Toàn cầu hóa với hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và tiếp thu các giá trị mới từ bên ngoài tưởng như hai định đề trái ngược nhau, nhưng trên thực tế là hai mặt của một thực thể thống nhất, tạo ra động năng cho sự phát triển văn hóa, xã hội. Vì lẽ đó, rất nhiều nhà khoa học đã xem toàn cầu hóa với sự duy trì bản sắc cũng như sự giao lưu tiếp biến văn hóa là đối tượng nghiên cứu. Bài viết tập trung tìm hiểu, phân tích và đánh giá những ưu điểm, hạn chế của các nghiên cứu liên quan đến vấn đề toàn cầu hóa với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.


Hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng được xem là đối tượng nghiên cứu của nhiều học giả trong và ngoài nước. Chủ đề này được nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội đề cập tới với những hướng tiếp cận khác nhau từ văn hóa học, xã hội học, quản lý văn hóa, sử học, tâm lý học… Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống là nhằm biến những giá trị tốt đẹp của sinh hoạt văn hóa trở thành một động lực thúc đẩy các hoạt động kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân góp phần thực hiện mục tiêu kinh tế, xã hội của địa phương, xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong xu thế toàn cầu hóa, sự tiếp biến và hội nhập văn hóa là một hiện tượng xã hội tất yếu. Không có một nền văn hóa nào có thể giữ nguyên trạng thái như buổi ban đầu hoặc hoàn toàn không có sự thay đổi. Jawaharlal Neru cho rằng: không có một nền văn hóa nào trên thế giới lại tuyệt đối cổ xưa, thuần khiết và không chịu ảnh hưởng bởi một nền văn hóa khác.

Biến đổi là một thuộc tính, đồng thời cũng là phương thức tồn tại của mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan. Tuy nhiên, sự tiếp nhận và biến đổi văn hóa trong quá trình toàn cầu hóa thường có hai xu hướng: sự tiếp biến hoàn toàn do nội tại của chính chủ thể và sự tiếp biến do những tác nhân từ bên ngoài. Sự tiếp biến chính là sự thay đổi về số lượng và chất lượng, về nội dung và hình thức cũng như trạng thái tồn tại, vận động của các sự vật, hiện tượng trong một không gian, thời gian nhất định.

Khi nghiên cứu về bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa, các nhà nghiên cứu đều nhấn mạnh đến thực trạng đời sống di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời chỉ ra những khó khăn, thách thức mới trong xã hội đương đại. Qua nghiên cứu về Quản lý các hình thức sinh hoạt quan họ ở Bắc Ninh trong đời sống hội hiện đại (2011), tác giả Hà Chí Cường nhấn mạnh đến thực trạng đời sống di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời chỉ ra những khó khăn, thách thức mới trong xã hội đang diễn ra quá trình toàn cầu hóa. Một số nghiên cứu đưa ra đánh giá sâu sắc về những khía cạnh lịch sử, tư tưởng, xã hội, mỹ thuật của hệ thống di sản văn hóa dân tộc. Các tác giả Trần Đình Hượu (Đến hiện đại từ truyền thống, 1995), Phan Ngọc (Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới, 1995), Trần Quốc Vượng (Văn hóa Việt Nam: tìm tòi và suy ngẫm, 2010)… đã cung cấp những đánh giá sâu sắc về giá trị của lịch sử, tư tưởng, xã hội, mỹ thuật trong hệ thống di sản văn hóa của dân tộc. Qua đó, khẳng định sự cấp thiết cần bảo tồn những giá trị này với sự chung tay của cả xã hội.

Tác giả Tô Duy Hợp (Tác động của quá trình đổi mới với các quan hệ cơ bản trong làng xã đồng bằng sông Hồng, 1998), Trịnh Duy Luân (Biến đổi tâm lý xã hội của cộng đồng dân cư đô thị dưới tác động của đô thị hóa, 2008) đặc biệt chú trọng nghiên cứu các tác động của nhiều yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội đến biến đổi văn hóa của cộng đồng dân cư. Nghiên cứu đã cho thấy, giá trị truyền thống văn hóa được khôi phục, bảo tồn như một cơ chế ứng phó của người dân trước những biến động toàn cầu hóa để tồn tại, phát triển. Trên cơ sở khảo sát thực trạng biến đổi văn hóa vật thể và phi vật thể, một số công trình đã đưa ra những biện pháp bảo tồn văn hóa truyền thống ở khu vực các làng ngoại thành hiện nay. Do hoàn cảnh sống thay đổi, sự du nhập văn hóa nước ngoài, lớp trẻ ngày càng xa dần phong tục, lối sống xưa. Một số loại hình dân ca truyền thống đang dần bị mai một. Điều này dẫn đến nguy cơ các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc dần dần ít khả năng lưu truyền sang thế hệ sau. Chính vì vậy, các nhà quản lý phải vào cuộc kịp thời để gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đó.

Dựa trên những hiểu biết về khái niệm văn hóa, tác giả Oscar Salemink đưa ra khái niệm tạo dựng nên truyền thống, với cách hiểu truyền thống và văn hóa liên tục tái tạo trong một hoàn cảnh luôn thay đổi. Nói cách khác, “không có một truyền thống ban đầu, cố định đang dần dần bị thay thế bởi một nền văn hóa toàn cầu” (1). Một số công trình nghiên cứu đã phê phán vai trò của văn hóa ngoại quốc và sự truyền bá của nó qua phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại. Nhưng theo tác giả Oscar Salemink, quá trình này dẫn đến một sự tái tạo các nền văn hóa. Thông tin đại chúng được tác giả Benedict      Anderson và Arjun Appadurai nêu bật vai trò của truyền thông, kỹ thuật thông tin hiện đại trong việc phục hồi một ý thức về bản sắc văn hóa trong các dân tộc, thậm chí đôi khi còn đưa đến chủ nghĩa quốc gia cực đoan. Lập luận này là cách tiếp cận đặt cơ sở trên một khái niệm về văn hóa, từ đó nhấn mạnh việc bảo tồn di sản không thể phủ nhận việc chú trọng ghi chép lại những hình thức văn hóa, tri thức địa phương. Tuy nhiên, việc bảo tồn như vậy không đảm bảo được di sản văn hóa sẽ được bảo tồn như một văn hóa sống. Văn hóa của một tộc người thường xuyên được tạo tác, tái tạo trong sự tương tác với môi trường luôn thay đổi. Do đó, bất cứ nỗ lực nghiêm túc nào nhằm bảo tồn, tăng cường sinh lực cho văn hóa cũng cần hướng đến các nhóm xã hội ở đó. Vì họ là các tác nhân của văn hóa. Nghĩa là ngoài việc nghiên cứu, ghi chép hình thức văn hóa và tri thức địa phương, cần nỗ lực tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự biểu hiện, thực hành văn hóa. Tác giả Oscar Salemink một lần nữa khẳng định: “Không phải chỉ văn hóa mới là chủ yếu mà chính những người sống trong văn hóa đó. Không thể nào tôn trọng văn hóa mà không tôn trọng những con người đang chuyển tải văn hóa” (2).

Trong dòng chảy của lịch sử, toàn cầu hóa như một quá trình tất yếu. Những biến đổi về xã hội, văn hóa phần nào chịu tác động của xu hướng hội nhập. Điều đó cho thấy, trong tiến trình phát triển, cần tạo nên nguồn nội lực đủ mạnh để có cơ hội phù hợp với yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa về kinh tế, quốc tế hóa và văn hóa. Toàn cầu hóa được hiểu là sự gia tăng, hội nhập kinh tế và văn hóa giữa các vùng khác nhau. Tác động này đã thúc đẩy quá trình phát triển, cùng với sự biến đổi văn hóa, kết nối toàn cầu. Theo Rober Holton, dòng chảy giao thoa văn hóa toàn cầu này sẽ dẫn đến kết quả xuất hiện những quan điểm về bảo tồn văn hóa dưới tác động của toàn cầu hóa. Một trong những khía cạnh đáng chú ý nhất của toàn cầu hóa là “sự đánh giá lại về khu vực/ địa phương, làm cơ sở cho sự tương tác xã hội và trọng tâm cho cả bản sắc chính trị, văn hóa” (3). Vì vậy, việc bảo tồn những giá trị truyền thống (trong đó có văn hóa phi vật thể) sẽ tái dựng, diễn giải lại bản sắc văn hóa dân tộc, chống lại những hình thức đồng nhất hóa của toàn cầu.

Như vậy, tác động của toàn cầu hóa có thể được coi là một tác nhân tích cực trong việc đẩy mạnh nội dung văn hóa và vai trò xã hội của văn hóa phi vật thể. Nhu cầu bảo tồn truyền thống, nhu cầu toàn cầu hóa văn hóa, xã hội có thể cùng tồn tại. Trên cơ sở đó, các nhà nghiên cứu văn hóa đã đề cao tính tất yếu của quy luật bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống trong đổi mới và hội nhập. “Không ai không thấy tính phức tạp và phạm vi rộng lớn của quá trình giao lưu, ảnh hưởng và hội nhập văn hóa hiện nay trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tuy nhiên, nếu chúng ta kiên trì định hướng, một mặt, bảo tồn, làm giàu và phát huy văn hóa truyền thống, mặt khác, chủ động giao lưu, hội nhập văn hóa thì tin rằng nền văn hóa mà chúng ta xây dựng trong tương lai sẽ vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính hiện đại” (4). Về hình thức, việc bảo tồn truyền thống và hội nhập, tiếp thu cái mới từ bên ngoài tưởng như hai định đề trái ngược nhau, nhưng trên thực tế là hai mặt của một thực thể thống nhất, tạo ra động năng cho sự phát triển bản thân văn hóa và xã hội. Như vậy, đổi mới và hội nhập đã, đang tạo ra những cơ hội, cũng như thách thức đối với việc bảo tồn làm giàu, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và hội nhập quốc tế. Từ quy luật biến đổi, phát triển văn hóa: từ truyền thống – tiếp biến – đổi mới – quay về truyền thống. Trong chuỗi các điểm nút của nấc thang tiến hóa, biến đổi và phát triển, thì tiếp biến, giao lưu có ảnh hưởng quan trọng hàng đầu. Bởi truyền thống rất khó đổi mới nếu không thông qua môi trường tiếp biến, giao lưu, hội nhập. Môi trường giao lưu, hội nhập luôn tạo ra những cơ hội tốt cho quá trình biến đổi, phát triển văn hóa dân tộc. Nguy cơ và thách thức lớn của giao lưu hội nhập văn hóa, đó là sẽ làm thui chột, phai nhạt bản sắc văn hóa dân tộc. Tiếp thu bên ngoài là tất yếu nhưng phải khẳng định vai trò của chủ thể văn hóa trong bảo tồn, phát triển, tăng cường các cách thức bảo tồn văn hóa trong phát triển, đó là tính mở, tính vận động, sự đa dạng không chỉ theo tộc người mà đa dạng vùng, miền.

Quá trình toàn cầu hóa có thể dẫn đến sự thay đổi về cơ cấu nghề nghiệp. Điều này tạo nên sự thay đổi không gian và cảnh quan của những nơi lưu giữ văn hóa phi vật thể, phần lớn là nông thôn. Qua đó, có thể thấy vấn đề phục hồi, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống cần đặt trong bối cảnh của làng quê hiện đại nhưng có không gian văn hóa truyền thống. Cộng đồng địa phương cần chuẩn bị tâm thế đón nhận sự phát triển của xã hội đương đại và không gian văn hóa vốn quen thuộc lâu đời cũng biến đổi, phát triển. Vì thế, không thể bảo tồn theo kiểu đóng cứng mà phải bảo tồn sinh hoạt văn hóa đó trong sự vận động của xã hội. Chiến lược bảo tồn như vậy nhằm khẳng định sức mạnh nội sinh để vững vàng trước thử thách của toàn cầu hóa.

Một số công trình nghiên cứu khác đã phân tích những nét cơ bản về giá trị truyền thống trong mối quan hệ giữa giá trị văn hóa và giá trị phát triển. Qua đó, việc bảo tồn giá trị truyền thống được nhấn mạnh như những động lực nội sinh, tạo nền tảng cơ bản để xã hội phát triển bền vững. Ronald Inghart và Waye E.Baker đã nhấn mạnh việc bảo tồn cần có sự gắn kết giữa giá trị văn hóa truyền thống với quá trình phát triển xã hội. Tác giả khẳng định công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ dẫn đến sự biến đổi văn hóa ở các xã hội. Những giá trị truyền thống sẽ thay thế bằng những giá trị văn hóa hiện đại. Những giá trị văn hóa truyền thống có ảnh hưởng lâu dài đến việc hình thành xã hội mới bất chấp sự biến đổi của kinh tế, hệ thống chính trị.

Ngoài việc đề cập đến tính tất yếu của quá trình bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, một số nghiên cứu cũng đã đề cập đến những khó khăn có thể phát sinh. Về mặt nhận thức, không ít người còn chưa thấy rõ tầm quan trọng cũng như tính cấp bách của công việc này đối với việc bảo vệ, xây dựng nền văn hóa dân tộc. Về mặt tài chính, kinh phí từ ngân sách khá eo hẹp. Các nguồn khác từ doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước chưa được khai thác. Về cán bộ, thiếu nhiều cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm để đảm nhiệm công tác này. Về phương tiện kỹ thuật, các cơ quan nghiên cứu nước ta chưa được trang bị đồng bộ các phương tiện hiện đại để theo kịp trình độ lưu giữ, bảo quản các tư liệu hình, âm thanh theo chuẩn quốc tế.

Nhìn chung, những công trình nghiên cứu đề cập đến tính tất yếu của việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình toàn cầu hóa đều đề cập đến những thách thức, khó khăn của hoạt động này. Những khó khăn chủ yếu liên quan đến quá trình chuyển đổi cơ cấu xã hội, vấn đề thương mại hóa các hoạt động giải trí. Trong đó, về bản chất, những giá trị văn hóa truyền thống thường gắn với tập quán xã hội, phương thức sinh hoạt của cộng đồng. Khi phương thức sinh hoạt này bị coi là một thương phẩm để mưu cầu lợi nhuận thì giá trị của nó sẽ có nguy cơ biến đổi. Mặt khác, quá trình đô thị hóa cũng có tác động đến việc biến đổi môi trường văn hóa. Vì văn hóa phi vật thể thường được hình thành, phát triển gắn liền với các không gian văn hóa làng xã. Quá trình đô thị hóa ở một số làng quê đã khiến không gian văn hóa làng xã bị thu hẹp dần. Mở rộng các loại hình du lịch cũng là một xu hướng phát triển toàn cầu hóa, nhưng nếu khai thác du lịch thiếu nền tảng văn hóa thì có những nguy cơ biến giá trị văn hóa truyền thống thành các loại hình dịch vụ thuần túy phục vụ mục đích kinh tế, mai một giá trị cổ truyền vốn có của văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, lập luận của các tác giả chủ yếu được tiếp cận dưới góc độ nhân học và văn hóa học. Vì vậy, việc thiếu cơ sở lý thuyết xã hội học đã khiến cho những phân tích tiếp cận theo hướng này còn tản mạn, chưa mang tính hệ thống. Mặt khác, các dữ liệu thực nghiệm hầu như chưa có trong những phân tích của các tác giả đi trước, điều đó khiến những lập luận còn thiếu tính sát thực.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong bối cảnh của những biến đổi kinh tế xã hội, công nghiệp hóa hiện đại hóa, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là một vấn đề thiết yếu. Đặc biệt, việc lựa chọn những gì là giá trị, bản sắc cần tạo nên động lực cho sự phát triển văn hóa, xã hội hiện tại và tương lai của mỗi dân tộc. Bởi vậy, nguyên tắc quan trọng của bảo tồn, giữ gìn hay kế thừa phải trên quan điểm phát triển, cho phát triển và vì phát triển. Việc hiểu biết quá trình biến đổi văn hóa và lựa chọn sự tiếp biến, hội nhập cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể là vấn đề then chốt trong quá trình bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

_____________

1, 2. Oscar Salemink, Sự bảo tồn văn hóa và biểu hiện văn hóa, Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, Viện Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007, tr.152, 262.

3. John Kleinen, Đối mặt với tương lai, hồi sinh quá khứ – một nghiên cứu về sự biến đổi xã hội ở một làng Bắc Việt Nam, Nxb Đà Nẵng, 2007, tr.22.

4. Bảo tồn và phát huy lễ hội cổ truyền trong xã hội Việt Nam đương đại, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2012, tr.256.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016

Tác giả : CHU THỊ HUYỀN YẾN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *