Đổi mới đào tạo ngành quản lý văn hóa

Nhằm phân tích nhu cầu đổi mới đào tạo ngành quản lý văn hóa (QLVH) ở nước ta hiện nay, tác giả mong muốn đưa ra các giải pháp về đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, đánh giá kết quả đào tạo. Bài viết cũng đề cập đến một số điều kiện để thực hiện đổi mới đào tạo ngành QLVH.

Nhu cầu đổi mới đào tạo ngành QLVH

Bối cảnh

Đất nước ta đang tiếp tục quá trình đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng. Bối cảnh hoạt động của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đang chứng kiến những thay đổi mang tính cách mạng. Thực tiễn trên đã đặt ra những yêu cầu mới đối với đội ngũ những người làm văn hóa nói chung, các nhà QLVH nói riêng. Họ cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng quản lý hiện đại để có thể hoạt động một cách hiệu quả trong điều kiện mới.

Đào tạo ngành QLVH ở bậc đại học đã chính thức được Bộ Giáo dục – đào tạo phê duyệt từ năm 2005. Đến nay, ngành đã được quan tâm đầu tư một cách chuyên nghiệp, hệ thống, từ bậc cao đẳng, đại học đến thạc sĩ, tiến sĩ, được thực hiện ở nhiều cơ sở đào tạo khắp cả nước. Chương trình đào tạo cũng như những giáo trình đầu tiên của ngành đã được xây dựng cách đây khoảng 10 năm. Qua thực tiễn nghiên cứu, giảng dạy, kiểm nghiệm kết quả công tác của sinh viên sau khi ra trường, cho thấy một thực tế là cần tiếp tục đổi mới toàn diện hoạt động đào tạo ngành QLVH để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực của ngành nghề, xã hội.

Bên cạnh đó, đổi mới đào tạo ngành QLVH không nằm ngoài bối cảnh chung của chủ trương đổi mới giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học Việt Nam hiện nay. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của đào tạo đại học, gắn đào tạo với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, với tiến bộ khoa học công nghệ, phấn đấu đạt ngang tầm khu vực đang là nhiệm vụ của toàn ngành giáo dục, đào tạo, trong đó có đào tạo văn hóa. Điều này được thực hiện theo Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiệm vụ đến năm 2020.

Yêu cầu đổi mới

Nhà quản lý văn hóa là những người có nhiệm vụ tổ chức, phối hợp, điều hành các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp hay cộng đồng. Ngoài ra, họ còn là “người điều phối, sử dụng các nguồn lực để thực hiện sứ mệnh, mục tiêu của tổ chức; là tác nhân kết nối nghệ sĩ, tổ chức văn hóa nghệ thuật với công chúng, nhằm đưa các giá trị văn hóa nghệ thuật đến với khán giả, thúc đẩy năng lực sáng tạo của nghệ sĩ, phát triển sự nghiệp văn hóa” (1).

Yêu cầu đào tạo đội ngũ QLVH hiện nay là phải trang bị hệ thống những tri thức, kỹ năng then chốt. Những kiến thức đó bao gồm: kiến thức, kỹ năng về quản lý nói chung như thiết lập các mục tiêu cho tổ chức, lập, thực hiện kế hoạch, quản lý tài chính, quản lý các mối quan hệ đối nội, đối ngoại của tổ chức, quản lý nhân lực, gây quỹ, vận động tài trợ, quản lý hoạt động marketing, phát triển thương hiệu, quản lý cơ sở vật chất…; kiến thức, kỹ năng quản lý đặc thù cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật như xây dựng, quản lý các chương trình nghệ thuật, bộ sưu tập của bảo tàng, triển lãm, các dự án văn hóa, quản lý đội ngũ nghệ sĩ, cộng tác viên, tình nguyện viên, phát triển khán giả, khách tham quan…

Đổi mới đào tạo ngành QLVH

Đổi mới mục tiêu đào tạo

Việc đổi mới đào tạo ngành QLVH phải bắt đầu từ mục tiêu đào tạo vì điều đó sẽ chi phối việc thiết kế nội dung chương trình, phương pháp đào tạo. Mục tiêu cần được xác định là đào tạo cử nhân ngành QLVH có lập trường tư tưởng vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, sau khi ra trường có thể tổ chức, điều hành các hoạt động văn hóa ở các tổ chức thuộc khu vực nhà nước, tư nhân, các tổ chức có yếu tố nước ngoài, các cơ sở, cộng đồng dân cư.

Cụ thể chương trình cần hướng tới việc trang bị cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng cơ bản, hệ thống về văn hóa nghệ thuật, khoa học quản lý, quản lý văn hóa nghệ thuật, giúp họ có năng lực vận dụng lý thuyết vào giải quyết các nhiệm vụ thực tiễn về quản lý, phát triển văn hóa. Mục tiêu của chương trình đào tạo ngành QLVH cần mở rộng phạm vi công việc sinh viên có thể làm sau khi ra trường. Với bức tranh đa dạng về các loại hình tổ chức văn hóa nghệ thuật ở nước ta hiện nay, chương trình đào tạo cần cung cấp nguồn nhân lực không chỉ trong lĩnh vực văn hóa truyền thống mà cả ở các quỹ văn hóa, tổ chức phi chính phủ, có yếu tố nước ngoài, doanh nghiệp văn hóa, nghệ thuật tư nhân, các loại tổ chức khác. Như vậy, mục tiêu đào tạo mới mang tính thực tiễn, hội nhập, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng.

Đổi mới nội dung đào tạo

Cần đảm bảo kết cấu khoa học của chương trình đào tạo. Chương trình đào tạo QLVH có 3 khối kiến thức cơ bản: quản lý văn hóa nghệ thuật (đặc biệt là văn hóa nghệ thuật Việt Nam), văn hóa nghệ thuật, khoa học quản lý.

Khối kiến thức về quản lý văn hóa nghệ thuật là khối kiến thức chuyên ngành, đồng thời là bộ phận trọng yếu trong chương trình đào tạo. Phần này cần có tính linh hoạt thông qua việc thiết kế các học phần bắt buộc, học phần tự chọn để sinh viên có thể đi theo sở trường, mối quan tâm hay các định hướng nghề nghiệp cụ thể khác nhau.

Khối kiến thức về văn hóa nghệ thuật, khoa học quản lý sẽ cung cấp những kiến thức nền cơ bản về lĩnh vực hoạt động cho các nhà quản lý văn hóa tương lai. Đây sẽ là tiền đề để sinh viên đi sâu vào những kiến thức, kỹ năng quản lý chuyên ngành về văn hóa.

Trong khối kiến thức chuyên ngành, cần mạnh dạn đưa vào những môn học mới như quản lý thị trường văn hóa, doanh nghiệp văn hóa, tài chính, thương mại quốc tế các sản phẩm, dịch vụ văn hóa… Hoạt động QLVH hiện nay cần đến nhiều kỹ năng quản lý kinh tế vì các tổ chức văn hóa nghệ thuật đang vận động trong môi trường cạnh tranh gay gắt, phải xử lý các vấn đề kinh tế trong hoạt động văn hóa một cách hiệu quả.

Đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả của từng môn học

Điều kiện tiếp theo để đảm bảo chất lượng của chương trình đào tạo là việc thiết kế nội dung chi tiết từng môn học.

Mỗi môn học cần có kiến thức cơ bản, hệ thống, bao gồm cả phần dân tộc, hiện đại, thường xuyên được cập nhật, gắn với thực tế. Xây dựng đề cương chi tiết cho một môn học xuất phát từ đặc điểm của đối tượng đào tạo, mục tiêu cụ thể. Xác định rõ môn học nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng gì cho sinh viên, phạm vi nội dung của môn học, sau khi sinh viên học xong sẽ có thể làm gì… Đó sẽ là cơ sở khoa học để xác định nội dung chi tiết, kết cấu các chương, phần trong môn học.

Phân bổ thời gian hợp lý giữa lý thuyết với thực hành, tăng cường rèn luyện kỹ năng cho sinh viên

Xét tổng thể chương trình đào tạo cũng như từng môn học cần đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa lý thuyết với thực hành, phương châm là chú trọng rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên.

Muốn vậy, mỗi môn học đều phải thiết kế các bài tập tình huống để sinh viên có cơ hội tìm hiểu, thực hành kỹ năng. Cần phân bổ thời gian thích đáng, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho những phần thực hành này. Bên cạnh đó, sinh viên cần được đi khảo sát thực tế, trao đổi với những chuyên gia hoạt động thực tiễn. Các đợt thực tập nghề nghiệp giữa khóa, trước khi tốt nghiệp cũng là cơ hội tốt để sinh viên tập dượt các kỹ năng nghề nghiệp, tích lũy kinh nghiệm.

Đổi mới phương pháp giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của sinh viên

Đổi mới phương pháp giảng dạy

Đổi mới phương pháp giảng dạy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc chuyển tải nội dung chương trình, thực hiện mục tiêu đào tạo. Đổi mới nội dung đào tạo phải đi đôi với đổi mới phương pháp giảng dạy. Định hướng chung là phải sử dụng các phương pháp giảng dạy, tổ chức học tập nhằm phát huy tối đa tính tích cực, chủ động, năng lực sáng tạo của sinh viên.

Giảng viên cần phải thay đổi tư duy về dạy học. Dạy học hiện đại không phải là cố gắng đưa ra nhiều thông tin, số liệu, dữ kiện về môn học mà cần chú trọng dạy phương pháp thu thập, xử lý thông tin cho sinh viên. Giảng viên phải cung cấp phương pháp luận làm việc, định hướng, khơi gợi để sinh viên có thể làm chủ quá trình tích lũy tri thức, thực hiện việc học tập suốt đời.

Để phát huy tính độc lập, sáng tạo, tư duy phản biện khoa học cho sinh viên, cần áp dụng biện pháp giảng dạy nêu vấn đề, sử dụng các nghiên cứu trường hợp. Như vậy, sinh viên sẽ dễ dàng tiếp thu những vấn đề lý thuyết trừu tượng, có điều kiện hình thành quan điểm, chính kiến riêng của mình. Giảng viên cần bồi dưỡng cho sinh viên lối tư duy đa chiều, vấn đề gì cũng cần lật đi lật lại để xem xét toàn diện mọi góc độ, khía cạnh, phát hiện những mặt ưu, nhược điểm. Để làm được điều đó, giảng viên cần có thái độ hợp tác, tôn trọng ý kiến của sinh viên, tạo môi trường dân chủ, cởi mở để sinh viên có thể học hỏi, phát triển tốt.

Để sinh viên vừa có khả năng làm việc độc lập, vừa có khả năng làm việc nhóm, cần áp dụng các phương pháp thích hợp như tổ chức hoạt động học tập cá nhân, làm việc theo từng cặp, theo nhóm. Các môn học nên thiết kế các loại bài tập dạng này trong giờ học trên lớp, ở quỹ thời gian tự học của sinh viên.

Đổi mới phương thức đánh giá kết quả học tập của sinh viên

Đổi mới phương thức đánh giá kết quả học tập của sinh viên rất quan trọng vì việc đánh giá khách quan, chính xác không những giúp sinh viên có phương hướng cải thiện việc học tập mà còn giúp giảng viên có căn cứ điều chỉnh việc giảng dạy.

Các căn cứ, tiêu chí đánh giá kết quả học tập của sinh viên cần cụ thể, rõ ràng, tránh mơ hồ hoặc mang tính chủ quan, cảm tính. Các tiêu chí này cần được thông báo ngay từ đầu khóa học để sinh viên có thể nắm bắt, định hướng cho việc học tập.

Nên kết hợp việc đánh giá thường xuyên trong suốt quá trình học tập môn học, kết quả thi hết học phần. Chú trọng phương pháp đánh giá kết quả học tập thông qua việc thực hiện dự án nhóm, kỹ năng thuyết trình. Bên cạnh phần thuyết trình của cả nhóm, mỗi sinh viên cần viết một bản báo cáo cá nhân. Như vậy, có thể đánh giá chung về nhóm, cũng như riêng từng sinh viên.

Một số điều kiện để đổi mới đào tạo ngành QLVH

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên

Đội ngũ giảng viên là điều kiện tiên quyết cho mọi đổi mới, đồng thời là yếu tố quyết định cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Giảng viên phải được trang bị, cập nhật những kiến thức mới về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để đổi mới tư duy, hoạt động.

Bên cạnh đó, cũng cần khuyến khích giảng viên thường xuyên gắn kết với thực tế quản lý văn hóa trong nước, hoạt động của các tổ chức, đơn vị văn hóa nghệ thuật. Giảng viên cần được hỗ trợ để tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học về chuyên môn, nhất là việc biên soạn bài giảng, giáo trình cho các môn học.

Tăng cường cơ sở vật chất cho đào tạo

Cơ sở vật chất là điều kiện quan trọng cho việc dạy, học. Do đó, cần trang bị các nguồn lực vật chất tương xứng để đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy. Nguồn lực quan trọng hàng đầu là thông tin. Ở các trường đại học hàng đầu, thư viện bao giờ cũng được đầu tư tương xứng vì đây thực sự là giảng đường thứ hai của sinh viên. Bên cạnh đó, thư viện trường phải có nhiều máy tính kết nối internet, khu ký túc xá, khuôn viên trường được phủ sóng wifi để sinh viên có thể tìm tin, làm các bài tập, tự học, tự nghiên cứu.

Bên cạnh nguồn lực thông tin, trang thiết bị cho giảng dạy, học tập như máy chiếu, màn hình, đầu đọc băng, đĩa cũng rất cần thiết để có thể ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. 

Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý đào tạo

Hiện nay, nhiều trường đã chuyển đổi từ chế độ đào tạo niên chế sang tín chỉ, do đó đã giảm tải thời gian học lý thuyết trên lớp, tăng thời gian tự học cho sinh viên, khuyến khích các hình thức giảng dạy đa dạng. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý hiện đại này còn có nhiều ưu điểm như đảm bảo tính linh hoạt, chủ động trong lộ trình học tập của sinh viên, tổ chức giảng dạy của giảng viên, quản lý đào tạo của nhà trường.

Nhà trường cần nghiên cứu cơ chế giảm tải định mức lao động trong một năm học để giảng viên có thể dành nhiều thời gian đầu tư cho nghiên cứu, cập nhật kiến thức về chuyên môn cũng như vận dụng các phương pháp giảng dạy mới. Vấn đề cấp thiết khác là chế độ đãi ngộ đảm bảo đời sống cho giảng viên, giúp họ yên tâm công tác.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Tăng cường hợp tác quốc tế là điều kiện quan trọng để đổi mới đào tạo QLVH. Trong lĩnh vực này cần đặc biệt chú ý đến việc hợp tác với các trường đại học có ngành đào tạo tương tự trên thế giới. Các hoạt động hợp tác quốc tế cần triển khai là: mời giáo sư nước ngoài sang thỉnh giảng, hợp tác nghiên cứu, cử giảng viên Việt Nam đi học tập, khảo sát ở nước ngoài… Bên cạnh đó, cần tranh thủ các dự án hợp tác quốc tế để góp phần tăng cường cơ sở vật chất cho dạy, học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Đổi mới đào tạo ngành QLVH là nhu cầu cấp thiết của nước ta trong thời đại mới, khi mà bối cảnh xã hội đã, đang thay đổi mạnh mẽ. Đổi mới đào tạo phải gắn với nhu cầu, điều kiện thực tiễn của đất nước trong thời điểm hiện tại, đồng thời chuẩn bị cho tương lai. Đổi mới cần bắt đầu từ việc xác định mục tiêu đào tạo đến đổi mới toàn diện cả nội dung, phương pháp đào tạo, đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Để thực hiện công cuộc đổi mới đó cần đảm bảo những điều kiện thiết yếu về xây dựng đội ngũ giảng viên, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, cải tiến cơ chế quản lý đào tạo, đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Điều này sẽ đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành văn hóa, đưa giáo dục đào tạo đại học của nước ta tiến lên những tầm cao mới, ngang bằng với các nước trong khu vực, trên thế giới.

_______________

1. Dự án nghiên cứu giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam, Thuật ngữ Quản lý văn hóa nghệ thuật, Viện Văn hóa Thông tin, dự án quỹ Ford, 2004, tr.185.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 – 2017

Tác giả : PHẠM BÍCH HUYỀN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *