Biến đổi sinh kế nông nghiệp của người sán dìu ở thái nguyên

Sự lựa chọn sinh kế của con người có quan hệ mật thiết với các yếu tố môi sinh (tự nhiên và xã hội), có giao lưu, tiếp nhận, trao đổi với các cộng đồng khác. Thực tế đó luôn đưa đến cho sinh kế những sự thay đổi, thích ứng để sinh tồn và phát triển. Bài viết nghiên cứu sự biến đổi sinh kế qua hoạt động trồng trọt của người Sán Dìu ở Thái Nguyên để thấy được sự nhạy bén trước những tác động của bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay và sự thích ứng của tộc người khi điều kiện môi sinh thay đổi.

1. Biến đổi sinh kế trong trồng trọt

Biến đổi giống cây trồng

Trước kia, đồng bào chủ yếu sử dụng các giống lúa truyền thống như lúa câu, tám cao, tám lùn, ba giăng, lốc, mố… có khả năng thích ứng tốt trên điều kiện địa hình gò đồi đất đai cằn cỗi, chịu hạn, chống chịu sâu bệnh tốt, tự sinh trưởng mà không cần quá nhiều sự chăm sóc, bón phân… nhưng năng suất thấp. Hiện nay các giống lúa đại trà được sử dụng như Đoàn Kết, C63, H33, 203, Khang Dân, BTE, TH 3-3, TH 3-5, Thiên Ưu 8, Thịnh Dụ… Đây là những giống lúa thuần chủng hoặc được lai tạo với các giống của Trung Quốc nhưng đều có đặc tính chống chịu tốt với sâu bệnh, chịu rét, cây cao… thích hợp với điều kiện tự nhiên vùng trung du. Hầu hết các giống lúa đều cho năng suất khá cao, từ khoảng 150 – 170 kg/sào.

Các loại hoa màu vẫn được triệt để canh tác trên mọi loại đất đai. Hiện nay, phần lớn cung cấp nhu cầu chăn nuôi trong kinh tế hộ gia đình. Ngô không chỉ được trồng trên các nương bằng, đất dốc mà còn được trồng cả ở ruộng vào vụ đông, sau 2 vụ lúa chính. Do các giống lúa mới được trồng ngắn ngày hơn, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh tốt hơn nên đảm bảo cho sự sinh trưởng của cây lúa và cho năng suất cao. Vì vậy, ngoài hai vụ lúa chiêm (tháng 1 – 4 âm lịch), lúa sớm (tháng 5 – 9 âm lịch), đồng bào kết hợp trồng thêm vụ ngô vào khoảng giữa hoặc cuối tháng 9 âm lịch để tranh thủ đất đồng thời có thêm sản phẩm cho chăn nuôi.

Sống trên vùng gò đồi, trung du, khó khăn về đất canh tác, lại thường bị rửa trôi, xói mòn nhưng người Sán Dìu khá linh hoạt trong chuyển đổi cây trồng, đảm bảo khai thác triệt để nguồn tài nguyên đất đai. Hiện nay, đối với những chân ruộng canh tác lâu năm, kém màu mỡ, không đủ chất dinh dưỡng cho cây lúa phát triển được chuyển đổi thành những vườn trồng cây ăn quả, các loại rau đặc sản… cho năng suất cao, hiệu quả kinh tế lớn, góp phần chủ đạo trong thu nhập của các hộ gia đình. Trên các nương đồi, soi bãi, hoa màu ít được trồng hơn mà phổ biến trồng chè, các loại cây ăn quả (ổi, táo, mít thái, vải, nhãn…) với hiệu quả kinh tế cao, mang lại thu nhập đều, ổn định. Mặt khác, nương đồi soi bãi của người Sán Dìu qua quá trình canh tác lâu năm cũng không còn được màu mỡ như trước do kỹ thuật chăm sóc, cải tạo đất trước đây hạn chế, thêm vào đó đất bị rửa trôi xói mòn nhiều sau các trận mưa lũ, tuy nhiên rất thích hợp với các loại cây công nghiệp hàng năm. Khi được phỏng vấn, bà Ma Thị Hiền, 50 tuổi, xóm Ao Lang, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ cho biết: “Chúng tôi chuyển sang trồng chè là cây cho thu nhập đều, hàng ngày để có tiền chi tiêu trong cuộc sống. Trồng chè hiệu quả kinh tế cao hơn trồng các loại ngô, khoai, đỗ. Hơn nữa, đất nương, soi bãi cũng không còn được màu mỡ như trước kia nữa”. Đối với 1 sào (1) chè, mỗi đợt hái cho thu nhập từ 1 – 2 triệu đồng. Trung bình 1 tháng được hái 3 đợt. Như vậy, 1 sào chè cho thu nhập hàng tháng khoảng từ 5 – 6 triệu đồng.

Xác định cây chè là cây công nghiệp chủ lực, lợi thế của vùng đất gò đồi, hiện nay chè được trồng nhiều, là cây trồng mang lại nguồn thu nhập kinh tế chính, đều đặn. Hầu hết chính quyền địa phương nơi người Sán Dìu cư trú đều định hướng và chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất chè chuyên canh, tiếp tục duy trì diện tích chè sản xuất theo quy trình VietGap; xây dựng các hợp tác xã và hình thành các tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè theo hướng hàng hóa gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chè. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá sản phẩm chè của địa phương tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh; tổ chức Không gian văn hóa trà tại lễ hội chùa Hang xuân Giáp Ngọ với 8 hợp tác xã, làng nghề tham gia.

Riêng vùng Linh Sơn (huyện Đồng Hỷ), tiếp giáp thành phố Thái Nguyên, trở thành vùng trồng rau chuyên canh tập trung, cung ứng cho toàn thành phố. Ngoài các loại rau thông thường, rau bò khai hiện nay đang trở thành đặc sản của vùng trung du miền núi. Với lợi thế địa hình, khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp cho sự phát triển của cây bò khai, đồng bào Sán Dìu tập trung phát triển các vườn bò khai mang lại hiệu quả thu nhập khá cao. Bò khai là giống cây không ưa ẩm, thích hợp ở vùng khí hậu khô, mọc nhanh, dễ chăm sóc và ít sâu bệnh, chỉ 1 năm là có thể thu hoạch được. Đối với vườn khoảng 50 gốc, trồng khoảng 2, 3 năm, thu hoạch hàng tháng cho khoảng 4 – 5 triệu đồng. Những cây trồng lâu năm khoảng 8 – 10 năm, gốc to cho thu nhập từ 15 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, Linh Sơn cũng trở thành vùng đặc sản của ổi, táo. Do tính chất thổ nhưỡng nên ổi và táo rất ngọt và ít bị sâu, mang lại thu nhập kinh tế lớn cho các hộ gia đình. Hiện nay có những hộ mở rộng diện tích trồng ổi bằng cách khai thác ở các chân ruộng. Tuy nhiên chất lượng ổi ruộng kém xa so với ổi bãi, năng suất thấp hơn, ổi không được ngọt và giòn như được trồng trên thổ nhưỡng của các soi bãi.

Chính sách giao đất giao rừng khẳng định quyền sở hữu đất rừng của đồng bào, người Sán Dìu chủ động hơn trong khai thác, đất rừng trở thành nguồn lực kinh tế quan trọng. Đất rừng hiện nay trồng chủ yếu các loại cây công nghiệp cho thu nhập kinh tế khá cao như các rừng keo Tai tượng, bạch đàn Cao sản… Những hộ gia đình có khoảng 3 – 4 ha rừng, sau 6 – 7 năm trồng keo cho doanh thu 60 – 70 triệu đồng. Đây thực sự là nguồn thu lớn từ tài nguyên rừng, một thế mạnh của đồng bào người Sán Dìu ở vùng gò đồi tỉnh Thái Nguyên.

Việc chuyển đổi giống cây trồng từ cây lương thực, cây hoa màu sang cây ăn quả, rau đặc sản, cây công nghiệp được thực hiện khoảng 10 năm trở lại đây. Đặc biệt được đầu tư phát triển mạnh theo hướng kinh doanh với quy mô lớn ở các hộ gia đình trong khoảng 3 – 4 năm gần đây, khi người Sán Dìu nhận thức được giá trị kinh tế của những loại cây trồng này mang lại. Có thể nói, việc chuyển đổi hệ thống giống cây trồng là một bước tiến lớn trong sinh kế nông nghiệp của đồng bào Sán Dìu, vừa thích ứng được với sự thay đổi của các điều kiện môi sinh, vừa thể hiện sự linh hoạt, nhạy bén với thị trường, góp phần tăng thu nhập kinh tế đáng kể, đáp ứng được nhu cầu cuộc sống.

Biến đổi về kỹ thuật canh tác

Bên cạnh việc thay đổi giống cây trồng, người Sán Dìu cũng có những thay đổi trong kỹ thuật canh tác, chăm sóc. Điều dễ nhận thấy nhất chính là sự thay đổi về nhận thức của người dân trong việc sản xuất, làm kinh tế.

Trước kia, sau những vụ gieo trồng, là thời gian nông nhàn, các thành viên cộng đồng Sán Dìu lại cùng nhau hò hẹn vui chơi, gặp gỡ, tâm tình giao lưu soọng cô. Họ tìm đến với nhau, dùng lời ca tiếng hát để cân bằng lại sau những vất vả, khó khăn của cuộc sống mưu sinh trên mảnh đất cằn cỗi chó ăn đá, gà ăn sỏi. Hạn chế về hiểu biết khoa học kỹ thuật, cùng với sự thiếu tập trung trong sản xuất, chăm sóc cây trồng nên năng suất nông nghiệp thấp, dẫn đến tình trạng thiếu đói, nghèo khó triền miên.

Do đất đai khá cằn cỗi, dễ bị rửa trôi nhưng với kinh nghiệm canh tác lâu năm đồng thời áp dụng kỹ thuật mới, bà con Sán Dìu đã rất chú trọng việc khai thác đi đôi với chăm sóc đất, đảm bảo năng suất cây trồng và tận dụng được nguồn đất quý giá. Ngày nay, ngoài việc bón phân chuồng, người dân đã biết sử dụng thêm những loại phân bón hóa học như: phân đạm, lân, kali, NPK… để cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây trồng, cải tạo độ màu mỡ cho đất.

Để phòng trừ và diệt sâu bệnh, đồng bào biết sử dụng cả thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sinh học. Hầu hết các hộ gia đình vẫn sử dụng thuốc bảo vệ hóa học. Thực hiện chương trình nông nghiệp sạch, Nhà nước và chính quyền địa phương đã mở những lớp tập huấn, tuyên truyền và vận động bà con sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ và diệt sâu bệnh. Tuy nhiên do giá thành đắt hơn so với thuốc hóa học và mô hình chưa được nhân rộng, ở các địa phương mới chỉ có vài hộ gia đình thực hiện thí điểm. Hầu hết, tập trung ở những hộ trồng chè, cây ăn quả với quy mô lớn.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, với xu hướng phát triển nông nghiệp sạch, rất nhiều hộ gia đình người Sán Dìu đã tham gia sản xuất nông sản theo quy trình VietGap. Hai sản phẩm nông nghiệp được thí điểm theo quy trình VietGap đã được thực hiện và thành công là chè và ổi, những cây trồng thế mạnh của vùng đất gò đồi nơi người Sán Dìu cư trú.

Ở các địa phương người Sán Dìu cư trú, diện tích ao hồ không còn nhiều do được chuyển đổi thành đất ruộng cấy lúa nước hoặc bồi thành đất bãi trồng các loại cây ăn quả hoặc trồng chè, rau… Nhận thức được vai trò của thủy lợi đối với sản xuất nông nghiệp nên Nhà nước và nhân dân đã có sự kết hợp xây dựng các hồ, đập chứa nước, đảm bảo nước tưới tiêu cho cây trồng. Địa bàn xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, có đập nước Tiến Bộ vừa chứa nước mưa tự nhiên, vừa bơm trực tiếp từ sông Cầu vào khi hạn hán. Xóm Bờ Tấc, xã Bàn Đạt huyện Phú Bình có đập nước Hố Rượu rộng 6 mẫu đất, cung cấp nước tưới cho các cánh đồng trong toàn xóm. Các đập nước được xây dựng bằng nguồn ngân sách của Nhà nước, trên diện tích đất của địa phương do các gia đình tự nguyện hiến đất làm đập. Hầu như gia đình nào cũng có một máy bơm để chủ động tưới tiêu hiệu quả. Nhờ đó người dân vừa tiết kiệm được thời gian chăm sóc, vừa bảo vệ được cây trồng, năng suất tăng lên đáng kể, đảm bảo nhu cầu cung cấp lương thực cho cuộc sống, giảm bớt khó khăn cho người dân.

Việc thu hoạch, bảo quản hiện nay đã sử dụng các máy móc công nghiệp (máy cày bừa, tuốt lúa, gặt, xay xát, sấy, xao chè…). Nhờ áp dụng phương pháp hiện đại vào sản xuất, người Sán Dìu đã giảm được thời gian thu hoạch, đỡ vất vả hơn, nhanh gọn và cẩn thận hơn, giảm được sự hao hụt về số lượng nông sản, việc bảo quản nông sản đảm bảo về chất lượng.

Trước năm 1986, hầu hết người dân đều đói kém, thiếu gạo triền miên và phải ăn độn ngô sắn rất nhiều. Đến nay, khi đổi mới cơ chế quản lý và kỹ thuật canh tác phát triển, năng suất lúa của họ tăng từ 2 – 3 lần. Trước đây, bình quân sào Bắc Bộ chỉ được dưới 100kg thì nay hầu hết đều đạt mức 150 – 200 kg (4,1 – 5,5 tấn/ha/vụ). Năng suất lúa tăng cao do có sự đầu tư cơ sở hạ tầng, thủy lợi đảm bảo nước tưới 2 vụ, đồng bào sử dụng giống mới, sử dụng 90% cơ giới trong sản xuất.

2. Nguyên nhân biến đổi

Tác động từ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước

Nông nghiệp là sinh kế chủ đạo của đồng bào các dân tộc thiểu số nên luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ phát triển kinh tế từ các chính sách, chương trình, dự án của Nhà nước. Cụ thể: xóm Bờ Tấc, xã Bàn Đạt, Phú Bình, Thái Nguyên – xóm đặc biệt khó khăn, 100% hộ gia đình là dân tộc Sán Dìu, nhờ nguồn vốn từ Chương trình 135 đầu tư xây dựng đường bê tông dài 1,2km, dày 16cm, tổng mức đầu tư gần 1,5 tỷ đồng vào năm 2016, đời sống của bà con đã có nhiều thay đổi. Chính quyền địa phương đã được hỗ trợ vốn vật chất theo Quyết định 755/QĐ-TTg: mua sắm nông cụ (92 hộ với tổng kinh phí là 460 triệu đồng); hỗ trợ nước sinh hoạt (108 hộ với tổng kinh phí hỗ trợ là 140,4 triệu đồng). UBND xã đã thực hiện mô hình hỗ trợ phân bón (NPK) cho cây trồng, với tổng số hộ tham gia dự án là 141 hộ dân tộc thiểu số người Sán Dìu, mức hỗ trợ trồng lúa là 120,5kg/hộ, hỗ trợ trồng chè là 280kg/hộ (2).

Chính sách cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay vốn phát triển sản xuất của chính phủ đã giúp các hộ gia đình người Sán Dìu được hỗ trợ vay vốn ngân hàng với lãi suất 0% trong thời hạn 5 năm.

Nguồn vốn này được sử dụng trong việc mua máy móc nông nghiệp như: máy xay xát, máy cày, máy tẽ ngô, chuyển giao các cây, con giống mới vào sản xuất, phát triển mô hình các trang trại sản xuất – kinh doanh tổng hợp, trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng… hiệu quả. Cơ chế vay lãi suất thấp đã tạo cho đồng bào Sán Dìu cơ hội tận dụng các nguồn tài nguyên và sức lao động sẵn có để chuyển đổi sinh kế, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Bên cạnh đó, trạm khuyến nông các huyện đều có những chương trình tập huấn miễn phí cho đồng bào khi chuyển đổi giống cây, con, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phổ biến các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, đảm bảo năng suất.

Bà con Sán Dìu được hỗ trợ, tư vấn về kỹ thuật sản xuất trong lao động nông nghiệp nên rất chủ động trong mùa vụ. Sự quan tâm của các cấp chính quyền cùng những chương trình cụ thể là động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển dịch kinh tế của đồng bào Sán Dìu.

Sự vận động của chủ thể văn hóa

Biến đổi sinh kế thể hiện sự linh hoạt, phù hợp với sự thay đổi của điều kiện sinh thái nơi cư trú: Đối với người Sán Dìu cư trú ở vùng trung du, nguồn tài nguyên đất đai vô cùng quan trọng. Khi chưa chịu áp lực về sự gia tăng dân số, nguồn vốn tự nhiên này còn khá dồi dào và đảm bảo phần lớn cho nhu cầu sinh tồn của người Sán Dìu. Tuy nhiên, qua quá trình khai thác thiếu hợp lý và hầu hết mang tính chất tước đoạt thì nguồn tài nguyên tự nhiên đã bị suy thoái đáng kể, tài nguyên động thực vật giảm sút, đất đai kém màu mỡ… Trước thực trạng đó đòi hỏi người Sán Dìu phải chủ động chuyển đổi phương thức sản xuất, thay thế bộ giống cây trồng, đổi mới kỹ thuật canh tác… để đảm bảo năng suất cây trồng, đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Mặt khác, từ sau chính sách khoán 10 và chính sách giao đất giao rừng, người dân được khẳng định quyền sở hữu đối với tài sản đất đai. Chính sách đó đã giúp phát huy tinh thần làm chủ của đồng bào, nhạy bén, chủ động trong chuyển đổi sinh kế, phù hợp với những thay đổi của các nguồn lực tự nhiên.

Địa hình gò đồi dốc thường xuyên bị rửa trôi xói mòn cùng quá trình canh tác lâu năm, đất đai bị suy giảm về độ màu mỡ, chất dinh dưỡng, các yếu tố thời tiết, khí hậu, thủy văn do sự biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Thêm vào đó là sự suy giảm diện tích đất canh tác do sức ép dân số, đòi hỏi đồng bào Sán Dìu phải nhạy bén trong chuyển đổi giống cây trồng, chuyển hướng sản xuất, đầu tư vào những cây, con giống thế mạnh, phát triển kinh tế kinh doanh, nâng cao thu nhập. Việc chuyển đổi các diện tích trồng lúa, hoa màu sang trồng cây ăn quả, rau đặc sản, trồng chè… mang lại lợi nhuận kinh tế lớn là minh chứng cho sự linh hoạt của người Sán Dìu trong ứng xử với môi trường tự nhiên.

Sự giao lưu, học hỏi giữa người Sán Dìu và các tộc người trong vùng: Thái Nguyên là tỉnh điển hình của vùng trung du, cửa ngõ tiếp giáp vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đặc điểm vị trí địa lý đó tạo điều kiện cho các thành phần dân tộc ở Thái Nguyên có sự giao lưu, tiếp xúc mạnh mẽ với người Việt vùng châu thổ. Với đặc trưng xen cư trên bản đồ phân bố tộc người, đồng bào Sán Dìu cư trú ở rẻo giữa, xen kẽ với các thành phần dân tộc khác, điển hình nhất là người Việt. Sự giao lưu kinh tế – văn hóa – xã hội đã thúc đẩy quá trình học hỏi các tri thức khoa học, sử dụng máy móc cơ giới hóa giúp giảm thiểu sức lao động con người, chuyển đổi bộ giống cây trồng, sản xuất tự cung tự cấp thay đổi theo hướng kinh doanh… Quan trọng hơn hết, nhận thức được xu thế phát triển kinh tế mạnh mẽ hiện nay, các thành viên tộc người Sán Dìu đã rất chủ động và nhạy bén trong việc thay đổi để vừa thích ứng với điều kiện lịch sử mới vừa góp phần nâng cao đời sống tộc người.

Sau đổi mới, đặc biệt là sau những năm 90 TK XX, do sự phát triển kinh tế xã hội nói chung và sự giao lưu xã hội giữa người Sán Dìu với các cộng đồng tộc người lân cận nên đời sống kinh tế của đồng bào có nhiều thay đổi. Sự chuyển đổi sinh kế của người Sán Dìu là thay đổi chiến lược sinh kế. Những chuyển biến trong sinh kế trồng trọt của người Sán Dìu vừa góp phần nâng cao thu nhập, đảm bảo cuộc sống vừa thể hiện sự nhạy bén, linh hoạt nhằm bắt kịp xu thế phát triển kinh tế chung trong bối cảnh hiện nay.

_______________

1. 1 sào Bắc Bộ = 360m²

2. Theo Báo cáo Tình hình thực hiện công tác dân tộc 10 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn xã Bàn Đạt ngày 07-10-2016.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 403, tháng 1 – 2018

Tác giả : DƯƠNG THÙY LINH – ĐẶNG THỊ KIM DUNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *