Di sản văn hóa biển đảo tây nam bộ, thực trạng và những vấn đề đặt ra


Việc nghiên cứu văn hóa biển đảo vùng Tây Nam Bộ nằm trong bộ phận quan trọng của văn hóa biển đảo Việt Nam. Tiến hành nghiên cứu địa phận phía đông của Tây Nam Bộ, bao gồm phần gắn với bờ biển và hải đảo của các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề chính dưới đây.

1. Bối cảnh chung và đối tượng nghiên cứu

Tây Nam Bộ là vùng đất mới có bề dày lịch sử hơn 300 năm ở phía cực Nam tổ quốc. Đây là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, đất đai rộng rãi và trù phú, bờ biển dài với hàng ngàn loài thủy hải sản phong phú, Tây Nam Bộ nhanh chóng được các lưu dân từ Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Trung Bộ và cả từ phương Bắc tìm đến, nương nhờ và trụ lại lâu dài. Cư dân đa số là người Việt, tiếp nữa là người Hoa, Chăm và Khơme.

Văn hóa của cư dân Tây Nam Bộ có những nét đặc trưng chung của cư dân Nam Bộ, nhưng cũng có những nét riêng thể hiện tính cách của cư dân thạo sông nước, ăn sóng nói gió, làm nghề hạ bạc đòi hỏi có sức khỏe dẻo dai và lòng can đảm. Trải qua thời gian, cư dân Tây Nam Bộ đã có kinh nghiệm ứng phó với non nước biển khơi, lấy sông to biển rộng làm ngư trường kiếm sống và từ đó dần hình thành nên tính cách cá tính nổi bật. Theo quan điểm của tác giả Trần Ngọc Thêm, tính cách văn hóa Tây Nam Bộ được tạo nên bởi 4 hằng số gồm: là nơi gặp gỡ của những điều kiện tự nhiên thuận tiện mà cũng có phần khắc nghiệt, nhưng thuận tiện là chủ đạo; là nơi gặp gỡ của các tuyến giao thông biển quốc tế; là nơi gặp gỡ của nhiều tộc người; là sản phẩm của quá trình dương tính hóa trên cả ba trục không gian – chủ thể – thời gian (1).

Giống như những người dân Nam Bộ, nhưng người miền Tây Nam Bộ có tính sông nước điển hình nhất, tính trọng nghĩa cao thứ 2, tính bộc trực cao thứ 3, tính bao dung cao thứ 4, tính thiết thực cao thứ 5, tính thoáng mở cao thứ 6 và cuối cùng là tính thực dụng (2).

Hiểu về đặc trưng văn hóa Tây Nam Bộ như trên, chúng tôi luôn ý thức coi văn hóa Tây Nam Bộ như một hệ thống để xem xét đối tượng nghiên cứu. Nằm trong hệ giá trị con người Việt Nam, cư dân Tây Nam Bộ đã góp phần làm phong phú và đa dạng hơn các ứng xử giữa con người với con người, con người với không gian và thời gian trong không gian văn hóa Việt Nam.

Đề tài khảo sát cư dân sống tại các địa phương có vị trí sát biển và có di tích thuộc con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển bao gồm xã Thạnh Phong (Bến Tre), Trường Long Hòa (Trà Vinh) và Rạch Gốc (Cà Mau). Cả ba địa điểm này đều thông ra biển, có thể ra vào các tàu lớn nên đã hoàn thành nhiệm vụ là bến tiếp nhận và vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện cho miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Chiến tranh qua đi nhưng lịch sử oai hùng còn lại mãi nhờ tâm trí người dân vẫn ghi nhớ công lao to lớn của ông cha họ, những ngư dân giỏi giang gan dạ nhất, những người đàn ông can trường nhất trong địa phương đã dám vượt lên hiểm nguy để góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang, thống nhất dân tộc vào mùa Xuân năm 1975.

Ngư dân vùng đất có 3 di tích lịch sử cấp quốc gia nêu trên đều nằm ở vị trí địa lý chiến lược quan trọng hướng ra biển Đông, nên người dân vừa gắn mình với cuộc mưu sinh trên biển, vừa giữ nhiệm vụ canh giữ vùng biển quốc gia, không để bị xâm lược hay săn bắt trái phép nguồn tài nguyên biển của quê hương. Sống nhờ biển và giữ biển, canh trời cũng là nhiệm vụ mà họ tâm niệm theo tinh thần mà cha ông họ đã thực thi trong lịch sử. Có thể đánh giá rằng, di sản văn hóa, di tích lịch sử cách mạng gắn với đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc – Nam (Bến Tre), đến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu (Trà Vinh) và Bến Vàm Lũng thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển tại Rạch Gốc (Cà Mau) đã trở thành nguồn động lực tinh thần và vật chất hỗ trợ cho ngư dân nơi đây có quyết tâm trong lao động sản xuất, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ biển đảo quê hương.

2. Thực trạng và một số vấn đề đặt ra từ giá trị di sản văn hóa biển đảo Tây Nam Bộ

Đề tài triển khai nghiên cứu thực trạng và giá trị văn hóa cộng đồng cư dân ven biển vùng Tây Nam Bộ với 800 phiếu điều tra, bao gồm 69,8% người trả lời là nam, 30,2% nữ và nhóm tuổi tập trung từ 31 – 40 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất là 33,1%, sau đó là nhóm từ 41 – 50 tuổi chiếm 27,3%. Số người đông nhất rơi vào nhóm tuổi đang là lực lượng lao động chính và là trụ cột trong gia đình. Điều này tạo điều kiện cho những thông tin được phản hồi có giá trị tin cậy cao.

Trình độ học vấn của người trả lời chủ yếu ở bậc tiểu học chiếm 42,8%, tỷ lệ nhóm có trình độ học vấn THCS là 35,5%, nhóm trình độ học vấn PTTH là 13,3%. Như vậy, học vấn của cư dân ven biển vùng Tây Nam Bộ chỉ dừng ở mức độ phổ cập tiểu học. Nhưng thực tế cho thấy, không nên quá câu nệ vào tiêu chí này vì ngay trong cộng đồng cư dân chúng tôi khảo sát, có những chủ doanh nghiệp, tài công… chỉ đạt trình độ THPT hoặc THCS vẫn đạt được thành công rực rỡ trong nghề của họ. Về điều này, chúng tôi nhất trí với nhận định: “Về học lực thì đúng là có chuyện người Tây Nam Bộ không ham học cao, nhưng cũng không thể từ đó để vội đánh giá học lực và trình độ con người vì kiến thức không chỉ đến từ nhà trường, không thể coi là kém một vùng văn hóa đã sản sinh ra số lượng các kỹ sư hai lúa nhiều nhất nước, nơi có những con người xuất chúng như Trương Vĩnh Ký trong khoa học xã hội, Trần Đại Nghĩa trong khoa học kỹ thuật và Lương Định Của trong trong khoa học tự nhiên” (3).

Nhóm ngư dân chiếm tỷ lệ cao nhất với 58,3%, nông dân là 19,9%, các nhóm ngành nghề khác như tiểu thương, doanh nghiệp, nghề tự do chiếm tỷ lệ thấp hơn. Xét về tình trạng hôn nhân, chủ yếu là những người đã kết hôn chiếm tỷ lệ 93,8%. Điều này chứng tỏ người dân rất coi trọng văn hóa gia đình và sự bền vững hôn nhân. Gia đình ở riêng chiếm tỷ lệ 66,5%, tỷ lệ sống chung 3 thế hệ ở địa phương chiếm 28,5%.

Đề tài đã tiến hành khảo sát cư dân sống tại vùng Rạch Vàm Láng (Tiền Giang) là nơi cửa sông rộng, cư dân xã đảo tại Cù Lao Dung (Sóc Trăng) và ấp Nhà Mát (Bạc Liêu). Tại 3 địa điểm nghiên cứu này, đặc điểm sinh thái có những nét khác biệt. Từ đó dẫn đến văn hóa và phương thức mưu sinh cũng khác nhau. Tuy là cư dân xã đảo nhưng người Cù Lao Dung lấy sản xuất nông nghiệp làm chính và các di tích thiêng của họ đều là thờ các vị thần nông nghiệp. Trái lại, cư dân vùng ngập mặn và vùng vàm rạch thuận tiện ra biển lớn thì tính ngư nghiệp thể hiện rất rõ qua cơ cấu dân cư, cách họ kiếm sống và mong muốn truyền nghề cho thế hệ nối tiếp (thị trấn Trần Đề). Các vị thần linh của nghề đi biển cũng được thờ phụng với niềm tin tâm linh cao vì họ tin rằng các vị thần luôn che chở cho hoạt động mưu sinh của họ. Nhờ đó, các di tích thiêng cũng được chính quyền và người dân địa phương chăm lo, tu sửa khang trang và các hoạt động lễ hội diễn ra đều đặn, hoành tráng qua nhiều giai đoạn từ xưa tới nay.

Các di sản thuộc về tín ngưỡng của cư dân biển như lăng Ông và lễ hội lăng Ông ở Vàm Láng (Tiền Giang), lăng Ông – miếu Bà ở thị trấn Trần Đề (Sóc Trăng), Quán Âm Phật Đài ở Nhà Mát (Bạc Liêu), miếu bà Chúa Xứ, lăng Ông Nam Hải ở Rạch Gốc (Cà Mau) với các lễ hội và các sinh hoạt tín ngưỡng xung quanh các di sản này… đã trở thành địa điểm tâm linh quan trọng để người dân bày tỏ các nguyện vọng trong cuộc sống. Người dân khi tham dự lễ hội đa phần đều vui vẻ và cảm nhận đươc không khí trang nghiêm, thiêng liêng. Chỉ có tỷ lệ rất nhỏ người dân cảm thấy không khí ngột ngạt, khói bụi bẩn và chưa thực sự đảm bảo về môi trường sinh thái tại địa điểm tổ chức lễ hội. Nhờ nguồn lợi thu được từ khách tham quan đến những danh lam thắng cảnh ở địa phương nên đời sống người dân nơi đây được nâng cao hơn trước.

Chính quyền địa phương đã có những hoạt động đa dạng để duy trì, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa ở địa phương, tiêu biểu như: tham gia tổ chức các lễ hội chiếm tỷ lệ cao; vận động người dân đóng góp ngày công cho việc sửa chữa, tu bổ các di tích; thành lập Ban quản lý khu di tích… Kết quả khảo sát cho thấy, ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc của cộng đồng cư dân hiện nay khá tốt, chiếm tỷ lệ 45.8%.

Người dân tích cực đề xuất những giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa biển đảo ở địa phương, trong đó có những giải pháp được nhiều người đề xuất như: tu bổ, tôn tạo các di sản xuống cấp; tăng cường tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu được giá trị biển đảo ở địa phương; thành lập ban quản lý khu di sản, phát triển du lịch các khu di sản; đầu tư tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt xa bờ; có biện pháp xử lý môi trường rác thải tốt hơn; quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng để thu hút khách du lịch; mở rộng đường sá, cầu cảng để thu hút khách; Nhà nước và chính quyền quan tâm nhiều hơn, đầu tư kinh phí, hỗ trợ vật chất trang thiết bị cho biển đảo…; Nhà nước đầu tư vốn cho người dân đóng tàu lớn đánh bắt xa bờ; tăng cường an ninh bảo vệ biển đảo nhiều hơn, tăng cường vai trò của biên phòng…

Từ kết quả nghiên cứu 6 tỉnh dọc bờ biển phía Đông của vùng Tây Nam Bộ, chúng tôi nhận thấy, đây là vùng đất có các tiềm năng về nhiều phương diện. Mỗi địa phương đều có hệ thống văn hóa vật thể riêng và những di tích văn hóa mới gắn với lịch sử đấu tranh cách mạng. Tại 3 di tích thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức khác đã làm nên diện mạo mới cho vùng đất anh hùng từ trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Cùng với các di tích thiêng, các di tích mới đã được trông coi, tu sửa với sự quan tâm của chính quyền và cộng đồng ở những mức độ khác nhau. Những di tích mới này góp phần không nhỏ vào tiềm năng phát triển kinh tế xã hội cho địa phương và những vùng lân cận.

Ở phương diện văn hóa phi vật thể, theo khảo sát của đề tài, các tỉnh có địa điểm khảo sát đều được nghiên cứu dưới những tiêu chí được chọn sẵn. Đề tài chú trọng tìm hiểu thực trạng đời sống sản xuất của người dân và nhận thấy, hoạt động của ngư dân vùng ven biển vẫn chiếm lượng lớn hơn nhiều so với lượng cư dân làm nông nghiệp và các nghề khác. Như vậy, nhìn từ góc độ nghề nghiệp có thể đánh giá cư dân ven biển làm ngư nghiệp, gắn bó nghề với biển khơi là điều hợp lẽ, mang tính tất yếu theo quy luật phát triển của các quốc gia vùng Đông Nam Á hải đảo. Khi ngư nghiệp phát triển dồi dào sẽ kéo theo sự phồn thịnh của vùng đất với nhiều nghề dịch vụ khác xuất hiện.

Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa vật thể (di tích, đình, lăng, miếu…) và phi vật thể khác (truyền thuyết, lễ tiết, lễ hội…) cũng tác động đến tâm lý và tình cảm của người dân. Họ sẽ yên tâm hơn nếu như trước khi ra khơi được trực tiếp thực hiện các nghi lễ tâm linh nhằm tiếp sức cho tinh thần thoải mái, phấn chấn và tin tưởng công việc hanh thông, thuận buồm xuôi gió. Như vậy, giá trị di sản và sự hỗ trợ từ những người trong gia đình sẽ nâng cánh buồm ra khơi và cập bến an toàn, thắng lợi.

3. Một số giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển đảo Tây Nam Bộ

Để di sản văn hóa vùng biển đảo Tây Nam Bộ trong không gian văn hóa biển đảo Việt Nam phát huy giá trị với tư cách vừa là động lực tinh thần vừa là nguồn lực để phát triển kinh tế của vùng Tây Nam Bộ và cả nước, chúng tôi nghĩ rằng trong cách mưu sinh và sáng tạo, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đều gắn với con người và vùng đất họ sinh sống. Cư dân nông nghiệp và ngư nghiệp có xu hướng ứng xử với di sản khác nhau nhưng do sống ven bờ, đối mặt với biển khơi nên suy cho cùng, ngư nghiệp mới là nghề bền vững và thực tế, người nông dân cũng không hoàn toàn chỉ làm nghề nông khi họ sinh sống ở vùng này. Và thực tế, khi biển động, biển thất, các ngư dân cũng sẵn sàng làm thuê làm mướn, làm ruộng để mưu sinh. Để phát triển nghề biển, mở ra tương lai hướng biển hiệu quả như các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới, việc cân đối giữa văn hóa và kinh tế, giữa gìn giữ bảo vệ và phát huy giá trị di sản vật thể và phi vật thể của vùng biển đảo là việc tất yếu phải thực thi.

Chúng tôi mạnh dạn đề ra 7 giải pháp để thực hiện mục đích trên với mong muốn góp phần vào công cuộc bảo vệ và khai thác hiệu quả vùng biển quê hương.

Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền cụ thể, chu đáo các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho đối tượng ngư dân và nhân dân vùng biển đảo, đặc biệt là nhân dân ở các cù lao, xã đảo khó khăn như Cù Lao Dung, Rạch Gốc. Sự tuyên truyền phải đảm bảo đầy đủ, hấp dẫn để người dân tiếp thu và hiểu thông tin. Có như vậy họ mới có thể đưa ra các quyết định thích hợp và đúng đắn nhất cho bản thân và gia đình thay vì a dua theo phong trào như đã từng xảy ra trước đây và hiện nay. Nội dung tuyên truyền cần đa dạng, bao gồm cả giáo dục ý thức về cội nguồn, về sự gắn bó cốt tủy của con người Việt Nam với biển đảo quê hương; giáo dục truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước, tình yêu quê nhà, yêu biển đảo, kiên quyết bảo vệ biển đảo quê hương; tạo động lực tinh thần cho các hoạt động lao động sáng tạo và đấu tranh gìn giữ biển đảo.

Thứ hai, tổ chức rà soát, sưu tầm và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể đã có tại địa phương vùng biển đảo như các bài ca, câu chuyện, giai thoại, câu tục ngữ, câu hò, câu lý… cho tới các nghi lễ trong lễ hội, lễ cúng, tục lệ… Rất có thể nguồn trữ lượng di sản văn hóa phi vật thể này đã vơi cạn theo năm tháng, vì vậy, cần có kế hoạch và tâm sức đầu tư cho hoạt động này một cách bài bản mới mong có kết quả.

Với các di sản văn hóa vật thể đã được điều tra, kiểm kê, bảo tồn, cần có điều tra khảo sát lặp lại để hiểu rõ thêm tình trạng hiện tại, từ đó sẽ có những điều chỉnh nhanh chóng thích hợp nhất cho di sản. Nếu di sản có thể nâng cấp lên cấp cao hơn thì đó cũng là cơ hội để di sản địa phương được thăng hạng, đem lại niềm tự hào cho nhân dân cũng như vốn văn hóa của quốc gia. Với những điểm khảo sát cụ thể của đề tài, chúng tôi nhận thấy di tích lăng Ông, miếu Bà ở một vài địa phương hoàn toàn có thể tiếp tục làm hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xin công nhận di tích cấp tỉnh hoặc nâng cấp lên cấp quốc gia như ở Thạnh Phong, Nhà Mát… Nên mở rộng đối tượng ra các di sản thiên nhiên, các cổ vật, bảo vật…

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về di sản văn hóa và thiên nhiên trong không gian biển đảo trên cả phương diện giá trị lẫn phương diện kỹ thuật để có thể đưa ra các dự báo, cảnh báo sớm và hữu hiệu cho di sản.

Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, kêu gọi sự quan tâm đầu tư của các tầng lớp trong xã hội cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách đúng đắn và hiệu quả.

Thứ năm, lập quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị mạng lưới di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, bảo đảm tất cả các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh ở vùng biển đảo được bảo quản tu bổ, phục hồi kịp thời, đầy đủ, luôn ở trạng thái bảo quản tốt nhất trong khả năng của địa phương. Có kế hoạch triển khai nghiên cứu khảo cổ học dưới nước một cách hiệu quả như ở Thạnh Phong, Cồn Tàu… nơi có các con tàu đắm.

Thứ sáu, đầu tư cho con người, cán bộ văn hóa có trình độ, có sức khỏe và nhiệt tình yên tâm công tác lâu dài tại vùng biển đảo khó khăn, có lịch sử cư dân địa phương phức tạp, nhạy cảm khi phải đấu tranh để giữ gìn an ninh quốc gia trên biển.

Thứ bảy, phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương gắn với phát triển du lịch biển và thương mại trong vùng (trên cơ sở tham khảo kỹ quy hoạch phát triển du lịch ở địa phương và vùng miền được phê duyệt), nội khối và ra thế giới tùy vị trí địa lý địa phương đang nắm giữ một cách an toàn, hiệu quả cao và bền vững (4).

_____________

1, 2. Trần Ngọc Thêm, Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, TP.HCM, 2013, tr.224, 242-243.

3. Tạ Văn Thành, Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 354, tháng 12 – 2013, tham khảo bản online.

4. Các số liệu dẫn trong bài thuộc tư liệu khảo sát của tác giả trong năm 2015 – 2016.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 394, tháng 4-2017

Tác giả : PHẠM LAN OANH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *