Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự

Đại Tự là một làng cổ, thuộc Xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 13 km về phía tây. Từ một làng nông nghiệp, Đại Tự du nhập thành công nghề cơ khí và mộc dân dụng. Đây là mấu chốt của những thay đổi về văn hóa. Từ cuộc sống dựa vào nông nghiệp là chính, chuyển sang cuộc sống công nghiệp đã tạo ra những thay đổi về nhịp sống, lối sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng và ảnh hưởng đến thái độ của cư dân đối với di sản văn hóa truyền thống.

1. Thay đổi về lối sống, nhịp sống

Trong quá trình du nhập nghề, người làng Đại Tự đã loại dần sản xuất nông nghiệp trong hoạt động mưu sinh và cũng từng bước thay đổi lối sống truyền thống dựa vào nông nghiệp. Người nông dân chuyển thành người công nhân và thích ứng với tác phong công nghiệp.

Quá trình khảo sát ở làng Đại Tự, chúng tôi thấy, nhịp sống ở đây đã thay đổi, gấp gáp và năng động hơn, đặc biệt phải đúng giờ giấc theo quy định của từng cơ sở sản xuất. Khi nghề nông không còn đảm bảo đời sống, những lao động chính trong gia đình buộc phải gồng mình kiếm tiền mưu sinh từ sáng đến tối. Những người cao tuổi trở thành người nội trợ và chăm sóc cháu tích cực.

Cuộc sống công nghiệp cũng ảnh hưởng tới cách cư xử giữa các thành viên trong gia đình cũng như giữa các gia đình với nhau, nhìn chung là nhẹ nhàng, tinh tế, mềm mỏng, bình thản hơn nhiều so với trước, thể hiện qua lời ăn tiếng nói, cách nhìn nhận giải quyết một vấn đề, nhất là động chạm đến quyền lợi, uy tín của nhau. Trước đây có thể chấp nhặt nhau, nhưng nay có thể dễ bỏ qua cho nhau.

2. Biến đổi về phong tục, tập quán

Tổ chức cưới xin

Mặc dù, các thủ tục trong đám cưới đã giảm nhưng những nghi lễ chính vẫn được người dân duy trì như dạm ngõ, ăn hỏi, lễ cưới và lại mặt. Hiện nay, có hiện tượng khá phổ biến là đón dâu hai lần, hôm đến ăn hỏi thì nhà trai cũng mang theo lễ xin cưới lần một và đón cô dâu về ngủ một đêm ở nhà chú rể, hôm sau về; đến hôm cưới chính thức lại có lễ xin dâu và đón dâu lần hai.

Khách mời tham dự đám cưới phụ thuộc vào dòng họ, quan hệ hay gia cảnh của từng gia đình. Cưới xin ở Đại Tự hiện nay cũng được rút gọn khách mời; đối tượng mời cưới là họ hàng, bạn bè, hàng xóm gần. Với những chủ xưởng, giám đốc công ty có tổ chức cưới con mời mở rộng hơn, đối tượng khách còn có thể thêm: người cung cấp vật tư, công nhân, khách hàng, đại lý ở gần gắn bó với doanh nghiệp… Khách ở xa hoặc trong làng vì bận việc vào ngày chính tiệc hay đang vướng “bụi” thì sẽ đến mừng từ hôm trước.

Trước đây, vào hôm trước của đám cưới chính thức, bà con xóm giềng thân thiết đến làm giúp, mừng, ăn cỗ với các món đơn giản hơn so với bữa chính hôm, thường vào khoảng 40 đến 50 mâm. Những năm gần đây, tục này đã thay đổi: ngày hôm trước chỉ có họ hàng gần gũi mới đến làm giúp và mừng từ hôm trước, còn dân làng chỉ đến mừng vào buổi chiều tối hôm trước, hoặc ngày hôm sau (hôm cưới chính). Tình hình này xuất phát từ các nguyên nhân: từ khi có nghề cơ khí, người làm nghề bận bịu với công việc nên thấy cần phải giảm số lần đến dự trong một đám cưới; nghề cơ khí tạo nguồn thu nhập cao cho các gia đinh, chấm dứt cảnh nhiều gia đình phải bán thóc để có tiền đi ăn cưới, điều kiện ăn uống đã được cải thiện vượt bậc nên đã bão hòa, nhiều người không muốn đi ăn nhiều bữa cỗ, thậm chí có người phải tìm cách trốn ăn cỗ; trong các hội nghị của các đoàn thể địa phương, cấp ủy và chính quyền cũng tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tổ chức cưới xin giản dị, tránh lãng phí về tiền của và công sức, tập trung cho sản xuất, làm nghề.

Cách mời ăn cưới hiện nay cũng có những nét khác: trước đây, sau lễ ăn hỏi, nhà gái phải đi chia cau khắp cả làng để thông báo cho làng biết. Hiện nay, lệ này đã bỏ; trước kia, ngày cưới và ngày ăn hỏi cách nhau có khi cả nửa năm. Hiện nay, các đám đều kết hợp giữa ăn hỏi và cưới gần nhau; trước đây trước giờ ăn cỗ cưới gia chủ phải đi khắp làng mời thêm một lần nữa. Hiện nay chủ nhà chỉ đi mời một lần, nghĩa là đã đơn giản hóa được việc mời, không còn câu nệ phải đủ lễ nghĩa như trước. Điều này chỉ có thể có được khi đa phần người làng Đại Tự đã quen với cuộc sống công nghiệp, thấy được cần phải bớt phiền phức, bỏ rườm rà trong các lễ nghi, tập trung thời giờ cho việc làm nghề và các công việc khác.

Tổ chức tang ma

Từ khi các ngành nghề ở làng phát triển, các phong tục, tập tục liên quan đến tang ma có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, trong đó năm 2007 được coi là một cuộc cách mạng và là kết quả của việc làm nghề. Đó là, dùng xe tang đưa người quá cố ra đồng (trước đây, người làng Đại Tự khiêng linh cữu bằng đòn ra nghĩa địa, đòi hỏi phải có tối thiểu 16 người thanh niên hoặc trung niên có sức khỏe, mỗi bên 8 người, cân bằng nhau về chiều cao, sức vóc; lại phải khiêng một cách chậm rãi suốt chặng đường ra nghĩa địa, tối kị đi nhanh, vì người ta muốn níu kéo hồn người, tình cảm với người chết lại, để bày tỏ sự nghiêm túc, trân trọng). Có sự thay đổi này là do hầu hết thanh niên trẻ khỏe trong làng đang làm việc trong các xưởng cơ khí, nên không thể huy động được đủ người khiêng linh cữu khi có người mất. Từ ngày có xe tang, việc đưa linh cữu người chết nhàn hơn, giữ vệ sinh hơn (người chết có bệnh tật truyền nhiễm thì ít ảnh hưởng đến những người đưa đám). Từ khi có xe tang, làng đã thành lập một tổ chuyên phục vụ hỗ trợ đám tang của làng (vừa đào huyệt, chôn lấp, đẩy xe tang…).

Một cuộc cách mạng khác trong việc tổ chức đám tang ở Đại Tự là rút gọn việc ăn uống. Trước kia, do làng tổ chức khiêng linh cữu người chết bằng đòn nên gia chủ phải mời những người đi khiêng và dân làng đưa tang ăn uống, thông thường cũng phải chuẩn bị 30 đến 40 mâm, những gia đình có quan hệ rộng và họ hàng đông, số mâm cỗ có thể lên đến gần trăm. Khi linh cữu vừa ra khỏi làng, gia đình đã phải cử người ra đầu làng đón và mời người đến chia buồn, đưa tang về nhà ăn bữa cơm chia buồn. Việc này vừa gây phiền phức cho người đi đưa viếng, vừa tốn kém, lãng phí cho gia chủ.

Tổ chức hội làng

Trong đám rước ở lễ hội làng Đại Tự có nhiều biến đổi. Trước đây, đường làng hẹp không rước được kiệu thánh (kiệu bát cống) mà chỉ rước kiệu văn và kiệu bánh (đến ngày lễ hội rước kiệu văn đi trước, kiệu bánh đi sau, rước ra đình làng làm lễ). Từ những năm 90 TK XX đường làng được mở rộng mới bắt đầu rước kiệu thánh. Hiện nay để kịp khai hội, chiều mùng 6 tháng 3 phải rước kiệu bánh và kiệu văn về nhà ông làm bánh (trưởng ban khánh tiết) và ông tả văn để sáng mùng 7 tháng 3 tổ chức rước cùng kiệu thánh.

Đám rước hiện nay cũng được bổ sung nhiều hoạt động phong phú như: múa rồng, múa lân, múa giải lụa, múa phụng, múa sư tử, múa quạt, múa sắp song loan, rước hồng kỳ… Ngoài ra, còn rước ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm khơi dậy ý thức, lòng tự hào dân tộc, thể hiện lòng tôn kính của người dân đối với lãnh tụ.

Ngày nay, lễ hội truyền thống ở làng Đại Tự luôn được bổ sung các hoạt động nhằm thu hút người dân tham gia. Các cụ cao niên hàng năm vào trước hội phải đi tìm các phường bát âm, múa trống, nhạc công… quanh huyện hoặc ngoài tỉnh để thuê và đón về phục vụ lễ hội. Trong lễ hội năm 2010, chỉ tính riêng chi phí trả thù lao cho dàn trống Thăng Long (làm lễ trước cửa đình), múa lân, múa rồng, đội biểu diễn một đêm văn nghệ (hát quan họ trên bến dưới thuyền ở đình, ao đình)… là 50 triệu đồng, chưa tính kinh phí ăn uống cho các đoàn.

Không gian tổ chức lễ hội cũng có sự thay đổi, trước kia các trò chơi không được tổ chức ở sân đình mà ở khu vực cửa chùa và khu vực xây nhà văn hóa hiện nay. Tuy nhiên, hiện nay do dân số đông, người tham dự hội lớn nên các trò chơi trong hội được tổ chức cả ở sân vận động của thôn.

Trước kia do điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, việc trang hoàng chỉ trong khuôn viên của đình làng, còn các khu vực khác không được trang trí. Hiện nay khi có hội, dọc khu đường làng đều treo đèn lồng kết hoa rực rỡ, cờ tổ quốc được treo ở nhà dân, đầu làng còn có biểu ngữ hoan nghành khách thập phương về dự lễ hội với đôi câu đối chào mừng:

Việc trang trí ở các khu vực ngõ xóm cũng có nhiều thay đổi. Năm 2005 cổng chào ở các ngõ xóm chỉ được trang trí bằng những cây tre cuốn giấy màu và lá cọ, nhưng đến lễ hội năm 2010, dân làng dựng cổng chào bằng khung nhôm có đèn lồng, cờ hoa rực rỡ, băng rôn, câu đối, khẩu hiệu trang hoàng hoành tráng đem lại ấn tượng, phấn khởi cho người dân và du khách về dự hội.

Đội ngũ phục vụ cho đám rước cũng có nhiều thay đổi, ngày trước đám rước chỉ có 2 kiệu nên số lượng người tham gia phục vụ cho lễ hội không đông nhưng hiện nay với 5 kiệu cùng các đoàn tham gia vào đám rước rất đông, chỉ tính riêng những người phục vụ (quân kiệu, người các đội…) đã khoảng 430 người tham gia. Hàng nghìn lượt người thường xuyên có mặt tham dự đám rước hội.

3. Vấn đề ủng hộ tu bổ di tích

Cư dân làng Đại Tự trong quá trình xây dựng làng xóm đã tạo dựng được một hệ thống các công trình thờ cúng phục vụ cho đời sống tâm linh, gồm đình, chùa, văn chỉ. Trải qua biến thiên của lịch sử, một số công trình cần được tu bổ, tôn tạo. Với sự hỗ trợ đóng góp ủng hộ của những doanh nghiệp thành đạt trong làng, một số hạng mục trong các công trình đã được tu sửa trên cơ sở nền đất của di tích.

Trước thực trạng nghĩa trang tưởng niệm các liệt sĩ của thôn bị cỏ mọc um tùm, chưa tạo thành một khuôn viên mang tính nghiêm trang thành kính để giáo dục truyền thống cho người dân địa phương, ông Đinh Văn Nghị, Đinh Văn Sáng đã ủng hộ tiền tu sửa lại nghĩa trang khang trang, đẹp đẽ hơn.

Cổng làng Đại Tự được xây dựng năm 1929, đến đầu năm 2015, làng tu sửa lại cổng. Tổng kinh phí cho tu bổ cổng làng khoảng gần 200 triệu, trong đó có 60 triệu đồng do dân đóng góp.

Kinh tế phát triển nhờ làm nghề tạo điều kiện để tu bổ nhà thờ các dòng họ như họ Dương. Trước đây họ không có nhà thờ riêng mà thờ ở nhà trưởng họ. Khi kinh tế của các thành viên trong dòng họ Dương ngày càng làm ăn phát đạt. Các con cháu đã biết cách huy động sức mạnh của cá nhân và tập thể trong dòng họ để xây dựng mới nhà thờ dòng họ…

Có thể thấy, việc du nhập nghề cơ khí và mộc dân dụng đã tác động mạnh mẽ không chỉ đến các khía cạnh kinh tế và xã hội, mà còn cả phương diện văn hóa. Đó là, làm hình thành nếp sống, tác phong làm việc công nghiệp (đúng giờ, khẩn trương, nhanh gọn, ngăn nắp…) trong mỗi con người, mỗi gia đình; đó còn là cách cư xử tinh tế giữa người làng với nhau, người làng với công nhân các nơi khác đến làm việc; việc giảm bớt những thủ tục phiền phức, rườm rà trong tổ chức cưới xin, tang ma đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân tập trung phát triển kinh tế… Tuy nhiên, nhịp sống công nghiệp cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề như suy giảm mối liên hệ thường xuyên giữa các thành viên, các gia đình trong làng… Để giải quyết được những hạn chế này, các cấp, ngành cần có các giải pháp phù hợp với tình hình cụ thể ở địa phương, nhằm thúc đẩy kinh tế làng Đại Tự phát triển nhưng vẫn giữ gìn được các giá trị văn hóa truyền thống.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 – 2017

Tác giả : NGUYỄN ĐÌNH PHÚC

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *