Xây dựng đời sống văn hóa gắn với nông thôn mới ở miền núi phía bắc

Xây dựng nông thôn mới (NTM) đã và đang trở thành phong trào rộng lớn và phát triển sâu rộng trong cả nước. Với 19 tiêu chí, chính quyền và nhân dân các địa phương đã huy động mọi nguồn lực để tổ chức thực hiện, phấn đấu theo những mục tiêu đề ra và đã thu được nhiều thành quả đáng khích lệ. Công tác xây dựng đời sống văn hóa đã giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm để có thu nhập ổn định, làm họ tin tưởng hơn vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng phát triển mạnh ở nhiều địa phương, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Nhiều lễ hội dân gian được khôi phục và bảo tồn, các di tích lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng đã được tu bổ và tôn tạo bằng nhiều nguồn vốn, các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương được lưu giữ. Bên cạnh những mặt đã làm được, công tác xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng NTM trong những năm qua cũng bộc lộ những bất cập cần điều chỉnh, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa như khu vực miền núi phía Bắc.

1. Xây dựng gia đình văn hóa

Xây dựng gia đình văn hóa  được xác định là nền tảng, bởi gia đình là nền tảng của xã hội, văn hóa gia đình văn minh, tiến bộ thì xã hội sẽ phát triển lành mạnh và bền vững. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động các gia đình tham gia xây dựng gia đình văn hóa đã trở thành phong trào ở nhiều địa phương và đạt được những thành tựu nhất định.

 Tổng hợp số liệu báo cáo về tỉ lệ các gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa 11 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc (1) cho thấy, 6 tỉnh là Thái Nguyên 94%, Bắc Cạn 77%, Hòa Bình 83%, Lào Cai 76,9%, Cao Bằng 80,8%, Tuyên Quang 86,1% đạt tỉ lệ gia đình văn hóa từ 75% trở lên; 5 tỉnh còn lại như Điện Biên 60%, Lạng Sơn 66,7%, Yên Bái 72%, Sơn La 61% đạt tỉ lệ thấp, Hà Giang có tỉ lệ đạt danh hiệu gia đình văn hóa thấp nhất với 54,1%. Điều này cho thấy, tuy phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở các địa phương được triển khai sâu rộng nhưng rõ ràng đã và đang có những vướng mắc cần được tháo gỡ.

Qua số liệu thống kê và nghiên cứu thực địa, chúng tôi đưa ra một số nguyên nhân như sau:

Thứ nhất, đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí chưa đồng đều, nhận thức của đồng bào chưa thấu đáo nhưng lại áp dụng những tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa chung cho cả nước là khiên cưỡng.

Thứ hai, do cư dân ở khu vực miền núi phía Bắc vẫn lấy phương thức canh tác ruộng, nương, rẫy là phương thức sinh kế chủ yếu nên đời sống kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn. Điều này dẫn đến việc ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên họ coi nhẹ việc xây dựng gia đình văn hóa.

Thứ ba, ở một số địa phương, việc tuyên truyền vận động nhân dân trong công tác xây dựng gia đình văn hóa chưa được thường xuyên, liên tục dẫn đến tỉ lệ đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa còn thấp và thập chí người dân còn chưa hiểu hết thế nào là gia đình văn hóa với những tiêu chí mà phong trào đề ra. Ngược lại, ở một số địa phương, trong quá trình xét duyệt công nhận các danh hiệu văn hóa còn có tình trạng chạy theo thành tích, tăng về số lượng nhưng chất lượng không đảm bảo.

2. Xây dựng làng (xóm, bản, thôn, tổ dân phố) văn hóa

Phong trào xây dựng làng (xóm, bản, thôn, tổ dân phố) văn hóa trong những năm qua thực sự đã có những tác động tích cực trong việc cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của người dân, các tệ nạn xã hội dần được đẩy lùi, tình hình an ninh, chính trị được giữ vững. Phong trào cũng đã huy động được sự đóng góp kinh phí và ngày công lao động trong việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, đẩy lùi được các hủ tục lạc hậu, gìn giữ và phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

Theo tổng hợp số liệu báo cáo về tỉ lệ đạt danh hiệu làng (xóm, bản, thôn, tổ dân phố) văn hóa của 10 tỉnh: Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Điện Biên, Lào Cai, Lạng Sơn, Yên Bái, Cao Bằng, Sơn La, Tuyên Quang (2), thì chỉ có 2 tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang đạt trên 75% danh hiệu làng (xóm, bản, thôn, tổ dân phố) văn hóa, 8 tỉnh còn lại cao nhất cũng chỉ đạt 68%, thấp nhất là tỉnh Sơn La chỉ đạt 33%. Để giải thích cho vấn đề này, chúng tôi đưa ra một vài nguyên nhân như sau:

Thứ nhất, các tỉnh miền núi phía Bắc địa bàn dân cư phân bố không đồng đều, cư trú tập trung ở vùng thấp, thị xã, thị tứ, thưa thớt ở vùng cao, vùng sâu (vùng dân tộc ít người), giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao còn thiếu và yếu, đời sống vật chất còn chưa cao.

Thứ hai, nhận thức về phong trào xây dựng làng (xóm, bản, thôn, tổ dân phố) văn hóa ở chính một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thống nhất, đồng bộ. Vì vậy, việc đầu tư về kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất văn hóa còn chưa được chú trọng nên các phong trào còn yếu.

Thứ ba, với địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, giáp biên, một số địa phương đã và đang gia tăng tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy, cờ bạc, nghiện hút. Vì vậy, tỉ lệ làng (xóm, bản, thôn, tổ dân phố) văn hóa thấp phản ánh khá trung thực và khách quan tình hình thực tế.

Thứ tư, do bộ máy chỉ đạo và tổ chức thực hiện xây dựng đời sống ở các địa phương là kiêm nhiệm nên hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ. Vì thế, công tác tuyên truyền vận động nhân dân còn yếu nên người dân ở các làng (xóm, bản, tổ dân phố) chưa nhiệt tình phấn đấu thực hiện các tiêu chí để đạt danh hiệu gia đình văn hóa.


  Bản Lìm Mông, Mù Căng Chải, Yên Bái. Ảnh Pari

3. Xây dựng nông thôn mới

Phong trào xây dựng NTM gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở khu vực miền núi phía Bắc. Phong trào đã đạt được những kết quả:

Xây dựng được hệ thống giao thông tới các trung tâm xã, cụm xã, đường liên xã, liên bản, đường biên giới, đường tuần tra biên giới bằng vốn ngân sách và xã hội hóa. Các bản, các xã huy động được hàng vạn ngày công của nhân dân tham gia mở đường, cải tạo, nâng cấp, bê tông hóa đường làng ngõ xóm, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân mở rộng buôn bán, vận chuyển hàng nông sản, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn ngày nay.

Thông qua cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án về phát triển kinh tế, văn hóa đã nâng cao nhận thức của nhân dân. Đồng thời, đây cũng chính là động lực về vật chất và tinh thần để phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng ổn định, bền vững, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện rõ rệt.

Bên cạnh những mặt tích cực, phong trào xây dựng NTM ở khu vực miền núi phía Bắc còn gặp rất nhiều khó khăn. Tỉ lệ hộ nghèo vẫn cao, còn nhiều hộ gia đình nhà tranh tre, các thiết chế văn hóa, thể thao chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, đường làng, ngõ xóm vẫn chưa được bê tông hóa, hệ thống cống rãnh nước thải, rác thải sinh hoạt chưa có, quỹ đất cho quy hoạch các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các thiết chế văn hóa còn hạn chế. Mặt khác, do tập quán canh tác và mưu sinh nên đồng bào các dân tộc ít người ở khu vực này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, tình trạng nhốt gia súc dưới gầm sàn nhà còn phổ biến gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân. Chính những vấn đề này đã dẫn đến tình trạng các địa phương chưa mạnh dạn đăng ký, phấn đấu các danh hiệu văn hóa, danh hiệu xã đạt chuẩn NTM.

4. Một số kiến nghị

Khi điều chỉnh lại một số tiêu chí trong 19 tiêu chí của xây dựng NTM đối với khu vực miền núi phía Bắc, chúng ta cần phải có những nghiên cứu cụ thể và phù hợp:

Thứ nhất, do khu vực miền núi phía Bắc có địa hình phức tạp, đồi núi cao hiểm trở nên tiêu chí về giao thông cần phải cân nhắc. Bởi, phương thức canh tác của đồng bào ở khu vực này chủ yếu là ruộng bậc thang và nương rẫy.

Thứ hai, tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa cần phải điều chỉnh, đó là: nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ VHTTDL. Tỉ lệ thôn có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn của Bộ VHTTDL (3). Muốn điều chỉnh tiêu chí này, cần phải có những điều tra khảo sát, báo cáo số liệu cụ thể ở từng địa phương. Bởi cơ sở vật chất văn hóa chỉ là một trong những tiêu chí về văn hóa, nhưng tiêu chí này lại liên quan đến mức độ đầu tư về kinh phí của từng địa phương và của nhân dân, mà đời sống của người dân khu vực miền núi phía Bắc đã và đang gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ ba, cũng liên quan đến văn hóa đó là: xã có 70% trở lên số thôn, bản đạt tiêu chuẩn làng văn hóa theo quy định của Bộ VHTTDL (4).

Theo quy định của Bộ VHTTDL, xã đạt tiêu chuẩn làng văn hóa phải hội tụ đủ 5 tiêu chí với thứ tự: đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển; đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; môi trường cảnh quan sạch đẹp; chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng. Vì thế, muốn điều chỉnh tiêu chí này, phải điều chỉnh từ những quy định của Bộ VHTTDL.

Tiêu chí thứ nhất: đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển. Điều quan trọng ở tiêu chí này đối với khu vực miền núi phía Bắc là không có hộ đói, xóa được nhà tạm, nhà dột nát, người dân nhận thức được việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế (nông nghiệp và nghề truyền thống), có ý thức tham gia cuộc vận động xây dựng NTM. Còn những vấn đề khác như: tỉ lệ hộ nghèo thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tỉ lệ hộ có nhà bền vững cao hơn mức bình quân chung; tỉ lệ lao động có việc làm, thu nhập bình quân đầu người/năm cao hơn mức bình quân chung; xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế xã hội ở cộng đồng là những tiêu chí khó có thể thực hiện được.

 Tiêu chí thứ hai: đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú. Người dân các dân tộc thiểu số chủ yếu làm nông nghiệp, canh tác ruộng và nương rẫy nên chủ yếu lao động bằng chân tay. Vì vậy, việc duy trì những phong trào văn hóa thể thao thu hút 40% người dân tham gia là điều khó có thể thực hiện được, chỉ vào những dịp lễ hội truyền thống như cúng bản, tết, hội… họ mới tham gia đông đủ.

Tiêu chí thứ ba: môi trường cảnh quan sạch đẹp. Tiêu chí này là phù hợp nhưng vẫn còn thiếu. Đối với văn hóa các dân tộc ít người, luật tục và những tri thức liên quan đến việc quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên được người dân tuân thủ hết sức nghiêm túc. Vì vậy, ngoài những quy định của Nhà nước, đối với những tiêu chí mang tính chất vùng miền, tộc người, phải đưa luật tục và tri thức bản địa về môi trường sinh thái lồng ghép vào mới có thể khích lệ và nâng cao được ý thức của người dân về giữ gìn môi trường cảnh quan. Đồng thời, sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tộc người…

Tiêu chí thứ năm: có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng. Với hai mục tiêu đã đề ra ở tiêu chí này là chưa đủ, bởi tinh thần đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau trong cộng đồng không chỉ thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước, phát triển phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, nhằm chăm sóc các gia đình chính sách, người có công với cách mạng; thực hiện tốt các hoạt động nhân đạo từ thiện, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, gia đình khó khăn, người già cô đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam và những người bất hạnh mà còn là tinh thần đoàn kết trong chính cộng đồng đó từ việc giúp đỡ nhau trong việc chăn nuôi, trồng trọt và phát triển kinh tế, tương trợ nhau trong những lúc ốm đau, bệnh tật, việc tang, việc cưới… đoàn kết gắn bó trong việc tổ chức các lễ hội truyền thống, công việc của địa phương và tổ chức đoàn thể…

Từ nghiên cứu thực địa và nghiên cứu các văn bản quản lý về 19 tiêu chí xây dựng NTM tại các xã thuộc những tỉnh trung du và miền núi phía Bắc trong Quyết định số 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16-04-2009 về Ban hành bộ tiêu chí quốc gia về NTM và Thông tư số 17/2011/TTBVHTTDL ngày 02-12-2011 quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận xã đạt chuẩn văn hóa NTM, có một số vướng mắc nhất định, đó là: sự khác biệt giữa khu vực trung du và miền núi; những tiêu chí về giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, gia đình văn hóa, làng văn hóa chưa phù hợp với vùng miền, dân tộc.

Mong các nhà quản lý văn hóa sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể để phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng NTM thực sự đi vào đời sống của nhân dân khu vực miền núi phía Bắc.

____________

1, 2. Báo cáo tại Hội nghị giao ban cụm khu vực Đông Bắc và Tây Bắc, tháng 3 – 2016.

3. Thông tư số 12/2010/TTBVHTTDL ngày 22-12-2010 quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm văn hóa thể thao xã đã đưa ra những quy định cụ thể đối với nhà văn hóa và khu thể thao xã. Thông tư số 06/2011/TTBVHTTDL ngày 08-30-2011 quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của nhà văn hóa – khu thể thao thôn. Đến năm 2014, Bộ VHTTDL đã điều chỉnh lại các tiêu chí trong Thông tư số 05-2014/TTBVHTTDL ngày 30-5-2014 sửa đổi, bổ sung điều 6 của Thông tư số 12/2010/TTBVHTTDL ngày 22-12-2010 và Thông tư số 06/2011/TTBVHTTDL ngày 08-03-2011 quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của nhà văn hóa – khu thể thao thôn.

4. Thông tư số 12/2011/TTBVHTTDL ngày 10-10-2011 quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa, Thôn văn hóa, Làng văn hóa, Ấp văn hóa, Bản văn hóa, Tổ dân phố văn hóa và tương đương.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017

Tác giả : VŨ DIỆU TRUNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *