Truyền thông bảo vệ môi trường vườn quốc gia cát tiên

Trong hai năm 2015 – 2016, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM thực hiện dự án Truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường (BVMT) cho các dân tộc thiểu số khu vực Vườn quốc gia Cát Tiên. Từ kết quả nghiên cứu, dự án đã thực hiện những mô hình truyền thông được đánh giá thiết thực, hiệu quả, đồng thời, kiến nghị giải pháp mang tính khả thi để tiếp tục BVMT đối với loại hình vườn quốc gia (VQG) nói chung (1).

VQG Cát Tiên có diện trải rộng trên địa bàn 3 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước, được đánh giá là bảo tàng thiên nhiên với hệ động, thực vật đa dạng, phong phú. Năm 2001 được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Năm 2005, khu đất ngập nước Bàu Sấu của VQG được Ban thư ký Công ước Ramsar công nhận đưa vào danh sách các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.

Ngoài ra, VQG là địa bàn sinh sống lâu đời của các tộc người Mạ, Chơ ro, Xtiêng… quá trình sinh sống với môi trường rừng núi đã đem lại cho họ nhiều kinh nghiệm thích ứng và khai thác tự nhiên và đóng góp trong bảo vệ rừng. Hiện nay, với chính sách bảo vệ rừng nói riêng, môi trường tự nhiên nói chung được quan tâm, bảo vệ nghiêm ngặt, đã ảnh hưởng đến cuộc sống của các tộc người bản địa ở VQG. Vì vậy, cần có những chính sách, hoạt động truyền thông để các tộc người bản địa nhận thức, sử dụng kinh nghiệm của cộng đồng trong phục vụ cuộc sống, đồng thời có trách nhiệm tham gia BVMT một cách thiết thực, hiệu quả.

Để thực hiện tốt việc truyền thông nâng cao nhận thức về BVMT đối với đồng bào dân tộc bản địa khu vực VQG, dự án đã thực hiện 1.200 phiếu khảo sát đối với các hộ gia đình, cá nhân, ban ngành, đoàn thể tại địa phương,… tại bốn địa điểm có tộc người bản địa sinh sống gắn với VQG Cát Tiên: xã Phú Lý huyện Vĩnh Cửu, xã Tà Lài huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai), xã Đồng Nai Thượng huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng), xã Đồng Nai huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước). Dự án đã thực hiện nhiều nội dung về công tác BVMT để đánh giá thực trạng vai trò của cộng đồng dân tộc thiểu số VQG trong hai lĩnh vực là phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, hay tìm nguyên nhân tác động đến vai trò của cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa…

Tuyên truyền BVMT thông qua tài liệu gắn với cộng đồng cư dân

Lịch truyền thông gắn với tập quán, tri thức bản địa

Việc tuyên truyền bảo vệ rừng được thực hiện qua một số loại hình như: băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, áp phích, hay một số chương trình truyền thanh ở địa bàn… Các loại hình và chương trình này do chính quyền địa phương và Ban Quản lý VQG Cát Tiên thực hiện. Ngoài ra, người dân còn tiếp cận qua các chương trình truyền thông trên truyền hình về BVMT, nhưng không thường xuyên và không chủ đích. Hầu hết đây là các chương trình theo chuyên đề, chuyên mục trên phương tiện truyền thông, chủ yếu là đài truyền hình nhưng không thường xuyên.

Trước đây, có một số tư liệu của các tổ chức, đơn vị thực hiện tuyên truyền về BVMT thông qua tờ áp phích, tập vở phát đến các hộ dân nhưng chưa hiệu quả. Các áp phích có nội dung với những khẩu hiệu suông hoặc hình ảnh mang tính chất minh họa xa lạ, nội dung khá nhiều thông tin về tài nguyên rừng, kêu gọi BVMT, những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng,… được phát cho hộ dân nhưng không đem lại hiệu quả.

Kết quả khảo sát cho thấy người dân cần sản phẩm tuyên truyền BVMT phù hợp với tập quán trong sinh hoạt, canh tác, gắn liền với tri thức bản địa trên nhiều lĩnh vực, gắn với sinh kế lâu dài và môi trường của cộng đồng. Trên cơ sở này, dự án hình thành bộ lịch được sử dụng trong thời gian hai năm, gồm nhiều tờ với những hình ảnh liên quan đến đặc điểm sinh học, tập quán, phong tục, địa lý, tri thức… của cộng đồng. Những hình ảnh trong bộ lịch được khái quát, khẩu hiệu ngắn gọn với thông tin chuyển tải thuận lợi. Bộ lịch gồm những hình ảnh minh họa có chủ đề trực tiếp về tài nguyên của môi trường VQG Cát Tiên, ý thức và trách nhiệm của người dân trong BVMT. Sản phẩm được phân phát cho các hộ dân tại nơi khảo sát trên địa bàn VQG Cát Tiên.

Phim truyền thông gắn với di sản, sinh kế cộng đồng

Trên cơ sở tài liệu khảo sát, nghiên cứu văn hóa tộc người, dự án chọn sản phẩm tuyên truyền môi trường bằng phim tư liệu và truyền thông phù hợp với văn hóa cộng đồng người dân bản địa. Người dân có nguồn phim tư liệu tuyên truyền về di sản, văn hóa, kinh tế… để tìm hiểu, biết thêm, có ý thức bảo vệ những giá trị phù hợp. Nội dung phim ngắn gọn, súc tích, khái quát được giá trị VQG Cát Tiên, cộng đồng tộc người bản địa, những sinh kế, di sản, tập quán duy trì trong môi trường sống hiện tại. Các phim tư liệu được thuyết minh bằng nhiều ngôn ngữ: tiếng Việt, Mạ, Chơ ro, Xtiêng. Phim được chiếu rộng rãi trong cộng đồng, trường học, cơ quan ở khu vực VQG Cát Tiên.

Phim Nghề dệt thổ cẩm của người Mạ với BVMT: nội dung phim khái quát và nêu cao tinh thần BVMT của người Mạ, ý thức bảo vệ và phát triển được nghề thủ công, nhận biết và giữ gìn những kinh nghiệm dân gian, tri thức của cộng đồng trong môi trường sống. Đồng thời, tuyên truyền đến thế hệ trẻ biết yêu quý, học và giữ nghề truyền thống, góp phần trong sinh kế để ổn định cuộc sống và thích ứng với khai thác tài nguyên, tham gia trong BVMT rừng, buôn làng và không vi phạm pháp luật liên quan.

Phim Khai thác thực vật của người Mạ với BVMT: nội dung phim khái quát VQG Cát Tiên và niềm tự hào của cộng đồng về quá trình bảo vệ tài nguyên rừng, nhận diện, giữ lấy và trao truyền cho thế hệ trẻ kho tàng tri thức này. Tuy nhiên, một số hoạt động khai thác các loại gỗ quý để làm nhà trước đây ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, hiện nay đã được người dân thực hiện theo đúng chính sách bảo vệ, bảo tồn của nhà nước. Những tri thức bản địa trong khai thác thực vật phù hợp cần được bảo tồn và phát huy, đặc biệt trong áp dụng thực tiễn đối với đời sống của người Mạ, phát triển hoạt động du lịch và ứng xử phù hợp trong luật bảo vệ tài nguyên. Chính sách quản lý trên cơ sở tài nguyên rừng đảm bảo và tri thức bản địa được bảo tồn hợp lý (khai thác theo mùa, chu kỳ để tái tạo, không phá vỡ cấu trúc thực vật, ảnh hưởng phát triển rừng)…

Phim Duy trì lễ hội của người Chơ ro gắn với BVMT: đây là lễ hội tín ngưỡng về tục thờ hồn lúa với tập quán sản xuất nông nghiệp lúa rẫy của người Chơ ro trên vùng bán sơn địa. Đã có một thời lễ hội này bị mai một nhưng sau được phục hồi. Có những biến đổi trong lễ hội so với truyền thống nhưng đây là lễ hội dân gian có quy mô lớn nhất trong năm của người Chơ ro. Nội dung phim tuyên truyền về ý thức gìn giữ di sản văn hóa thông qua loại hình lễ hội, bảo tồn những giá trị văn hóa liên quan trong môi trường của lễ hội khi thực hành như: thay vì săn bắt động vật rừng, người dân đã chủ động chăn nuôi để phục vụ cho lễ hội… Thông qua hoạt động tuyên truyền về việc bảo vệ truyền thống văn hóa nhằm nâng cao nhận thức trong BVMT, tài nguyên VQG Cát Tiên.

Phim Kinh nghiệm dân gian của người Xtiêng trong việc BVMT: sinh sống và gắn liền với môi trường rừng ở miền Đông Nam Bộ, VQG Cát Tiên, dân tộc Xtiêng đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, khai thác nguồn lợi tự nhiên (lâm sản, thực vật, động vật…) phục vụ nhu cầu cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay những tri thức bản địa bị mai một, thất truyền do nhiều yếu tố. Nội dung phim hướng đến tuyên truyền để cộng đồng tự hào với những đóng góp về gìn giữ rừng, nhận thức được những giá trị trong tri thức dân gian của cộng đồng, đặc biệt ứng xử với môi trường tự nhiên qua lễ hội lập làng. Những hoạt động kinh tế khai phá rừng làm rẫy, làm nhà… đã ảnh hưởng không nhỏ đến tài nguyên thực vật, môi trường rừng. Hiện nay, người dân đã tuân thủ theo chính sách pháp luật của nhà nước trong việc bảo tồn văn hóa của cộng đồng và giữ gìn, phát huy những giá trị trong tri thức ứng xử đối với môi trường tự nhiên trong tham gia sản xuất nông nghiệp, lập làng cư trú, khai thác tài nguyên rừng… Cùng với những thiết chế văn hóa, lợi thế trong sinh thái của VQG Cát Tiên, người dân được chủ động tham gia vào chính sách phát triển của địa phương, từng bước nâng cao nhận thức trong ứng xử, BVMT.              

Trong chính sách phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, Việt Nam đã đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đem lại hiệu quả tích cực, sự chuyển biến trên nhiều lĩnh vực đối với phát triển, song cũng nhiều thách thức, nguy cơ và cả những hệ quả nghiêm trọng đối với môi trường, tác động tiêu cực đến quá trình phát triển bền vững. Để BVMT đáp ứng yêu cầu ổn định và phát triển bền vững, đỏi hỏi từ chính sách của quốc gia đến việc thực thi các giải pháp của đối tượng tham gia. Tùy thuộc vào đặc điểm của từng vùng miền, địa bàn và tính chất mà những hoạt động môi trường cần có các hướng đi, giải pháp phù hợp đem lại hiệu quả thiết thực.

Với 1.200 phiếu khảo sát, tại 04 địa bàn của đồng bào thiểu số bản địa vùng VQG Cát Tiên của dự án đã phản ánh tính chất đa dạng và đặc thù của hoạt động BVMT tại khu vực này. Cộng đồng các dân tộc đã tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu trong quá trình dựa vào thiên nhiên, khai thác thiên nhiên và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên bằng những quy định, luật tục, kinh nghiệm trao truyền cho các thế hệ trong cư trú, sản xuất, tín ngưỡng, đời sống xã hội…

Thế nhưng, có những giai đoạn phụ thuộc vào thể chế quản lý và chính sách kinh tế xã hội đã tác động mạnh mẽ đến cộng đồng các dân tộc tại đây. Trước đây, người dân được tự do sinh sống, canh tác, lập làng (du canh du cư), tự do trong khai thác tài nguyên. Thời kỳ chiến tranh, vùng rừng miền Đông Nam Bộ cũng như VQG Cát Tiên bị ảnh hưởng, cộng đồng các dân tộc lâm vào khó khăn. Với chính sách định canh, định cư của nhà nước, đời sống, tập quán, luật tục, tín ngưỡng… của người dân có nhiều chuyển biến. Quá trình đan xen cư trú đã tạo nên những giao thoa, tiếp biến văn hóa của tộc bản địa với các tộc người khác. Dù có những biến chuyển, thay đổi với nhiều hướng khác nhau, cộng đồng các dân tộc tại khu vực VQG Cát Tiên đều có ý thức trong BVMT gắn liền với cuộc sống cá nhân, cộng đồng và tuân thủ theo quy định của nhà nước, nhận biết hành vi vi phạm theo quy định.

Kết quả thực hiện dự án đem lại những hiệu quả tích cực trên phương diện nhận thức và hành vi BVMT đối với cộng đồng các dân tộc khu vực VQG Cát Tiên. Thông qua khảo sát của dự án, người dân có cơ hội nhận thức và sử dụng kiến thức cá nhân, cộng đồng cùng tham gia BVMT.

Chính sách phát triển kinh tế xã hội các địa phương phải quan tâm nghiên cứu đến đặc điểm lịch sử văn hóa của từng địa bàn. Việc tuyên truyền về BVMT cần gắn kết di sản văn hóa, sinh kế… của cộng đồng, gắn với môi trường VQG Cát Tiên. Nội dung tuyên truyền BVMT cần được xây dựng trên cơ sở gắn với đặc điểm tộc người trên những lĩnh vực văn hóa, tập quán canh tác, các loại hình sinh kế, tín ngưỡng dân gian, hoạt động kinh tế xã hội của địa phương và gắn với đặc điểm của môi trường VQG Cát Tiên.

Với lợi thế về tài nguyên rừng và văn hóa bản địa, VQG Cát Tiên và các vùng phụ cận có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, về nguồn và trải nghiệm thực tế. Hoạt động du lịch tại VQG Cát Tiên cần quan tâm, hướng đến lợi ích của cộng đồng dân cư bản địa. Sự tham gia bằng nhiều hình thức trực tiếp hay gián tiếp được đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, cơ quan, tổ chức trong khai thác du lịch sẽ làm cho sản phẩm du lịch đa dạng và đem lại hiệu quả trong sinh kế của cộng đồng. Từ hiệu quả sinh kế, người dân đảm bảo được cuộc sống của gia đình, không thực hiện các hành vi vi phạm trong BVMT.

_______________

1. Dự án Truyền thông nâng cao nhận thức về BVMT cho các dân tộc thiểu số khu vực VQG Cát Tiên do Trường Đại học Văn hóa TP.HCM thực hiện năm 2015 – 2016.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017

Tác giả : PHAN ĐÌNH DŨNG – LÂM NHÂN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *