏi cảnh chạy gạo từng bữa ngàn đời, nên cuộc sống khá ổn định.

Thuyền để đánh bắt hải sản thay đổi từ thuyền gỗ nhỏ, chèo tay, sang thuyền buồm, chạy bằng sức gió. Từ hình thức đánh bắt bằng te, lưới rút, ngư dân chủ yếu đánh bắt bằng nghề vó sáng.

Lưới vó có dạng hình chữ nhật được thả xuống nước, gần đáy biển được định hình bằng các neo ở góc lưới hoặc cạnh lưới. Tàu phát sáng, tập trung cá, sau đó sử dụng đèn gom cá, đưa cá vào khoảng giữa lưới. Sau đó, tiến hành thu các góc và cạnh lưới lên tàu. Vì là hình thức đánh bắt thủ công nên số lượng lao động của nghề tương đối lớn, từ 20 – 22 người/ thuyền. Bù lại, năng suất đánh bắt tương đối cao nên nghề vó sáng vẫn là nghề đánh bắt chính của ngư dân trong giai đoạn này.

2. Biến đổi các hình thức đánh bắt hải sản trong giai đoạn hiện nay

Từ năm 1986, Nhà nước thực hiện đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đến năm 1991 HTX đánh cá Nghi Sơn không còn phát huy tác dụng và giải thể, kinh tế tập thể nhường chỗ cho kinh tế tư nhân. Lúc này, ngư dân Nghi Sơn đã tiếp thu nhiều hình thức đánh bắt mới, dần loại bỏ các hình thức đánh bắt thuyền thống cho năng suất thấp, đòi hỏi nhiều lao động, không còn phù hợp với điều kiện ngư trường ven bờ. Trong đó, nghề câu vàng là hình thức mới, phổ biến hơn cả. Lúc đầu, phương tiện, công cụ đánh bắt còn thô sơ, công suất nhỏ, thời gian hoạt động khoảng 7 – 10 ngày, sản lượng đánh bắt còn thấp. Đến nay, với sự đầu tư của ngư dân, số lượng tàu thuyền được nâng cấp, đóng mới có công suất ngày càng lớn nên có thể khai thác ở ngư trường xa cách bờ từ 200 – 400 hải lý. Khả năng bám biển cũng dài hơn (khoảng 20 – 30 ngày). Tuy nhiên, nghề câu vàng thường gặp rủi ro, nguy hiểm luôn rình rập, bởi vậy cần phải đầu tư và nâng cấp máy tàu, vỏ tàu, cải tiến ngư cụ, sắm sửa các trang bị hiện đại như máy định vị, máy thông tin liên lạc tầm xa, rada, ICOM…, nếu gặp bất trắc sẽ có phương án ứng cứu kịp thời, để ngư dân yên tâm hơn khi đi khai thác.

Đối tượng đánh bắt chủ yếu của nghề là cá thu, cá lưỡng, cá mú…, trong đó cá thu chiếm tỷ lệ cao nhất. Cá thu khai thác từ tháng giêng đến tháng mười (mùa trăng câu được nhiều cá hơn), thời gian câu từ 16 – 22 giờ (đầu trăng). Cá mú, cá lưỡng khai thác từ tháng mười đến tháng chạp, thời gian câu hiệu quả nhất từ 5 giờ sáng đến 20 giờ đêm.

Nghề câu vàng là hình thức đánh bắt chủ yếu ở ngoài khơi xa, khai thác được quanh năm, không phụ thuộc vào tính mùa vụ. Tuy nhiên, tùy vào từng thời điểm mà hiệu quả đánh bắt cũng khác nhau. Cách tổ chức đánh bắt nghề câu vàng cũng khác so với nghề chài. Đầu tiên, ngư dân phải câu cá bé làm mồi, sau đó mắc mồi vào lưỡi câu và thả câu. Mỗi lưỡi câu thả cách nhau từ 10 – 16m. Sau 1 – 1,5 tiếng thả câu, ngư dân kéo lưỡi lên và thu gom cá.

Về tiêu thụ sản phẩm, ngoài việc bán cho các hộ làm mắm, phơi cá khô, chủ yếu sản phẩm đánh bắt của ngư dân được bán tươi cho các chủ buôn. Hiện nay, ở Nghi Sơn có 12 thương lái đứng ra thu mua hải sản, phân phối ở các địa phương khác. Ngư dân có thể bán trực tiếp cho các tàu thu mua hải sản trên biển, như vậy ngư dân có thể bám biển dài ngày hơn, không lo hải sản bị hỏng do ướp đông lâu trên tàu.

Ngoài câu vàng, nghề mành chụp cũng là một nghề có lợi thế về số lượng lao động ít, vốn đầu tư không quá lớn, năng suất đánh bắt lại rất cao. Đặc biệt, nghề này có thể đánh bắt ở cả vùng lộng và xa bờ. Lưới mành chụp chủ yếu khai thác mực, cá. Nghề lưới chụp ở Nghi Sơn chỉ hoạt động vào ban đêm, thời gian đánh bắt hiệu quả từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Do đặc trưng dùng ánh sáng, nên những lúc tối trời là điều kiện thuận lợi để ngư dân đánh bắt có hiệu quả, tối trời ngời cá. Vào những thời điểm có trăng sáng (từ ngày 13 âm lịch trở đi), tàu thuyền bắt đầu nghỉ trăng, đến ngày 18, 19 mới bắt đầu đi biển lại. Đối với phương thức này, thuyền thường có 5 – 7 người tham gia đánh bắt, có thể nhiều hơn, tùy công suất khai thác của từng tàu.

Hiện nay, mành chụp và câu vàng là hai nghề hoạt động chính ở khu vực ngoài khơi. Còn đối với khu vực gần bờ, ngư dân Nghi Sơn còn rất nhiều hình thức khai thác hải sản như nghề lưới giã, lồng bát quát, lưới ghẹ, bóng mực, câu tay… Những nghề này đều có ưu thế chung là ít lao động, vốn đầu tư không nhiều, năng suất tương đối. Mặt khác, mức độ rủi ro của các nghề này không cao. Tuy nhiên, việc tập trung quá nhiều phương tiện đánh bắt ở khu vực gần bờ, cùng với vấn đề ô nhiễm môi trường biển do tác động của khu kinh tế Nghi Sơn, đã khiến nguồn lợi hải sản nơi đây đang dần cạn kiệt. Vì vậy, chính quyền cần có những chính sách, biện pháp mạnh để giảm bớt số phương tiện khai thác gần bờ, khuyến khích các hộ ngư dân trong xã mạnh dạn đầu tư, cải tiến, đóng mới, mua sắm ngư lưới cụ để vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ vùng biển thiêng liêng của tổ quốc.

Có thể nói, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang làm thay đổi diện mạo của đất nước trên tất cả các khía cạnh từ đời sống vật chất đến tinh thần. Việc khai thác hải sản dựa trên sự phát triển của công nghệ, phương tiện, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại đã tạo ra năng suất lao động xã hội cao.

Trong cục diện của sự biến đổi đó, đối với hoạt động khai thác hải sản trên biển, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự biến đổi của các hình thức đánh bắt hải sản truyền thống sang các hình thức đánh bắt hiện đại với việc áp dụng thành quả của khoa học kỹ thuật tiên tiến vào nghề đánh bắt, và việc xuất hiện một số ngành nghề mới bên cạnh các ngành nghề truyền thống. Chính sự biến đổi này đã làm tăng năng suất khai thác, giúp cải thiện đáng kể đời sống của ngư dân vùng biển Nghi Sơn.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016

Tác giả : VŨ VĂN TUYẾN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *