Văn hóa sinh thái rừng của cư dân đảo phú quốc

Mối liên hệ giữa môi trường, con người, văn hóa là chủ đề nghiên cứu cốt lõi của ngành nhân học sinh thái trên thế giới. Đặt trong quan điểm tiếp cận mới, bài viết minh chứng sự tồn tại của văn hóa sinh thái rừng bên cạnh văn hóa sinh thái biển thông qua việc xem xét sự hiện diện của các thành tố: tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội, phong tục cổ truyền, tri thức bản địa… của cư dân sinh sống trên đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

1. Mối quan hệ môi trường, con người, văn hóa

Dù ở thời kỳ nào, nhân học sinh thái cũng là một ngành khoa học nền tảng, hỗ trợ cho các chương trình và chính sách phát triển của nhiều quốc gia. Bởi nhân học sinh thái nghiên cứu về mối quan hệ phức tạp giữa con người với môi trường sinh thái, hiểu về các thực hành văn hóa và cách ứng xử của họ trong thích nghi với môi trường sống.

Tác giả Bùi Quang Thắng cho rằng, “tri thứctư tưởng là những thành tố quan trọng bậc nhất của văn hóa. Các hành vi hay các khuôn mẫu ứng xử của con người – ở một phương diện nào đó – bị chi phối (hệ quả) của tri thức/ tư tưởng và biểu thị những tri thức/ tư tưởng đó. Nhờ đó, văn hóa đóng vai trò như một cách thức để người ta có thể giao tiếp với nhau và với thế giới xung quanh” (1). Từ cách hiểu này, văn hóa sinh thái được hiểu là một hệ thống tư tưởng, tri thức, thái độ, hành vi của con người trong mối tương tác với tự nhiên.

Hướng tiếp cận này không chỉ có ý nghĩa về mặt lý thuyết trong khuôn khổ hoạt động nghiên cứu nhân học sinh thái ở Việt Nam mà còn có giá trị thực tiễn, tác động đến nhận thức, hành vi của người dân trong các vấn đề liên quan tới sinh thái, môi trường, tài nguyên. Từ TK XIX đến nay, dân cư sinh sống trên đảo Phú Quốc đã chứng minh sự tồn tại của văn hóa sinh thái rừng thông qua những thực hành văn hóa như tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội, phong tục cổ truyền… và tri thức bản địa như kinh nghiệm, hiểu biết về rừng.

2. Văn hóa sinh thái rừng ở Phú Quốc

Theo điều tra năm 1942, Phú Quốc có địa hình khá đa dạng gồm núi, cao nguyên, thung lũng, đồng bằng, cùng hệ thống sông, rạch đảm bảo lưu thông và cung cấp nước sinh hoạt (2). Trong đó, rừng nguyên sinh chiếm tới 7/10 tổng diện tích của đảo, với hệ thống thảm thực vật, động vật phong phú (3).

Nửa cuối TK XIX, Phú Quốc vắng bóng dân cư do bước vào thời kỳ suy thoái của chế độ phong kiến, thường xuyên bị giặc Xiêm và hải tặc quấy phá. Dân cư chủ yếu tập trung ở thủ phủ Dương Đông với nghề chài lưới, làm mắm, săn bắn. Ngoài việc bắt và trao đổi thú rừng, gỗ, người dân Phú Quốc thời kỳ này còn thu hoạch nhựa, dầu thực vật (4). Năm 1985, tác giả Phạm Hoàng Hộ cho rằng, rừng Phú Quốc là khu rừng nguyên sinh duy nhất hiện còn ở Nam Bộ thời kỳ đó với 929 loài thực vật khác nhau, cùng nhiều gỗ quý và dược liệu hiếm, đặc biệt là trầm hương, quế (5).

Hơn trăm năm trôi qua, Phú Quốc ngày nay đã trở thành trọng điểm kinh tế của tỉnh Kiên Giang nói riêng và của cả nước nói chung. Theo số liệu thống kê, Phú Quốc hiện có 39.918ha đất rừng, tập trung ở phía Bắc và phía Đông, trong đó 30.735 ha là đất rừng đặc dụng, 9.183 ha là đất rừng phòng hộ (6). Phú Quốc hiện không có đất rừng sản xuất. Năm 2001, Vườn quốc gia Phú Quốc được thành lập trên diện tích đất rừng thuộc các xã Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Cạn và một phần của xã Cửa Dương, Hàm Ninh, Dương Tơ, thị trấn Dương Đông, bao gồm khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Đảo, núi Hàm Rồng, Gành Dầu, Cửa Cạn.

Hiện nay, rừng Phú Quốc vẫn còn một số loại gỗ quý như kên kên, trai, xăng lẻ, vên vên, sao đen, sao đỏ, dầu, gõ đỏ, kim giao, cẩm thị… cùng với hơn 1.154 loài thực vật bậc cao. Trong số này, có khoảng 155 loài được dùng làm dược liệu, 11 loài chữa được các bệnh hiểm nghèo (7). Bên cạnh đó, rừng cũng có hệ thống động vật phong phú, 208 loài thuộc 125 chi và 78 họ thuộc 4 lớp động vật: 28 loài thú, 119 loài chim, 47 loài bò sát, 14 loài lưỡng cư. Khu vực này có 42 loài được ghi vào sách đỏ, trong đó 11 loài tuyệt chủng hoặc có nguy cơ tuyệt chủng, 20 loài quý hiếm, 8 loài bị đe dọa và 3 loài nguy cấp (8). Rừng quốc gia Phú Quốc có giá trị sinh thái lớn trong sinh kế cũng như phát triển kinh tế của đảo.


 Rừng và khu du lịch Bãi Sao, Phú Quốc. Ảnh Phạm Lự 

3. Tín ngưỡng bản địa và những thực hành văn hóa truyền thống liên quan tới rừng

Những năm 1940-1945, Phú Quốc vẫn còn bao phủ bởi rừng, vì thế, về mặt tự nhiên, Phú Quốc là một phức hợp biển đảo, đất rừng, quyết định đặc tính sinh kế, văn hóa sinh thái của cư dân sống trên đảo từ nhiều năm nay. Trong môi trường bao phủ bởi rừng, biển cả, người dân Phú Quốc có xu hướng tôn sùng lực lượng tự nhiên. Xét về văn hóa biển, đó là tín ngưỡng thờ cá ông; về văn hóa rừng, đó là tín ngưỡng thờ thần hổ; còn chúa sơn lâm, là thần núi, nhân vật có sức mạnh và sự tinh thông.

Trong truyền thuyết, hổ là động vật có thể gây hại tới con người, việc tôn thờ thần hổ thể hiện sự kính sợ, cầu viện sự khoan hòa, bảo trợ của lực lượng đó đối với an nguy của người dân. Ngày nay, người dân Phú Quốc vẫn lưu truyền câu chuyện về ba con cọp sống ở khu vực hòn Nầng, thỉnh thoảng vượt biển qua đảo Phú Quốc tìm mồi. Một lần đang bơi ngang biển, một con chẳng may bị cá mập ăn cụt mất một chân. Từ đó, cọp trở nên hiền lành và ở luôn trên đảo. Nhiều lần cọp xuống núi, đến làng cư dân, khi ra đi để lại dấu chân trên đất mới, nền vườn tiêu, nhưng không bắt gia súc hay quấy phá dân làng. Người dân cho cọp đã tu nên kính trọng tôn làm thần núi và lập dinh thờ gọi là dinh Hổ (ở xóm 1, ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ).

Cũng tương tự như những tín ngưỡng dân gian thờ cúng ngũ hổ, ông hổ, ông ba mươi… ở nhiều địa phương khác, ông hổ ở Phú Quốc được thiêng hóa trở thành vị sơn thần bảo trợ cho cuộc sống người dân, đặc biệt những người sống dựa vào nguồn lợi rừng. Tại dinh Hổ ở Cửa Lấp, lễ khai sơn được tổ chức vào ngày 7 tháng giêng hàng năm, đây là lễ lấy ngày cho bà con đi rừng, lên núi săn bắt. Vào ngày này, không chỉ người dân của Cửa Lấp mà ở các địa bàn khác trên cả huyện cũng đến làm lễ. Lễ vật gồm có đầu heo, gà, vịt. Trước đây, người dân còn tổ chức các trò chơi đánh bài như lúc lắc, bài xỉu. Lễ cúng khai sơn thường được bắt đầu lúc 9-10 giờ tối mùng 6 tháng giêng, tương truyền, đây là thời gian ông hổ về, rú lên một tiếng. Theo truyền thuyết, thời đó có hai ông hổ, người dân đi buôn bán vẫn gặp. Sau khi dinh được dựng lên, ông hổ vẫn tiếp tục xuất hiện. Trước đó bà con phải chuẩn bị đầu heo tại nhà rồi mang ra dinh cúng. Sau khi cúng xong, mọi người để lại đồ cúng, ban đêm ông hổ sẽ hiện về chứng giám. Lễ cúng được tổ chức đơn giản, sau đó bà con hạ lễ vật xuống và cùng ăn uống tới tận chiều (9).

Ngày nay, những địa điểm thờ, phối thờ thần núi trên đảo Phú Quốc còn có ở ấp Ông Lang, ấp Bến Tràm, ấp Khu Tượng ở xã Cửa Dương; ấp Gành Dầu, xã Gành Dầu. Ngoài ra, miếu thờ thần hổ còn được xây phía bên phải tiền đình, bài vị viết chữ “Sơn quân” hoặc “Sơn lâm”, có các chạm khắc hình hổ. Ở vị trí này, hổ được xem như thần hộ vệ, giữ cửa cho thần thành hoàng. Hiện nay, người dân vẫn thực hành lễ cúng khai sơn trong cộng đồng người dân có sinh kế và môi trường sống phụ thuộc vào nguồn lợi rừng.

4. Tri thức bản địa về rừng của người dân đảo Phú Quốc

Làm thực phẩm, thuốc nam

Rừng Phú Quốc có nhiều loài động vật và thực vật có thể dùng làm thức ăn, đã được người dân Phú Quốc khai thác nhiều năm nay. Ngày nay, do diện tích rừng, đặc biệt là rừng nguyên sinh giảm nên chỉ khai thác được một số loài như càng tôm, càng cuốc, heo rừng, chồn, sóc, trăn, rắn, rùa, cá chình, kỳ đà, tê tê…(10). Bên cạnh đó, Phú Quốc còn cung cấp các sản vật đặc trưng khác như: rượu sim, rượu mỏ quạ, cây thuốc nam.

Làm nguyên vật liệu

Để làm được loại mắm cá cơm ngon, nổi tiếng, một trong những bí quyết mà người Phú Quốc nắm giữ đó là việc sử dụng các thùng ủ chượp mắm đặc biệt. Chất lượng của thùng ủ mắm là một trong những yếu tố quyết định chất lượng của nước mắm Phú Quốc. Những hộ làm mắm, xưởng sản xuất mắm ở Phú Quốc còn được gọi là nhà thùng, nơi có nhiều thùng chượp mắm lớn.

Thùng nước mắm ở Phú Quốc có thể chứa ủ 5 tấn cá, ngày nay có thùng chứa được 15 tấn, được làm từ gỗ cây bời lời, chằng chặt xung quanh bằng những sợi mây rừng to. Gỗ cây bời lời lang ben có độ dẻo dai cao, bền tới hàng trăm năm. Để làm được một cái thùng có sức chứa lớn, các nghệ nhân phải mất hàng tháng. Hiện nay, những nghệ nhân có kỹ thuật cao trong chế tác không còn nhiều, trong số đó phải kể đến nghệ nhân Trương Minh Hạp ở nhà thùng Huỳnh Hoa ở thị trấn Dương Đông. Trước đây, gỗ thùng  được làm bằng bời lời lang ben, nhưng hiện nay do thiếu nguyên vật liệu, người ta có thể dùng trai, quỷnh, dên dên, hộ phát…(11). Ngoài ra, người Phú Quốc còn tận dụng độ cứng của trai, sao đen để đóng ghe tàu đi biển.

Nhà ở của người dân Phú Quốc xưa thường được dựng bằng gỗ hoặc lều tranh, ở trên các bờ rạch, ven sông hoặc những cồn cát đầu tiên tính từ biển vào (12). Nhà truyền thống của người dân Phú Quốc chủ yếu là nhà sàn, làm bằng gỗ cây trâm kiền kiền, vỏ của chúng có khả năng chịu nắng mưa tốt. Loại vỏ lấy từ cây kiền kiền có đặc tính gặp nóng co lại, gặp lạnh nở ra. Vào mùa nắng, chúng co lại, tạo ra các lỗ hổng trên bức vách, giúp gió lùa vào làm mát không gian trong nhà (13). Đến mùa mưa, vỏ cây sẽ tự động giãn nở khi gặp nước, bít lại các lỗ hổng, giúp ngăn gió, mưa, giữ ấm cho căn nhà. Toàn bộ thành phần trong ngôi nhà truyền thống xưa từ cột, kèo, vách, mái đều được làm bằng các loài gỗ khai thác từ rừng. Ngày nay, nhà sàn truyền thống của Phú Quốc gần như không còn, bởi nguyên vật liệu đã cạn kiệt.

Bên cạnh đó, người dân Phú Quốc còn có kinh nghiệm trong việc dựng nọc trồng tiêu. Cột gỗ dựng thành hàng để cây hồ tiêu leo lên gọi là nọc, thường được làm từ lõi của các cây trong rừng do đặc tính cứng, bền, chống được mối mọt. Trên nọc người ta thường làm các tấm che nắng, xung quanh vườn tiêu phải có cây chắn gió. Trong những năm đầu tiên, dù tiêu có ra hoa, đậu trái thì người trồng tiêu vẫn phải lặt bỏ, khi nào dây tiêu phát triển đến mức độ phủ kín nọc thì mới cho đậu trái, lúc này trái tiêu mới đạt chất lượng.

Rừng Phú Quốc cũng là nơi có nhiều cây dó bầu (cây tóc, trầm hương) tạo trầm. Do nạn khai thác trầm tràn lan những năm cuối TK XX đã khiến số lượng cây tạo trầm tự nhiên giảm sút nhiều. Loài dó bầu có khả năng cho trầm trên địa bàn Phú Quốc là cây bản địa, trước được khai thác tự nhiên, nay được nhiều hộ gia đình Phú Quốc đầu tư trồng mở rộng để cấy trầm. Hiện nay, huyện đảo Phú Quốc đang có kế hoạch trồng rừng dó bầu diện tích lớn trong khuôn khổ Vườn quốc gia Phú Quốc để khai thác trầm.

Ở Phú Quốc có vùng Rạch Tràm được cho là một mỏ huyền có chất lượng cao được phát hiện từ thời Pháp thuộc. Huyền là loại khoáng sản dạng than đá, xuất phát từ gỗ rừng ở những vùng có núi lửa, bị lớp dung nham đốt cháy, chôn vùi, trải qua hàng triệu năm biến thành than. Huyền thô có độ cứng cao hơn các loại than đá nhưng lại mềm hơn đá quý, được dùng để chế biến trang sức có màu đen tuyền, bóng đẹp. Sách Gia Định thành thông chí đề cập đến huyền phách: “Ở đảo Phú Quốc, trên núi có thứ huyền phách ấy là tinh quang của đá đen, sáng đẹp như đồ sơn mài dùng làm ngọc đeo, có thứ lớn đường kính đến 3 tấc, ta có thể khắc chạm làm hộp trầu và cốc đĩa rất quý giá” (14). Trước đây, người Phú Quốc có nghề chế tác huyền thành trang sức, có khả năng trừ gió độc, tốt cho sức khỏe. Ngày nay, do nguồn nguyên liệu giảm sút, số lượng các nghệ nhân không còn nhiều, nên nghề chế tác huyền đã mai một rất nhiều. Người khai thác huyền và nghệ nhân chế tác phải có kiến thức, kinh nghiệm về huyền, có thể phân biệt huyền với đá đen dựa trên tuổi, gân, màu sắc, độ cứng, khai thác theo thời tiết. Trước đây, còn tổ chức lễ cúng tổ nghề huyền vào ngày mùng 3 tháng giêng, nhưng hiện nay gần như không được thực hành (15).

5. Những vấn đề về văn hóa sinh thái rừng ở đảo Phú Quốc hiện nay

Từ năm 2005, nhiều cánh rừng Phú Quốc đã bị triệt hạ, phục vụ cho kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông phục vụ cho phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch. Rừng, núi bị người dân và các nhà đầu tư xâm lấn để xây dựng khu nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch. Đồng thời, trong suốt một thời gian dài phát triển, việc người dân đốt rừng lấy đất trồng tiêu, cao su… cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện tích đất rừng ở đảo Phú Quốc.

Theo phương án quy hoạch sử dụng đất của huyện Phú Quốc (16), tới năm 2020, cơ cấu đất rừng đặc dụng của đảo giảm từ 52,17% (2010) xuống 50,23%, đất rừng phòng hộ giảm từ 15,59% (2010) xuống còn 13,61%. Trong bối cảnh phát triển mạnh về kết cấu hạ tầng, trung tâm hành chính đô thị, trụ sở các đơn vị hành chính, thiết chế văn hóa – thể thao, an ninh quốc phòng, diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ sẽ tiếp tục giảm rõ rệt trong những năm tới. Trước thực trạng này, mối liên hệ gắn kết giữa người dân với rừng, cùng những tín ngưỡng, thực hành văn hóa truyền thống, tri thức và kinh nghiệm dân gian sẽ dần biến mất.

Nhìn chung, nghiên cứu này đã phần nào chứng minh sự tồn tại của một dạng thức văn hóa sinh thái khác song song với văn hóa sinh thái biển vốn được cho là chủ đạo trên đất đảo Phú Quốc. Mối liên hệ giữa cộng đồng cư dân với các thành tố tự nhiên sẽ hình thành nên yếu tố của một hoặc nhiều văn hóa sinh thái. Quan điểm này phù hợp để giải thích sự hiện diện của các thành tố thuộc văn hóa sinh thái rừng của người dân trên đảo Phú Quốc.

_____________

1. Bùi Quang Thắng, 30 thuật ngữ nghiên cứu văn hóa, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2008, tr.452.

2. Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Phòng Phủ Thống đốc Nam kỳ, hồ sơ H37/89, Báo cáo nghiên cứu về đảo Phú Quốc từ ngày 16 đến 28-5-1942 của Sở Nông nghiệp địa phương.

3. Nguyễn Xuân Hoài, Phạm Thị Huệ, Lịch sử Phú Quốc qua tài liệu lưu trữ, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.20.

4, 12. Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Le Dr J.C.Baurac, La Cochinchine et ses habitants (provinces de l’ouest), Sài Gòn, 1894.

5. Phạm Hoàng Hộ, Thực vật đảo Phú Quốc, Nxb TP.HCM, 1985.

6, 7, 8, 16. UBND huyện Phú Quốc, Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất năm 2015 huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, 2014, tr.18, 19, 122-123.

9. Theo ông Trần Thích Tường, Cửa Lấp, Dương Tơ.

10, 13. Trương Thanh Hùng, Văn hóa dân gian đảo Phú Quốc, Nxb Phương Đông, Hà Nội, 2008.

11. tuoitre.vn

14. ambery.info

15. Kết quả nghiên cứu thực địa tại Phú Quốc, tháng 6-2015, của Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016

Tác giả : NGUYỄN THỊ THU HÀ

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *