Đạo đức môi trường vì sự phát triển xã hội


Hiện nay, có rất nhiều hội nghị cấp quốc tế, quốc gia về vấn đề đạo đức môi trường được tổ chức. Các hội nghị này nhằm thúc đẩy các quốc gia thành viên chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo vệ trái đất, đưa ra quan điểm, nguyên tắc chung, hướng mọi dân tộc trên thế giới tới quá trình gìn giữ và làm đẹp môi trường. Qua đó các hội nghị cũng thiết lập một sự chung sức toàn cầu mới, bình đẳng giữa các quốc gia nhằm tôn trọng quyền lợi của mọi người, bảo vệ toàn vẹn hệ thống môi trường và phát triển toàn cầu. Mặt khác, công nhận bản chất toàn bộ và phụ thuộc lẫn nhau của trái đất (1). Qua mỗi hội nghị, các quốc gia tập trung tìm giải pháp giải quyết những vấn đề chung như: nước, vệ sinh, năng lượng, sức khỏe, đa dạng sinh học, nghèo đói, phát triển bền vững…(2).

Bảo vệ môi trường tự nhiên phải có sự tham gia của nhiều quốc gia, vì môi trường là vấn đề chung của toàn cầu, bao gồm: sự nóng lên của trái đất, hiện tượng hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm không khí, sông, biển…Trong các hội nghị cũng nhấn mạnh đến đạo đức môi trường – cách con người đối xử với tự nhiên. Trên thế giới, đạo đức môi trường được nghiên cứu từ những năm 60 TK XX với việc công bố bài báo Những nguồn gốc lịch sử của sự khủng hoảng sinh thái của tác giả Lynn White (3 – 1967) và Đạo đức đối với trái đất của Aldo Leopold (1970). Hai bài báo đã phân tích nguồn gốc dẫn đến sự khủng hoảng sinh thái và thái độ của con người đối với tự nhiên, chỉ ra sự cần thiết trong thay đổi cách ứng xử của con người đối với tự nhiên.

Nhìn từ góc độ lý luận, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã đưa ra quan niệm về đạo đức môi trường như sau: “Đạo đức môi trường là một phương diện của đạo đức nói chung, là sự thể hiện và thực hiện đạo đức xã hội trong lĩnh vực mối quan hệ giữa con người với tự nhiên” (3); hay “Đạo đức môi trường là tổng hợp các quy tắc, nguyên tắc, chuẩn mực nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình với môi trường sao cho phù hợp với lợi ích và hạnh phúc của con người, với sự tiến bộ xã hội và với sự phát triển môi trường một cách bền vững, thể hiện sự tôn trọng của con người đối với môi trường” (4). Như vậy, dựa vào khái niệm trên ta có thể thấy đạo đức môi trường gồm ý thức môi trường và thực tiễn đạo đức môi trường (ý thức, hành vi của con người đối với tự nhiên).

1. Vai trò của môi trường đối với đời sống con người và sự phát triển kinh tế xã hội

Đối với đời sống của con người

Môi trường trước hết là không gian sống của con người và sinh vật. Trong quá trình tồn tại và phát triển, con người cần có những nhu cầu tối thiểu để duy trì sự sống như: không khí, nước, đồ ăn, chỗ ở… Để duy trì sự sống, một người bình thường mỗi ngày cần khoảng 4m3 không khí sạch, 2, 5 lít nước và một lượng lương thực, thực phẩm tương ứng với 2.000 – 2.400 cal… Tất cả những nhu yếu phẩm cần thiết đều phải lấy từ tự nhiên, kể cả diện tích đất ở và canh tác. Trước đây, khi dân số còn ít, con người sống dựa vào tự nhiên và tự nhiên vẫn có khả năng tái tạo giá trị sử dụng. Nhưng ngày nay, với sự bùng nổ dân số thế giới, sự khai thác của con người đã dẫn tới cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, làm ô nhiễm môi trường sinh thái. Chính vì vậy, việc nâng cao đạo đức môi trường hiện nay đã và đang trở thành vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu.

Đối với sự phát triển kinh tế – xã hội

Muốn tồn tại và phát triển, con người phải lao động sản xuất, dù sản xuất giản đơn hay sản xuất hàng hóa, họ vẫn phải lấy các tư liệu sản xuất từ tự nhiên. Sự bùng nổ dân số dẫn tới nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên ngày càng cao của con người. Trước đây, với nền sản xuất nông nghiệp, công cụ sản xuất giản đơn, năng xuất lao động thấp, nhu cầu của người dân tương đối đơn giản nên khai thác tài nguyên không nhiều, không đặt nặng vấn đề về bảo vệ môi trường. Ngày nay, đi cùng với sự phát triển không ngừng của các ngành công nghiệp là nhu cầu khai thác và sử dụng tài nguyên ngày càng cao. Trong sản xuất, con người khai thác gỗ từ rừng, các loại quặng từ lòng đất, khai thác biển… Sản xuất ra càng nhiều của cải vật chất bao nhiêu thì con người càng khai thác tự nhiên nhiều bấy nhiêu. Việc khai thác không đúng cách và không có kế hoạch tái tạo lâu dài đã dẫn đến cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường.

Nơi chứa đựng chất thải của con người và sản xuất

Ngoài vai trò là nơi sinh sống của con người, cung cấp các nguyên liệu trong quá trình sản xuất, môi trường còn là nơi chứa đựng, đồng hóa các chất thải của con người trong quá trình sử dụng tài nguyên. Tài nguyên sau khi hết hạn sử dụng bị đẩy ra môi trường dưới dạng các chất thải. Các chất thải này bị quá trình vật lý, hóa học, sinh học phân hủy thành các chất vô cơ, vi sinh quay trở lại phục vụ con người. Tuy nhiên, chức năng này có giới hạn, nếu con người vượt quá giới hạn sẽ gây ra mất cân bằng sinh thái và ô nhiễm môi trường. Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để hạn chế được nhiều nhất các chất thải, đặc biệt là chất thải gây ô nhiễm, tác động tiêu cực đối với môi trường.

2. Một số vấn đề về môi trường ở Việt Nam hiện nay

Ở Việt Nam hiện nay, vấn đề môi trường đang được cả xã hội quan tâm bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội. Đối tượng chủ yếu gây ô nhiễm môi trường là hoạt động sản xuất của nhà máy, hoạt động làng nghề và sinh hoạt tại các đô thị lớn. Ô nhiễm môi trường tập trung trong 3 lĩnh vực lớn đó là: ô nhiễm đất, nước, không khí.

Trong báo cáo giám sát của Ủy ban KHCNMT của Quốc hội, số khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải ở một số địa phương rất thấp, có 15 – 20%, như tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Phúc. Hiện nay có 60 khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung (chiếm 42% số khu công nghiệp đã vận hành), 20 khu công nghiệp đang xây dựng trạm xử lý nước thải. Bình quân mỗi ngày, các khu, cụm, điểm công nghiệp thải ra khoảng 30.000 tấn chất thải rắn, lỏng, khí và chất thải độc hại khác. Một số khu công nghiệp xả thải trực tiếp vào nguồn nước, không những ảnh hưởng đến môi trường sống mà còn phá vỡ hệ thống thủy lợi, tạo ra những cánh đồng hạn hán, ngập úng, gây ô nhiễm nguồn nước tưới, gây trở ngại rất lớn cho sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân.

Bên cạnh đó, nhiên liệu sử dụng trong các làng nghề cũng gây ô nhiễm nặng nề đối với bầu không khí, lượng bụi, khí CO, CO2, SO2 thải ra trong quá trình sản xuất khá lớn. Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nay cả nước có 2.790 làng nghề, trong đó có 240 làng nghề truyền thống, đang giải quyết việc làm cho khoảng 11 triệu lao động, bao gồm cả lao động thường xuyên và lao động thời vụ. Các đơn vị sản xuất của làng nghề rất đa dạng, có thể là gia đình, hợp tác xã hoặc doanh nghiệp. Sản xuất hầu như mang tính tự phát, sử dụng công nghệ lạc hậu và thủ công, chưa ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất. Bên cạnh đó, mặt bằng sản xuất chật chội, việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải ít được quan tâm, ý thức bảo vệ môi trường sinh thái của người dân làng nghề còn kém. Cơ chế quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng Nhà nước chưa đủ mạnh nên tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ngày càng trầm trọng.

Bên cạnh các khu công nghiệp, làng nghề, sự gia tăng dân số ở các đô thị, điển hình là TP.HCM và Hà Nội, cũng là nguyên nhân không nhỏ dẫn tới ô nhiễm môi trường. Nước thải và rác thải sinh hoạt ở các đô thị hầu hết đều trực tiếp xả ra môi trường mà không có bất kỳ một biện pháp xử lý nào ngoài việc vận chuyển đến bãi chôn lấp.

3. Một số giải pháp

Giáo dục ý thức hiện nay là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu đối với vấn đề bảo vệ môi trường. Thông qua giáo dục, con người ý thức được vai trò của tự nhiên đối với sự phát triển kinh tế xã hội và sự sinh tồn của con người. Trong giáo dục có các hình thức như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường; xây dựng ý thức sinh thái, làm cho mọi người nhận thức một cách tự giác về vị trí, vai trò, mối quan hệ mật thiết giữa tự nhiên – con người – xã hội.

Giáo dục phải hướng tới sự hình thành ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của con người đối với việc bảo vệ môi trường, làm thức tỉnh ở con người lương tâm, ý thức danh dự đối với vấn đề môi trường. Cần giáo dục với nhiều hình thức khác nhau, từ giáo dục đạo đức cá nhân tới giáo dục đạo đức cộng đồng, phải thể hiện ở cả phạm vi gia đình, nhà trường và xã hội.

Giáo dục hành vi bảo vệ môi trường hiện trở thành trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi con người. Đối với môi trường, cá nhân phải có những hành vi phù hợp với chuẩn mực xã hội, tập quán, dư luận xã hội.

Xây dựng và hoàn thiện các quy chuẩn về bảo vệ môi trường là vấn đề rất quan trọng. Khi nhận thức được vấn đề môi trường chúng ta cần phải có những hành vi bảo vệ môi trường thiết thực như hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường. Ban hành luật với những chế tài đủ mạnh bao gồm cưỡng chế hành chính và xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm, đảm bảo tính nghiêm minh và đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, cần xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý môi trường trong các nhà máy, khu công nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời, tổ chức giám sát chặt chẽ nhằm hướng tới một môi trường tốt đẹp, thân thiện hơn với con người.

_____________

1. Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và phát triển, Rio de Janneiro, Brazil, 3, 4-6-1992.

2. Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững, Johannesburg, Nam Phi, 26-8-2002.

3. Trần Đăng Sinh, Nguyễn Thị Thọ, Giáo trình Đạo đức học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2011, tr.156.

4. Vũ Dũng, Đạo đức môi trường ở nước ta lý luận và thực tiễn, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2011, tr.60.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 394, tháng 4-2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ GIANG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *