Đo lường sự đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa vào phát triển kinh tế


Trước những năm 60 TK XX, những vấn đề liên quan đến đo lường sự đóng góp của các ngành cộng nghiệp văn hóa (CNVH) đối với nền kinh tế chưa được giới học thuật thực sự quan tâm. Điều đó bắt nguồn từ một số nguyên nhân khách quan như: thiếu dẫn chứng thực tế, dữ liệu thống kê dài hạn về các ngành CNVH; cách tiếp cận đo lường còn nghèo nàn; mối quan hệ giữa các ngành CNVH và kinh tế chưa có hệ thống; quan điểm cho rằng việc phân tích tác động kinh tế của văn hóa là không phù hợp do các ngành CNVH và văn hóa nói chung được coi là hoạt động tinh thần thuần túy và xem đó như một loại hàng hóa công cộng, chính phủ phải dùng nguồn tài chính công để đầu tư cho hoạt động này.

Lịch sử nghiên cứu về những vấn đề kinh tế của các ngành CNVH gắn liền với sự ra đời các tác phẩm của Baumol và Bowen (1) vào những năm 60 TK XX, đưa ra những phân tích về vai trò của ngành nghệ thuật biểu diễn đối với nền kinh tế Hoa Kỳ.

Đến những năm 80 TK XX, ngày càng có nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa các ngành CNVH và nền kinh tế, tác động kinh tế của văn hóa… đặc biệt các nhà nghiên cứu đã tập trung vào các phân tích định lượng để đánh giá sự đóng góp của các lĩnh vực văn hóa khác nhau vào sự phát triển kinh tế. Ở Hoa Kỳ, ngay từ giữa những năm 70 TK XX đã có các nghiên cứu về tác động kinh tế của các lĩnh vực văn hóa làm căn cứ để chính phủ đưa ra các chính sách hỗ trợ cho văn hóa, giáo dục, khoa học.

Việc đo lường sự đóng góp kinh tế của các ngành CNVH có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào quan điểm; hệ thống khái niệm; bối cảnh chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và sự phát triển của hệ thống chỉ tiêu thống kê của mỗi quốc gia. Dưới đây là một số cách tiếp cận phổ biến.

Phân tích cấu trúc và quy mô nền kinh tế

Nhằm xác định xem số lượng hoạt động kinh tế liên quan tới các ngành CNVH, phương pháp tiếp cận này dựa trên các số liệu từ hệ thống tài khoản quốc gia SNA để ước tính sự đóng góp trực tiếp của các ngành CNVH vào các chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản (như tổng giá trị gia tăng (GVA), tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tổng giá trị sản xuất, việc làm, hình thành vốn cố định, xuất khẩu, nhập khẩu) theo các phân ngành hoặc các nhóm ngành có liên quan, từ đó theo dõi toàn bộ các hoạt động kinh tế của ngành.

Phân tích quy mô kinh tế cho thấy một bức tranh toàn cảnh về vai trò và tỷ trọng của các ngành CNVH trong nền kinh tế. Trong khi đó, phân tích cấu trúc được sử dụng để đo lường sự đóng góp của những phân ngành, nhóm có liên quan vào các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tổng hợp hoặc các giai đoạn khác nhau của chuỗi giá trị (2). Cách tiếp cận này thường được sử dụng để đo lường sự đóng góp của các ngành văn hóa trong thời gian dài, tuy nhiên, nó cũng có thể sử dụng để đo lường ngắn hạn khi dựa vào việc đánh giá các chỉ số kinh doanh như doanh thu, số lượng doanh nghiệp, năng suất…

Mô hình cơ bản đo lường cơ cấu và quy mô nền kinh tế:


 

Nhìn chung phương pháp này có cách tiếp cận đơn giản; mức chi phí thấp; có thể kết hợp với các dữ liệu định lượng thu thập được qua các bảng hỏi và phỏng vấn nhóm; sự đóng góp các ngành CNVH có thể được so sánh trên phạm vi quốc tế hoặc so với các ngành khác; có thể nắm bắt được những tác động kinh tế của các ngành CNVH trong ngắn hạn và dài hạn; biết được mức độ đóng góp chung của các ngành CNVH vào tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó cũng không thể tránh khỏi một số tồn tại như: khả năng phân tích, giải thích và đưa ra kết luận ở mức trung bình; có thể gặp phải các vấn đề khi so sánh các biến số kinh tế khác nhau trong dài hạn theo giá trị thực do thông thường, các biến số kinh tế trong ngắn hạn được tính theo giá hiện hành…

Các tài khoản vệ tinh văn hóa (CSA)

Hệ thống tài khoản vệ tinh (SAS) là một phần mở rộng của hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) để đo lường sự đóng góp kinh tế của ngành cụ thể trong phạm vi nền kinh tế của một quốc gia (như du lịch, thể thao, lĩnh vực phi lợi nhuận…). Tài khoản CSA là một công cụ thống kê dùng để đo lường mức độ đóng góp của các ngành CNVH vào sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân. CSA được đề xuất lần đầu tiên bởi Viện Nghiên cứu Kinh tế và Thống kê Quốc gia Pháp vào năm 1986, cho đến nay, hệ thống CSA được sử dụng ở hầu hết các nước Mercosur (3) và một số nước ở châu Âu như Phần Lan, Tây Ban Nha, Anh. Sở dĩ hệ thống CSA ngày càng được sử dụng phổ biến do có khả năng hệ thống hóa một lượng lớn các dữ liệu thống kê (xã hội, nhân khẩu học, văn hóa, tài chính…), không chỉ dùng để đo lường đóng góp kinh tế của các ngành CNVH mà còn để phân tích các hiện tượng văn hóa theo nghĩa rộng.

Hệ thống CSA dựa trên bảng SNA với một ma trận đầu vào – đầu ra (I/O) được xây dựng cụ thể cho các ngành CNVH, tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng quốc gia do ở mỗi nước, định nghĩa về ngành CNVH, phân loại các hoạt động văn hóa được hiểu khác nhau. Dữ liệu để xây dựng CSA có thể được tính toán từ nhiều nguồn khác nhau như: dữ liệu đăng ký kinh doanh, điều tra mức sống dân cư, thống kê chi tiêu chính phủ, thống kê về xuất nhập khẩu…

Phân tích hệ số

Phương pháp nghiên cứu tác động kinh tế dựa trên phân tích hệ số được sử dụng chủ yếu trong những năm 70 và 80 tại Hoa Kỳ, Anh. Các tiếp cận này dùng bảng I/O để phân tích mối tương quan kinh tế giữa ngành CNVH với các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Mối quan hệ giữa các ngành được thể hiện bởi các hệ số kỹ thuật. Bằng cách sử dụng bảng I/O có thể tính toán được các hệ số khác nhau (như hệ số việc làm, hệ số nhân đầu ra, hệ số thu thuế…) với giả thiết rằng một khoản chi tiêu ban đầu gia tăng có thể dẫn đến tiêu thu tăng lên.

Trong mô hình I/O dành cho ngành CNVH thường dùng để đo ba thành phần của hệ số: tác động trực tiếp, tác động gián tiếp và tác động gây ra. Tác động kinh tế trực tiếp là việc làm và thu nhập (GVA hoặc VA) được tạo ra trong cộng đồng, địa phương, khu vực hoặc quốc gia. Tác động kinh tế gián tiếp bao gồm tất cả các hàng hóa và dịch vụ đầu nguồn cần được sản xuất ra để hỗ trợ đầu vào trực tiếp. Tác động gây ra là sự thay đổi trong chi tiêu của người tiêu dùng được tạo ra bởi sự thay đổi thu nhập của lao động trong cộng đồng, địa phương do tác động của các ngành CNVH.

Do cách tiếp cận này sử dụng một lượng lớn các dữ liệu từ nhiều ngành khác nhau nên nếu chất lượng thông tin đầu vào kém thì kết quả ước tính sẽ không chính xác và có thể gây ra sai sót trong việc nhận định các tác động kinh tế của ngành.

Mô hình kinh tế về các hoạt động văn hóa

Mô hình kinh tế về các hoạt động văn hóa sử dụng hàm sản xuất Cobb-Douglas (4) để giải thích rõ hơn mối quan hệ định lượng giữa kết quả sản xuất và các yếu tố sản xuất (yếu tố đầu vào) trong các ngành CNVH, với giả định hệ số co giãn của sản lượng đầu ra theo lao động và vốn là các hằng số theo thời gian, được xác định bởi công nghệ sẵn có. Tuy nhiên, việc sử dụng hàm sản xuất Cobb-Douglas để đo lường sự đóng góp kinh tế của toàn bộ ngành văn hóa rất khó có thể thực hiện mà thường được dùng để đo lường cho các hoạt động văn hóa riêng lẻ như viện bảo tàng, nghệ thuật biểu diễn, hàng thủ công… bằng cách coi số lượng khách tham quan, quy mô người tham dự hoặc tần suất các buổi biểu diễn là sản lượng đầu ra.

Nhìn chung, các ngành CNVH bao gồm nhiều hoạt động phong phú và đa dạng nên việc thu thập dữ liệu theo mô hình chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, các ngành CNVH là tập hợp của nhiều bộ phận xã hội khác nhau, chẳng hạn có những bên liên quan đến khu vực công hoặc khu vực tư nhân; có những loại hình doanh nghiệp khác nhau như những doanh nghiệp có lợi nhuận hoặc các tổ chức phi lợi nhuận. Tất cả điều này dẫn đến mức độ đóng góp kinh tế của các thành phần trong các ngành CNVH không tương đồng tùy thuộc vào vai trò và quy mô thị trường của chúng.

Các nhà nghiên cứu cho rằng việc thiếu nguồn số liệu có chất lượng và sự không chính xác của những dữ liệu hiện có đã khiến cho việc đánh giá sự đóng góp của ngành CNVH vào sự tăng trưởng kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, điều này không chỉ xảy ra ở các nước đang phát triển mà trên toàn thế giới. Một số quốc gia thiếu các dữ liệu chính của ngành CNVH nhưng ở một số quốc gia khác lại thiếu các dữ liệu ở cấp độ phân. Để góp phần hoàn chỉnh bộ dữ liệu phục vụ phân tích thống kê cho các ngành CNVH cần có những biện pháp nhằm nâng cao năng lực của hoạt động thu thập dữ liệu để có được những số liệu chính xác, đáng tin cậy và có thể so sánh được trên phạm vi quốc tế. Điều đó chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở hợp tác giữa cơ quan thống kê quốc gia, Ủy ban UNESCO ở mỗi nước, Viện thống kê của UNESCO (UIS) và các tổ chức quốc tế khác, trong đó, trọng tâm là việc xây dựng khung năng lực của UIS về thống kê văn hóa và hỗ trợ kỹ thuật cho việc phát triển các cuộc điều tra thông qua việc nâng cao năng lực của các nước thành viên để thu thập số liệu thống kê theo phương pháp điều tra và sử dụng các công cụ phân tích kinh tế khác nhau để đo lường.

______________

1. Baumol and Bowen, On Performing Arts: Anatomy of their Economic Proplems, 1965; Performing Arts: The Economic Dilemma, 1966.

2. Chuỗi giá trị là khái niệm từ quản lý kinh doanh đầu tiên đã được mô tả và phổ cập bởi Michael Porter vào năm 1985 trong Competitive Advantage: Creating and Sustaining Superior Performance. Chuỗi giá trị là chuỗi của các hoạt động, sản phẩm đi qua tất cả các hoạt động của các chuỗi theo thứ tự và tại mỗi hoạt động sản phẩm thu được một số giá trị nào đó.

3. Gồm: Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay, Venezuela, Bolivia, Chile, Colombia, Ecuador, Peru.

4. Y=a.Kα.Lβ trong đó Y… sản lượng đầu ra, K: vốn đầu vào, L: lao động đầu vào, α hệ số co giãn của sản lượng theo vốn, β: hệ số co giãn của sản lượng theo lao động, a: năng suất nhân tố tổng hợp.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 – 2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ VÂN ANH – NGUYỄN THANH THỦY

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *