Dịch vụ gia đình ở việt nam, nhìn từ góc độ văn hóa

Trong xã hội hiện đại, sự phân công chuyên môn hóa giữa các ngành, lĩnh vực chuyên môn ngày càng sâu sắc, do đó những loại hình dịch vụ nói chung, dịch vụ gia đình nói riêng ngày càng phát triển đa dạng về hình thức và nội dung. Nghiên cứu quá trình hình thành, biến đổi, phát triển của các loại hình dịch vụ gia đình là nhiệm vụ cần thiết, góp phần thiết lập mạng dịch vụ gia đình, thúc đẩy sản xuất phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống.


1. Một số khái niệm cơ bản

Từ góc độ kinh tế, dịch vụ là những hoạt động phục vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt. Tùy theo trường hợp, dịch vụ bao gồm: một công việc ít nhiều chuyên môn hóa, việc sử dụng hẳn hay tạm thời một tài sản, việc sử dụng phối hợp một tài sản lâu bền và sản phẩm của một công việc, cho vay vốn. Do nhu cầu đa dạng tùy theo sự phân công lao động nên có nhiều loại dịch vụ: dịch vụ sản xuất, kinh doanh; dịch vụ phục vụ sinh hoạt công cộng; dịch vụ cá nhân dưới hình thức những dịch vụ gia đình; dịch vụ tinh thần dựa trên những nghiệp vụ đòi hỏi tài năng đặc biệt (hoạt động nghiên cứu, môi giới, quảng cáo); dịch vụ liên quan đến đời sống và sinh hoạt công cộng (sức khỏe, giáo dục, giải trí); dịch vụ về chỗ ở, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tác động lẫn nhau chặt chẽ…

Dịch vụ là điều kiện để phát triển sản xuất kinh doanh. Dịch vụ pháp lý, tài chính, tiền tệ, vận tải, thông tin liên lạc có vai trò rất quan trọng. Du lịch là lĩnh vực dịch vụ có ý nghĩa kinh tế lớn. Sự phát triển dịch vụ hợp lý có chất lượng cao là biểu hiện cho nền kinh tế phát triển và một xã hội văn minh. Do ý nghĩa kinh tế, xã hội to lớn, nên hoạt động dịch vụ trở thành lĩnh vực kinh tế quan trọng, có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của các quốc gia có tốc độ phát triển cao (1). Còn theo Đại từ điển tiếng Việt, dịch vụ là công việc phục vụ cho đông đảo dân chúng (cửa hàng, dịch vụ, dịch vụ ăn uống) (2).

Mặc dù có nhiều cách tiếp cận khác biệt về nội dung và quy mô của khái niệm này, nhưng có thể suy ra dịch vụ là sự phục vụ của một cá nhân hay tổ chức cho dân chúng dựa trên sự phân công lao động xã hội ở một trình độ cao. Dịch vụ là kết quả của quá trình tương tác hai chiều nằm trong một chuỗi những mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau dựa trên nền tảng của luật pháp và phong tục tập quán. Tùy theo quy mô, tính chất và đối tượng phục vụ, có thể phân chia ra các loại hình dịch vụ khác nhau: dịch vụ xã hội hay dịch vụ gia đình; dịch vụ kinh doanh sản xuất hay dịch vụ vui chơi giải trí; dịch vụ công hay dịch vụ tư; dịch vụ y tế, giáo dục hay dịch vụ pháp lý, tình cảm…

Trước Cách mạng tháng Tám 1945, khi đa số các vùng ở nước ta còn trong nền văn minh nông nghiệp, văn hóa xóm làng thì mô hình gia đình tiểu nông dựa trên cơ sở nền kinh tế tự cấp, tự túc đậm nét. Do đó, các loại hình dịch vụ nói chung và dịch vụ gia đình nói riêng còn chưa xuất hiện, hoặc chỉ mới có ở một số đô thị lớn như Hà Nội, Sài Gòn.

Từ khi Việt Nam bước vào giai đoạn đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, kết hợp với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, diện mạo đất nước đã có nhiều thay đổi. Nền kinh tế thị trường đã dần dần được triển khai ở khắp các tỉnh thành, địa phương. Xã hội ngày càng tiến tới dân chủ, bình đẳng, con người được tôn trọng, đề cao. Đặc biệt, gia đình được phát huy hết khả năng, thực sự trở thành tế bào của xã hội, đơn vị kinh tế độc lập trong hệ thống kinh tế của đất nước. Chính vì thế mà dịch vụ gia đình ngày càng phát triển.

Có thể hiểu dịch vụ gia đình là kết quả của quá trình xã hội hóa và phân công chuyên môn hóa để các cá nhân, gia đình có điều kiện sống tốt đẹp hơn, có thể phát huy hết khả năng của bản thân để cống hiến cho đất nước. Trong xã hội hiện đại, gia đình trở thành đối tượng phục vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… trên mọi phương diện, mọi nhu cầu.

2. Các loại hình dịch vụ gia đình ở nước ta hiện nay

Với trình độ phát triển của nước ta hiện nay, dịch vụ gia đình có thể phân chia thành một số loại hình cơ bản: dịch vụ công, dịch vụ sản xuất – tiêu dùng, dịch vụ y tế – giáo dục, dịch vụ văn hóa.


 

Dịch vụ công bao gồm những dịch vụ phục vụ cho con người được tiến hành bởi những cơ quan công quyền của nhà nước. Đó là những dịch vụ thuộc lĩnh vực đất đai (cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất…); xây dựng (giấy phép xây dựng, mua bán, sang tên đổi chủ bất động sản…); đăng ký quyền cư trú, tạm trú, tạm vắng, hộ khẩu, làm chứng minh nhân dân, khai sinh, khai tử, lập di chúc, nhập học vào các trường lớp trong hệ thống giáo dục quốc gia, đăng ký kết hôn và hoạt động liên quan đến tố tụng thuộc hệ thống pháp lý (xử án dân sự, hình sự, hôn nhân gia đình…). Dịch vụ công trong lĩnh vực gia đình và dịch vụ công cho toàn xã hội là những căn cứ chủ yếu để đánh giá, tìm hiểu chỉ số PAPI (chỉ số hài lòng của dân chúng đối với bộ máy công quyền). Chỉ số này thể hiện trình độ và đạo đức của bộ máy công chức, viên chức, thể hiện sự văn minh, tiến bộ xã hội.

Dịch vụ y tế – giáo dục là loại hình dịch vụ gia đình phổ biến trong xã hội hiện đại. Trong dịch vụ y tế có khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp (thẩm mỹ), tâm sinh lý, sinh đẻ có kế hoạch, phòng chống dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tham gia dịch vụ trong lĩnh vực này là những bác sĩ, nhà khoa học ở các bệnh viện (công và tư), trung tâm y tế dự phòng, viện khoa học chuyên ngành. Đặc biệt, hệ thống bác sĩ gia đình cũng là lực lượng quan trọng trực tiếp tham gia vào quá trình chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, tư vấn thường xuyên, kịp thời để phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các bệnh hiểm nghèo đúng lúc, có hiệu quả. Bác sĩ gia đình là loại hình dịch vụ gia đình tiến bộ, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và giảm bớt chi phí, thời gian, sự quá tải ở các bệnh viện. Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới, chi cho sức khỏe hàng năm ở các quốc gia chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong tổng sản phẩm thu nhập kinh tế quốc dân. Việt Nam là quốc gia đứng hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á về chi phí cho sức khỏe hàng năm với 6,6% (Singapore là 4,2%, Thái Lan là 3,9%). Nước Anh chi 9% GDP, mỗi người dân chi khoảng 1.350 bảng/năm (tương đương 150,6 tỷ bảng/năm). Mỹ chi 16,9% GDP, mỗi người dân bình quân chi 8.000 USD/năm (tương đương 250 tỷ USD/năm).

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới xem Hàn Quốc là thiên đường thẩm mỹ. Hàng năm, hơn 4.000 trung tâm dịch vụ thẩm mỹ trên khắp đất nước này phục vụ khoảng 650.000 người với chi phí trên 50 tỷ USD. Riêng thủ đô Seoul phục vụ 60.000 người/năm.

Nhu cầu được học tập một cách bài bản, hệ thống, theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế ở nước ta cũng phát triển rất mạnh trong những năm gần đây. Dân số Việt Nam hiện nay trên 92 triệu người, với trên 21,5 triệu người đang trong độ tuổi đi học. Đây là một thị trường to lớn thu hút sự chú ý đầu tư của các quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực kinh tế và giáo dục đào tạo. Hiện nay, nước ta có trên 110.000 học sinh, sinh viên đang theo học ở trên 40 quốc gia trên thế giới và các gia đình phải chi trên 3 tỷ USD/năm cho con em đang học ở nước ngoài. Đó là một khoản chi tiêu lớn, tương đương với lượng ngoại tệ chúng ta thu được hàng năm từ xuất khẩu lúa, gạo. Nếu dịch vụ giáo dục gia đình được củng cố, phát triển kịp thời thì sẽ hỗ trợ cho hệ thống giáo dục quốc gia, để chẳng những phục vụ cho người Việt Nam, mà còn thu hút các du học sinh quốc tế đến học tập ở nước ta. Dịch vụ giáo dục gia đình hình thành một cách có kế hoạch sẽ nâng cao chất lượng đào tạo, ngăn chặn được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, khó kiểm soát, đồng thời nâng cao uy tín của các thày, cô giáo. Trong năm 2015, 2016, các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Pháp, Nhật… đã quyết định mở trường ở Việt Nam và tham gia vào quá trình dịch vụ giáo dục.


 Dịch vụ y tế gia đình. Ảnh internet 

Trong môi trường kinh tế thị trường đang phát triển mạnh mẽ ở nước ta hiện nay, vị trí của mỗi gia đình (hoặc một nhóm gia đình) ngày càng được khẳng định là một đơn vị kinh tế tương đối độc lập. Hơn 20 triệu gia đình ở Việt Nam hiện nay là một thị trường rộng lớn, với những nhu cầu lớn và đa dạng trong dịch vụ kinh tế, tiêu dùng. Những gia đình chuyên sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp rất cần dịch vụ về giống cây trồng, vật nuôi, nguồn thức ăn cho gia súc, thuốc trừ sâu, bảo quản chế biến sau thu hoạch, xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm với các thị trường khu vực và quốc tế. Những gia đình hoạt động trong lĩnh vực công, thương nghiệp cần dịch vụ về thị trường, nguyên, nhiên liệu, kỹ thuật công nghệ để không ngừng cải tiến nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả sản xuất. Các công ty gia đình (hoặc một số gia đình có điều kiện) luôn quan tâm đến những loại hình dịch vụ bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm con người…). Những dịch vụ nguồn nhân lực lao động, việc làm, xuất khẩu lao động, cùng những dịch vụ tài chính, tiền tệ, ngân hàng là một thị trường lớn giúp cho nhiều công ty có thể hoạt động có hiệu quả.

Do áp lực của công việc chuyên môn và tốc độ phát triển kinh tế đô thị hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực giúp việc gia đình ngày càng lớn. Nhiều gia đình muốn chăm sóc cho trẻ em và người cao tuổi một cách tốt nhất. Hiện nay, thị trường nhân lực giúp việc ở nước ta đang bỏ ngỏ cho các gia đình tự giao dịch, tìm kiếm. Cũng có một số công ty môi giới việc làm tham gia vào lĩnh vực này nhưng không mang tính chuyên nghiệp, mà lại có tư tưởng làm ăn chộp giật. Chính vì thế mà thị trường này chưa phát huy hết tác dụng với sự ổn định gia đình, đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh, an toàn cho cả hai bên. Có nhiều trường hợp người giúp việc gia đình bị thiệt thòi về kinh tế, thậm chí bị hành hung, bạo lực.

Những dịch vụ gia đình trong lĩnh vực tiêu dùng, mua bán, sắm sửa vật tư xây dựng, đồ nội thất, trang phục, thực phẩm cũng là một thị trường sôi động. Nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ, ngày nay mọi gia đình có thể mua bán các mặt hàng qua mạng. Họ cũng có thể lắp đặt hệ thống camera an ninh để theo dõi tất cả các hoạt động của nhân viên trong khuôn viên sản xuất và sinh hoạt của gia đình. Chủ nhân các gia đình có thể tham khảo giá cả, chất lượng và lựa chọn được những dịch vụ hoàn hảo, như ý.

Dịch vụ gia đình về văn hóa là một trong những loại hình dịch vụ gia đình phát triển nhất hiện nay. Dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí phát triển mạnh mẽ ở mọi vùng, miền trên đất nước. Nhờ sự kết nối qua mạng ngày càng trở nên phổ biến và tiện lợi mà các công ty du lịch có thể trực tiếp hướng dẫn, tư vấn về những tour đa dạng, đáp ứng nhu cầu của mọi gia đình trong xã hội. Nhiều gia đình, kể cả ở miền núi hoặc hải đảo cũng có thể tham gia vào chuỗi dịch vụ du lịch trực tiếp với các gia đình khác trên mọi miền đất nước để phục vụ việc ăn, ngủ, tham quan cho khách du lịch theo một kế hoạch chủ động.

Trong xã hội hiện đại, nhất là ở khu vực đô thị, nhiều quan niệm xưa cũ và một số phong tục tập quán đã có những thay đổi đáng kể. Ở cuộc sống làng xã trước kia, khi gia đình nào có việc quan trọng như sinh nhật, mừng thọ, đám cưới, đám tang thì toàn thể các gia đình trong họ, ngoài làng đều phải tham gia chia sẻ vui, buồn, coi đây là nghĩa vụ, trách nhiệm. Phong tục trả nợ miệng ở làng quê trước đây là một hình thức bảo hiểm xã hội hoặc có thể được coi là một cách tiết kiệm của người xưa để có thể thực hiện được những việc lớn lao của gia đình mà không cần phải cố gắng lo trong một lúc, vì đã có sự hỗ trợ từ phía cộng đồng dân cư, họ hàng, làng mạc.

Nhưng việc tổ chức cưới hỏi, tang ma ở đô thị hiện nay lại được thực hiện theo cách hoàn toàn khác. Đám cưới ở các đô thị thường tổ chức ở khách sạn, nhà hàng, hoặc thuê người đến nhà nấu nướng, phục vụ. Còn đám tang thường được tổ chức ở nhà tang lễ của các bệnh viện hoặc của thành phố. Điều đó có nghĩa những mối quan hệ huyết thống hoặc xóm làng vẫn còn nhưng đã mờ nhạt, mỗi gia đình tự lo liệu tùy theo hoàn cảnh của mình. Dịch vụ gia đình trong nghi lễ vòng đời của một con người từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành, cưới xin, lên lão đến ma chay, cầu cúng… đều có các công ty dịch vụ đảm nhận. Cách tổ chức này làm chúng ta đôi lúc cũng cảm thấy buồn vì sự hiện diện của họ hàng, người thân, xóm làng không được đông đủ như xưa và nghi lễ dường như ngày càng đơn giản hơn. Tuy nhiên, đó cũng lại là con đường để tiến lên xã hội văn minh, tiến bộ. Tình yêu, hạnh phúc, đạo đức, sự hiếu thảo vẫn được thể hiện, chỉ có điều là nó đơn giản hơn, không cầu kỳ và tốn kém như xưa. Dịch vụ gia đình ở các đô thị về mặt nghi lễ, phong tục, tập quán là một nét đặc trưng, nhu cầu đặc biệt không thể thiếu.

3. Những yếu tố tác động đến dịch vụ gia đình

Các loại hình dịch vụ gia đình ở nước ta hiện nay đang phát triển dần từ trình độ tự phát, mang đậm yếu tố tình cảm sang trình độ có tổ chức nhất định, mang đậm yếu tố kinh tế. Về bản chất, đây chính là mối quan hệ tương tác hai chiều (hoặc đa chiều) giữa một bên có nhu cầu dịch vụ và một bên có khả năng đáp ứng dịch vụ.

Có thể nhận thấy dịch vụ gia đình dù ở loại hình nào thì cũng là những hợp đồng kinh tế. Vì vậy, các loại hình dịch vụ gia đình luôn luôn chịu sự tác động của những yếu tố: sự phát triển kinh tế, xã hội; luật pháp, phong tục tập quán; đạo đức; khoa học, công nghệ.


 

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa đã góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển, từng bước phá vỡ cấu trúc của gia đình tiểu nông truyền thống, dần dần hình thành tầng lớp thị dân với mô hình gia đình hạt nhân 2 thế hệ là chủ yếu. Song song với sự phát triển kinh tế ngày càng cao, sự phát triển xã hội cũng đạt đến trình độ nhất định, làm cho thế hệ trẻ ngày nay thay đổi nhận thức. Họ nhận thức được rằng gia đình là tế bào của xã hội, cần phải tương tác, trao đổi thì tế bào gia đình mới có thể phát triển được.

Để cho những dịch vụ gia đình đi vào cuộc sống, ngày càng trở nên rõ ràng, bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi bên đều được thực hiện tốt thì hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách cho những dịch vụ đó phải được xây dựng, ngày càng hoàn thiện. Hơn nữa, hệ thống cơ chế chính sách cũng cần phải được cụ thể hóa và minh bạch hóa để luật pháp có thể đi vào cuộc sống. Do nước ta là nước phương Đông, trọng nghĩa, hay nể nang, tâm lý nông dân còn đậm nét, đồng thời những yếu tố về tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc cũng chi phối, tác động đến các loại hình dịch vụ gia đình, nên những dịch vụ này thường thiên về tình cảm chứ không nặng về pháp lý, có thể có tranh chấp xảy ra và thường mang lại thiệt thòi cho phía người lao động.

Yếu tố đạo đức, mà biểu hiện rõ nét nhất là nhân cách con người, cũng tác động không nhỏ tới các loại hình dịch vụ gia đình. Vì dịch vụ là thỏa thuận, hợp đồng giữa 2 bên nên mỗi bên đều phải có trách nhiệm hoàn thành những điều đã cam kết. Những cam kết đó chỉ được thực hiện tốt khi mọi người đều phải có đạo đức, lòng trung thực, tôn trọng đối tác và phẩm giá của mình. Có lòng tự trọng, coi đối tác như chính người thân của mình, đồng thời coi sự thành đạt của đối tác là một phần quan trọng trong công việc của mình thì mâu thuẫn, tranh chấp mới không thể xảy ra.

Cuối cùng, toàn cầu hóa và sự phát triển của khoa học, công nghệ ngày càng trở thành yếu tố quan trọng tác động tới các loại hình dịch vụ gia đình. Từ khi tham gia vào toàn cầu hóa, nhận thức của đa số các bạn trẻ về vấn đề gia đình và dịch vụ gia đình đã thay đổi. Họ có thêm hiểu biết, thông tin và mô hình để tham khảo, nghiên cứu học tập, thực hiện. Hơn nữa, sự phát triển của khoa học, công nghệ và điện tử viễn thông làm cho các thành viên trong xã hội dần xích lại gần nhau hơn. Từ bữa ăn, giấc ngủ, quần áo, nhà cửa, đi lại đến những phương tiện sinh hoạt gia đình và nhu cầu tinh thần, vui chơi giải trí, học tập, tư vấn, chia sẻ tình cảm… đều có thể được phục vụ chu đáo, đều có mặt của yếu tố khoa học, công nghệ. Ranh giới giữa các gia đình với hệ thống dịch vụ gia đình trên quy mô quốc gia và quốc tế dường như đang bị xóa nhòa. Dịch vụ gia đình vượt qua các rào cản, xuyên quốc gia, có thể kết nối với từng gia đình, trên các lĩnh vực làm cho mọi nhu cầu đều được đáp ứng bất kỳ lúc nào. Đó là một bước tiến lớn lao của xã hội, dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ hiện đại.

Dịch vụ gia đình phát triển mạnh mẽ về quy mô và loại hình là một tất yếu khách quan, không thể đảo ngược. Các loại hình dịch vụ gia đình ở nước ta đã và đang giúp cho sinh hoạt gia đình ngày càng trở nên thuận tiện, hiệu quả. Trong xu thế toàn cầu hóa, hiện nay Việt Nam đã gia nhập WTO, tham gia FTA và là thành viên sáng lập TPP. Thị trường dịch vụ gia đình ở nước ta có nhiều cơ hội để phát triển, nhưng yếu tố cạnh tranh ngày càng gay gắt ở lĩnh vực này cũng đã bắt đầu. Vì thế, muốn hội nhập cùng khu vực và thế giới, để các loại hình dịch vụ gia đình trở nên hữu ích, tiện dụng đối với mọi nhà, cần phải quan tâm hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, hạ tầng xã hội. Bên cạnh đó, phải tư vấn cho thế hệ trẻ những nguyên tắc đạo đức trong quá trình tham gia vào chuỗi dịch vụ gia đình. Như vậy, các loại hình dịch vụ gia đình mới phát huy hết tác dụng và trở thành động lực không ngừng nâng cao chất lượng sống cho gia đình Việt Nam.

_______________

1. Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 1, Hà Nội, 1995, tr.672.

2. Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia, TP.HCM, 2011, tr.418.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016

Tác giả : PHẠM NGỌC TRUNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *